Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

Trần Mai Châu: Làm thơ, dịch thơ và bàn về thơ

Trần Mai Châu:
Làm thơ, dịch thơ và bàn về thơ

Nếu văn chương là bản mệnh đeo đuổi một con người, thì nó sẽ gõ cửa số phận không chỉ một lần, bởi nó tin rằng người được gọi sẽ góp phần làm nên công tích. Trần Mai Châu là một người được gọi dù con đường văn học của ông không ít gian nan, trắc trở. 
Đầu thai nhằm lúc sao mờ 
Nguyên quán Hà Nội, Trần Mai Châu sinh năm 1924 tại Sơn La, nơi thân sinh ông lên nhận nhiệm sở sau khi tốt nghiệp y sĩ Đông dương tại Trường Cao đẳng Y dược Hà Nội. Trong những năm đi học, Trần Mai Châu bắt đầu làm thơ. Hơn 200 bài thơ hòa vào mạch thơ lãng mạn đương thời mà tác giả đã sẵn sàng quên đi không nuối tiếc, vẫn còn những vần thơ giữ lại cảm hứng và tình điệu tuổi trẻ, chẳng hạn bài Em đến mùa xanh được ghi lại nguyên văn dưới đây: 
Em đến mùa xanh lạnh đã lâu
Trang thơ chưa đẹp giấc mơ đầu
Đêm hoàng lương ấy khôn chung mộng
Ba bốn năm trời lỗi hẹn nhau. 
Ngàn thương em đến rồi sao
Vầng trán xuân nào băng tuyết
Ngàn thương thức tỉnh rồi sao
Sao bỗng chào thưa thân thiết. 
Em ơi chuyện cũ vui buồn
Đừng có bao giờ kể lại
Mây vàng đã bỏ lầu son
Nước cũng qua cầu trôi mãi. 
Sương xuống đầy song gió thổi
Trăng tà về sáng ngàn dâu
Có sáng đời anh tăm tối
Từ khi em bước chân vào? 
Mỏi nhớ mòn thương chẳng trách nhau
Không dưng em đẹp đến u sầu
Hoàng lương tỉnh giấc thiên thu lạnh
Biền biệt mùa xanh đôi mắt nâu.
Bài thơ này được sáng tác năm 1944, vào lúc hậu kỳ Thơ Mới, cho nên tác giả cũng dự cảm một sự thay đổi nào đó cần thiết cho thơ ca. Như một run rủi của số phận, trong thời gian đó, Trần Mai Châu làm quen với Trần Dần, Vũ Hoàng Địch và cả ba cùng hợp tác xuất bản một tờ báo văn học. Tập thơ Một mùa địa ngục (Une saison en enfer) của A. Rimbaud gợi cảm hứng cho họ đặt tên tờ báo là Dạ đài, phát hành đúng một tháng trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Tờ báo mỏng chỉ có bảy trang, ghi rõ ở trang bìa: 
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA - NĂM THỨ HAI
DẠ - ĐÀI
tuần báo văn chương ra ngày thứ bảy
Số 1        Chủ bút:                    Vũ Hoàng Địch
16-11-46    Chủ nhiệm, Quản lý: Trần Mai Châu
Báo quán: 30, Bùi Quang Trinh, Hà Nội 
Điều thú vị là chính ông Lưu Văn Lợi, lúc đó làm giám đốc Nha Báo chí, đã ký giấy phép cho xuất bản Dạ đài. 
Nằm ở trang bìa, chiếm gần nửa số trang báo là Bản tuyên ngôn tượng trưng mà ba người cùng ký tên, do Trần Dần chấp bút với sự góp ý của Trần Mai Châu và Vũ Hoàng Địch. Có thể nói những tích tụ của yếu tố tượng trưng trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đoàn Phú Tứ… đã chuẩn bị cho sự xuất hiện đầy tự tin này, như lời tự giới thiệu ngay từ đầu bản tuyên ngôn:       
“Chúng tôi - một đoàn thất thổ - đã đầu thai nhằm lúc sao mờ.
Cho nên buổi chúng tôi xuất hiện, chúng tôi để cho tàn suy giấc mơ của những người thuở trước. 
Sụp đổ: lâu đài phong nguyệt; và mai một: ý tứ những thi nhân mò ánh trăng mà thác.
Chúng tôi không còn khóc - không còn muốn khóc - vì người ta đã khóc mãi ái tình, công danh và thế sự. 
Chúng tôi không còn nhìn mây - không còn muốn nhìn mây - vì người ta đã nhìn mãi mây chiều cùng nắng sớm. 
Chúng tôi đã gào thét những đêm thâu, đã rên la những ngày dài dằng dặc. Chúng tôi đã nhìn lên Tinh đẩu, đã nhìn xuống Thế nhân. Chúng tôi đã về giữa non sâu để trở lại những bình nguyên hoang lạnh. Chúng tôi đã sống, sống hết cả những hình thức dương trần, đã đau khổ hết cả những mối sầu vui nhân loại”. 
Bản tuyên ngôn đầy chất thơ đã không ngần ngại đối thoại và tranh luận một cách tinh tế với quan niệm thơ lãng mạn thịnh hành suốt hai thập niên trước đó: 
“Vả lại, làm sao người ta cứ lăn lộn mãi trong mối thất tình eo hẹp? Làm sao người ta cứ khóc mãi, than mãi, rung động mãi theo những con đường rung động cũ? Làm sao người ta cứ nhìn mãi vũ trụ ở ba chiều và thu hẹp tâm tư ở bảy giây tình cảm? Chúng ta còn có nghèo nàn thế nữa đâu? Chúng ta đã mang nặng: - những thế hệ tàn vong - những triều đình đổ nát - trăm nghìn lớp phế hưng. Chúng ta đã thâm cảm: - những trời sao vằng vặc - những sự vật điêu tàn - sự mòn mỏi của ngày đêm liên tục. Biết bao nhiêu chuyện tang điền đã xao động tấm hình hài nhân thế! Biết bao nhiêu thế kỷ đã trầm tư! Biết bao nhiêu núi lở non tàn đã bắt buộc chúng ta phải sầu thương, chúng ta phải trở lại chúng ta mà tư tưởng! Chúng ta đã suy nghĩ nhiều rồi, chúng ta đã suy nghĩ quá nhiều rồi ở một Con đường Tuyệt vọng”. 
Không bằng lòng với con đường mà thơ ca lãng mạn đã đi, những người tự khẳng định là thi sĩ tượng trưng ý thức về sứ mệnh của mình qua những lời hứa hẹn: 
“Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên: - quỹ đạo của trăng sao - đường về trên cõi chết. Chúng tôi đã sống, lấn cả sang bờ bến u huyền, cho nên buổi chúng tôi quay về thế tục, chúng tôi nhìn hoa lá với những cặp mắt mờ hoen. Nhỡn tiền bỗng thấy thay đổi tất cả những hình sông, vóc núi. Chúng tôi lạ: lạ từng đám mây bay, từng bóng người qua lại - Chúng tôi lạ từ sắc nắng bình minh đến mầu chiều vàng vọt. Chúng tôi lạ, lạ tất cả. Và chúng tôi đã thấy những cái gì người ta chẳng thấy. Chúng tôi đã thấy muôn nghìn thực tại ẩn sau cái thực tại cảm thâu bằng những năng khiếu nông gần. - Chúng tôi đã thấy: thế giới bên kia, những thế giới bên kia lẩn ngay trong đám bụi dương trần một giây phút có thể bừng lên như Thực Cảnh”. 
Qua một đoạn văn như trên đây, ta có thể thấy những người viết tuyên ngôn muốn xa rời chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX để đến với chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX, thâu tóm những quan niệm mới mẻ nhất: vai trò của trực giác và biểu tượng, nghệ thuật như là phương thức lạ hoá, sự bừng ngộ về cõi siêu thực như là sự thức nhận sâu sắc hơn về cõi thực. 
Khi xuất hiện vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước, thơ lãng mạn Việt Nam cũng đã có chỗ dựa ở những phát ngôn lý thuyết của Lưu Trọng Lư, Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm..; nhưng yếu tố quyết định chiến thắng của nó chính là những bài thơ giàu năng lượng nghệ thuật và sức lan toả. Giờ đây cũng vậy, thơ tượng trưng Việt Nam muốn thay thế thơ lãng mạn thì không thể chỉ bằng tuyên ngôn thuần lý mà chủ yếu phải chinh phục bằng chính sáng tác. Điều này cũng giống như Manifeste du Symbolisme của Jean Moréas không thể thay cho sáng tác của Baudelaire, Rimbaud, Verlaine, Mallarmé… 
Hiểu vậy cho nên ngay sau Bản tuyên ngôn tượng trưng, Dạ đài đã in sáu bài thơ của Trần Dần, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Nguyễn Văn Tậu (một bút danh của chính Trần Mai Châu) như là những lời hô ứng cho bản tuyên ngôn. Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, cảm hứng lãng mạn của thi nhân đã chuyển đổi thành cảm hứng tượng trưng pha màu siêu thực, như có thể thấy qua bài thơ Theo bóng tử thần của Trần Mai Châu: 
Thế kỷ ta rung ánh lửa thần
Hoa vàng nghiêng mặc áo Siêu nhân
Trăng ơi! Trở lại đêm tàn sát
Này ánh tà dương khóc Bạo Tần 
Em có buồn không, giờ tử nạn
Ta cười ghi lại nét phù vân
Nửa đêm sao biếc về trong Mộ
Mừng cuộc hồi sinh hiện giữa trần… 
Đọc bài thơ này, Lại Nguyên Ân cảm nhận rằng tác giả “về tiềm năng vốn hứa hẹn những bung phá theo hướng văn nghệ tiên phong”. Dạ đài còn rao trước số tiếp theo sẽ tăng lên 12 trang, với những tiểu luận Hiệu triệu các nghệ sĩ của Trần Mai Châu, Tòa án tượng trưng: cái nhầm Xuân Diệu của Trần Dần và sáng tác của những cây bút mới. Nhưng cuộc kháng chiến đã bùng nổ, mọi thể nghiệm nghệ thuật đều phải xếp lại. Trần Mai Châu cùng Trần Dần, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Địch… giã từ Hà Nội, giã từ giấc mộng văn chương thời tuổi trẻ.
Khối tình mang xuống… Dạ đài chưa tan
Đằng sau ảo vọng của tuổi trẻ, Dạ đài không giấu được một khối tình lớn với thơ ca. Dạ đài, cái tên như vận vào số kiếp, là ngọn nến bùng lên cuối một thời thơ nhiều hứng khởi và bứt phá. Ngọn nến đó sớm tắt vì hoàn cảnh không cho phép “dung hợp được thực và hư bằng hình tượng”. 
Thời kháng chiến, Trần Mai Châu lập gia đình và sống ở Thái Bình. Gánh nặng trách nhiệm với gia đình nhỏ buộc ông trở về Hà Nội năm 1952 và vào Nam năm 1954, để lại một người con trai ở miền Bắc. Trong khi đó, song thân và gia đình lớn của ông tham gia trọn hai cuộc kháng chiến, cho đến ngày cả nhà đoàn tụ sau 1975. 
Vào Sài Gòn, Trần Mai Châu ghi danh học Đại học Văn khoa, tốt nghiệp cử nhân Pháp văn năm 1962, ra trường dạy ngoại ngữ và có hơn mười năm làm hiệu trưởng trường trung học tổng hợp Lý Thường Kiệt ở Hóc Môn, Gia Định. Sau năm 1975, ông chuyển về dạy học ở trường trung học cơ sở Hà Huy Tập, Bình Thạnh, cho đến khi nghỉ hưu (mà không có lương hưu) vào tuổi lục tuần. 
Với Trần Mai Châu, gần 40 năm, vì chiến tranh, vì nợ áo cơm, giấc mộng Dạ đài chôn vùi trong quên lãng, những tuyên ngôn và sáng tác cũng nằm sâu trong ngăn kéo. Gặp lại những người bạn cũ thời Dạ đài, Trần Mai Châu chắc cũng nhận ra văn chương đã khiến không ít người tơi tả. Nhưng có lẽ khát vọng thơ ca vẫn âm ỉ ở một góc nào đó của tâm hồn văn nhân, chỉ chờ dịp bùng cháy trở lại. 
Trong những ngày hưu trí rảnh rỗi, Trần Mai Châu đã nhận lời dịch một số tiểu thuyết cho các nhà xuất bản ở An Giang và TP Hồ Chí Minh. Nhưng những tác phẩm không thôi ám ảnh tâm hồn ông lại là những bài thơ Pháp thế kỷ XIX mà ông thuộc làu từ thời đi học ở Hà Nội và Sài Gòn. Ông tin mình có thể chuyển ngữ thành công những bài thơ đó sang tiếng Việt. Có lần ông tâm sự với Phan Phú Yên, tức nhà thơ Phan Hoàng: “Tôi thấy người dịch thơ Pháp phải hết sức cố gắng để xứng đáng một phần nào với những tác giả nổi tiếng. Ta phải cung cấp cho độc giả những bài thơ thực sự là thơ Việt Nam và khi đọc mọi người không có cảm tưởng là đang đọc một bài thơ dịch (…) Những bài thơ mình dịch là những bài thơ hay nhất của một thi sĩ ngoại quốc nổi tiếng, nếu mình đưa ra những bản dịch tầm thường thì phản bội lại họ. Điều quan trọng nhất của một bản dịch là phải hay”. (Phan Phú Yên, “Đường một thuở trăng xanh”, Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 27, ngày 10-7-2004). 
Trả lời nhà phê bình Thụy Khuê trên đài RFI ngày 04-12-1999, Trần Mai Châu cũng nói rõ quan niệm của mình về dịch thơ: “Quan điểm dịch thơ của tôi là phải cố gắng dịch đúng và hay. Bài thơ dịch phải là một bài thơ Việt thực sự. Nhưng muốn vừa đúng vừa hay thì nhiều khi phải cân nhắc. (…) Đi vào cụ thể thì tôi thấy tình ý bài thơ đã có sẵn, vấn đề chỉ còn là kỹ thuật, là diễn đạt. Nhưng tình ý là tình ý của tác giả nguyên tác, nếu không thấy rung động thực sự vì những tình ý đó, không cảm thấy những tình ý đó cũng là tình ý của mình thì không diễn tả hay được”.
Nhờ tài nghệ của Trần Mai Châu, hồn thơ Pháp hòa điệu với tiếng Việt giản dị và tinh tế, qua những câu thơ năm chữ: 
Nắng đã tắt từ lâu
Tôi ngồi bên cửa lớn
Nhìn chút ngày ngả muộn
Sáng ánh lửa cần lao.
(Hugo: Chiều, mùa gieo hạt) 
Hay những câu thơ tám chữ: 
Đêm tăm tối nhưng vẫn còn leo lét
Ánh trăng mờ ở tận tít mù xa
Giữa trần thế một linh hồn thân thiết
Hiểu tình ta và sẽ trả lời ta.
(Lamartine: Thu)
Trần Mai Châu đã dự cảm đúng về thành công của ông trên lĩnh vực dịch thơ. Cuốn Thơ Pháp thế kỷ XIX (NXB Trẻ, 1996) do ông tuyển dịch, lược khảo, bình chú đã được dư luận hồi đáp tích cực, được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1997 và nay đã in đến lần thứ ba. Có thể mượn lời của James Mc Gowan, người dịch Les Fleurs du Mal của Baudelaire sang tiếng Anh, để nói về những dịch giả thành công, trong đó có Trần Mai Châu: “Tôi hoạt động như một nhà thơ khi thực hiện những bản dịch của tôi, và như một nhà thơ, tôi hy vọng phục vụ cả Baudelaire lẫn người đọc hiện đại”. Dường như nhà thơ Trần Mai Châu thời Dạ đài đã sống lại trong kích thước mới của những bản dịch này. Điều khiến ông đắc ý nhất là hầu hết những bài thơ dịch đó, nhờ nhạc điệu, đều có thể được ngâm lên chẳng khác nào những bài thơ Việt. 
Việc tích lũy kinh nghiệm đọc thơ, làm thơ và dịch thơ dẫn đến nhu cầu bàn luận về thơ bằng ngôn ngữ chính luận. Ở tuổi ngoài 80, Trần Mai Châu biên soạn công trình Thơ - nhận định và thưởng thức (NXB Văn hoá Sài Gòn, 2008; NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản, 2011) như một sự đúc kết lý thuyết về thơ. Từ việc đi tìm đặc trưng của thơ, tác giả lý giải mối quan hệ giữa thơ và văn xuôi, thơ và nhạc, thơ và thi hứng, thơ và hình ảnh, tưởng tượng, thơ và tường thuật, mô tả. Cuốn sách trở thành một tài liệu thi học khi tác giả trình bày vừa cặn kẽ, vừa khúc chiết những hình thái tu từ của thơ và các thể thơ quen thuộc của dân tộc. Là người được đào tạo trong môi trường Tây học, tác giả tỏ ra rất am hiểu đặc trưng nghệ thuật và tiến trình thơ ca Pháp thế kỷ XIX - XX. Đọc cuốn sách này, ta còn hiểu được nhận định và chủ kiến của ông về một số nhà thơ hiện đại, về tác dụng của thơ cũng như về giá trị của một số bài thơ hay. Là một nhà biên khảo chừng mực và lão thực, Trần Mai Châu lắng nghe, ghi nhận và tiếp thu ý kiến của nhiều người thuộc nhiều thế hệ bàn về thơ. Chỉ tiếc là đôi khi ông trích dẫn hơi dài dòng một số ý kiến không thật tiêu biểu và sâu sắc. 
Lại Nguyên Ân đã nhận xét xác đáng về Thơ - nhận định và thưởng thức của Trần Mai Châu: “Đây là câu chuyện của một người rất yêu thơ. Ông giãi bày tình yêu ấy bằng một sự hiểu biết được tích luỹ khá súc tích của mình về nó. Ông đã gắng trình bầy nó đưới các dạng tri thức, song người ta thấy chỗ mạnh nhất ở ông là sự trải nghiệm, là kinh nghiệm tiếp xúc với thơ của ông, với tư cách người thưởng thức thơ và người dịch thơ”. Lại Nguyên Ân cũng có lý khi cho rằng cuốn sách này “không thực sự là một chuyên luận, mà vẫn thuộc loại sách tập hợp, tức là sách được tổ hợp lại từ một số bài viết, mang một số nội dung khác nhau, tuy giữa chúng có sự gần gũi nào đó, nhưng không gắn bó hữu cơ với nhau”. (Lại Nguyên Ân, Trần Mai Châu - duyên nợ với thơ, Thể thao Văn hóa, ngày 31-5-2008).
Thật ra, theo chúng tôi được biết, Trần Mai Châu có chủ định viết cuốn này như một chuyên khảo về thơ. Nhưng do điều kiện sức khỏe và nhất là do cách viết thiên về “thưởng thức”, có tính nghệ sĩ, nên công trình của ông, “tuy có chia thành các chương, mục, song tính hệ thống của chúng khá lỏng lẻo, nhiều chỗ giống như những trang bút ký hay tuỳ bút về thơ”, như Trần Thanh Đạm đã chỉ ra và đi đến nhận xét thoả đáng: “Tóm lại, tôi cho rằng tập sách của Trần Mai Châu thuộc một thể loại mà các nhà phê bình thơ ở Việt Nam và Trung Quốc xưa nay từng viết, đó là thi thoại (nói chuyện về thơ)”. (Trần Thanh Đạm, Những trang sách về thơ của nhà thơ, nhà giáo lão thành Trần Mai Châu, Giáo dục TP.Hồ Chí Minh, ngày 11-8-2008).
Trong tinh thần đó, có thể nói Thơ - nhận định và thưởng thức là một công tích nữa của Trần Mai Châu, với tư cách một người làm văn học và một nhà giáo, đóng góp vào tủ sách những người yêu thơ ở một đất nước có truyền thống sáng tạo và bình luận thi ca.  
22/8/2011
Huỳnh Như Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...