Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

"Tơ bồng" và những bữa tiệc thi ca của Nguyễn Hồng Sơn

"Tơ bồng" và những bữa tiệc thi ca 
của Nguyễn Hồng Sơn
Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 1953 tại làng Mỹ Trung, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Sau hơn 25 năm phục vụ quân đội, năm 2000 anh nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. “Tơ bồng” chào đời khi tác giả bước vào tuổi sáu mươi, khi cuộc đời anh đã trải qua không ít sóng gió. Và cũng từ tâm điểm của những vùng xoáy nghiệt ngã đó, anh đã mở hết lòng mình, khao đãi bạn đọc bằng những tâm trạng gan ruột nhất. Như cách nói của nhà giáo, nhà thơ Mai Văn Hoan: “Đó là những câu thơ, bài thơ đi thẳng vào lòng người chẳng cần giấy thông hành”!
“Ngày ta đi/ Lưng còng cánh ngõ/ Mẹ không còn/ Để lại dáng xưa” (Ta về…). “Tạm biệt em sương đẫm bàn tay/ Hang đá lạnh/ Tiếng cười đồng đội/ Bức thư tình/ Bút Trường Sơn viết vội/ Mực tươi nguyên/ Giọt máu lăn tròn (Tạm biệt em). Đáng chú ý, ở một số bài thơ tựa đề chỉ có một từ kèm theo dấu (!) như bài “Đừng!”, bài “Không!”. Vừa khéo léo liên kết các cung bậc cảm xúc vừa bày tỏ tâm trạng đến dứt khoát: “Đừng làm đau ngọn lá/ Một chút tình tôi trao/ Đừng làm đau ngọn gió/ Khi ngón tay chạm vào” (Đừng!). Hay “Em không là ngọn gió/ Em chỉ là em thôi/ Em không là ngọn sóng/ Trắng tóc mây giữa trời” (Không!). Và đây, cách thể hiện khá mới:“Ta vu vơ/ Đợi/ Gió rây rắc/ Gội/ Khúc nhạc lòng khôn nguôi/ Tạo hóa ơi! Người hãy mang giấc mơ phượng vĩ/ Người hãy đi/ Như dòng sông ngàn ngày không nghỉ/ Chín hồn thơ xanh thẳm chân trời” (Gió mồ côi)…
Gửi hai phần ba mái tóc xanh cho cuộc đời người chiến sỹ, Nguyễn Hồng Sơn trở lại một người thơ với khát vọng cồn cào. Trái tim anh vẫn rạo rực, hưng phấn với tình yêu mà cuộc đời mang lại: “Dẫu năm tháng có già thêm chút ít/ Nhưng tình yêu sức trẻ vô ngần/ Thảm cỏ ấy/ Vầng trăng thơ ấy/ Ngực căng phồng/ Hừng hực sắc xuân” (Không đề 4). Không ít những phút bâng khuâng, Nguyễn Hồng Sơn thả cho tâm hồn tha hồ ngụp lặn vào ký ức tuổi thơ và anh bồi hồi “Tuổi trẻ ta rơi xuống ruộng đồng/ Rơm khô/ Toóc rạ/ Tuổi trẻ ta gầy guộc xác xơ/ Cành lá/ Giờ đây/ Ta cùng em đi vào cõi nhớ/ Nồng nàn, thiết tha như buổi đầu gặp gỡ/ Ta muốn uống/ Uống say đồng cạn/ Say cả bầu trời/ Ta khát về em” (Ngủ đi ngọn gió). Vẫn mạch nguồn mộc mạc, thi sĩ luôn tìm cách khơi gợi, rủ rê người đọc đến với những mảnh đất, miền quê dọc đường chinh chiến.
Và ở đó, tình cảm của người lính với quê hương vốn luôn sâu nặng, da diết trong anh những hoài niệm dấu yêu: “Mai xa rồi em có nhớ không/ Người lính trận nhuộm hồn thi sĩ/ Chiến tranh qua một thời đánh Mỹ/ Thức trong ta năm tháng Trường Sơn” (Xin đừng quên). “Ngày gặp em/ Đường hành quân/ Chảo lửa/ Ba Trại gồng mình/ Đặc quánh-khói đen/ Ngày gặp em/ Nỗi nhớ gói vào trong/ Chiến trường dang dở/ Cô gái quê thao thiết chân thành” (Ngày gặp em). Trở lại thăm chiến trường xưa, con tim anh nhói lên tạ lỗi với đồng đội:“Xa ngái rồi/ Ngày ấy… bạn ơi/ Ba mươi năm, đất Tà Cơn nhuộm đỏ/ Ba mươi năm trời Tà Cơn còn đó/ Nơi bạn nằm đá lạnh rừng xa/ Xa ngái rồi/ Còn đó/ Thực/ Mơ/ Con tim nhói câu thơ viết vội/ Con tim nhói như thấy mình có lỗi/ Rừng Tà Cơn xanh lá đâm chồi/ Rừng Tà Cơn còn đó/ Bạn/ Tôi” (Bên rừng Tà Cơn). Trở về, bước một mình trong khung cảnh “Đồng Hới vẫn ngày nào/ Sông Cầu Rào uốn lượn/ Gió bờ thành lao xao/… Tình quê nhà tỏa ấm/ Đất quê nhà nở hoa”, thi sĩ xót xa thốt lên tới năm lần “Sao em không trở lại?” trong bài “Vớt buồn”…
Thổn thức ngót mấy năm bên dường bệnh, tự mình chăm sóc người vợ yêu quý, anh xót xa mường tượng ngày ấy rồi sẽ đến: “Có lẽ rồi/ Em sẽ mãi mãi ra đi/ Ngày ấy…/ Không còn xa nữa/ Nhà vắng/ Phố phường trống lặng/  Ta biết/ Nhưng tim ta hoài vọng/ Xác thu rơi bổng hóa hoa hồng” (Ngày ấy…). “Ta bổng ước/ Một ngày nắng mới/ Mắt chao nghiêng phượng đỏ sân trường/ Bên trái ngọt một thời mơ mộng/ Dẫu ngàn trùng không hết mùi hương” (Sương khuyết). Bao yêu thương, chăm chút, ước mơ, mong mỏi là thế nhưng cái ngày chia ly đau đớn ấy vẫn cứ đến, khiến lòng anh, đời anh quắt quéo, chơi vơi: “Em đi rồi/ Con chim họa mi bên hè câm lặng/ Nhành phong lan quắt quéo khô tàn/ Nước mắt chan đầy nỗi nhớ/ Em đi rồi/ Bạn bè khuyên cố nguôi ngoai/ Nhưng con tim không một lần nhường nhịn” (Em đi rồi).
Phải chăng vô tình hay hữu ý, “Tơ bồng” được mở đầu bằng bài “Ta về…”: “Nơi chốn quê một thời nắng cháy/ Nơi tinh sương/ Ngong ngóng cánh diều lên” và kết thúc bằng một thi phẩm chứa đầy tình yêu xứ sở “Quê mẹ yêu thương”: “Ôi những con đường một thủa thân quen/ Một thời chăn trâu một thời cắt cỏ/ Một thời tuổi thơ một thời con gái/ Một thời bên nhau ta đánh Mỹ hào hùng/ Ôi những con đường một thủa thân quen/ Ngói mới tầng cao nghĩa tình đằm thắm/ Hoa trái bùi thơm lúa vàng trĩu nặng/ Sữa trắng dâng người nghĩa Đảng tình dân/ Ta đưa nhau về quê mẹ yêu thương”…   
Từ “Tơ bồng”, lần theo dấu chân thi ca của Nguyễn Hồng Sơn. Những ngày trong quân ngũ anh đã làm thơ, viết nhạc và trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1997 anh cho ra đời tập thơ đầu tay “Quả mùa đầu” Nhà xuất bản Đồng Nai. Về hưu, anh sinh hoạt ở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, sống và viết tại phường Nam Lý (Đồng Hới), trở thành đối tác thường xuyên của Nhà xuất bản Thuận Hóa, với bốn tập thơ “Thuyền và gió” 2004, “Khoảng lặng” 2008, “Giọt đắng” 2011 và “Tơ bồng” 2014. Riêng “Giọt đắng” đã được Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình giới thiệu trong chuyên mục “Đời sống văn nghệ”. Bằng các tác phẩm thơ mang cảm xúc sâu lắng nhất, tác giả đã phổ nhạc thành công 25 ca khúc, đến nay hơn 10 nhạc phẩm đã được Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội nhân dân và các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương sử dụng. Dù sóng gió như không muốn buông tha cho tâm hồn thi nhân, những tác phẩm âm nhạc lần lượt ra đời, lần lượt được đón nhận đã trở thành động lực, lan tỏa vào đời sống lao động nghệ thuật của Nguyễn Hồng Sơn, chắp cánh cho thơ anh bay bổng, đến với công chúng mọi miền đất nước.
Chú thích:
(1). Chữ dùng của Nhà thơ Mai Văn Hoan mở đầu tập “Tơ bồng”.
Nguyễn Tiến Nên
Theo https://vanchuongviet.org/

1 nhận xét:

​ Đi Khám Bệnh Cô lên chương trình ngày mai đi khám bệnh. Tất cả hồ sơ, sổ khám bệnh chuẩn bị sẵn. Kiểm tra lại xem còn sót gì không? Tu...