Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

Vai trò của Thế Lữ trong phong trào Thơ mới

 Vai trò của Thế Lữ
trong phong trào Thơ mới

Thơ ca của ta có từ khi dân ta lập quốc và nếu thay đổi thì chỉ về hình thức chứ thần trí và hồn tính của dân tộc Việt không hề bị thơ ca của Hán tộc hay của Tây phương làm lu mờ đi.
Về hình thức, bên cạnh nhiều thể thơ đặc biệt của ta như lục bát (6, 8), song thất (7, 7, 6, 8), vè (4 chữ)… và các biến thể của các loại này, người ta thường nhắc tới các từ thơ cũ, thơ mới và thơ tự do. Thơ cũ thường dùng để chỉ thể thơ Đường luật (thất ngôn hay ngũ ngôn) có quy tắc nghiêm ngặt khi làm như niêm, luật (bằng, trắc), vần và bố cục.
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng thơ luật của ta, viết bằng chữ Nôm, được một thi gia đời Trần Nhân Tông là Nguyễn Thuyên (1229-?) hay Hàn Thuyên khởi xướng. Hàn Thuyên dựa vào Đường luật và đặt ra Hàn luật. Từ đó các thi gia VN sáng tác thơ Nôm bằng Hàn luật và đã tạo ra nhiều tác phẩm danh tiếng như của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến và Trần Tế Xương.
Tuy nhiên, sang những năm đầu thế kỷ 20, thơ cũ nói chung rơi vào tình trạng bế tắc dần, bế tắc về nguồn cảm hứng, về đề tài nên ngoài mấy ngôi sao sáng như Tản Đà và Tương Phố có cảm xúc chân thực và thực sự tài hoa, còn đa số chỉ dùng thi ca vào việc thù tạc, than thở, thương vay khóc mướn, ca tụng gió trăng, cảnh sắc ước lệ và lấy việc gọt giũa vần điệu, gò ép câu chữ sao cho kêu, sao cho đăng đối và tự hào về trò tiểu xảo của mình.
Những năm cuối của tiền bán thế kỷ XX, có một biến chuyển đặc biệt trong lãnh vực thi ca: nhu cầu đòi hỏi canh tân khi văn hóa Tây phương, nhất là Pháp đã in vết đậm trong tâm hồn thế hệ tân học. Đây là một sự đổi mới không những diễn ra trong Văn Học Việt Nam mà cả trong Văn Học Trung hoa. Những người tiền phong trong lãnh vực thơ mới của Trung hoa phải kể là Hồ Thích, Lỗ Tấn và Quách Mạt Nhược.
Riêng Hồ Thích (1891-1962)trên tờ Tân thanh niên vào năm 1917 đã hô hào cải cách văn học và đã từng sáng tác những bài thơ mới đầu tiên theo lối tự do khác hẳn lối thơ luật đã thành hình hàng ngàn năm ở Trung hoa.
Ở Việt Nam, Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn số 122 năm 1932 có cho đăng bài Tình già.
Bài Tình già, từ cách dùng chữ tới đặt câu và ngay cả cảm xúc cũng có màu sắc cải cách đặc biệt không trói buộc trong khuôn mòn lối sẵn của Đường thi hay Tống từ.
Tiếp đó, vào năm 1933 báo Phong Hóa (của Tự Lực Văn Đoàn) số Tết Quý Dậu có đăng lại bài này. Tự Lực Văn Đoàn ngày ấy là văn đoàn mở đường cho nền văn học mới, với thành viên chuyên về thơ là Thế Lữ, đã hô hào đổi mới thi ca và coi Tình già là một thí dụ kiểu mẫu của một lối thơ tân kỳ mà thế hệ mới cần phải xây dựng.
Phong trào thơ mới bùng lên từ Bắc vào vào Nam. Lưu Trọng Lư đăng đàn diễn thuyết cho Thơ Mới. Trong Nam, nữ sĩ Nguyễn thị Manh Manh (tên thực là Nguyễn thị Kiêm) cũng lên tiếng ủng hộ Thơ Mới và chỉ trích thơ cũ. Cuộc bút chiến giữa hai phái mới-cũ có lúc diễn ra rất kịch liệt nhưng rồi Thơ Mới thắng thơ cũ không phải nhờ lý luận mà nhờ nhiều bài thơ mới đã chinh phục được người yêu thơ. Thế rồi giai đoạn (32-45) ghi mốc cho một thời kỳ hưng thịnh của thi ca Việt Nam.
Cũng cần nhấn mạnh, Thơ Mới (viết hoa) là một phong trào cải cách thi ca, không những cải cách về hình thức mà còn về nội dung cảm xúc, từ con người cổ điển sang con người cởi mở, từ khuôn thước lý trí sang tự do, mơ mộng và từ cái chung sang cái riêng đầy chất lãng mạn và trữ tình. Nhà thơ không còn là nhà giảng dạy đạo đức, hay là kẻ chỉ khoe tài “nhà ngọc phun châu” nữa mà trở thành “là thi sĩ nghĩa là ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây, hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến” (Xuân Diệu).
Thế Lữ là nhà thơ đầu tiên của giai đoạn 32-45 đã đưa ra bản tuyên ngôn của Phong trào Thơ mới qua bài Cây đàn muôn điệu và mở đầu một thời kỳ lãng mạn trong thi ca Việt Nam:
Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ đẹp của muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn nghìn phiếm tôi ca
Vẻ đẹp u trầm, đắm đuối hay ngây thơ
Cũng như vẻ đẹp cao siêu, hùng tráng
Của non nước, của thi văn, tư tưởng
Dáng yêu kiều tha thướt khách giai nhân
Ánh tưng bừng linh hoạt nắng trời xuân
Vẻ sầu muộn âm thầm ngày mưa gió
Cảnh vĩ đại sóng nghiêng trời, thác ngàn đổ
Nét mong manh thấp thoáng cánh hoa bay
Cảnh cơ hàn, nơi nước đọng bùn lầy
Thú xán lạn mơ hồ trong ảo mộng
Chí hăng hái đua ganh đời náo động
Tôi đều yêu, đều kiếm đều say mê
Tôi sẵn sàng đau vì tiếng ai bi
Và cảm khái bởi những lời hăng hái
Tôi ngợi ca với tiếng lòng phấn khởi
Tôi thở than cùng thiếu nữ bâng khuâng
Tôi véo von theo tiếng sáo lưng chừng
Tôi yên ủi với tiếng chuông huyền diệu
Với Nàng thơ tôi có đàn muôn điệu
Với Nàng thơ tôi có bút muôn màu
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm màu
Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu
Các tác phẩm của ông, Mấy vần thơ (1935), Mấy vần thơ tập mới (1941) ra đời đều được nhà Đời nay in bằng giấy tốt và được các họa sĩ tài hoa như Trần Bình Lộc trình bày, đã trở thành sách gối đầu giường cho thế hệ trẻ trước 1945. Muốn định rõ vai trò Thế Lữ trong Văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ XX, có lẽ không nhận định nào xác đáng hơn nhận định của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại ấn bản 1942:
“Ông là một thi sĩ có công đầu trong việc xây dựng nền thơ mới. Phan Khôi, Lưu Trọng Lư chỉ là những người làm cho người ta chú ý đến thơ mới mà thôi, còn Thế Lữ mới chính là người làm cho người ta tin cậy vào tương lai của thơ mới. Thơ ông, không phải chỉ mới ở lời mà còn mới ở ý nữa. Những ý ấy ông đã phô diễn với tất cả mọi sự nồng nàn, làm cho người ta phải thổn thức say sưa. Cứ hồi tưởng lại tám chín năm về trước, mới biết hồi ấy ảnh hưởng thơ Thế Lữ mạnh là dường nào”.
Thế Lữ có điều kiện thuận lợi để xây dựng nền tảng Thơ mới. Ông có trong tay hai tờ bào Phong hóa và Ngày nay nên đã quy tụ được một số nhà thơ trẻ tài hoa như Phạm Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Anh Thơ, Tế Hanh, Nguyễn xuân Xanh… và trở thành lãnh tụ trong thi đàn 32-45.
Ngôi sao Thế Lữ thêm rực rỡ, khi ông mở mục Tin thơ trên tờ Phong hóa. Mục này có thể coi như lớp học hàm thụ về thơ mà giáo sư là Thế Lữ. Rất nhiều độc giả của Phong hóa và Ngày nay đã gửi thơ mình sáng tác về tòa soạn đường Quan thánh, Hà nội, để nhờ Thế Lữ uốn nắn, chỉ bảo, phê bình và giới thiệu. Ông được giới trẻ tín nhiệm về thơ ca, một việc mà ngôi sao bắc đầu trên thi đàn trước đó là Tản Đà thất bại khi mở lớp dạy văn chương trong những năm cuối đời.
Ta hãy đọc lại mục Tin thơ trên Phong hóa để thấy vai trò Thế Lữ trong Thơ Mới như thế nào. Ông cho độc giả biết: “Tin thơ là mục nói chuyện hàng tuần về thi ca, một thể văn mà người viết mấy lời dưới đây muốn trân trọng đặt lên địa vị xứng đáng. Tin thơ sẽ phê bình những thi phẩm trong nước (hoặc ở nước ngoài) sẽ chú ý tới những thi tài mới, và nhất là trả lời những câu hỏi của các bạn làm thơ đã đem thơ mình hỏi ý kiến chúng tôi. Trong những bản cảo từ các nơi gửi về và lần ‘hội họp’ trên bàn nhà báo, chúng tôi vẫn mong tìm thấy nhiều lời hứa hẹn, nhiều hy vọng của làng thơ. Phần nhiều những tác phẩm kia chỉ là chứng cớ của sự nhiệt thành với văn chương thôi; thường thường thì là những lời thơ còn ngượng, còn non nhưng cũng có điểm hay đáng khuyến khích. Tin thơ sẽ bình luận những bài thơ ấy trong mấy lời vắn tắt và thành thực và nếu có dịp sẽ nhân đó nói tới nghệ thuật làm thơ.
Cái tật chung của người làm thơ mà chúng tôi được xem thơ, là không hết sức yêu quý những tứ thơ, những ý thơ, những hình ảnh thơ mà tâm tâm hồn rung động của mình đã tạo ra được. Bởi không ‘yêu quý hết sức’ nên không chịu hết sức tìm những lời ‘châu ngọc’ thích đáng đủ vẻ đẹp, đủ sức mạnh, đủ màu đằm thắm để tả được ý thơ của mình”.
Riêng Xuân Diệu nhờ Thế Lữ mà bước dần lên thi đàn và nổi tiếng. Khi còn là một cậu học sinh trung học, Xuân Diệu đã gửi thơ cho Thế Lữ nhiều bài thơ xin đăng ở tờ Ngày Nay nhưng không có hồi âm. Rồi bỗng nhiên một hôm báo Ngày Nay đăng bài Với bàn tay ấy của Xuân Diệu. Sau đó đăng liền mấy bài khác.
Năm 1937, lúc đó Xuân Diệu đương học tú tài phần hai ở trường Khải định, Huế thì trên số Tết báo Ngày Nay có một bài của Thế Lữ trân trọng giới thiệu nhà thơ trẻ Xuân Diệu như một nhà thơ mới tài hoa. Đến lúc tập Thơ thơ của Xuân Diệu ra đời, Thế Lữ lại đề tựa rất nồng nhiệt.
Người ta còn kể Thế Lữ đã từng chữa thơ Xuân Diệu và được nhà thi sĩ trẻ ngày ấy lắng nghe bậc đàn anh. Trong bài Nhị hồ gửi cho tờ Ngày Nay, Xuân Diệu có viết hai câu:
Sương nương theo trăng ngừng giữa trời
Tương tư nâng lòng lên khơi vơi
Thế Lữ đã đề nghị sửa là:
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi.
Nhờ Thế lữ không những câu thơ được sửa vài chữ mà du dương hơn và còn khiến âm thanh do nhị hồ vang ra miên man hơn nhờ tăng độ cao của thang âm thanh. Đồng thời, tác dụng của tiếng tơ trong đêm thanh vắng vào hồn người nghe cũng tràn ngập hơn.
Quả thực, Thế Lữ xuất hiện như một thần tượng của nền văn học mới với đầy sức thuyết phục. Trong lãnh vực nào ông cũng nổi bật từ làm báo (ký tên Lê Ta), viết văn và làm thơ cho đến viết kịch ông đều mang cái duyên dáng và thi vị đến cho người đọc.
Đành rằng ở con người ông toát ra một sự khác đời, khác đời vì bản tính chứ không phải cố tình lập dị. Cũng ở con người ấy hình như có vẻ bí mật bao phủ và càng bí mật lại càng thúc giục người yêu thơ văn ông muốn khám phá thêm.
Đăc biệt hơn cả là Thế Lữ đã mang chất thơ, chất mộng, chất lãng mạn, chất giang hồ vào mọi tác phẩm của ông nên một thế hệ đang bơ vơ, bế tắc, mong được sống vui vẻ trẻ trung như giới trẻ giai đoạn 32-45, đã đón nhận văn chương của ông như một luồng sinh khí.
Xét qua như thế, thấy vai trò của Thế Lữ đối với phong trào Thơ mới rất quan trọng như Hoài Chân và Hoài Thanh, hai tác giả của cuốn Thi Nhân Việt Nam nhận định:
“Thế Lữ như vì sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam. Dù sau này danh vọng của Thế Lữ có mờ đi ít nhiều, nhưng người ta không thể không nhìn nhận cái công của Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này”.
 Hoàng Yên Lưu
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú

Nghề văn chương tiếng vậy chứ rất vui, rất kỳ thú Nghề văn là nghề chuyên nghiệp về sự ngẫm nghĩ. Nhà văn có trách nhiệm và có ham thú ...