THƠ BÍCH KHÊ
MẤY DÒNG THƠ CŨ
LỜI DẪN - Như nhiều người đã biết, Bích Khê ban đầu
sáng tác theo các thể thơ truyền thống; nhiều bài đã đăng báo. Tuy vậy, chưa ai
biết rõ phần sáng tác này đã được tác giả sắp xếp thành tập hay chưa, dung lượng
ra sao. Trong sưu tập Thơ Bích Khê (Chế Lan Viên, Hà Giao, Nguyễn
Thanh Mừng sưu tầm biên soạn, Sở VHTT Nghĩa Bình xb., 1988) có 7 bài loại này,
được tập hợp dưới tên gọi Mấy dòng thơ cũ. Gần đây, trong dịp chuẩn bị kỷ
niệm 100 năm sinh Bích Khê, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đọc lại sưu tập báo
“Tiếng dân” và tìm được 6 bài thơ Bích Khê, trong đó 2 bài trùng với 2 bài đã
có trong gọi Mấy dòng thơ cũ của tập Thơ Bích Khê (Nghĩa
Bình, 1988) kể trên. Đó có lẽ là tất cả những gì thuộc số tác phẩm viết theo
các thể thơ cổ của Bích Khê hiện còn giữ được.
Dưới
đây, lấy lại nhan đề Mấy dòng thơ cũ, Ban biên soạn tập hợp tất cả các bài
đã có ở hai nguồn kể trên; những câu chữ dị biệt sẽ được ghi chú ở cuối mỗi bài
thơ.
Hy
vọng là sau này sẽ có thể tìm thêm được những sáng tác của Bích Khê thuộc thời
kỳ làm thơ cũ, bởi, theo các nguồn hồi ức của người thân, Bích Khê đã viết trên
dưới một trăm bài thơ thuộc các thể cổ truyền.
BAN
BIÊN SOẠN
NGUYỄN HUỆ
Đáng mặt anh hùng giữa bể đông
Đánh tan quân Mãn khiếp oai rồng
Sông Hà đượm máu thây ngang dọc
Tướng Nghị kinh hồn chạy tứ tung
Đất Bắc quyết toàn châu Lưỡng Quảng
Trời Nam còn tạc chuyện Quang Trung
Hai bàn tay trắng làm nên thế
Tiếng ngụy mang oan có tức không?…
Nguồn: Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) tr. 33.
Chú thích:
Câu 3: Sông Hà: sông Nhị Hà, tức sông Hồng
Câu 4: Tướng Nghị: Tôn Sĩ Nghị, tướng nhà Thanh cầm đầu đoàn
quân xâm lược nước ta, bị thất bại bởi các trận chiến của quân ta do vua Quang
Trung chỉ huy.
ĐÈO HẢI VÂN
Bước tới đèo Vân cảnh vắng teo
Rõ ràng trước mắt bức tranh treo
Một vùng bể cả cơn triều dậy
Đôi cụm rừng sâu tiếng gió reo
Đường sắt xe quanh còi dậy đất
Đầu non ác lặn bóng nghiêng đèo
Xung quanh phong cảnh mình trơ trọi
Văng vẳng lừng xa giọng cuốc kêu
Cuốc kêu văng vẳng ở đâu đâu
Trời nước mênh mông lẫn một màu
Thành cổ rêu phong sương nhuộm đá
Bia xanh chữ lợt súng trơ đầu
Đường đời thành bại chòm mây bạc
Tiến cử anh hùng ngọn gió lau
Nhìn cảnh nước non non nước ấy
Ngàn xưa dâu bể chạnh lòng đau…
Nguồn: Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) tr. 33-34.
ĐĂNG
LÂM
Hoa
cỏ bốn mùa thay đổi tiết
Ngàn
năm còn mãi cụm cây xanh
Cheo
leo lắt lẻo đèo treo quán
Róc
rách đìu hiu nước xuống gành
Gió thốc rừng mai bông dã dượi
Mưa thêu làn nắng chỉ mong manh
Mục tử năm ba tiêu thổi điệu
Nắng vàng cao thấp núi rung rinh…
Nguồn:
Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) tr. 34
TIẾT MÙNG NĂM THÁNG NĂM
Đoan dương tục lệ ấy ai bày?
Này điệu Ly Tao khúc hát hay.
Mảnh đá sông Tương chìm đáy nước,
Ngàn thu dân Sở viếng hồn ngay.
Đau thương mấy bác con trời nhỉ!
Mắc mớ chi người nước Việt đây?
Chén rượu xương bồ say dở tỉnh,
Ngậm ngùi riêng những cảm cho ai…
Nguồn: Tiếng dân, Huế, s. 929 (2 Juillet 1936), tr. 1.
CÙNG BẠN CHƠI NGŨ HÀNH SƠN, QUẢNG NAM
Đứng riêng năm nụ một trời con,
Núi thấp mà danh khắp xứ đồn.
Vọng Hải đền cao mây sóng tỏa,
Huyền Không động vắng gió trăng lòn.
Ghi tình non nước thơ đề đá,
Mơ cảnh Hoa Nghiêm mộng gởi hồn.
Viếng khắp danh lâm cùng trở gót,
Chuyện xưa “trở giá” vẫn đương dòn. (1)...
Nguồn: Tiếng dân, Huế, s. 937 (23 Juillet 1936), tr. 1.
