Về Chú Tư Cầu của Lê Xuyên
Chết là hết chuyện. Các tiểu thuyết gia thường lấy sự qua đời của một nhân vật
đặt dấu chấm hết cho câu chuyện của mình. Vì thế, tại trang 907 của nguyên bản
do nhà xuất bản Tiến Hóa xuất bản năm 1965 và file 54 của bản đánh máy năm
2006, Tư Cầu nhắm mắt xuôi tay để khép lại cuốn trường giang tiểu thuyết Chú Tư
Cầu của nhà văn Lê Xuyên.
Thật hạnh phúc cho một nhà văn khi có được tác phẩm để đời. Chiều dài của một đời
người hữu hạn nhưng tác phẩm thì trường tồn và nhà văn sẽ tồn tại mãi, không phải
trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi mà trong tác phẩm của mình. Nhà văn Lê Xuyên đã
có được niềm hạnh phúc đó. Ấy là ông sẽ được nhớ, được nhắc đến mãi trong lòng
độc giả Việt Nam qua các tác phẩm của mình, đặc biệt là Chú Tư Cầu.
Đây là truyện dài đầu tay được nhà văn đăng từng ngày trên báo và sau đó in
thành sách, cũng như các tác phẩm sau đó, thường miêu tả con người và sự việc
trong bối cảnh đồng quê hoặc thành phố của miền Nam, qua các thời kỳ chiến
tranh với một giọng văn Nam bộ đặc biệt lôi cuốn. Ngay từ lúc mới xuất hiện, nó
được độc giả yêu thích và đồng nghiệp tán thưởng. Ông đã viết từ câu truyện này
từ cuộc đời kể lại của một nhân vật có thật trong khoảng thời gian ở tù chung
dưới thời ông Diệm.
Chú Tư Cầu được viết bởi một lối văn chân thực, linh động và không kém phần văn
chương. Những đoạn đối thoại rất duyên dáng, dí dỏm nối liền nhau đôi khi tưởng
chừng chỉ là những mẩu chuyện trò vu vơ, đã kết nối thành bố cục hết sức chặt
chẽ để kể lại quãng đời của một thanh niên nông dân rời bỏ đồng ruộng yên bình,
bước chân lưu lạc vào cuộc sống ngày càng mở rộng đầy rắc rối. Đó là một người
dân miền Nam tiêu biểu, một người Việt Nam tốt bụng, trọng nhân nghĩa, gắn bó
xóm làng quê hương với tình cảm thuần phác, tự nhiên… Các nhân vật phụ nữ theo
nhau xuất hiện đẩy đưa hằng chuỗi sự kiện trên một cuộc đời nổi trôi theo vận
nước. Đối với người phụ nữ duyên nợ nào, tình nghĩa Tư Cầu cũng mặn nồng tròn vẹn
nhưng trên cả vẫn là mối tình với người yêu đầu tiên, với cô Phấn mà độc giả
không khỏi rung động trước một tình yêu thủy chung, lâu dài, đúng là đẹp đẽ như
tiểu thuyết!
Tuy nhiên, cuộc đời trôi dạt của Tư Cầu chỉ nhằm chuyên chở cho chủ đề của truyện,
chỉ là cái cớ để nói lên điều gì hơn thế nữa. Bởi nếu đơn thuần chỉ dõi theo
con đường chỉ tay đào hoa của Tư Cầu thì có lẽ cuốn sách đã không được độc giả
đón nhận trân trọng đến thế. Chiếm hầu hết nội dung cuốn sách rất dày này dường
như đều là những cuộc gặp gỡ, hẹn hò yêu đương của một kẻ đa tình vướng mắc
nhưng khi gấp sách, độc giả chỉ thấy đọng lại là hình ảnh của những sinh linh
nhỏ nhoi, vô tội bị vùi dập, đang vẫy vùng tuyệt vọng trên tấm phông được dựng
lên là nền trời vần vũ bão tố. Qua đó hiện ra không còn có thể rõ ràng hơn một
giai đoạn lịch sử rối ren, đen tối của nước nhà; hoàn cảnh, tâm trạng của người
dân khi đất nước rơi vào vòng loạn lạc… Trong ý nghĩa này, tác phẩm Chú Tư Cầu
đã đạt đến một giá trị cao rộng vì biểu hiện của từng thời kỳ và nơi chốn tuy
có khác nhưng thân phận của con người trong chiến tranh vẫn là những nỗi đau giống
nhau, vẫn ám ảnh không nguôi trong tâm hồn, mãi mãi là một đề tài không bao giờ
nói cạn. Một đề tài mà khi nhắc tới đã xóa nhòa ranh giới thời gian vì lôi kéo
độc giả cùng bước vào những vấn đề chung lớn lao của con người, của thế giới, của
thời đại, của chính đất nước mà mỗi người chúng ta quằn quại trong đó.
Quả vậy, cuộc đời Tư Cầu đã vẽ ra thật chính xác một bối cảnh quá khứ để những
người sinh sống đồng thời không khỏi bồi hồi nhớ lại; để những người trẻ ra đời
muộn hơn có thể thấu hiểu được một phần sinh hoạt quê hương mà lịch sử, do giới
hạn đặc biệt của bộ môn, đã không tái hiện được một cách tỉ mỉ và sinh động,
lôi cuốn như văn chương.
Chú Tư Cầu có cách dựng chuyện rất hay. Chỉ gồm đối thoại giữa các nhân vật. Rất
ít chỗ miêu tả dài dòng. Nằm cuối mỗi trường đoạn là vài câu tả tình tả cảnh
thường chỉ ngắn gọn nhưng rất cô đọng, rất đắt để đúc kết cho trường đoạn đó
hay chuẩn bị mở màn cho trường đoạn sau. Rất nhiều dấu chấm lửng (…) được sử dụng
khiến người đọc mới đầu bỡ ngỡ nhưng sau dần dần nhận ra được cái duyên ngầm ẩn
chứa trong đó. Tác giả cũng tỏ ra có óc quan sát sắc bén, rất sành tâm lý, thể
hiện ở tình tiết chuyện và giọng văn đặc sệt chất Nam bộ nhiều khi hài hước vô
cùng hấp dẫn.
Như vậy, không có Chú Tư Cầu trong tủ sách gia đình là một thiếu sót … và tiếc
hơn nữa với ngòi bút độc đáo như vậy, tác giả đã không tường thuật tiếp những
biến cố, những sự kiện vẫn nhiễu nhương xảy ra sau đó. Phải chi có một nhà văn
chấp bút kể lại câu chuyện của anh hay chú Hai Kỳ, con của Tư Cầu… Tư Cầu chết
đi, một nhân vật rút lui, một cuốn truyện đóng lại nhưng bi kịch của cuộc sống
chẳng bao giờ hạ màn, dòng sống không ngưng lưu chảy. Lịch sử vẫn tiếp tục diễn
ra phức tạp trên số phận nặng chĩu những long đong, buồn bã của con cháu Hai
Cang, Ba Kiên, Tư Cầu… của những người dân trong một xứ sở hiếm khi biết đến cảnh
an vui thịnh trị.
Nguyễn Thị Hàm Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét