Ngỡ ngàng say cảnh làng quê/ Một màu no ấm tràn về trong ta/
Dòng sông ngầu đỏ phù sa/ Dâu xanh mướt lá, vườn cà tím bông/ Mía chen kín bãi
ven sông/ Khoai, rứa, dưa, bí, ngô đồng bội thu/ Lúa vàng trĩu hạt vai... u/
Nhãn lồng say lịm lời ru ngọt ngào (Hồn quê - Ngọc Hòa).
Trên mỗi vùng, miền của Tổ quốc thân yêu đều có hàng vạn làng
quê tuy khác nhau về tên gọi, địa danh nhưng luôn in đậm trong tâm khảm những
người con đất Việt bởi vẻ đẹp nên thơ, trù phú; một bầu không khí thoãng đãng,
thanh khiết; một không gian đầy mầu sắc, âm thanh, hương thơm chan hòa cùng các
sinh hoạt dân dã hồn hậu.
Mở đầu cho khung cảnh làng quê diễm lệ thường thấy hình ảnh
cái cổng làng. Đây vừa là cảnh đẹp vừa là công trình văn hóa, biểu tượng của an
ninh, trật tự cũng như bộ mặt thôn xóm. Cổng làng đã tồn tại lâu đời là một tòa
thành cổ bằng gỗ, đá, gạch, ngói có tường cao, cửa rộng được xây dựng bên những
tán cây um tùm, gai góc như đa, tre, rứa dại nằm ở ngã ba ngã bảy đầu hoặc cuối
làng để phân định ranh giới, ngăn cản trộm cướp và giới thiệu tinh hoa nghề
nghiệp cùng những thuần phong mỹ tục của làng; và nay là di tích lịch sử, địa
điểm du lịch, đưa đón, nghỉ ngơi, vui chơi của dân quê: Cổng làng giữ chuyện
nắng mưa/ Vui làn gió mát buổi trưa nắng hè/ Cây đa tỏa rợp bóng che/ Sáo diều
ru võng câu vè à ơi/ Đón đàn con trẻ đùa vui/ Mở ra đồng lúa lả lơi cánh cò/ Cùng
ai chờ đợi hẹn hò/ Mắt se lệ nhớ dặn dò người đi (Cổng làng - Ngọc Hiển).
Từ cổng làng, cảnh sắc làng quê dần dần hiện lên rõ nét đằm
thắm và thanh bình với những con đường làng thênh thang, rợp mát tỏa hình xương
cá vờn quanh những ruộng lúa, đồng rau và phân tách ra nhiều ngõ ngách khúc khuỷu
tọa lạc nhà dân: Con đường làng quanh co, hoa dại nở đôi bờ/ Trong sương
mai mờ tỏa, con bướm vàng nhởn nhơ/ Lũy tre làng xanh ngõ che khuất mái nhà
tranh/ Đàn chim ríu rít hót dưới nắng hè hanh hanh (Quê ta - Băng Tâm).
Dọc triền sông và biển, những con đê làng nối dài trùng điệp
như người khổng lồ nghiêng vai che chắn thôn xóm khỏi nguy cơ lũ lụt và xâm mặn.
Trên sườn đê, từng đàn trâu bò, ngựa, dê ung dung gặm cỏ và ở mặt đê người dân
đi lại, phơi phóng, họp chợ tấp nập: Dải đê bao xóm làng âu yếm/ Ngoài
sông thanh thản dáng buồm bay/ Mỏng manh làn mây màu thiếp cưới/ Đôi cánh chim
phiêu lãng cuối trời (Trước thiên nhiên - Kim Dũng).
Nhờ sự bảo hộ của đê, nhà dân mọc khắp nơi san sát dưới chân
kè, mái tranh, mái ngói, tường gạch, nền đất, cổng gỗ khép hờ. Trước mặt có
hàng cau liên phòng. Sau lưng có ao cá, mảnh giếng. Xung quanh rào giậu găng, mực,
tơ tần. Trong nhà, nông cụ xếp đầy gầm giường, nông sản rải đầy sân: Nhà
quê mái ngói, mái gianh/ Bốn mùa gió mát trăng thanh vào nhà/ Đất quê tre cũng
nở hoa/ Cổng làng có cánh, cây đa có thần (Nhà quê - Nguyễn Huy Phách).
Cứ cách quãng lại thấy các linh từ uy nghiêm, cổ kính từ nhiều
thế kỷ là nơi phụng thờ, ca ngợi công đức của các linh thần, tiền nhân sáng lập
làng. Đó là những ngôi miếu nằm dưới tán đa, si, xanh, ruối, gạo thờ thổ thần,
hà bá; ngôi đình ở khoảng đất rộng dưới các hàng lim, sến, táu, bách, tùng thờ
thành hoàng làng, trước cửa thường đặt tượng hổ, báo, sư tử, trâu, voi hay ngựa
chầu; ngôi chùa trong vườn hoa cây ăn quả như muỗm, nhãn, đại, lan thờ Phật mẫu,
tiến hành nghi lễ cầu mưa, giải vũ, siêu độ cho dân chúng. Phía trước bãi tha
ma, lau lách lòa xòa có quán âm hồn tiễn đưa người đã khuất: Ngôi chùa
trong ký ức tuổi thơ tôi/ Tiếng chuông ngân nga, thong thả từng hồi/ Mái ngói
thâm nâu dưới màn sương trắng/ U tịch, thâm nghiêm bên con đường vắng/ Ngan
ngát mùi hương hoa đại, hoa lan/ Thanh khiết, linh thiêng như cõi Niết
Bàn (Ngôi chùa mới - Lê Trường Hưởng).
Uốn lượn quanh làng, dòng sông quê như một dải lụa đào, một
mái tóc thiếu nữ bồng bềnh quanh năm tưới mát đồng ruộng, bên lở bên bồi
cho phù sa mầu mỡ canh tác nông nghiệp. Bắc ngang sông lắc lẻo những cây cầu
tre, cầu gạch. Trên sông xuôi ngược thuyền đò. ở bãi sông chỗ này trâu đầm, chỗ
kia vịt ngan ngụp lặn; hoặc có người lom khom thả lưới, mò cua, xúc tép; có những
mái lều tranh của thuyền chài, đánh giậm và dân kẻ chợ dọc theo triền đê sát mé
nước: Dòng nước sông chiều quê bóng rủ/ Nghiêng đôi bờ thả bóng mây bay/
Bên lở bên bồi thuở đất sinh cây/ Tán đa bến đò dõi theo thuyền xuôi ngược (Tình
nước sông quê - Tiêu Hà Minh).
Hàng tuần giữa làng đều đặn sôi động những phiên chợ nhỏ bán
toàn hàng tươi sống, ngon lành. Dân quê có thứ gì trong nhà, ngoài vườn đều
bưng ra chợ trao đổi. Người mua kẻ bán rộn ràng: ở đây mua bán nhịp nhàng/
Chợ quê một buổi dân làng gặp nhau/ Sớm mai rộn rã lời chào/ Tiếng kêu gà vịt
xôn xao gọi mời/ Gạo thơm đong một giá đầy/ Quả cây tươi ngọt hái ngay tùy mùa/
Chọn tôm tươi rói mới mua/ Cá rô nấu với canh chua mặn mà (Đi chợ quê - Trần
Văn Diên).
Không xa khu dân cư, những đồng lúa trổ đòng đòng dậy thơm
hương sữa. Trên màu xanh mướt của lúa nhấp nhô những ngôi cổ mộ. Thi thoảng có
những chú chim sâu chao lên lượn xuống, những ả ong và bọ ngựa bay vù vù và những
chàng ếch xanh nhảy lóc phóc tìm mồi đâu đó dưới chân ruộng. Cuối hạ giữa thu,
lúa chín vàng bông tròn căng hạt được dân quê gặt về tuốt sảy, xay giã trắng
tinh. Bông lúa đi qua rạ rơm gửi lại giăng mắc đầy ngõ xóm và chất thành đụn to
như những quả đồi non oải màu bốc mùi bùn đất: Đầu làng đến tận cuối làng/
Rơm vo thành đống, khói loang trắng đồng/ Tờ mờ sáng đã ra công/ Từng người thợ
gặt sương giông ngại gì (Mùa gặt tháng mười - Nguyễn Đình Xuân).
Ven hai bên đường làng và đồng bãi liên tục bắt gặp những tán
đa cổ thụ sừng sững tỏa bóng xum xuê cho nông dân và lữ khách tá túc tránh cơn
mưa nắng: Cây đa làng.../ Của bố buổi cày/ Gió xanh lá quạt/ Của bé trưa
hè/ Sập sè bọng rác/ Ô trời lá lợp/ Che chuyến đò ngang (Cây đa làng - Trần
Đắc Trung).
Những thân gạo nổi dày u bướu như bầu vú mẹ, cành nhánh khẳng
khiu gân guốc giống đôi tay cha và hoa đỏ rực trời tựa ngàn con mắt vợ ngóng
thương chồng: Xương xẩu chơ vơ cành gạo/ Vườn quê đỏ rực trời hè/ Một
thoáng mây choàng dải lụa/ Ngẩn ngơ lòng bởi tiếng ve (Hoa gạo - Lữ Kiều).
Những bụi tre đằng ngà lêu đêu, chen chúc chạy dài thành các
ngõ nhỏ xanh mướt, êm ả. Thời chiến cây tre đã từng lập nên chiến lũy ngăn bước
giặc thù và thời bình tiếp tục bao bọc mỗi nhà dân bảo vệ sự riêng tư, kín
đáo: Về với quê hương/ Cồn cào nhớ những buổi trưa/ Nơi có bụi tre đu đưa
đánh võng/ Đất nhẵn lỳ mài thủng miếng kê mông/ Ô ăn quan đầy túi vỏ ốc đồng (Quê
hương - Kim Giang).
Vào hè hoặc những hôm trời nắng dài ngày trên các nẻo quê xuất
hiện một cảnh tượng vô cùng tuyệt đẹp, là những loài hoa cỏ dại đồng loạt nở
tràn trề như cỏ lau với những bông cờ bạc trắng to bằng bó đũa cao ngợp đầu người
hoặc cỏ may bông tím quyến rũ sợi dính kỳ lạ chỉ cao ngang đầu gối rất dễ cho
những người yêu hoa tiếp cận: Gầy như một nhánh rơm khô/ Đường vào làng cũ
ghề gồ bóng trăng/ Cỏ may đan tím gấu quần/ Mà sao nhoi nhói đến từng nhịp tim (Đường
cũ - Lê Minh Tú).
Hay những khóm xương rồng có hoa to như những đóa cúc vạn thọ
bằng giấy màu nở chi chít trên gai: Hoa xương rồng vẫn nở vàng lối xưa/
Ngõ tre nghe lá đổi mùa/ Bóng em khuya sớm nắng mưa đi về/...Bến quê còn nỗi hẹn
hò/ Mình anh trở lại... con đò đã sang (Hoa xương rồng nở - Trần Đăng
Khoa).
Ở đâu của làng quê cũng là thế giới náo nhiệt các loài
chim chóc. Chúng bay rợp trời và líu lo tấu lên những khúc nhạc vui sướng. Trên
vòm những cây ăn quả vườn nhà như táo, doi, cam, xoài, nhãn, vải thường xuyên
thấy sáo, oanh, chào mào, mách lẻo...; đỉnh tre gai, dương liễu phủ trên mặt hồ
lại có cò, vạc, bồng chanh; và quanh quẩn dưới bụi môn, ráy, rong, riềng là cuốc,
le, bìm bịp... Thảm vàng trải đến chân đê/ Chim ri đánh tiếng rủ rê vào
làng/ Nếp thơm hương cốm xốn xang/ Men theo trà lúa rẽ ngang cánh đồng (Mùa
lúa chín - Phạm Kim Nhung).
