Những tia nắng mùa xuân
Ngày thứ nhất, phòng khách nhà cô đang biến thành một sàn
chơi bowling đích thực. Những chiếc cốc nhựa xanh, đỏ, trắng, vàng được ba đứa
trẻ xếp thẳng hàng.
Thằng con trai út ba tuổi của cô lẫm chẫm ôm quả bóng
cao su bé xíu ra. Vậy là sàn bowling gần như hoàn hảo. Cuối tuần nào vợ chồng
cô cũng đưa các con đi chơi bowling tại một trung tâm vui chơi do người bạn học
của anh lập ra.
Bọn trẻ quá quen với trò này. Cô chỉ cầm trịch để các
lượt chơi diễn ra tương đối công bằng, và dập tắt các cuộc cãi vã, ăn vạ của
các con sao cho cuộc chơi kéo dài, mỗi đứa đều được hưởng phần vui vẻ.
Thỉnh thoảng cô chạy tới góc nhà, kiểm tra chế độ quay
video của chiếc điện thoại thông minh được để trên bộ chân máy tự tạo khẳng
khiu như chân nhện.
Những món tóc tơ lòa xòa trước vầng trán trắng trẻo,
tinh khôi của từng đứa, cái lúm đồng tiền của đứa thứ hai lún sâu trên má cả
khi nó tức giận lẫn khi cười, dáng đi lạch bạch của đứa út, tất cả đều được ghi
lại trong những thước phim nghiệp dư này.
Nhìn các con chơi qua màn hình điện thoại, cô tự hỏi,
hai mươi, ba mươi năm nữa, xem lại những thước phim tài liệu gia đình này, phản
ứng của mỗi đứa sẽ như thế nào: thằng Mark có lẽ sẽ ngồi xem cùng với một đàn
con, "ít nhất ba đứa", như nó đã tuyên bố.
Cô và bọn trẻ sẽ làm gì sau trò bowling này? Ngày còn
nhiều tiếng đồng hồ nữa, mà trong đầu cô nỗi lo lắng tựa như một đống lửa, lúc
đầu cháy lom rom, sau đó bùng lên với những lưỡi lửa thiêu đốt.
Mở đầu ngày thứ hai, ngay trong bữa sáng, cô "bật
mí" với bọn trẻ kế hoạch của ngày: cả nhà sẽ làm bánh. Cô giảng giải những
việc phải làm cho các con hiểu, từ nhào bột, nặn bánh, đến chuẩn bị khay đựng đợi
các mẻ bánh ra lò.
Thoạt đầu bọn trẻ không hào hứng lắm. Cả ba đứa đều
thích chạy nhảy hơn là đứng chôn chân trong phòng bếp hẹp. Cô nghĩ ra ý sẽ chấm
điểm và thưởng những viên sôcôla bọc hạnh nhân cho bất cứ đứa nào hoàn thành tốt
phần việc của mình, nặn được một cái bánh tròn trịa. Trò làm bánh "giết"
được hơn một tiếng đồng hồ của bọn trẻ.
Cuối cùng cả bọn chán trò, chạy ra phòng khách truy tìm
chiếc điều khiển tivi, dò được kênh hoạt hình và bắt đầu tranh cãi về quyền được
xem thứ mình muốn. Thằng thứ hai, vẫn là thằng thứ hai tinh nghịch nhất, không
tranh được chiếc điều khiển liền lẻn vào bếp, bốc một nắm nhân bánh còn thừa, rắc
lên đầu thằng lớn khi mà cuộc tranh giành tưởng đã ngã ngũ.
Chiếc điện thoại thông minh thu được hình ảnh thằng bé
út cười lăn lộn trên sôpha trước bước ngoặt bất ngờ của cuộc chiến giữa hai anh
nó. Dọn dẹp bãi chiến trường là việc của cô sau đó. Ngọn lửa thiêu đốt lại bùng
lên trong cô.
Ngày thứ ba. Cô cần phải giải quyết vài việc của viện
nghiên cứu nơi cô làm việc. Cô cho phép đứa con lớn dẫn các em nó ra mảnh vườn
nhỏ sau nhà chơi tự do với cái vòi nước, con chó phốc, và bất cứ gì ở đó.
Chiếc điện thoại và cái giá tự tạo được chuyển ra sát cửa
sổ, và với chế độ quay tự động, nó hoạt động cho đến lúc sập nguồn.
Sau này, khi xem lại video đó cô mới phát hiện ra rằng
lũ trẻ chỉ lọt vào camera khoảng chưa đầy mười phút, sau đó chúng chuyển sang
chơi ở một góc khác, và những đám hoa dại, những vạt nắng, những chiếc lá kim,
vài con côn trùng trở thành nhân vật chính của những thước phim. Mùa xuân đến rồi
nhưng cô không nhận ra.
Ngày thứ tư. Ngày thứ năm. Ngày thứ sáu. Mỗi ngày đến rồi
đi với nỗ lực sáng tạo các hoạt động tập thể cho một nhóm trẻ dưới mười tuổi,
chọn chỗ đứng cho bộ chân khẳng khiu của chiếc điện thoại thông minh, nấu nướng,
tắm giặt cho bọn trẻ, và cả trăm việc không tên.
Mỗi giây cô đều phải dùng ý chí của mình để dập ngọn lửa
lo lắng đang thiêu đốt trong lòng như người lính cứu hỏa quả cảm nhất. Mỗi ngày
của cô đều kết thúc bằng việc cập nhật thông tin và gửi đoạn video clip trong
ngày đến địa chỉ cô cần gửi.
Ngày thứ mười cô bắt đầu cảm thấy đuối sức. Cô muốn
bùng nổ. Bọn trẻ đã chán việc cô sắp xếp cho chúng chơi mỗi ngày. Chúng thích
được chạy ngoài vườn, đuổi con chó phốc chạy quanh nhà, bốc đất nhồi vào những
chiếc vỏ lon bia ở góc vườn, không chịu ngủ trưa đúng giấc.
Mỗi đứa đều cáu nhiều hơn, khóc nhiều hơn, chống đối cô
một cách ngang ngược hơn. Đầu cô rối tung, chẳng có ý tưởng hay ho nào xuất hiện,
cô quên cả những việc của viện nghiên cứu mà mình phải làm online, quên cả việc
thanh toán các hóa đơn qua tài khoản điện tử.
Chỉ một việc duy nhất cô không quên là, gửi những video
clip cô quay được trong ngày tới nơi đang cần chúng.
Ngày thứ mười một, nhìn bầu trời bừng lên những tia nắng,
cô bật khóc. Cô nhận ra mùa xuân đã tới. Cô nhớ cảnh vợ chồng cô đưa bọn trẻ tới
trường, đi qua những con đường nhỏ được viền bởi những vạt hoa dại dài tít tắp.
Cô nhớ khoảng thời gian sau đó, cô và anh được giải
phóng khỏi những tiếng mè nheo và tận hưởng sự yên tĩnh và phần nào lãng mạn tại
quán cà phê quen thuộc bên bờ sông. Lạ lùng thay, khi nghe tiếng khóc của chính
mình cô lại bắt đầu quyết tâm huy động trí lực cho hi vọng.
Ngày thứ mười ba, hy vọng bắt đầu lóe lên sau khi cô mở
mục tin nhắn, và nhận ra người đang nhắn tin cho cô không phải là bác sĩ của
anh mà là chính anh.
Anh, sau gần nửa tháng chiến đấu với virus, đã bắt đầu
có những dấu hiệu hồi phục. Bác sĩ khẳng định anh thuộc về số những người may mắn
đã chiến thắng đại dịch. Bác sĩ nói những video cô gửi là công cụ quan trọng để
các bác sĩ "giật" anh ra khỏi giấc ngủ, khi anh cần phải thức để nhận
oxy.
Cô khóc òa trong phòng ngủ.
"Anh yêu em và các con nhiều!" - anh nhắn
tin.
Nguyễn Bích Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét