Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

Cánh chim lạc đàn

 Cánh chim lạc đàn

Vệt đen qua vạch đỏ, vượt ngưỡng hẳn một độ, cán mốc 38 độ C. Tay chỉnh vội khẩu trang vẫn còn đeo trên mặt, mẹ vội đóng tất cả các cánh cửa đang mở và kéo rèm. Mẹ yêu cầu em trai nằm trên giường vẫn phải đeo khẩu trang. Mặt em trai bỗng nóng bừng lên vì kinh ngạc.
Mẹ rót cốc nước lạnh bắt em trai uống. Khăn mặt đút trong ngăn đá cho lạnh cứng, mẹ phủ lên trán em, cứ 5 phút lại thay. Mẹ rửa hai quả trứng gà luộc để đánh cảm. Hai cái nách được lau, mẹ miết mạnh khiến em rát đau kêu ôi ối.
Bố đi xe về, mở cửa phòng, đứng từ cửa nhòm vào, nói vài câu động viên em trai rồi đi ra nhà ngoài, rót cốc nước uống. Mẹ bảo, nếu lây thì chỉ từ buổi chiều qua vì chủ nhật em trai khăng khăng đòi đi tham gia trận bóng đá của lớp. Đã gàn nhưng em không nghe, bảo ở nhà thì sợ cô giáo trách, sợ mất chân trong đội bóng.
- Liệu có dính không?
- Ai biết được chứ. Nhưng vùng mình đã có ổ dịch nào đâu?
Ăn cơm tối xong, bố vào phòng làm việc. Sơn cũng vào phòng riêng của mình đóng cửa lại. Một ngày đứng máy ở công ty đã đủ cho toàn thân Sơn bải hoải, có thể nhắm mắt lại là ngủ ngay một giấc. Chợt nickname Hoa mơ xanh vẫy tay chào, Sơn tan cơn buồn ngủ, dán mắt vào điện thoại chát với Hoa mơ xanh. Chủ nhân của nickname Hoa mơ xanh mới xin vào công ty được một tháng. Hoa mơ xanh vừa gửi cho Sơn xem một ảnh chụp trong rừng thông, váy xanh lộ chân trắng muốt. Đang mải ngắm thì bố gọi cửa nhờ Sơn xem lại cái điện thoại bị mất định vị. Bố bảo đang tiếp cận đối tác là anh K, công ty giầy da nơi Sơn làm việc. Sơn bảo không giao tiếp với anh K bao giờ, Sơn chỉ là công nhân. Bố quay ra hành lang đốt thuốc.
Bố có một phòng làm việc riêng, buổi tối thường ở trong đó. Ngày trước, bố là công nhân của một công ty may, sau đi xuất khẩu lao động Đài Loan 5 năm rồi về. Kinh nghiệm 5 năm lăn lộn ở xứ người, từ hợp pháp đến bất hợp pháp, với vốn tiếng Trung kha khá nên sau khi về nước bố xin được chân chạy vật tư cho Công ty H. Càng ngày bố càng nhiều việc.
Một tháng nay nghỉ dịch ở nhà, mẹ mỗi ngày giặt đến ba chậu đồ như thế. Mẹ là giáo viên dạy cho một trường mầm non tư thục. Tuần đầu tiên có lệnh cho toàn thể học sinh nghỉ học mẹ còn phải lên trường tổng vệ sinh, dọn dẹp trường lớp, lau rửa bàn ghế, đồ dùng, đồ chơi... làm đẫy năm ngày, bàn tay mẹ bợt bạt, nhăn nhúm vì ngâm nước nhiều.
Mẹ mỗi ngày lau dọn hai tầng nhà, giặt ba thau đồ, cơm nước, đợi chồng con về ăn, lại dọn rửa, phơi giặt, không ngơi tay vậy mà mẹ vẫn thấy buồn. Một sáng đi chợ mua đồ ăn, vào quán bán gà vịt của cô em họ ở chợ, thấy đông khách mua mà cô em mổ không kịp, mẹ xắn tay vào làm giúp. Gần vãn chợ, cô em có ý bảo mẹ thời gian này rảnh rỗi ra chợ giúp cô ấy mổ gà vịt, mỗi con sẽ trả mười nghìn. Nói xong, cô em cứ dúi một trăm nghìn vào tay mẹ. Mẹ bảo giúp một lúc, nhưng người em gắt, em gửi chị mua quà cho các cháu.
Sáng chủ nhật, Sơn rủ Hoa mơ xanh ra phố chợ chơi. Lý do thật chính đáng vì là ngày sinh nhật của Hoa mơ xanh. Sơn mời cà phê và mua quà tặng sinh nhật là một chiếc váy ren hồng. Hoa mơ xanh khoác tay Sơn đi qua các gian chợ khiến ai cũng phải ngước nhìn. Có tiếng khen đẹp đôi.
Hoa mơ xanh kéo tay Sơn nũng nịu muốn ăn xoài dầm. Túi xoài dầm vừa cầm tay đưa cho Hoa mơ xanh thì Sơn thấy mẹ trong quán bán vịt gà đang xách túi vịt đưa cho khách. Mẹ cũng nhìn thấy Sơn bên Hoa mơ xanh. Lúng túng và bất ngờ.
- Sao mẹ lại ra đây làm thế này?
Hoa mơ xanh tròn mắt nhìn mẹ, nhìn Sơn.
- Dạo này mẹ rảnh, ra giúp cô ấy một tay. Ở nhà cũng chán lắm.
- Nhưng làm cái này bẩn thỉu, vất vả quá. Chợ búa đông người qua lại.
- Làm gì cũng là làm, còn hơn ngồi chơi con ạ. Mọi người cũng làm mà.
- Nhưng mẹ là cô giáo ra đây thế này thì...
Hoa mơ xanh lí nhí chào mẹ trước khi Sơn kéo đi. Tối ấy, bố đã gọi mẹ ra bàn uống nước lên lớp một hồi. Đại thể là mẹ có bị cắt lương một vài tháng vì có dịch thì mẹ cũng không phải ra chợ làm cái việc mổ gà, mổ vịt bẩn thỉu ấy. Sơn cũng động viên mẹ bằng cách đưa cho mẹ toàn bộ số lương vừa lĩnh. Mẹ rút lại cho Sơn hai triệu bảo cầm lấy mà chi tiêu, còn bạn bè. Sơn nói vẫn còn tiền tích trữ và tiền tăng ca.
Vườn gần một sào được mẹ cải tạo trồng rau xanh để tích trữ. Bờ ao cũng cấy rau muống, rau lang. Ngọn mướp, ngọn su su bám giàn đã leo lên đến ban công. Mẹ vẫn mỗi ngày lau nhà, lau tay nắm cửa, chậu rửa, bồn vệ sinh một lần. Máy giặt chưa sửa được nên mẹ vẫn giặt tay.
Sáng ra, trời mưa nặng hạt, Sơn khoác áo mưa đi làm, miệng huýt sáo, tưởng tượng ra cuộc hẹn với Hoa mơ xanh chiều nay ở quán Cánh diều. Bố cũng vui vẻ ăn hết bát canh mẹ nấu, rồi chở mấy thùng hàng cao chót vót sau xe. Em trai dậy muộn, bỏ dở bữa sáng mẹ chuẩn bị. Nhà cửa bỗng chốc vắng lặng, chỉ còn tiếng bát đĩa va vào nhau trong chậu rửa bát trộn trong tiếng mẹ thở dài. Hơn tháng không tới trường mà thời gian kéo dài như mấy năm. Không biết đám nhỏ ở nhà thế nào? Có lẽ mấy chữ cái mẹ vừa dạy chúng đã quên hết. Nhưng không sao, hết dịch trở lại trường cô trò sẽ cùng nhau ôn tập. Giờ chỉ cần chúng nhớ cách rửa tay, nhớ vệ sinh sạch sẽ và không đi đâu ra ngoài. Nhưng nếu bọn trẻ cứ bị nhốt mãi trong nhà như mẹ thế này thì có khi chúng cũng buồn lắm. Chẳng biết đầu óc chúng có lúc nào muốn nổ tung như mẹ không? Tới tận khuya, Sơn về, mẹ vẫn kéo lại để nói chuyện. Em trai không nghe chuyện của mẹ mấy khi. Bố thì càng không, bố hay xùy một tiếng rồi bảo: Đúng là đàn bà, suy với chả nghĩ. Sơn nghe xong thì mẹ nấu lại thức ăn và giục Sơn ăn. Ăn xong, tắm xong Sơn chui vào phòng bật mạng gặp Hoa mơ xanh. Lúc tối chở nhau về qua gốc đa, Sơn đã ôm hôn Hoa mơ xanh, hai chiếc khẩu trang, công ty phát mỗi ngày một cái, rơi xuống rệ cỏ. Hai người rạo rực sắp muốn trộn vào nhau thì có tiếng còi xe và ánh đèn pha từ đường bên kia chiếu thẳng vào.
Hoa mơ xanh đã thay váy tím, môi tô màu son đỏ như cánh hồng nhung chúm chúm môi hôn Sơn qua màn hình rồi khoe son của anh trai từ Anh mang về cho. Hoa mơ xanh còn giơ cái áo ren ba lỗ, bảo cũng quà của anh, nao đi chơi sẽ mặc để Sơn ngắm. Nghe vậy Sơn thấy nỗi rạo rực lại dâng lên khiến người Sơn nóng ran, muốn cắn một cái vào má của Hoa mơ xanh.
Sân nhà rộng hay có hai con mèo nhà ai sang nằm sưởi nắng. Mọi lần ăn thừa đồ gì mẹ cũng đổ cho chúng rồi đứng nhìn chúng nô đùa, nhưng trưa nay còn ít xương cá rán mẹ đem đổ hết xuống ao. Mẹ bảo với Sơn, có khi phải đuổi chúng đi, phải làm cho chúng sợ không sang đây nữa, nếu bùng phát dịch bệnh thì chó mèo là thứ lây lan nguy hiểm nhất.
Mỗi sáng mẹ ngồi hàng giờ trước ti vi xem tin tức dịch bệnh. Trưa, tối cũng thế. Sơn bảo mẹ đừng lo lắng quá. Nhưng mẹ bảo Sơn đi làm không nắm được tin tức nhiều đừng có mất cảnh giác. Mẹ đi chợ mua cả làn thức ăn tống vào tủ lạnh, lại hái mấy rổ rau vào nhặt để dành. Mỗi sáng mẹ nấu nồi nước sả, chanh, mật ong bắt cả nhà uống. Nước vừa đắng, vừa chua chát, nhưng ai cũng nhắm mắt, nhắm mũi cố uống. Mẹ bảo đây là bài thuốc giữ cho phổi được sạch sẽ, virus có vào cũng chào thua. Mẹ lại kỳ cạch giã muối vừng, làm ruốc, bảo chuẩn bị đồ ăn khô, nếu dịch bùng phát bị phong tỏa thì cũng có mà dùng. Mẹ đun nước muối loãng bắt mọi người ngậm vì có người mách ngậm nước muối sẽ phòng chống được bệnh. Bố con về đến nhà, mẹ bắt thay hết quần áo ngâm xà phòng ngầu lên cả hai tiếng rồi giặt tay riêng từng người, giầy dép cũng giặt. Tay xe, mẹ lau cồn cũng như lau các tay nắm cửa. Sơn nhận ra mẹ gầy và xanh xao, hay hốt hoảng, lo lắng. Sơn bảo riêng với bố:
- Mẹ cứ ở nhà phục vụ mọi người thế này có khi vất vả hơn đi làm, con sợ mẹ nghĩ nhiều quá rồi ốm.
Bố rời mắt khỏi màn hình máy tính:
- Làm gì thời buổi có dịch bệnh này, mà cho mẹ mày ra chợ thì đâu có đành. Ở nhà, mẹ có ốm thì bệnh ấy cũng không chết được mà lo. Chứ mắc Covid-19 mới lo con ạ.
Mẹ đã ốm. Không sốt, không ho, không khó thở, những triệu chứng ấy không giống người bị mắc Covid-19 nên bố đã thở phào, bảo cả nhà yên tâm. Mẹ mất ngủ chục đêm nay. Sơn biết điều ấy, nói với bố. Bố xua tay, bố cũng mất ngủ cả tuần nay, đang lo cho chuyến hàng này không được hợp đồng. Mẹ chán ăn, chán cả trồng rau, chỉ có lau nhà, lau tay nắm cửa, giặt, rửa là mẹ vẫn làm như một cái máy được lập trình. Thời gian còn lại, mẹ hay lên ban công phòng Sơn ngồi nhìn ra phía cánh đồng, nơi có hàng bạch đàn chạy thẳng như hai dòng kẻ xanh. Nơi có những đàn chim bay về trên dòng kẻ ấy. Mẹ luôn miệng lầm bầm, sao đàn chim không chịu ở yên một chỗ cứ đi kiếm ăn xa thế nhỡ mắc dịch bệnh thì sao? Mỗi chiều tan ca, Sơn lên ban công, mẹ kéo tay Sơn lại, chỉ theo đàn chim:
- Con ở đây đếm đàn chim trời cùng mẹ. Đàn chim trời ấy, chúng tự do bay lượn mới sướng làm sao.
Sơn đưa mẹ đi khám bác sĩ. Bác sĩ bảo với Sơn, mẹ bị ám ảnh vì dịch bệnh dẫn đến mất cân bằng tâm lý. Uống thuốc, mẹ ngủ được vài tiếng một đêm. Sáng ra, mẹ lau rửa nhiều hơn, trong nhà cũng đeo khẩu trang, có khi mệt quá nằm xuống giường nghỉ mẹ vẫn đeo khẩu trang. Nhưng cứ đến chiều lại lên ban công nhìn ra cánh đồng ngóng đàn chim trời bay về.
Em trai chơi điện thoại nhiều hơn, Sơn mắng thì nó bảo học trực tuyến, phải lên mạng nhiều để học. Em trai còn cãi, mà nhà này, ngoài mẹ ra, ai chẳng khư khư điện thoại. Không có điện thoại thì biết làm gì bây giờ, không giải trí trên điện thoại lại ốm như mẹ còn mệt hơn.
Hôm sau, bố đang chở hàng cho đối tác thì bị bắt quả tang vận chuyển năm thùng khẩu trang không rõ nguồn gốc, xuất xứ ngay trước cổng công ty. Anh K đã gọi Sơn ra trong lúc đoàn người đang quây quanh bố. Đất trời như quay cuồng dưới mắt Sơn khi trông thấy bố như một tội đồ đang bị dẫn giải ra pháp trường. Lúc người ta dẫn bố đi ngang qua Sơn để theo đoàn về làm việc, bố dặn nhỏ, đừng lo, cứ về nhà, có đứa muốn hại bố. Thời gian làm việc còn lại với Sơn như tra tấn. Mọi người vừa làm vừa xì xào, vừa nhìn trộm Sơn. Không chịu được, Sơn đã xin tổ trưởng về trước, mặc cho Hoa mơ xanh gọi phía sau. Tới nhà, nhà cửa đã sạch tinh tươm, cơm đã sắp sẵn trên bàn. Mẹ lại ra đứng ở ban công. Mắt mẹ nhìn mãi ra cánh đồng làng, lúc Sơn lên giục mẹ xuống nhà kẻo lạnh, mẹ bảo Sơn:
- Chiều nay thiếu một cánh chim trong đàn chim trở về con ạ.
Sơn nắm tay mẹ, bàn tay gầy guộc, đôi mắt hốc sâu mỏi mệt đã đếm đàn chim trời bao nhiêu chiều rồi mà Sơn không hay biết. Cánh chim không bay về cùng đàn ấy liệu có phải là nó đã lạc đàn rồi chăng.
Nguyễn Thu Hằng
Theo http://vanhoc.quehuong.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm c...