Chú thích:
(1) Chuyện cụ Phan Thanh Giản cản vua Minh Mạng (nguyên
chú của tác giả Bích Khê)
VỀ
THU XÀ CẢM TÁC
Phố
phường hai dãy đứng trơ trơ
Phong
cảnh nhìn xem đã khác xưa
Chợ
búa lăng xăng tôm cá thịt
Điếm đàng xông xáo sớm chiều trưa
Thần tiền đâu vắng khoanh tay ngó
Ma đói nên ghê đứng cửa chờ
Phần thuế xâu phần công nợ nữa
Thăm quê khiến khách rối lòng tơ!...
BÀI HÁT XUÂN CỦA NÀNG THƠ
Nàng Thơ thấy chúa Xuân ra,
Muôn tình ngàn tứ bỗng ngà ngà say.
Mặt đối mặt, tay cầm tay,
Miệng cười hoa nở, hát ngay một bài.
HÁT RẰNG:
Sông Hương chi sóng dợn,
Núi Ngự chi mây vần.
Đất Thần kinh là đất văn nhân,
Cảnh xuân sắc bút tinh thần rồng phụng múa.
Xuân chín chục xuân chung trong vũ trụ,
Khắp đông tây nam bắc đủ màu xuân;
Cái xuân chung nào có ai ngăn,
Sao kẻ Việt người Tần tươi ủ khác?
Xuân non nước cỏ hoa thay cảnh sắc,
Đường canh tân chung bước sánh năm châu.
Xuân thanh niên tằm dũ sạch ơn dâu,
Bầy quỷ tục lũ ma sầu xua chạy tít.
Xuân như thế mới là xuân phải tiết,
Xúm nhau ta kéo riết xuân vào.
Giá đời xuân tột bực thanh cao,
Bồi đắp mãi nền xuân cho vững chãi.
Hồng lạc sơn hà xuân bất cải,
Giống Rồng Tiên đi lại thưởng xuân chung,
Quốc trung hà nhật bất xuân phong…
Nguồn: Tiếng dân, Huế, s. 871 (13 Février 1936), tr. 1.
ĐÊM KHUYA NGHE CHUÔNG… (1)
Đêm khuya giấc điệp mơ màng,
Nghe chuông sực tỉnh một tràng mộng xuân.
Trớ trêu cho khách phong trần,
Nghe chuông đối cảnh tinh thần ngẩn ngơ…
Chuông đâu thánh thót,
Giữa đêm trường như đem rót vào tai.
Chuông càng ngân, tiếng càng dổi, hơi càng dài, (2)
Mường tượng khúc Bồng Lai thiên nhạc phách…
Hoán khởi mê tân thuyền thượng khách,
Tỉnh hồi trường giạ mộng trung nhân.
Bóng yên hoa, (3) màu khiêu vũ, mây phú quý, bả phù
vân,
Tiếng linh động trong ngần thiên vạn cổ.
Riêng tớ những chứa chan bầu thống khổ,
Đá phong trần còn hổ với ba sanh, (4)
Mộng giang hồ bay bổng tận mây xanh.
Nghe tiếng dội luống ngầm quanh về non nước, (5)
Đêm dài dặc ấy ai người giậy trước, (6)
Nắm chày kình dõng dược giộng cho kêu. (7)
May ra người tỉnh thức đều…
Nguồn:
- Tiếng dân, Huế, s. 906 (7 Mai 1936), tr. 1.
- Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) tr. 35-36
Khảo dị
(1) Ở sách Thơ Bích Khê (Thơ BK, 1988) nhan đề chỉ gồm 2 từ
“Nghe chuông”
(2) Giọng càng ngân, tiếng càng dội, hơi càng dài (Thơ BK,
1988)
(3) Bóng yêu hoa (Thơ BK, 1988)
(4) Đã phong trần còn hổ với ba sinh (Thơ BK, 1988)
(5) Nghe tiếng dội rồi trở quanh về non nước (Thơ BK, 1988)
(6) ai người tỉnh trước (Thơ BK, 1988)
(7) dõng dượt động cho kêu (Thơ BK, 1988)
BÁN SẦU
Sầu
đâu sầu lạ sầu lùng
Sầu
theo lẽo đẽo ngàn trùng cũng theo
Bán
sầu chi đó tệ
Xưa
đã từng có kẻ bán hoàng thiên
Người
bán trời không chứng mới là phiền
Còn
tôi bán hàng sầu tiền chẳng lấy
Sầu
nhấm ma men, men khó tẩy
Sầu
mời thần ngủ, ngủ không ngon
Này
sầu hoa sầu cỏ sầu núi sầu non
Sầu
tất thảy bà con say tỉnh dở
Chưa
nói đến tớ sầu vì tớ
Bôn
ba mà vỡ lỡ nét tang thương
Ma
dắt lối quỷ đưa đường
Sầu
đây đó sầu vương chằng chịt mãi
Tôi
muốn bán hàng sầu không vốn lãi
Khỏe
tinh thần hầu tính lại cuộc trăm năm
Để
sầu thêm rối ruột tằm…
Nguồn:
- Tiếng dân [chưa tìm được số báo đăng bài này]
- Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988) tr. 36
BÁN THI (1)
Năm trên tôi có bài rao “bán sầu” được một ít anh em mua cho,
nói cho phải, món hàng không đến ế. Hiện món sầu bán đã gần hết, lục trong cái
kho “não” lại còn món hàng “thi”, cả cũ cả mới cũng khá nhiều. Nay tôi muốn bán
nốt món […] (a) đến, xin tính giá rất rẻ và các nhà đại lý xin biếu
cả 99%. Vậy có bài hát rao:
Năm trên (2) tớ đã bán “sầu”,
Món hàng khá đắt khách cầu khách mua.
Còn món “thi” cũng của chua, (3)
Khách nào có thích, tớ cũng bán đùa làm quen.
Sầu đã bán thôi thi cùng bán nốt,
Mối thi sầu không cột lại làm chi.
Kìa như than, như khóc, như túy, như si, (4)
Nào giọng đờn ai oán, nào giọt lệ lâm ly, (5)
Rồng vẽ, lối xưa toàn những sáo,
Cua bò, thi mới chẳng thành câu. (7)
Cũng rung đùi xưng Lý, Đỗ, Hàn, Tô,
Rõ bát xáo cổi quần mò không thấy cái.
Tớ trót đã cùng mang bệnh dại,
Từ nay toan đem bán lại cho đời. (8)
Khách làng thi ai cần đến đồ chơi, (9)
Tớ bán rẻ không lời và cho cả vốn. (10)
Đời tranh cạnh xen thi vào càng lộn xộn,
Chẳng ích chi thêm hao tổn lòng người.
Để công phấn đấu với đời. (b)
Nguồn:
- Tiếng dân, Huế, s. 954 (1er Septembre 1936), tr. 2.
- Thơ Bích Khê (Nghĩa Bình, 1988), tr. 36-37
Chú thích:
(a) Chỗ này báo rách, mất 1 dòng, chừng 9-10 từ.
(b) Bài này đăng báo Tiếng dân đã gây nên một cuộc bút chiến
nho nhỏ dưới dạng họa đáp bằng thơ (xem trong phần dư luận về thơ Bích Khê trước
1945)
Khảo dị:
(1) Bán thơ (Thơ BK, 1988)
(2) Hôm xưa (Thơ BK, 1988)
(3) Còn món thi vẫn của chua (Thơ BK, 1988)
(4) Kìa như đau, như khổ, như oán, như si (Thơ BK, 1988)
(5) Nào giọng đờn ai oán, nào giọt lệ lâm ly (Tiếng dân,
1936)
Nào giọng đàn ai oán, giọt lệ thương
bi (Thơ BK, 1988)
(6) Kết cuộc lại “mốc xì” gì đâu ráo (Thơ BK, 1988)
(7) Cua bò, thơ mới chả nên câu (Thơ BK, 1988)
(8) Từ nay xin đem bán lại cho đời (Thơ BK, 1988)
(9) Khách làng thơ ai cần đến đồ chơi (Thơ BK, 1988)
(10) Tớ bán rẻ không lời và cho cả vốn (Tiếng dân, 1936)
Tớ xin bán, không lời cả vốn
(Thơ BK, 1988)
GIÀU VĂN
Ông có nghèo tiền mặc kệ ông,
Ông giàu bạc vạn mớ văn ngông.
Dồn vô một mớ no đầy bụng,
Dùng đến ngàn thu cũng chả lưng.
Mốc nhỉ, phơi cho thiên hạ thấy,
Hứng lên, xổ hết vạn người trông.
Còn gì dám bảo ông nghèo nhỉ ?
Phụng múa oanh ca cắc cắc tùng! (1)…
Nguồn:
Tiếng dân, Huế, s. 1442 (23 Décembre 1939), tr. 1
Chú thích:
(1) Bài này đăng Tiếng dân cuối năm 1939; điều đáng
chú ý là ngay bên dưới bài này, tòa soạn cho đăng bài thơ Ngông của
Thanh Trúc họa lại bài trên. Có thể đoán là tòa soạn Tiếng dân dị ứng
với khẩu khí bài thơ của Bích Khê nên đã đưa cho một ai đó đọc và làm bài đáp
mang tính bút chiến, để đăng ngay cùng trang với bài thơ của Bích Khê. Đây có lẽ
là bài thơ cuối cùng Bích Khê đưa đăng báo Tiếng dân. (xem bài họa đáp
trong phần dư luận về thơ Bích Khê trước 1945 trong sách này)
THƠ MỚI BÍCH KHÊ
đăng TIỂU
THUYẾT THỨ NĂM
LỜI DẪN - Trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ Năm” xuất
bản ở Hà Nội, chúng tôi thấy có đăng một số bài thơ ký tên Mộng Thu hoặc Lê Mộng
Thu hoặc Bích Khê Lê Mộng Thu. Có bài sẽ có mặt trong tập “Tinh huyết” khi ấy
đang đưa in tại nhà in Thụy Ký, 98 Hàng Gai, Hà Nội, tuy về câu chữ có đôi chút
khác biệt. Lại cũng có những bài không thấy có trong tập thơ ấy. Dưới đây là
các bài thơ kể trên. Tiếc rằng sưu tập báo cũ “Tiểu thuyết thứ Năm” hiện thiếu
khá nhiều nên ở đây chỉ có được 5 bài. Xin cảm ơn nhà thơ Anh Chi đã cho chúng
tôi tham khảo sưu tập các số “Tiểu thuyết thứ Năm” anh hiện có. - BAN BIÊN SOẠN
TRỐNG GIAO THỪA
Từng hồi trống… vang âm từng hồi trống…
Nện trong sương những tiếng vọng oai nghiêm.
Hương trầm bay quyện hương hoa bát ngát,
Mọi người đều bỏ dở giấc mơ tiên.
Tiếng pháo nổ, nổ từng tràng liên tiếp,
Hoa đào cười trong khói nhẹ giăng tơ,
Giờ phút ấy Nàng Xuân vừa lướt đến,
Mang trên đôi cánh trắng vạn lời thơ.
MỘNG
THU
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 19, số Giao Thừa (9
Février 1939), tr. 30
HOÀNG HOA
Chưa bao giờ, các bạn mến thơ yêu thơ đã được vừa lòng, đã được
say sưa như bây giờ, khi giở những trang thân yêu của tờ báo thân yêu này, nó
đã lần lượt trình bầy không biết bao nhiêu là tác phẩm giá trị:
Những
vần mơ màng của Quỳnh Dao, những vần nhẹ nhàng của Anh Thơ, những vần trong
sáng của Đỗ Huy Nhiệm,
Những vần diễm ảo của Thanh Tịnh,
Những vần thành thực và giản dị của Nguyễn Bính, Phạm Quang
Hòa, tha thiết của Lê Thanh Xuyên,
Những vần dồi dào và huyền diệu của Xuân Khai,
Những vần đầy mộng ảnh đầy âm nhạc của Yến Lan (Yến Lan, ôi,
trần đời làm gì có hai Yến Lan!)
Và những vần đặc biệt của Tchya, của Phạm Huy Thông, của Lưu
Trọng Lư…
Mới đây, các bạn đã được say sưa, càng được say sưa hơn, khi
nghe được tiếng đàn TỲ BÀ thần ảo ấy.
Hãy im! Tác giả TỲ BÀ, ông Bích Khê Lê Mộng Thu sắp cho ta
nghe hai khúc đàn nữa, nó cũng như khúc TỲ BÀ rất êm rất nhẹ, có lẽ êm quá nhẹ
quá.
Khúc HOÀNG HOA và khúc NGHÊ THƯỜNG!
NGHÊ THƯỜNG (đăng số sau) (1) sẽ mời các bạn, trong
một đêm trăng ngời những châu báu ngọc ngà, cùng Nàng Thơ nhịp nhàng lên chơi
trên cung Hằng, xem nàng Xuân Hương ngực để trần và xem khúc Nghê Thường của
muôn Ngọc Nữ.
Nhưng
hãy để những nàng Ngọc Nữ trên tiên cung đấy! Kỳ này, các bạn hãy theo khúc
HOÀNG HOA, đưa tâm hồn đến với những người chinh phụ đang trông chồng nơi “ngàn
khơi” kia!
Chiều đã xuống. Ta hãy lắng nghe…
LÊ
TRÀNG KIỀU
Chiều đi trên đồi êm như tơ,
Chiều đi trong người êm như mơ,
Lam nhung ô! màu ngưng lưng trời,
Xanh nhung ô! màu phơi nơi nơi…
Vàng phai nằm im ôm non gầy,
Chim Yên eo mình nương xương cây,
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa;
Đông nam mây đùn nơi thành xa…
Oanh già theo Quyên: quên tin chàng!
Đào theo Phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi,
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi.
Theo chàng ta làm con chim Uyên…
Làm mây theo chàng bên nhung yên…
Chàng ơi! Hồn say trong mơ màng,
− Hồn ta? Hay là hồn tình lang?
Bên kia, Hàm Dương; đây, Tiêu Tương,
Tơ lòng nâng cao lên mành Dương!
Nay hoàng hôn rồi mai hôn hoàng,
Trông gương buồn dơ cho dong nhan!
Non Yên tên bay ngang muôn đầu…
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
− Ai xây bờ oan trên xương người?!
− Ai xây mồ hoa chôn xuân tươi?!
Kính tặng Đ. Thị Điểm
Bích
Khê LÊ MỘNG THU
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 30, số Lính thủy II (11 Mai 1939), tr. 4.
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 30, số Lính thủy II (11 Mai 1939), tr. 4.
Chú thích:
(1) Số tiếp theo số 30 này, tức là Tiểu thuyết
thứ Năm số 31, ra ngày 18/5/1939, hiện chưa tìm được văn bản; qua bài bình
của Lê Tràng Kiều, ta biết các bài Tỳ bà, Nghê thường của Bích Khê đều
đăng tuần báo Tiểu thuyết thứ Năm.
THU
THU
Này thu rung trong nắng!
Này thu khóc trong đêm!
Và này, dưới xanh êm,
Thu buồn bên khóm liễu.
Ai có nghe âm điệu
Trong cành ngập vàng tươi?
Ai có nghe lả lơi
Lẻn vào cung trăng bạc?
Tôi muốn nghe đôi mắt
Chứa cả một hồ thu
Trong chiều thu êm ái:
Đôi bút đào mềm mại
Vẫy lệ trên giòng thơ!
LÊ
MỘNG THU
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 32 (25 Mai 1939), tr.
11.
THU
Say khướt hơi thu. Trong nắng dịu
Chiều tà, lá rụng bến sông yêu;
Mơ màng thấy dạng người nhi nữ,
Buồn mác bên hoa lệ nhỏ đều!
LÊ
MỘNG THU
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 37 (29 Juin 1939), tr.
11.
GIÓ LẠNH
Ồ
nhỉ! Hôm nay gió lạnh lòng,
Lá
vàng rơi rụng ở bên song,
Cái
gì khẽ động trong không khí,
Hay
chút buồn mơ lẫn nhớ mong?
Một trời thu lạnh trong lòng tôi,
Dìu
dặt đưa hơi gió lướt đồi,
Khiến
cả người run theo ánh tuyết,
Của
làn thi tứ: phút chơi vơi!
Gì nghe rạo rực? Lệ chia đôi.
Sắp
nói, ô kìa… sao im thôi?
Hay
bởi ngoài song vàng rụng mãi
Trời
thu rớm lệ, bạn lòng ơi!
Bích
Khê LÊ MỘNG THU
Nguồn: Tiểu thuyết thứ Năm, Hà Nội, s. 38 (6 Juillet 1939), tr.
11.
TINH HUYẾT
LỜI DẪN - Tinh huyết là tập thơ duy nhất xuất bản
trong sinh thời tác giả Bích Khê. Người đứng ra xuất bản là Trọng Miên, một
trong những người bạn của tác giả. Đây là một cuốn sách gồm 104 trang 21x16 cm,
in xong ngày 30 Decembre 1939 tại nhà in Thụy Ký, 98 phố Hàng Gai, Hà Nội. Đầu
sách có bài tựa “Bích Khê, thi sĩ thần linh” của Hàn Mặc Tử; cuối
sách có bài “Bạt” của Trọng Miên. Phần thơ trong tập này của Bích Khê được sắp
xếp trong 4 phần: Nhạc và Lệ; Đẹp và Dâm; Cuồng và Ánh Sáng; Châu. Dưới
đây in lại các bài thơ trong tập đúng như văn bản và cách sắp xếp trong cuốn Tinh
huyết in lần đầu ấy. Bài tựa của Hàn Mặc Tử và bài bạt của Trọng Miên sẽ
đưa xuống phần dư luận về thơ Bích Khê, sắp xếp theo thời gian.
BAN BIÊN SOẠN
NHẠC VÀ LỆ
Tặng Hàn Mặc Tử
MỘNG CẦM CA
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Đây dạ lan hương đây đỉnh trầm hương;
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
- Hồn xạ hương phơ phất ở trong sương.
Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa... Ngọc Kiều ơi!
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt, - ứ muôn nơi?
Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng;
Ngọc Kiều ơi! - Hồn đến bến xa khơi!...
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! - nầy khúc Lạc Mai Hoa.
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta tê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc?
– Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm!
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
– Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm!
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ...
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
Ô vung lên... cắt mạch nguyệt vàng xanh!
Xẻ mạch trời, - mây xô sao, răng rắc!
Phăng mạch đêm, - hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
– Ta điên rồ... múa giữa áng bình minh.
TỲ BÀ
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Buồn lưu cây đào xin hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông
ẢNH ẤY
Anh thấy mơ màng trong ảnh ấy
Người em lãng mạn quá đi thôi
Anh nhìn trân trối anh tơ tưởng,
Anh ngỡ là em đứng đấy rồi.
Anh tính ôm chầm lấy mắt mơ
Lấy môi lấy má… lấy ngây thơ
Để anh nút ớn mùi hương ấm
Của một tình yêu giận hững hờ!
Anh tính - kề tay lên trái tim
Ta đòi nóng hổi với say im.
Nhưng chao! Sao chỉ không gian lạnh!
Không bóng! không hình! - không có em!
Anh ghì lấy ảnh. Những đau thương
Thấm tận lòng anh khổ chán chường
Anh úp mắt vào đôi mắt ấy,
Rồi không ngăn được, lệ anh tuôn…
Nước mắt tràn trên đôi mắt ấy,
Nào hay anh khóc, phải em đâu!
– Đời mô em khóc vì anh khóc
Cho lệ lòng anh bạc vẽ sầu!
Anh không rời nữa ảnh thơ ngây
Và trở nên người dễ khóc lây.
Anh khóc mắt anh trong mắt ấy
Để rằng:
– Em khóc với anh đây!
NHẠC
Ô! Nắng vàng thơm… rung rinh điệu ngọc,
Những cánh hồng đơm, - những cánh hồng đơm
Nhẹ nhàng, nhịp nhàng thở đều trong sương;
Màu trăng không gian như gờn gợn sóng.
Từ ở phương mô nhạn mang thơ về,
Đàn thơ cơ hồ lên cung âm điệu.
Đây giây trinh bạch khóc mướt trong mơ;
Đây hồn ngọc thạch xanh xao như tờ?
Ô! Côi lầu mây ánh gì kim cương,
Áo nàng thơ ngây nao nao nghê thường.
Thơ bay! Thơ bay vô bàn tay ngà,
Thơ ngà ngà say! Thơ ngà ngà say!
Nàng ơi! đừng động… có nhạc trong giây,
Nhạc gây hoa mộng, nhạc ngát trong mây;
Nhạc lên cung hường, nhạc vô đào động,
Ô nàng tiên nương! Hợp nhạc đầy hương.
Ồ lạ! làm sao thương nhớ quá!
Đêm nay trăng ngủ ở bên đường
Hồn nhiên bao hốt mơ trăng lạnh
Để giả vờ như ấp bóng nường!
Họ tưởng tân hôn êm ấm lạ!
Không hay sao ốm lả hoa tàn!
Và đêm nay khóc cho nên mới
Lộ một sông trăng chảy lệ vàng!
Họ tưởng tân hôn êm ấm lạ!
Không hay xuân kín vở màn trinh!
Ngoài kia gió lá lòn qua cửa
Chứng kiến làm sao chuyển đến cành?
Mộng rớt đêm nay như chất ngọc;
Người ta say nghiến những men tình;
Tôi hoan hô - phút giây thần diệu!
Chết giả nhưng cười trắng thủy tinh.
THI VỊ
Lá vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rung tiếng:
Người yêu đương ngồi...
Trăng vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn nghẹn tiếng:
Người yêu đây rồi...
Hoa vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn rụng tiếng:
Người yêu đi rồi...
Sao vàng rơi,
(Tôi khóc, anh ơi!)
Đàn câm tiếng:
Người yêu xa rồi...
Đêm vàng rơi,
(Thôi hết, anh ơi!)
Đàn bẻ phím:
Người yêu chết rồi.
HIỆN HÌNH
Gió thiệt đa tình hôn mặt hoa,
Thơm tho mùi thịt bắt say ngà!
Gió đi chới với trong khung trắng
Lộ nửa vần thơ, nửa điệu ca.
Tôi ráp lại xem. Ồ! Sự lạ!
Một người thiếu nữ hiện trong trăng.
Khăn hồng chùi lệ ngấn đôi mắt;
Da thịt phô bày ý tuyết băng.
Nường hé môi ra. Bay điệu nhạc
Mát như xuân mà ngọt tợ hương:
Ôi sao là khúc Ba sinh lụy
Rào rạt như đầy nổi cảm thương!
Tiếng ngọc, màu trăn quấn quýt nường
Phút giây người lộ mỏng như sương.
– Nường tan ra nhạc? - tan ra nhạc!
Khung trắng trời mây trắng lạ thường!
CƠN MÊ
Trời ơi! khóc đã đứt tươm hơi
Tiếng lệ thôi theo với nhịp đời
Tiếng lệ lìm đi như xác chết,
Trời ơi! khóc đã đứt tươm hơi,
Ai bảo là tôi chửa chết rồi!
– Máu cuồng vẫn chảy điệu mê tơi,
Máu cuồng run khắp trong thân thể,
Ai bảo là tôi chửa chết rồi!
… Trời hỡi! lạy ai cho ai thương
Để cho ai một ống hồi dương
Kéo dài mạch lạt trong im lặng
Núi vía vong gì để vấn vương?
HOÀNG HOA
Lam nhung ô! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên eo mình nương xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:
Đông nam mây đùn nơi thành xa…
Oanh già theo quyên quên tin chàng!
Đào theo phù dung: thư không sang!
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn khơi:
Làm trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làm mây theo chàng bên nhung yên.
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
– Hồn ta! Hay là hồn tình lang?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu…
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu?
– Ai xây bờ xanh trên xương người?!
Ai xây mồ hoa chôn đời tươi?
CUỐI THU
Đêm nay hồn lặng làm sao!
Cánh thu ôm cả chiêm bao vào lòng.
Sao xanh lợt phím tơ đồng,
Gió ôi là gió! buồn đong thổi về,
Không gian mưa lệ đầm đìa:
Đầy sân trắng toát hoa lê đầu mùa.
Trời lam ứ đặc tình thu,
Ô kia! mây bạc nặng lùa về tây.
Hồn sao không động mà say!
Chà! đôi chim khướu nó bay tung trời…
Nhạc đâu bỗng vót từng khơi
Hồn theo với nhạc, hồn ơi là hồn!
Buồn thôi như rượu thấm dồn,
Lên men nồng khướt, xoay tròn trên không.
Ô trời hôm nay sao mà xanh!
Ngọc trăng xây vàng trên muôn cành,
Nhưng mây tê ngời sao kim cương,
Dạ lan tê ngời say men hương;
Lầu ai ánh gì như lưu ly?
Nụ cười ai trắng như hoa lê?
Thủy tinh ai để lòng gương hồ?
Không gian xà cừ hay san hô?
Đêm ôm hồn tôi chơi phiêu diêu
Bắt gặp nàng thơ diện yêu kiều;
Man mác cho nên nhớ chị Hằng:
Hai tôi nhịp nhàng lên cung trăng…
Ồ là ngọc thạch hay trân châu?
Mã não hay là hổ phách đây?
– Cung thiềm vắt vẻo cài lên mây.
Tiên nữ ra chào, tình ngây ngây…
Nầy! muôn ngọc nữ ngớp y thường
Tóc quyện bay mùi tô hợp hương
Uốn mình say lượn sóng xiêm nghê;
Khung Phụng cầu hoàng sôi đê mê…
Diễm lệ, Hằng Nga bước xuống đền:
Điệu ca thần diệu vẳng đưa lên…
– Chúng tôi lạc giữa mộng như ngà
Ngỡ vướng vào muôn tơ lụa sa…
… Hai tôi vừa ghé bến sông Ngân:
Ô! nàng Xuân Hương ngực để trần.
Ngâm bài “Vấn nguyệt” tiếng trong ngần
Nhìn xuống nhân gian cười như điên.
ĐẸP VÀ DÂM
Tặng Trọng Miên
TRANH LÕA THỂ
Dáng tầm xuân uốn trong tranh Tố nữ,
Ô tiên nương! Nàng lại ngự nơi nầy?
Nàng ở mô? Xiêm áo bỏ đâu đây?
Đến triển lãm cả tấm thân kiều diễm.
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường;
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc.
Vài chút trăng say đọng ở làn môi.
Hai vú nàng! Hai vú nàng! Chao ôi!
Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng.
Ôi lồ lộ một tòa hoa nghiêm động!
Tôi run run hãm lại cánh hồn si…
Ồ hai tay rơi chén ngọc lưu ly;
Ồ hai chân nở màu sen ẻo lả;
Cho tôi nàng! Cho tôi nàng! Tất cả…
Tôi miên man uống lại mộng quỳnh dao
Cho đê mê, chới với, hồn lên cao,
– Một tinh cầu sẽ tan ra biển lệ.
Tiên nương hỡi! nàng sống trên thế hệ,
Bóng thời gian phải qụy dưới chân nàng -
Xuân muôn đời di dưỡng giữa vùng tang!
Gương phép tắc suốt soi ngàn mộng ảnh!
Cớ làm sao nâng niu bầu giá lạnh,
Ấp tranh người, lơ đãng ngắm thi nhân?
Hay nàng nhớ nhung các phượng đền lân?
Hay nàng ước mơ tình trong trắng ngọc?
Ôi! Nàng ôi! Làm sao nàng chẳng khóc
Người thi nhân, vẻ đẹp của khiêu dâm -
Trăng thanh tịnh còn lóng trong thơ câm,
Nhạc vô minh hằng sôi trên nét chữ?
Ôi! Nàng ơi! thốt lên, lời ngọc nữ,
Lời trân châu rúng cả phím lòng tôi…
Ngọc Kiều! Ngọc Kiều! đến cặp song đôi
Cho tôi đọ vẻ hương trời sắc nước;
Vẻ huyền diệu ứ men say lướt mướt;
Vẻ yêu tinh dồn giận thấu vô gan;
Ta thiếp đi - trong một phút mê loàn
Xuống muôn đợt rồi bay lên tột bực…
MỘNG
Ồ! Mộng đêm thu, mây vút xa,
Say sưa lộ sắc cạnh Đào hoa:
A ta! Lý Bạch! hồn ba lệ!
Rượu nốc vào: rung khúc đập ca…
Mộng trắng phau phau, vót cung ngà:
Xuân Hương! Người ngọc, máu say ngà!
Nhấn dây tơ loạn, - buồn lơi lả.
Đờn phất hương trăng, nẩy điệu ra…
Muôn dặm sông Ngân, con mộng lớn,
Ô! là đại điện ánh trân châu…
Có người thi sĩ nhặt hoa rụng
Những cánh đau thương sắp mặt lầu!…
Cỏ thơm lay quyện thu như mướt
Đùa mộng mơ bên suối ngọc tuyền;
Trên bờ ai chết khô ra xác?
Đây Ngọc Kiều đây!
Trinh
tiết nguyên.
SẮC ĐẸP
Mộng rất xanh, mộng rất xanh, rất xanh…
Choáng thời gian vây môn đầu thục nữ.
Hồn đê mê, trong khi lòng giận dữ,
Và tạo ra một thứ sáng hào quang:
Những mặt tươi, nhan sắc đẹp như trăng
Và sắc lẻm như thanh gươm vấy máu;
Những đôi mắt, kho tàng muôn châu báu,
Có những hàng đũa ngọc gắp hương yêu;
– Một trời chiều mà muôn hoa nín thở;
Những vú nõn: đồi cong thon, nho nhỏ,
Với đôi dòng suối sữa trắng như tinh;
Ôi rất thanh! rất thanh là rất thanh!
Ngát thinh khí vì thơm tho như xạ,
Và rùng rợn như một điềm quái lạ.
Hồn người nặng bị riềng khoăn sắt đõ,
Hễ chiêm bao là thấy chuyện đau thương:
Hồn người mê như Sắc đẹp trên giường.
MƠ TIÊN
Hồn bay! hồn bay! hồn bay!
Ngửa nghiêng tắm mát vàng lay, nhạc hường;
Đêm nay no ớn nguồn hương,
Một trời thanh khí mười phương đa tình.
Hồn tôi mất cả đồng trinh
A ha! Mê luyến những hình tiên nga?
Bao giờ cho mộng nở hoa
Bao giờ xuân chín nõn nà trên môi?
Để tôi đi cướp mây trời
Vén ra cho thấy một vài nường tiên.
Ô coi! Hồn đương say nghiền
Đã nư khoái lạc trong miền chiêm bao!
BÀN CHÂN
Nàng! hở nàng! hãy cắn vào hồn ta.
Hồn nguyệt bạch ran lên chiều háo hức!
Tôi uống trọn cặp môi hường thơm phức.
Ô cặp mắt đa tình ngời sắc kiếm!
… Một bàn chân ve vuốt một bàn chân!
Mát làm sao! mát rợn cả châu thân.
Máu ứ lại, máu dồn lên giữa ngực.
Ôi! Thớ thịt có đàn lên cung bực
Hồn tôi ôm gót ngọc, lắng âm thanh…
CÙNG MỘT CÔ ĐÀO HÁT BỘ
Lạ sao! cả rạp không ai khóc,
Chỉ có mình cô khóc với cô!
– Nước mắt ly sầu hay giả dối?
Khúc ca như vọng tiếng trong mồ!
Dáng cô uốn éo dường tơ liễu!
Xiêm áo rung rinh tợ nắng vàng.
Có phải hồn cô buồn lảo đảo
Không hồn đồng điệu nhịp nhàng than?
Không đâu, Tư Đức! không đâu cô…
Cô dẫn hồn tôi tự nãy giờ…
Lườn lượn vơi vơi trên sóng múa,
Rúng như ý nhạc phả đường tơ.
Tôi đi tìm đẹp trên sân khấu
– Đẹp bỏ cô khi cổi lốt tuồng!
Để yêu cô với hồn thi sĩ;
Để thấy nguồn thơ rào rạt tuôn…
Mắt cô buồn quá! - tôi yêu quá!
– Nghệ thuật tràn ra giữa bể đêm.
Tôi chợt ôm cô trong giấc mộng
Nút bao thanh khí, đã nư thèm…
QUẢ MĂNG CỤT
Chất
ngọt da thơm vào giữa mắt.
A
ha! Mùi sữa mớm vô răng…
Ôi khối tình! khối mộng!
Lộ sắc tướng mùa thu.
Màu da huyền lên nước;
Sóng mặt nổi vân nu.
Môi ai làm hoa nở
Mời mọc khách qua đường!
Ôi bàn tay rạn mở
Cả một bầu thanh hương!
Múi trắng sao như ngọc!
Múi mát tợ thịt thơm!
Môi hoa ai mời mọc -
Ngọt lịm đến linh hồn.
Những hòn răng anh ánh
(Đây không phải hòn trăng!)
Hiện ra sau múi ngọc,
Cười vỡ cả không gian!
NGƯỜI SAY RƯỢU
“Rót chén này rồi chén nữa đi.
Có hương trong ấy, uống li bì…
Cho thơm cả miệng - hàm răng khớp
Cho chảy trong lòng suối biệt ly!
Ngô Cơ! Nàng hãy rót cho mau.
Rượu mới kề môi đã nổi màu:
Ta thấy hình nàng thu gọn lại
Nốc chén nầy còn chén nữa đây.
Mộng bay ngàn dặm với thơ bay…
Xưa tê một chuyến lên cung Quảng
Mê luyến ai cho bạc tháng ngày!”
Người say rượu uống bao giòng tinh huyết,
Mà đêm nhung nhẹ lướt dải đồi mây.
Người muốn cho bao lời ca bi thiết
Chiếm muôn hồn như một khúc say ngây.
Đây bóng lá ánh trăng nhòm sấp ngã
– Một cô hồn có lẽ thoáng đi qua
Sao lốm đốm trên cây nằm lả tả.
Một chuỗi cười rồ rộ ở trong hoa.
Tiếng cười vừa mới ngắt.
Sóng vàng nổi lao xao:
Có người đương đuổi bắt.
Ma men bên suối đào…
Rạng mai có kẻ đi về đấy:
Ôi! Người say rượu chết nằm queo!
Ngọc sương nức nở tan thành lệ!
Hơi rượu say nồng vẫn quyện theo!
CUỒNG VÀ ÁNH SÁNG
Tặng hai anh Thoại và Hường
SỌ NGƯỜI
Ôi khối mộng của hồn thơ chếnh choáng!
Ôi buồng xuân hơ hớ cánh đào sương!
Ôi bình vàng! Ôi chén ngọc đầy hương!
Ôi hồ nguyệt đọng nhiều trăng lấp loáng!
Ôi thần tỉnh! Người chứa một trời thương.
Người yên tịnh nhưng người đi muôn dặm
Máy thu thanh hòa âm nhạc thơm tho!
Miệng yêu kiều mơn ánh sáng say no!
Nguồn trinh tiết gây hồng tươi xanh thắm!
Bầu sữa người êm mát vạn sầu lo.
Một đêm vàng - một đêm vàng âm điệu
Đầy nhựa thơm, xanh mịt ngàn phi lau
Mộng ngời lên bay đến một bến tàu -
Biển ngọc bích, thuyền buồm say sóng dịu;
Hương ngọt ngào, ánh sáng chớp mau mau.
Hương say người như say men tình ái,
Kề ngực trăng người mớm vị say sưa.
Người chưa say vì hương vị chưa bưa:
Dìm trăng xuống một vùng trăng nước giãi
Và xáo lên… diêu động bóng ngàn xưa.
… Hoa thần bí vấn vương hồn ngọc nữ;
Động đào nguyên chấp chóa ánh lưu ly;
Ô! sắc phàm trên bộ mặt từ bi;
Ô! tiên nương trong tình xuân đầy ứ;
– Một u sầu dìu dịu của cung phi.
Ôi! Sọ người! Sọ người! - Gương phép tắc!
– Ngọc Kiều ơi! ghé lại ngắm dong nhan.
Ngọc Kiều ơi ta chợp thấy tim nàng,
Tim nàng bằng đá, tim nàng bằng sắt.
Ngọc Kiều! hơi độc sắp tràn lan!
Người ngất ngư - Chết trong muôn thế kỷ!
Chạy điên rồ… đứng sựng giữa xương ma.
Người là ai? Người có phải là ta?...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét