Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Cõi tiên trong thơ Thế Lữ

 Cõi tiên trong thơ Thế Lữ

1. Tìm đến một cõi cho riêng mình, cho sự vẫy vùng cảm xúc tâm tư, chính là dấu ấn chung - riêng của các thi nhân trong phong trào Thơ mới (từ năm 1932 trở đi).

Không chỉ gọi ra vẻ đẹp của hồn tiên cảnh chốn Bồng Lai, cực lạc trong thơ Thế Lữ, Xuân Diệu có cách tiếp cận tinh tế, rất “bếp núc” khi đem những rung động thi sĩ để cảm thức điệu hồn riêng của Thế Lữ: “Càng gian truân, sự thức dậy và đập cánh của hồn thơ trong anh càng nhuốm một vẻ kì diệu đối với anh; Thế Lữ là bản thân mình đồng thời cũng là giai đoạn đầu của thơ lãng mạn: sự mới nở nào mà không mới mẻ và kì diệu thần tiên?” (Đọc thơ Thế Lữ - Xuân Diệu).
Đến với cõi tiên, một mặt Thế Lữ vừa tạo ra thế giới nghệ thuật riêng, đồng thời thi nhân cũng bộc lộ được cảm xúc thẩm mĩ của mình. Với cõi tiên, Thế Lữ có cách phát hiện và phát ngôn riêng.
2. Trước hết, cõi tiên trong con mắt thơ của Thế Lữ là một không gian như được ướp bởi vẻ trong lành tinh khiết và thơ mộng. Hình như không thấy ở thế giới này vẻ huyền bí, mê hoặc lòng người:
ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng thổi sáo một hai kim đồng
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng mênh mông là buồn…
(Tiếng sáo Thiên Thai)
Người thơ đến với cõi tiên, như dắt ta tới miền thiêng diệu huyền bằng những thi phẩm in đậm vẻ tiên, dáng tiên và ấn tượng tiên trải ra, ngân nga suốt dọc bài thơ. Đó là những bài thơ tiên tiêu biểu: Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo Thiên Thai, Hoa thuỷ tiên, Vẻ đẹp thoáng qua… Sự hấp dẫn về cõi tiên còn phảng phất, mơ màng và ám ảnh trong khá nhiểu thi phẩm của tập   Mấy vần thơ, tập mới (1941) của ông.
Với Thế Lữ, bước vào cõi tiên là bước vào không gian thơm ngát hương hoa, là tìm đến nguồn sáng đặc biệt, là bước vào miền thanh thản khiến thi nhân không thể vồ vập, ồn ã mà dịu dàng vào cõi mơ:
Thoáng đưa ra…
Như hơi gió xuân qua
Chàng bước vào thản nhiên trông bốn phía:
Phòng vắng lặng cách trang hoàng ý nhị
Đơn sơ nhưng quý trọng thanh cao
ánh sáng không nguồn một sắc trong xanh
(Hoa thuỷ tiên)
Nếu đi tìm duyên cớ giấc mơ siêu thoát của Thế Lữ – giấc mơ lên miền tiên giới thì nhiều khi ta lại nhận được sự hồi âm, sự lí giải từ chính thơ ông. Bởi, hơn một lần người thơ lặp lại ước muốn tìm tới nơi trong trẻo của hồn mình:
Giận đời muốn khuất những trò đảo điên
Để lòng theo đám mây huyền
Mây đưa bước tới miền gió trăng
(Mấy vần ngây thơ)
Đã có không ít người khẳng định sự thoát li trước hiện thực cuộc đời, như một dấu hiệu trốn tránh, quay lưng lại với cuộc đời… của phần nhiều các thi sĩ lãng mạn trong phong trào Thơ mới. Tôi muốn biện minh với một lí do giản dị từ chính đặc trưng của thơ trữ tình lãng mạn: có muôn vàn cách đến với cuộc đời của văn chương. Và tìm đến cõi thanh tân, tinh khiết với giấc mơ lên tiên cũng là cách lọc đời, lắng hồn mà hướng về gốc thiện căn của con người.
Xin hãy để người thơ dắt ta theo “lối hoa về” mà tìm đến chốn thanh thản của lòng mình nơi tiên giới. Bởi đấy là cõi ao ước xa xôi mà cũng thật gần gũi ở bên ta:
Một cánh rủ theo bao cánh khác
Quanh mình tấp tới trận mưa hoa
Theo lối hoa về rẻo bước lên
Chân đưa lần tới cảnh thần tiên
(Mưa hoa)
Đem đến cảm giác trong lành, tinh khiết từ cõi tiên để lọc cõi đời. Hay nói một cách khác, người thơ đã đem cõi đời thực cảnh ra mà thanh lọc, mà khơi nguồn trong cõi tiên đầy tưởng tượng.
3. Cõi tiên trong vẻ hài hoà của hình thể, sắc màu và thanh âm.
“Đa tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên”(Tôi muốn đi). Có lẽ câu thơ này của Thế Lữ đã thể hiện một vẻ đẹp thật duyên dáng và mang nét riêng trong xúc cảm thẩm mĩ của thơ ông. Hẳn đấy cũng là duyên cớ để Thế Lữ tìm đến với cõi tiên, cũng là cõi thiên nhiên “vì thiên nhiên không lừa dối bao giờ”.
Xét ở góc độ lí luận thì “cái nhìn của Thơ mới với thiên nhiên là một cái nhìn cá thể hoá. Trong Thơ mới, cái tôi, cái bản ngã, được phát huy, được giải phóng” (Phan Cự Đệ).
Tôi muốn nói tới cái gọi là sắc màu “cá thể hoá” trong thơ Thế Lữ khi tìm tới cõi tiên, hoá ra từ trong miền sâu thẳm của cảm thức lại không hề xa lạ; càng không phải sự thoát li mà soi ngắm, mà nhấm nháp thú vui siêu thoát của lòng mình.
Nói tới hồn thơ của Thế Lữ phóng tới miền tiên giới, nhiều lúc hoá ra tâm hồn thi nhân vẫn là sự sóng bước, đồng hành giữa “cuộc đời mộc mạc” ở quanh mình với cảm giác “thi vị thiên nhiên” như chính nhà thơ từng thú nhận.
Trong Mấy vần thơ, Thế Lữ có một chùm bốn bài tứ tuyệt, mỗi bài lại gắn với một khoảng thời khắc của “Sáng”, “Trưa”, “Chiều”, “Tối”. Thế mà mỗi bài, mỗi cảnh sắc thiên nhiên sao cứ vấn vương, thấp thoáng dáng vẻ của cõi tiên, cõi mộng cũng là cõi đẹp quấn lấy hồn thi nhân. Làm sao mà không ngơ ngẩn bởi chút nắng “hoe đào” và cũng thật quyến rũ bởi các cô nàng là tiên sa hay bóng hình giai nhân đang đi “vào trong sương”:
Nắng soi áo trắng hoe đào
Theo cô đội nón kia vào trong sương
Hơi lam xoá dải chân làn
Ta đi không bíêt con đường về đâu.
(Sáng)
Đọc thơ tiên Thế Lữ, ta như muốn nâng bước thật nhẹ, thật êm giống như người khách lạ tới chốn Bồng Lai.
4. Cõi tiên và vẻ đẹp tiên nữ.
Cõi tiên dẫu có hấp dẫn bởi vẻ đẹp thiên nhiên của chốn Bồng Lai, tiên giới thì hình vẻ, màu sắc cùng thanh âm mê li, mời gọi cũng sẽ trở nên chống chếnh, hụt hẫng khi khi trống vắng vẻ đẹp yêu kiều của tiên nữ. Hơi ấm của sự sống nơi tiên giới chính là đây. Và, Thế Lữ không lơ đễnh mà bỏ qua vẻ đẹp duyên dáng này.
Sự xuất hiện của những nàng tiên nơi thượng giới cũng là miền tưởng tượng được thi nhân dẫn dắt theo cảm tình đầy thơ mộng. Điều thú vị nữa là sự hiện diện của những người đẹp cũng ẩn hiện theo lớp lang rất bài bản như các scenè (cảnh) trong lớp kịch vậy. Phải chăng sự hoà hợp giữa hai nhân tố thi sĩ và kịch tác gia trong vai trò đạo diễn giúp cho Thế Lữ biết đưa các nàng tiên tới đâu, vào lúc nào, và lúc nào thì các nàng tiên thoát biến. Tiên nga ẩn hiện trong cảnh sắc dịu hiền của chốn bồng lai với những cung bậc trầm bổng, réo rắt của những “Tiếng sáo Thiên Thai”. Chẳng biết người tiên thêm đẹp giữa muôn vàn màu sắc của thanh âm hay cảnh tiên  thêm quyến rũ khi giai nhân ẩn hiện:
Êm như lọt tiếng tơ tình,
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không
Thiên Thai thoảng gió mơ mòng
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng bay xa…
(Tiếng sáo Thiên Thai)
Cũng xuất phát từ điều tâm nguyện đến ám ảnh, hình ảnh những nàng tiên trong thơ tiên của Thế Lữ không phải là vẻ đẹp nhất thành bất biến, càng không khuôn trong vẻ đẹp con người mà hoà nhập, đồng nhất với vẻ đẹp của nàng Mĩ Thuật. Nhà thơ mượn chuyện tiên nữ để trao gửi, kí thác tâm tình về nghệ thuật:
Em thấy chàng yêu mới nhớ ra
Tên em là Đẹp, bạn em là
Bao nhiêu cảnh tượng muôn hình sắc
ánh sáng, non sông, mây, cỏ, hoa…
(Lời than thở của nàng Mĩ Thuật)
Mượn Lời than thở của nàng Mĩ thuật, thi nhân đã tạo nên một cuộc giao hoà, hội ngộ giữa vẻ đẹp của nghệ thuật với vẻ đẹp của cuộc đời với mối trao duyên tiên trần giữa nàng Ngọc Nữ cùng chàng Lưu trong niềm thương cũng nỗi tiếc nhớ “trường ân ái cũ”.
Trở lại sự hiện diện của hình ảnh yêu kiều trong thơ Thế Lữ. Hình như thi nhân luôn tạo ra một khoảng – vọng –  mỹ – nhân. Nhà thơ gọi ra một không gian huyền diệu, một không khí mơ màng, một lớp lang gợi cảm và mời gọi bóng hình giai nhân. Có lẽ đấy cũng là nét duyên tiên riêng trong thơ Thế Lữ:
Se sẽ nổi – bức rèm châu biến
Từ khung tối, một nàng tiên kiều diễm
Nhẹ bước ra tươi như ánh bình minh
Đôi mắt đen đắm đuối long lanh
Như đôi ngọc huyền sâu xa huyền bí
(Hoa thuỷ tiên)
Thế giới tiên cảnh cùng vẻ đẹp tiên nữ trong Mấy vần thơ vừa như mời gọi quyến rũ ta, lại vừa như thầm nhắc ta thật nương nhẹ, thật dịu dàng và biết dừng lại ở đường biên ngưỡng vọng. Sự ngưỡng vọng cõi tiên, cảnh tiên, tiên nữ như sự thành tâm ngưỡng vọng cái đẹp vậy.
5. Cõi tiên đan hoà cõi thật, cảnh tiên đan với cảnh đời.
Thực ra khi hướng lòng mình tới miền cảm xúc thẩm mĩ nơi tiên giới, Thế Lữ đã tạo ra trong thơ mình một vẻ đẹp riêng, một sức hấp dẫn riêng trong sự giao hoà của hai thế giới thực và mộng, cõi tiên với cõi đời. Có điều chính nhà thơ lại tự giãi bày về duyên cớ của cuộc du ngoạn lên tiên, khiến cho ranh giới hai cõi tiên – trần không còn cách biệt:
Hôm qua đi hái mấy vần thơ
ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:
Cảnh tĩnh, trong hoa chim mách lẻo
Gió đào mơn trớn liễu buông tơ
(Vẻ đẹp thoáng qua)
Trong bài thơ Hoa thuỷ tiên, người thơ đã khéo tạo ra không khí huyền giao giữa hai cõi tiên – trần. Mối tương giao giữa những đoá hoa thuỷ tiên với hình ảnh tiên nữ chập chờn ẩn hiện. Khung cảnh thực nơi “phòng khách” của chàng Vân Sinh bỗng thoắt nhập thành cung tiên cho sự hội ngộ tiên – trần. Rồi “ánh đèn rạng rỡ” bên những “cụm hoa đào say sưa bừng nở”, góp phần thức dựng cõi mơ tiên:
Trong phòng khách, dưới ánh đèn rạng rỡ
Cụm hoa đào say sưa bừng nở
Như tiên nga vừa thức giấc thần tiên
Hoa thẹn thò giương mắt ngạc nhiên…
Hồn thơ giàu cảm xúc lãng mạn của Thế Lữ đến cõi tiên, cõi thiên nhiên hay chính là vẻ đẹp nhằm thoả sức cho khát khao “mơ một giấc mơ không cùng”. Song, bên cái khao khát, ước ao với độ mở không cùng của lòng mình, nhà thơ đồng thời trân trọng cả những ước muốn thật giản dị. Ước muốn thanh sạch, thanh thản không nằm ở ước vọng vời trông mà chỉ xuất hiện như một khoảnh khắc trong trạng thái cân bằng tâm thế “trong những lúc giang hồ cay cực”:
Lòng thế gian ngoan mà lòng tôi ngờ vực,
Trong những lúc giang hồ cay cực
Vừng cây xanh bỗng réo tiếng chim ca
Khiến cho người non nước động hồn thơ…
(Lời mỉa mai)
Thậm chí ngay cả trong thế gian của sự đoạ lạc, khi con người chìm vào không gian quyến rũ đến mê hoặc của ma tuý thì hình ảnh Tiên nga, cảnh Đào nguyên đâu chỉ dẫn mãi vào mê đắm, lãng quên:
Lung linh vàng dội cung quỳnh
Nhịp nhàng biến  hiện những hình tiên nga
Chập chờn gần tưởng như xa
Ngọc reo muôn khúc đàn ca im lìm
Khói huyền lên… khói huyền lên
Thuyền trôi lững thững đào nguyên đâu rồi?
(Ma tuý)
Cõi tiên là miền cảm xúc thẩm mĩ nổi bật và tâm đắc trong thơ Thế Lữ. Hướng tới miền cảm xúc tâm đắc đến ám ảnh này, thi nhân không hề có chủ đích thoát li, trốn tránh cuộc đời, càng không bộc lộ thái độ thiếu trách nhiệm trước cuộc sống xã hội nơi dương thế. Thực ra, “Thế Lữ vẫn nặng lòng trần” (Hoài Thanh). Hoặc nói như Vũ Ngọc Phan: “hết thảy mọi vẻ đẹp trong trời đất đều làm ông rung động”.
Thử làm một con số thống kê về những từ ngữ có liên quan tới cõi tiên trong thơ Thế Lữ như : cung tiên, cung trăng, cung nguyệt, Bồng Lai, Đào Nguyên… hoặc những hình ảnh mang dáng vẻ tiên nữ  như: Ngọc Nữ, Ngọc Chân, Tiên Nga… ta thấy không dưới 40 lần chúng xuất hiện trong Mấy vần thơ của Thế Lữ. Con số ước tính ấy đủ để khẳng định thế giới tiên cảnh, cõi tiên trong thơ Thế Lữ. Một mặt nó khẳng định sức liên tưởng bay bổng, lãng mạn của tâm hồn thi sĩ khi hướng tới cái đẹp; mặt khác, cái đẹp, chất thơ mà thi nhân kiếm tìm cũng chính là hình ảnh thân quen trong thiên nhiên, của sự sống được thanh lọc qua tình yêu thương của chính nhà thơ.
Thế Lữ không hề nhầm lẫn khi ông yêu thương và tưởng nhớ cảnh Bồng Lai như “tưởng nhớ cảnh quê hương” của mình vậy. Đấy chính là tấm lòng của thi nhân với cuộc sống. Đấy cũng là quan niệm thẩm mĩ của Thế Lữ.
Có thể xem mấy câu thơ sau trong bài Mưa hoa của Thế Lữ là sự kí thác tâm tình, là thông điệp thẩm mĩ trong ước vọng hướng tới cõi tiên – miền cảm xúc thẩm mĩ của nhà thơ:
Trông khóm đào mai bán khắp đường
Ta cười tưởng nhớ cảnh quê hương
Bồng Lai muôn thuở vườn xuân thắm
Sán  lạn, u huyền trong khói sương
….
Nửa Bồng Lai, nửa ở dưới trần
Ta đi trong lúc cả trời xuân
Nồng say, thắm đượm màu thi cảm
Chợt cách hoa đào rụng dưới chân
Mưa hoa hay mưa lòng người đây. Mưa rực rỡ và sang trọng sắc hoa mỗi độ xuân về. Dẫu hướng tới miền thực – ảo “Nửa Bồng Lai, nửa ở dưới trần” thì thơ tiên của Thế Lữ vẫn là một thứ “đặc sản” của riêng ông. Đấy cũng là sức sống, sức xuân của một hồn thơ lãng mạn. Thế Lữ – người mang bó đuốc khổng lồ với bao niềm rạo rực, tiên phong đi tới cõi Đẹp – đi tìm cho thoả lòng khát khao tình yêu cuộc sống và con người nơi trần thế.
Trần Trung
Theo https://doanthuan.wordpress.com/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...