Đặng Thế Phong, Rentaro Taki:
Một phiến tài tình thiên cổ lụy
Đông lạnh. Cái lạnh thấm vào da thịt như mời gọi tâm trí
phiêu du. Ngày chớm đông gợi bao cảm xúc không tên. Mỗi khi trời
lành lạnh, tôi lại nhớ đến những bản nhạc của Đặng Thế Phong, mặc dù bây giờ
không phải là mùa thu. Có lẽ dư âm của những giọt mưa thu như tiếng sầu vạn
cổ ngun ngút giữa không gian vô tận.
Đặng Thế Phong là một trong những nhạc sĩ tôi yêu
thích. Cuộc đời của ông long đong, dở dang việc học, sống lang bạt với
nhiều nghề khác nhau và mất vì bệnh lao [1]. Ba bản nhạc để đời của
ông với giai điệu và bút pháp toát lên vẻ u sầu, lãng mạn sống mãi trong lòng
những tâm hồn yêu nhạc.
Con Thuyền Không Bến với âm điệu ngũ cung gợi một nổi buồn
mênh mang. Lời bài hát được tuần tự gieo vần, nhịp nhàng như một bài
thơ. Trong đoạn đầu, chữ “mây” cuối câu đầu đối vần với chữ “mây” ở câu
thứ hai. Cuối câu thứ ba, chữ “dòng” đối vần với chữ “lòng” trong cuối câu bốn.
Rồi chữ “may” trong cuối câu năm được gieo cùng vần với “say” ở cuối câu sáu,
và câu bảy, tám với “ngàn”, “vàng”.
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng
Trong cây hơi thu cùng heo may
Vi vu qua muôn cành mơ say
Miền xa lời gió vang thông ngàn
Ai oán thương ai tàn mơ vàng
Hình ảnh con thuyền không bến, tâm trạng chơi vơi, da diết của
hai kẻ yêu đương mà phải xa cách nhau như Chúc Nữ Chàng Ngâu. Thương nhau mà biết
duyên có hợp có tan.
Biết đâu bờ bến, thuyền ơi thuyền trôi nơi đâu?
Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu
Rồi những khi chiều buông xuống, cảm thấy bâng khuâng, thương
cảm về bóng hình người thương và nổi hờn tủi đọng trên khóe mắt bờ
mi. Thuyền chơ vơ lạc lõng giữa muôn trùng sóng nước, mịt mù đêm
thâu.
Nhớ khi chiều sương cùng ai trắc ẩn tấm
lòng
Biết bao buồn thương, thuyền mơ buông trôi xuôi dòng
Đoạn dưới đây làm tôi thương cảm. Nó nói lên tâm trạng
đang yêu tha thiết nhưng có chút gì lo lắng, giằng xéo nội tâm của người
nhạc sĩ về một tương lai vô định.
Bến mơ dù thiết tha
Thuyền ơi đừng chờ mong
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la,
Thuyền mơ bến nơi đâu.
Hình ảnh con thuyền cũng làm tôi liên tưởng đến một thứ tình
non nước của bao thân phận lưu vong giữa dòng sông sinh mệnh nghiệt ngã của
đất nước. Có cảm tưởng rằng Đặng Thế Phong viết cho mọi thời đại. Nỗi
khắc khoải của thế hệ đi trước như những con thuyền không bến, lạc lõng khắp bốn
năm châu sau khi miền nam sụp đổ và thế hệ tiếp nối cũng như những
con thuyền không bến lờ lững trên dòng sông cội nguồn.
