Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Thế Lữ, nhà phê bình văn học

Thế Lữ, nhà phê bình văn học

Nói đến Thế Lữ, trước tiên là nói đến một nhà thơ tài danh, người góp phần lớn mở đầu phong trào Thơ Mới (1932-1945), cũng là nhà thơ tiêu biểu nhất của Thơ Mới buổi đầu. Ông còn là cây bút văn xuôi nghệ thuật tài hoa, là nhà báo, dịch giả và nổi bật là nhà hoạt động sân khấu xuất sắc, cụ thể là đưa nghệ thuật biểu diễn kịch nói nước nhà trở thành chuyên nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Thế Lữ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1, 2001). Thế Lữ sinh ngày 6-10-1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Ông mất ngày 3-6-1989 tại thành phố Hồ Chí Minh. Thế Lữ là hội viên thế hệ sáng lập Hội Nhà văn Việt (từ năm 1957).
Trước thế kỷ XX, văn học Việt chưa có loại hình phê bình. Những người viết văn chỉ nhận xét lời văn, câu thơ hoặc tác phẩm văn chương một cách lẻ tẻ, ngẫu hứng, không thành hệ thống mà người đời sau quen gọi là bình văn. Dẫu sao thì bình văn cũng đã trở thành một việc làm truyền thống lâu đời. Và Lê Quý Đôn là một trường hợp cá biệt, ngoại lệ. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là văn học trung đại Việt đã có một nền phê bình hiểu theo nghĩa hiện đại.
Buổi đầu của tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, nếu sưu tầm, khảo cứu, dịch thuật về mọi lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên đã đi cùng, tạo điều kiện và góp phần mở đường cho sáng tác văn chương, thì nghị luận, phê bình văn học lại hình thành muộn. Phê bình thường lẫn vào khảo cứu, nghị luận. Phê bình chỉ thật sự có diện mạo từ sau năm 1932. Từ đây, xuất hiện thêm nhiều tác giả sáng tác, khảo cứu, dịch thuật, báo chí, trong đó không ít người viết cả phê bình và trở thành những cây bút phê bình chuyên nghiệp, tiêu biểu là Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Thiếu Sơn, Hải Triều, Lưu Trọng Lư, Tản Đà, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Thạch Lam, Lê Tràng Kiều, Như Phong, Xuân Diệu, Lan Khai, Vũ Bằng, Trương Tửu, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Đinh Gia Trinh, Kiều Thanh Quế, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Thi, v.v… và Thế Lữ.
Ngoài những ý kiến phê bình không được sắp xếp hệ thống thành bài, được phát biểu trong các mục Điểm sách (bút danh Lê Ta), mục Tin thơ (bút danh Thế Lữ) trên báo Phong hóa và sau đó mục Tin văn… vắn (bút danh Lê Ta), mục Tin thơ (bút danh Thế Lữ) trên báo Ngày nay, Thế Lữ còn viết một số bài phê bình như là những đơn vị tác phẩm riêng biệt. Đáng chú ý là hai bài viết về thơ Xuân Diệu: Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu (Ngày nay, số 46, xuân 1937), và Tựa tập Thơ Thơ (Nhà xuất bản Đời nay, 1938). Trước đó, Thế Lữ đăng bài phê bình tập thơ Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp (Phong hóa, số 36-1933). Một trong những bài phê bình văn học cuối cùng của Thế Lữ là Tính cách tạo tác của Thạch Lam (báo Thanh nghị, số 39, 16-6-1943).
Những bài phê bình như những đơn vị tác phẩm ấy có tầm khái quát cao, nêu bật được đặc trưng của đối tượng khảo sát, có cách cảm thụ tinh tế, lời văn cô đúc, mềm mại, giàu sức biểu cảm, đọc nghe du dương, ngân vang như văn sáng tác. Giới thiệu “Một nhà thi sĩ mới: Xuân Diệu”, Thế Lữ viết: Đó là một tâm sự nồng nàn mà kín đáo, một linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm hiện ở trong những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột. Cảnh sắc của sự vật, nỗi âm thầm của tình ái, dáng tươi cười của mùa xuân, nỗi tiếc thương lạnh lẽo của mùa thu, lời van xin, khuyên nhủ của tấm lòng yêu thấm thía nhưng rụt rè; tất cả những tình cảm ấy đều tả trong thơ của Xuân Diệu một cách mới lạ, ý nhị, vừa đơn giản, vừa đầy đủ; gợi cho ta thấy những hình ảnh, những tư tưởng bát ngát và tươi đẹp không ngờ. Thơ của ông không phải là “văn chương” nữa: đó là lời nói, là tiếng reo vui hay năn nỉ, là sự chân thành cảm xúc, hoặc là những tình ý rạo rực biến lẫn trong những thanh âm…
Đọc Thơ thơ, tập thơ đầu tay của Xuân Diệu, Thế Lữ có cảm nhận khá sắc sảo và tinh tế. Những ý kiến ấy mãi mãi hay, mãi mãi đúng đối với thơ Xuân Diệu, đó là Xuân và Tình. Trong Lời tựa (công bố trước Thi nhân Việt Nam), Thế Lữ viết: Cho nên Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong bầu tim mây trời thanh sắc. Ông hăm hở đi tìm những nơi sự sống dồi dào tụ lại. Khi ông khao khát vô biên, tuyệt đích, chẳng phải ông muốn lên tới đỉnh cao nhất của sự sống đó sao? Ham yêu, biết yêu, Xuân Diệu muốn tận hưởng tình yêu, vì ông thấy chỉ tình yêu mới gồm được bao nhiêu ý nghĩa (…). Xuân Diệu vội vàng, bao giờ cũng lo âu thắc mắc. Luôn luôn tận tâm, siêng năng mà sống, ông mau mau đem hết cả tâm hồn mà tặng cho đời, và ông cũng đòi hết cả tâm hồn của người yêu dấu, của trời đất, của mọi sự vật trên trần gian.
Thế Lữ không chấp nhận thói a dua, theo đuôi, lai căng, sáo ngôn, sính chữ, kệch cỡm, giả dối, cẩu thả, dễ dãi, lười biếng, đểnh đoảng… Thế Lữ cho rằng nếu như thế thì không tránh khỏi văn chương trống rỗng, tầm thường. Những ý kiến như thế về nghề văn nói chung và nghề thơ nói riêng lặp đi lặp lại trong những tin, bài phê bình của Thế Lữ. Ông không đồng tình với những hiện tượng: ghi chép vội vàng, văn rời rạc, lời sáo, hững hờ với tập luyện, ý thơ nghèo nàn, lý sự rỗng không, không chịu tốn công sức… Nhà thơ kiêm nhà phê bình vạch rõ: “Cái tật chung của người làm thơ mà chúng tôi được xem là thơ, là không hết sức yêu quí những từ thơ, những tứ thơ, những hình ảnh thơ mà tâm hồn rung động của mình đã tạo ra được” (Ngày nay, số 80, 10-10-1937). Thế Lữ cho rằng “Huy Thông có nhiều tình cảm, tư tưởng hay nhưng còn cẩu thả”. Ông nêu rõ, trong thơ của tác giả này, “bao cái hay, cái đẹp kia, chỉ là những hạt trai lóng lánh lẫn vào trong đống đá sỏi sù sì” (Phong hóa, số 132, 12-1-1935). Cách nay sáu bảy mươi năm, do ý thức tôn vinh, bảo vệ cái đẹp, Thế Lữ đã là một trong những người đầu tiên nêu chủ trương chống thương mại hóa trong lĩnh vực sáng tạo văn học, nghệ thuật. Ông phản đối nặng nề những kẻ buôn văn chương theo hướng làm dối, hạ thấp giá trị. Thế Lữ phản đối các hành vi phô trương “thùng rỗng kêu to” hoặc kệch cỡm, lố lăng, thô lỗ, thể hiện ở cách đặt nhan đề bài báo, cuốn sách nhằm câu khách, kiểu như: “Sự động cỡn của đàn bà”, “Người đàn bà trần truồng”, “Khi chiếc yếm rơi xuống”, “Sự xấu hổ của chiếc quần đàn bà”, “Thất tình”,v.v…
Trước hết, Thế Lữ coi trọng phẩm chất tư tưởng của tác phẩm ngay từ khi ông còn là một nhà văn tiểu tư sản chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật. Thế Lữ từng nói mỉa: “Thơ văn rỗng là món sở thích của những nhà văn nói mà chẳng biết mình nói gì”. Khi đọc một tập thơ nọ, ông “không thể tìm đâu ra được những thứ văn tầm thường và rỗng hơn” (Phong hóa, số 128, 14-12-1934). Thế Lữ cho rằng: “Thường thường, người ta viết để diễn đạt tư tưởng (…). Nhưng trong làng báo, làng văn Việt Nam, thường thường lại không thế. Người ta viết để chẳng diễn đạt cái gì. Hay nói cách khác, người ta viết để… phô diễn một trí khôn trống rỗng” (Ngày nay, số 192, 1935). Hai mươi năm sau, khi bàn Đôi điều về sáng tác (báo Văn nghệ, số 20, 13-9-1963), Thế Lữ tiếp tục nêu ý kiến, lần này là ý kiến của một nhà văn cách mạng, đã trưởng thành về nghề nghiệp. Ông viết: “Chủ đề tư tưởng không cao là do cách đặt vấn đề sai lệch của tác giả (…) “Phẩm chất tư tưởng của tác giả gửi gắm vào chủ đề. Vậy ở cùng một chủ đề mà tư tưởng của tác phẩm có thể khác xa nhau, do tư tưởng của chủ đề khác nhau về phẩm chất”.
Thế Lữ đặc biệt coi trọng phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Nhà phê bình vốn là một nhà thơ mở đầu phong trào Thơ mới này rất dị ứng với việc tác giả trình bày luận lý đạo đức lộ liễu, vụng về, dài dòng mà xem nhẹ hoặc non kém về mặt sáng tạo nghệ thuật. Ông từng phát biểu: “Cái hay của một cuốn truyện về phong tục không phải ở cái luận lý của câu chuyện ấy, bởi vì mục đích của nhà viết văn không phải là giãi bày hay thuyết phục mà chỉ là ở sự diễn tả các hành vi của người đời, làm cho các hành vi đó được rõ rệt, minh bạch hơn cái quang cảnh sôi nổi và rắc rối của cuộc sinh hoạt hằng ngày. Những cách kết cấu phần nhiều cay đắng mà nhà văn cứ theo sự thực làm ra sẽ có ảnh hưởng và vang động sâu xa hơn những cái lạc quan giả dối của những chuyện tầm thường chỉ cốt để cho người đọc truyện được yên giấc ngủ ngon. Chỉ có những cảm giác của cuộc đời thật là còn lại và in sâu trong trí nhớ của người đọc, còn một cốt truyện kể ra và kết cấu một cách khéo léo cho vừa ý độc giả sẽ bị quên ngay, không ai bàn đến nữa”. Chê thơ Nguyễn Vỹ, Thế Lữ cho rằng thơ của nhà thơ mới lai Tây rất nhiều này còn “lúng túng ở trong các thể văn chật hẹp” (Phong hóa, số 129, 28-12-1934). Xem vở diễn Không một tiếng vang, bi kịch của Vũ Trọng Phụng, Thế Lữ nhận xét: “Soạn giả có nhiều ý tưởng hay, nhưng soạn giả chưa phải là người thợ khéo” (Ngày nay, số 2, 10-2-1935).
Năm 1939, khi Hội khai trí tiến đức mở cuộc thi thơ rồi trao giải Nhất cho Từ Long, tác giả bài thơ Tân nữ huấn ca, Thế Lữ cho rằng bài thơ chỉ có giá trị về mặt tuyên truyền đạo đức mà kém giá trị về mặt nghệ thuật. Ông nhận xét: “Nhà thi sĩ trong lúc cảm hứng quá nhiệt thành, đã vì đạo đức mà bỏ rơi mất sự chỉnh đốn trong thi vận”. Nhà phê bình viết rằng, trong bài đoạt giải Nhất ấy, “đạo đức được cụ phát huy hùng hồn. Còn Nàng Thơ thì bị cụ tát cho những cái tát méo mặt” (Ngày nay, số 185, 28-10-1939).
Càng về sau, khi trưởng thành về nghề nghiệp, Thế Lữ càng khắt khe đối với bạn đồng nghiệp và đối với chính mình. Ông luôn luôn quan tâm đến phẩm chất nghệ thuật trong tác phẩm, bất cứ ở hoàn cảnh nào. Đối với nghệ thuật biểu diễn sân khấu hiện đại, ông đòi hỏi vở diễn phải đẹp, chuẩn xác, có sức truyền cảm thẩm mỹ cao. Đối với tác phẩm của chính mình, Thế Lữ có cái nhìn rất khách quan, nghiêm khắc: “Đứng về phương diện nghệ thuật thì vở Đề Thám mong manh lắm. Nhưng về phương diện lịch sử thì nó đã đạt” (Tạp chí Văn nghệ, số 17+18, 11, 12-1949).
Đối với Thế Lữ, phẩm chất nghệ thuật theo hướng hiện đại hóa được cụ thể hóa ở các yếu tố như: xúc cảm thẩm mỹ, cái mới, cái thật.
Là một nhà thơ, Thế Lữ đặc biệt chú ý đến xúc cảm của người nghệ sĩ và xúc cảm do tác phẩm tạo ra cho người đọc, người xem. Ông cho rằng “Thơ, riêng nó, phải có sức gợi cảm, bất cứ trong trường hợp nào”, (Ngày nay, số 81, 17-10-1937), “Lãng mạn hay không, thơ động đến lòng người là đủ” (Ngày nay, số 90, 19-12-1937), “Thơ thực là thơ bao giờ cũng rung động” (Tạp chí Văn nghệ, số 17, 18, 1949). Đọc thơ xuân của Tản Đà, Thế Lữ nhận xét rằng giọng thơ Tản Đà “không có điệu băn khoăn cay đắng cũng như không chan chứa hạnh phúc, ông không để tâm đến những tình cảm sâu kín, vì lòng ông chỉ phơi phới thanh thản như gió nhẹ…” (Ngày nay, số 97, 1938). Đọc thơ của một tác giả có bút danh là Trúc Sơn, Thế Lữ khuyên: “Người ta muốn ông giục hồn cảm động hơn nữa, tha thiết nữa, để cho lời thơ rung động thực bởi cảm xúc dồi dào”. Thế Lữ cho rằng tác giả này chỉ có “Những câu thơ bằng phẳng, mộc mạc, không có dấu hiệu của sự cảm xúc đằm thắm, mạnh mẽ” (Ngày nay, số 80, 10-10-1937).
Thế Lữ là người quan tâm đặc biệt đến cái mới. Ngay từ những ngày đầu bước vào làng văn, Thế Lữ đã ý thức sâu sắc rằng làm nghệ thuật là phải tìm được cái mới, phải dứt khoát làm ra cái mới, chính vì thế mà ông trở thành người mở đầu một trào lưu thơ ca. Những suy nghĩ của Thế Lữ về cái mới được ông nêu ra khi trò chuyện, khi viết báo, viết bài phê bình. Ông tâm sự trong Hồi ký: “Trong người mình chứa chất những tình cảm mạnh mẽ về yêu đương nhưng đương thời đã có bao nhiêu người viết truyện tình rồi, mình còn viết làm gì nữa; cho nên tôi tìm kiếm một phía khác, một mạch khác” (báo Văn nghệ, 14-1-1984).
Thế Lữ rất dị ứng với những trang văn kém cỏi về sáng tạo. Ông cho rằng như thế chẳng khác gì “xào nấu lại những món ăn cũ”, cũng giống như “lượm lặt những rơm rác” mà cổ nhân đã sử dụng nhàm chán đi rồi. Họ “không phải là người biết tìm cái đẹp mới mẻ, cho nên họ không làm được thơ mới” (Phong hóa, số 148, 10-5-1935). Lê Ta đáp lại một tác giả chê trách thơ mới: “Mình biểu lộ cảm tưởng, tâm trạng một cách êm ái, tha thiết, hay hùng tráng, du dương theo bản lĩnh riêng của mình, không bao giờ chịu theo tư tưởng, tình cảm của người khác (…). Các ông xúc động bằng tâm hồn của người khác vì trong lòng các ông không có một thi cảm riêng nào”. Về nghệ thuật sân khấu, Thế Lữ rất coi trọng vốn cổ dân tộc, tuy nhiên, ông chủ trương tiếp thu có sáng tạo. Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, Thế Lữ khuyến khích khả năng sáng tạo của nhà thơ mới này: “Ở bài nào cũng vậy, ông cũng cho ta xem những nét vẽ kỳ khôi mới lạ của một người biết trông cảnh vật một cách mới lạ…” (Phong hóa, số 36-1933).
Từ thế kỷ XIX trở về trước, do những ràng buộc bởi luật lệ phong kiến và do cái tôi chưa được giải phóng, văn học Việt Nam còn rất hạn chế trong việc bộc lộ cái thật theo đúng nghĩa. Cái “khát vọng thành thực” mà Hoài Thanh nêu ra phù hợp với tinh thần thời đại, cũng phù hợp với quan niệm nghệ thuật của Thế Lữ. Thế Lữ luôn luôn đòi hỏi ở văn học, nghệ thuật phẩm chất chân thật. Ông cho rằng: “Sự thực là điều quan trọng mà nhà văn phải giữ” (Ngày nay, số 160, 6-5-1939). Ông đề nghị: “Hãy gọi đúng tên sự vật. Muối thì cứ bảo là muối có hơn không, lại cứ đi bảo là gia vị” (Phong hóa, số 92, 6-4-1934). Đi liền cái thật là sự giản dị. Từ thật mà có giản dị, vì giản dị mà thật. nhưng thật và giản dị đều phải bảo đảm chất lượng nghệ thuật, đều phải tuân thủ quan niệm chung nhất về cái đẹp. Thế Lữ “Coi sự dung dị trong thơ như đường lối của sự toàn mỹ”. Nhà phê bình nhấn mạnh: “Dung dị không phải là dễ dãi (…) Phải có một thi tài rõ rệt mới khiến cho sự dụng công thành dung dị được; trái lại, bất cứ ai cũng có thể bằng lòng viết những câu trơn tru nhưng đểnh đoảng lạ thường” (Ngày nay, số 112, 30-5-1938).
Tuy rất coi trọng cái thật, cái giản dị, nhưng Thế Lữ lại rất chú ý đến sự tinh tế, ý nhị. Ông lưu ý người viết rằng: “Thành thực vẫn là điều cốt yếu trong văn thơ. Nhưng thành thực trắng trơn, không có một ý nhiệm màu ẩn sau bức màn hoa của nghệ thuật, lại là một điều các nghệ sĩ phải coi chừng. Sự kiểu cách quá đáng cũng hại như sự thực thà quá đáng” (Ngày nay, số 113, 5-6-1938). Tinh tế và phong phú là những yêu cầu mà Thế Lữ đặt ra đối với tác phẩm. Khi viết bài phê bình tác phẩm của Xuân Diệu, Thạch Lam, v.v… Thế Lữ lưu ý đến khía cạnh tinh tế, giàu màu vẻ. Sự tinh tế của thơ được ông quan tâm trước tiên.
Quan niệm về cái đẹp rộng mở, muôn màu được Thế Lữ lấy thơ làm ví dụ. Thế Lữ từng có quan niệm về thơ rất mới, từ bảy mươi năm trước cho đến ngày nay vẫn còn phù hợp. Ông sớm nhận ra rằng những nhà thơ mới không thể có xúc cảm như Tản Đà, bởi vì nỗi lòng những nhà thơ mới phức tạp hơn, nỗi đau sâu sắc hơn và niềm vui cũng lắm sắc màu. Đó chính là sự phong phú nhiều vẻ và sự tinh tế của tâm hồn (Ngày nay, số 97 – 1938). Thế Lữ đề cao khả năng biểu hiện đa dạng của thơ: “Tôi giới thiệu với làng thơ một vẻ đẹp chua chát và nhân thể có ý cho các bạn làm thơ thấy rằng không cứ phải một nhan sắc tuyệt mỹ, một sự thương yêu trong sạch, hay những nét dịu dàng tươi thắm mới thực nên thơ. Thơ còn là phương tiện diễn đạt những tình cảm khác thường hơn, thí dụ để thở than vì sự vò xé của dục tình bất mãn, để kêu lên những nỗi mong ước mê mải, để gào khóc sự yếu đuối của tâm hồn; bao nhiêu nhược điểm trong tình người là bấy nhiêu điều thảm khốc; biết tủi và ươn hèn là biết tìm nghị lực. Ở đây, thơ dù không là sự phấn khởi ít ra cũng là kế thoát ly”. (Ngày nay, số 113, 5-6-1938). Thế Lữ phát hiện ra ở văn Thạch Lam: “Không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó”, “Rất nhiều” ở đây không chỉ mang một nghĩa. Rất nhiều Thạch Lam, vừa có nghĩa là một cá tính sáng tạo Thạch Lam nổi bật, rất riêng, sâu sắc, vừa là một Thạch Lam nhiều vẻ, đa dạng, muôn trong một. Vào đầu thế kỷ XX, một nhận xét tinh tế, súc tích, phù hợp với quan niệm mới về văn học như thế không phải là nhiều.
Thuộc những nhà thơ mới chịu ảnh hưởng phương Tây sớm nhất, Thế Lữ lại là nhà thơ rất Việt , rất dân tộc. Ưu điểm ấy được thể hiện rất rõ trong sáng tác, do ông có quan niệm đề cao phẩm chất bản sắc dân tộc của văn học. Vũ Ngọc Phan đã phải thừa nhận: “Tôi cho là Thế Lữ đã ăn nhập với sự thay đổi trong cuộc sống về tinh thần của người Việt Nam ta, nên trong một thời, thơ ông đã được hoan nghênh một cách thật xứng đáng (…) nếu đọc cả tập thơ của Thế Lữ, người ta sẽ thấy dù là ý mới, cái tinh thần Việt Nam vẫn hiện lên một cách rõ ràng” (Nhà văn hiện đại). Nhớ lại những ngày tháng đầu của phong trào Thơ mới, Thế Lữ tâm sự rằng ông từng băn khoăn và lo sợ trước những câu thơ mà ông cho là nguy hiểm về cách diễn đạt của bài thơ Tình già. Thế Lữ phản đối dứt khoát: “Không! Thơ bao giờ cũng phải là thơ đã! Và là thơ Việt kia! Thơ mới là thơ mới Việt , chứ không phải là thơ mới Tây”.
Thế Lữ phản đối gay gắt tình trạng lai căng, bắt chước, đánh mất cá tính sáng tạo và bản sắc dân tộc. Đọc tập thơ đầu tay của Nguyễn Vỹ, Thế Lữ nhận xét: “Nàng thơ ông Vỹ khi nói tiếng ta thì ngô nghê, ngớ ngẩn mà lải nhải nhiều lời… chẳng khác gì một cô đầm lắp bắp nói tiếng dân bản xứ” (Phong hóa, số 127, 7-12-1934). Khi Vũ Ngọc Phan nêu ý kiến là ở nước Việt Nam ta khó có những truyện viết theo đúng sự thật mà hay được vì không có con người phức tạp, không có những cảnh kỳ lạ như ở nước ngoài, thì Thế Lữ không tán thành. Nhà phê bình Thế Lữ đối thoại với nhà phê bình Vũ Ngọc Phan rằng: “Người văn sĩ có một tấm lòng quí báu có thể rung động được trước bất cứ cảnh tượng và trạng huống nào” (…) Ông đọc nhiều tác phẩm của văn hào các nước. Ông thấy những cảnh sắc lạ, nhân vật phức tạp của người, rồi khi quay lại nhìn những cảnh vật nghèo nàn ở nước ta, ông có một ý ân hận. Ông quen nếm những vị đậm đà thơm tho khác và khi dùng món thanh đạm của đất nước ông thấy nhạt miệng và lấy làm buồn” (Ngày nay, số 160, 6-5-1939).
Trớ trêu thay, là nhà thơ lừng danh từng in dấu chân đầu tiên sâu đậm trên những vùng quê hương thơ ca mới mẻ vào đầu thế kỷ XX, Thế Lữ lại chính là người có thời điểm còn ngăn chặn một cách kiên quyết thế hệ sau can đảm đi tìm những chân trời mới lạ.
Lấy những giá trị ổn định của thời mới buổi đầu làm chuẩn, Thế Lữ có lúc còn phản đối khá gay gắt thơ Nguyễn Đình Thi – “một cuộc thí nghiệm về thơ nói chung”. Thế Lữ cho rằng thơ Nguyễn Đinh Thi “quí phái cao đạo”, “kiêu căng, kín đáo, chung đúc quá, hà tiện lời quá”, ít giãi bày, xa cách công chúng rộng rãi. Thậm chí, người mở đầu xuất sắc phong trào Thơ mới còn cho rằng, bằng kiểu thơ này, Nguyễn Đình Thi đang “reo rắc mối nguy hiểm”. Đó là mặt hạn chế gắn với thị hiếu thẩm mỹ và thiên kiến thơ riêng của ông. Cho hay, một con người tài danh trong thơ và trong phê bình như Thế Lữ vẫn có những mặt bị giới hạn nhất định.
Dẫu có như thế, khi tìm hiểu hoạt động phê bình văn học của Thế Lữ, chúng ta vẫn thấy Thế Lữ vẫn rất mới, phù hợp với đời sống sáng tác và học thuật hôm nay.
Phạm Đình Ẩn
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...