Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Xuôi dòng con sông nước xanh biêng biếc

Xuôi dòng con sông 
nước xanh biêng biếc…
Trên chiếc vỏ lãi có gắn máy “đuôi tôm” của anh Hai Cần, chúng tôi khởi hành từ bến Trung Dân (ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, Châu Thành), thượng nguồn con sông Vàm Cỏ trong một buổi sớm mùa xuân với lộ trình xuôi theo nguồn nước về phía hạ lưu, điểm đến là bến sông bên chân cầu Gò Dầu, để tìm hiểu và khám phá con sông huyền thoại của xứ sở Tây Ninh, đã được đưa vào thi ca và âm nhạc...
Lịch sử kể rằng
Bến sông vắng lặng, không người, dòng sông bàng bạc mênh mang, loang loáng nước và gió theo hướng mũi thuyền rẽ nước băng băng về phía trước, anh nhà báo trẻ tuổi từ TPHCM đăng ký theo đoàn bỗng cao giọng ngân nga: Ở tận sông Hồng em có biết? Quê hương anh cũng có dòng sông, anh mãi gọi với lòng tha thiết. Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông! (bài hát Vàm Cỏ Đông, thơ Hoài Vũ, nhạc Trương Quang Lục).

Xuôi dòng sông Vàm Cỏ
Vâng! Dòng Vàm Cỏ Đông thân thương, trìu mến có lịch sử kể rằng: Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông bắt nguồn từ vùng đồng bằng trũng thấp thuộc tỉnh Prey Veng (Campuchia), chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, rồi qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh) với thủy trình khoảng 98km. Đoạn tiếp theo dài khoảng 6km là ranh giới hai tỉnh Tây Ninh, Long An. Sau đó, sông chảy vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước với thủy trình khoảng 86km rồi kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ để đổ vào sông Soài Rạp trước khi ra biển Đông.
Con sông hiền hòa êm ả, không gây bão lũ, song lại chứa trong mình huyền thoại của những chiến công oai hùng trong sự nghiệp giữ nước và giải phóng dân tộc: Trước hết, đó là trận đánh giặc Pháp của Nguyễn Trung Trực trên sông Nhật Tảo, một chi lưu của dòng Vàm Cỏ Tây vào năm 1861, được người đời ca tụng: Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạt Kiên Giang khấp quý thần. Cũng trong kháng chiến chống Pháp, năm 1952 gặp bão lũ, lương thực thực phẩm khó khăn, quân đội ta đã được sự hỗ trợ của nhân dân và hình ảnh đẹp trên sông Vàm Cỏ được đưa vào nhạc phẩm Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt với những ca từ lay động lòng người: Dòng sông chảy xiết, lái thuyền chèo đi. Trên sông Vàm Cỏ Đông nước chảy ngược dòng. Nước chảy ngược dòng. Hò ơi! Em chèo thuyền đi lên rẫy Trảng Cồng cắt lúa thay chồng, thay chồng nuôi con...
Người phụ nữ năm xưa phải vất vả chèo thuyền bằng tay trên con nước ngược dòng, để cho chúng tôi hôm nay thong thả bình yên, ngồi trên con thuyền có gắn máy đuôi tôm, xuôi dòng sông Vàm Cỏ để hồi tưởng và nhớ về quá khứ... Đó là những ngày tháng chiến tranh ác liệt trong công cuộc giải phóng đất nước. Khi mà những đồn bốt giặc giăng khắp chốn, mỗi bến sông, cây cầu là trạm kiểm soát. Trên dòng sông Vàm Cỏ là bo bo tuần tra của lính Mỹ, quân đội Sài Gòn đêm ngày lùng sục cắt đứt những đường giao liên thủy để ra vào các khu căn cứ: Đức Hòa, Hố Bò và Trung ương Cục. Chiến sự xảy ra trên sông hàng ngày như cơm bữa. Dòng sông hiền hòa, nước xanh trong nhưng có lúc ngầu đỏ, dựng sóng, nhấn chìm tàu giặc... Nhiều chiến sĩ của ta cũng đã ngã xuống trên chính dòng sông Vàm Cỏ càng tô thắm, làm vẻ vang thêm cho dòng sông, trang sử quê hương.
Tiếng hát bên sông
Chiếc vỏ lãi tiếp tục chạy về hướng Bến Kéo, dòng chảy trước mặt có lúc ken dày lục bình. Từ đoạn này xuống Cẩm Giang (thuộc huyện Gò Dầu), lục bình tràn ra phủ đầy mặt sông như tấm thảm lá xanh. Chợt nhớ cái tên Cẩm Giang, vốn xưa là lỵ sở của huyện Quang Hóa và dòng Vàm Cỏ khi qua đây, lúc nào cũng có hoa lục bình tím, dân gian quen gọi hoa “phiêu bồng thảo”, đặt tên cho dòng sông là “Cẩm Giang”, tức dòng sông Cẩm, tím nhớ một màu hoa. Cũng theo các lão nông tri điền, hoa lục bình khi yên vị một chỗ mới nở hoa, còn lúc phiêu linh theo con nước sẽ không nở hoa, nên có nhà thơ gọi hoa vừa đi, vừa nở là không đúng với loài hoa sông nước này...
Dòng suy nghĩ có lúc lại bị gián đoạn bởi tốc độ chiếc vỏ lãi chậm lại để rẽ tránh lục bình hay những đáy cá của người dân giăng hai bên dòng sông. Trước đây, trên sông Vàm Cỏ cá tôm rất nhiều, song vài năm gần đây, cùng với vấn nạn lục bình là dòng sông bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Tây Ninh, tồn tại lớn nhất hiện nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông nhưng chưa được xử lý là nguồn nước thải sinh hoạt của các khu dân cư đô thị khu vực ven sông như TP Tây Ninh, các thị trấn Hòa Thành (huyện Hòa Thành), Châu Thành (huyện Châu Thành), Gò Dầu (huyện Gò Dầu), Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu).
Có lẽ vì vấn nạn trên mà nghề nuôi cá lồng bè trên dòng sông cũng bị thu hẹp, nhiều chủ lồng bè trắng tay vì cá chết trước khi thu hoạch và một đặc sản khác trên sông Vàm Cỏ là nghề nuôi cá hồng vện, cá bống tượng đang hái ra tiền (cá hồng vện có giá cả triệu đồng/con) cũng bị phá sản bởi nguồn nước ô nhiễm.
Cứ thế, chúng tôi đến Bến Đình rồi Phước Trạch, thấp thoáng hình ảnh ngôi chùa Cao Sơn phía bờ trái bị phủ che bởi những chiếc sà lan khai thác cát, thêm mối lo về sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường mà nhiều dòng sông trên cả nước đang phải hứng chịu.
Mặt trời lên cao dần, gió thổi mặt sông mát rượi, hai bên bờ có những ruộng lúa đang mượt thì con gái, màu xanh ngút ngát. Gần tới Rạch Sơn, dòng sông mở rộng ra thoáng đãng, thấp thoáng đã thấy cầu Gò Dầu trước mặt. Chiếc vỏ lãi đi sát vào bờ để tránh những chiếc ghe hàng từ miền Tây ậm ạch, lặc lè theo dòng nước ngược, chở phân tro đến các vựa ở miệt Bến Đình, Bến Kéo bởi đây là thủy lộ thuận tiện cho các ghe thuyền từ đồng bằng sông Cửu Long lên giao thương. Không biết ngẫu nhiên sao, từ một quán cà phê vườn ven bờ sông phát ra giọng ca của Uyên Trang, hát nhạc phẩm Dòng sông và tiếng hát của nhạc sĩ Nguyễn Nam, tiếng hát vút cao, đầm ấm và thiết tha: Ai hát chiều nay trên dòng sông Vàm Cỏ. Để tóc em tung bay trong chiều lộng gió. Dòng sông quê hương ơi dòng sông yêu thương...
Chờ tour du lịch
Đúng là dòng sông “yêu thương” mà chúng tôi đã xuôi dòng suốt buổi sáng và mới đi hơn phân nửa lộ trình trên đất Tây Ninh, song điều mọi người ấn tượng là dòng sông hiền hòa, êm đềm xuôi chảy từ ngàn đời nay, đem nước và phù sa bồi đắp tưới mát cho những cánh đồng lúa hai bên bờ sông được trĩu hạt. Những làng mạc quê miền Đông Nam bộ cứ trải dài, nối nhau theo dòng sông đến giáp với đất Chín Rồng trù phú. Dòng sông còn là huyết mạch, nơi vận chuyển lương thực, thực phẩm từ các tỉnh miền Tây lên đất Tây Ninh và sang cả Campuchia. Điểm cuối của thượng nguồn sông là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nối với Khu căn cứ Trung ương Cục, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Không hẹn nhau nhưng tất cả đều chung một suy nghĩ: Giá như có tuyến du lịch trên sông, điểm khởi hành ở Bến Lức tới thượng nguồn sông, chắc hẳn sẽ gây nhiều ngạc nhiên, thú vị cho du khách khi được ngắm nhìn, khám phá và nghe kể về một dòng sông huyền thoại “Chẳng đổi thay dòng”, làm rạng danh và quảng bá tên tuổi dòng sông Vàm Cỏ Đông đến với khắp nơi trên thế giới. Tất nhiên, có cả cuộc hành hương về nguồn, khu căn cứ Trung ương Cục, mảnh đất thiêng liêng và tự hào của người dân Tây Ninh nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung...
23/1/2016
TRẦN HOÀNG VY
Theo https://www.sggp.org.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...