Con thuyền không bến, giọt mưa thu, những hình ảnh gợi bốn
mùa xao xuyến trong những tâm hồn viễn xứ. Nhưng có lẽ mùa thu diễn tả đúng tâm
trạng sầu vạn cổ của Đặng Thế Phong nên cả ba bản nhạc của ông đều nói về mùa
thu. Nó gợi bao cảm xúc dạt dào trong tâm hồn văn nghệ sĩ. Nó không
chỉ nổi sầu chóng vánh mà sầu lê thê, sầu miền man. Không biết bao nhiêu thi nhạc
sĩ say men thu, khóc cùng thu. Thu gợi nổi buồn bã như “lời rên siết gió heo
mây” đối với thi sĩ Hàn Mặc Tử. Thu khiến Đặng Thế Phong muốn khóc muốn
than:
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Hình như nàng thu nhập vào hồn nhạc sĩ để thốt lên những lời
nỉ non, những giọt sầu ướt đẫm hồn người. Nghệ sĩ thường mang tâm hồn
đa sầu đa cảm. Một chiếc lá rơi cũng khiến họ ngậm ngùi, và tiếng chim non
“chiêm chiếp kêu trên cành” được Đặng Thế Phong tưởng tượng như tiếng nhắn nhủ
trời ngừng gió, ngừng mưa vì nó khiến cho lòng thêm não ruột. Sự tưởng tượng
phong phú đó khiến ta thăng hoa và thổn thức trong từng nốt nhạc, lời ca:
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi
mưa buồn chi
cho cõi lòng lâm ly
Ở tuổi đôi mươi, cái tuổi sung mãn của một chàng trai trẻ
đang hụp lặng trong giây phút yêu đương, đang “nức nở thương đời” nhưng lại phải
“châu buông mau” và nhìn “dương thế bao la sầu”. Sự mẫn cảm đó của người nghệ
sĩ thăng hoa khi đối cảnh, đối tình:
Hồn thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che gió về
Ai nức nở thương đời
châu (nước mắt) buông mau
dương thế bao la sầu
Mây sẽ tan, gió sẽ tạnh nhưng chắc gì nổi sầu vạn cổ sẽ vơi
đi. Cuộc vui nào đến rồi cũng sẽ đi, nhưng hồn người mãi rưng rưng sầu:
Người mong mây tan cho gió hiu hiu lạnh
mây ngỏ trời xanh
chắc gì vui
mưa còn rơi
bao kiếp sầu ta nguôi
Tôi tìm thấy sự đồng cảm trong nỗi sầu vạn cổ của Đặng Thế
Phong. Nó không chỉ là nỗi sầu yêu đương trai gái mà bao trùm một nỗi sầu
miên man về một kiếp nhân sinh như hạt bụi, như điện chớp, như sương sa trong
vũ trụ bao la:
Nửa gót trần ai chu du bốn bể
Ngắm mù sa khâm nhẫn rủ nhau về
Ngắm trái núi chùm mây quên đi cõi chợ
Mịt mù bụi nhân sinh
Hồn du tử mênh mang sầu khổ
Lây lất nhìn đời tan tác khói hương bay
Sự tài tình trong các bài hát của Đặng Thế Phong không
chỉ ở sự kết hợp giữa các âm điệu ngũ cung và Tây Phương mà ngôn từ được
gieo vần chặt chẽ như bài thơ làm cho bản nhạc thêm dễ nhớ. Ngôn từ đơn giản nhưng ý nghĩa bay bỗng. Cả ba đều diễn tả sự hòa nhịp giữa
lòng người, và tâm tình của con người với vạn vật xung quanh. Kỹ thuật
dùng cảnh để lột tả cảm xúc tạo sự hoà quyện tuyệt mỹ giữa thiên nhiên và lòng
người làm cho bản nhạc thêm tinh túy.
Rồi những cuộc truy hoan sẽ tàn dần, chúng ta mỏi mệt với biết
bao cuộc lữ. Hình ảnh con thuyền chơ vơ không bến, những giọt mưa thu rả rích
như tiếng gọi chúng ta về với sự tĩnh mặc, nhìn sâu vào bản lai diện mục để
nhìn thấy nét mong manh của vô thường, của sinh tử biệt ly. Nhiều bản
nhạc chỉ thích hợp cho một giai đoạn hay kén chọn số người nghe.Tuy nhiên, những
bản nhạc của Đặng Thế Phong đều thích hợp cho mọi giới và hầu như ai
cũng đều ưa thích. Phải chăng điều đó có nghĩa là ông đã thành công không
chỉ về mặt sáng tác mà còn khơi dậy một tiềm thức trong chúng ta. Những nốt
trầm buồn xoáy vào hồn nỗi lạc lõng, cô liêu luôn tiềm ẩn trong ta khi đối
diện với chính mình.
Đêm Thu thể hiện tâm tình giữa con người tình tự với cỏ cây,
hoa lá trăng sao trong khu vườn nhỏ. Con Thuyền Không Bến biểu đạt cảm
giác cô đơn lạc lõng như con thuyền cheo leo một mình giữa sông nước mênh
mông, gợi bao thương cảm đến người thương. Giọt Mưa Thu diễn tả cái sầu vạn
cổ, cái buồn não nề, buồn da diết . Ba bản nhạc toát lên sự cảm niệm sâu
xa về thân phận. Đôi khi một người nhạc sĩ trải qua một quá trình học nhạc
mà cả đời cũng không có một bản nhạc để đời, nhưng Đặng Thế Phong đã dang dở việc
học lại viết đến không chỉ một mà cả ba, và vỏn vẹn ba bài nhạc xuất sắc khi tuổi
đời còn rất trẻ. Đúng là một sự thiên tài nhưng lại yểu mệnh. Sự trắc
tréo của “tài” và “mệnh” mà tạo hóa đã sắp đặt sẳn cho những kẻ tài hoa và bắt
họ phải vùng vẫy trong sự nghiệt ngã của thế thời cũng như định mệnh ngắn ngủi mà
họ không thể thoát khỏi được.
Cách thẩm thấu âm nhạc mỗi người khác nhau. Tôi thì để ý âm
điệu đầu tiên và sau đó là lời nhạc. Cho dù ý nghĩa của bản nhạc có hay đến đâu
mà âm điệu không hay tôi cũng không thích. Ba bản nhạc, ba kiệt tác của Đặng Thế
Phong trở thành bất hủ trong lòng tôi và có lẽ trong hầu hết mọi người
trong làng tân nhạc Việt Nam. Điều thú vị là mỗi lần nghe bản nhạc
tôi đều có cảm xúc bồi hồi, thổn thức như nhau cho dù mười hay hai mươi năm trước. Nó như quyến rũ, như ma mị. Chắc chắn rằng không chỉ một mình tôi mà biết bao
nhiêu tâm hồn đều bao la sầu, dù người nhạc sĩ tài hoa đã rũ bỏ thân
tứ đại cả trăm năm trước:
“Đêm Phong vũ khóc hoài thiên cổ lụy
Đàn mưa reo thổn thức tiếng ly cầm…”
(Thanh Tịnh)
Nếu Đặng Thế Phong được coi như một thiên tài trong làng tân
nhạc Việt Nam thì Rentaro Taki như một Mozart của Nhật Bản. Rentaro Taki
cũng tài hoa yểu mệnh. Ông sinh 1879 và mất năm
1929 trong một gia đình công chức. Mới 15 tuổi, ông đã được nhận vào
học ở trường âm nhạc Tokyo và ra trường vào năm 1901. Sau đó ông qua Đức để tiếp
tục học nhạc tại Leipzig, nhưng buộc phải trở về Nhật Bản vì mang bệnh
lao và ông qua đời rất sớm vào lúc 23 tuổi, khoảng lứa tuổi với Đặng Thế
Phong [2].
Taki Rentaro soạn bản nhạc Tojo no Tsuki (Moon over the
Ruined Castle) hay Trăng Rọi Hoàng Thành Hoang Phế vào lúc ông mới lên hai mươi
hai tuổi. Bản nhạc mới đầu không có lời, với mục đích cho học sinh cấp hai đánh
đàn theo yêu cầu của bộ Giáo Dục thời Minh Trị. Sau đó, bản nhạc được bạn ông,
Doi Bansui, một học giả chuyên về văn chương Tây Phương và thâm sâu về Hán và
Nhật học, viết lời cho bản nhạc này. Bansui lấy cảm hứng để viết lời cho bản
nhạc “Trăng Rọi Hoàng Thành Hoang Phế” từ cuộc viếng di tích ngôi thành... bị tiêu hủy tàn lụi. Trên bức tường thành có một mũi tên với lời đề của
nữ chiến binh cũng là thi sĩ Yamamoto Yaeko rằng: “Mai đây ai đến nơi nầy,
còn chăng chỉ có mảnh thành dưới trăng…”
Kojo no tsuki (Trăng Rọi Hoàng Thành Hoang Phế) là sự kết hợp
giữa giai điệu Tây Phương và dân ca Nhật Bản. Nhiều tranh cãi cho rằng bản
nhạc này không hẳn là nhạc dân ca bởi nhạc dân ca thường diễn tả cảnh nông
thôn, dân giả. Tuy vậy, Ánh Trăng Rọi Hoàng Thành Hoang Phế vẫn phảng phất
âm hưởng dân ca. [3] Nó rót vào lòng người sự lắng động và huyền diệu.
Bản nhạc này trở thành nổi tiếng sau khi được một nhạc sĩ dương cầm Mỹ
Thelonious Monk phát hành trong album Straight, No chaser năm 1960 và từ
đó nó được giới thưởng ngoạn Phương Tây yêu chuộng. Ánh Trăng Rọi
Hoàng Thành Hoang Phế được xem như một tinh hoa nghệ thuật của xứ Phù Tang
và Rentaro Taki được xem là người tiên phong trong sự kết hợp hai nền
văn hoá vào nhạc.
Đại ý của bản nhạc về những ngày xuân xưa trên lâu đài nguy
nga, khách tấp nập vui say yến tiệc với chén rượu trong lúc xem hoa Anh
Đào nở. Nhưng giờ cảnh cũ người xưa đâu, chỉ thấy ánh trăng đêm sáng soi qua
cành thông cổ ngàn năm. Những chiều thu sương thấm, cung kiếm vứt bỏ
ngỗn ngang trên bãi chiến trường dưới ánh trăng đêm. Đàn nhạn kêu sương.
Bóng trăng xưa cũ giờ nơi nao? Nửa khuya trăng sáng soi hồn ai trên hoàng
thành. Ôi tường thành nay đã cỏ mọc phong sương, bên tai chỉ còn nghe tiếng
thông reo lao xao. Thế sự chẳng đổi thay. Bao cuộc hưng phế đã đi qua, khác gì
với hoang thành hoang phế dưới ánh trăng khuya [4].
Trăng Rọi Hoàng Thành Hoang Phế gợi trong tôi nỗi nhớ Huế da
diết. Nỗi sầu vạn cổ đeo đẳng một kiếp lưu vong:
Hồn ta một mớ sầu thiên cổ
Như khúc Nam Ai buốt chạnh lòng
Như đợt mưa dầm rơi xứ Huế
Như mảng rêu phong phủ điện đài
Chợt ngậm ngùi nhớ về ngôi điện đài lăng tẩm một thời
vang bóng của Huế xưa bây giờ đã phủ kín rêu phong và những “người muôn năm cũ
hồn ở đâu bây giờ? ”
Xé nổi nhớ chia ra thành trăm mảnh
Đưa vào thơ xoa dịu nỗi cô liêu
Hoàng thành xưa chừ phế phủ xanh rêu
Thời vang bóng soi nghiêng thềm ảo ảnh
Vẫn biết trụ hoại là luật của tạo hóa nhưng lòng vẫn hoài cổ.
Hoàng thành xưa rực rỡ đến đâu giờ cũng hoang tàn theo thời gian. Hưng thịnh
suy vong theo bao cuộc luân nhân, âu cũng là lẽ tất nhiên!
Đặng Thế Phong, Rentaro Taki: hai phương trời một số phận, mỗi phiến
tài tình khiến giới thưởng ngoạn mãi vương vấn cả trăm năm nay và ngàn
năm sau nữa. Dù cả hai có mặt trên cõi nhân gian chỉ ngót hai mươi mấy
năm nhưng sống mãi trong lòng hậu thế.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vi.wikipedia.org/
[2] https://en.wikipedia.org/
[3] http://lyricstranslate.com/
[4] https://minervaaccess.unimelb.edu.au/.
14.1.2018
Lê Diễm Chi Huệ
Theo https://lediemchihue.com/
Theo https://lediemchihue.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét