Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Những đêm mưa 1

Những đêm mưa 1

Chương 1
Tương Kính Như Tân

Không hiểu tại sao cái “ngày lành tháng tốt” của Trang và Bình lại rơi trúng vào một buổi chiều mưa. Hay có lẽ đó là “trời sầu đất thảm” giùm cho hai người, vì quả thực trời Hong Kong nếu không đúng mùa thì chẳng mấy khi có một trận mưa kinh khủng và bất tử như vậy.

Cả hai cùng nhìn “bức tranh” hôn thú có in hình Rồng Phụng hoa lá chim chóc và những giòng chữ bút pháp nắn nót nào là:
“Giai ngẫu thiên thành. Lương duyên vĩnh đế.
Tình đôn khang lệ. Nguyện tương kính chi như tân...” mà ngao ngán.
Bình nhớ đến lời một người bạn kinh nghiệm rất dồi dào về cuộc sống đã nói với anh:”Trong đời người có hai lần sung sướng: một lần lúc cưới vợ, và một lần lúc vợ chết”. Vợ thì bây giờ anh đã có rồi đấy, sung sướng hạnh phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy bực mình thôi. Và nỗi bực mình thứ nhất là Trang không chịu ký tên thực, tên cúng cơm của nàng vào bức tranh “Giai ngẫu thiên thành v.v...”, ấy mà ký cái tên vớ vẩn nàng tự đặt ra trong lúc còn đi “chu du” trong lục địa Trung Hoa cùng một đám lưu lạc du học sinh.
“Thương thuyết” không xong, Bình đành phải nhượng bộ, vì không nhượng bộ thì còn làm gì khác được. Không lẽ bức tranh Rồng Phụng “Nguyện tương kính chi như tân...” vừa ký xong còn chưa ráo mực, đã “khai chiến” ngay lập tức?
Anh đành tự an ủi:
- Thôi sung sướng thứ nhất trong đời đã không thấy thì đành đợi sung sướng thứ hai vậy!
Còn Trang, sau khi ký xong, cất “bức tranh” Rồng Phụng vào tận đáy rương, Trang cảm thấy hình như đã làm một việc ngu vô cùng. Vốn hiểu mình, Trang không dám nghĩ ngợi thêm. Trang biết sau khi làm xong một việc ngu ngốc, muốn cứu vớt, Trang sẽ làm một việc khác ngu hơn. Và nếu không lì ra mà chịu đựng, cứ cứu đi vớt lại mãi, Trang sẽ lạc vào một cái “Ngu ngốc mê hồn trận” nguy hiểm vô cùng vô tận không bao giờ thoát ra được.
Nhắc lại sự kết hợp của Trang và Bình, cả hai đều cho là “đối phương” đã mắc nợ mình từ tiền kiếp ; hay trái lại, mình mắc nợ người kia, một món nợ “thiên khối”, nói theo tiếng nhà Phật, nghĩa là trả hoài không bao giờ hết. Ai có cách gì để giải thích , an ủi được thì cứ đem ra mà xài.
Trong lúc tất cả các bạn sinh viên cùng một nhóm du học tản lạc mỗi người một nơi, hay nói cho đúng hơn, mạnh ai nấy chạy sau ngày Quảng Châu thất thủ, Trang đã ở lại vừa làm vừa học, níu lấy cái trường phải trèo lên một trăm bậc thang mới đến được lớp ấy, cho đến khi nước không phải đến chân mà gần đến cổ mới bắt đầu nhảy.
Thoát ra khỏi lục địa, Trang đến Hongkong một mình, hành lý quí giá chỉ còn sót lại một cuốn tự vị để gối đầu. Trang tìm được việc làm ngay nhưng lại rất chán với những ông chủ mắt lấm la lấm lét chỉ rình vợ đi vắng là chớt nhả. Trong lúc Trang sợ những hàm răng giả, ngán tính khó chiều của những bà khách sang trọng, Trang thấy bơ vơ cô độc, Trang đang cần một người bạn, một tri kỷ để săn sóc, an ủi và thương yêu , thì Bình đã đến đúng lúc. Vì thế, khi Bình vỗ ngực “xung phong” tình nguyện xin “săn sóc suốt đời”, Trang rơi ngay vào cái bẫy tình cảm.
Nhưng sau lúc làm vợ Bình rồi Trang mới ngã ngửa ra, vì nhận thấy có những trái cây trông bên ngoài vỏ thì ngon lành thơm tho, lúc nếm thử mới biết là chua, chát, đắng, đủ cả. Nàng trở lại thành một người bạn an ủi Bình, một người khán hộ săn sóc Bình, vì Bình ngoài tính nết đặc biệt khó chiều đến gia đình anh cũng kêu trời, lại còn thêm chứng bệnh đau dạ dày kinh niên.
Ai bảo Bình nhút nhát , vụng về không hoạt bát miệng lưỡi, thực ra anh cũng có “ngón” của anh. Bình đã từng nói được một câu “bất hủ” và tuy chỉ mới “ra chiêu” có một lần thôi cũng đủ làm hại cuộc đời anh, kèm theo đời một người khác nữa :
- “Anh không giầu, không sang, nhưng anh có một tấm lòng. Nếu em thấy tình yêu trung thành của anh đủ làm cho em sung sướng thì anh sẽ ở bên cạnh em, thương yêu và săn sóc em mãi mãi... ”
Thực ra đó là một câu đã lỗi thời, có lẽ nó được phát minh ra từ đời Trọng Thủy, Mỵ Châu. Một câu chỉ nên đem vào Bảo tàng viện để cho người đời sau chiêm ngưỡng chứ không còn đúng với thực tế nữa! Nhưng quái lạ, người nữ nào nghe câu ấy cũng thấy ngọt như mía lùi. Người nào cũng tưởng là một câu thần chú “mới ra lò” còn nóng hôi hổi, một “sáng tác” mới mẻ mà tác giả chỉ để dành riêng cho mình. Thành ra cái câu nói cổ điển muôn đời, xưa rích xưa rang, vẫn còn là một mũi tên bá phát bá trúng.
Trường hợp của Trang, không những đã trúng lại còn là một vết thương chí mạng nữa. Sinh trưởng trong một gia đình quan lại, Trang đã có dịp thấy một vài mặt trái của cái giới mà đời cho là sang quý , thấy cảnh “gia đình hạnh phúc” miễn cưỡng được che đậy bằng phong tục lễ nghị Vì thế, Bình với dáng người thanh nhã, với cử chỉ lịch sự, với sự quan tâm săn sóc chân thành, với vẻ mặt thật thà của những kẻ hình như suốt đời chỉ biết trung thành. Bình với một câu nói thốt ra đúng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, anh đã thành công.
Thế là Bình cưới vợ. Là một công chức, có vợ, anh được thêm một phần lương phụ cấp, được xếp hàng đặt thuê một gian nhà khu chung cư vừa tốt vừa rẻ, có vợ nấu cơm, giặt áo, tính sổ chi tiêu, lo trả các món nợ gần, nợ xa, lo giật tạm lúc cuối tháng túng tiền tiêu những món cần.
Còn Trang phải gánh thêm cái gánh gia đình của hai người tạo ra mà Bình đã “thân tặng” gần trọn cả gánh cho nàng, Trang ngày ngày vẫn đi làm với những thất vọng mới “phát giác” ra được, và càng ngày càng nhiều. Có chồng Trang chỉ đỡ phải mua một chiếc chăn bông mùa đông năm ấy, còn “tấm lòng” của Bình hứa hẹn nàng tìm hoài không thấy đâu cả!
Lúc đã chung sống, hai người đều rất thực thà, và lúc ấy cả hai mới thấm thía hiểu rằng định luật “hai luồng điện khác nhau thì hút nhau” là rất đúng vậy.
Trang dễ tha thứ thì Bình quá cố chấp. Trang ưa mỹ thuật, âm nhạc, văn chương, hoạt động thì Bình nghiêm trang khắc khổ như một ông cụ già. Trang thích bè bạn, Bình không bao giờ chịu chơi với một người bạn mới. Trang thích tìm tòi nghiên cứu, xem sách báo, học hỏi , thích tất cả mọi thứ, Bình trái lại không thích gì cả. Bình mãn nguyện với cuộc sống bình an hiện tại. Đi làm về ngủ, ăn, chơi nếu không ốm. Cuộc sống của một người chịu yên phận, không ham muốn, không ao ước. Nỗi băn khoăn của Bình rất giản dị: đi đâu chơi? ăn gì ngon? làm gì vuỉ . ..
Thấy Bình miệt mài trong đám mã chược với chúng bạn mãi, Trang phàn nàn và khuyên Bình sao không lợi dụng lúc còn trẻ tuổi nghiên cứu một thứ chuyên môn để mai sau “nở mày nở mặt” với đời, Bình bèn xung phong đi đánh cá ngựa!
Ngày đêm anh ra công nghiên cứu con Bạch Mã, con Tuyết Hoa, con Mỹ Liên v.v... con nào một phút chạy bao nhiêu thước, trời mưa, trời nắng, kỵ sĩ nào cưỡi, thành tích khác nhau thế nào. Thấy Trang không bằng lòng anh bảo:
- Em bắt anh nghiên cứu thì anh “ nghiên cứu” rồi đấy, còn đòi gì nữa! Anh đã tuân lệnh em “dồi mài kinh sử”, “Mã kinh” cũng là một thứ “kinh”, em còn muốn bắt anh làm gì hơn?
Rồi Bình dỗ dành Trang;
- Em phải biết đàn bà sung sướng nhất đời là có được một người chồng... tầm thường! Anh không giàu, anh không có danh vọng, và cũng không có tài năng gì đặc biệt cả, nên anh mới có thể là một người chồng của gia đình. Anh đã không giỏi, lại chẳng có một tí ti tài hoa nào nên mới còn là người của em.
Nếu không, em cứ thử tưởng tượng xem, ví dụ anh là một nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, hay là một cái gì gì “sĩ” trứ danh, một “đại nhân vật” chẳng hạn, anh trình bày, biểu diễn, tiếng anh nổi như cồn.. Lúc ấy hàng trăm nghìn “cô đẹp” sẽ ngày đêm vây chung quanh anh, anh sẽ đắt như “tôm tươi”. Hừ, lúc ấy xem em có khóc ngấm khóc ngầm không! Thực là có phúc không biết hưởng!
- Nhưng tại sao đi đâu em cũng cứ phải thui thủi một mình, ai mời anh cũng không chịu đi với em. Người ta có quí mình mới mời, và ở đời phải có đôi chút liên lạc với chúng bạn, bà con, nếu anh muốn cô độc không chơi với ai cả thì tốt hơn lên núi làm ẩn sĩ!
- Thế tại sao những lúc anh đi em lại không chịu đi với anh?
- Anh chỉ đi đánh cá ngựa và mã chược, em không có hứng thú! Bạn anh cũng chỉ là bạn mã chược, em ngửi không vô!
- Còn quí vị bạn đồng hương của em thì giàu sang, nhưng đứng cách xa ba cây số đã ngạt mùi tiền hôi rình, anh cũng ngửi không vô! Từ ngày em có việc làm tốt, lương cao, hội họp với đồng hương giàu., anh hết hứng . Chẳng thà anh chơi với những thằng bạn nghèo, ít chữ mà đầy nghĩa khí của anh, còn hơn là một bụng triết lý, thừa tiền, thừa chữ mà... nhìn người chỉ... nửa con mắt!
Em còn nhớ hồi em còn ở Âu Châu trọ nhà Bà Năm không? Bà “tốt” lắm, mời em đến ở chung cho đỡ quạnh quẽ, bạn gái hôm sớm có nhau! Bà mượn tạm của em mấy nghìn đô, và sáu tháng sau bà nhẹ nhàng... mời em ra khỏi cửa, nói rằng chủ có vấn đề đòi nhà không bán nữa. Em cuốn gói đi tay không, còn bà thì kết quả vẫn ở lại gian nhà sang trọng rộng mênh mông. Tiền của em chung đặt mua gian nhà thì cố nhiên nó “kẹt” trong túi bà ấy suốt đời!
- Đấy, những nhà “học giả” như thế thì em thích giao thiệp lắm phải không? Phải, nói chuyện thông thái lắm, thú vị lắm, nhưng chơi cho cú nào cú nấy cũng đau lắm! Anh là người giản dị, anh không thích tìm những cái thú kích thích nặng đến như thế!
Bình ngừng một giây nói tiếp:
- Em cũng nên an phận đi em ạ! Sự thực trên đời này em đi khắp thế giới cũng không tìm đâu ra một người chồng “quí hóa” như anh. Vừa bệnh vừa tật! Với cái bệnh đau dạ dày kinh niên, anh rất cần nghỉ ngơi, anh không bao giờ dám chơi bời nhảm nhí, vung phí sức lực bừa bãi, bắt em phải “đêm khuya đối bóng đèn tàn” nhé! Với đôi ta lãng sơ sơ, các bạn anh không còn ganh tị vào đâu, anh cũng chẳng có một tí ti tài hoa nào để thiên hạ thù ghét anh, làm hại anh, mong dìm tài năng của anh xuống. Cả đến Trời cũng chịu thua không còn áp dụng được câu “chữ tài liền với chữ tai...” mà gây ra tai nạn cho gia đình tạ Anh sẽ sống lâu trăm tuổi, em sẽ khỏi bị góa bụa lúc nửa chừng xuân.
Trang hậm hực:
- Em vẫn có cảm tưởng là em bị lừa.
Bình cười to:
- Em thực quá ngây thơ! Những người thực sự lừa em thì em cho là không phải người ta lừa, người ta vẫn “tốt vô cùng”! Còn anh, anh thành thực với em thì em lại bảo là anh lừa. Chính em đã từ chối tất cả những người mà em bảo là”giá áo túi cơm” là hôi tiền là rỗng tuếch để làm vợ anh. Đó là do sự phán đoán “cao minh” của em. Khiếu thẩm mỹ cũng như chọn món ăn, mỗi người mỗi ý thích. Ví dụ cũng đồng thời là cặn cà phê mà cặn trong bình thì đắng, cặn trong cốc thì ngọt, anh tưởng em... thích của đắng. Em chọn anh nghĩa là em thích và bằng lòng chấp nhận tất cả những cái gì “đặc biệt quí hóa” của anh, và cả cái “bất tài vô nghề” của anh nữa chứ!
Em phải biết tục ngữ Trung Hoa có câu “Chẳng cầu gì cả, chỉ cầu cho chồng bất tài và đừng phát đạt”. Nếu không thì những người nữ trong thiên hạ sẽ tranh giành, xâu xé để chiếm cho được một chút xíu anh. Em thấy chưa, khi chồng phát đạt thì không còn là chồng của mình nữa. Biết bao nhiêu công nương , tiểu thư ngày đêm thắp hương chỉ cầu nguyện được có thế.
Trang nghe cái lý luận “bất hủ” của Bình rất uất ức mà không biết trả lời ra sao cho phải, nghĩa là cãi không lại anh.
- Nhưng anh phải nhận là anh có lừa em một phần nào. Lúc xưa anh bảo rằng anh ăn gì cũng được. Anh sẽ ăn mọi thứ em ăn rất ngon lành. Thế mà bây giờ rau không ăn, hành tỏi không ăn. Cơm dọn lên thì chê món này nhiệt, món kia hàn, món nọ táo, món kia thấp, rau kia độc . . đến Phật cũng phải kêu trời! Lương anh thử tính xem được bao nhiêu mà không chịu ăn uống giản dị một chút. Em làm tháng nào lương cũng thâm hết vào tiền chợ không còn dư để mua sách báo hay trả tiền học thêm, bao nhiêu cũng tiêu toàn chuyện nhà của anh hết!
- Ơ hay! Sao lại nhà của anh? Nhà của em chứ ! Tất cả đồ đạc trong nhà này là của em sắm và cả . . .anh cũng là của em nốt! Tất cả đều thuộc quyền sở hữu của em, em có thể tùy nghi sử dụng, cho mượn, cho thuê, hay bán theo ý em muốn. Nếu em cho anh ăn ngon, anh béo ra thì càng . . . vẻ vang cho em chứ sao! Chó béo còn đẹp mặt chủ nhà nữa là . ..
- Lại còn người ở nấu, anh không chịu ăn, bắt em đi làm về còn phải đâm đầu vào bếp!
- Nào anh có dám bắt em bao giờ! Em dạy quá lời, nói thế anh tổn thọ chết!
- Nhưng trông thấy cái bộ mặt anh ngồi vào bàn ăn như . . .khỉ ăn gừng thế kia ai chịu nổi!
Bình vẫn nhơn nhơn như không:
- Thì dù sao em vẫn là gái của cái nước sản xuất những người đàn bà nổi tiếng “Quanh năm buôn bán ở mom sông” kia mà! Người ta lại có những năm con kia đấy !
- Nhưng cái ông chồng người ta o bế là một ông Trạng Nguyên tương lai!
Bình xuống nước năn nỉ:
- Nào em tôi muốn gì tôi xin chiều tất cả. Anh chỉ xin em một điều là đừng bỏ anh tội nghiệp!
- Anh cũng biết sợ ế vợ sao?
- Ế thì không đến nỗi, nhưng anh biết kiếm đâu ra một người như em! Người thông minh ai thèm lấy anh, người ngu mà không xinh thì anh cũng không chịu!
- À thì ra điều kiện của anh là vừa xinh vừa ngu!
- Không cần ngu lắm, như em thôi cũng đủ. Nói dại chứ nếu em lỡ trúng phong, trúng gió mệnh hệ thế nào, anh có cơ hội cưới vợ khác thì anh sẽ chọn một cô . . hừ hừ ..
Bình dơ tay vẽ lên không dấu hiệu một thân hình tuyệt mỹ.
Trang bỗng nhiên nói sang chuyện khác:
- Em sẽ mua một tấm gương lớn.
Bình ngạc nhiên:
- Chỗ đâu mà để?
- Em đính ngay vào cái cửa lớn ra vào này.
- Em điên đấy à? Diện vừa vừa chứ! Những món không cần thì . ..
- Em biết rồi, anh khỏi dạy em môn tiết kiệm, từ ngày làm vợ anh em biết đi bộ hàng mấy cây số, biết hai tay xách hai giỏ đi chợ, biết giặt đồ tây, biết là áo quần như hiệu, đủ cả. Nhưng món này cần lắm, cần cho anh chứ không phải cần cho em.
- Cần cho anh?
- Chứ sao. Vì nói dại lỡ em có trúng phong trúng gió, thế nào anh sẽ cần dùng đến. Anh có biết câu chuyện anh chàng đi kén vợ không?
- Không, em kể đi, anh cũng muốn biết để thêm kinh nghiệm và giữ làm tài liệu có thể sau này có cơ hội cần dùng đến.
- Chuyện như thế này, một Công ty nọ chuyên môn giới thiệu hôn nhân. Có một anh chàng như anh, giống từ tính tình, dáng người, nghĩa là tất cả mọi thứ, như khuôn đúc từ tinh thần đến vật chất y hệt như anh vậy.
- Ừ, thôi anh hiểu rồi, ý em muốn ám chỉ anh. Nói đi!
- Anh ta không dốt lắm, vì khi ai nói ám chỉ đến mình thì hiểu ngay.
Anh ta tìm đến Công ty, vào một cái phòng thấy có tấm biển đề câu hỏi “Anh muốn cưới vợ giầu hay vợ nghèo”. Cạnh đấy có hai cánh cửa một cánh đề chữ vợ giầu một cánh đề chữ vợ nghèo. Anh ta vào cửa vợ giầu.
Đến một gian phòng khác lại có hai cửa đề vợ đẹp hay vợ xấu. Anh ta chọn vợ đẹp. Vào phòng khác thấy đề bố vợ có giúp đỡ hay không. Anh chọn có giúp đỡ.
Vào phòng khác thấy hỏi vợ có học hay không có học, anh ta chọn có học.
Vào phòng khác thấy đề vợ hiền lành hay hung dữ, anh ta chọn vợ hiền v.v.. . Sau khi qua độ hai chục cánh cửa với những câu hỏi về điều kiện của vợ như thế, cuối cùng anh vào đến một cái phòng chỉ có một tấm gương soi thực lớn và tấm bảng đề: «Anh thử soi kỹ thân hình anh xem ».
- Thế nghĩa là . ..
- Nghĩa là em mua sẵn gương, anh có thể xem ngay ở nhà khỏi phải đi qua hai mươi lần cửa mà kết cục cũng chỉ để soi cái thân hình vào gương!
- Anh xin « lĩnh giáo » câu chuyện của em, nhưng em cũng phải biết rằng em có nhiều nghệ sĩ tính lắm. Mà ai giây vào với cuộc đời nghệ sĩ cũng khổ. Làm chồng, hay làm vợ nghệ sĩ là khổ, làm con cũng khổ mà có khi cả chó mèo của nghệ sĩ cũng khổ nữa! Em tưởng anh sung sướng lắm sao! Anh chỉ cần một người vợ không phải là nghệ sĩ chỉ biết lo cơm nước cho chồng con, đánh mã chược với chồng ngày chủ nhật, săn sóc nhà cửa là đủ rồi. Còn em, em luôn luôn tâm hồn ở trên mây, em đòi hỏi rất nhiều hiểu biết, đòi phân tích tâm hồn, tìm hiểu chuyện đời . . . em làm anh chạy theo cái tâm hồn em gần hụt hơi.
Anh như người thợ trong xưởng máy, chỉ cần một chiếc áo vải bố mặc rất bền để có thể ngồi la lết đâu cũng được, thì chủ phát cho anh một bộ áo nhung, bắt anh phải giữ gìn từng ly từng tí mệt vô cùng. Chiều được em cũng không phải dễ!
Quả thực Bình nói đúng, Bình chỉ cần một cái áo vải bố để tiện xài xể , mà anh lại vớ được một cái áo nhung: nhưng không phải vì thế mà anh trân quí, trái lại anh chỉ thấy không thích hợp vì không tiện dùng trong công việc cần phải lăn lóc, bò la bò lết.
Bình cần một người đàn bà giản dị nhất đời, thì trời xui anh gặp một người vợ rất thiếu giản dị. Nhưng dù sao Bình cũng chấp nhận những trái ngược của Trang để bù đắp những lúc Trang phải chịu đựng cơn « đồng bóng » của anh.
Hai người cùng đầy những sở trường sở đoản, có nhiều lúc đáng ghét và cũng có lúc đáng yêu. Lúc yêu họ vui lòng quên hết giận hờn, và lúc « dàn mặt trận » thì chẳng ai còn nhớ đến cái đáng yêu của ai cả.
Nhưng có một « hiến pháp bất thành văn » đã được tuân theo triệt để là không đánh nhau, không ném chén bát, không mắng chửi những câu thô tục, hay nói động đến quê hương, tôn giáo, tổ tiên , ông bà, cha mẹ. Và phải chăng đó là bí quyết vì sao hai người đã chịu đựng được nhau , cả hai cùng thấy « đối phương » dù sao cũng vẫn là con người lịch sự. Hay ví dụ một cách khác, nếu mỗi lần cãi nhau là một vết thương, thì cả hai người đều thâm tím đầy mình , nhưng không có một vết nào « chí mạng » để đổ vỡ tan tành.
Chương 2
Con Đầu Lòng
Lúc Trang cảm thấy một sinh mệnh tí hon sắp đến , thì hình như không khí trong tiểu gia đình của nàng có một đám mây đen bao phủ. Bình đổi tính đâm ra cáu kỉnh bất cứ vì một chuyện gì nhỏ mọn không đâu. Hình như tất cả những cái khó chịu, gắt gỏng, nói tóm lại là tính ốm nghén khó chiều của đàn bà đều tập trung cả nơi anh, làm Trang tưởng người đang « ốm nghén » chính là anh chứ không phải Trang. Tính Bình bỗng thay đổi bất thường , có khi sáng chiều không giống nhau, Lắm khi đang tử tế bỗng dưng Bình gắt gỏng hất hủi Trang một cách vô cớ. Dần dần Trang thấy tinh thần nàng hơi suy nhược và sức khỏe kém sút đi nhiều. Khi Bình âu yếm dịu dàng nàng cũng nghi ngờ ngày mai, tối nay hay có khi chỉ vài phút sau không biết Bình có còn tử tế như thế hay không?
Trang không được hưởng những sự săn sóc âu yếm của chồng khi nàng mang thai như tất cả những người đàn bà khác. Bình cũng biết thế nhưng anh không thể kiềm chế được mình khi nổi cơn gắt gỏng. Bình chưa muốn làm cha, anh chưa muốn gánh trách nhiệm nặng nề mà có lẽ anh biết mình chưa đủ tư cách. Nhưng dù muốn hay không cũng đã thành sự thực, khi bụng Trang càng ngày càng lớn thì anh thở dài chịu thua.
« Bắt không được, tha làm phúc », Bình đành phải gánh lấy cái bổn phận mà anh không thích tí nào ấy . Bình vốn chỉ định lấy vợ để có thêm một phần lương phụ cấp vợ, một phần lương vợ đi làm, giá được mãi mãi như thế thì còn gì thú bằng. Cuộc sống thực phong lưu sung túc, và tự do biết bao! Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện sinh ra một đám trẻ con để chúng nó mếu máo, nheo nhóc, khóc la suốt ngày đêm, và nhất định sẽ tranh mất ngày giờ của mẹ nó vốn là của anh tất cả. Nhưng bây giờ anh đành phải nhận, vì không lẽ lại đi kiện ông Trời ?
Bình nghĩ thầm:
- Thôi « Trời cho » thì đành vậy! Với lại hai đứa con đầu tiên sẽ có thêm lương, còn những đứa sau không có lương con thì sẽ thôi không đẻ nữa.
Tìm được « lối thoát » Bình thấy như trút được gánh nặng. Anh bớt gắt gỏng và vui vẻ tìm lại mọi thú giải trí như cũ. Đến lúc ấy anh mới nhận thấy Trang gầy và xanh. Anh vội vã làm bổn phận người chồng đi mua về một lố nào là dầu cá, sinh tố B, calcium v. v. . . những thứ thuốc bổ mẹ bổ con chất đầy ngăn kéo. Nhưng Trang chưa kịp hưởng sự săn sóc của chồng kể từ ngày nàng bắt đầu mang thai, chưa kịp tẩm bổ một chút thuốc gì của chồng mua về thì đã thấy đau lưng.
° ° °
Một buổi tối Trang và Bình đi xem chớp bóng về. Trang bỗng thấy trong người nôn nao khó chịu. Nàng chỉ muốn được gục đầu vào lòng Bình nũng nịu, để cho tiêu tan những cảm giác u uất kỳ quái trong lòng, những cảm giác lạ lùng không biết từ đâu đến. Nàng cảm thấy cần một sự an ủi âu yếm, nhưng trái lại mặt Bình vẫn lạnh như băng:
- Này, lấy ở chỗ nào nhớ để lại chỗ ấy!
Đang bực tức, Trang càng thấy bực tức thêm:
- Vâng, vâng, em biết rồi! Chỉ độc có một câu ấy, nói đi nói lại mãi hàng trăm lần không biết chán!
Bình khoanh tay đứng nhìn Trang, nhìn cái áo nàng mới cởi còn để ở giường, lại nhìn đến đôi giầy se sẻ lắc đầu.
Trang bắt chước giọng Bình:
- Còn đôi giầy nữa. Lấy chỗ nào lại để vào chỗ ấy!
- Anh có nói gì đâu! Anh chỉ yêu cầu em một điều là . ..
Bình hơi mỉm cười:
- Nói ra thì em lại bảo nhàm tai. Em lấy cái gì ở chỗ nào lại cất nguyên vào chỗ ấy thế thôi!
- Đằng nào em cũng phải cất, nhưng hãy để thong thả cho em thở một tí đã chứ! Đi về mới cởi ra thì cũng cho nó hả hơi một chút, không cất vào tủ thì cất vào đâu! Nhà thì chỉ bé bằng cái . . .lỗ mũi!
- Vì thế nên anh mới thích xếp cho nó thứ tự.
- Em đã bảo đằng nào cũng phải xếp, nếu không thì để chân vào đâu? Nhưng em thích tung ra đấy xong rồi thong thả xếp dọn lại. Em thấy thú vị như thế.
- Nhưng như thế thì mất nhiều thì giờ lắm. Nếu em cởi áo ra xong treo ngay lên mắc áo. Thay giầy xong cho ngay vào hộp, ví lại cất vào tủ có phải gọn gàng không? Và lại kinh tế nữa! Tiết kiệm thì giờ cũng là kinh tế đấy.
- Nhưng mà em thích . ..
- Nhưng cái phòng bé nhỏ này không tiện cho em có những ý thích như thế!
- Có hại gì cho ai không? Vậy sao anh không thuê một căn phòng to hơn?
- À thì ra em bảo anh nghèo! Sao em không sớm nghĩ rả Sao em không lấy một ông trọc phú, ba cầm, bụng phệ, có phải là em có bao nhiêu ý thích ngông cuồng đến thế nào cũng được chiều tất cả không? Thỉnh thoảng buồn buồn lại kéo đầu chồng ra . . nhổ tóc bạc. Thú lạ!
Bình nói xong lên giường nằm quay mặt vào tường vờ ngủ.
Trang cảm thấy vừa tủi vừa buồn. Nàng xếp dọn xong muốn tìm một chỗ ngồi yên một mình nhưng không có. Giới hạn của nàng chỉ ở trong gian phòng bé nhỏ này thôi. Ra khỏi phòng là đến phòng bà Ba chủ nhà, bà ở một mình nên chia bớt một phòng để nhẹ bớt tiền thuệ Trong khi chờ đợi căn nhà ở khu chung cư, Bình thuê ở tạm và đã bị bắt chẹt bằng một cái giá rất lạ lùng là phòng của Trang và Bình bé bằng một nửa phòng bà nhưng phải trả hai phần ba tiền nhà, Bà tuy ở rộng hơn nhưng tính đầu người thì chỉ có một người nên chỉ chịu một phần phí tổn.
Nếu bà Ba thấy Trang ra ngoài giờ này với bộ mặt rầu rầu muốn dấu cũng không thể nào dấu nổi, bà sẽ đoán biết hai người vừa cãi nhau xong. Thế nào bà cũng vênh mặt lên nói :
- Đấy, tôi đã bảo mà! Cứ ở một mình như tôi có phải thanh nhàn biết bao nhiêu không! Thực là tự do sung sướng, không bị ai quản thúc, bẻ hành bẻ tỏi gì cả.
Nhưng sự thực bà có sung sướng không Trang nghi ngờ lắm. Năm nay bà năm mươi tuổi và to béo một cách kinh khủng. Béo đến nỗi bà không dám ăn một món gì ngon hay có chất bổ sợ dư huyết chết lúc nào không biết. Bà nhận mẹ Bình làm mẹ nuôi để có gia đình đi lại thăm viếng cho vui, vì ngoài gia đình Bình ra, bà không còn một ai bà con thân thích nữa.
Hồi xưa, lúc cha mẹ còn sống có nuôi một vú em săn sóc bà, bà vú ấy cũng độc thân, và cho đến bây giờ vẫn còn săn sóc bà, thương bà như con; hơn nữa bà vú đi làm bếp, mỗi tháng còn chia cho bà một nửa lương để chi tiêu. Ngoài ra bà còn nhận làm mẹ đỡ đầu cho mấy cô con gái của những bà bạn giầu. Mỗi tuần mấy cô con thay phiên nhau đến thăm bà một lần, ăn một món gà hay thỏ chưng với các món thuốc bắc, lúc ra về thế nào cũng dúi cho bà ít tiền.
Nhờ thế bà sống rất phong lưu, suốt ngày công việc của bà chỉ trồng tưới và săn sóc vài luống rau cho thỏ ăn. Bầy thỏ và bầy gà bà nuôi lúc nào cũng sẵn sàng nằm chung với những gói thuốc bắc để tẩm bổ cho những cô con gái hờ..
Thỉnh thoảng bà theo các xe giảng đạo đi về vùng quê hội họp dân chúng khuyên người ta nên tin theo chúa Giê Sụ Mấy chục năm trời sống vất vưởng như thế bà tin rằng đã hy sinh cho một mục đích cao cả, và tự cảm thấy mình là người sung sướng nhất đời.
Trang nhìn ra ngoài thấy bà đang quì bên cạnh giường cầu nguyện một cách thành kính . Trong lúc này Trang thấy có lẽ bà sung sướng thực. Bà thường nhắc nhở rằng trong đời bà chỉ yêu một mình Chúa, và chắc chắn rằng Chúa sẽ không để cho bà phải khổ như người trần gian với những thứ tình ích kỷ ở trần gian.
Trang thấy quẩn chân quá nhưng không thể nào làm khác được càng bực bội vô cùng. Giá trời không mưa nàng sẽ ra sân cỏ ngồi nhìn trời nhìn mây. Ngồi cho đến khi Bình phải ra dỗ dành nàng vào nhà, nhưng bây giờ trời mưa, ra sân ướt bị Ốm thì khổ thân.
Không làm sao được, Trang phải lên giường mở đèn ra đọc sách. Một lúc lâu vẫn không thấy Bình phản đối như thường lệ Trang càng bứt rứt khó chịu hơn.
Trang tung chăn Bình đắp ra hỏi:
- Ngủ say rồi à?
- Ừ.
- Ngủ say mà còn trả lời được.
- Hôm nay làm gì có trăng đẹp!
- Trăng đẹp thì làm sao?
- Có trăng đẹp mới kiếm chuyện cãi nhau cho vui chứ sao!
- Nếu có trăng đẹp thì em đâu có gây anh làm gì!
Bình như tỉnh hẳn ra:
- Có trăng đẹp thì em lại ra sân cỏ ngồi cho đến khi lạnh cóng, vừa ho vừa hen, vừa sổ mũi phát sốt phát rét lên mới chịu vào phải không?
- Cũng chưa vào đâu!
- Phải, nếu anh không ra triệu em vào thì em sẽ ngồi lì cho đến sáng mai, em sẽ chết cóng ngoài sân, cảnh sát sẽ đến bắt anh, bảo là anh ngược đãi và mưu sát em phải không?
- Sợ không chết được mới phiền chứ!
- Ý em định bảo anh không chạy nổi tiền thuốc cho em chứ gì.
- Đại khái cũng gần như thế!
Trang bỗng ôn tồn:
- Này, anh sắp được lên chức rồi!
- Anh mà lên chức thì có họa là . . . kiếp sau! Công việc anh làm rất giỏi chỉ phải cái không biết nịnh ai cả. Còn lắm cậu dốt như bò mà bợ giỏi thì bay vùn vụt! Đời là thế!
- Em cam đoan từ giờ cho đến cuối tháng thế nào cũng được lên chức.
- Anh đã bảo là em cứ đợi đến kiếp sau may ra . ..
Trang tinh nghịch:
- Không, dù sao anh vẫn cứ lên chức như thường. Anh sẽ lên chức papa!
Bình cười:
- Ừ nhỉ, giá em bắt chước chị Nhâm mỗi năm một đứa thì cái phòng này sẽ lúc nhúc như một cái tổ chuột.
Trang không trả lời nàng chỉ lấy tay xoa bụng, rơm rớm nước mắt.
- Em đã sắp sẵn những thức cần dùng chưa?
- Thức gì cơ.
- Áo, tã, khăn gì gì ấy mà!
- Mẹ đem đến một bọc quần áo cũ, em đã xé ra giặt cẩn thận rồi. Khăn bông thì hãy dùng hai cái khăn tắm đỡ tạm thời. Áo ấm em đã bắt đầu đan một cái áo len xinh lắm anh à.
- Thế em đan đến đâu rồi?
- Một cánh tay.
Trang vẫn ngây thơ:
- Len của chị Châu chọ Len thừa ấy mà, nhiều mầu lắm nhưng khéo chắp thì cũng đẹp. Em sẽ đan dần mũ và bít tất.
Bình ngần ngại:
- Thế bao giờ ..
- Độ hai mươi hôm nữa. Bác sĩ tính phỏng chừng như thế, nhưng cũng có thể sớm hơn.
- Nếu sớm hơn thì em sẽ làm sao? Con chỉ có một cánh tay áo. ..
Bình nói xong cười sằng sặc:
- Trời ơi, vợ tôi có những chín tháng mười ngày để sắp đặt mà. . .rồi cả nhà thương sẽ nói với nhau . ..
Trang cũng cười:
- Anh đừng lo chị Vinh hứa cho em một tá áo lót mình.
- Thế em định sinh xong viết thư báo cho chị ấy biết. Chị ấy sẽ đi mua một tá áo lót mình gởi sang. Cho rằng chị ấy nhiệt tâm lắm thì thư đi thư về cũng hết hai tuần. Trong khi ấy thì con sẽ ở trần ra đợi phải không? Rét tháng hai, tuyệt em nhé!
Bình ngừng một lúc hỏi tiếp:
- Còn phần em đã sắp đặt xong chưa?
Trang hớn hở trả lời:
- Em đã mua một cái áo nịt bụng rồi anh ạ. Ở đằng trước có bốn miếng thép để cho bụng sát, thứ này tốt mà lại rẻ chỉ có . ..
Bình gạt đi:
- Thôi, em khỏi tính tiền. Đàn bà có bao giờ làm toán chi tiêu đúng đâu! Chồng giầu thì nói thêm, chồng nghèo thì nói bớt cho chồng đỡ . . xót ruột. Anh muốn hỏi em những thứ bông, băng, thuốc tẩy độc, gừng, rượu gì gì ấy mà!
Trang ngẩn người ra:
- Em làm sao biết được những thứ ấy!
- Hỏi người ta chứ! Em hỏi chị Châu xem. Chị ấy ba con rồi khối kinh nghiệm. Em phải hỏi kỹ xem lúc gần sinh thì có những triệu chứng gì để còn liệu mà đi nhà thương.
- Em đã hỏi rồi. Chị ấy bảo lúc chuyển bụng đau dữ lắm, đau ghê gớm, đau không thể tưởng tượng được!
Bình thở dài, im lặng một lúc bảo:
- Em sinh thì phải nghỉ không đi làm được.Em ở nhà lo cho con. Để anh kiếm chỗ dạy thêm Anh Văn ban đêm em nhé!
Trang lắc đầu:
- Thôi anh ạ, đến đâu hay đấy. Mỗi tháng thêm được ít nhiều, không bù vào được tiền thuốc tẩm bổ cho anh đâu! Người anh thì đã . . Oméga như thế này! Giá anh đừng đi đánh mã chược, cá ngựa là em bằng lòng lắm rồi. Em không cần giàu lắm đâu!
Bình buồn rầu trả lời:
- Cá ngựa giống như cái hy vọng vượt ngục của người tử tù, hy vọng rất mong manh nhưng nếu không liều thì chỉ đợi chết.
- Em không nghĩ như thế. Anh ví có thể đúng với người tử tù, nhưng chúng ta có phải là tử tù đâu! Chúng ta chỉ hơi thiếu một ít thôi, nhưng nếu cần kiệm, tìm hiểu học hỏi thêm, trau dồi trí thức biết đâu mai kia, anh có cơ hội được thăng lên chức vụ cao hơn . Vả lại chúng ta còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn làm việc được thì cần gì phải đi tìm cái thú giải trí của những người giầu sang, hay là người tử tù ấy. Sở anh làm có luật lệ rõ ràng, tăng lương hàng năm, Lại còn lương vợ lương con, Cái nhà chúng ta xin chắc sắp hàng cũng gần đến lượt chúng ta rồi. Ai bảo đó là không khí tử tù ?
- Nhưng anh buồn lắm!
- Bộ anh tưởng em vui sao?
- Thôi đừng nhắc nữa em!
Đó là tính đặc biệt của Bình. Bình biết là mình trái nhưng không muốn ai nói đến , và cũng không muốn sửa đổi. Anh vẫn cứ làm theo ý thích và không muốn ai nói động tới.
- Trời mưa đấy anh ạ. Em ướt cả vai.
Bình tung chăn ngồi dậy đóng cửa sổ gắt:
- Chỉ có việc với tay lên đầu đóng cánh cửa cũng lười. Bộ em mệt lắm sao?
- Hôm nay đi làm về em còn phải giặt bao nhiêu là áo quần, quần tây của anh nặng lắm, lần sau đưa tiệm em không giặt nữa đâu!
- Thế trong người em bây giờ ra sao?
- Nhức mỏi đau lưng, đau không thể tưởng tượng được!
Bình hoảng hốt:
- “Đau không thể tưởng tượng được”? hay là . ..
Rồi anh lẩm bẩm một mình:
- À, không phải, đau lưng chứ không phải đau bụng. Để anh thoa dầu cho.
Bình lấy chai dầu bóp đổ vào tay, nhưng anh chỉ mới xoa xoa mấy cái mắt đã thấy nặng, anh nhắm mắt lại và dần dần buông tay ngủ thiếp đi.
Trang kéo chăn đắp cho Bình và tò mò ngắm kỹ nét mặt chồng trong lúc ngủ. Vẻ mặt Bình khác hẳn trong mỗi trạng thái, lúc Bình vui vẻ trông rất thực thà có vẻ tin cậy được, lúc giận dỗi thì lầm lì đến phát ghét, hỏi gì cũng không trả lời, đã thế lại ưa nằm vạ. Bây giờ Bình đang ngủ trông ngây thơ như một đứa trẻ con.
Nghĩ đến trẻ con Trang đâm ra lo sợ. Nay mai Trang sẽ là mẹ của một đứa trẻ con, và Trang lo sợ vì nàng chưa có một tí gì chuẩn bị đón nó cả.
Trang tự an ủi nghĩ thầm:
- Bắt đầu ngày mai phải cố gắng đan cái áo cho chóng xong và sửa soạn các thứ mới được.
Mải nghĩ miên man Trang quên rằng mình không đắp chăn, nàng vội kéo tấm chăn bông lên tận ngực và ho khẽ mấy tiếng. Mưa bên ngoài vẫn đổ xuống rào rào. Mái nhà gỗ bọc vải dầu bên ngoài làm cho tiếng mưa có vẻ êm êm, không giống như ở quê nhà, tiếng mưa đổ xuống mái ngói nghe thực ròn rã.
Tiếng mưa ở quê nhà bây giờ đã xa xôi lắm rồi! Trang không dám mơ đến ngày nào nàng mới lại được nghe tiếng mưa ở quê hương. Trang bắt buộc phải lo nghĩ đến hiện tại, hay nghĩ đến cái quá khứ rất gần nhiều hơn. Nàng thất vọng vì thấy tính nết Bình không giống như mình tưởng, hơn nữa Bình không tử tế với nàng như xưa, lúc chưa có đứa con trong bụng. Trang nhớ có một hôm Bình thực thà bảo nàng:
- Nếu anh lấy một cô gái quê thì cô ta sẽ coi anh như ông thần. Mỗi lời nói của anh là một mệnh lệnh phải nhắm mắt tuân theo. Còn em, anh rất tiếc em có nhiều tính “tiểu thư hạng nặng”. Trước khi cưới nghe em trình bày gia phả anh cứ tưởng em nói dóc để lòe anh cho vui, nếu anh biết là thực trong nhà thờ của dòng họ nhà em có câu liễn “Thập bát Quận Công, Tam Tể Tướng. Bách dư Tiến Sĩ nhị phong Hầu” chắc anh đã “kính nhi viễn chi”. Nghĩa là anh chạy xa 3 ngàn dặm không hề ngó lui. Đã thế em lại từng nghe giảng ở trường Đại Học, chẳng biết có ích lợi quái gì cho em không nhưng mà em khó bảo lắm!
Trang trả lại ngay:
- Anh hối hận phải không? Bây giờ cũng chưa muộn đâu! Khối gái quê ở ngoài máy nước đấy. Em sẽ nhường chỗ này . . . cho anh làm lại cuộc đời với một cô rất ngoan ngoãn giản dị, cô ta sẽ coi anh như thần!
- Đấy, em lại dở tính ra rồi! Em phải biết sống cho thích hợp hoàn cảnh mới được!
Trang nói gần phát khóc:
- Thế này còn chưa thích hợp hoàn cảnh? Cả ngày làm quần quật còn bị anh mắng lên mắng xuống, chỉ một vài ý thích rất nhỏ nhặt cũng không bao giờ được chiều.
- Anh có thể chiều em tất cả nhưng anh chỉ xin em một điều . ..
Trang cướp lời:
- Lấy cái gì ở đâu thì lại để vào chỗ đó phải không?
- Em cũng biết thế, tại sao em không chiều anh lại bắt anh phải chiều em?
Trang không thể nào quên được cái lý luận kỳ khôi của Bình lúc nàng bảo anh thiếu hàm dưỡng.
- Như thế mới là người tốt em ạ! Khi anh giận thì anh phát cáu anh gắt gỏng, khi anh vui thì anh tử tế anh cười. Như thế có phải cuộc đời thực thà giản dị biết bao nhiêu không? Em muốn anh có cái hàm dưỡng như một ông cụ già bẩy mươi thì em phát chán mất! Hay em muốn anh dấu cảm xúc của mình như một người nham hiểm, trong lòng thì cáu giận phát điên mà bề ngoài vẫn làm bộ cười nói ngọt ngào!
- Anh không thích tại sao em lại muốn anh phải giả vờ. Tại sao một người giầu sang thì có quyền từ chối một bữa tiệc họ không thích dự mà chẳng ai nói gì, còn người nghèo một chút từ chối thì bị phê bình là kiêu ngạo vô lễ. Bạn của em anh không cấm em chơi, nhưng anh không thích họ thì em đừng bắt anh phải giao thiệp.
- Em biết tại sao anh không thích, tại vì địa vị họ cao hơn , nên anh có tính tự ti mặc cảm. Nhưng anh nên nhớ, chúng ta chưa hề xin ai một đồng xu lớn xu bé nào cả, việc gì anh phải xấu hổ?
Lúc đầu Trang rất buồn nhưng sau dần dần quen đi, nàng có cảm tưởng như mình vẫn độc thân, và Bình chỉ là một người bạn cùng thuê chung nhà, giúp đỡ lẫn nhau đôi chút mà thôi. Hai người có hai thế giới trong tâm hồn riêng biệt, công việc của ai nấy làm, bạn ai nấy chơi, chi tiêu trong gia đình mỗi người góp một nửa. Bình thấy rất dễ chịu vì được tự do như thế, anh không bao giờ phải đi với Trang đến nhà một ai. Ngay những ngày lễ Tết đồng hương có giấy mời hai người đến dự anh cũng để Trang đi một mình, vì đó là những người anh không quen tổ chức. Bình thích sống cô độc, ngoài vài người bạn chơi thân từ bé, anh không chịu quen thêm một người nào, hơn nữa cả đến mẹ, Bình cũng không thích về thăm. Có lúc Trang phải năn nỉ:
- Lâu lắm rồi, anh nên về qua nhà thăm mẹ, kẻo rồi mẹ bảo em là “hồ ly tinh” mê hoặc dấu con bà mất tăm mất tích.
Bình nhún vai:
- Bộ em tưởng anh dễ bị mê hoặc lắm hở. Anh không thích về chứ không phải tại ai cả. Cả một nhà đàn bà cả ngày cạp cạp như một cái chợ vịt. Anh là con út nên anh đã “lãnh đủ” những điều dạy bảo của tất cả mọi người mấy chục năm rồi. Anh sợ và chán đến nỗi không muốn thấy ai nữa!
- Thì ngày xưa lúc anh còn bé, người ta có thương mới nhắc nhở kẻo sợ anh sa ngã!
- Ai con nít con thơ gì mà lãnh lương tháng nào cũng phải báo cáo tiêu món gì, bao nhiêu với mấy bà chị nhất định không chịu đi lấy chồng ấy!
- Đó là chứng cớ tỏ ra anh tiêu nhảm rất nhiều mới mất tín nhiệm của gia đình như thế. Đã thế anh vẫn còn chưa sáng mắt ra! Người ta khuyên anh tiết kiệm đôi chút để dành lập gia đình, anh không nghe nên đến lúc lấy vợ ra ở riêng, cửa nhà gia thế chỉ có một cái giường vải và một chiếc chăn bông . . . cổ từ 80 đời vương!
- Ngày xưa anh ghét đàn bà lắm, anh cứ tưởng sẽ sống độc thân suốt đời? Lỗi tại mẹ cả. Me làm cô giáo dạy trường nữ học, đem anh theo vào lớp, cho anh mặc áo quần con gái. Rồi anh nghịch quá me bắt hai cô ngồi kèm anh hai bên, làm anh không còn dám cựa quậy gì được nữa. Ban đầu anh bực bội, nhưng bị gò ép mãi dần dần như con cá bị nuôi trong ly nước, phải thuần đi, anh nhiễm tính nhút nhát của con gái, cho đến khi con cá được thả ra ngoài hồ nó vẫn cứ bơi vòng tròn tưởng mình ở trong ly nước không dám bơi mạnh sợ kính đập vào mũi. Anh bực mình lắm, nhưng lâu quá thành tính nết của mình rồi sửa không được nữa!
- Thế anh nhất định không về thăm mẹ phải không? May mà mẹ anh chứ không phải em năn nỉ anh về thăm mẹ em!
- Đã không phải là mẹ em thì việc gì em phải lo, em phải nói làm nhàm cả ngày như một bà chằng lắm điều thế kia!
Những tính nết trái ngược của Bình làm Trang bất mãn, nàng thích một con người hiên ngang và quân tử thì gặp ngay một anh chàng trái ngược làm Trang ngao ngán . Trang thầm trách mình đã không xét đoán kỹ càng trước khi “chim vào lồng”, nhưng sự thực khó biết rõ tâm tính thực của một người, khi họ cố dấu để giương bẫy giăng bắt một con cừu non rất ngây thơ trên đường đời!
Nhưng dù sao, sau những cuộc cãi nhau không phân phải trái, bao giờ Trang cũng làm lành trước, và đúng theo ý Bình, Trang không hề nhắc lại lỗi anh. Để cho đỡ ấm ức Trang đánh miếng đòn cuối cùng:
- Đố anh biết tại sao em làm lành với anh trước?
- Tại em biết em trái chứ gì! Thế là người biết phục thiện, khá đấy!
Trang cười tinh nghịch:
- Không phải, em làm lành trước để cho anh thỏa mãn lòng tự ái đấy mà! Cho anh giữ lấy một chút “trượng phu” thể diện thì có làm sao! Đối với em vô hại !
Bình lắc đầu ngao ngán:
- Nghệ thuật trêu tức của em thật tuyệt vời! Chắc có ngày anh sẽ uất lên mà chết mất! Anh cho em hay, phần nhiều đàn bà bị mất chồng là do những cái “thông minh vặt” như thế đấy!
Trang bĩu môi:
- Em không sợ mất! Cô nào quyến rũ anh, em xin “các” thêm tiền! Tính anh có trời chịu nổi!
- Thế em định “các” bao nhiêu? Đưa trước cho anh một nửa để anh có tiền phí tổn “hoạt động” tìm người cho em “sang”.
Tuy Trang và Bình cũng có những ngày vui, nhưng ngay trong lúc vui Trang cũng không yên lòng, nàng luôn luôn lo sợ nó qua đi rất chóng rồi mất hẳn, hay là bất thình lình bị đánh tan. Bình có thể chỉ vì một con ruồi bay lảng vảng đến gần, hay trong bữa cơm chả trứng nêm nếm không vừa, cũng đủ làm anh phát cáu , gắt gỏng suốt buổi. Bất cứ một duyên cớ rất nhỏ mọn nào cũng có thể làm hỏng cả một ngày rất đẹp mà những đôi vợ chồng trẻ có thể sống những giờ phút êm đềm.
Lúc xưa, Trang tưởng rằng có thể sửa đổi được tánh Bình ít nhiều, nhưng bây giờ nàng mới nhận thấy mình bất lực. Khi người đàn ông chưa cưới vợ thì họ dấu những tính nết của họ rất khéo, và nếu lỡ có hở ra đôi chút thì họ thề thốt hứa hẹn, làm như có thể vì mình mà cao biến thành lùn, hay béo thành gầy được. Nhưng sau khi đã “sống chung không hòa bình” rồi cô nàng mới ngã ngửa ra, nhận thấy rằng không ai đổi tính ai được cả. Mỗi ngày Trang hỏi Bình trước khi anh đi làm:
- Hôm nay anh muốn ăn gì?
- Ăn gì cũng được, em cho gì anh ăn nấy.
“Gì cũng được” và “cho gì ăn nấy” nghe ngọt xớt, nhưng nếu các món ăn không phải là thịt nấu đổi bữa luôn luôn, nếu là món rau hay cá thì Bình sẽ cầm đũa ngồi nhìn hay dúng từng tí một, Bình sẽ ăn cơm nhạt hay là không ăn. Mỗi lần trông cái kiểu ăn “ốm nghén” của Bình là Trang thấy ngán lên đến cổ.
Mải nghĩ ngợi bỗng nhiên Trang thấy đau nhói ở bụng. Đứa bé trở mình đạp nàng một cái nên thân. Trang xuýt xoa ôm bụng nghĩ thầm: “Con so về nhà mạ” . Giá nàng ở gần mẹ chắc không đến nỗi lo lắng thế này. Cái triệu chứng của sự sinh nở, nàng chỉ biết một câu theo lời Châu “đau không thể tưởng tượng được” mà thôi! Ngoài ra Trang không hiểu gì hơn. Bụng nàng lại đau dội lên mấy lần nữa, Trang nghiến chặt răng, nước mắt trào ra rơi xuống gối từng giọt từng giọt.
Trang lay Bình:
- Bình, Bình, em đau bụng quá!
Bình còn ngái ngủ, anh ừ hử mấy tiếng rồi nằm ngủ say lại như cũ. Mãi đến lúc Trang vừa rên vừa khóc đánh thức anh dậy, Bình mới tỉnh hẳn.
- Em . . em làm sao? Trời mưa đi nhà thương bây giờ sao được! Hay em cố chờ đến sáng mai ..
Đang đau bụng nghe Bình nói, Trang cũng bật cười. Có ai nín được đẻ bao giờ! Hai vợ chồng trẻ không có một chút kinh nghiệm, hết nhìn nhau lại nhìn đồng hồ, hết xoa bụng lại lắng nghe tiếng mưa. Trang khóc gần thành tiếng, mồ hôi nàng toát ra ướt đầm cả lưng. Bà Ba chợt thức giấc nghe tiếng Trang rên rỉ bà quát lên:
- Trời ơi, còn không chịu đi kêu xe, Mau mau đi, ngu ơi là ngu !
Chương 3
Nước Trong Nguồn
Những người nằm gần giườngTrang ân cần hỏi thăm:
-Con trai hay con gái?
- Được mấy ký?
-Gái.
Trang đáp rất sung sướng. Bây giờ nàng đã là mẹ trẻ con rồi. Hình như có cái gì trọng đại thiêng liêng mà nàng sắp phải gánh lấy trách nhiệm. Nhưng cái sung sướng được làm mẹ của Trang qua rất chóng, khi chợt nhớ đến cái áo len của con chỉ mới hoàn thành có . . .một cánh tay!
Đúng giờ người ta đẩy đến một xe trẻ con chia cho các bà mẹ cho bú, nhưng Trang chưa được phép cho con bú ngaỵ Mãi đến sáng hôm sau nàng mới được gặp mặt con. Con bé bị gói kín trong một cái khăn lớn chỉ chừa mặt ra ngoài. Hai mắt nó nhắm nghiền rất đáng yêu.
Trang để con bé xuống giường, âu yếm ngắm tác phẩm của nàng đã tạo ra. Thực thế, cả người con bé, từ xương, thịt, tóc da, cho đến dòng máu chảy trong huyết quản cũng đều của nàng tạo ra cả. Trang ôm con hôn lên tóc nói khẽ:
- Tác phẩm đầu tiên của mẹ!
Con bé giật mình tỉnh dậy khóc thét lên. Trang cười:
- Giọng kim.
Cô khán hộ đứng cạnh nàng bật cười theo:
- Nó đói đấy! Cho bú nhanh lên, hạn chỉ có nửa giờ thôi. Còn giọng kim với giọng thổ mãi!
Hết giờ cho bú người ta lại đem tất cả trẻ con sang phòng khác để cho các bà mẹ được ngủ yên. Gian phòng trở nên tĩnh mịch. Thấy Trang xoa ngực tỏ vẻ đau đớn, một bà đứng tuổi nằm giường bên cạnh gợi chuyện:
- Anh ấy làm gì?
- Công chức, có cho vào thăm không?
- Có, ngay chiều nay, nhưng chỉ đàn ông được phép vào mà thôi.
Thấy Trang ngạc nhiên, bà tỏ vẻ rất thành thạo, cười tự giới thiệu:
- Nhà tôi là kỹ sư, họ Vương. Tôi là khách thường xuyên ở đây. Mỗi lần vào tôi thề với cô đỡ không bao giờ trở lại nữa, nhưng rồi tôi quên lời thề, cho đến bây giờ là lần thứ năm rồi.
Bà cười tiếp:
- Và tôi đã hứa đây là lần cuối cùng, nhưng... chưa chắc!
Trang tò mò hỏi:
- Tại sao họ cấm đàn bà vào thăm?
- Có lịch sử kia đấy! Chỉ vì lúc xưa một bà mẹ chồng vào thăm con dâu, vừa nghe tin sinh con gái, bà ta mắng ngay cho một trận, bảo sao không đẻ con trai, lại sinh một đàn con gái. Nàng dâu tức uất lên chết giấc. Máu uất của đàn bà lúc sinh xong ghê gớm lắm nhé, chết dễ như chơi! Lại còn một bà khác cũng vào đây đánh ghen với bà nhỏ. Vì thế từ đấy người ta cấm đàn bà vào thăm. Việc nhà muốn xử thì đem về nhà mà xử. Nhà hộ sinh không bao xử lý thường vụ những vấn đề quỉ quái ấy. Tôi cũng đồng ý chỉ nên cho đàn ông vào thăm là phải lắm. Nhất định bình yên vô sự! Cô nghĩ có đúng không?

Trang không trả lời, bà tiếp:

- Thực ra dù các bà vào không sinh sự đi nữa cũng ầm ỹ lắm. Để yên tĩnh cho người ta nghỉ ngơi cần hơn!
Trang thấy mệt nên không muốn gợi chuyện thêm. Những bà như bà Vương này thuộc về hạng ăn xong chờ ngày vào nhà thương đẻ, hẳn là biết rất nhiều chuyện. Nếu nàng muốn nghe chỉ cần gợi một câu là bà có đủ hứng để kể nửa ngày.
Trang nằm yên vờ ngủ rồi ngủ thực lúc nào không biết. Lúc nàng thức giấc đã thấy Bình ngồi cạnh giường. Anh cúi xuống hỏi rất khẽ:
- Con trai hay con gái em?
Trang ngập ngừng:
- Con bé . ..
Trang buồn ra mặt làm Bình lo lắng hốt hoảng:
- Con bé làm sao em?
- Con bé . . con bé . . mũi tẹt!
Bình cười thở ra một hơi dài:
- Em làm anh lo quá, tưởng là nó làm sao!
Trang vẫn còn phụng phịu:
- Nhưng cả người anh chỉ có độc một cái mũi là coi được. Không phải tốt tướng, trái lại nữa kia, nhưng mà nho nhỏ xinh xinh, thế mà nó không giống anh, lại đi giống em. Con bé ngu quá!
- Lúc nào em cũng khôi hài được. Có phải lỗi tại nó đâu!
Bình nắm tay Trang nhìn sang các giường bên cạnh, giường nào cũng có một người đang nắm tay vợ thì thầm rất khẽ và rất âu yếm.
- Con đâu em?
- Ở phòng khác.
- Lúc anh vào đi ngang qua một cái phòng đầy cả giường trẻ con, chắc nó cũng ở trong bọn ấy. Anh thấy đứa nào cũng giống nhau cả. Đứa nào cũng gói kín chỉ chừa cái mặt. Ngoài lại còn buộc chằng chịt như khúc giò, làm chúng nó không còn quờ quạng vào đâu được nữa. Giống nhau thế không biết có nhầm không em nhỉ.
- Không đâu! Lúc sinh xong người ta cột ngay tên vào tay nó.
- Nhưng nó đã làm gì có tên?
- Tên em và số giường.
Trang ngập ngừng:
- Anh ạ ..
Bình chú ý nghe và lo lắng không hiểu chuyện gì mà Trang không dám nói ra.
- Anh ạ, ngày mai em sẽ ra nhà thương. Những người sinh xong khỏe mạnh họ cho ra ngay . ..
- Ra thì ra chứ sao?
- Nhưng . . .nhưng . . áo của con . . .chưa có. Áo và tã nhà phải mang đến cho nó mặc ra, đồ nhà thương chỉ mặc tại đây thôi, xong phải trả lại ngay.
Bình cười:
- Tưởng gì, em làm anh lọ Em sợ áo con chỉ có... một cánh tay thôi phải không? Anh đã mua sắm đủ cả rồi. Nhưng em về đừng bắt anh tính sổ nhé. Hai trăm đô la của em để ở nhà anh tiêu hết sạch. Áo lót, áo len, áo bông, khăn tã, nệm cao su, đủ cả. Con ông Hoàng cũng đến thế là cùng!
Trang kinh hãi:
- Hết cả hai trăm ? Bây giờ mới đầu tháng thế suốt tháng tiền chợ ? . ..
- Nói khẽ chứ em! Đến đâu hay đó . ..
Trang vẫn còn bất bình:
- Em định đến chị Châu lấy một ít quần áo cũ của Tuyết cho nó mặc tạm. Tuyết ngoan lắm, mà nó chóng lớn quá nên quần áo mới cũng phải bỏ rất nhiều.
- Anh không muốn thế, người ta khinh, tưởng mình nghèo đến nỗi không sắm nổi cái tã cho con!
Bình cúi xuống giường lấy ra một xách đựng đồ ăn:
- Đây là phần của em. Anh đưa tiền nhờ chị Ba làm hộ.
Trang dỡ ra thấy một con gà tơ nằm gọn gàng xinh xắn trong đĩa.
- Em hãy uống nước canh trước đã. Chị ấy chưng toàn với rượu nên hơi đắng nhưng bổ và em sẽ có rất nhiều sữa.
Hai mắt Trang rưng rưng mờ lệ. Nàng vốn định gây Bình vì anh đã tiêu hết cả tiền, và một khi sạch túi thì người chạy tiền sẽ là nàng chứ Bình không bao giờ biết đến nữa, nhưng tất cả những lời trách móc đều nghẹn tắc trong cổ.
- Người xứ em, nhất là nhà quê miền Trung, lúc sinh chỉ ăn cơm với thịt kho tiêu, có khi cả tháng, họ nói thế để cho chắc bụng, không sổ to và mềm.
- Huyễn hoặc. Các bà nuôi đẻ bày đặt ra thế để có cái gì ngon dành ăn hết, người đẻ cần phải tẩm bổ mới chóng lại sức chứ. Em dại lắm, người ta nói thế mà cũng tin. Đáng lẽ dù chồng nghèo đến thế nào đi nữa cũng nhân cơ hội ấy mà ăn ngon một chút chứ! Em không lấy chồng xứ em là phải!
° ° °
Bình đi làm về, thấy Trang đang ôm con nằm ngủ, anh bưng thau tã ướt để dưới chân giường nhẹ nhàng bước ra. Đã mấy hôm nay ngày nào anh cũng phải giặt một thau tã ướt cho con như thế làm anh thấy rất khó chịu. Từ hôm Trang ở nhà thương ra là bắt đầu ốm ngay, nàng vừa sốt vừa rét vừa đau đầu đau bụng đủ thứ. Người ở mới mượn được nửa tháng thì bỗng nhiên không chịu làm nữa. Chỉ tại bà Ba ngày nào cũng xoi bói công việc của nó: nào là làm thế này không được, thế nọ không xong, thế kia hỏng . . nên nó đâm lỳ bỏ việc, bỏ Trang ốm liên miên.
Người làm không có, mướn người khác không được, Trang cố gắng dậy làm nàng ốm nặng thêm, con Mỹ đành phải uống sữa bột không được bú sữa mẹ nữa.
Bình rất cáu kỉnh, nhưng không tránh được nên dù không muốn Bình cũng phải giúp làm những việc mà anh cho là không đẹp tí nào. Anh vừa vò tã vừa ngẫm nghĩ đã gần tháng nay không đi xem chớp bóng nên thấy nhớ lạ lùng! Trong các thứ giải trí ngoài cá ngựa và mã chược ra anh thích chớp bóng, và cái thích này Trang không phản đối nên càng ngày càng thích thêm.
Trước kia Trang không bằng lòng cho anh đi đánh mã chược và cá ngựa, nhưng anh nhất định đi và càng đi càng quên về nên Trang đành phải chịu thua, nghĩa là nàng bỏ liều, coi như không biết đến, không nói gì đến nữa. Bình bảo thà không vợ chứ không thể thiếu những món ấy, Trang cũng bảo thà không chồng chứ không thích chồng cờ bạc.
Hai bên đều giữ chủ trương của mình không ai thay đổi điều kiện hay nhượng bộ tí nào; và mặc dầu không hề xô xát nhưng trong thâm tâm, Trang đã cảm thấy có một cái hố vô hình chia rẽ và đang bành trướng âm thầm. Bây giờ « chàng và nàng » đang đứng bên miệng hố âu yếm nắm tay nhau, vì danh dự, vì lễ nghĩa, vì bổn phận, vì con, vì đủ tất cả mọi thứ . . .nhưng nếu khi người ta hết muốn sống cho mọi người mà muốn sống cho mình, vì mình thì chưa biết ngày mai sẽ ra sao!
Bình thong thả rũ từng chiếc tã ra phơi vừa suy nghĩ không biết có nên đi xem chiếu bóng không. Bỏ Trang ở nhà một mình lỡ nàng lên cơn sốt nặng, hay lên một cơn hen tắt thở như hôm nọ thì nguy hiểm lắm, nhưng mà phim tối hôm nay rất hay, lại chỉ chiếu có một đêm thôi. Cái rạp nhỏ ấy chuyên chọn những phim cũ và hay, đem chớp lại để vớt những khách hàng xem hụt. Bình là một trong những người thích sống ngoài mái nhà của mình, mê chớp bóng, và đang bực mình vì vợ Ốm con khóc, anh có tất cả những lý do giúp thêm can đảm để bước ra khỏi nhà mà không ân hận.
Trang vừa thức giấc, nàng chăm chú nhìn anh và gật đầu như muốn gọi. Bình đến cạnh hỏi:
- Sáng nay em có đi bác sĩ không?
- Có
- Đi taxi hay đi bus?
Trang im lặng không trả lời ngaỵ Nàng biết nếu nói đi bus thì thế nào Bình cũng không bằng lòng, nhưng Trang không thích nói dối. Trang ngập ngừng:
- Em đi . . . bus.
Bình cau mặt:;
- Anh đã dặn em bao nhiêu lần ốm thì phải đi taxị Từ đây ra trạm xe xa thế em đi lỡ bị gió có phải còn thêm phiền nhiều hơn không?
- Em cũng biết thế nên cẩn thận mặc thêm áo để khỏi bị lạnh. Đi bus chỉ có hai hào, đi taxi em sợ không còn đủ tiền mua thuốc. Anh nên nhớ em ở đây không có bà con thân thích, mà anh cũng không có cảm tình liên lạc gì với ai... Cả đến mẹ ngày thường anh đối đãi lãnh đạm nên biết em đau nặng cũng không đến thăm qua . ..
Bình không biết trả lời sao nữa. Trang nói đúng quá và hình như có ý trách anh, Bình không dám cãi, hay phân tích sự trách móc này. Trong đó dường như hình dung tất cả con người và tính cách của anh. Anh đã sống như thế nào, cư xử với người, với việc ra sao để được nghe vợ nói một câu lẫn trong nước mắt như thế! Bình biết rằng Trang hết sức nhẫn nhục chịu đựng, vì nói với Bình cũng không ích gì , và anh cũng thấy hơi tủi cho kẻ quanh năm tự xưng là “đại trượng phu” mà lúc vợ đẻ, vợ Ốm cũng đành khoanh tay ngồi nhìn.
Bình vẫn thường tự hào cái tính mà anh cho là “khí khái” gia truyền của mình, và cho đến bây giờ anh vẫn thấy chẳng thà để Trang chết trên giường bệnh hay chết trong nhà thương miễn phí còn hơn là phải làm cái bộ mặt . . . khó tả, để gợi lòng trắc ẩn của bạn bè hòng mượn ít tiền. Anh cũng không có cái tài chưa cần mở miệng đã có kẻ hiểu ý mà giúp đỡ, mà anh cũng không có cảm tình với ai để hòng người ta có cảm tình lại ..
Bình không làm gì , cũng không thể nói được câu gì để giải thích với Trang về cái cảnh ngộ này nhưng anh vẫn rất khó chịu. Thói quen của Bình là bất cứ trường hợp nào dù rất cần, anh cũng vẫn thích giữ cái bộ mặt vênh vênh của người không cần, và cho đó là “khí khái gia truyền”.
Lắm khi để tự chế giễu mình, Bình kể cho Trang nghe chuyện anh chàng rất nhút nhát nhưng vẫn tự cho mình là anh hùng. Một hôm có cướp vào nhà, anh ta sợ quá chui vào gầm giường, lúc cướp đi rồi người nhà gọi ra anh vẫn còn ngồi run cầm cập, vừa run vừa thét: “ Đại trượng phu đã bảo không ra là không ra mà !” Anh kể lại và cho là thú vị lắm.
Con Mỹ đến giờ bú thức giấc khóc thét lên. Thấy Trang gượng ngồi dậy định đi pha sữa, Bình bảo:
- Em cứ ngồi yên để anh pha, ba thìa phải không?
Bình làm rất miễn cưỡng, làm vì thấy cần phải làm, và không có cách gì khác để tránh công việc chứ không phải vì thích hay vui lòng giúp Trang. Đã khó chịu, giọng khóc của con bé càng làm cho anh khó chịu hơn. Vợ Ốm, con khóc, cái phòng bé nhỏ vì trời mưa nên giăng đầy cả tã ướt, lại thêm mùi sữa, mùi ẩm ướt, mùi dầu bóp, mùi trẻ con, tất cả hợp lại thành một mùi khó tả; nhất là khi người ta đang bực mình thì cái mùi ấy như khủng bố tinh thần kinh khủng hơn lúc nào hết. Có phim hay lại không được đi xem. Bình thấy hình như tất cả những rủi ro trên đời đều đổ dồn đến cho anh cùng một lúc!
Bình nhìn con bé khóc, tay anh đánh sữa thực mạnh như muốn trút bớt cơn giận. Bình thấy giữa anh và con bé không có một chút cảm tình liên lạc gì cả. Có nó làm Trang ốm, làm anh phải ngủ riêng ngoài giường vải thiếu chăn thiếu đệm trong lúc trời rét như thế này, có nó mỗi tháng phải tiêu thêm một món tiền không phải là ít. Con Mỹ càng khóc càng to, anh quát lên:
- Có im đi không, người ta đang pha đây này, còn đòi gì nữa!
Con bé nghe tiếng thét, ngừng khóc ngơ ngác nhìn rồi lại khóc to hơn. Bình không nén được cơn giận đến cạnh giường thẳng tay phát vào má nó một cái thực mạnh. Trang kinh hãi vội nắm tay anh để chận cái tát thứ hai. Bình quát:
- Đấy, lại bênh! Con hư tại mẹ có sai đâu!
- Nó đang đói mà anh!
- Đói thì cũng để cho sữa nguội đã chứ!
- Nhưng nó còn bé đã hiểu biết gì!
- Bé thì mới phải dạy dần!
Bình nói xong chính anh cũng tự nhận thấy mình vô lý. Con mới có hai mươi lăm ngày thôi nó làm sao hiểu được ý anh, nhưng tiếng khóc của nó sao mà to thế! Sao mà dễ ghét thế! Để nuôi cơn giận anh cau có nhìn Trang, thấy Trang mặt tái mét ôm con một cách thương xót, mắt nàng rơm rớm nước mắt, tâm trí anh hơi tán loạn. Bình giật vội áo khoác bước ra ngoài đóng cửa đánh sầm một tiếng, để tỏ ra vẻ ta đang giận dữ lắm đây!
Ra đến ngoài ngõ anh vẫn còn nghe tiếng con khóc, thấy đói bụng anh chợt nhớ ra là chưa ăn cơm, nhưng bà Ba chưa về chắc là cơm cũng chưa có. Bình định đã thế nhân dịp đi xem chớp bóng rồi về nhà ăn sau cũng được, cơm để phần bao giờ cũng nhiều thức ăn hơn. Còn Trang, anh quên không nghĩ đến nàng có đói hay không?
° ° °
Trang đang nấu ăn ở bếp bỗng nghe tiếng con Mỹ khóc thét. Tưởng con ngã nàng vội chạy lên nhà thấy Bình đang đánh tát con bé túi bụi. Trang vội dằng con ra hỏi Bình:
- Sao anh lại đánh con?
- Nhà cửa gì mà bừa bộn thế này ai mà chịu được!
- Em vừa mới xếp dọn sạch sẽ rồi cơ mà!
- Thì nhìn đấy mà xem!
Trang nhìn quanh phòng, thì ra con Mỹ đã bò lăn từ trên giường xuống và vứt đồ chơi tung ra khắp phòng.
Trang se sẻ bảo:
- Em phải xuống bếp làm thế nào mà trông nó trên này được.
- Thế sao em không đeo nó lên lưng mà làm việc như những người khác?
Rồi anh dằn mạnh:
- Hừ, vợ quí của tôi đấy!
Trang thấy đau đớn và uất nghẹn lên tận cổ, nàng trả lời se sẻ :
Lúc trước anh cũng đã biết là em yếu, không thể làm những việc nặng nhọc.
Trang vuốt nhẹ lên đầu con thì thầm:
- Từ nay con sẽ không được nằm lên giường nữa nghe con. Ba muốn tấm chăn trên giường phải thực trắng và không được có một nếp nhăn rồi để đấy mà nhìn. Nếu có mệt mỏi thì hãy ngồi xuống đất cho khỏi hỏng giường. Nhà phải thực sạch sẽ, nền phải bóng loáng không có một hạt bụi nào, xong rồi ngồi ngoài cửa nhìn vào cho sướng mắt. Còn con, con gái me ngoan như thế này thì đem bỏ vào nhà mồ côi để khỏi chơi bẩn nhà khỏi khóc rát tai ba!
Trang nói xong, tự nhận thấy mình vô lý và hèn nhát nữa. Tại sao những lời nàng muốn nói với Bình không nói thẳng với anh mà lại kể lể với con y như một người khùng. Trong một phút Trang thấy mình đã hoàn toàn biến đổi tính nết. Trang mất hết tất cả tính vui vẻ, yêu đời, hoạt bát, lạc quan ngày xưa? Sống chung với Bình, ban đầu vì muốn làm vui lòng chồng , nàng đi từ chiều chuộng đến nhẫn nhục, và bây giờ đâm ra sợ hãi một cách hèn nhát.
Ngày xưa Trang làm gì có những tính nết như thế này!
Bình nằm sấp trên giường, hai tay bịt tai. Đó là thói quen của anh mỗi khi Trang nói gì mà anh không muốn để lọt vào tai, vì anh biết dù Trang không bao giờ nói những câu thô tục hỗn láo, dù nàng nói rất nhã nhặn lịch sự, nhưng ẩn ý như những viên thuốc bọc đường, bên trong phải có những gì cay đắng lắm, người ta sợ con bệnh chịu không nổi mới phải bọc đường cho dễ nuốt. Những lời Trang nói dù rất ngọt ngào, dù bịt tai lại cũng đoán biết, cố nhiên không phải là những lời ca tụng anh.
Trang ôm con vào lòng âu yếm như muốn bù cái bất công tàn nhẫn của cha nó vừa rồi. Bình nhăn mặt tỏ vẻ rất khó chịu. Trang hỏi:
- Anh không thích em và con ở đây phải không?
- Miễn là nó đừng khóc!
- Anh là một người đàn ông không chịu trách nhiệm. Trẻ con làm sao cấm được nó đừng khóc. Thế anh lúc bé thế nào? Đã không thích thì đừng sinh nó ra!
- Ai bảo anh thích? Anh có thích bao giờ đâu?
- Không thích có con sao lại lấy vợ?
- Bởi thế bây giờ anh mới thấy anh ngu!
- Anh ngu mà có lẽ em lại còn ngu hơn anh nữa! Đã lấy chồng là một sự ngu, gặp người như anh tán mà cũng tin lấy anh lại càng ngu hơn nữa. Chính mẹ anh cũng nói em vụng tu nên mới gặp anh. Anh là người mà chính gia đình anh cũng ngán cái tính cay nghiệt, khó chịu, khó chiều. Nếu em biết trước như thế ..
- Nếu em hối hận thì bây giờ cũng chưa muộn!
Chương 4
Khăn Gói Gió Đưa
Ngày . . . tháng . . .năm ..
Tôi thấy ngại cho các cô thiếu nữ bỡ ngỡ đi bên cạnh “chàng”. Tim các cô đập rộn lên mỗi khi mắt gặp mắt. Mộng của họ đang xây sẽ đẹp được bao lâu?
Ngày . . . tháng . . . năm . ..
Tôi vẫn còn nhớ mãi câu Bình nói lúc xưa:”Anh không giầu, không sang nhưng anh có một tấm lòng. Nếu em thấy rằng tình yêu chân thành của anh đủ làm cho em sung sướng thì anh sẽ ở bên cạnh em, săn sóc em mãi mãi”!
Tình yêu ấy bây giờ ở đâu? Bình săn sóc tôi vào lúc nào?
Ngày . . . tháng . . . năm . ..
Tôi muốn không bao giờ khóc nữa! Tại sao những giọt nước mắt quí hóa lại dùng để khóc một chuyện vô duyên như thế được! Bình đã lầm, tôi không phải là người lấy chồng mục đích để xoay một cái “vé cơm trường kỳ”.
Ngày . . . tháng . . . năm . ...
Nếu cuộc đời là một canh bạc thì tại sao khi biết mình thua rồi con bạc không may ấy không phủi áo đứng dậy một cách sảng khoái, tự nhận là mình “thua non” ? Tại sao lại cứ nhất định luyến tiếc, lần lữa mong gỡ lại, mà có khi càng thua càng cay, càng gỡ càng rối? Có ai gỡ lại được một canh bạc hạnh phúc không?
Ngày . . . tháng . . . năm . ..
Đã lâu tôi không muốn nhắc đến bệnh hen của tôi nữa. Tôi đã quen chịu một mình. Khi nghẹt thở tôi uống một viên thuốc, nếu không khỏi thì hai viên, chờ đến khi cơn bệnh thối lui. Những viên thuốc độc ấy tôi coi như thuốc tiên . Nhưng biên giới giữa thần tiên và ma quái cũng cách nhau không xa.
Ngày . .. tháng . . . năm . ..
Tôi cảm thấy hình như sắp có một đứa con nữa. Một nguồn sinh mệnh mới để an ủi tôi, theo tôi. Và một món nợ mới trả không bao giờ hết, theo Bình.
Tôi tỏ ý muốn về nhà, về quê hương tôi, Bình tán thành ngay và giúp tôi sửa soạn hành lý còn sốt sắng hơn tôi nữa!
Ngày . . . tháng . . . năm . ..
Sau bao nhiêu ngày lo chạy các thứ giấy tờ: giấy khai sinh, giấy bảo đảm, giấy nhận quốc tịch, giấy tiêm thuốc trồng đậu và cuối cùng là vé máy bay, tôi đã đủ mọi điều kiện để trở về.
Có ai sắp từ giã nơi mình sống, trải qua những kỷ niệm vui buồn mà không luyến tiếc? Những ngày cuối cùng, hình như lương tâm Bình phát hiện nên đối với tôi tử tế hơn. Anh bớt dùng những cử chỉ và lời nói nặng nề cay nghiệt. Có lẽ anh muốn tôi có một ấn tượng không đến nỗi xấu lắm khi con tôi hỏi thăm về cha nó sau này.
Chỉ còn vài hôm nữa tôi sẽ trở về với cha mẹ tôi. Quê hương tôi nơi có nắng ấm quanh năm, có gia đình, có những người bạn của quê hương đầy thông cảm, chắc tôi sẽ tìm lại được nguồn vui đã mất!
° ° °
- Anh đã dặn xe đến đón chưa?
- Anh đặt tiền rồi, thế nào họ cũng đến, em đừng lọ Em ngủ trước đi nhé. Anh còn phải viết một bức thơ cho ba má em thực là . .. thực là . ..
Bình bỏ lửng câu nói, anh không tìm được một chữ gì đúng với ý mình. Bình đến bàn viết kéo ngọn đèn xuống thực thấp cho Trang khỏi chói mắt. Làm xong cử chỉ ấy Bình chợt thấy mình đã khác thường. Xưa nay anh chỉ cố ý kéo đèn thực cao mỗi khi Trang lên giường trước anh, Bình cố ý trêu nàng khi anh bực mình, mà cái bực mình thì hình như là bạn cố tri , chẳng mấy khi rời khỏi anh.
Bị ánh sáng chói vào mắt Trang không ngủ được, nàng quằn quại trên giường, hết lấy tay che mắt, lại lấy khăn che mặt, hết nằm sấp lại nằm nghiêng. Bình biết những lúc ấy Trang không thể nào ngủ được dù nàng có thay đổi mấy chục kiểu nằm khác nhau.
Lắm khi chính Bình cũng rất buồn ngủ nhưng anh cố thức để xem và anh rất thỏa mãn nhìn dáng điệu đau khổ của Trang, Trang đè nén, cơn giận đã như một bát nước đầy chỉ cần thêm một giọt là đủ để tràn, nhưng Trang cố thử thách mình bằng cách không giận dữ, không chống cự.
Sau bao nhiêu tháng nghiên cứu kỹ tính nết chồng, Trang biết Bình là người không thể dùng lời nói để tìm ra lý lẽ, và cũng không thể làm dữ với anh vì anh sẽ dữ hơn. Bình như có tính cách của người bị chứng bệnh “ngược đãi cuồng” thích nhìn người khác đau đớn. Những lúc ấy Trang chỉ chịu đựng và trong thâm tâm, một làn sóng ngầm nổi dậy, Trang nghĩ cách thoát thân mà Bình không thể làm tổn thương được.
Bình đốt một điếu thuốc lá ngồi suy nghĩ. Đêm đã khuya bên ngoài không còn một tiếng động nào ngoài tiếng gió thổi rất mạnh. Mỹ ngủ say từ lâu, Trang tuy nằm im nhưng Bình biết nàng chưa ngủ.
Mười hai giờ rồi một giờ. Bình càng nhìn đồng hồ càng bực mình. Quái văn chương anh ngày thường vẫn nhiều lắm, nhưng đến lúc cần dùng thì chúng trốn đâu mất cả. Bức thư hơn một tiếng đồng hồ vẫn chưa đếm đủ năm dòng. Bình càng nóng ruột muốn làm cho chóng xong thì hình như ngòi bút cũng làm khó dễ với anh. Đã thế đồng hồ thì hình như càng chạy nhanh hơn. Trang chỉ còn ở lại đây một lúc nữa thôi, năm giờ sáng nàng sẽ rời khỏi nơi này và không biết bao giờ mới trở lại!
Bình nhớ lúc Trang tỏ ý muốn về nước anh thấy một sự sung sướng lạ lùng mới mẻ, nhất là Trang lại định đem cả con Mỹ đi theo. Anh đã chán cái cảnh vợ Ốm con khóc, cảnh thiếu tiền tiêu riêng. Anh ghét không muốn về nhà thăm mẹ và các bà chị vì họ hay khuyên anh điều này điều nọ, đến khi lập già đình anh tưởng sẽ được làm chúa tể trong nhà, không ngờ Trang cũng có đến hàng tá “thập giới” để khuyên anh: nào là phải về thăm mẹ, nào là đừng đánh bài lắm, nào là phải tập lịch thiệp một chút, nào là yêu cầu anh học một cái gì chuyên môn . .. nhiều lắm, đến nỗi anh phát ghét cho là tất cả mọi người cùng về hùa với nhau để khủng bố anh.
Suốt bốn tháng Trang bận rộn công việc xin giấy tờ, nhiều thứ giấy rất phiền phức về vấn đề quốc tịch, nhưng Bình cũng chẳng hề giúp nàng gì cả, vì đó không phải là việc của anh, không quan hệ đến anh. Bây giờ sắp xa nhau, lấy công tâm nghĩ lại Bình thấy mình đã tàn ác với Trang quá, không những thế số mệnh cũng tàn ác với nàng nữa. Trong lúc anh chưa tập được tính yêu trẻ con, bao nhiêu khó nhọc đều đổ dồn cho Trang cả, nay Mỹ hơi lớn thì đứa bé thứ hai đến với nàng. Khi biết chắc cái được gọi là “tin vui mừng” kia anh điên cả người, chỉ sợ Trang đổi ý. Anh băn khoăn mãi không dám hỏi, đến khi thấy Trang vẫn quả quyết đi anh mới yên tâm nhưng hơi hối hận, và càng thấy mình có lỗi đối với mẹ con nàng hơn.
Viết xong thư, Bình đem lại giường cho Trang xem, hai người cùng cúi đầu bên cạnh ngọn đèn đầu giường thì thầm đọc.
Bình nói rất khẽ:
- Chúng mình chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa thôi! Biết bao giờ mới được gặp lại.
Trang chỉ gục đầu vào ngực anh im lặng. Phải còn bao giờ gặp lại nữa!
- Em về thăm nhà ít lâu rồi lại sang. Hay nếu có thể thì anh sang với em, Anh có thể dạy tiếng Anh ở đâu cũng sống được!
Trang cố nói với Bình những lời hứa hẹn rất ngọt ngào để anh yên lòng cho nàng đi, vì dù sao, nếu anh đổi ý thì Trang cũng khó lòng ra khỏi nơi này.
Trong giây phút sắp xa nhau, bây giờ Bình mới thấy trong tay đã có ngọc quí mà không biết. Chuyện đời là thế, người ta chỉ tiếc khi đã mất, hay sắp mất một thứ gì vẫn thuộc quyền sở hữu của mình, và vẫn bị mình coi như sỏi đá. Xưa nay anh đã từng nghe tất cả bạn bè khen anh tốt số, thèm thuồng hoàn cảnh của anh, Bình vẫn coi thường, coi như sự hưởng thụ sinh hoạt cao hơn khả năng anh tạo được, là trời sinh ra anh để được sung sướng như vậy, đó là lẽ tất nhiên, không có gì đáng kể.
Trong lúc các bạn cùng một lứa như anh phải quần quật, làm ngày làm đêm để cung cấp cho gia đình đầy đủ, vì họ có những bà vợ chỉ biết đợi chồng đem tiền về nhà tiêu xài, lại còn bắt chồng cung phụng cho cả họ ngoại xa gần bên vợ nữa.
Bình chỉ phụ trách một nửa gánh gia đình, còn nửa gánh nặng hơn, Bình thân tặng cho Trang, không hề muốn biết trong gánh có gì và nặng hay nhẹ. Sự thực hai người cũng phải trải qua nhiều thử thách xót xa mới đến được chỗ “thông cảm” như vậy.
Nhưng được cái này mất cái khác, Bình không có cái thú là người quan trọng nhất nhà như các bạn. Mọi gia đình khác, người chồng được coi như linh hồn, như cột trụ chính, nếu không có linh hồn ấy thì gia đình phải , phải vất vả long đong không ít.
Còn Bình, nói dại nếu lỡ anh có trúng phong trúng gió thì gia đình anh vẫn đứng vững, như không có chuyện gì xảy ra, Trang vẫn đủ sức nuôi con khôn lớn ăn học đàng hoàng như ai vậy, không vì sự vắng mặt của anh mà cạn hết nguồn sống! Điều này làm Bình thấy chạm đến lòng tự ái của kẻ “đại trượng phu” lắm lắm. Nhưng dù sao anh cũng đã làm cho nhìều người ao ước!
Giờ đây Trang sắp đi anh mới thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ: vì lỡ mất Trang thì trong đời anh còn biết tìm đâu ra một người vợ không phải là một bà chằng “vừa xinh vừa ngu” lại vừa đảm đang như Trang!
Trang thì thầm:
- Em sẽ trở về!
Anh biết Trang hứa không có bảo đảm nhưng cũng phải giả vờ tin, tin để có cớ công khai nói với mọi người, không ai có thế trách anh đã bạc đãi Trang để nàng phải về quê ngoại trong lúc con còn dại, lại thêm mới bắt đầu thai nghén. Cả hai cùng biết là hứa giả, tin vờ nhưng cũng cứ “diễn xuất” y như thực, và trong một lúc tình cảm nổi dậy chân thành quá, cả hai cùng đã thành công trong sự lừa người, lừa mình mà kết quả chẳng biết sẽ đưa tới đâu!
- Mỗi tháng anh nhớ đưa cho me một ít tiền tiêu vặt cho me vui. Me đã già rồi, bây giờ anh không thăm nom, lúc chết, làm đám ma to, tốn bạc nghìn thì có ích gì cho me?
- Anh đối với các chị tử tế một chút, đừng lãnh đạm quá như thế! Dù sao ..
- Anh sẽ nghe em tất cả!
Trang vẫn tưởng “đi là hết” , nhưng bây giờ nàng mới thấy không đành, Trang vẫn thấy cần phải thu xếp dặn dò tất cả mọi công việc, săn sóc những người chung quanh từng ly từng tí một.
Còn Bình, anh trở lại ngoan ngoãn như lúc mới gặp Trang lần đầu tiên,anh hứa sẽ sẵn sàng làm theo tất cả ý nàng muốn, dù Trang bảo vá trời lấp biển gì cũng nhận lời tất cả.
Tiếng còi xe vang dội ngoài cửa làm Trang tỉnh giấc. Nhìn đồng hồ thấy đã đúng năm giờ, Trang vội đánh thức Bình và con Mỹ dậy, mặc áo rất vội vàng. Trời cuối tháng chạp, gió sớm thổi từng cơn rét như cắt. Bà Ba cũng đã thức dậy, Trang nghe tiếng bà bật đèn, và khóc nấc từng cơn se sẻ. Có lẽ chỉ có một mình bà tiếc Trang, không phải vì thương Trang nhưng vì thương con Mỹ. Bà cô già không chồng sống rất cô độc, bà đã có rất nhiều lý do để thương Mỹ. Lý do thứ nhất là bà vẫn thường đeo nó trên lưng và nhắc mãi việc chính tay bà đã bế nó ra khỏi nhà thương, đã trả tất cả mọi tiền phí tổn sinh nở thuốc men ba đô la rưỡi. Bà luôn luôn khoe: “Chỉ trả có ba đồng rưỡi mà bế được cháu tôi về nhà, hạnh phúc biết bao!” Trước kia tất cả tình thương của bà hiến hết cho Đức Chúa trời rồi đến bọn chó mèo, nhưng từ ngày có con Mỹ, thứ tự phải xếp lại, nhất là Chúa Trời, thứ hai là Mỹ rồi mới đến bọn chó mèo. Bà dành phần bế con Mỹ, thì thầm với nó giọng đầy nước mắt:
- Cầu Chúa phù hộ cháu tôi, bình yên chóng lớn.
Ngoài cửa tiếng còi xe lại thúc giục. Trang nhìn căn phòng một lần cuối cùng rồi bước nhanh ra sân. Một làn gió lạnh thổi tạt qua mặt làm Trang rùng mình. Trang nhìn quanh như để từ giã nơi đã sống với nhiều kỷ niệm vui buồn. Bên phải là một bãi cỏ rộng mênh mông, nơi đây chiều chiều nàng vẫn đẩy xe cho Mỹ đi chơi, bên trái là vườn rau của bà Ba, sáng chiều nào bà cũng lo vun tưới rất cẩn thận, nhiều lần bà đi vắng suốt ngày Trang tưới giúp cho bà mỏi rã rời cả người. Cả ba cùng đi im lặng không ai nói gì, sợ phá tan cái không khí tĩnh mịch ban mai, sợ nghe giọng nói cảm động của mình, hay sợ phải nhắc đi nhắc lại những lời dặn dò quá nhiều lần rồi, chắc chắn là mình không thích nói mà người khác cũng không thích nghe.
Bà Ba chỉ đưa ra đến xe, Bình cùng đi lên sân baỵ Lúc Trang lên máy bay rồi Bình thấy mắt anh hình như mờ đi. Trang nhìn qua cửa kính, nàng cầm tay Mỹ dạy nó vẫy bạ Máy bay đã cất cánh anh còn với trông theo bàn tay bé nhỏ của Mỹ và hình ảnh của Trang lần cuối cùng. Gió buổi sáng ở phi trường trống trải lạnh buốt cả hai má, anh chầm chậm bước ra về không để ý đến những chiếc xe taxi vắng khách, trở ra đang chào đón. Bình đi bộ trên con đường đưa ra thành phố, anh bước nặng nề từng bước một, cố phân tích cái cảm giác phức tạp của lòng mình.
Về đến nhà, Bình nằm lăn trên giường nguyên cả áo. Con người cẩn thận khét tiếng “cái gì lấy ở đâu để lại đấy” như anh lần đầu tiên đã phá giới, làm một việc trái hẳn thói quen không thay áo trước khi lên giường. Bình để yên hai dòng nước mắt tự do chảy tràn xuống gối. Cái giường đối với anh bây giờ hình như rộng quá, và căn phòng ngày thường anh vẫn cáu kỉnh vì nhỏ hẹp bây giờ bỗng như trêu anh hóa ra rộng mênh mông. Cái gối Trang nằm vẫn còn giữ vết trũng của đầu Trang gối lên tối hôm qua, Cái khăn bông Trang vẫn đắp lên cổ phảng phất một mùi hơi quen thuộc làm anh cảm động đến lặng người.

Cái bàn Trang vẫn ngồi đánh máy những bài viết, bản văn, bản dịch, những giấy tờ riêng của Trang làm ban đêm vẫn còn đó nhưng thiếu cái bóng trên tường, cái bóng người đánh máy bên ngọn đèn đêm ấy đã in trong trí óc một hình ảnh bất di bất dịch lúc nào mà anh không hay.
Mới cách đây mấy hôm anh còn khó chịu vì tiếng máy chữ lách cách, anh gắt gỏng vì suốt ngày ở sở đã nát óc vì những tiếng động, tối về nhà lại cũng vẫn những tiếng động ấy, tức chết được, anh không còn biết trốn vào xó nào ! Đâu có phải người ta sống để suốt ngày liền đêm chôn vùi trong bực mình.
Nhưng giờ phút này không còn tiếng lách cách đáng ghét nữa thì lại hình như thiếu tất cả, bây giờ mọi thứ đều ngăn nắp sạch sẽ đúng như ý anh muốn, nhưng chúng như đã mất linh hồn, làm cho không khí thành lạnh lẽo cô đơn ! Xưa nay anh vẫn ước ao, vẫn tranh đấu hằng ngày để có được cảnh rộng rãi, thứ tự và im lặng thì bây giờ nó lại hóa ra trống rỗng vô vi...
Bây giờ nhìn lên bàn viết không có bóng Trang in lên tường, nhìn đến giường Mỹ, bên cạnh tường mấy lỗ vôi loang lở nhắc anh nhớ lại những lúc anh tức giận đánh vào tay Mỹ rất đau chỉ vì con bé thích moi móc những mảnh vôi trên tường đã bị nứt rạn ra, bây giờ không còn Mỹ nữa dù anh có cho phép nó phá vỡ cả một mảng tường.
Tất cả mọi thứ đều tan biến, chỉ còn im lặng cô đơn. Bình đã được những thứ anh thèm thuồng ao ước mà đáng ghét là tâm hồn anh chỉ có những cảm tưởng trái ngược. Bình bỗng nhiên thấy mình hóa ra hai con người khác nhau mà chỉ cách nhau mới có một đêm. Anh vùng dậy ngồi vào bàn, viết cho Trang bức thư đầu tiên sau khi nàng đi.


Trang bế con nhìn qua cửa kính, nàng cầm tay con bé vẫy cho đến khi máy bay đã lên cao, bóng Bình đã mờ dần rồi mất hẳn. Cổ họng hình như có gì chẹn lấy nghẹn ngào. Trang ngả đầu vào lưng ghế, nhắm mắt lại vờ ngủ.
Máy bay đã lên cao hẳn vượt lên trên mây, nhìn xuống không còn trông thấy phi trường Kai Tak, cũng không còn những ngọn núi trùng điệp của đảo Hồng Kông. Trang nhắm mắt nhưng trí óc rất tỉnh táo. Nàng nhớ lại tất cả những gì đã trải quạ Qúa khứ lần lượt diễn ra trong trí óc như một cuốn phim dài. Một cuốn phim đời do chính tay nàng tự biên tự đạo, tự diễn. Trang đã biên kịch bằng tất cả tâm cơ, nàng đã đạo diễn với tất cả sự khéo léo của mình, và đã diễn hết tâm hồn.
Trang thấy mình đã thành công một phần nào dù phải trả một giá quá đắt . Bình vui lòng thả con chim bé nhỏ ra khỏi lồng, không phải lồng son, không phải lồng sắt , nhưng là một cái lồng tình cảm vô hình mà ai đã mắc vào không dễ gì ra thoát.
Sự thực khi nhận lời kết hôn với Bình, Trang đã chán đời. Gia đình bặt hẳn tin tức, Trung Hoa đã hoàn toàn hóa đỏ, các bạn đồng học, kẻ còn người mất , tất cả đều chạy tán loạn, mỗi người tự tìm đường sống không liên lạc gì với nhau được nữa. Trang lánh nạn đến Hồng Kông tìm việc làm. Trong lúc nàng cô đơn và phải tranh đấu những mục tiêu không hợp với ý thích, Trang đã chọn liều một ngã ba không biết sẽ đưa đến đâu.
Trang lấy chồng mà chỉ coi như diễn một vở kịch tất cả mọi người trên đời đều có phần diễn. Điểm khác nhau là nếu gặp vai cùng đóng với mình, ý hợp tâm đầu, đồng tài sức thì sẽ diễn hay, diễn cho đến già đến chết vở kịch gia đình hạnh phúc. Kém hơn một chút sẽ diễn vở kịch nhẹ nhàng của cuộc sống an phận không sóng to gió lớn mà cũng chẳng rực rỡ huy hoàng. Vỡ kịch bình an
Nếu không may, trái tim vàng “chọn chẳng tùy nơi” cuộc đời sẽ thành ra một bi kịch.
Mà ai làm sao biết được mình sẽ đóng vai tuồng gì trên sân khấu của cuộc đời biến hóa vô thường này! Ai có thể biết trước được mình sẽ có thể tự hào vênh mặt lên bảo thầm: “Bản Công chúa chẳng cần ngắm kỹ, chỉ gieo một cái là quả Cầu rơi đúng ngay đầu quan Trạng” , hay là sẽ phải sụt sịt khóc ngấm khóc ngầm tìm cách đổ lỗi nào là kiếp trước vụng tu, nào là ông bà kém phúc, nào là Ông Tơ ngủ gật xe nhầm . ..
Trong cái không may Trang chỉ ngán mình! Một việc người khác phải đắn đo suy nghĩ là việc định đoạt chung thân thì Trang ngây thơ mới nghe câu hứa hẹn ngọt ngào “Thương yêu săn sóc suốt đời” không bảo chứng đã vội tin ngay, tưởng ai cũng thành thực và nhiều tình cảm như mình nên mới sa lầy.
Trang chỉ còn cách tự an ủi là dù sao, tất cả mọi trường hợp trong kịch đời lúc nào nàng cũng đã đóng thật, đã hòa mình vào, đã tận dụng cảm tình chân thành, để lúc hạ màn hồi tưởng lại cũng còn dư vị say sưa ngây ngất, dù hương vị ấy lắm khi nhiều đắng cay mặn chát chứ không ngọt ngào như mong ước.
Chương 5
Này Chạ .Này Mẹ. . Này Em...
Trang về nhà thấm thoát đã ba tháng trời. Ba tháng sống thực sung sướng êm đềm với cha mẹ và hai em trai nhỏ. Hai người em này là con của một “dì” nghĩa là một cô vợ lẽ, đã mất từ lâu, ngoài ra lại còn Thu, một bé gái mới lên hai, cháu gọi Trang bằng dì.
Cả nhà cùng đồng ý không nhắc lại việc đã qua, những tai nạn kinh khủng trong mấy năm ly loạn, những duyên cớ làm cho cả nhà ly tán, mỗi người một nơi. Không ai muốn gợi lại những chuyện đau lòng mà mọi người đều lãnh đủ. Ai cũng muốn tận hưởng sự sung sướng còn sót lại rất ít, và mong sẽ lần lần hàn gắn vết thương. Cụ Xuyên, ba Trang, tuy đã già nhưng vẫn còn làm việc tại một văn phòng trong thành không xạ Ở sở cũng có một gian nhà phần của ông nên ông có thể ở cả hai nơi, trưa ăn cơm xong nghỉ ngơi tại sở, chiều đi bộ mười lăm phút về nhà với vợ con.
Chiều nay cũng như mọi chiều khác, hai cha con cùng bắc ghế ra sân nói chuyện. Ba Trang cầm tập số Tử vi ông đã ra công nghiên cứu viết thành một cuốn sách dày, ông xem một lúc cười bảo Trang:
- Trang ơi! khi ba chết rồi để tập Số tử vi này cho ai con nhỉ ? Các con đứa nào cũng tân thời cả, đâu có thích cái thứ khoa học huyền bí Trăng Sao này.
Ông dở trang số ông đã tự chấm lấy cho mình bảo Trang:
- Này con, ba năm nay không khéo lại có một “dì” nữa cho mà xem. Này nhé, cung này là cung Phối, chỉ sự nhân duyên của mình, đây là cung Thân, cung Mệnh. Con xem nào là Đào Hoa, Hồng Loan, lại còn Thiên Hỷ nữa, thật không chạy đâu cho thoát. Thế này là đối, thế này là chiếu, khi nào con nghiên cứu sẽ rõ, đúng không thể tưởng tượng được. Con có tin không? Năm nay thế nào ba cũng . . vườn mới thêm hoa!
Trang cười:
- Ai thèm ? Người nào bằng lòng lấy ông già là không điên thì cũng “tàng tàng”, sắp lên cơn đến nơi. Nhà mình bây giờ thì còn gì cho ai ao ước nữa. Chức nghiệp của ba tuy nghe cũng khá kêu đấy Văn Hóa Viện, Viện Trưởng, nhưng tiền lương chỉ đủ nuôi sống gia đình. Mình đâu có dư mà ba đòi . . .vườn mới thêm hoa. Con thấy thêm hoa không khó nhưng làm thế nào vun xới, săn sóc cho hoa tươi đẹp, làm thế nào cho “hoa” không lụy mình mà mình cũng không “lụy” hoa mới là khó.
Nhất là cái giống “hoa biết nói” không phải vun xới bằng nước và phân nhưng bằng tình yêu, sinh lực và tiền. Ông già nào muốn trồng thứ hoa này phải có rất nhiều tiền nó mới sống nổi. Ba có đủ điều kiện không?
- Ở đời có nhiều việc lý luận dông dài, và chuẩn bị đầy đủ thì không bao giờ thành cả. Mặc dầu có đủ điều kiện hay không, cứ làm đi rồi sẽ thành. Về sau rách đâu vá đó!
- Bây giờ ba còn lãng mạn và liều lĩnh hơn cả bọn trẻ chúng con. Thảo nào mà người ta bảo trí khôn con người đi trong cái vòng tròn, hết vòng nó sẽ trở lại điểm đầu tiên. Ba như thanh niên mười tám vậy!
Ba Trang cười vẻ bí mật:
- Con không biết đấy. Ba béo tốt khỏe mạnh như thế này nên trông ba không ai dám bảo là sáu mươi tuổi cả. Trai thanh niên dám chắc cũng không mấy ai bằng. Khối cô mê ba đấy nhé!
- Con không tin.
- Ba nói thực với con, con đã lớn và cũng đã có gia đình, con hiểu rằng một người bình thường và khỏe mạnh ngoài sự làm việc, ăn ngủ, còn sự cần dùng khác cũng rất quan trọng cần phải giải quyết.
Trang im lặng, Ôâng nói tiếp:
- Mấy năm sau này, ba muốn xem các con như bạn, ba thích bàn bạc nói chuyện đời với các con, mà bây giờ chỉ còn một mình con bên cạnh, ba càng coi như tri kỷ nên mới nói chuyện này.
- Không biết mẹ có bằng lòng không?
- Mẹ? Mẹ thì nhất định bằng lòng rồi! Đã mấy năm nay, mẹ cắt tóc ăn chay, tụng kinh niệm Phật, mẹ có để ý đến chuyện “trần tục” nữa đâu! Mẹ ngày đêm tụng kinh cầu nguyện cho ba sức khỏe, lo tẩm bổ cho ba mập mạp béo tốt. Nhưng ba ăn ngon ngủ yên quá lại đâm ra thừa sức khỏe, điều này mẹ không giải quyết cách nào cả.
- Ba quên là mẹ đã cưới hầu cho ba bao nhiêu lần rồi.
- Cái kiểu nàng hầu ấy, bây giờ ba không thích nữa. Cả ngày chúi đầu trong bếp, hay lo may vá, bánh trái. Nếu cần thì mình mướn người làm hoặc mướn bếp còn hơn!
Trang im lặng vì thấy rất khó trả lời . Vấn đề đã đến một cách đột ngột ngoài sức tưởng tượng. Người cha già ngày còn bé nàng thấy quá nghiêm nghị, bây giờ coi Trang như bạn cùng thảo luận chuyện đời một cách đứng đắn, cùng đùa như ngang hàng, và đồng thời cũng rất kính trọng lẫn nhau. Người cha, nàng đã tưởng nên ở cái tuổi “đọc sách xem hoa” bỗng dưng đâm ra trẻ lại.
- Con cũng biết đấy, ba không hề chơi bời như ai. Điều thứ nhất là giữ tiếng tăm cho đẹp, điều thứ hai là phí tổn nặng lắm nếu chơi bời bên ngoài, ba là có thể hại sức khỏe nếu lỡ bệnh hoạn. Vì thế ba định . ..
Trang cười hơi có vẻ ngạo:
- Ba định cưới một cô vừa trẻ vừa đẹp.
- Phải.
- Ba đã có người vừa ý rồi phải không?
- Phải, một người cùng sở giới thiệu. Cô này con nhà tử tế, đã có con nhưng chồng lên chiến khu rồi cưới vợ trên ấy. Cô ta buôn bán tự nuôi con. Đúng như con vừa nói, vừa trẻ vừa đẹp. Lâu nay chẳng thiếu gì trai thanh niên muốn cưới, nhưng cô ta không chịu! Cô ta bảo rằng bọn trẻ khó tin lắm, không thể phó thác cuộc đời được. Cô muốn lấy ba để có chỗ nương tựa về sau.
Trang tỏ vẻ nghi ngờ:
- Có thực như thế không ba?
Ông trả lời hớn hở:
- Cố nhiên là thực! Chính tai ba nghe nói mà! cô ta mới hơn ba mươi tuổi lại buôn bán đảm đang, thiếu gì người thèm! Cô ta phân tích rõ ràng lắm, nói rằng: Trai thanh niên thì khó tin cậy, địa vị nhỏ không nuôi nổi vợ con. Người lớn tuổi thì ai cũng có gia đình đàng hoàng cả rồi, vợ họ lắm khi còn trẻ tuổi nhan sắc hơn mình nữa, làm sao ăn qua người ta được. Làm bé thì còn ai hơn ba ! Vừa khỏe mạnh phương phi,vừa con cái đã lớn không can thiệp đến chuyện nhà. Mẹ thì ăn chay niệm Phật như một bà Sư, chức nghiệp của ba thì cũng danh giá chứ có kém gì ai. Cô ta về với ba chắc sẽ được giao tay hòm chìa khóa và sung sướng cũng như cảnh một vợ một chồng vậy!
- Lý luận của cô ta cũng hay đấy, nhưng chỉ có lý mà không có tình! Nói tóm lại cô ta không phải yêu quí gì ba nhưng chỉ cần có một người chồng, có chồng để làm bà, để cho đỡ cô đơn, để có người nuôi, để tỏ cho thiên hạ biết ta đây không phải ế, hay để bày làm cảnh chơi, hay có mục đích gì khác, hay tưởng ba giầu . . v . .v . . con không biết vì cớ gì nhưng chắc chắn không phải vì thương yêu. Dù sao ba cũng đã già rồi, khi người đàn bà bằng lòng lấy ông già phải có một lý do gì khác! Một là cô ấy điên, hai là cô ấy không điên nhưng sẽ làm cho mình điên.
Ba Trang cố cãi:
- Không phải đâu, con đừng nghi oan mà tội! Con trông ba có già tí nào đâu. Thân thể cường tráng, diện mạo phương phi, lại thêm ba nói chuyện ai cũng công nhận là có duyên đã mấy chục năm nay chứ không phải mới bây giờ?
Trang bật cười:
- Con không ngờ ba có khoa « nói chuyện » khéo thế! Thì ra ba thành công rồi mới tuyên bố! Đúng là « tâm ngẩm đấm ngầm chết voi ».
- Con đừng cười, con nên hiểu bất đấc dĩ ba mới làm thế. Sự thực me con chưa già như me tưởng, nhưng chính me đã « lãnh đạm » việc đời sớm quá. Me chỉ lo cho cuộc sống ở thế giới Cực Lạc tương lai, còn cảnh hiện tại tối cần, cái điểm mà nếu hòa hợp được thì có thể gọi là chân hạnh phúc, me cho là không đáng kể.
- Thế ba định sao?
- Con giúp ba năn nỉ me đem lễ vật đi cưới người tạ Điều kiện của họ chỉ yêu cầu được me sang cưới mà thôi. Người này con nhà gia thế chứ không như những cô trước kia, mẹ chỉ đưa tiền cho người đón về. Xong rồi nhét vào bếp giữ việc cơm nước. Ba mong rằng con hiểu ba hơn . . Cô ta thương yêu ba thực mới bằng lòng như thế.
Trang ngập ngừng:
- Dạ, con hiểu . . .nhưng . ..
Ba Trang nói lảng sang chuyện khác:
- Này con, số tử vi của con Mỹ tốt lắm. Nếu nó là con trai thì phải biết. Này nhé Tử, Phủ, Vũ, Tướng, Tả Phù, Hữu Bật, lại còn Văn Xương, Vũ Khúc cũng ở đây nữa.
Trang hơi có vẻ chế nhạo:
- Ba xem trật rồi, nó sinh ra giờ Hồng Kông không giống giờ Sàigòn, vì người ta thay đổi mỗi khi đổi mùa hạ hay mùa đông.
Ba Trang hơi bối rối, ông nói vớ vẩn:
- Không, số nó tốt thật! Nếu là con trai thì phải biết! Đáng tiếc! Đáng tiếc!
Trang thấy hơi ngao ngán một chút. Tại sao lại cứ phải tiếc? Tốt thì tốt, xấu thì xấu, xấu lại càng nên thương yêu nhiều hơn để bù đắp phần nào những thiệt thòi nó phải chịu mai sau, vì chính mình đã tạo ra nó ? Sao lại phải là con trai mới đáng gọi là tốt, mới mãn nguyện?
Lại còn cái cô nào đó, Trang không thể tưởng tượng được bỗng dưng lại đâm thích lấy ông già. Cô có thích thật không, hay chỉ tưởng là lấy ông già để được nuông chiều âu yếm, dỗ dành, mặc sức làm nũng cho bõ lúc mình nuông chiều cái anh chàng trai trẻ mà bị hắn ta hắt hủi.
Rồi sau này khi phát giác ra những tiếng ho húng hắng nghẹn đàm lúc đêm khuya và lúc sớm tinh mơ, lại còn đôi mắt không thể nào « ly dị » được cặp kính lão, và vô số những thứ xương cốt mỏi mệt linh tinh , lỉnh kỉnh đi đôi với tuổi già nữa. . . ..
Tất cả những cái phụ thuộc ấy có ảnh hưởng gì đến tình yêu thương của cô sau này không? Yêu thật hay chỉ là... Trang lầm bầm:
« Trời mưa nước chảy qua sân . Em lấy ông lão qua lần thì thôi. ..
Bao giờ ông lão chầu trời. Thì em lại lấy một người trai tơ » ..
Ba Trang bịt tai, nhưng ông mỉm cười chứ không giận dữ. Một chút tinh thần hài hước thuở trai trẻ của ông vẫn còn.
Lại còn mẹ nữa! Cuốn kinh khó hiểu với những cái tượng vàng son kia có thực là hạnh phúc của mẹ không? Hay chỉ là cái « mốt » của các bà sồn sồn? Các bà khi thấy mình già trước tuổi, bên cạnh ông chồng còn khỏe mạnh, còn thích nhiều vấn đề « trần tục », các bà cố ý ngả hẳn về một bên, lãnh đạm với ông, phớt hẳn « chuyện đời » để che đậy lòng tự ái bị thương tổn. Đem sự mộ đạo ra che dấu những buồn tủi trong lòng, làm bộ uy nghiêm để giữ tiếng tăm với đời.
Hai cha con mỗi người một ý nghĩ, cả hai cùng im lặng triền miên phiêu lưu trong trí tưởng tượng của mình, cả hai như bị ru, bị thôi miên trong tiếng mõ đều đều và tiếng tụng kinh trầm trầm. Bỗng Trang giật mình, con Mỹ và Thu chạy đến ôm chầm lấy nàng cười sằng sặc. Hai con bé tay cầm hai củ khoai, mồm cũng còn đầy khoai. Trang hỏi:
- Ai cho con thế này? Ơ hay, khoai ở bàn thờ thổ thần phải không? Con ăn vụng chốc bà phạt nhé! Lần sau con còn ăn vụng nữa mẹ không thương con đâu!
Thu hỏi:
- Bà có phạt con chó Tutu không? Nó cũng có phần ăn vụng?
Trang bật cười. Sung sướng thay bọn con trẻ thơ ngây! Chúng làm theo bản năng tự nhiên, trông thấy ăn được là ăn không hề thắc mắc !
Ba Trang ngửa mặt nhìn trời nhìn mây, ông mỉm cười một mình. Trang không muốn nói gì thêm sợ mất niềm vui mới mẻ trong lòng ông. Trong chốc lát Trang cảm thấy ông thay đổi hẳn đi, không còn là người cha nghiêm nghị mọi ngày, ông có vẻ đầy nhựa sống, tin tưởng đời hơn một thanh niên, và sẵn sàng hy sinh tất cả để vớt vát phần nào những hưởng thụ của tuổi trẻ đã qua.
Thấy Trang mãi không nói gì, ông cảm thấy một ý nghĩ khác thường đã đến trong đầu con ông, đứa con mà mỗi lúc nói chuyện với ông thường hay đem ra nhiều vấn đề hỏi ông nhất, thế mà hôm nay nó không hỏi gì cả. Nhưng dù sao, cũng đã mãn ý về cuộc «hội đàm» vừa rồi, ông vươn vai ngáp dài hỏi:
- Chiều nay có gì ăn con nhỉ? Cho ba một ly rượu thuốc đi.
- Dạ, có tôm tươi hấp, chấm nước mắm chanh ớt.
- Ừ, ba thích món này lắm! Me rất hiểu tính ba! Ba thích ăn gì, nghĩ gì, muốn gì, chưa nói me đã hiểu rồi. Mà tính me cũng có nhiều điểm giống ba lắm!
Chương 6
Sóng Ngầm
Me giống tính ba ở điểm nào không biết, chứ điểm nằm mơ thì rõ rệt nhất. Trong vòng vài tuần, sau khi đã «mở cuộc điều tra» về cô Tư, bà bảo:
- Tối hôm qua tôi nằm thấy cậu về.
Trang nhanh nhẩu:
- Ông nội hở mẹ? Ông nói gì hở mẹ?
Ba Trang cảm thấy có gì không hay cho ông trong sự « nằm thấy » của bà, hơi nghiêm sắc mặt hỏi:
- Cậu về? Về ra làm sao?
- Tôi nằm thấy cậu về mà sắc mặt có vẻ không vui. Cậu nói: «Con gắng tu hành để phúc cho con cháu nhờ. Phúc của ông bà bạc lắm, có đôi chút thì cũng đã gần tàn rồi. Nay mai đây có thêm một người đàn bà nữa là gia đình ly tán hết chứ đừng mong đoàn viên thịnh vượng. Số cô đó cao lắm, ai dính vào là sạt nghiệp chứ không phải chơi. Rồi đây không nghe lời cậu sẽ sanh ly tử biệt, tán gia bại sản, điêu đứng với nó».
Ba Trang đỏ mặt gắt:
- Nói bậy, mộng mị nhảm nhí. Mình đừng tin. Tôi thì nằm thấy mẹ về, mẹ vui vẻ lắm lại còn cho tôi một trái cam.
Trang ở giữa nghe cả hai bên cha mẹ kể chuyện nằm mơ, ngơ ngác như lạc trong mê hồn trận. Trong cuộc chơi «nằm thấy» hai bên nói trái ngược nhau, nàng không biết nên tin ai. Không có lẽ nào ông nội và bà nội ở bên kia thế giới cũng chia phe vì bất đồng ý kiến, và về báo mộng khác nhau!
Sự thực mẹ Trang vẫn có tính hay phát biểu ý kiến bằng cách nằm mơ như thế. Bà mơ thấy một người có oai quyền trong gia đình đã chết về quở trách, nói giùm cho bà những điều bà bất bình mà không muốn ra mặt phản đối, hay để truyền bá những tin tức bà nhặt được nhưng không tiện nói ra, vì sợ phải đưa chứng cớ có khi liên quan đến những người tai mắt. Thành ra bà chỉ có cách «nằm thấy» là tiện nhất. Bà sẽ có dịp phát biểu ý kiến mà khỏi chịu trách nhiệm, khỏi trình bày chứng cớ, và dù trúng hay trật cũng không thiệt hại gì ai. Thói quen này ông cũng đã hiểu nên không bao giờ tin, trừ phi giấc mơ nào có lợi cho ông.
Thường thường bà không nói ý kiến của mình, cho đến khi không thể đè nén được bất bình, hay không dằn được cơn giận bà mới kể một giấc mơ người chết về trách móc khuyên bảo, và ông dù không tin thì ít nhất cũng hiểu được ý bà đối với việc ấy như thế nào. Thành ra bà «phát ngôn nhân» của người chết để nói chính ý nghĩ của mình.
Nhiều khi đắm mình vào những giấc mơ huyền bí, bà đã bị những kẻ buôn thần bán thánh lợi dụng đủ mọi cách. Nhưng trong ký lục bị lừa của bà, những số tiền cúng kính, trai đàn, hay tô tượng đúc chuông thực không đáng kể vào đâu với cái chủ trương « người ăn thì còn, con ăn thì mất» của bà.
Bà hy sinh, các con cũng phải hy sinh theo trong những vụ mua bán phúc đức mà không ai biết mặt hàng ra làm sao! Nhưng dù sao trong lòng mọi người cũng có một chút vui vẻ tự hào vì trong cái thời buổi phúc đức khan hiếm này, mình đã là người biết nhắm thời cuộc «tích trữ» được rất nhiều phúc đức để dành lúc khẩn cấp đem ra dùng.
Chỉ có vụ bà Xương là không có gì an ủi được. Bà Xương nợ bà nhiều quá, lúc nào cũng có đủ tất cả các lý do để nhờ bà, nào là chồng đau, con đau, nhà cháy, trộm viếng. . . Nhưng kỳ thực những số tiền mượn được ấy, bà đánh tứ sắc hay dùng vào việc gì khác không ai biết. Lâu ngày chồng chất quá nhiều, bà không thể nào trả nổi, mà cũng không muốn trả, nên một hôm bà kể một giấc mơ huyễn hoặc, nói là hai gia đình vốn nợ nần nhau từ kiếp trước, bây giờ chỉ có cách phải kết thông gia với nhau, mới rửa sạch được tất cả tiền oan nghiệp chướng của cả hai kiếp. Bà xin cưới Huệ, em Trang, cho con trai bà để thực hiện lời thần mộng. Nếu như thế hai nhà từ đây sẽ thêm phần thân mật và khỏi phải nợ nần gì nhau nữa.
Giúp cho một người khỏi nợ là phúc lớn vô cùng. Mẹ Trang nghe tán chỉ phải gả chồng cho con gái, xóa một món nợ cho bạn, mà mua được một món phúc thật to cả nhà ăn mấy đời không hết, cho là món hời nên nhất định gả Huệ, dù cả nhà không ai tán thành cuộc hôn nhân.
Cưới xong không biết chồng và nhà chồng đối đãi thế nào, đến nỗi chỉ một tháng sau Huệ phải trở về nhà cha mẹ để kết liễu cuộc hôn nhân chỉ vì giấc mợ Huệ trở về tay không, bỏ lại nữ trang, hồi môn của chìm của nổi, và còn cho rằng bỏ của chạy thoát được người là phúc lắm rồi!
Về sau, mỗi lần cãi nhau ông lại được thể nhắc:
- Mình nằm thấy thì cũng như Mụ Xương nằm thấy vụ gả chồng cho con Huệ. Rõ thật mất cả người lẫn của. Vay mượn giúp nhau không trả thì thôi , lại còn các thêm con gái cho nó!
- Ai bảo mình bằng lòng, nó cũng bằng lòng?
Ôâng cười gằn:
- Tôi mà bằng lòng? Mình nói không chịu gả nó cho thằng kia, con cưng của bạn quí của mình, thì mình nhảy xuống lầu tự tử. Nó vì thương mình, tôi cũng vì thương mình nên mới phải hy sinh một đứa con một cách phí phạm vô nghĩa lý như thế!
Bà nổi giận:
- Bây giờ mình đổ lỗi cho tôi phải không? Bộ thằng đó là ông Trời con, ông Thánh, ông Tướng gì hay sao, làm gì đến nỗi tôi phải nhất định gả, bộ không gả cho nó thì con tôi thối chắc?
Hai người cãi nhau «bất phân thắng phụ» cho đến khi cùng đồng ý đổ lỗi cho giấc mơ quái ác. Còn cái câu «Không chịu gả nó thì tôi nhảy xuống lầu» bà nhất định không nhận vì không nhớ. Sự thực người ta khó có thể nhớ một câu thốt ra trong khi không suy nghĩ kỹ.
Chung qui chỉ có Huệ là thiệt thòi nhất. Chỉ vì một giấc mơ đã phải chịu một đời chồng trong một tháng. Thật là một giấc mơ đắt giá nhất, khủng khiếp nhất và tuyệt đối thành công đúng theo mục đích của người đã sáng tạo nó.
Mấy hôm sau, mẹ Trang thấy đã đem tất cả các bậc gia trưởng trong nhà ra làm viện binh mà cũng không thể khuyên được ông, đành phải nhượng bộ như tất cả những lần trước. Bà lại ngoan ngoãn đem trầu cau đi đón dâu.
Thế là cô Tư được lên xe hoa lần thứ hai, gia đình Trang được thêm người cho nó «vui cửa vui nhà». Mẹ Trang chỉ đi đón cô Tư về theo lời yêu cầu của ba, nhưng trong tờ hôn thú nhận cô Tư làm vợ nhỏ bà không chịu ký tên. Không phải là bà không biết chữ, nhưng không bằng lòng ký. Đối với cô Tư, cô chỉ cần một nét chấm phá lăng nhăng vào cái khoảng trống ấy là đủ, không cần biết chữ gì và của ai. Ba Trang giải quyết một cách giản dị là gọi Trang ký thay mẹ.
Trong việc bảo con đồng lõa mạo nhận chữ ký hôm nay, ba Trang không thấy mình có tội, trái lại còn cho là đã giúp cho «cả làng vui vẻ», mọi việc đều giải quyết được gọn gàng êm đẹp.
Sự thực trong tâm hồn những người đàn bà, ai cũng thấy lòng tự ái bị tổn thương, và mường tượng một đám mây đen chớm hiện và sẽ lan rộng hăm dọa cảnh vật đang tươi đẹp thanh bình. Một mặt trận vô hình và không biên giới đang dàn dựng...
Ba Trang muốn đề phòng những sự không vui có thể xảy ra nên để cô Tư ở căn nhà của sở, Trang và mẹ vẫn ở nhà cũ, và ông cho là cách xếp đặt lý tưởng.
Năm 1957
Linh Bảo
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...