Thứ Tư, 17 tháng 11, 2021

Con gái thủy thần 2

Con gái thủy thần 2

TRƯƠNG CHI

"Ngày xưa có anh Trương Chi
người thì thậm xấu hát thì thậm hay"
(Truyện cổ)

Trương Chi đứng ở đầu mũi thuyền. Chàng trật quần đái vọt xuống dòng sông. Phía xa kia là chân trời rực hồng ráng đỏ. Nhà nàng ở phía ấy. Sương xuống lạnh. Một nỗi buồn da diết choán ngợp lòng chàng. Chàng gác chèo và mặc kệ dòng sông cuốn con thuyền đi.
Chàng hát:

"Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá đè nặng tim ta
Nào ai thấu
Phía xa kia là quê nhà
Tuổi trẻ mờ sương
Những ký ức mờ sương
Những ước mơ đâu cả rồi?
Những mơ ước của ta
Ta đã mơ rất say đắm
Mơ hoa lá, những bài ca,
Những tiếng đàn,
Những nụ cười, những đồng lúa chín,
Những lâu đài rực rỡ,
Ta đã mơ thấy nàng
Trong suốt và đỏ chói
Những mơ ước đâu cả rồi?
Những mơ ước của ta
Có ai về đó không?
Về quê nhà ta
Chào giúp một câu
Cho bớt nỗi đau
Chào giúp một câu
Cho bớt nỗi sầu
Những mơ ước đâu cả rồi?
Những ước mơ say đắm khôn nguôi
Nỗi buồn của ta ơi
Như cục đá đè trĩu tim ta
Ai thấu chăng tình ta?”
Tiếng hát vút cao. Đêm xuống. Bóng tối mù mịt Trương Chi rùng mình vì sự vắng lặng xung quanh. Không ai đáp lại chàng. Sự vắng lặng kinh hoàng. Chỉ có tiếng giun dế, tiếng ễnh ương, tiếng chó sủa. Trương Chi úp mặt vào hai lòng bàn tay chai sạn. Chàng khóc. Không có nước mắt. Chàng cắn vào ngón tay. Một đốt ngón tay đứt trong miệng chàng. Chàng nhổ mẩu ngón tay xuống Bông. Trời tối, không thấy máu. Chàng thò ngón tay xuống dòng nước xiết. Dòng nước mơn man khiến chàng dễ chịu. Chàng duỗi thân, ngả người vào lòng thuyền. Chàng nói:

- Cứt!

Nói xong chàng nhắm mắt lại. Bốn nghìn năm trước chàng đã mất ngủ thế này. Bốn nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này.
Việc gặp Mỵ Nương xốc lại toàn bộ suy nghĩ của chàng. Trước kia, Trương Chi chỉ hình dung mơ hồ có những cuộc sống khác, lối sống khác. Chàng chỉ ngờ ngợ rằng cuộc đời chàng tẻ nhạt, nhàm chán. Rằng thân phận chàng chẳng ra gì. Rằng con thuyền này, những vật dụng này chẳng ra gì. Rằng thân xác chàng xấu xí, chẳng ra gì. Cả ngay tiếng hát của chàng cũng thế, vô nghĩa, chẳng ra gì. Tuy nhiên, việc tự khép kín, thói lười nhác an phận, thêm một chút kinh bạc nữa và những cố gắng không mỏi để kiếm miếng ăn khiến chàng giữ được bên ngoài vẻ thường. Không ai ngờ vực chàng. Không ai sợ hãi chàng. Chàng sống giữa bầy. Chàng cười nói. Chàng chịu đựng. Chàng mua bán. Chàng chấp nhận. Mọi ước lệ của thói đời lướt qua chàng không dấu vết. Chàng cũng lưởt qua nó, những ước lệ của thói đời ấy không dấu vết. Giờ đây, gặp Mỵ Nương rồi, chàng hiểu chắc chắn rằng cuộc sống của chàng thật là cứt, là cứt chó, không sao ngửi được. Không chỉ riêng chàng, mà cả bầy. Tất cả đều thối hoắc.

- Cứt!

Trương Chi gầm lên khe khẽ. Những bức bối cồn cào lòng chàng.

Chàng hát:

"Đêm nay là đêm nao
Này người tình ơi
Rồi nàng cũng thành một bà lão
lụ khụ, đáng kính và có đơn thôi!
Bây giờ nàng cứ cười đi
Ta đâu mêch lòng
Nàng còn trẻ tuổi.
Nàng hiểu làm sao
Những khao khát nực cười của ta
Ta vốc một nắm gió
Ném vào khoảng không kia
Nheo một bên mắt
Tay đút túi
Ta không khiến nàng bận tâm
Gió đi đâu
Dạt đến chân trời nào
Nàng biết quái gì?
Gió đi đâu?
Đến bao giờ thành bão?
Trên con thuyền này
Ta bắt quyết
Luyện phép một mình
Ai thấu lòng ta?
Nàng cứ cười đi
Và chớ có tin
Nàng có tin ai đâu
Thói của nàng là thế
Nàng được giáo dục như thế từ bé tí
Nàng chỉ tin ở bạo lực
Ta biết thừa
Ai thấu lòng ta
Những khát khao của ta
Những cuồng vọng của ta
Những tín ngưỡng của ta
Với con thuyền này
Ta chèo qua số phận
Ta chèo qua thời gian
Ta chèo một mình...”

Trương Chi không hát nữa. Chàng lại nói:

- Cứt!

Nói xong chàng nhỏm dậy. Chàng thấy đói.

Chàng phải kiếm ăn đã. Chàng lái thuyền vào bờ. ở hai ven bờ, suốt từ thượng nguồn đến tận hạ nguồn, chàng đã đặt mỗi bên một nghìn cái đó. Nhấc đó lên là có cái ăn. Đây là cá, là cua, là ếch nhái. Trương chi bắt cá ném vào lòng thuyền. Chàng dùng hai hòn đá nhen lửa nướng cá. Chàng ăn cá nhưng được vài miếng chàng lại nhổ đi.

Chàng lại nói:

- Cứt!

Hình ảnh Mỵ Nương hiện ra. Trương Chi thở dài. Nàng ngả người trên nệm. Nàng lấy những ngón tay thon thả gỡ tóc. Nàng bảo chàng:

- Hát đi!

Viên quan trưởng bảo chàng:

- Hát ca ngợi công danh đi!

Trương Chi tức nghẹn họng. Chàng biết, hát về điều ấy thật là trò cứt. Mỵ Nương mỉm cười khuyến khích chàng. Chàng đã mềm lòng trước nụ cười ấy. Chàng khò khè trong cổ. Chưa bao giờ chàng hát một bài hát thô bỉ thế này. Bài hát chỉ oàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Bài hát đông người.

Mỵ Nương bảo:

- Hay lắm!

Bọn hoạn quan đứng quanh cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mỵ Nương tỏ vẻ thương xót:

- Hát về tình yêu đi!

Viên quan trưởng ngăn lại:

- Đừng! Nên hát về sự nhẫn nhục!

Mỵ Nương làm một cử chỉ khuyến khích. Trong cuộc đời bạc bẽo của chàng, Trương Chi chưa được ai khuyến khích bao giờ.

Chàng hát, mắt hướng về viên quan trưởng:

“Sự nhẫn nhục bắt đầu từ đâu?
Ngày xưa, ta tưởng nó bắt đầu từ bản tính ta
Từ đầu ngón chân, ngón tay ta,
Hóa ra không phải
Sự nhẫn nhục bắt đầu từ mày!”

Viên quan trưởng ngăn lại:

- Đừng hát!

Trương Chi luống cuống. Chàng thấy khổ quá. Giữa sông nước có ai chỉ bảo chàng đâu? Sự nhẫn nhục, thói hãnh tiến, lòng tham, tính thiện...Tất cả như nhau hết, vụn vặt và vô nghĩa lý. Chàng chỉ có một mình. Ngày cũng một mình. Đêm cũng một mình. Mưa nắng như nhau hết.

Bọn hoạn quan cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mỵ Nương cười, Trương Chi rất thích giọng nàng cười. Tiếng cười rung trong ngực chàng.

Viên quan trưởng bảo:

- Hát ca ngợi tiền bạc đi!

Bọn hoạn quan reo lên.

Mỵ Nương làm một cử chỉ mơn trớn. Chẳng có ai nhận ra cử chỉ ấy. Chỉ có riêng chàng biết. Trương Chi luống cuống, lại một bài hát toàn “ấy a” với lại “huầy dô”. Có chỗ chàng lại bắt chước tiếng chó sủa, tiếng gà cục tác và tiếng dê kêu nữa. Bài hát đông người...

Bọn hoạn quan cười ré lên:

- Hát như cứt!

Mị Nương cười rũ rượi. Chàng biết, sau tiếng cười độ lượng kia nàng sẽ mím môi lại. Nàng có tật thế.

Trương Chi rùng mình. Chàng thấy lo sợ cho chàng. Chàng biết rõ mình. Chàng có thể chịu được đói khổ, nhọc nhằn, thói nhẫn tâm, sự đểu cáng. Thậm chí cả sự hạ nhục của bọn người nông nổi và thiển cận nữa, không sao. Chàng chỉ sợ khi chính bản thân chàng lâm vào tinh thế phải tự hạ nhục bản tính mình, thế là mất hết, không còn tiếng hát, không còn Trương Chi. Trương Chi ngó quanh. Bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm...xúm xít, ép chặt lấy chàng. Trương Chi sợ hãi. Chàng mong nhìn thấy một người đánh cá, chỉ đánh cá mương thôi cũng được, chẳng cần đến loại người đánh cá kình. Chàng sẽ vững tâm.

Mỵ Nương giúp chàng. Nàng bảo:

- Hát về tình yêu đi!

Trương Chi nhắm mắt lại. Chàng thấy bồng bềnh như đứng trên thuyền. Đến lúc này, chàng biết chàng phải cất giọng tự hát cho mình, bởi không chàng sẽ mất hết, mất cả cuộc đời. Chỉ bằng tình yêu của chàng, tình yêu chân thực và nồng cháy của chàng mới hòng cứu vớt được. Không phải Mỵ Nương, không chỉ là Mỵ Nương. Dù cho Mỵ Nương có là một con phượng hoàng kiêu hãnh hoặc một con nhện xấu xí cũng vậy. Với chàng lúc này tất cả đều như nhau. Tình yêu của chàng hướng về tuyệt đối Nàng là cái bẫy của số phận chàng.

Chàng hát:

“Tình yêu, bài ca mà Trương Chi hát
Cất lên từ trái tim bị thương tổn
Ngọn cờ nàng phất trên ta là tình yêu
Và tiếng trống trận là nhịp tim ta
Kẻ thù của ta
Chúng sẽ bôi nhọ tên ta
Còn ta
Ta sẽ vung ra trước chúng
Lưỡi mác của tình yêu
Xuyên qua tim ta
Và qua tim nàng
Này người tình ơi
Thực ra, nàng còn rỗng tuếch và tẻ nhạt
Tâm hồn nàng có những con rắn hoài nghi
trơn tuột nằm phục
Nàng gian lận trong bài bạc
Nàng đánh giá điều thiện như cách nàng
đánh giá đồ trang sức và tài sản
Nàng ngờ vực ngọn gió
Và gieo gặt nhờ kích thích thói xấu
Mồi thính của nàng
Là quyền lợi và danh dự hão huyền
Ta đâu cần một bữa cơm
Đâu cần một manh áo
Cơm ta thiếu gì?
áo ta cần chi?
Ta ở trên đất đai của tổ tiên ta
Và quăng lưới trên dòng sông của tổ tiên ta
Những khao khát của ta
Hướng về tuyệt đối...
Ta là Trương Chi
Ta ca ngợi tình yêu
Nở từ hạt thiện
Và bông hoa của tự nhiên
Là sự chân thực lạnh buốt...”

Tiếng hát Trương Chi cao vút. Xung quanh im bặt. Nhừng giọt nước mắt long lanh trên mắt Mỵ Nương. Nàng chưa từng được nghe ai hát thế này. bọn hoạn quan, những gã đồng cô, những tên hề lùn, bọn bói toán, tướng số, lang băm...đứng dạt cả ra. Trương Chi vẫn hát, đôi chân của chàng như bốc khỏi đất, chàng đang bay lên.
Chàng hát:

“Hãy ca hát tình yêu
Hỡi những trái tim lãnh cảm
Những trái tim sắt đá
Bạo lực chỉ gây oán thù
Nòi giống phải trả giá
Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Vẻ đẹp tự nhiên
Sự chân thực lạnh buốt...”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Đây là thanh danh ta
Và thanh danh nàng...”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Tình yêu không xúc phạm được
Bởi nó kiêu hãnh và tinh tế...”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi
Ta hát cho tình yêu
Tình yêu cần hy sinh
Bởi nó không khoan nhượng...”

Chàng hát:

“Sự ngu ngốc hay khôn ngoan với tình yêu đều như nhau
Sự ràng buộc hay không ràng buộc cũng thế...”

Chàng hát:

"Tình yêu không mất đi và không sinh ra
Tình yêu tuyệt đối...”

Chàng hát:

“Ta là Trương Chi
Bài ca ta cât lên từ trái tim bị thương tôn
Này người tình ơi
Xin đừng vì sự thương tổn trái tim ta mà
tổn thương trái tim nàng
Chúng ta đi qua cuộc đời bạc bẽo này, giả dối này
Nàng cứ sống đi rồi sẽ hiểu
Những chân trời nào nàng sẽ qua...
Và những gì làm trái tim ta đau
Ghi dấu trên thanh danh ta...
Và trên cả thanh danh nàng...
Có một thứ tình yêu bất tử...”

Trương Chi im bặt. Chàng cũng không biết chàng dã bay tới bến sông từ khi nào nữa. Hình ảnh Mỵ Nương biến mất đâu rồi, trước mặt chàng là sông nước trắng xóa một màu, trời mây trắng xóa một màu.
Trương Chi chèo thuyền ra giữa tim sông.
Chàng lại nói:

- Cứt!

Chàng từ trên thuyền bước xuống xoáy nước giữa sông. ở trên trời, trên mặt đất, trên biển cả và các dòng sông đều có những hốc đen bí mật. Những xoáy nước trên sông là những hốc đen như thế.

° ° °

Trong truyện cổ, người ta kể rằng khi hát xong câu hát cuối cùng:

“Kiếp này đã dở dang nhau

Thì xin kiếp khác duyên sau lại lành “.

Trương Chi đã nhảy xuống sông tự trầm. Hồn chàng nhập vào thân cây bạch đàn. Người ta lấy gỗ bạch đàn tiện thành bộ chén tiến vua. Mỵ Nương rót nước, nhìn thấy hình ảnh Trương Chi trong chén. Giọt nước mắt nàng lăn xuống, cái chén bạch đàn vỡ tan.

Tôi - người viết truyện ngắn này - căm ghét sâu sắc cái kết thúc truyền thống ấy. Quả thực, cái kết thúc ấy là tuyệt diệu và cảm động, trí tuệ dân gian đã nhọc lòng làm hết sức mình. Còn tôi, tôi có cách kết thúc khác. Đấy là bí mật của riêng tôi. Tôi biết giây phút rốt đời Trương Chi cũng sẽ văng tục. Nhưng đấy không phải là lỗi ở chàng.

Mỵ Nương sống suốt đời sung sướng và hạnh phúc.

Điều ấy vừa tàn nhẫn, vừa phi lý.

Lẽ đời là thế.

NGUYỄN THỊ LỘ

"Vấp phải đời phàm tục
Chiếc thuyền tình vỡ tan..." 1


Họ gặp nhau khoảng giờ Tỵ, một ngày thu. Hôm ấy Nguyễn Trãi từ Côn Sơn trở lại Đông Đô, ông ghé nghỉ ở một quán khách ven đường. Cùng đi với ông có Hoàng môn thị lang Thái Quân Thực.

Đông Đô - ở thế kỷ thứ XV dưới triều vua Lê Thái Tôn có vẻ đẹp của người đẹp mê ngủ. Nắng ngoài đường rực rỡ. Những hàng cây cơm nguội nở hoa. Những cây dương liêu ngơ ngac buồn. Trời rất xanh. Giữa trời có đám mây tràng trông hệt dáng điệu một nhà hiền triết. Thoắt cái, gió xua mây đi, nhà hiền triết biến thành con chó xồm lớn.

Nguyễn ngồi yên lặng, ông nâng chén rượu mà Thái Quân Thực vừa dốc ở, trong nậm ra. Đúng lúc ấy thì Nguyễn Thị Lộ cùng Thị nội cung tần Trịnh Ngọc Yến bước vào. Nguyễn cũng chẳng để ý. Mắt ông đăm đắm nhìn những tăm rượu sủi lên trong chén. Tưởng như có tiếng ong bay đâu đây. Thời tiết nóng nực, một thứ nóng uể oai, rất dễ là m người ngủ gật. Câu chuyện giữa Nguyễn và Thái Quân Thực rơi rạc. Thái Quân Thực biết Nguyễn đang có tâm sự trong lòng, vì vậy chuyện được vài câu ông không nói năng gì nữa mà cứ một mình thản nhiên đánh chén. Ông kệ cho Nguyễn chìm đắm tư lự một mình.

ở một góc quán khác, Nguyễn Thị Lộ và Thị nội cung tần Trịnh Ngọc Yến đã an vị. Người hầu bàn đang hỏi món ăn. Vẻ sốt sắng của người hầu bàn làm Nguyễn để ý. Ông nước mắt lên nhìn và nhận ra Nguyễn Thị Lộ. Tạo hóa đã dày công chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này những 29 năm 9 tháng 10 ngày.

Lúc này, ở ngoài phố vọng lại tiếng rao của hàng quà rong nghe rất động lòng. Nguyễn nhận ra Nguyễn Thị Lộ. Trong giây khắc, trái tim ông ngừng đập. Con người cũ trong ông chết đi. Giây khắc sau ông sống lại, bắt đầu chuyển thành con người khác. Nguyễn cau mày. Ông đã gặp người này ở đâu? Từ bao giờ.

ở đâu? Từ bao giờ? Nguyễn căng óc suy nghĩ...

Có lẽ từ lâu lắm. Từ khi còn nằm trong bụng mẹ ông đã bắt gặp khuôn mặt này rồi. Ký ức vụt dậy nhanh như tia chớp. Ông không nhớ gì cả. Không - có khuôn mặt ấy trong ký ức ông. Ngôi nhà ven sông...Góc thành Nam, lều một gian...Chặng đường rừng xa vắng...Buổi gặp mặt Lê Lợi lần đầu...Những đêm chong đèn viết Bình Ngô sách"...Hội thề Lam Sơn...Những lần hành quân vất vả. Buổi tiễn đưa Vương Thông...Bữa thiết triều đầu tiên ở điện Kính thiên...Những ngày tù ngục...Không thấy có khuôn mặt người phụ nữ này.

Nguyễn vẫn suy nghĩ. Thoáng câu thơ cũ xen ngang:

Tây tân sơ nghị trạo
Phong cảnh tiện giang hồ..."

Bến Tây thuyền mới ghé mái chèo, thoắt cái phong cảnh đã là giang hồ rồi.

"Hồi thủ Đông Hoa địa
Trần ai giác dĩ vô"

Ngoảnh lại nhìn chỗ của Đông Hoa là nơi phồn hoa thì đã thấy mình không còn là bụi bặm nữa. Nguyễn suy nghĩ. Trán ông cau lại. Mắt ông vẫn đăm đăm nhìn về phía Nguyễn Thị Lộ. Thực ra, nếu lúc ấy Thái Quân Thực ngồi yên thì chăng xảy ra chuyện gì. Song, Thái Quân Thực dõi theo ánh mắt Nguyễn và thốt ra câu hỏi định mệnh:

- Người quen à?

Câu hỏi nhắc Nguyễn đứng dậy. Định mệnh mượn lời Thái Quân Thực làm một cú đẩy vào số phận Nguyễn. Ông bước như đạp mây đến chỗ hai người phụ nữ. Ông chào, vừa sốt sắng, vừa tự tin,. lại vừa háo hức. Ông xưng danh. Ông nói về mình. Ông nhận ra vẻ thích thú trong ánh mắt nàng. Họ làm quen nhau. Ông được biết tên nàng là Nguyễn Thị Lộ. Tên của nàng không gây được ấn tượng gì cho ông. Nàng mời ông đến chơi. Ông vui vẻ nhận lời. Buổi đầu làm quen chỉ độ khoảng giập bã trầu. Nguyễn cáo lui. Ông quay về chỗ Thái Quân Thực.

"Hồi đầu tam thập niên tiền sự
Mộng lý du du cánh mạc tầm..."

Quay đầu nhớ lại ba chụt năm về trước mà trong mộng mịt mù không tìm ra được.

- ở nàng, rạng lên một ánh sáng linh điệu từ phía bên ngoài, không trùng lên con người thật của nàng. Bởi thế nàng bị tan giữa đám đông, không ai nhận ra. Người ta chỉ biết có hình hài. Tướng ẩn...

Nguyễn nghĩ vậy. Ông lén ngắm nàng một lần nữa. Ông bị rung chuyển. Ông cũng không biết rằng số phận hai người từ nay đã được ràng buộc với nhau. Nơi nào giữa xa xôi kia trong vũ trụ mênh mông, tạo hóa mỉm cười. Thái Quân Thực hỏi Nguyễn:

- Người quen à?

Nguyễn gật đầu.

Thái Quân Thực không biết rằng ông vừa chứng kiến cuộc gặp gỡ tình duyên hết sức oái oăm, đến mãi sau này người ta còn nhắc.

° ° °

Khi Nguyên Trãi đến thăm Nguyễn Thị Lộ thì lúc ấy nàng đang vận một bộ áo xoàng xĩnh trong nhà. Nàng định thay áo thì Nguyễn ngăn lại. Nguyễn kéo ngọn nến về phía mình để nàng ngồi chìm trong phía bóng tối. Nguyễn đưa mắt nhìn đâu đó qua cửa sổ. Lúc này ở ngoài trời khoảng không hư áo lắm, lẫn lộn những bụi hơi nước của tiết trời thu, ánh sáng lắt lay của ngọn đèn lồng ngoài đường và ráng hoàng hôn yếu ớt phía trởi Tây còn sót lại:

Nguyễn bận bịu cả ngày. Ông chỉ rảnh rang vào chập tối....

Cho đến lúc ấy, có lẽ cũng chẳng xảy ra chuyện gì nếu Nguyễn Thị Lộ tầm thường như những phụ nữ khác. Nàng không súng sính bởi học vấn hoặc phẩm hạnh,cũng không cứng nhắc bởi đồ lót mình. Nàng trinh bạch, điềm tĩnh và cương nghị. Vẻ trinh bạch ấy của nàng khiến ông thắt tim lại lo sợ. Nguyễn đã hiểu bao điều khốn nạn diễn ra xung quanh. Bao nhiêu phàm tục của ngày hôm nay, hôm sau, hôm sau nữa...? Rồi còn tháng tới?

Họ nói chuyện về mùa màng, những việc xảy ra trong cung từ khi vua Lê Thái Tổ băng hà, những bài thơ chữ Hán của Nguyễn viết ở Côn Sơn, cuộc đời gian truân của ông, phép ứng xử của đẳng cấp quý tộc mới được hình thành...Câu chuyện lan man, vui vẻ, có lẫn những nhận xét sắc sảo. Nguyễn hết sức ngạc nhiên trước trí lự phi thường của Nguyễn Thị Lộ. Thường ít có người theo kịp những dòng suy nghĩ sắc bén của ông. Ông gần như không có bạn, không có tri âm tri kỷ. Dưới một bề ngoài bình thản, rụt rè, Nguyễn giấu mình trong vỏ ốc.

Nguyễn Thị Lộ theo sát những ý nghĩ của Nguyễn. Nàng thường tóm tắt được ý nghĩ của Nguyễn bằng một hai từ hết sức chính xác, giản dị. Điều ấy kích thích trí tưởng tượng bay bổng và thỏa mãn những căng thẳng trong tinh thần ông. Nàng không hề vướng bận bởi các thành kiến xã hội và các quy ước xã giao thông tục. Người ta luôn lầm lẫn...

Nguyễn nói. Nàng lắng nghe. Nàng hình dung người ta lầm lẫn thế nào. Gà nhầm với cuốc. Chó nhầm với dê. Lễ nhạc cũng nhầm. Đường hướng cũng nhầm. Con người hành hạ nhau, lăng nhục nhau. Nàng nhận ra mối quan tâm của Nguyễn là to lớn. Ông là một nhà duy mỹ, trước hết là nhà duy mỹ. Đạo đức duy mỹ chất chứa hiểm nguy, chất chứa phiêu lưu nhưng nó sâu sắc, không bịp bợm, hắn nó giá trị gấp triệu lần thứ đạo đức duy lý trắng trợn của trật tự bầy đoàn.

Thời gian trôi nhanh. Họ cảm thấy như đã thân nhau. Nguyễn cố ghìm điều mong muốn được vuốt ve bàn tay nàng. Từ trong thành, vọng lại tiếng trống điểm canh. Yên lặng dễ sợ. Tiếng côn trùng ùa vào căn phòng riết róng và buồn bã. Thậm chí nghe rõ cả tiếng hạt sương rơi trên tàu lá tiêu.

- Rồi cái chết...

Nguyễn nói. Nàng hình dung người chết nằm dưới đất. Đêm tối hoàn toàn. Đêm tối vĩnh viễn. Rất nhiều đất, hết lớp này lớp khác, cứ thế mãi mới đến được mặt đất. Trên mặt đất là cỏ ấu, cỏ gà cỏ chân chim, cỏ gianh, cúc, thầu dầu, cả xương rồng nữa. Những con kiến đen, kiến đỏ, kiến gió, kiến bọ đọt chạy nháo nhác. Không ai biết dưới đất có con người đang nằm, cứ thế tự tiêu đi, vừa nằm vừa hồi tưởng. Chỉ được hồi tưởng thôi. Chỉ có cách duy nhất là hồi tưởng. Vĩnh viễn chỉ biết hồi tưởng. Ngậm miệng lại. Không được nói. Không được cựa mình. Vọng lại tiếng trống điểm canh. Nguyễn cáo lui. Nàng tiễn ông ra cửa...Theo thói quen, nàng nhăn mũi. Nguyễn bật cười. áo ông vướng vào gốc bạch đào trước cửa. Nàng cúi xuống gỡ áo cho ông. Cây đào tươi tốt, đang vào nụ. Nàng hỏi ông có thích hoa không? Chính ông cũng không biết nữa.

Nàng bỗng hỏí xin ông một bài thơ hoa. Ông vui vẻ gật đầu. Họ quay trở lại phòng khách. Sẵn nghiên bút, Nguyễn vén ống tay áo và những lời thơ xuất thần tuôn trào như nước chảy:

Một đóa đào hoa khéo tốt tươi
Tường xuân mơn mởn thấy xuân cười
Động phong ắt có tình hay nữa
Kiện tiển mùi hương dễ động người.

Động người hoa khéo tỏ tinh thần
ít bởi vì hoa, ít bởi xuân
Rỉ sứ chim xanh đừng chuốc lỗi
Bù trì đã có khí hồng quân.

Khí hồng quân hãy sá tài qua
Chớ phụ xuân này chớ phụ hoa
Hoa có ý thì xuân có ý
Đâu đâu cũng một khí dương hòa.

Khí dương hòa há có tư
Năng một hoa này nhẫn mọi loài
Tính kể chỉn còn ba tháng nữa
Kịp xuân mựa để má đào phai.

Má đào phai hết bởi xuân qua
Nêú lại đâm thì liền luống hoa
Yến sở Dao - trì đà có hẹn
Chớ cho Phương Sóc đến lân la

Phương Sóc lân la, đã hở cơ
Mấy phen trộm được há tình cờ
Có ai ướm hỏi tiên Vương Mẫu
Tin khá tin mà ngờ khá ngờ...".

° ° °

Khi Nguyễn gặp vua Lê Thái Tôn bày tỏ những ý tưởng của ông, thực ra trong thâm tâm Nguyễn cũng thừa hiểu sự vô nghĩa của việc mình làm. Những năm gắn bó với vua Lê Thái Tổ từ ngày khởi nghiệp đã cho ông những kinh nghiệm cay đắng về thế sự. Những buổi trò chuyện với Nguyễn Thị Lộ giúp Nguyễn nhiều điều. Trong vắt như nước suối, nàng lặng lẽ để cho ông gạn lọc những ý tưởng của mình. Hoàn toàn giản dị, nàng chảy một cách từ từ, chậm rãi, tự tin, vừa độ lượng, vừa ích kỉ chính trong dòng đời. Chỉ nhìn thấy nàng, Nguyễn nhận ra ngay ông đã sai lầm hoặc ông đã đúng trong các suy luận. Nàng chẳng hỏi ông nghĩ gì và các suy luận ấy của ông đầu cuối ra sao, xuất phát từ đâu, đến đâu chấm dứt. Nguyễn so sánh những ý tưởng mơ hồ trong đầu óc ông với cách nàng quét nhà hoặc nàng ngáp ngủ. Chỉ có nàng mới có khả năng siêu phàm giúp ông đối chiếu cái thế giới ảo vô hình với cái thế giới thực hưu hình quanh mình, điểu mà ông biết chắc chắn ông có hoài công đi khắp thế gian ông cũng chẳng tìm ra được một người phụ nữ thứ hai như vậy.

Từ nhỏ, Nguyễn đã sớm nhận ra sự lạc loài của ông giữa đám đông. Ông như khoai giữa ngô, như lạc giữa vừng. Ông là một thứ chất liệu khác. Ông cô đơn chính với đồng loại của mình. Gặp Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn sống ráo riết hơn và nghiêm nhặt hơn. Ông rà xét lại mình và nhận ra một loạt yếu kém trong phương diện tinh thần cũng như cách tổ chức cuộc đời. Cho đến lúc này, Nguyễn mới có thể cắt nghĩa được bản chất các sự kiện đã từng diễn ra với ông và cả triều đại.

Trước đây, khi dâng Bình Ngô sách" cho Bình Định Vương Lê Lợi, Nguyễn đề xuất tư tưởng nhân nghĩa, ông coi nó là máu thịt dân tộc, là nguyên tắc ứng xử giữa con người. Nguyễn đã hướng về tuyệt đối. Song chính Nguyễn đã một chiều, thậm chí không tưởng. Lê Lợi tỉnh táo hơn, nhận ra Nguyễn đã mắc bẫy bởi chính tư tưởng của mình. Lê Lợi biết tư tưởng đó chỉ là ngọn cờ khởi sự chứ không phải phương pháp. Hơn nữa, ngọn cờ ấy chỉ phù hợp với tình trạng khốn cùng về vật chất của đám đông trong từng khoảng thời gian nhất thời. Lê Lợi vĩ đại vì đã thực tế hơn Nguyễn về cuộc sống. Nguyễn vốn giàu tưởng tượng - hình dung ra những bi kịch tập thể nhưng Lê Lợi biết chắc chắn chỉ có những bi kịch cá nhân và chỉ là những bi kịch cá nhân, mãi mãi là những bi kịch cá nhân. Nguyễn tôn sùng đám đông nhưng Lê Lợi tin chắc chỉ có những cá nhân siêu việt mới có khả năng gây men cho lịch sử. Lê Lợi hiểu rõ khả năng tạo dựng và khả năng phá bỏ của Nguyễn nhưng Nguyễn lại không có khả năng giữ nguyên tình trạng. Giữ nguyên tình trạng đòi hỏi một sự ngu xuẩn phi thường, một sự ngu xuẩn thiên tài. Bao giờ cũng vậy, giữ nguyên tình trạng đòi hỏi những con bệnh lớn.

Nguyễn xem xét lại mình và ông hoảng sợ bởi những tham vọng mơ mộng của mình. Nguyễn hiểu những khó khăn của việc thi hành đạo. Oái oăm ở chỗ đạo là thứ danh không phải là danh, điều ấy đẻ ra những khó khăn trong xuất xứ. Chính Khổng Tử cho rằng người làm quan là để thi hành điều nghĩa chứ đạo thì chẳng thi hành được. Nguyễn Thị Lộ lo lắng bởi những đổi thay trong tinh thần Nguyễn. Nàng cũng không hiếu Nguyễn đến với nàng với mong muốn gì? Thực ra, Nguyễn mong muốn ở chính bản thân. Ông cô đơn giữa đời như một hành tinh hoặc một ngọn gió. Điều ấy khiến nàng xót xa. Nguyễn biết gắn bó với nàng là ông ẹhuốc họa vào mình. Nhưng biết thế, Nguyễn vẫn gắn bó với nàng. Bởi nàng là Nguyễn Thị Lộ.

Vì nàng là Nguyễn Thị Lộ.

Chỉ có một Nguyễn Thị Lộ

Còn Nguyễn, Nguyễn đâu có hai cuộc đời? Rồi ngày nào đấy Nguyễn cũng chết đi, trên nấm mộ chỉ có cỏ xanh. Như bao người khác.

Chỉ có cỏ xanh: cỏ ấu, cỏ gà, cỏ chân chim, cỏ. gianh, cúc, thầu dầu, xương rồng.

Những con kiến ca hát.

Và chúng ca hát theo kiểu kiến.

° ° °

Không thể nói Nguyễn Trãi đã sống thanh thản dưới triều vua Lê Thái Tôn. Vị vua trẻ sớm nắm quyền lực, lại ít kinh nghiệm sống, chỉ thích sự chiều nịnh hơn là nói thẳng, những cột trụ nhà nước như bọn Lê Ngân, Lê Sát, Lê Văn Linh, Lê Hy...đều là những chính khách xuất thân giang hồ, trị nước bằng mưu mẹo chứ không xuất phát từ đạo và luật. Thêm nữa, bọn Lương Đăng và Hạ Đăng Đắc xúm lại phò nịnh, đẩy lòng kiêu ngạo của người có thế lực lên tột bực. Giới quý tộc cung dình mới qua được một đời còn hết sức quê mùa về lối sống, chưa có được đời sống tinh thần vương giả, luôn nhầm lẫn giả thật, thực hư. Hơn nữa, ý thức xây dựng một tập đoàn quyền lực dựa trên đạo nghĩa, kỷ cương không được củng cố. Cung đình giống như nơi tụ họp các anh hùng lục lâm, chỗ nhóm lửa, chỗ thổi cơm, chỗ múa giáo, chế được đặt ra do vui chuyện mà định. Trên các chân dung chính khách chỉ nhìn thấy các cơ mặt bất động hoàn toàn, biểu thị tinh thần chính trị tù đọng tột cùng. Số trẻ trung hơn, dễ thấy trên gương mặt họ những nét chối bỏ thẳng thừng học vấn, chỉ chờ đón tiếp nhận cảm giác lạc thú.

Nguyễn sống âm thầm. Khi về Côn Sơn, khi ra Đông Đô, chẳng nơi nào ông thấy yên ổn. Nội tâm ông sôi réo, thúc giục. Ông tránh các tình huống pìlải tự biểu hìện. Những mũi tên đố kị hằn thù rình ông từ bốn phía.

Nguyễn Thị Lộ biết rõ giá trị con ngươl Nguyễn. Nàng thông cảm những nỗi dày xé trong tâm hồn ông. Nàng biết ông đang chạy tế lên phía trước trong hệ thống tư tưởng đương thời, vừa hung hãn, vừa tuyệt vọng.

Mới đầu, nàng quý trọng ông theo cách người ta quý trọng một con thú hiếm, giống như quý trọng một con tê giác độc nhất có hai sừng. Dần dần, nàng hiểu ra rằng ông không trông chờ ở nàng điều ấy. Nguyễn đến với nàng bằng tình yêu thương tuyệt vọng đốl với con người, vừa đọ lượng, vừa bao dung, vừa đầy kinh nghiệm. Ông yêu thương nàng bằng toàn bộ tri thức văn hóa cùng sự từ tế ở trong lòng ông.

Cuối cùng điều ấy cũng đến. Nguyễn ngỏ lời cầu hôn với nàng giản dị và mạch lạc. Chắc khi đứng trước Vương Thông, Mã Kỳ, Phương Chính...Nguyễn cũng thế này. Thoạt tiện, cung cách ấy dễ gây ấn tượng về một con người chán đời khủng khiếp, ai biết đằng sau cung cách ấy là một khốí lửa khổng lồ Nguyễn bày tỏ với nàng như thể một việc tình cờ hoặc tiện dịp. Nàng biết ông hoang mang. Những sóng gió trong cuộc đời khiến ông không còn tự tin mình nữa. Hết sức nhạy cảm, nàng thấy thương xót ông tận đáy lòng. Nàng biết, Nguyễn phải ngăn ngừa cảm xúc chính mình. Nàng chỉ gợn chút hợm hĩnh lạnh lẽo, ông sẽ biến mất; còn nàng đa cảm nồng nàn ông cũng bỏ đi. Bao nhiêu công việc đang chờ đợi Nguyễn. Ông đâu phải là người trăng gió đa tình. Hôm Nguyễn ngỏ lời cầu hôn, trời mưa như trút. Đồn rằng hôm ấy có rồng bay trên sông Cái.

° ° °

Họ tao thân cho nhau vào một buổi đêm yên tĩnh. Ngọn nến để ở một góc phòng kiên nhẫn cháy. Nguyễn Thị Lộ biết Nguyễn cũng kiên nhẫn cháy như thế khi hình bóng nàng nằm giữa tim ông.

Nàng quay lưng về phía Nguyễn, cởi xiêm áo lộn qua đầu. Thân hình dài dài, thanh mảnh của nàng hiện ra lấp loáng trong bóng tối. Khi nàng luồn vào, nằm nép bên Nguyễn, ông lặng người đi, lòng ngập tràn tình cảm biết ơn vô hạn. Nguyễn lắng nghe tiếng nàng thở dốc. Ông mỉm cười trong bóng tối khi nghĩ rằng cả nàng, cả ông, cả hai hệt như hai đứa bé con. Nguyễn vùi đầu vào bộ ngực mảnh khảnh của nàng. Cảm giác về sự bé nhỏ yếu ớt của nàng, của con người nói chung giữa tự nhiên mênh mông, giữa vũ trụ mênh mông khiến lòng ông nhói đau. Ông, chính ông chứ không ai khác, ông phải chứng tỏ một điều gì đấy bởi sự tốt đẹp thật sự trong thế giới này.

Họ nằm yên lặng, vui thích lắng nghe những tiếng lách tách cháy từ ngọn nến.

Nguyễn cũng đã cháy như thế, cháy bùng như một ngọn đuốc dẻo dai, kiên cường cho đến trót đời.

Nguyễn Trãi đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu đau đớn, bất hạnh, bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, bao nhiêu vinh quang kể từ ngày ấy. Không một người thưởng nào có được số phận lạ lùng như ông trong 500 năm nay.

500 năm, tức là năm thế kỷ.

--------------------------------

1

Từ một ý thơ của Maiacôpxki.

ĐỜI THẾ MÀ VUI

Ngôi nhà nhỏ ở trên đồi, cách đường cái ba chục mét. Ngôi nhà đơn độc, lẻ loi. Đằng sau ngôi nhà có hai cây nhội gai lá đỏ, thứ cây mọc hoang chỉ dùng làm củi. Từ dưới chân đồi đi lên ngôi nhà là một lối nhỏ xếp đá, hết hai mươi bậc thì đến một bãi đất hoang, người ta định san nền cho ngôi nhà mới nhưng sau lại bỏ ý định ấy đi. Từ bãi đất hoang đi lên mười sáu bậc nữa mới đến ngôi nhà vừa kể. Ngôi nhà làm theo kiểu nhà ở tạm, cột bương, mái gianh, tường đất. Những người công nhân lâm trường dựng ngôi nhà này mấy năm trước làm chỗ trú mưa nắng khi đào hố trồng thông và bạch đàn.

Trong nhà, đồ đạc lèo tèo. Đáng kể chỉ là cái giường rẻ quạt gỗ mít đã sứt sẹo cả. Trẻ con dùng dao khắc lên thành giường những nỗi buồn và ước mơ của chúng: nỗi buồn thì dứt khoát và sâu sắc, còn ước mơ táo tợn. Cuối giường có vết khắc chạm là của một tay đàn ông phóng đãng in hình mũi tên xuyên qua trái tim.

Chính giữa nhà là chiếc ban thờ làm bằng miếng tôn đóng nẹp treo lên tường. Bát hương là loại bát tô đựng miến. Xế bên trái ban thờ là chiếc gương với ảnh nữ tài tử Mai Diễm Phương người Hồng Kông trên tờ quảng cáo phim. Chỗ ức cổ trắng ngần của Mai Diễm Phương có ghi một bài thơ của kẻ vô danh, lời lẽ tầm thường:

"Thời không có anh hùng
Người không có tri âm
Mỹ nhân đêm vò gối
Gạt nước mắt thương thầm"

Trong góc nhà đặt chiếc kiềng sắt, tro than nguội lạnh. Cạnh đấy là xô nước, nồi xoong, rổ đựng bát đĩa.

Thằng bé ngồi ở trên giường, dựa lưng vào cái chăn bông. Nó trạc sáu tuổi. Trên nét mặt nó chưa có dấu vết của lòng căm thù hay sự đau đớn, điều ấy phải sau nữa mới có. Cũng không có dấu vết của lòng độ lượng hay sự chán nản, điều ấy cũng phải sau nữa mới có. Nét mặt nó vô sự. Thằng bé đưa mắt nhìn ra cửa. Mẹ nó khóa trái bên ngoài. Mẹ nó đi chợ mua sách bút để mai nó đi học. Nó học lớp Một.

Thằng bé nhổm người dậy. Nó tần ngần ngắm con tò vò xây tổ. Con tò vò tha những viên đất tròn, ướt ở góc xô nước về chô then cửa kiên nhẫn uốn thành một vòm mỏng, cong. Nó bay đi bay lại hàng chục lần, không lần nào thay đổi hướng bay. Con tò vò vụt qua mặt thằng bé. Nó nhận ra cái eo lưng thắt lại của con tò vò. ở đấy có những ngấn tròn. Con tò vò cái. Trong trí óc non nớt của thằng bé xuất hiện hình ảnh mẹ. Bụng mẹ nó nhẽo, cũng có những ngấn tròn. Sáng nay mẹ nó đi nhờ xe chở than của chú Hảo.

Thằng bé không thích chú Hảo. Chú Hảo râu xồm. Chú nói:

- Đồ đĩ! Béo nứt bụng!

Mẹ nó cười. Chú Hảo lại bảo:

- Gái xề! Đồ mặt chó!

Mẹ nó lại cười.

Con tò vò lại vụt qua mặt thằng bé. Đôi cánh của con tò vò có mầu vàng phơn phớt. ở gò má mẹ nó cũng có vết lõm màu vàng phơn phớt. Nó sờ vào chỗ ấy và thấy ngón tay ướt.

Chú Hảo nói:

- Nước mắt đàn bà! Nước đái bò!

Mẹ nó lại cười.

- Rồi mày cũng bỏ tao mà đi thôi con ơi. - Mẹ nó nói. - Như thằng bố mày!

"Tò vò mà nuôi con nhện
Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi.
Tò vò ngồi khóc tỉ ti:
Nhện ơi! Nhện hỡi! Mày đi đằng nào? "

Thằng bé hỏi mẹ:

- Bố đi đâu?

Mẹ nó thở dài:

- Bố mày là sói! Bố mày đi kiếm ăn! Bố mày đi theo gái!

Thằng bé có lần đã nhìn thấy sói. Con sói chạy ở ven rừng, bồn chồn, sốt ruột, đuôi cúp lại, lưỡi thè ra. Nó sợ hãi. Nó côi cút. Thằng bé không thấy sợ nó.

Chú Hảo cũng có vẻ bẩn thỉu của sói. Chú Hảo nói:

- Chán đời...Rất chán đời!

Chú Hảo nằm ngả trên giường, chân gác lên tường.

Chú Hảo hát:

"Này em, người yêu ơi, đôi môi dịu dàng
Và mắt em xa xôi mơ màng
Anh đã suốt đời lang thang tìm em..."

Thằng bé thấy đói. Nó ra rổ bát tìm cái ăn. Mẹ nó trước khi đi đã để quà cho nó: cơm nguội với nải chuối luộc. Đường lên chợ thị xã ba mươi cây số. Ô tô của chú Hảo đến trưa mới về.

Thằng bé ngồi xổm ở góc nhà bóc chuối ăn. Nó bầy những cái bát ra rồi cắn từng miếng chuối cho vào bát. Đây là mâm cỗ tướng. ăn cỗ có nó, mẹ nó và ông khách qua đường. Có lần trời mưa, ông khách qua đường đã vào nhà nó. Mẹ nó nấu cơm cho ông khách ăn. Ông khách cao lớn, cười nói sang sảng, đi đứng rung chuyển cả căn nhà. Ông khách nói:

- Vô nghĩa hết! Làm gì có vàng mà đào...Tôi đi xem thiên hạ đào vàng, vừa khinh bỉ, vừa đau đớn, vừa buồn cười...Chỗ nào cũng tàn ác, dâm dục, đểu giả, tham lam...

- ăn đi ông...Mời ông xơi miếng phao câu...- Thằng bé ăn một miếng chuối. Nó mời. - ăn đi.

Ông khách cười:

- Thằng này khá...Làm thân nam nhi, vượt qua một bể lừa lọc, vượt qua một bể ái tình...đời nát toét ra...Kẻ nào có phao là đồng tiền hay lòng nhân đức còn đỡ? không có phao xớt lắm...Lửa thử vàng. Vàng thử đàn bà. Đàn bà thử đàn ông. Đàn ông thử ma quỷ với thánh thần...Hóa ra ma quỷ hết! Thánh thần ít lắm...

Thằng bé nhớ đến con sói đi ở ven rừng, đuôi cúp lại.

Ông khách ôm thằng bé vào lòng, gõ nhịp hát bài hát của bọn người đi đào vàng:

">Khi có vàng là ta có ăn, ta có chơi
Đời thế mà vui!
Khi có vàng là ta hết đời, ta hết hơi
Đời thế mà vui! "

Thằng bé không ăn nữa. Khách đến rồi khách lại đi

- Chào cô...Chào Phật Bà Quan âm...Chào Bồ Tát...Tôi đi nhé..

- Mẹ con cháu chào ông. Ông đi chân cứng đá mềm...ông đi về quê hay đi đâu ạ?

- Về quê làm gì? - ông khách cười khẽ. - Tôi còn đi nữa...Đời thế mà vui. Về quê làm gì? Lòng người đen bạc, đất đai khô cằn...

Thằng bé không biết gì về làng quê. Mẹ nó hứa nhiều lần sẽ đưa nó về thăm quê nhưng chẳng bao giờ mẹ nó đủ tiền. Mẹ nó nói ở quê có nhiều người quen: ông bà chết rồi nhưng vẫn còn mộ, mẹ nó sẽ về thắp hương; rồi chú, bác, cô, dì; những bạn bè của mẹ nó như cô Lượt, cô Na, chú Sửu, cậu Bền...

Chú Hảo cũng hay nói chuyện về thăm quê. Chú bảo đã về thăm quê ba lần, mỗi lần về lại buồn thêm một chút.

Chú Hảo bảo:

- Quê tao có cái đình rất to. Hội đình vui lắm. Các bà các chị đứng xem đàn ông vật nhau. Hồi còn bé, bạn bè đố tao hễ cứ phát vào đít một cô lại được một hào. Mỗi kỳ hội tao có vài trăm tiền tiêu, tha hồ ăn quà.

Mẹ nó cười:

- Ba tuổi ranh đã dâm!

Chú Hảo cãi:

- Đấy là bọn có tiền nó dâm chứ! Tôi phận nghèo hèn phải bỏ quê ra đi là cơ nhục lắm.

Mẹ nó bảo:

- Sao bảo chú bỏ quê ra đi là vì theo gái?

Chú Hảo bảo:

- Đồ đĩ! Đồ mặt chó! Nói thế cũng nói!

Chú Hảo hát:

Ta ra đi, ta ra đi, đâu nề chông gai.
Tiến lên đi, tiến lên đi, tung hoành sức trai
Chí ta lớn cao ngất tầng mây...

Mẹ nó cười:

- Tôi còn lạ gì đàn ông! Các người đi tìm vàng, tìm gái chứ chí lớn khỉ gì!

Chú Hảo bảo:

- Đồ đĩ! Đồ mặt chó! Nói thế cũng nói!

Chú Hảo lại hát:

"Tiến lên đi chân trời rực hồng
Thân nam nhi phỉ chí tang bồng
Coi cái chết tựa như lông hồng
Kìa mấy ai da ngựu bọc xương... "

Thằng bé đứng lên, nó dỏng tai để ngóng tiếng xe ô tô. Nó biết làm thế vô ích. Mẹ nó còn lâu mới về.

Không có âm thanh nào lọt vào nhà ngoài tiếng gió. Tiếng gió thổi khẽ, từng đợt, như có người ngáy khẽ. Nó nhận ra bởi những phên gianh va đập vào nhau.

Thằng bé ngẩng mặt nhìn lổ hở trên mái nhà. Lỗ hở bé, chỉ bằng đồng xu. ánh trời lọt vào nhà qua lỗ hở vạch một vệt sáng thằng đầy những hạt bụi bé li ti. Thằng bé xòe tay hứng vệt sáng. Vệt sáng đầy lòng tay nó.

Thằng bé nhớ khi ông khách vốc nắm đất trong tay. ông khách bảo mẹ nó:

- Chỗ đất này biến được thành vàng là xong cuộc chơi hùng. Đàn ông thường anh nào ở đời cũng mơ như vậy...Vô nghĩa hết!

- Tiền mà làm gì. - Mẹ nó nói. - Đàn bà chúng tôi sống chỉ vì tình.

Chú Hảo bảo:

- Đồ đĩ! Đồ mặt chó! Nói thế cũng nói!

Ông khách lắc đầu:

- Có được tình tốn sức lắm đấy...có khi trả cả cuộc đời cho người ta mà không trả đủ.

Mẹ nó khóc:

- Đàn bà chúng tôi nhẹ dạ lắm, trong lòng lúc nào cũng thấy trống vắng, trong lòng lúc nào cũng thấy thiếu tình thương. Ai nói đến tình thương là bọn chúng tôi gục đầu vào ngay chẳng biết đất trời gì nữa.

Ông khách cười:

- Thế mới khổ! Thế mới đích thị đàn bà!

Chú Hảo bảo:

- Thế mới chết! Đồ đĩ! Đồ mặt chó!

Chú Hảo cười:

- Đàn bà là giống yêu tinh ác độc nên trong lòng nó mới thấy thiếu tình thương! Còn đàn ông bao giờ thiếu tình thương đâu! Hoan hô đàn ông! Hoan hô dê cụ!

Ông khách bóp nát nắm đất, tung ra như gieo mạ. ông khách vung tay: Bay đi...bay đi lòng căm hờn. Bay đi giả trá. Bay đi bất công. Bay đi dục vọng đê hèn...

Ông khách xốc áo, vươn vai đứng dậy, bước đi rung chuyển cả căn nhà. Ông khách móc túi lấy một gói vải đưa cho mẹ nó:

- Chào Bồ Tát...Chào cô...Cô giữ cái này để nuôi cháu...Chẳng được là bao, gắng sống qua được đận này.

Ông khách cười, giơ tay làm một cử chỉ khó hiểu, như biểu tượng. Mưa giăng giăng. Bây giờ đang tiết mưa xuân.

Thằng bé đi lại chỗ giường. Nó ngồi tựa lưng vào chỗ có vết khắc mũi tên xuyên qua trái tim. Mũi tên cắm vào vai nó.

Thằng bé đưa mắt tìm con tò vò. Không thấy con tò vò đâu nữa. Cái tổ đang còn xây dở, vết đất còn ướt. Thằng bé thở dài. Cái tổ tò vò xây ngay chỗ cài then cửa. Mở cửa ra là cái tổ tò vò nát bét. Có tiếng động khẽ đâu đây. Không phải bên ngoài, mà ở trong nhà. Thằng bé dỏng tai nghe ngóng. Như có con gì rón rén bò vào nhà. Thằng bé hoảng sợ. Nó lạnh toát cả người, mồ hôi rịn ở chân tóc. Nó đưa mắt nhìn quanh. Linh cảm của nó không nhầm: nó thoáng thấy có cái bóng ngoằng ở xó tối, nơi để xoong nồi. Bóng gì?

Thằng bé run bắn người. Nó co hai chân lên giường rồi lùi sát vào tường. Rõ ràng có một cái bóng. Bóng gì? Tiếng động khẽ, ướt và lén lút. Thằng bé run bắn người. Nó chưa bao giờ nghe thấy tiếng động như thế. Rõ ràng có một cái bóng. ánh sáng ở trong căn nhà đột ngột trầm xuống, mờ mờ, lạnh hẳn đi. Bóng gì?

Thằng bé thấy tim nó đau thắt lại. Nó không dám thở mạnh nữa. Lại ngoằng một cái đâu đấy trong xó nhà. Thằng bé nhận ra điều ấy không phải bằng mắt.

- Mẹ...

Thằng bé co rúm người. Nó kêu lên, nước mắt trào ra, hai tay thu vào, ngón tay quắp lại. Nó đập chân xuống chiếu. Rõ ràng có một con gì đang bò chầm chậm, ráo riết, lì lợm, lạnh lùng ở dưới gậm giường.

- Ầm...

Có tiếng đổ vỡ chai lọ, tiếng kéo lê sền sệt, tiếng nhai xương rau ráu. Tiếng nhai khẽ, ngấu nghiến, nhẩn nha. Tiếng hút tủy. Tiếng xương vỡ vụn. Tiếng chép miệng hữa.

Thằng bé choáng người, ngực đau tức. Nó không thở được. Nước mắt nỏ trào ra. Mặt nó đỏ tía.

- Mẹ...Mẹ...

Thằng bé cuống cuồng gọi. Nó lăn lộn trên giường. Bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa. Rõ ràng có tiếng nhai xương. Tiếng hút tuỷ. Tiếng chép miệng. Tiếng nhai rau ráu.

Thằng bé khóc ngằn ngặt. Nó nằm im gục mặt vào chăn. Nó mệt lả người. Nó lịm đi. Căn nhà yên tĩnh. Vẫn chỉ có tiếng gió bên ngoài rin rít. Mãi lâu sau thằng bé mới hồi tỉnh lại. Nó hé mắt nhìn. Mồ hôi túa đầy mặt nó. Thằng bé lắng tai nghe, căn nhà yên tĩnh lại thường. Không có tiếng động nào cả. Không có gì hết.

Thằng bé đưa tay cấu vào chân. Nó cảm thấy đau. Nó lồm cồm bò dậy, mắt liếc nhìn thanh sắt mẹ nó dựng ở đầu giường, thanh sắt ngừa trộm. Nó rón rén dịch người để lấy thanh sắt. Thằng bé nín thở. Nó kéo thanh sắt lên, cầm chắc trong tay. Nó dỏng tai nghe. Không có tiếng động nào cả. Yên lặng lạ lùng. Thằng bé đập đập thanh sắt xuống giường, sau đó lại dỏng tai nghe. Vân yên lặng như thường. Thằng bé thở nhè nhẹ. Nó lấy lại sức rồi rón rén bò ra mép giường. Nó nhìn dưới gầm giường: dưới ấy không có gì cả.

Thằng bé đặt hai chân xuống đất, cố giữ để không run. Nó cầm thanh sắt khua dưới gầm giường. Không có gì cả. Một nỗi căm uất vô hình dâng đầy ngực nó. Nó khua thanh sắt vào xô đựng nước, vào các xoong nồi. Nó đập nát chiếc gương. Nó lục soát tất cả các góc kín trong nhà: dưới đất, trên tường, trên mái gianh. Nó xô đổ mọi thứ. Không có gì cả. Yên lặng như thường. Yên lặng đáng sợ. Thằng bé dỏng tai nghe. Tiếng gió ngoài trời ngừng bặt. Không gian sững lại, nặng nề. Thằng bé bỗng cảm như toàn bộ không khí trong nhà ngừng lại, dồn tất cả lên người nó. Nó bị nén xuống, ép chặt. Nó run lẩy bẩy, thanh sắt tuột khỏi tay. Nó quỵ xuống đất. Toàn bộ gân cốt nó nhão ra, không cử động được.

Thằng bé nằm co quắp, úp mặt xuống nền đất, ngay chỗ vũng nước. Tim nó đập thình thịch, đập rất nhanh, loạn xạ, cuống cuồng, đôi lúc ngừng hẳn. Sức lực nó bị rút kiệt. Nó định mở mắt nhưng không sao mở được. Nó máy môi. Nó định gọi mẹ nhưng không sao đẩy được âm thanh ra khỏi lồng ngực. Thằng bé nằm im như thế rất lâu. Không biết bao nhiêu thời giờ đã trôi qua. Con tò vò đã xây xong tổ. Khuôn mặt bầu bĩnh của thằng bé như bị rút kiệt hết nước, hết máu. Khuôn mặt nó tái nhợt, khô đanh lại.

Căn nhà hoang khóa trái nằm ở trên đồi. Mưa giăng giăng. Bây giờ đang tiết mưa xuân. Mãi đến giữa trưa, chiếc xe ô tô chở mẹ thằng bé mới về. Người lái xe có bộ râu xồm mở cửa xe cho mẹ thằng bé bước xuống.

Người đàn bà mặt rỗ, mặt xị ra có lẽ vì phù, cười thỏn thẻn kéo từ ca-bin ra hai bị cói bẩn thỉu. Người lái xe đóng cửa ca-bin lại rồi giằng lấy hai cái bị cói trên tay người đàn bà. Anh ta cau có:

- Đồ đĩ! Đồ mặt chó!

Người đàn bà đứng lại, nhận ra một vệt máu loang ở ống quần. Ngượng ngập, người đàn bà quay người ngồi thụp xuống, bứt vội nắm cỏ bên đường. Người lái xe quay mặt nhìn về phía hai cây nhội gai lá đỏ. Anh ta hát khe khẽ:

"Này em, người yêu ơi, đôi môi dịu dàng
à mắt em xa xôi, mơ màng.
Anh đã suốt đời lang thang tìm em..."

Người đàn bà đã chùi sạch vết máu, chị ta đứng dậy bươn bả bước lên đồi. Người lái xe xách bị đi sau. Anh ta bỗng như nhớ ra chuyện gì bèn gọi:

- Này...này! Đồ đĩ!

Người đàn bà quay lại, nét mặt lo lắng, chờ đợi

Người lái xe thở dài:

- Này, cái ông khách hôm nọ trú mưa ở đây ngoẻo rồi đấy.

Người đàn bà ngơ ngác:

- Sao biết?

Người lái xe lắc cái đầu bù xù, tỏ vẻ không hiểu.

- Lão ấy bị bọn ở bãi vàng thịt. Chúng nó tưởng lão ấy lắm tiền nhưng hóa ra chẳng có cóc khô gì cả..

Người đàn bà lặng im, quay người đi tiếp lên đồi. Còn chín bậc đá nữa là đến ngôi nhà của chị. Ngôi nhà nhỏ ở trên đồi. Ngôi nhà đơn độc, lẻ loi. Mưa xuân giăng giăng trùm lên ngôi nhà. Mưa xuân giăng giăng trùm lên hai cây nhội gai lá đỏ. Mưa xuân giăng giăng trùm lên quả đồi.

Năm nay mưa xuân trong thời tiết nồm thế này là có nhiều sâu hại lúa.

Mưa xuân suốt từ tiết Kinh trập đến nay vừa được 14 ngày.

SANG SÔNG

Bến đò.

Sang đò có một nhà sư, một nhà thơ, một nhà giáo, một tên cướp, hai tên buôn đồ cổ, hai mẹ con, một cặp tình nhân và chị lái đò.

Chị lái đò bắc tấm ván cầu để hai tên buôn đồ cổ đẩy chiếc xe máy lên đò. Tên cao gầy bảo tên mặc áo ca rô:

- Cẩn thận!

Đấy là tên này bảo bạn nó cẩn thận ôm cái bọc vải trên tay, trong ấy có cái bình cổ.

- Giúp với!.

Tên cao gầy nói với người đứng sau. Người ấy là nhà thơ.

Họ loay hoay đẩy chiếc xe máy lên tấm ván cầu. Nhà thơ vụng về níu chiếc xe máy lật nghiêng. Anh khuỵu đầu gối xuống nước. Đôi trai gái đứng trên bờ bật cười. Cô gái nói với người yêu:

- Giúp họ một tay!

Chàng trai cởi áo khoác đưa cho cô gái. Anh đến chỗ xe đổ.

Chiếc xe được nâng lên, đẩy vào khoang đò, nơi có hai mẹ con ngoài thành phố về thăm quê. Người mẹ ba mươi hai tuổi, xinh đẹp, đài các. Đứa con trai chín tuổi trông rất kháu khỉnh.

Chiếc xe máy quay ngang trong lòng đò, chạm vào người thiếu phụ. Thiếu phụ cau mặt. Tên cao gầy nhanh nhảu:

- Xin lỗi chị.

Tên cao gầy cúi xuống phủi vết bẩn ở đầu gối thiếu phụ. Thiếu phụ hất tay hắn, quay mặt đi.

Đằng sau họ, nhà sư đang kể chuyện cho ông giáo nghe về đức Bồ Đề Lạt Ma:

- Khi ngài ngồi điện bích ở Tụng Sơn, Huệ Khả đến chặt tay mình để xin pháp ấn, nói rằng: “Bạch thầy, tâm con không an”. Ngài bảo: “Ngươi đưa tâm của ngươi ra đi”. Huệ Khả đáp: “Bạch thầy, con tìm tâm mãi mà không thấy”. Ngài bảo: “Đó! Đó là ta đã an tâm cho ngươi rồi đó”. Thế là Huệ Khả giác ngộ...

Tên mặc áo carô ôm bọc vải vào lòng ngồi cạnh nhà sư. Đây là chỗ an toàn nhất trong đò. ông giáo không bằng lòng:

- Cái anh này! Sao chen vào đây?

Tên mặc áo carô khép nép:

- Cụ xá lỗi! Con đang giữ trong tay báu vật. Vỡ cái bình này thì sạt nghiệp.

- Bình gì thế?

Tên mặc áo carô hơi co người lại.

Cặp tình nhân xuống đò. Họ ngồi ở mũi đò, sau chỗ chị lái đò. Chàng trai đưa tay vớ lấy chiếc áo khoác trên đùi cô gái. Tay anh chạm vào làn da. bụng âm ấm của cô. Anh để yên, không rút tay ra nữa. Cô gái đỏ mặt, lấy chiếc áo khoác trùm lên tay ánh.

Nhà thơ ngồi chênh vênh ở bên mạn đò. Anh khỏa tay xuống nước làm đò chao nghiêng. Tên cao gầy cau mặt vỗ vai nhà thơ:

- Ông anh đừng đùa! Chết ráo cả bây giờ.

Nhà thơ ngơ ngác:

- Nước trong quá! Nhìn thấy những con cá thần tiên dưới đáy.

Tên cao gầy bật cười:

- Thật chịu thầy! Tôi chỉ thấy có cá diếc thôi!

Chú bé chen vào hùa với nhà thơ:

- Cá thần tiên đấy!

Tên cao gầy lia mắt vào lòng thiếu phụ:

- Con ơi, con hỏi mẹ con xem đấy là cá diếc hay cá thần tiên?

Thiếu phụ luống cuống, khép đùi lại, kéo tay chú bé.

Chị lái đò đẩy sào. Chiếc đò rời bến. Trời chiều mây xám. Một cánh chim bay về phía núi. Con đò xoay ngang.

- Đò!

Tiếng gọi gay gắt từ trên bờ đất vang lên. Tên cao gầy khoát tay:

- Kệ họ!

Chị lái đò lưỡng lự đẩy sào.

- Đò!

Tiếng gọi lần này lại gay gắt hơn. Con đò hướng mũi vào bờ.

Từ doi đất đi xuống là một người cao lớn, khoác túi, trông dáng phong trần. Nhảy một bước, anh ta đã ở trên đò. Nước sông bắn cả vào nhà sư.

Nhà sư giật mình, thốt lên:

- A di đà Phật!

Ông giáo lẩm bẩm:

- Người với ngợm, trông như tướng cướp.

Kẻ ấy là tướng cướp thật. Hắn cười nhã nhặn như để xin lỗi mọi người rồi thản nhiên cầm lấy tay chèo. Hắn quấn chiếc túi vải lên đầu tay chèo rồi vừa kẹp tay chèo vào nách để châm thuốc lá vừa nháy mắt nói với chị lái đò:

- Trời chẳng nắng, trời chẳng mưa. Thoắt cái mà đã xế trưa mất rồi!

Chị lái đò bâng quơ:

- Giông bão gì đâu mà quạ xuống núi?

Tên cướp vui vẻ:

- Có cỗ cưới, người ta mời. ông lão sáu mươi lấy cô mười bẩy.

Mọi người trên đò lặng ngắt. Chẳng ai ưa lối trò chuyện này. Chỉ có cặp tình nhân không chú ý gì Chàng trai luồn bốn ngón tay qua lần chun quần cô gái. Cô gái định làm một cử chỉ cưỡng lại nhưng sợ mọi người chú ý nên lại ngồi im.

Tiếng chèo khua rất khẽ.

Tên mặc áo carô ngủ gà ngủ gật.

Ông giáo tiếp tục câu chuyện:

Bạch thầy! Bản chất đời sống con người có sự ác. Con người chạy theo dục tình, tiền bạc, danh vọng hão huyền.

Nhà sư đưa mắt nhìn vào lòng bàn tay. Bạch thầy! Đâu đâu con cũng thấy toàn là súc vật. Mọi sự thảy súc vật hết. Cả sự chung tình cũng là súc vật. ý thức hướng thiện cũng súc vật nốt.

Nhà thơ ngâm khe khẽ:

- Chỉ có ta, cô đơn giữa bầy...

Thiếu phụ bóc một quả cam đưa cho chú bé. Chú bé lắc đầu.

Tên cao gầy rút bao thuốc lá mời nhà thơ. Nhà thơ nhận ra một nốt ruồi ngay tinh mũi hắn. Anh lắc đầu:

- Cái nốt ruồi kinh quá!

Tên cao gầy trố mắt:

- Sao thế?

- Anh có thể thoắt cái giết người như bỡn.

Nhà thơ đưa tay cứa ngang cổ mình:

- Như thế này này...

Tên cao gầy bật cười:

- Sao biết?.

Nhà thơ lắp bắp, anh không tin chắc điều mình nói nữa:

- Tôi là nhà tiên tri thấu thị.

Chú bé níu lấy tay anh:

- Thế còn cháu thế nào hả chú?

Nhà thơ chăm chú nhìn sâu vào mắt chú bé, nhận ra một nỗi buồn khắc khoải tê dại như thể của tổ tông truyền lại cho nó, lẫn ở đấy có những vằn đỏ nhỏ li ti.

Anh ngần ngại hỏi:

- Cháu có dám mơ mộng không?

Chú bé gật đầu quả quyết:

- Có!

Nhà thơ mỉm cười:

- Vậy cháu bất hạnh.

Thiếu phụ thở dài. ông giáo lẩm bẩm:

- Đâu đâu cũng rặt những phường điêu trá.

Cô gái ngồi ở đầu mũi đò cựa quậy. Người yêu của cô luồn bốn ngón tay sâu thêm chút nữa vào trong quần lót của cô. Cử chỉ của anh không lọt qua mắt thiếu phụ. Bằng kinh nghiệm riêng đàn bà, thiếu phụ biết cặp tình nhân đang giở trò khỉ.

Ông giáo ngâm ngợi:

Góc danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thê mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê
Mùi tục lụy lưỡi tê tận khổ
Đường thê đồ gót rỗ kỳ khu
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh...

Nhà thơ reo khẽ:

- Hay quá! Thơ của ai thế cụ?

Ông giáo trả lời:

- Đấy là Nguyễn Gia Thiều.

Nhà thơ thở dài:

- Tiếc thật...Tay nào hay thì đều toi cả...Văn chương chết đoản hết...

Cô gái ngồi ở đầu mũi đò bật lên tiếng rên khe khẽ.

Thiếu phụ nhìn sâu vào mắt cô gái rủa thầm:

- Đồ đĩ!

Cô gái nhận ra lời rủa bèn quay mặt đi nhưng vẫn bị ánh mắt thiếu phụ dõi theo. Không chịu nổi, cô gái trâng tráo nhìn thẳng vào mắt thiếu phụ thừa nhận:

- ừ thì đĩ!

Chú bé bật cười vì nhìn thấy rớt dãi ở mép của tên buôn đồ cổ mặc áo ca rô. Mắt hắn díu lại, đầu cứ thúc lia lịa vào mặt nhà sư.

Chiếc bọc vải trên tay của tên mặc áo carô tỳ hẳn lên đùi ông giáo. ông bực mình, giằng lấy chiếc bọc vải làm sợi dây buột ra để lộ chiếc bình.

Tên mặc áo carô tỉnh ngủ, giật mình:

- Cháu xin lỗi cụ!

Ông giáo nâng chiếc bình lên tay ngắm nghía thán phục:

- Chiếc bình đẹp quá!

Ông giáo quay sang bên cạnh:

- Bạch thày! Chiếc bình này thời nào?

Nhà sư ngước lên, trong ánh nhìn lóe một tia sáng thậm chí giống hệt dục vọng:

- Bình gốm thời Bắc thuộc, đời Lý Bí hay Khúc Thừa Dụ...

Ngần ngừ giây lát, nhà sư đưa bàn tay sờ lên miệng bình:

Chùa Tương có cái bình thế này, bán đi đủ tiền xây lại tam quan.

- Một “cây” đấy!

Tên cao gầy hãnh diện đỡ lấy chiếc bình trên tay ông giáo. Tên cướp dừng chèo, không điều gì trong đò lọt qua mắt hắn.

Cô gái ngồi ở cuối đò xoay người, tránh một cử chỉ quá trớn bất cẩn của người yêu cô. Chàng trai bực mình rút tay khỏi lòng cô gái. Anh len lén chùi tay vào khe ván đò nhưng không làm sao gạt được sợi lông loăn xoăn dính ở ngón tay. Ngay lúc ấy, một ý nghĩ hiện lên khiến anh tự dưng cáu bẳn.

Anh ngồi nhích xa cô gái:

- Đàn bà...quỷ sứ...Tất cả đều chẳng ra gì... Bẩn thỉu...

Cô gái duỗi thẳng chân. Vẻ thất vọng của cô làm cho thiếu phụ chú ý. Thiếu phụ cười nụ, không giấu được vẻ hả hê trong mắt.

Nhà thơ xem xét chiếc bình, thán phục:

- Hàng nghìn năm lịch sử...Kinh thật! Ngày xưa có cô công chúa đựng nước gội đầu ở bình này đấy!

Tên cao gầy mỉm cười:

- Tôi tưởng bình đựng rượu?

Nhà thơ gật đầu:

- Đúng rồi! Thế kỷ XIII, khi quân Nguyên Mông sang, có tráng sĩ đã dùng bình này đựng rượu...Thế kỷ thứ XV người ta chôn nó xuống đất.

- Thật chịu thầy! - Tên cao gầy thú vị. - Chiếc bình này chắc nhiều sự tích phải không?

Tất nhiên rồi. - Anh nheo mắt lại. - Có năm mươi sự tích.

Ông giáo đánh rơi chiếc cặp trên tay. Tên mặc áo ca rô nhặt hộ tờ giấy, thấy ở đấy có chữ ghi chép. Hắn liếc mắt đọc:

Nhân loại có bổn phận làm việc không ngừng để sáng tạo những người cao thượng; đó là nhiệm uụ của con người, và chẳng có việc gì khác nữa (Nitsơ). Tôi thường nói với nghệ sĩ - và tôi còn nói mãi - rằng cùng đích những xung đột trong vũ trụ và loài người chính là nghệ thuật trình diễn kịch, bởi vì những xung đột đó không có một công dụng nào nữa (Gơtơ)”.

Tên mặc áo carô đưa trả ông giáo tờ giấy. Hắn lễ độ:

- Chữ cụ tươi quá!

Ông giáo cầm tờ giấy, chua chát nói:

- Chữ à! Văn tốt chữ tươi thì nghĩa lý gì?

Chú bé dựa hẳn vào lòng nhà thơ. Chú bé đút tay vào trong miệng bình. Thiếu phụ hốt hoảng:

- Này con! Khéo không rút tay được ra thì khốn!

Có lẽ lời nhắc nhủ của thiếu phụ chính là lời rủa của tạo hóa, ở đấy chứa cả nỗi căm uất quá khứ.

Tên cao gầy giật mình. Hắn bảo chú bé:

- Rút tay ra!

Nhà thơ bông đùa:

- Đút tay vào lịch sử thì kẹt ở đấy còn lâu!

Chú bé loay hoay. Hình như miệng của chiếc bình bé lại. Chú bé mếu máo:

- Mẹ cứu con!

Mọi người trong đò rối rít cả lên. Chú bé không sao rút tay ra được miệng bình.

Thiếu phụ sợ hãi:

- Làm sao bây giờ?

Tên mặc áo carô ngồi xuống đở lấy chiếc bình, hắn vừa xoay chiếc bình vừa cằn nhằn:

- Đồ quỷ! Nghịch hết chỗ nói!

Chú bé oà khóc. Tên cao gầy bắt đầu nổi giận.

Tên cướp không chèo nữa. Hắn đến gần, xem xét.

Hắn khuyên chú bé:

- Kéo mạnh tay ra!

Tên cao gầy nhăn mặt, giọng khàn lại:

- Cẩn thận không vỡ chiếc bình!

Chỉ còn một thôi chèo nữa ìà đò cập bến. Dòng sông lặng ngắt như tờ. Đã thấy khói lam chiều ở phía làng xa.

Cặp tình nhân cũng rời chỗ ngồi đến gần chú bé. Người ta tìm đủ cách gỡ chiếc bình ra. Chú bé nước mắt lưng tròng.

Nhà thơ đùa cợt, rõ ràng chẳng hợp tình cảnh chút nào:

- Chỉ còn cách chặt tay chú bé để cứu chiếc bình, sau đó lại đập vỡ bình cứu tay chú bé.

Thiếu phụ khóc lóc, rên rỉ:

- Trời ơi...khổ quá!

Tên cao gầy đỡ lấy ~ chiếc bình. Hắn kéo mạnh.

Đây là cố gắng cuối cùng. Cổ tay chú bé đỏ hỏn, xước cả da.

- Chịu!

Tên cao gầy khẳng định. Hắn đứng dậy, thò tay vào trong ngực áo. Tên mặc áo carô hiểu ý bạn hắn.

Chiếc đò cặp bến. ở trên bờ không một bóng người.

Gió lạnh thổi.

Tên cao gầy và tên mặc áo carô lăm lăm hai mũi dao nhọn.

Tên cao gầy nói với thiếu phụ, dứt khoát, lạnh lùng. Chiếc bình này một “cây” bà chị tính sao thì tính!

Thiếu phụ sợ hãi, ôm chặt chú bé:

- Trời ơi...tôi không mang tiền...

Sực nhớ ra, thiếu phụ vội vã tháo ở ngón tay chiếc nhẫn.

Tên cao gầy hất đầu cho tên mặc áo carô. Tên này cầm ngay chiếc nhẫn đút vào túi áo.

Tên cao gầy dí dao vào cổ chú bé. Một giọt máu ứa ra nơi đầu mũi dao. Giọt máu chảy từ từ trên vệt lang ben trắng bạch.

- Làm sao thế.

Ông giáo lập cập đánh rơi cả kính. Mũi dao ấn sâu hơn nữa. Một tia máu nhỏ phun vào bàn tay ông giáo.

Cô gái đứng bên chàng trai ôm mặt rú lên, ngã~ cạnh thành đò. Chàng trai đẩy nhà thơ ra, anh tháo chiếc nhẫn ở tay chìa cho tên mặc áo carô.

Anh nói, giọng như ra lệnh:

- Các người bỏ thằng bé ra! Thiếu phụ thôi khóc. Chị hơi ngạc nhiên trước cử chỉ của chàng trai trẻ.

Tên cao gầy đảo mắt. Mũi dao lún sâu dần vào cổ chú bé.

Tên mặc áo carô cầm lấy chiếc nhẫn trên tay chàng trai.

Tên cướp sấn vào, hắn dẫm vào chân chú bé.

Chú bé rú lên. Tên cướp nghiêng người, xô cả vào người ông giáo. Chiếc túi vải khoác trên vai hắn rơi xuống, đổ ra lủng củng các thứ đồ nghề rõ ràng chẳng phải lương thiện chút nào. Chiếc côn nhị khúc, chùm chìa khóa đến năm chục chiếc khác nhau, lưỡi lê, còng số 8, cuốn lịch xem ngày tốt xấu ố vàng rách nát...
Tên cướp nhét vội đồ nghề cho vào túi vải. Hắn cầm chiếc côn lên tay đập đập. Hắn nói:
- Việc đã lỡ rồi, coi như vận xấu, đi buôn lỗ vốn!
Tên cao gầy trừng mắt lên nhìn. Tên cướp nửa đùa nửa thật:
- Thôi đi! Trẻ con là tương lai đấy! Làm gì cũng phải nhân đức hàng đầu.
Tên cao gầy lưỡng lự, để lỏng mũi dao. Ngay lúc ấy, chiếc côn trên tay tên cướp bổ mạnh vào miệng chiếc bình.
Chiếc bình gốm vỡ.
Nhà thơ thở phào, anh tán thưởng:
- Có thế chứ!
Chú bé quỵ vào lòng mẹ. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Tên cao gầy và tên mặc áo carô sững sơ, chúng quay sang phía tên cướp, lăm lăm lưỡi dao. Tên cướp lùi dần rồi nhảy lên bờ. Hắn xoay chiếc côn nhị khúc trên tay.
- Vô ích, - hắn thản nhiên nói.
Mà vô ích thật. Rõ ràng là thế.
Chàng thanh niên đỡ cô gái dậy. Cô gái mỉm cười. Cô biết, cô sẽ yêu anh mãi mãi.
Nhà thơ lẩm bẩm.
Tình yêu làm cho con người cao thượng.
Hai tên buôn đồ cổ cất dao rồi đẩy xe máy lên bờ.
Chúng làu bàu chửi rủa đến khi ngồi lên xe máy. Ông giáo bàng hoàng. Sự việc xảy ra khiến ông kinh ngạc:
- Trởi! Anh ấy dám đập vỡ bình! Thật đúng là một anh hùng! Một nhà cách mạng! Một nhà cải cách!
Chị lái đò giấu nụ cười thầm. Chị biết, vô phúc cho ai một mình gặp hắn trong đêm..
Nhà thơ nhặt mấy mảnh gốm đưa cho thiếu phụ. Anh giải thích:
- Để làm kỷ niệm.
Anh cúi xuống đỡ người chú bé. Mọi người lần lượt lên bờ.
Bóng chiều tan dần. Trên đò còn lại nhà sư vẫn ngồi bất động.
Chị lái đò dè dặt:
- Bạch thầy! Mời thầy lên bờ.
Nhà sư lắc đầu:
- Thôi, tôi nghĩ lại rồi...Cho tôi quay về.
Ngần ngừ giây lát, ông lưỡng lự nói:
- Tôi sẽ đi sau.
Chị lái đò tần ngần nhìn những vì sao cuối trời:
- Bạch thầy, về bên kia sông con không đi nữa.
Nhà sư vui vẻ, cười khẽ:
- Không sao! Muốn đi là được. Ngày xưa, đức Bồ Đề Lạt Ma còn sang sông trên một cọng cỏ cơ mà...
Chiếc đò quay về bến cũ. Bóng chị lái đò và nhà sư nổi bật ở trên dòng sông phẳng lặng. Trăng lên, tiếng chuông ngân nga êm đềm. Nhà sư thầm thì đọc câu thần chú:
- Gate gate! Para gate! Para para san gate!.
Nguyễn Huy Thiệp
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viết phê bình văn học có thể học được

Viết phê bình văn học có thể học được? Nhà lý luận phê bình Lã Nguyên (tên thật La Khắc Hòa) gần đây được giới văn chương và bạn đọc biết ...