Buổi sớm sương trắng giăng lãng đãng khắp sông hồ phải đến xế
trưa mới tan hết. Cũng giống sương, vào chiều tối hoặc mùa gặt khi nông dân đốt
cỏ, rơm rạ trên đồng bốc lên những làn khói nghi ngút và lửa xanh lửa đỏ thu
hút vô số những con thiêu thân, muồm muỗm, cào cào lao vào cháy xèo xèo: Khói
rạ đốt đồng say mây trắng/ Hoàng hôn đỏng đảnh nụ môi chiều/ Ta về làm khách
ngày thơ ấu/ Vẳng tiếng chim gù trêu gió hiu (Nắng quê- Phan Thành Minh).
Khi nhà dân nổi lửa thổi cơm bằng rơm, vỏ, lá khô và que củi,
cũng cho những làn khói bếp bảng lảng tỏa lan từ khe mái lá hoặc ống khói trên
nóc nhà gạch quện xoắn mơ hồ: Mùi rơm thơm hòa quyện mùi gạo chín/ Khói
lam chiều xao động cả làng quê/ Dù đi xa ta vẫn nhớ đam mê/ Dáng cời rơm, mẹ
già ngồi khắc khổ (Bâng khuâng khói lam chiều - Phương Nam).
Nhờ không gian mênh mông, trời quê luôn tràn ngợp gió. Những
làn gió đồng xô sóng lúa rào rạt mang theo hương lúa ngọt đượm, gió sông chở nặng
vị phù sa nồng nàn và gió vườn ru đưa hương quả chín nựng. Ngày hè gió mát đã
giúp dân quê xua đi bao nỗi nhọc nhằn và ngày đông se lạnh gợi những rung cảm
tinh tế: Hình như cất lên từ dòng sông/ Thổi những phồn sinh của quên lãng
bùn đen và nước/ Ngọn gió đồng mát như sợi tóc mai trinh nữ/ Mùa này không hoa
xoan rụng mà hồn tôi trắng cả sân đình (Gió đồng- Uông Thái Biểu).
Cũng bởi dàn trải, không có vật cản trên trời có bao nhiêu
tia nắng tươi ròn thì bấy nhiêu không ngừng dọi xuống mặt đất. Nắng trắng nền
đường, nắng vàng ngọn cỏ, nắng xanh lá vườn: Con đường vời vợi lòng tin/
Bóng ai mờ xa quê cũ/ Nắng vui bừng lên như lửa/ Gió reo kĩu kịt tre làng/ Ngón
tay líu ríu hoa vàng/ Con tim dập dồn nụ mới (Hoa thêu nắng mới- Vương
Tâm).
Những buổi chiều rực rỡ, vầng dương khoác lên vạn vật muôn sắc
áo yêu kiều: Xuyên mây vệt ráng muộn màng/ Bóng chiều như trải thảm vàng cảnh
quê/ Bầy cò mở hội ngọn tre/ Tan trường đàn bướm bay về ngõ thôn/ Đa sồi vỗ lá
hàn ôn/ Mi trinh nữ khép hoàng hôn tím dần (Chiều quê - Đinh Đức Dược).
Tháng giêng, khắp nơi có những cơn mưa nhẹ nhàng, tí tách.
Mưa xuân nho nhỏ chỉ đủ làm mềm mặt đất cho hạt nứt nảy mầm và cây cối lên chồi
mới. Đây cũng là thời điểm nhiều hoa vườn nở rộ tỏa hương thơm ngát. Tháng năm
trời đổ mưa rào, những cơn mưa đầu hè sầm sập nổi bong bóng rũ tan bụi khói và
trôi tuột ngập đồng cho đất đai khỏi khô nẻ: Đồng quê chớm tiết xuân về/ Hạt
mưa thúc lúa xuân về trổ đòng/ Hoa cải màu vàng nhớ mong/ Hoa xoan tím rắc khắp
trong vườn cà/ Vắt lên cành khúc trổ hoa/ Lưới nhện giăng bắt sương là, đêm rơi (Sương
non- Anh Tú).
Hàng ngày, từ các thôn xóm đều vang lên những âm thanh, tiếng
động rất đặc biệt. Đầu tiên là tiếng lao xao của người và vật khởi đầu một ngày
mới: Quê tôi nam lộ 1A/ Lũy tre Thánh Gióng bao la quanh làng/ Mái đình
cong nét cũ càng/ Lá thông gọi gió âm vang sân đình/ Đêm dài chưa có bình minh/
Gọi nhau cắt cỏ xóm mình xóm ta/ Gà gáy mới gọi canh ba/ Tiếng cười ngáp ngủ ậm
à giục trâu/ Trước làng có dải sông sâu/ Trưa hè kẽo kẹt ầu ơ êm đềm (Quê
tôi- Khắc Quảng).
Tiếng lục lạc lanh chanh trên cổ trâu bò mỗi buổi sáng cày xới,
buổi trưa tung tăng gặm cỏ và buổi đêm kỳ cọ vách chuồng: Mõ trâu tiếng
gọi làng quê/ Chìm trong sương sớm, vọng về hoàng hôn/... Ngày vang đủng đỉnh
đường cày/ Trăng lên tiếng mõ rụng đầy bờ ao (Tiếng mõ trâu - Châu Nho).
Tiếng sáo diều vi vu mỏng như làn sương trầm bổng hư
vô: Chiều hôm nay thật là êm ả/ Tiếng sáo diều theo gió vẳng xa/ Đám trẻ
con đùa giỡn ê a/ Dưới ruộng bầy gà con mót thóc (Chiều đồng quê- Hoàng
Minh Phú).
Tiếng chuông chùa, nhà thờ vẳng ngân sớm chiều phiêu diêu,
thánh thiện: Ngôi chùa làng/ Chiều về/ Chuông ngân/ Gió lay mành liễu/ Dịu
êm/ Thanh thản nỗi niềm (Tiếng chuông - Hà Minh Đức); Đồng quê tươi nắng mênh
mông/ Cỏ cây đùa reo trong gió/ Vọng ngân tiếng chuông nhà thờ cổ/ ấm áp tình
yêu thương (Tiếng chuông ngân - Lê Tự Minh).
Những âm thanh đặc trưng theo mùa, như đêm xuân có tiếng chim
cuốc, bìm bịp kêu da diết: Giữa cơn nước lớn, nước ròng/ Tiếng chim khắc
khoải nghiêng chòng chành sông/ Tiếng chim cuội cháy ráng hồng/ Giọt tê tái
tím, tang bồng nỗi qua/ Tiếng chim ngầu đục phù sa/ Liu riu con nước, bờ xa bãi
gần (Tiếng bìm bịp bên sông - Trần Hoàng Vy).
Ngày hè rỉ rả nhạc ve: Từ làng quê tiếng ve như mời gọi
say mê/ Ngoài bờ đê có con trâu già nằm ngủ mê/ Mùa hè xanh long lanh trong mắt
trẻ thơ/ Trường làng vui cho em trang sách mới i tờ (ca khúc Mùa hè xanh -
Vũ Hoàng).
Không khí lúc nào cũng mơn man muôn làn hương thơm. Hương hoa
quả chín mọng trong vườn: Tháng giêng hoa bưởi ngát hương/ Trăng non rụng
xuống góc vườn nhà em/ Đợi nhau sau bữa cơm đèn/ Gốc cây gạo lão nhóm nhen tình
đầu (Hồn quê - Tân Quảng).
Hương cá, tôm, ngô, đậu, vỏ lạc, bã mía bày phơi la liệt lòng
ngõ: Gió dịu dàng hơi thở dòng sông/ Mùi phù sa và hương lúa thì con gái/
Gió ngọt hồn tôi suốt thời trẻ dại/ Mùi mía đường thơm ngát nẻo đường quê (Gió
ở quê nhà - Nguyễn Minh Phúc).
Hương lúa và rơm vương vãi xa gần: Hương rơm thơm nức
ngõ làng/ Lơ thơ mấy nụ mai vàng... lẻ loi/ Giữa trưa nồng nực nắng oi/ Bóng cô
thôn nữ nhỏ nhoi giữa đồng/ Mồ hôi bạc áo nâu sồng/ Em đang gánh thóc hay gồng
xuân qua (Vào hạ - Trần Đình Nhân).
Chỗ nào cũng nhộn nhịp những hoạt động đồng áng, sản xuất
nông nghiệp. Mùa khô có cảnh bửa cỏ, tát nước, gầu giai, gầu sòng dẫn nước nhập
điền, mùa lũ có cảnh chụp ếch, đơm cá, đánh ống lươn, đặt trúm, cất vó ở các
dòng chảy: Bao giờ cho đến tháng hai/ Con gái làm cỏ, con trai be bờ/ Hỡi
cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi (Ca dao).
Vào mùa gieo trồng có cảnh gieo sạ, cấy mạ, rắc phân khô và
phun thuốc trên ruộng. Người nông dân đi lại trên đồng tung các nắm bột khô hoặc
xịt cho thuốc nước tõe đều muôn nơi: Ruộng mạ xuân nảy đều mũi chông/ Đồng
cày ải phơi một màu cánh vạc/ Con mương mới xây xuôi dòng nước mát/ Tưới đồng
mình hối hả vào đông (Đồng quê - Nguyễn Ngọc Sinh).
Vào mùa gặt, có cảnh thu hoạch lúa. Bà con vui vẻ gặt hái, gồng
gánh, xe lúa về thôn, đường làng vương vãi và thơm nức mùi rơm rạ: Lọc cọc
đường quê tiếng xe bò/ Chiều thơm rơm rạ lúa về kho/ Lũ trẻ mục đồng nghêu ngao
hát/ Căng cánh đôi diều lượng gió no (Xe bò - Mục Đồng).
Ngay sau đó, mọi người tuốt hạt, phơi thóc, cào xới, vò, quạt,
sàng, sảy thóc. Sân nhà, sân chùa, sân đình biến thành hàng trăm ô phơi: Mảnh
sân trăng lúa chất đầy/ Vàng tuôn trong tiếng máy quay xập xình/ Rơm vò từng
búi rối tinh/ Thân rơm rách để hạt lành lúa ơi (Tiếng hát mùa gặt- Nguyễn
Duy).
Ngoài làm ruộng, nhiều làng nghề còn có nghề phụ như dệt vải,
đan lát, thêu thùa, làm bánh, nặn gốm, gò rèn, đúc đồng, khảm trai, sơn mài,...
những buổi nông nhàn đều mang ra thể hiện sinh động trong nhà ngoài sân.
Sôi động công việc như vậy song cũng có lúc xóm làng hết sức
nhàn tản, vắng vẻ. Buổi trưa nắng chói chang, cả làng như chìm trong giấc ngủ.
Khắp nơi người dân mắc võng, kê phản hoặc dựa lưng nằm nghỉ dưới vòm lá mướt
mát. Trâu bò, lợn gà cũng tìm chỗ râm trú ẩn.
Cũng có khi thấy các cụ già phơ phơ tóc bạc, miệng bỏm bẻm
nhai trầu, khoe hàm răng đen ngồi bổ cau tiêm giầu, phe phẩy chiếc quạt nan trước
cửa; các em nhỏ nhảy dây, kéo mo cau, chơi ô ăn quan hay ngồi nhổ tóc sâu cho
cha mẹ. Ban tối trời mát mọi người kéo nhau ra đê hóng gió, ăn cơm ngoài hiên
dưới mùi hương dạ lý, huệ, nhài trong ánh trăng lung linh, đèn dầu bập bùng và
những xâu hạt bưởi cháy lét tét: Trăng lên tắm lũy tre làng/ Trăng nhòm
qua cửa trăng tràn vô nôi/ Trăng thơm bên má em tôi/ Xanh hàng mi nhỏ, bé cười
xinh xinh (Ca dao).
Đêm về, mọi nhà đi ngủ sớm. Cảnh khuya yên ắng, lặng tờ đến nỗi
nghe được tiếng con ếch, con cá quẫy ngoài ao, tiếng con sâu, con dế than thở
trong bụi chuối, tiếng cánh dơi đập muỗi trên nóc bếp và thấy ánh sáng lập lòe
của bầy đom đóm, bướm đêm bò miết trên lá cỏ: Đêm làng đầy tiếng ếch kêu/
Nôn nao ngồi nhớ bao điều xa xưa/ Bờ sông, ruộng lúa, bãi ngô/ Con thuyền
thúng, mái chèo khua dặt dìu/ Ngọn đèn quán nước liêu xiêu/ Mặt hồ rau muống
cánh bèo nổi trôi (Đêm làng - Trần Thị Mỹ Hạnh).
Vào dịp nông nhàn, nghỉ ngơi hay làm việc thư thả, ở làng còn
luôn có các sinh hoạt văn hóa cộng đồng vui tươi. Những buổi trưa khi ngừng tay
cầy, tay cấy... những đêm thanh vắng trăng sáng ra đình giặt giũ, tát nước, quạt
thóc..., nam nữ lại ca hát, giao lưu văn nghệ nhân thể cợt đùa chòng ghẹo, ngỏ
lời yêu thương và không ít người sau này nên vợ thành chồng: Đồng chiều nghiêng
cánh ca dao/ Sừng trăng ai vót khuyết bao nhiêu tình/ Đêm qua quạt lúa bên
đình/ Vấp câu hát đối riêng mình nhớ mong (Màu ca dao - Nguyễn Thiền Nghi).
Ngày rằm mồng một, người dân náo nức đi lễ đình, chùa. Tay cầm
thẻ hương, tay lần tràng hạt, miệng niệm nam mô. Chùa chiền mờ mịt nhang khói
văng vẳng tiếng kinh cầu. Vào mùa xuân các làng đều tưng bừng mở hội, có những
đám rước kiệu và trò chơi dân gian đông nghịt trong tiếng trống chèo và câu hát
rộn rã.
Ai nấy thể hiện trọn vẹn nhất nét đẹp quê mùa, diện những bộ
trang phục truyền thống áo nâu, áo tứ thân (một hoặc ba màu), áo the đen, yếm hồng,
quần lĩnh, váy đũi, khăn xếp, khăn mỏ quạ, nón quai thao, giày mũi hếch, guốc mộc,
dép cỏ, dép da trâu..., chơi bát âm ngũ nhạc, hát và thao diễn các trò vui ngày
hội có tuổi đời cả trăm năm như múa lân-rồng, đi cà kheo-cầu kiều, trèo cột mỡ,
bơi chải, đấu vật, đập niêu, pháo đất, bịt mắt bắt dê, thi thổi cơm, bắt chạch
trong chum,...
Do cuộc sống bộn bề, đô thị hóa diễn ra ở nhiều nơi ngày càng
có nhiều người muốn tìm về những miền quê thanh bình, hòa mình vào phong cảnh cổ
kính, êm đềm với mảnh giếng làng xanh trong nở đầy hoa sen, hoa súng với
cây đa cây đề cổ thụ trăm tuổi rang tán ô che, những lũy tre xanh mát chạy ven
ruộng đồng ễnh ương ộp ạp, những đám trẻ mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu ê a
khúc đồng dao, những buổi chiều họp chợ sôi động các mặt hàng quê thanh đạm để
thấy trong mình sức trẻ, niềm vui, sự thanh thản, thêm yêu cuộc đời và quê
hương, đất nước.
16/11/2010
Chu Mạnh Cường
Theo https://baothaibinh.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét