Thứ Ba, 2 tháng 11, 2021

Xứ nắng 1

Xứ nắng 1

1. Tôi khởi đầu, kể lại câu chuyện vào một buổi sáng trời mưa. Mưa không ngớt mấy ngày nay. El Nino xối phủ tràn nước trên khắp nẻo đường Bắc Cali. Mưa đang rơi nặng hạt ngoài kia. Sáng nay là sáng thứ hai đầu tuần, đầu tháng, và đầu năm.
Trong quán cà phê rất đỗi thân quen. Mỗi mặt bàn là một khuôn mặt. Câu thơ tôi đã làm nơi đây. Mùi cà phê bốc nồng ấm dạ. Nhìn mấy ngón tay mình bọc quanh ly từ từ duỗi thẳng, nhẹ nhỏm, thư thái.
Đã hai tháng trôi qua...
Sáng nay thức dậy, nhìn vòm lá sồi âm u trong màn mưa sương. Nằm như thể đợi chờ...
Đợi chờ gì? mà lòng âm u như lá. Thời khắc trôi. Đời sống trôi. Những công việc xếp hàng dọc mong ngóng, lấn chen, xô đẩy, cần hai tay và cái đầu tôi giải quyết. Phải tỉnh táo và phải làm xong. Từng việc, từng việc một. Hoặc hai, ba cùng một lúc. Trách nhiệm, lo âu lẫn muộn phiền, những yếu tố cấu tạo cuộc đời. Nếp nhăn gấp vội như vòng xe chạy miết.
Ngày nhích dần về phía mặt trời lặn, dẫu là giữa trưa mùa đông. Mặt trời ngày soi mặt, ngày biệt tăm. Thời gian là đời sống, là đóng khung, là sự thực, là khẩn thiết. Ngay lúc này, thời gian bao quanh tôi, lãng đãng và trôi tuột, âm u và sáng rỡ. Màu tối đêm qua, mền gối và hơi thở nồng, đậm mùi thân quen.
Ngoài kia mưa bắt đầu nặng hạt. Vỉa hè xi măng loáng nước.
Đã hai tháng trôi qua...
Tôi ra đời đúng vào mùa xuân Mậu Thân, 1968, năm chấn động lịch sử. Huế, người sống bơi lội trong đất cát. Nấm mồ chôn người tập thể. Mỹ Lai đâu đó thuộc về Quảng Ngãi. Vết nhơ chiến tranh. Độc ác bạo tàn, dù toan tính hay nhiệm vụ, ước mơ giải phóng, dân chủ độc lập, thế giới đại đồng. Đàn bà đàn ông trẻ con chó mèo heo chuột gào thét trong biển lửa ngút trời. Những con vật trốn chui trốn nhủi cả ngàn năm trong hốc đá giờ cũng phải tuôn ra đua với con người tìm sự sống.
Cái giá phải trả cho sự ước mơ ảo tưởng. Chân lý sụp đổ. Bi hài kịch hạ màn. Một thí nghiệm trả giá dân tộc thụt lùi thế kỷ. Hàng triệu thây ma chết mắt không nhắm.
Mỹ quốc, 1968 là năm đánh dấu hàng loạt làn sóng cách mạng. Trong nhà ngoài phố. Phong trào phụ nữ đòi bình đẳng nổi lên mạnh mẽ, không tương nhượng nam giới trong mọi lãnh vực. Martin Luther King, Jr, lãnh tụ da đen với câu nói để đời I have a dream, bị ám sát. Robert Kennedy trẻ, đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có cơ hội làm tổng thống Hoa Kỳ tương lai cũng bị ám sát. Hàng hàng lớp lớp sinh viên xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam, thách đố Lyndon B. Johnson bằng khẩu hiệu: Hey, hey, LBJ, how many kids did you kill today?
Năm 2000 đang đứng chờ sẵn ở ngưỡng cửa. Giấc mơ Mỹ, màu trắng, liệu còn đứng vững được bao lâu? Như màu da Michael Jackson càng ngày càng nhạt. Jodie Foster, Madonna mang thai bằng cách mướn chồng, mua tinh trùng. Con chỉ cần biết mẹ là đủ! Qua rồi cái thời bắc võng ru con, chỉ bóng trên tường: cha con đấy, để rồi chọn cái chết oan thay cho lời bày tỏ lòng trung trinh tiết nghĩa, nay là chuyện cổ tích.
Nơi tôi ở, miền Bắc tiểu bang California với những buổi họp mặt, ăn trưa, gặp gỡ... đủ những nụ cười, những cái nhăn mặt của mọi sắc dân. Năm thực khách bước vào nhà hàng toàn người da trắng là nhận ngay ra sự khác biệt. Họ Nguyễn đã bắt đầu quen thuộc trong trường học, sở làm, giữa chốn công cộng. Hết còn bị người bản xứ phát âm Nu-gen, như thời chân ướt chân ráo tị nạn bẩy lăm, người Việt lúc đó gặp nhau ngần ngừ chỉ trỏ Mít Mít phải không? chỉ cần một cái gật đầu là lòng sung sướng như tìm lại được đứa con thất lạc lâu ngày.
2. Tôi đến Dục Mỹ trời vừa chập choạng, màu tối đang lấn màu sáng. Từ Sài Gòn ra đây xe chạy đúng mười hai tiếng. Bốn bánh xe trải qua không biết bao trăm ngàn lỗ hổng gọi là ổ gà, ổ trâu, ổ heo. Chị Hạnh, chị họ xa, ngồi sát cạnh, mắt liên hồi trợn, căng trắng dã, thở hắt liên tục: Ổ voi chứ chẳng phải ổ gà! Đầu tôi cứ bị tống mạnh lên tận đỉnh trần. Không dây thắt an toàn. Hai tay ghì chặt thành ghế, mỏi mệt lẫn buông xuôi.
Khuôn mặt Dục Mỹ đón tôi nhá nhem, như khuôn mặt đứa bé con nhà nghèo cả ngày chưa rửa. Gà đã xua vào chuồng. Tôi tắm rửa, xối nước ào ào. Chén cơm, với những hạt sạn suýt mẻ răng, da gà nổi ran tận háng. Chưa xong bữa, tăm đã rải trên bàn. Xỉa, quẹt, chẳng ai buồn lấy tay che miệng, tôi cũng thế, ai sao mình vậy. Xỉa răng che miệng là giả tạo, kiểu cách, thậm chí là sỉ nhục. Những chữ sorry, please, thank you... không thể áp dụng nơi chốn này. Nhất là trong căn nhà tôi đang xỉa răng, hai chân rút cao trên ghế.
° ° °
Tôi ngồi im trong bóng tối. Ngọn đèn neon dài hắt ánh sáng xanh bệnh hoạn. Tôi ngó quanh, điểm từng khuôn mặt người sống trong căn nhà này. Gia đình chồng. Mỗi người thu gọn một góc. Tôi có ngồi nhầm góc của ai trong căn nhà này không?
3
Cùng máu mủ, thịt xương, gan ruột tuôn ra từ một cửa mình. Kết tinh từ hàng tỉ tinh trùng và hàng tỉ cái trứng, tạo thành năm người con. Toàn là cu, chẳng có cái hĩm nào. Sao không là tứ qúy mà là ngũ qủy. Nhà phải có nếp có tẻ mới vui. Bố thỉnh thoảng than, trái lại, mẹ tuyệt đối không bao giờ.
Anh cả tên Tịnh, chết vừa đúng mười tám tuổi hai tháng bẩy ngày. Anh chết ngay ngày đầu quân. Người lính, cũng là tân binh, đứng sau lưng, xếp hành lãnh súng, thử súng, một viên đạn còn sót trong nòng, chĩa thẳng ngay ót anh Tịnh. Anh chết mà mắt còn mở miệng còn há.
Anh thứ nhì, tên Quyến. Một ngày cuối năm 1976 bỏ nhà đi biệt, để lại những tin đồn, thắc mắc, nghi ngờ, tự hỏi trong lòng người thân, bạn bè, hàng xóm. Vượt biên? Chết đuối? Xe cán? Ăn mày? Chết đói? Bị giết?... Lần cuối ra khỏi nhà nó bận cái quần đùi đen rách tưa gấu, nhất định kiếm cho được cái địa bàn. Thêm thắt, thêm mắm thêm muối, thêm lời. Địa bàn hay hải bàn, đường bộ khác đường thủy, cha nội! Ông Tương đầu ngõ xía vào. Nhưng biết chắc một điều anh đi luôn một lèo, chết bờ chết bụi chết vật vờ. Chết thành ma đói ăn xin. Anh Quyến ít tuổi, lại bất tài, con nhà nghèo, chẳng đẹp trai nên huyền thoại thêu dệt về anh không quá ba tháng, từ ngày anh rời khỏi đất Dục Mỹ.
Người thứ ba là Đức, chồng tôi, nhân vật chính trong đời tôi. Tôi sẽ kể ở phần tới.
Người thứ tư là Trinh, nhân vật chính làm nên cuốn sách này. Tôi cũng sẽ kể ở phần tới.
Và người cuối cùng là Hoán. Thằng Út, trong nhà thương thì gọi thế, còn hàng xóm, bạn bè, người quen gọi hắn là thằng què, thằng thọt, thằng câm, thằng ngố, thằng lì... Sanh ra chân trái nó đã có tật, ngắn và không xương, bị thịt lắc lư vô dụng, chứa đựng tức bực, oán hận, oan ức... dẫn lộ ra hai tròng con ngươi. Lâu ngày, biến thành lầm lì, câm nín, chựu đựng.
° ° °
Thằng Hoán ngồi ở góc phải từ lúc tôi đặt chân vào nhà. Tôi chưa thấy miệng nó mở rộng, ngoại trừ chị, chị, chị... rồi lúng túng thả lỏng câu định nói. Cái nạng gỗ quẹt ngang, quẹt dọc hoặc gõ lóc cóc trên sàn xi măng, như thói quen chồng tôi hay rung đùi khi xem TV, ăn ice cream, hoặc khoái chí điều gì. Tiếng gõ đều đều làm tôi tưởng chừng lòng nó vừa vui mừng, vừa lo âu, vừa sợ sệt vì sự có mặt bất thường lạ kỳ của tôi. Nó ngồi nhai cơm rào rạo. Có sạn hắn có nuốt luôn không? Răng có bị mẻ cái nào không? Thằng Út im ỉm suốt ngày, tiếng nạng gõ lọc cọc là biết nó đang có mặt, đâu đó. Đức bảo tôi thế. Anh chịu, chẳng biết nó nghĩ gì muốn gì cần gì. Thậm chí cái lắc đầu hay gật đầu, nó cũng hạn chế tối đa.
Ấy thế mà nó lại thích ra ngồi ở quán cóc. Một ly cà phê đen đá, một gói thuốc, nó ngồi lì hàng giờ, cong cả sóng lưng. Cạnh nó là thằng bạn, hai cái lưng trần song song, ốm nhom, chỉ cần kiên nhẫn một chút là anh có thể đếm được bao nhiêu đốt xương sống. Hai đứa nó có ngôn ngữ tín hiệu riêng, anh chịu, anh chịu thua. Những chữ tôi nghe rơi rớt tận đáy tim óc khi kết luân, kết thúc về gia đình anh.
Tên Hoán, có nghĩa là còn hy vọng, còn thay đổi, còn xê dịch, còn hoán chuyển.
° ° °
Bố và mẹ, hai nhân vật này tôi cũng sẽ kể ở những phần tới.
4
Những lời nói dài liên tục không ngắt câu, không chấm phẩy, không nhấn mạnh, không viết hoa, không gạch dưới tôi hoàn toàn không hiểu. Nó là thứ ngôn ngữ của riêng anh. Bao nhiêu đêm, bao nhiêu lời nói, bao nhiêu lần bị đánh thức và nằm như thế trắng đêm, để chỉ cố nghĩ, tưởng tượng, rán hiểu những điều anh nói trong giấc mơ, nhưng cuối cùng đành chịu. Tôi chưa bao giờ nói với anh về thứ ngôn ngữ ban đêm của anh. Chỉ mình tôi nghe, tôi biết, dù rằng chẳng phải anh nói với tôi hoặc với bất kỳ khuôn mặt nào anh và tôi từng gặp gỡ. Sau những lời nói, thường thì hơi thở anh có phần nhẹ nhõm hơn.
Sau năm năm sống cạnh chồng, những điều có thể chia sẻ và những điều biết không thể chia sẻ. Nghĩ tới một câu nói của ai đó đã tình cờ lọt vào tai. Hôn nhân thường đổ vỡ sau một năm, năm năm, hoặc hai mươi năm. Giờ thì tôi đang bước vào giai đoạn thứ hai.
Chồng tôi tên Đức, họ Trần, và chữ lót là Văn. Trần Văn Đức. Chẳng biết ai đã chọn, mẹ hay bố. Đức nghĩa là phúc đức mẹ, bà, cha, ông để lại. Về lại đây, nơi chốn anh lọt lòng chào đời, tôi nghĩ tên anh là May thì đúng hơn. May đây là may mắn.
Anh là người may mắn nhất trong gia đình họ Trần này. Tôi tin rằng mỗi người có một số phận, và số phận người này may mắn hơn người kia.
Tôi gặp anh trong một buổi họp mặt ở nhà người bạn. Lúc đấy, anh vừa li dị và tôi vừa học xong. Tôi với chân trời rộng mở, tự do, phiêu lưu, thách đố, xăn tay áo một hai với đời. Còn anh, tâm trạng chán nản, thất vọng, mệt mỏi, mất mát... Người vợ Mỹ, về sau có cơ hội gặp, tôi quá đỗi ngạc nhiên là người trong ảnh thì gầy, cao dong dõng, nhưng khi đối diện, chị cao to gần gấp đôi anh.
Tôi lấy anh, lấy luôn đứa con gái tên Alyssa. Con bé nửa Mỹ nửa Việt. Đẹp và buồn. Miệng cười, mắt không cười. Khi nghe tôi quyết định lấy anh, chị tôi đùa, mua một tặng một. Bố tôi giận đúng một năm, mười hai con trăng lặn chìm suốt năm trong trí nhớ tôi ngày đó. Mẹ đỡ hơn, thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi han, hoặc hẹn ăn trưa, nhưng chữ nghĩa dè chừng, tuy bà không dấu được cử chỉ và nỗi lo âu bình thường nơi người mẹ. Bố coi tôi là đứa con hư hỏng, cứng đầu, vất đi, dám làm trái ý. Thậm chí có lúc coi như tôi đã chết. Sau một năm doạ nạt, đổi chìa khóa, cúp điện thoại... Yêu, tôi bất chấp tất cả, bố mẹ bằng lòng thì tốt mà không bằng lòng thì cũng rán chịu. Yêu thương chẳng phải là cái tội. Tôi nghĩ thế với đầy tự tin rằng mình đã chín mùi suy nghĩ. Kể cả những vết nhăn khổ ải cũng vì yêu tôi hằn sâu trên trán bố. Có anh là tôi đủ, no nê, tràn đầy. Về ở với anh, không hoa không bánh không bàn thờ rước dâu cúng lạy. Không cả thiệp cưới áo cưới, chỉ cái nhẫn hột soàn lấm tấm ở khu Lion Plaza, San Jose đông người Việt cư ngụ, cùng một tuần trăng mật ở Lake Tahoe, sáng thức dậy, nằm nhìn tuyết bám đầy trên những nhánh thông, lòng cứ lo âu hồi hộp sợ nhánh cây gẫy. Trước khi lấy anh, tôi cũng đã có vài mối tình với tụi con trai trên dưới tôi một vài tuổi, chúng nhi nhô bằng nhắng. Ở anh, có sự điềm đạm, vững chãi, từ tốn, không hiểu sao lúc đấy tôi nghĩ thế. Giờ thì có phần thay đổi trong tôi. Đôi khi, tôi muốn quấy động, giang tay hét to một tiếng, ném vỡ cái bát hoặc cái gì đó đang sẵn trong tay hay trước mặt, nhưng anh vẫn vậy, điềm đạm, từ tốn, và nói bằng hai con mắt đầy nhẫn nại yêu thương.
Anh là điểm tựa tinh thần, là miếng bông gòn tẩm sạch nước mắt, máu trong tôi. Chịu được cơn đau bụng và tính khí bất thường tôi ở những ngày kinh nguyệt. Tôi có thể nói cười líu lo hơn nửa giờ không ngưng nghỉ, và anh nghe nhìn không quay lưng đi nơi khác. Thế thì sao tôi không ngả vào lòng anh mỗi đêm cho được.
Sau năm năm, tôi vẫn còn yêu anh, lòng vẫn bồi hồi mỗi chiều khi rẽ xe vào driveway, vẫn tìm chân anh gác mỗi đêm, vẫn thích nói những câu rất bậy khi làm tình, vẫn đạt hai lần cực sướng khoái.
° ° °
Người vợ trước tên Melissa. Cả mẹ lẫn con đều mang hai chữ sa cuối. Tôi đùa, nếu sau này sinh con gái em sẽ đặt tên Felissa để tiện gọi Sa chị, Sa em. Thỉnh thoảng tôi gặp Sa mẹ, còn Sa con ở với chúng tôi mỗi cuối tuần, ngày lễ, và ba tháng hè.
5
Một hôm anh đi làm về sớm, mở cửa, vợ anh và người đàn bà trần truồng như nhộng quấn lấy nhau trên thảm phòng khách. Người đàn bà là bạn thân của vợ chồng anh nhiều năm. Anh phải làm gì? em thử nghĩ đi, nếu ‘nó’ là đàn ông anh còn nhào vô đánh, đấm, đá, đâm... Tôi không thể cười khi nghe anh kể. Ừ, nếu là mình, mình sẽ ứng xử thế nào nhỉ? Chồng mình và thằng bạn thân đang chổng mông chơi nhau...
Không đầy một tháng sau, hai đứa chia tay, gia tài lúc ấy chưa có gì đáng kể. Hai đứa cũng trải qua biết bao ê chề, đớn đau, nhục nhã, thất vọng. Tâm trạng hầu hết của những ai băng qua con đường li dị, chỉ nhanh hay chậm. Lúc đấy anh vừa ra trường luật. Sa mẹ hành nghề bác sĩ nuôi anh ăn học. Ơn này đến nhắm mắt anh vẫn không quên. Chỉ đứa bé là rắc rối. Không lẽ chặt nó ra làm hai khúc. Toà án quyết định, Sa con ở với mẹ ngày thường và với bố cuối tuần.
Sa mẹ và anh biết nhau từ thời sinh viên. Cô bạn gái quấn vợ anh trên thảm cũng là bạn của cả hai trong thời gian ấy. Sau này, khi đang tiến hành thủ tục li dị, anh khám phá hai người đã liên hệ thầm kín sau lưng anh từ thời ấy. Trong ký túc xá, trên xe, nhà mẹ cô bạn vào ngày nghỉ lễ... Nhưng anh đã ‘chiếm’ được phần thắng. Sau này họ gặp lại nhau, anh thua đậm.
Thời còn đi học, anh như con kén chọn mộng. Mộng trở thành nhà văn. Cứ sách trong tay là đọc. Cầu tiêu nhà tắm phòng ngủ, chúi mắt trong những tiệm sách cũ, lục lọi hàng giờ trong thư viện. Đấy là giờ phút lâng lâng hạnh phúc. Tạp chí văn chương rãi đầy trên thảm nhà, sau nệm xe... Anh học cách viết, sáng tác truyện ngắn, thơ... Trí tưởng tượng, giấc mơ đời lẫn lộn trong lứa tuổi thanh niên bất cần đời. Rồi thời gian, thư từ chối nhiều hơn thư nhận đăng. Kiên trì, nhẫn nại, hy vọng là đức tính tốt, cần thiết cho nhà văn chưa thành. Tự dỗ và tự dối lòng mình.
Trong khi anh ấp ủ mộng nhà văn thì Sa mẹ đeo đuổi ngành y khoa. Xuất thân giai cấp trung lưu. Con một, bố bác sĩ, mẹ hiệu trưởng trường trung học ở một tỉnh lị miền đông. Năm Sa mẹ đi thực tập ở tiểu bang Chicago anh đi theo, quyết tâm viết cho xong cuốn tiểu thuyết. Hơn hai năm trăn trở, suy nghĩ, dốc lòng. Đêm đông hơi tuyết lạnh từ bên ngoài lùa vào khe cửa hở, anh ngỡ là hạnh phúc lùa vào. Sa mẹ mang bầu Sa con cũng trong thời gian này. Nếu cần anh trông con. Em đi làm nuôi con lẫn anh. Anh nói. Cả ba cười, kể luôn Sa nhỏ còn nằm trong bụng.
Về lại Cali. Sa mẹ kiếm được việc làm trong nhà thương, lương đủ sống. Tác phẩm cũng đã hoàn tất. Xoay quanh kinh nghiệm cá nhân, hội nhập, phức tạp hôn nhân dị chủng. Chẳng liên hệ đến chiến tranh, giết người, đĩ điếm. Xấp bản thảo gửi đến nhiều nhà xuất bản, lớn, vừa, nhỏ... đủ cả. Thư hồi âm từ chối nhận đều. Hy vọng lụi dần, rồi tắt ngấm. Mỗi năm xứ Mỹ sản xuất biết bao nhà văn không thành, anh là một. Sau hơn hai năm nhìn xấp bản thảo, anh nghĩ nó cũng ‘stink, thối hoắc’ như bà nhà thơ Sylvia Plath chán đời tự tử ở tuổi băm hai đã từng tuyên bố. Anh chua chát nghiệm ra một điều là, ngờ vực tài năng của mình... Phải thực tế, Đức ạ! Con kén vỡ mộng, căn chòi của nó bị bão tố bật tung. Anh đổi sang ngành luật. Quyết định một phần cũng vì nhu cầu gia đình ở Việt Nam.
° ° °
Về đây, chứng kiến những người thân tôi hiểu anh hơn. Đừng bắt, hoặc nghĩ họ phải tự lập, tự lo cho bản thân.
Tôi nghĩ đến những lời nói dài không ngưng nghỉ của anh trong giấc mơ, lặp lại.
° ° °
Trong từng ấy năm, từ ngày còn ngủ gật trên bàn học ở thư viện, mỗi sáng băng qua thảm cỏ trong sân trường, giấc mộng nhà văn và những bóng ma gia đình cứ vây hãm. Sa mẹ đáp ứng điền vào lỗ hổng đó. Những chất keo vá đắp tình yêu, tội tình, tội nghiệp, cảm thông bắt nguồn từ nàng, gia đình nàng, tóm lại anh đã sống nhờ họ. Những lá thư xin tiền bên nhà thường là tiếp nối bằng những đêm mất ngủ, người tươm vã mồ hôi, ruột nóng như lửa táp. Sa mẹ không thể ngờ được, hiểu được, hoặc vẽ ra được hình ảnh gia đình anh. Một gia đình không bình thường đúng nghĩa.
° ° °
Gia đình Việt Nam. Khoảng cách thời gian, không gian. Khoảng cách hoàn cảnh, định mệnh. Khổ nạn.
Gia đình ở Mỹ, vợ anh. Trớ trêu, vấn nạn, phải chăng một lúc nào đó cũng tạo thành khoảng cách. Anh vẫn không rõ, không hiểu, không biết cho đến tận bây giờ.
Anh nhớ lại câu chuyện được nghe thời tuổi nhỏ. Cứu ai? khi giữa dòng nước xoáy. Mẹ hay vợ. Chỉ chọn một. Hiếu hay tình. Mẹ thì chỉ một, mà vợ thì có thể cưới hai hay ba. Câu nói ám ảnh anh thời thơ ấu. Lớn lên nhận ra câu chuyện ai bịa quả là ngu xuẩn và tàn nhẫn cho trẻ con. Giờ thì anh biết, anh phải cứu lấy anh. Anh thấy chính mình bị nhận chìm.
° ° °
Làm sao anh hiểu được tâm trạng tôi trong lúc nằm cong người nghe anh kể trong đêm. Rời rạc, cố gắng, thiện chí, tình cờ, thậm chí bắt buộc... Tôi lắng nghe, mùi mưa, mùi lá khô giòn vỡ, mùi gió xoay trở trong không gian, mùi nồng đất vữa. Tuyệt nhiên chẳng hơi hướm da thịt. Nhắm mắt, những đụn cát bên bờ sông Bến Hải cứ giạt xa dần, xa dần.
Giờ thì anh chẳng còn oán trách gì Sa mẹ.
Trong bóng tối, nụ cười khó hiểu, lạnh lùng, diễu cợt của tài tử Jack Nicholson xuất hiện. Vì sao? Phức tạp, nếu là vật thể, thì nó là cái thòng lọng thắt chặt hồn tôi.
6
Thỉnh thoảng nghe chồng kể về Dục Mỹ, nơi anh sinh ra và sống quãng đời ấu thời, tôi hình dung trong đầu là những nóc nhà tranh cùn cụt, xơ xác sắp trôi tuột theo cột chân cầu, mà chân cầu thì như chân người tù đói, sắp ngã qụy. Đêm đêm, màu sáng vàng của ánh hỏa châu bất chợt nổ bung, chảy dài thõng, tim vỗ thình thịch chỉ sợ chúng tắt ngúm quá nhanh. Tiếng súng tập bắn của những anh lính mới, biệt động quân, pháo binh, đì đùng đì đạch, vọng về. Những khuôn mặt ngốc nghếch bất cần đời, bất chấp tất cả, tư thế nổi loạn, coi trời bằng vung, ý niệm thời thời gian chưa hề có, sống chết là chuyện của thiên hạ. Thanh niên mười tám tuổi bất cứ ở đâu, thời đại nào đều cùng chung ý nghĩ, đều khó lòng che được chữ ngố dẫu đang tán gái, đùa chơi, hoặc sắp bước chân vào cửa tử. Tôi hình dung từng đoàn tân binh xổng chuồng ở mỗi sáng Chủ Nhật như đoàn du khách Nhật đi nghỉ hè ở Hawaii, tay chỉ chỏ, miệng cười nói, từ kiểu tóc, đến giây buộc giày đều đồng phục, chỉ khác người Nhật không trực diện chiến tranh.
Dục Mỹ ở đâu? Tôi hỏi. Gần Nha Trang. Anh trả lời. Nha Trang thì tôi định hình được đâu đó trên bản đồ. Cái xóm chứ chẳng phải thành phố. Nó mang máng như cái xóm Cầu Mới của ông Nhất Linh. Anh vừa nói, vừa đong đưa chân, như suy nghĩ của anh, của tôi. Dân tứ xứ, lỡ đường, lỡ xá, lỡ làng, lỡ dại... lỡ dở, lỡ thì, lỡ trớn... ô hợp. Họ sống quây quần, cố bám víu cái chân cầu mục rệu mà sống. Sống vật vờ, vợ lính, đi buôn... có cả người Thượng, bán buôn trao đổi, không giữ lời hứa là họ thư có nước phình bụng mà chết. Thư nghĩa là làm sao? Tôi hỏi. Làm cho người ta đau đớn, kim nhọn mẻ chai sắt đá vỏ trứng kìm búa dao kéo chất đầy trong bụng cứ mỗi ngày phình to như bà chửa quá ngày. Tôi nghe như chuyện hoang đường, kinh dị nhưng vẫn cố tin là thật.
Dục Mỹ tôi biết là qua anh, qua những câu chuyện kể. Tâm tình anh lúc ấy lơ mơ nửa dứt bỏ, nửa đau lòng. Như vết thương, tưởng lành, nhưng không. Muôn đời là mảnh da non.
Dục Mỹ, tôi không rõ, không hiểu, không thấy, không tìm kiếm, không bận tâm, không thắc mắc, không hỏi han nhiều. Nhưng sao nó vẫn cứ nằm sâu trong xó óc và góc tim tôi.
Tôi ngồi thõng chân, cố nhìn ra xa, đâm thủng mảnh tường, băng qua những gốc cây, tàn lá, trời đêm... tìm kiếm cái chân cầu gỗ mục, xác xơ, rác rưới trôi lềnh bềnh. Tuổi thơ anh bơi lội trong giòng nước đó.
Chân cầu, chìm sâu trong bóng tối, ý nghĩ của riêng tôi.
7
Tôi cũng là đứa ưa nghĩ ngợi. Có khi nghiêm nghị, có khi vẩn vơ. Vẩn vơ có lẽ chiếm nhiều sức lực, thì giờ của tôi hơn.
Lúc còn bé, nằm dài trên giường, trong tưng bừng ánh sáng, hoặc âm u trời đêm, ý nghĩ cứ mọc rễ bám cứng như tóc trên đầu. Cứ nghĩ quẩn. Mẹ bắt đầu quan tâm. Đừng hỏi vớ vẩn. Mẹ rầy la. Đừng có vớ vẩn nữa. Lúc đấy, giọng mẹ bực bội thật.
Tại sao cái lá màu xanh mà không là màu tím? Tại sao con Phượng mẹ nó bắt mỗi sáng phải đi nhà thờ đến độ băng qua đường bị xe nhà binh cán lòi ruột? Tại sao ông Đệ chết mắt nhắm như ngủ? Tại sao bà ngoại hay thở dài? ... Tôi chưa âu lo tới ý nghĩa cuộc đời là gì? Tại sao phải sống? Chết rồi đi đâu? Phải chăng chỉ có chết là chắc chắn? Hoặc than trách, sống sao mà khổ thế này? Cuộc đời có ý nghĩa gì không? Ta là ai? là gì? Đó là câu hỏi cho mình, về sau.
Tưởng rằng sẽ theo đuổi ngành triết, nhưng sau hai lớp, tôi chuyển ngành. ‘Triết học’ rơi rớt lại trong tôi là, suốt mấy năm đại học, tôi yêu tha thiết ông thầy dạy triết, nhưng ông hoàn toàn không hề hay biết, đồng thời khám phá ra rằng, triết chẳng vớ vẩn như mẹ tôi thường nói, trái lại, nó lý lẽ, hệ thống, rõ ràng như 2+3=5. Nó giúp tôi phán đoán, phân biệt, và so sánh.
Cũng như bạn bè quanh tôi ngày ấy, loay hoay điệu đà lục lọi, moi móc cho ra ý nghĩa sự sống, thân phận con người, cá nhân tranh dành ảnh hưởng. Bắc cầu qua lãnh thổ văn chương, lần mò đi theo con đường những người cùng thời, đi trước, hoặc đã khuất. Lãng mạn nghĩ mỗi cuốn sách là một kiếp nhân sinh và là một ngôi mộ. Chúng giúp tôi lặn sâu hơn và hít mạnh hơn, tự tin hơn và độc lập hơn. Tôi tập quan sát, lựa chọn, suy nghĩ đưa tới tự do và ý thức trách nhiệm. Những phức tạp, đối nghịch, thử thách tưởng rằng sẽ vượt qua được hết. Tôi nhìn, ngó, ngắm, thọc sâu vào tình cảm của mình. Tôi cố rán sức đi xa hơn một chút, tách mình ra một chút, làm thân phận đàn bà, mẹ tôi, dì tôi, bà tôi, chị tôi, bạn gái tôi, và những người đàn bà tôi thành tâm ngưỡng mộ.
Nhưng tất cả chỉ là ý nghĩ nằm trong đầu, chưa bước qua ranh giới thực tế. Ngày đó, tôi chỉ là con bé no tròn thể xác.
Tôi mở mắt lắng tai, dáo dác tìm hiểu và ý kiến.
Giá trị của người đàn bà, ngoài cặp vú với cái lỗ sâu, kinh nguyệt hàng tháng?
Sự đóng góp
Những ước mộng.
Phải chăng tôi đang tìm kiếm, đang sống, đang khát khao?
Tôi như đứa bé tò mò tìm tòi cái gì đó người lớn dấu cất, không đưa... nhưng biết thuộc về tôi, thì Đức xuất hiện, giúp tôi một tay, khám phá mạnh dạn hơn.
° ° °
Hai biến cố tôi rút tỉa ra được sau bao đêm ngày vật lộn với những ‘vẩn vơ’ là, thứ nhất, người bạn gái rất thân của tôi đêm trước sinh nhật mười chín treo cổ tự tử, không để lại một lời giải thích. Và thứ hai, tôi tự tay bứt sợi giây ruột thịt nối liền xác thân bao nhiêu năm trên đời, quyết định về ở với anh.
8
Thằng con trai hay gã đàn ông? Sao tôi lại lẩm cẩm như bà cố nội tôi, thiếu nữ đồng trinh hay thất trinh thế này? Thôi cứ gọi là hắn vậy. Hắn là em kế chồng tôi, tên Trinh.
Hai đứa tôi ngồi trên ghế nhựa trẻ con. Ở Mỹ, tôi cũng đã mua ở K-Mart năm cái ghế nhựa thế này cho Sa con sinh nhật năm tuổi với năm màu khác nhau cho năm đứa bạn của nó và đã được năm năm.
Lúc này, dưới chân tôi là đất-cát-đá-sỏi và rác rưởi lụn vụn li ti, lộm cộm, vướng víu. Nhìn xuống chân, đôi dép cao su mềm nhũn ở góc đế phải, bị riềng xe máy ngoạm cách đây mấy hôm. Sáng mai ra chợ mua đôi khác. Tôi nhủ thầm, nhận ra màu sắc móng chân mình sao kỳ lạ, ban ngày đỏ rực màu cưới hỏi, ban đêm đèn đường Dục Mỹ biến thành máu bầm, màu ngày cuối kinh nguyệt.
Tuột chân ra khỏi dép, tôi chà mạnh lên đất, trò chơi tuổi nhỏ. Múc thìa chè, ngậm, nhơn nhớt, lợn cợn, mặn mà như nước mũi, đọng trên lưỡi. Múc lên, đổ xuống, múc lên, đổ xuống... nghĩ thầm chẳng khác tinh khí đàn ông, như chất đờm vàng nghẹn ngang cuống họng, như nước mũi xanh thò lò thụt vô thụt ra của đứa bé nấp sau cánh cửa tôi bắt gặp buổi chiều lúc xe rẽ vào ngõ. Tôi thấy đứa bé chính là tôi của hơn hai mươi năm trước. Thìa chè múc lên-đổ xuống, đổ xuống-múc lên tựa huyết trắng ở một buổi sáng thức dậy, ọc, chỉ mình biết, đáy quần lót nhơn nhớt, dậy mùi.
Nhìn nghiêng gã mặt con trai, trong bóng tối, có cái gì trên khuôn mặt hắn lợn cợn như ly chè bóp chặt trong tay.
Nghĩ đến Đức, giờ này anh đang làm gì?
Tôi muốn đến xem căn nhà cũ ngày trước anh Đức ở, được không? Tôi hỏi.
Trời tối rồi, sáng mai em đưa chị đến xem. Giờ chỉ còn cái sân xi măng, và cái giếng cạn. Tất cả đã cháy rụi. Trinh nói.
9
Tôi choàng thức, trạng thái mơ màng, nửa tỉnh, nửa mê.
Tiếng thét gào. Rú từng cơn. Của ai?
Con vật? Con người?
... tiếng heo, eng éc, không phải bị lùa vào chuồng, chúc mỏ tranh miếng ăn. Nó là tiếng rú gào, van xin sự sống.
° ° °
Sáng sớm tinh mơ ngày đầu, nơi giam giữ ấu thời chồng tôi. Tiếng heo... không rên rỉ, mà là thét gào, âm thanh xé toang óc, đập dập tim tôi.
Người tôi quằn theo tiếng kêu trời, của heo.
° ° °
Tiếng gào thét nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần... nhỏ dần... thưa dần...
Rồi im bặt.
° ° °
Người ta giết heo, mổ thịt con heo, thì có gì lạ?
Giết heo, xẻ thịt, thức ăn nuôi sống con người bao ngàn năm như thế, tại sao tôi phải quằn người?
Lại thêm một tràng thét gào của con heo khác. Từng cơn, từng con thay phiên lên bàn mổ.
Rồi lại nhỏ dần, thưa dần. Im bặt.
° ° °
Tiếng bánh xe nghiền nát mặt lộ chính át tiếng van xin. Tưởng chừng xe đang tuột dốc, đứt dây thắng, nhào đổ, vực sâu không đáy, tan xương nát thịt, mũi-mắt-mồm cùng căng. Trong đám hành khách có khuôn mặt tôi mười tuổi. Tóc cắt ngang tai, chới với ôm vồ lấy khoảng không mông mênh. Mắt không nhìn thấy được chiều sâu. Tôi rơi, rớt trong khoảng không vô tận.
° ° °
Một góc nhỏ trên đất nước một năm chỉ hai mùa ráo ướt. Vùng nhiệt đơi, tên gọi rất đỗi lãng mạn, thơ mộng, gợi cảm, đầy khiêu khích và rất lạ kỳ. Nằm trên cái ghế bố made in USA sót lại thời Mỹ hiện hữu nơi đây. Đắp vá chằng chịt. Nước trong tôi tuôn trào xối xả như thác.
° ° °
Cái ghế bố Mỹ đắp vá chằng chịt nương nhẹ thân tôi.
° ° °
Huyết heo ộc ra từ cổ theo vết dao thọc. Máu từ cửa mình tôi ộc ra. Thắt chặt co giật. Từng cơn. Xếp lớp, như hoa trên bức tranh Georgia O’Keeffe. Những dãy đồi đỏ rực màu lựu mùa hè. Xương sọ, đầu lâu bạc màu nắng gió. Kinh hoàng. Mạnh mẽ. Khủng khiếp. Dứt khoát như mái tóc người đàn bà tóm gọn đằng sau ót. Hoa lan, hoa quỳnh khép nở, hương đêm. Huyết heo đỏ au. Tô bún bò Huế bốc khói, hai miếng huyết heo vuông vức thẫm màu mướt mịn, lềnh bềnh trôi trên mặt tô bốc khói cay nồng. Nhai không kỹ, huyết heo bám cứng kẻ răng, phải dùng tăm quẹt, móc, xỉa điệu nghệ như Trinh sau mỗi bữa ăn. Chồng tôi ở Mỹ, tân kỳ tiến bộ hơn, dùng dây floss tẩm mùi bạc hà, rành rọt đến độ chẳng cần soi gương.
Một chậu huyết heo tươi rói. Máu chết.
Một bịch băng vệ sinh. Máu sống.
Người tôi lại cứng đơ. Mặt ghế bố vải Mỹ cứng đơ. Đã có thằng lính Mỹ, Quốc Gia, Việt Cộng nào chết, hấp hối, mộng mơ, xuất tinh trên cái ghế bố vá đắp chằng chịt tôi đang nằm này không?
10
Hai cây súng nhựa dài màu tro treo châu nòng vào nhau. Bên trên là đầu con dê thật, hai cái sừng khô cong cứng như cành cây tróc lá cuối đông. Miệng nó ngậm nhưng răng vẫn trào ra ngoài. Hai con mắt trợn ngược, thứ mắt chết.
Tóc nó còn sống không nhỉ? và cả da nó nữa? Mắt của những con heo bị thọc chắc cũng trợn ngược như thế. Những con mắt van xin sự sống. Oan ức, bức tử.
Có ai vuốt mắt cho chúng không?
Tôi nằm vật lại trên giường. Tiếng heo tru vọng trỗi dậy trong tôi.
° ° °
Tôi nằm như thế. Ý nghĩ nhấp nhô như mặt biển ngày có giông.
Mặt chữ di động trên những tờ báo, Nhân Dân, Phụ Nữ Mới, Thanh Niên, Giải Phóng, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong... Mua cả xấp mà chỉ đọc mấy cái tít, vài dòng, lướt nhanh. Chịu, không thể nắm bắt được. Hoàn toàn lạc lối, lạc loài, xa lạ với những tên tuổi, đề tài, nội dung, địa danh.
Nhạc Hà Nội đang được mùa. Mỹ Linh tròn trĩnh. Hồng Nhung răng khểnh, nếu ở Mỹ đã phải niền từ năm lên mười. Thanh Lam nét mặt đàn bà Trung Đông. Hình ba cô ca sĩ cứ đập vào mắt, tai tôi. Hồng Nhung, Bống bồng ơi! Mỹ Linh, Phù Vân Yên Tử ơi! Thanh Lam hú theo nhạc Jazz... Tại sao cả ba cô này lại đột ngột xuất hiện trong tôi cùng một lúc thế này?
Thêm một cái bóng nữa vừa băng qua bên ngoài cửa sổ, lần này kèm theo âm thanh lọc cọc lọc cọc lọc cọc. Ồ! thằng út.
Tôi bật dậy, chạm thẳng mặt là người đàn bà ngồi ở góc xó. Bà đang ôm đầu hay ôm thân? Tôi lại ngã lưng xuống ghế bố Mỹ. Mấy giờ rồi? Mặt trời đã ngoi mặt hẳn chưa? Tôi và mặt trời cùng cố ngoi. Tiếng xương sống đánh thức xa lạ. Xa lạ như hơn hai mươi năm trước. Kẻ lạ trên đất lạ. Cả gia đình tôi ngày đầu trên đất Mỹ, đứng xếp hàng dọc, đợi bà bảo trợ giúp điền đơn xin trợ cấp xã hội, bà không thể nắm bắt được... nên kê khai lẫn lộn tên họ ngày tháng năm sanh.
° ° °
Người đàn bà ngồi ôm thân mình. Người đàn bà không đầu. Ngồi chồm hổm, tựa con khỉ già, kiệt sức, quắt queo, cách tôi một cái vói tay.
Người đàn bà không đầu kia là mẹ của thằng con chết ngày đầu nhập ngũ, thằng con một buổi sáng bỏ nhà đi biệt, thằng con giờ là chồng tôi, thằng con mặt vá, thằng con liệt chân.
Cùng muôn vàn bí ẩn.
11
Ngày xửa ngày xưa... Bốn chữ bắt đầu cho bất kỳ câu chuyện cổ tích nào trên trái đất này.
Đêm mưa, ôm cánh tay chồng, ấm yên, lòng rủ như lụa, lắng nghe chồng thủ thỉ kể chuyện Người Mẹ.
° ° °
Giờ thì bà đang ngồi đằng kia, cách tôi một cái vói tay. Nhưng sao tôi chẳng thấy đầu bà? Bà không đầu ơi! Tôi gọi, giọng gió.
Chồng tôi giờ này bên kia nửa quả địa cầu, áo khoác Norstrom, cà vạt Banana Republic, vớ Macy’s đang ngồi trên lầu chín ở Union Square, San Francisco sử dụng cái đầu, cái lưỡi để giải quyết vấn nạn, tìm cách đổi đen thành trắng, biến trắng thành đen, bằng mọi cách moi tiền thiên hạ.
... Mẹ anh, người đàn bà, cả quần cả áo cả tóc cả tai cả móng tay móng chân cân chưa tới 70 pounds... Anh kể, tôi gác cả hai chân lên người anh. Đêm mùa đông, nước mưa loáng hết hai mặt lá miền bắc Cali.
Người đàn bà. Mẹ anh... Mẹ anh. Và mẹ anh... Bao nhiêu lần tôi nghe câu chuyện cổ tích xưa tựa trái đất này. Như nước mưa từ trời muôn ngàn năm vẫn đổ. Mẹ anh... dứt câu chuyện, nghẹn ngang lồng ngực anh, rồi lây sang lồng tôi bao giờ không biết. Tiếng thở dài chở ngàn khối đá tuyệt vọng qua muôn ngàn vạn dặm. Không gian và thời gian. Mất mát chia lìa. Trốn tránh rồi tìm kiếm. Sợ hãi lẫn đương đầu. Nhưng là bất lực. Bất lực ngay khi óc não trắng sền sệt khoanh tròn ngự trị trong đầu anh vừa nhú mầm, đã có chút trí khôn, đặt câu hỏi, như tín đồ Thiên Chúa Giáo phải thông qua lễ rửa tội. Biết tập ngắm nhìn sự vật bằng nẻo lý trí.
Nếu trên trần gian này có chữ cho, hiến dâng, tặng, biếu... thì Mẹ anh là biểu tượng.
12
Bố anh suốt đời là lính. Lính trơn đúng nghĩa. Thời gian ông ở trong quân đội dài bằng cuộc chiến. Cấp bằng cuối cùng khi được giải ngũ là thượng sĩ nhất. Ông đi khắp bốn vùng chiến thuật. Thời còn trẻ, sức mẹ còn dai, vác trên vai đàn con bám sát gót giày nhà binh của ông. Về sau cạn sức, mẹ dừng chân lại ở đất Dục Mỹ, còn ông vẫn đi đó đi đây sống đời quân ngũ. Thỉnh thoảng ông về, ồn ào đã từ ngoài ngõ... Trái ngược anh, mỗi năm về nhà hai bận, tết và hè, chỉ nằm nhà, hoặc đi loanh quanh vài con đường cụt trong xóm, thỉnh thoảng ra suối tắm. Dục Mỹ buồn thê thảm em ạ! Trong nhà, anh là thằng khá nhất, phải công nhận như thế. Mẹ nhận ra được điều này, có lẽ nhờ mấy gói phần thưởng bọc giấy kiếng đỏ anh bưng về mỗi cuối năm tiểu học. Mẹ quyết tâm dành dụm, chắt mót từng đồng gửi anh vào Nha Trang tiếp tục học, ở trọ nhà người cậu xa.
Tôi nhìn tỉnh lỵ, không thấy bề sâu, chỉ thấy bề dày. Vài ba con hẻm cụt, như đường chỉ tay, nối liền nhưng chẳng đủ dài để nuôi nổi cơn mộng đời của bất cứ dân cư nào sinh sống nơi đây. Hình ảnh Trinh, ngồi rồi đứng, vô rồi ra, phụ mẹ dọn hàng, đếm tiền lẻ, đong gạo, xếp từng trứng vịt muối, bó gọn gói miến khô. Anh Cả đến tuổi đi lính. Thanh niên bốn phương còn bị xúc đổ về đây, huống gì anh, từ nhà ra trại lính có thể đi bộ được. Nghề lính là nghề cha truyền con nối ở xứ sở này. Ngày trước truyền gươm giáo, ngày nay truyền súng đạn. Tôi ngồi duỗi chân hình dung ra hình ảnh anh, rõ ràng như con số chẵn, lẻ. Ngày đầu nhập ngũ, viên đạn phóng phọt trúng ngay ót, giây phút đó, miệng anh có lẩm nhẩm, cân lượng, bó, đong, gói, đếm... có băn khoăn tự hỏi ai sẽ khuân vác kéo lôi những kiện hàng, bao gạo, đóng cửa, gài then mỗi sáng, mỗi tối cho mẹ thay anh? Mẹ ngày đó còn da còn thịt còn chút mỡ màng, chứ không cả quần cả áo cả tóc cả tai cả móng tay móng chân cân nặng chưa tới 70 pounds như bây giờ...
Người đàn ông, chồng tôi gọi bằng bố, hiếm hoi được gặp. Hình ảnh ông kiên nhẫn ngồi đánh bóng đôi giày bằng xira màu đen đặc quánh, mùi hăng hắc, anh xớ rớ lại gần, nghểnh mũi ngửi, như mùi cao su khét. Anh ngắm say sưa cái hộp tròn, màu đỏ đen, hình tựa bùa chú. Cái mùi ngầy ngậy đầy khiêu khích. Anh nhích lại gần hơn. Ông ngưng tay, cút!
Anh ra sân sau ngồi, tự hỏi, cái mùi hăng hắc như cao su khét kia đến từ đâu? Phải là xa lắc xa lơ. Mỹ, Tàu, Tây, Nhật, Đại Hàn, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Ai Cập, Mễ Tây Cơ, Ba Lan? Đầu óc anh bay bổng, không nơi bám, trụ, như đám mây đang bay ngang bầu trời Dục Mỹ.
Người đàn ông, chồng tôi gọi là bố, ít nói, hút thuốc liên miên, hít vô thở ra, như ống máy bơm, xịt khói. Ông làm bất cứ gì cũng chậm chạp, uể oải, miễn cưỡng, kể cả ăn. Chỉ trừ đánh bóng đôi giày, tỏ ra như không bị ràng buộc, hối thúc, đúng giờ, kỷ luật, nhắc nhở. Nghỉ phép đúng nghĩa. Còn anh, nhận ra cơm mẹ làm ngon hơn, mở cửa hàng muộn hơn, bầy con ít bị la mắng hơn. Như thế, là được tự do hơn, riêng tư hơn, thoải mái hơn.
Người đàn ông, chồng tôi gọi là bố, ngoài nghiện thuốc lá, còn có cái tật ghê gớm như răng sắt nghiền nát mặt đường là rượu. Thứ rượu trắng, gọi tắt là đế, gọi đùa là nước mắt quê hương, mùi nồng xông ngộp mũi khi đứng gần. Hôm nào từ quán bà Đệ về, say nhẹ, ông chỉ lẩm bẩm, như cầu kinh rồi đi ngủ. Hôm nào say nặng, ông vung tay múa chân, miệng chửi rủa la lối, mắt đỏ như tướm máu, cả nhà thấp thỏm chờ đợi ai sẽ là nạn nhân, tự tìm đường trốn. Đứa chui gầm giường, đứa lảng sau hè, đứa ôm cột nhà, thằng Út lết níu chặt áo mẹ. Tay chân ông quờ quạng như Sơn Đông mãi võ. Hai tròng mắt phủ trùm màu máu. Giọng ồm ồm như còi xe vận tải ào ào xuyên Việt trong đêm. Rờn rợn tựa tiếng heo thét lúc nhát dao đầu tiên thọc sâu vào cổ.
Chỉ mẹ chịu đương đầu, tóc bà xổ tung, ngã vật trong bóng tối, lửa tỏa từ tròng mắt, bóng mẹ... Trời! anh chỉ muốn nhào ra ôm chặt lấy bà, và bóp cổ bố anh. Cái tát, cái đá, ngọn nịt quất lằn trên da thịt vợ, con, giật tóc, mắt trắng dã, xùi trào bọt mép, tỉ tê, khóc lóc, van xin, chửi bới, rủa thề... bố đá, mẹ hét, bố tát, mẹ đập đồ... Ôi trò chơi người lớn, con người hành hạ lẫn nhau, nếu có thượng đế ngồi trên cao, chắc ông mỉm cười thỏa mãn vì tạo nên con người, để nhìn thấy rõ sự tàn nhẫn nơi con người.
Ông giét tôi, trời ơi là trời.
Mày câm mồm, con đĩ thối tha kia.
Con đĩ, tao giết mày, con đĩ, mày ngủ với trai, mày phỉnh lừa tao, con mày đâu? con đĩ thối chẩy thây, vợ với con, con mày, mày giấu nó đâu? hay bị chết bờ chết bụi. Tao là thằng bị lừa, cả dòng họ nhà mày lừa tao.
Những lời lẽ tuôn trào, như thác nước vỡ trong đêm, in sâu trong trí não anh suốt thời ấu thơ. Lời lẽ... anh không hiểu, hoàn toàn không hiểu, lờ mờ hiểu, cố gắng hiểu, bi kịch gia đình, như tấm jigsaw puzzle rời rạc, mảnh còn, mảnh mất.
Ngày đó, anh chỉ biết mẹ bị đá, bị tát, bị đánh, bị đấm, bị túm ngược tóc. Anh bịt tai, chạy ù ra sau sân trường Chùa, lòng rát bỏng, rấm rứt khóc, rồi ngủ quên. Mẹ ra tìm anh ẵm về, bước chân xiêu vẹo trong bóng đêm. Trên con đường từ trường Chùa về nhà độ vài chục bước, bẩy tuổi, anh rờ được trái tim mẹ, đỏ hỏn, phập phồng, đẫm ướt... nước mắt anh ứa trên vai mẹ, anh muốn chùi, dụi, nhưng sợ mẹ thả anh xuống bắt đi bộ. Vào nhà, mẹ đặt anh xuống giường, mẹ vừa quay lưng, anh mở mắt, hai cục xương vai mẹ nhô cao, cứng, nhưng sao khi nãy anh áp mặt vào, nhẹ như lông ngỗng.
° ° °
Rồi một ngày anh rời mẹ, rời gia đình, rời tổ ấm, rời Dục Mỹ, mảnh đất để lại trong anh không nhiều kỷ niệm ấu thơ đẹp, rời quê hương đất nước đầy những khổ nạn, anh ra đi, phủi sạch hai tay, mang theo những mảnh jigsaw puzzle không bao giờ tìm kiếm lại được.
13
Những cảnh xô xát, chén bát vèo vèo như sao bay trong bầu trời đêm. Cũng may, nhà dùng toàn đồ nhựa, vất, liệng, ném vẫn lì lợm không vỡ.
Mảnh vai mẹ nhẹ tựa lông ngỗng rung rung, và nước mắt thấm ướt. Giờ đây anh lớn, hiểu ra rằng, mẹ biết anh còn thức, những vẫn bế vác anh, bởi lúc đó, chính bà, cũng cần nơi nương tựa, chở che. Bóng đêm, tàn lá, mùi mẹ, và tiếng nấc lòng. Những bước chân lạo xạo ngả nghiêng của mẹ, không khua nổi sỏi đá dưới chân.
Môi thằng Út tím ngắt. Mặt anh Cả cắt không một giọt máu. Bóng anh Quyến lấp ló. Mắt thằng Trinh trắng dã.
° ° °
Bi kịch gia đình bắt nguồn từ cái thai.
Mười sáu tuổi, trăng rằm, tròn lẳng, tuổi của mẹ.
Chuyện xảy ra trong một đêm không trăng...
Người chú họ chuyên buôn bán đường xa. Cái hòm gỗ vuông vức, sơn đỏ, đựng đủ tượng Đức Chúa Con, Đức Mẹ Đồng Trinh, các vị Thánh, tràng hạt, thánh giá... chú luôn đeo cứng bên mình. Ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối. Năm thì mười hoạ chú ghé nhà, ở chỉ độ dăm ba ngày. Một hôm vì lý do gì đó, hứng chí chú lấy tờ giấy bạc 50 đồng quấn thuốc lá hút, nhả khói trắng bay lững lơ. Mấy chục nóc nhà trong xóm bàn mãi câu chuyện "đốt tiền" cả năm sau khi chú rời khỏi. Chú kể những câu chuyện nơi chốn xa xôi, thành thị phố xá làng mạc đã từng đi qua. Mọi người trố mắt hả miệng vểnh tai nằm-ngồi-đứng nghe chật nhà. Mười sáu tuổi, trăng rằm, tròn lẳng, mẹ cùng cái xó bếp cũng lắng tai nghe. Rồi một đêm mẹ ngủ, thiếp sâu, một cánh tay đàn ông khổng lồ chụp lấy bẻ quặp người mẹ ra sau, nhét kín chiếc khăn vào miệng mẹ. Một tay kéo tuột quần. Mười sáu tuổi trong một đêm không trăng... Mười sáu tuổi trăng rằm, tròn lẳng. Trăng mẹ gẫy vụn nhàu nát như bánh tráng phồng ướt đẫm nước mưa.
Người chú họ ra đi nơi chốn xa xôi gió cát với những bức tượng kể cả Đức Chúa Con trần truồng nghẻo đầu bị đóng đinh trên thập tự giá. Khuôn mặt Đức Mẹ Sầu Bi tràng hạt xanh đỏ tím vàng lấp lánh trái tim các vị thánh mở toang đỏ choé.
Tấm hình nhỏ, in mặt Đức Mẹ Đồng Trinh, chú nhét vội vào túi áo mẹ trước ngày rời nhà. Cầu nguyện, cháu cứ cầu nguyện, Đức Mẹ sẽ giúp, cháu sẽ được cứu rỗi... Cầu nguyện, cứu rỗi. Mười sáu tuổi, tuổi trăng rằm, tròn lẳng, màng trinh mẹ rách toạc.
Những ngày kế, mẹ lết như rắn, "nơi ấy" tấy rộp sưng đỏ. Người mẹ lệch hẳn sau đêm không trăng ấy. Hé mồm là chết, nghe rõ chưa? Trong tay, chú ôm khư khư cái hộp gỗ vuông vức sơn đỏ chứa toàn đấng cứu rỗi, cứu chuộc. Ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối. Để lại người sống dưới mấy chục nóc nhà biết bao nghi vấn, lẫn tiếc ngẩn ngơ tờ giấy bạc 50 đồng, cùng khối tưởng tượng khổng lồ đất đá bầu trời gió cát nơi chốn xa xăm, nhưng không thể hình dung ra được những khuôn mặt con người bên kia chân cầu mục nát. Bên trên đỉnh nón rách tưa viền.
Chỉ riêng mẹ, với cái mầm sống đang bắt đầu nhú nụ.
Cái mầm sống cứ thế mà tăng trưởng. Cái bụng mẹ phình to. Ban đầu người trong nhà đè mẹ ra đánh đập, tra hỏi, xỉ vả, qủy đầu thai, ma ám, hàng xóm tránh né, dèm pha xì xào. Mọi người quên tuốt luốt người chú họ ra đi biền biệt cùng cái hòm gỗ vuông vức sơn đỏ, ban ngày là cái ghế, ban đêm là cái gối, đựng đầy tượng, toàn đứng cứu rỗi, cứu chuộc.
Chín tháng mười ngày đứa bé chui ra từ nơi chốn vật lạ mà người chú họ đã đâm vào. Mẹ, mười bẩy tuổi, bẻ gẫy sừng trâu. Đúng ba ngày sau khi sinh, đứa bé gái đỏ hỏn được bồng đi cho người đàn bà ở làng cạnh nhà không con nhưng đầy của.
Câu chuyện một đêm không trăng xảy ra đã bao nhiêu năm, bao vật đổi sao dời, giờ vẫn như cơn mộng du, chuyện cổ tích. Một lần là một đời ám lấy mẹ.
14
... bố anh, con nhà nghèo (Việt Nam thì ai chẳng nghèo!) Nghèo hơn cả nhà mẹ anh (lại đem cái nghèo nhà mẹ anh, nhà bố anh ra so sánh!) Chẳng có mảnh đất cắm dùi. Làm thuê ở đợ mấy mươi đời. Mai qua mối lại, rồi lấy, về ở với nhau, di cư vào Nam. Những đứa con lần lượt ra đời.
Gần nhau, bố anh có vuốt ve dịu dàng mẹ anh hay ào ào trả thù?
Hình ảnh con trâu điên khổng lồ đổ ập trên thân xác người đàn bà thay vì đấm, đá, đánh, tát, đạp, bợp tai, ghì tóc... như lúc ông đang say rượu. Say tình thì dương vật ngổng như thỏi đồng pha sắt, nóng hổi, cứng ngắc húc sâu mạnh dồn dập vào cửa mình người đàn bà. Nơi cội nguồn sinh diệt. Yêu thương thù hận. Nơi anh chui ra để làm chồng tôi ở chốn trần gian này. Để tôi sẻ nửa phần đời tôi. Tối dạ cũng từ đó mà ra, và nó có khả năng xoay vần hay xếp đặt ngôi vị và thứ bậc của cả nhân loại.
Tôi nằm đây, đưa tay phải đặt nhẹ vào nơi ấy. Cửa mình, cửa trần gian, cửa mở ra sự sống. Nơi chồng tôi bao lần vục mặt, mân mê chùm lông man dại, bảo rằng như rừng rậm hoang dã. Anh là nhà văn không thành. Henry Miller nhà văn đã thành, và đã có lần viết, tôi dấu con chim của tôi trong đám lông man dại của nàng.
° ° °
Và đứa bé gái đúng ba ngày lọt khỏi lòng đã bị bế đi, khi hai bầu vú bà đang rạn nứt sữa căng, khi cửa mình bà rách bươm như bị dùi dao đục khoét. Một tháng sau, bà ra sau hè, đứng xé vụn tấm ảnh Đức Mẹ Đồng Trinh, thả xuống lỗ cầu tiêu, dội nước cho trôi sạch.
Đứa bé gái... mãi nhiều năm sau, "chị Thoa" mẹ đặt tên, gọi chị trong giấc mơ, trong trí tưởng, trong những câu chuyện rớt rơi... đến giờ này, anh chưa lần gặp mặt, nhưng chị Thoa là điểm tựa, là hi vọng, là giấc mơ cho đời mẹ vin lên bao phen gục ngã.
Nghĩa là, người đàn bà không đầu đang ngồi đằng kia, kìa.
Bà là mẹ, sinh ra chồng tôi. Sa con gọi bà là bà nội.
15
Về đây, tôi ôm được cái bóng khổng lồ trong lòng anh. Rờ được vết đau tươi rói, căng phồng máu mủ nguyên thủy, để tin chắc rằng, sẽ chẳng bao giờ là vết sẹo phủ bọc da non. Gia đình, một bịch máu mủ, cuống rốn, buồng trứng, tinh trùng đúng nghĩa. Từng khuôn mặt, tên gọi, giọng nói, ngôn ngữ, dòng họ, nóc nhà, mảnh sân trước, góc vườn sau... một thời chia sẻ tưởng rằng sống chết cho nhau, vì nhau, cùng nhau... giờ thì không là một phần đời sống mà là toàn bộ đời sống nghiệt ngã, bi thương, khổ nạn. Càng ấn sâu, càng trồi mạnh. Càng đè xuống, càng bùng lên, phọt ra, lan tràn, trườn trồi qua muôn vạn ngả.
16
Lần về thứ nhất.
Đàn bà ba miền bận áo thâm quần đen như nhau, nhưng anh nhận ngay ra mẹ. Mẹ níu áo anh, hít hà da thịt anh. Con về đấy hả Đức? Mẹ không tin là con còn sự sống. Phải là phép nhiệm mầu. Ngày đầu anh về, những con đường cụt Dục Mỹ không một làn gió. Ngày cuối anh rời, trời mưa làm đất Dục Mỹ dẻo quẹo, trồi lên giữa những kẽ chân.
Lần về thứ nhì.
Còn một chút nhận ra. Những gói vải lụa, xoa, sa-tanh, mỹ-á mẹ gói gọn, xếp ngay ngắn, cuôn chặt cất giấu trong rương. Sao mẹ không may mà mặc? anh nói, vừa thương xót, vừa bực bội. Để dành. Mẹ nói nhỏ. Mẹ để dành cho ai? Mẹ nhìn anh bối rối lẫn lấm lét. Anh nhói dạ. Mẹ xem áo mẹ đang mặc sờn vai, bẩn thỉu, hôi... Anh nghẹn. Thì mặc lâu ngày sờn vai, bẩn thỉu... Mẹ định nói gì thêm, nhưng thôi, rồi cười. Những chiếc răng còn lại dơ bẩn hơn cả màu áo mẹ đang mặc. Cái hang sâu hoắm luồn sâu vào cống rãnh. Bốc mùi. Bao lâu rồi mẹ chưa tắm?
Anh cầm tay mẹ dẫn vào nhà tắm. Hứng nước đổ đầy thau, cởi áo cho mẹ rồi ra ngồi đợi trước cửa nhà tắm. Chưa bao giờ cổ anh đắng ngắt như thế. Nước mắt anh cứ thế trào ra.
Anh nghe tiếng nước xối, nhè nhẹ, đứt quãng. Mẹ ơi... mẹ ơi... anh gọi. Mẹ trở ra, đầu không ướt nước, lại cười, hở lợi, anh cười theo. Bộ đồ mới, nếp gấp sắc nhọn. Mẹ đừng để dành, rách con may thêm cho mẹ, mẹ nhé!
Anh nghĩ tới ngày xưa. Giờ đã xa như tuổi ấu thơ. Anh muốn nói một câu sâu tận đáy lòng nhưng không thể, không được, và sẽ chẳng bao giờ còn có dịp, có cơ hội... Hoàn toàn bất lực. Những tấm áo cũ đắp vá, móng tay cáu bẩn, ghẻ mụn tanh hôi, giép đứt quai, nước dãi, mũi quẹt cánh tay trần. Tuổi thơ của con, của anh em con, của gia đình mình, mẹ ơi!
Lần về thứ ba.
Cả quần cả áo cả tóc cả móng tay móng chân lông cáu ghét cân nặng chưa tới 70 pounds. Người đàn bà đó là mẹ anh ư? Đầu bà còn đó, nhưng bà không còn đó. Bà còn, bà còn, phải bà còn đó. Tự trấn an dỗ lòng. Phải còn có cái gì chìm sâu khuất nẻo trong đầu bà chứ? Giòng máu, tế bào luân lưu di chuyển trong thân xác bà chứ!
Nhiều đêm anh nằm cạnh mẹ, mẹ như con mèo lả bệnh, gói gọn mất hút trong anh. Sáng sớm choàng thức, lông bám đầy hai cánh tay. Mùi khắm chua tanh.
Nhiều đêm. Anh nghe tiếng mẹ gọi. Từ tinh cầu gió. Lồng lộng gió. Chứa toàn gió. Con ơi! Đức ơi!
° ° °
Một sáng, anh xổ tung khăn đầu mẹ, trời ơi! một ổ chấy, cả rừng chấy, lúc nhúc, đen, nâu, nhạt... anh ghì... chấy rơi rụng rớt níu lấy nhau, níu lấy mẹ, níu lấy anh. Buông mẹ ra. Người anh toàn chấy.
Thế giới chấy hút hết sức lực, máu thịt mẹ. Những sợi tóc loe hoe không sắc màu, cả đời anh chưa một phút hình dung. Những mái tóc con gái, đàn bà anh từng đưa tay vuốt vò vọc ghì hôn rậm rạp, dày mỏng, thưa thớt, quăn tít, mượt mà, mỏng manh, thời trang, nhuộm màu, uốn ép, dài ngắn, bù xù, cũn cỡn, thẳng đuột...
Còn tóc mẹ anh!
Anh kiếm cái kéo, hớt sát chân tóc. Mẹ ngồi yên, ngô nghê. Anh gội đầu cho mẹ, mẹ ngồi yên. Những đầu ngón tay anh nham nhám. Cả thế giới chấy rơi tuột xuống cống rãnh, sau hiên nhà.
Anh quên mất nụ cười của mẹ.
Anh quên mất giọng nói của mẹ.
17
Mẹ trong trí nhớ anh...
Là một người rất đỗi thực tế. Chính xác như cái cân đo lường. Chắc nịch như những con số chẵn lẻ.
Là niềm tin như cái ống sữa bò bóng nhẵn đong gạo, đậu xanh, đậu đen, đậu phộng, nếp tẻ, nếp than lâu ngày.
Là bức tường đúc xây bằng xi măng sắt thép, kiên cố, vững chắc, sẵn sàng đương đầu.
Là mái tranh thấm hết được nước mưa từ trời đổ xuống.
Là con cọp cái với móng sắc dài nhọn, dữ dằn, chẳng chịu thua ai bao giờ. Nếu cần, bà chửi nhau với hàng xóm nhiều ngày. Khác hàng đàn ông, léng phéng với bà, bà thẳng tay đuổi ra khỏi cửa, cùng cái nguýt dài, bĩu môi, nhổ toẹt bãi nước bọt.
Là cành dương chắn gió mang hơi hướm dữ tợn của người đàn ông bà gọi là chồng, bầy con gọi là bố. Bà chống đỡ bằng mọi cách, cấu xé, giằng co, củi cây, thanh sắt.
Là âm thanh van xin, nguyền rủa, khóc lóc.
Là muôn mặt, pha lẫn khôn ngoan học ở trường đời.
° ° °
Sao anh không đưa bà sang đây? Câu hỏi, tôi vẫn giữ mãi trong lòng.
18
Tôi vén mùng, bước ra khỏi giường.
Mẹ. tôi gọi. Mẹ, mẹ, con đây mẹ. Không biết bên kia nửa quả địa cầu, đêm là ngày, ngày là đêm, chồng tôi có nghe không?
Tôi ôm hai vai. Những móng tay vừa nhú, bấm sâu da vai. Bấm sâu, mạnh, lút. Ừ thì tôi đang có mặt ở đây, nơi chốn này.
Tôi bước ra ngoài. Hừng đông.
Đời sống rào rạt vọng từ ngoài ngõ. Tiếng chị Hạnh và bà hàng xóm. Tôi nheo mắt, ngóng tai về phía tiếng động. Nắng chói lòa. Trắng xóa một màu.
Tiếng thăm hỏi, chào đón, mở hàng, mời gọi thường nhật. Tiếng giép lết, nhấc không nổi mặt đường. Tiếng trẻ con, gà gáy, chó sủa, còi xe, máy nổ. Tôi ngồi xuống bực thềm, tựa cột nhà, cố lắng tai nghe tiếng réo của lá me non. Đôi mắt ai đang nhìn tôi từ phía sau, quay phắt lại, Trinh.
19
Thằng lết, thằng què, thằng khờ, thằng câm, thằng ngố, thằng út... nó được đặt nhiều tên nhất trong dòng họ. Tùy tâm tính từng người, gọi tên gì, nó cũng chấp nhận.
Tên trong khai sinh nó là Hoán, chẳng biết bố mẹ muốn hoán đổi điều gì chăng?
Bốn người anh lớn cùng họ Trần, Văn cùng chữ lót. Trần Văn Tịnh, Trần Văn Quyến, Trần Văn Đức, Trần Văn Trinh, chỉ thằng Út là Trần Huy Hoán. Huy Hoán nghĩa là gì? Ai chọn cho nó, dấu hiệu văn hoá văn minh của dòng họ Trần biểu lộ qua tên lót thằng Út. Nó lọt lòng, đỏ hỏn, như chuột con ngấu nghiến nút vú mẹ. Nó ra đời chẳng bao lâu thì anh phải đi học xa. Mùa hè đầu tiên anh về lại nhà, thấy mẹ luôn bế nó trong lòng. Một tay quạt, một tay khua liên hồi trên mặt hàng, miệng nói không ngưng nghỉ. Mồ hôi vã trên người bà như vừa mới tắm xong. Hè năm sau anh về, một tay thằng Út vân vê tóc mẹ, một tay níu ghì vú mẹ, vú mẹ chẩy dài tận rốn, miệng nó không ngừng nhai, nút vú mẹ. Mẹ vẫn luôn đeo nó trong lòng, nhưng sao mắt mẹ đỏ hoe như sắp khóc hoặc vừa khóc xong. Những năm kế, anh về, nó lê lết bám theo mẹ, quanh mấy hũ mắm, lọ muối, cùng những cục cứt của nó rãi trong nhà ra ngoài chỗ mẹ ngồi. Những vũng nước đái chưa kịp khô.
Thỉnh thoảng nghe tiếng ré của nó, biết nó vừa ngã đâu đó, hoặc đầu va vào tường, tay kẹt cánh cửa, vấp phải cái ghế, kiến cắn cu. Nó bụ bẫm, hút hết chất sống trong mẹ. Sáu tuổi, vẫn còn sờ vú mẹ mỗi đêm.
Cái đầu nó to dị thường, trí khôn thì ngược lại. Hai mươi bốn chữ cái học hoài chẳng nhớ. Bà mẹ Mạnh Tử ngày xưa bên Tàu, dạy con phải dọn qua bao chỗ ở, nhà quàn, lò giết thịt, cuối cùng dừng cạnh trường học. Thằng Út trường ở sát sau lưng, lại rủi như chân trái, bị thịt lắc lư.
Một buổi sáng, có người đàn ông trung niên lạ mặt đến mua bao thuốc lá. Thấy thằng Út, ông buột miệng, thằng nhỏ bị ảnh hưởng thuốc khai quang. Mẹ chẳng ngước nhìn ông khách, nhưng anh hỏi khai quang là gì? Là chất độc Mỹ phun trên rừng để diệt trụi lá. Những ngày sau đó, anh cứ thắt mắc, khai quang có cái mùi hăng hắc nồng, đen ngòm tựa thuốc chùi giầy của bố không nhỉ?
° ° °
Tôi nhìn thằng Út ngồi lọt thỏm trong lòng ghế bố. Nó hút thuốc liên miên, hết còn khóc ré, nhưng ít nói. Chồng tôi nói đúng, cái đầu nó to thật.
Tiếng ruồi vo ve.
Từ trước đến nay, anh và nó chưa hề trao đổi điều gì quá năm câu. Nó hay lẩm bẩm, một mình, như hát thầm điệu nhạc, cái nạng là nhịp điệu anh nắm bắt được.
Cũng cái nạng, mọi người sợ hãi tránh xa khi nó lên cơn. Một lần đã đâm thằng Hòe, con của tên công an cuối xóm lủng con ngươi bên trái. Điện tín đánh qua xin tiền chuộc tội đúng ngay đêm Giáng Sinh, anh đang học thi ra trường.
° ° °
Sao anh không bảo lãnh thằng Út sang đây? Vẫn là câu hỏi chưa bao giờ tôi đặt thành lời.
20
Cái áo thun màu tro Jokey bó sát người tôi, khoắm sâu hai vai. Một khoảng lưng trần buổi sáng, mời mọc. Tôi quay người nhìn về phía Trinh. Trinh biến nhanh về phía giếng.
Tôi vẫn ngồi ở bực thềm, tựa người vào cột nhà.
Tiếng múc nước, đổ nước. Xối xả. Tiếng đánh răng, xúc miệng, khạc nhổ. Buổi sáng nắng lên nhanh. Sàn xi măng mát lạnh lòng bàn chân. Chùm hoa trang màu gạch cua nở trong nhà hàng xóm.
Tôi đứng dây, đi về phía Trinh. Đứng ngửa cổ nhìn tàn lá dừa trên cao. Những trái dừa non, đếm được tám trái. Từ đây đến lúc hái xuống, may ra còn hai, những trái rơi rụng, chết non.
Tôi nghĩ, phải vào nhà lấy bàn chải đánh răng, khăn lau mặt. Nghĩ, nhưng hai chân vẫn dậm cứng tại chỗ. Tôi nhìn nửa mặt bên trái của Trinh, hao hao giống Đức, sống mũi thẳng, tròn vo ở chóp. Giờ này Đức đang làm gì? Tôi đang đứng đây. Tôi phải vào nhà lấy bàn chải đánh răng, khăn lau mặt. Cái chóp mũi tròn vo. Tám trái dừa non trên cao, rồi sẽ rụng, chỉ còn hai.
Trinh quay phắt mặt lại. Miệng tôi há hốc. Kinh ngạc.
Mặt tôi thế này! Nhìn đi, nhìn kỹ đi. Tia mắt hắn bắn lửa, thay lời. Mặt tôi thế này, chị thấy chưa? thấy rõ chưa?
Cái quay mặt nhanh bất ngờ, tôi đỡ không kịp.
° ° °
Đẹp đẽ gì mà chụp. Thằng bé trồi người lên từ dòng sông, nhìn thẳng vào mặt tôi, nói một câu như thế. Hai tay ôm chặt trong mình những lon bia, coke rỗng không. Mặt nước sông đen, đặc quánh như đêm Sài Gòn.
Tôi xấu hổ.
° ° °
Miệng tôi há.
Gió lùa kín miệng.
Mắt Trinh vẫn phóng lửa.
Mặt đối mặt. Buổi sáng. Tôi và Trinh.
° ° °
Tôi ôm ghì hai vai. Trở vào nhà, mang theo khuôn mặt Trinh.
Chân trái thằng Út. Bóng người đàn bà ngồi trong góc xó.
Và nửa bên phải khuôn mặt Trinh.
21
Trong năm đứa con, thằng Trinh là đứa đẹp trai nhất nhà! Mẹ thường nói thế, không hiểu với ý gì. Bà nói trống không, nói với đám con , nói với hàng xóm, nói với khách hàng. Giờ thì Đức lập lại lời mẹ, với tôi.
Cũng như Đức, tôi chẳng thể hình dung ra được "đẹp trai" là như thế nào, theo ý bà. Dù đẹp thì hay tranh cãi, phải bầu bán, tuyển chọn đúng tiêu chuẩn, còn xấu thì dễ mau chóng gật đầu. Tôi cũng đã từng mê người đẹp trai, xấu trai, và rồi lấy người không đẹp, không xấu, là Đức.
Mặt Trinh, thoạt nhìn ai cũng phải có phản ứng, như bị điện giật. Nặng nhẹ tùy người. Sự kinh ngạc. Sợ hãi. Tò mò. Những vết khâu, như vá vội chiếc quần rách đáy. Vụng về như những mũi kim khâu đầu tiên của tôi lên chín. Đường chỉ to, không đều, lệch hướng, thiếu kinh nghiệm. Vết da gấp, mảnh thịt cắt bỏ, kéo mạnh lệch mí, xiết chặt mảnh da cằm. Đường chỉ khâu vội, vụng, không kinh nghiệm còn đó, cho đến ngày buông tay lìa đời. Chiếc áo đầu tiên chín tuổi của tôi đã rã tan vào lòng đất.
Những đường ngang dọc, một bên mặt. Sao chỉ một bên? Súng nổ, hất tung, Trinh hẩng hai chân ngã sấp, mặt bên trái ủ đất, mảnh đạn rơi, ghim chặt mặt bên phải.
Cái mặt thằng Trinh đôi khi như khiêu khích, chọc tức ai. Đức nói.
Cơ mặt bên phải của nó lâu lâu co giật liên hồi, anh nhìn phát hoảng, cứ tưởng nó lên kinh phong. Đức nói.
22
Chị Hạnh chờ tôi ở cửa, có cả anh Sơn, chồng chị, và chú Biền tài xế. Sửa soạn đi ăn sáng. Chị Hạnh nói.
Chú Biền chào tôi với ánh mắt dò xét, ái ngại, hỏi han.
Căn nhà chỉ còn bốn người khách phương xa. Ba người ở trong nhà này biến đâu mất. Có cái gì đó không ổn. Sáu con mắt đâu đó, đợi chờ tôi lên tiếng.
Ba người cứ đi ăn sáng trước, em chưa thấy đói. Nói xong, tôi đi ra sau hè. Ba người còn lại chắc đang ẩn nấp đâu đó. Tôi trở vào trong, đi vòng ra ngoài, nhìn sâu ra ngõ, dõi mắt theo cái xe lui dần, lùi dần, rồi biến mất, thầm thán phục chú Biền lèo lái cái xe thật tài tình, tựa như lèo lái cuộc đời, trên mảnh đất này.
Trinh đứng ở cửa chờ tôi với ly cà phê đen đá đang uống dở. Chị ăn gì không em chạy đi mua. Tôi lắc đầu. Cái áo Trinh đang bận, chồng tôi bận cách đây nhiều năm. Tôi mua ở Sears tặng anh trong dịp giá hạ năm mươi phần trăm. Tôi đã mua ba cái ba màu khác nhau. Màu Trinh đang bận là màu rêu thẫm.
23
Múc từng gáo, dội từ đỉnh đầu. Nước ào ào tuôn dọc thân thể, da loáng nước. Màu da nước.
Ở góc trái, vòi nước rỉ rả. Tôi dễ bực mình khi tắm mà nước chảy rỉ rả. Phải ào ào. Tiếng nước chảy và cảm giác mạnh. Cái thau xanh nhựa đặt ở góc phải tràn nuớc. Khua tay ấm áp như da thịt mình, ở phần dưới. Chút riêng tư trong căn phòng bằng hai cái giang rộng tay từ lúc đặt chân vào căn nhà này. Tôi ngâm mình trong thau nước đầy. Những sợi lông bồng bềnh, khẽ vuốt ve, mân mê, màu ngô non, mướt nước. Thuở nhỏ anh Thiện thường bẻ đôi trái bắp, lấy râu quấn quanh cằm, giả làm râu ông già.
Nước tràn ngập thân tôi. Ông ngoại râu bạc trắng, dài phủ cằm. Thỉnh thoảng ông vuốt râu, trầm ngâm, tư lự. Vài chục năm nữa anh Thiện có giống ông ngoại bây giờ không nhỉ? Chắc là không. Ông ngoại ở Việt Nam, con cháu quây quần. Anh Thiện sẽ như nhiều ông Mỹ già khác, ngồi ngủ quên trong chiếc ghế bành rộng trước màn ảnh TV đang mở. Tiếng nước khua rộn ràng, màu da loáng nước. Anh Thiện tay run chống gậy, hay ngồi trong xe lăn dõi mắt nhìn quanh sân viện dưỡng lão vắng vẻ, đìu hiu, cùng màu nắng tàn. Nước chao nghiêng sóng sánh thân thể. Anh Thiện dáng vẻ sợ sệt lẫn ngóng chờ bà y tá lạnh lùng, cho thuốc uống vỗ về trên vai máy móc. Chùm lông mịn ướt trôi tuột trên từng kẽ tay. Dãy bắp sau nhà thủa nhỏ. Những buổi chiều làm xong bài tập, tôi lẻn ra vườn sau, bãi đất trồng toàn bắp của ông hàng xóm mặt quanh năm đỏ kè. Tôi đi giữa hàng bắp. Gió cuối thu thổi lá bắp nâu khô xào xạc. Đã xong mùa bắp. Trái thì những người lao công Mễ đã bẻ sạch. Tiếng lá sột soạt như áo quần khô cứng, kỳ lạ, thích thú. Nắng đổ xuống trên đỉnh đầu. Nắng lóa trên những lá bắp nâu khô. Tôi nằm dài giữa luống bắp. Úp mặt. Mùi nồng đất ải. Tiếng rung khẽ, ngân dài từ trong tôi, từ lòng đất. Cả hai chao nghiêng. Nhắm mắt. Tôi thấy tôi cùng đất lật.
Nắng vẫn lóa trên đỉnh đầu và trên tàn lá bắp nâu khô.
Âm thanh tiếng còi tàu. Bánh xe rền rung mặt đất. Thành phố San Leandro không thuộc về đâu. Gần San Francisco thơ mộng nhất nhì thế giới. Gần Berkeley bụi đời, cấp tiến, nhiều sắc dân. Gần San Jose tỉ số dân Việt đứng thứ nhì hải ngoại. San Leandro thế nào, ở đâu, có gì, đặc biệt ra sao, mấy ai quan tâm?
Cảnh tượng trong phim Fried Green Tomatoes. Xe lửa xình xịch, xình xịch ào ào, tiến tới, tiến tới... Chiếc mũ mây bay, người con trai chạy đuổi theo, mũ mây rộng vành lượn lờ dọc theo đường rầy. Vẫn đuổi theo gió. Những bước chân bay theo chiếc mũ. Nhẹ tênh. La đà. Đuổi theo mũ là đuổi theo tình. Làm sao cản được gió? cản được tình? Tiếng máy xe lửa xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới... thi đua cùng nhịp tim đập của đôi tình nhân. Định mệnh. Bàn chân người tình mắc kẹt cứng giữa đường rầy. Xe lửa vẫn cứ xình xịch, xình xịch, ào ào, tiến tới, tiến tới... Tiếng người, tiếng xe, tiếng thét cùng máu xương, nhịp tim... đập điệu tình yêu. Là sự nghiền nát.
24
Chị khoác thêm cái áo. Trinh nói, mắt hắn ngưng ở thóp ngực tôi.
Trinh và tôi bước ra cổng. Bảy giờ bốn mươi lăm sáng. Trời nắng tỏ. Nóng bắt đầu hăm dọa. Tôi len theo Trinh, băng qua những con đường lổn nhổn cát, sỏi, đất, đá. Bụi bay trắng không gian. Hàng rào, bờ tường lột da lòi thịt. Những ổ rác, cống rãnh bốc mùi. Chợ buổi sáng ồn ào náo nhiệt cả một góc trời. Tôi bám sát lưng Trinh, từng bước một. Trinh đi mé trái, mé nửa khuôn mặt ngày chào đời.
Chẳng nơi chốn nào anh đi qua có cái mùi của đất Dục Mỹ. Cây me ngái mùi chua tanh nước đái mèo, chó. Cây hoa sứ nở trắng toát tẩm mùi cứt đái mũi dãi trẻ con. Con gái nhặt nhanh những cục đá nhỏ trên đường đến trường ngồi rãi chơi ô làng, học tính nhẩm. Con trai liệng lon, quay vụ, bằng mọi giá loại cho được thằng bạn. Mùa chuồn chuồn, bẻ cây khô rượt đuổi bắt. Mùa hè, ve rên inh ỏi buốt tận óc. Cái chòi nhỏ đầu ngõ, trên manh chiếu tả tơi, cái rổ nhựa đựng những quả ổi cóc xoài cằn khô hoặc ủng thối. Thối từ ruột thối ra, ve vẩy bởi ruồi nhặng muỗi. Những cái kẹo chẩy nước, những cái bánh vỡ vụn. Nơi đây, cái gì cũng quá độ. Tiếng reo hò trẻ con. Tiếng chửi bới người lớn. Tiếng rao hàng. Tiếng chó sủa. Tiếng gà gáy. Tiếng heo đòi ăn... Người và vật đồng lòng, đồng thanh. Nói như hét, như gào, như tiếng xe chạy phanh gấp nghiền nát mặt đường. Bụi bay tứ phía. Tha hồ hít ngửi. Tai ầm ầm, mắt cay xót, mũi nghẹt cứng mà miệng ai cũng há. Chỉ vài dãy nhà đám dân đen, dân tứ xứ đổ về, chịu khó một chút là có thể đếm được cả thẩy bao nhiêu nóc nhà buổi sáng với sức xống tuôn trào, vỡ bờ tranh sống cùng trời đất. Anh thấy nó đẹp, đẹp tội tình em ạ. Đẹp trong trí nhớ anh. Trong từng giấc mơ, mỗi ngày mỗi xa giạt. Trong từng bước chân trần tuổi dại, áo hở rốn, tóc gọt trọc lởm chởm không đều.
Tôi hình dung ra phố Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Quy Nhơn... Xe ngược xuôi, đan như rọ. Hỗn loạn, nhưng là "hỗn loạn trong trật tự." Họ đọc được tín hiệu của nhau bằng ngôn ngữ riêng nào đó, của họ. Tôi là kẻ lạc lõng, lạ lẫm, đứng bên lề.
Buổi sáng ở nơi chốn chôn chặt tuổi thơ chồng tôi. Đứng đếm dấu chân anh đã dẫm qua trên những con đường cụt cùng hai con mắt chứa cả bầu trời mây.
25
Gọi là bát nhưng nó còn bé hơn cái chén nhựa của Sa con dùng bữa hàng ngày. Những sợi bún trắng đục lòng thòng trơn trợt ở đầu đôi đũa, rồi ngọ nguậy trên lưỡi tôi. Rau xanh vừa ngắt sáng nay, sương còn ủ đọng. Tôi ngửi mùi đất tẩm trong từng thớ rau. Cái thau rửa bát và cái giẻ tẩm cả bùn lầy, mỡ và nước uống của khách, không chừng cả nước mũi, đờm, nước dãi, nước miếng hoà tan trong thau nước rửa. Đầu đũa đen ngòm. Cái bàn mòn nhẵn bởi trăm ngàn khuỷu tay chà sạch. Mắt chó tinh hơn mắt người. Mũi hóng, tai vểnh, miệng há, mắt căng không chớp phóng thẳng vào mặt tôi. Phần tôi đâu? Một con khác cà cà người vào đùi tôi. À thì ra... cục xương heo. Cứ như mọi người quanh ta, ai sao mình vậy. Tôi hất mạnh mấy cục xương xuống sàn. Bên kia bàn, con chó ghẻ giương đôi mắt bất lực, bụng chửa kề ngày sinh. Vú chẩy sát mặt đất. Bao nhiêu lứa đã đẻ?
Tôi ngồi sát cạnh Trinh. Trinh gắp tay trái, tay phải để giữa đùi. Hai bà khách mới ngồi xà xuống. Cái băng ghế dài nhét đủ bốn người. Người đàn bà áo tím nhìn Trinh hỏi nhỏ, vợ thằng Đức hả? rồi ném cái nhìn thật mạnh sang tôi. Chị dâu mày phải không? Bà bán trầu cau lại hỏi. Con dâu ông bà Trề. Việt kiều hả? Trinh bẽn lẽn, bối rối khó khăn gật đầu. Tôi hoàn toàn bị thụ động, ngồi nhìn từng khuôn mặt, quanh tôi, kể luôn bà bán bún. Và bất chợt cau mày vì da cánh tay mình quá trắng.
° ° °
Chưa qua khỏi hàng dâm bụt. Mùi chợ, tiếng xì xầm hàng loạt con mắt bỏ lại hết sau lưng. hiện ra trước mắt là những đứa trẻ con đang nhẩy lò cò, thẩy lon, nhẩy dây trên hàng hiên. Vài đứa đứng-ngồi-tựa-lấn-dính-chùm vào nhau. tiếng nhí nháo như chim chích chòe. Trinh và tôi tiến lại gần, trường không sân, không hàng rào, cửa lớp khóa bằng dây xích to bản, nặng nề. Một khoảng hở tôi hé mắt nhìn vào. Hàng chữ "Không gì qúy hơn độc lập tự do" và ảnh bác Hồ phóng to. Những cái ghế gỗ thấp lỏng chỏng. Cô giáo đâu? Trinh hỏi. Cô giáo nghỉ dạy hôm nay. Thằng bé trả lời. Những đôi mắt thao láo, bu quanh. Lớp học bị dột! Con bé bán bánh kẹo nói vói, tuần trước mưa to lớp bị dột nghỉ ba ngày liền. Bà bán bún riêu ngồi cạnh chêm thêm, mấy ngày nay tụi nhỏ có học hành gì đâu. Mùi bún làm tôi nảy ý mua trọn nồi và luôn rổ bánh kẹo. Cả đám trẻ nhốn nháo ăn cười nói hả hê. Chưa tới mười đô mua niềm vui thực tế cho đám trẻ con rỗng bụng, và người đàn bà cùng cô bé sống bằng sự đợi chờ. Mười đô, không đủ một buổi tối ở tiệm fast food cho vợ chồng tôi bên Mỹ.
° ° °
Bước chân vào nhà. Mặt trời chỉ mới mọc ngang tầm cửa sổ. Tôi nằm phịch xuống giường, thiếp đi một lát, tỉnh dậy, tiếng nước Trinh đang xối rửa sau hè. Tôi vòng ra nơi tiếng nước xối. Cần bao nhiêu tấm tôn lợp lại mái trường Chùa Trinh nhỉ? Trinh ngó trời, chẳng ngó tôi. Trinh tính hộ, bao nhiêu, cho tôi biết.
26
Qua khung cửa sổ. Trinh đang đút cơm cho mẹ trong nắng lóa, trời xanh lơ.
Trinh ngồi chồm hổm, kiểu nước lụt, kiểu đi cầu ở Việt Nam.
Người đàn bà không đầu dựa lưng vào cột nhà. Cái thìa bé tí, dính vài hạt cơm đầu thìa. Ăn xong một thìa, đầu bà quay bên phải, ăn xong một thìa, đầu bà quay bên trái. Bên phải, bên trái, bên trái, bên phải... Cái đầu quay qua quay lại, ngọ nguậy, như đầu sán lãi. Người đàn bà đang có đầu, hiện hữu, nhất định không nhai, không nuốt. Mắt Trinh trợn trừng, dọa nạt. Ngôn ngữ tuyết rơi ngoài trời, mạch máu di chuyển trong cơ thể, giữa đêm đông. Ngôn ngữ câm. Bên phải, bên trái, bên trái, bên phải. Mặt Trinh với những vết khâu chằng chéo, giật co liên hồi. Lời nói không va chạm. Âm thanh không là cú đấm.
Kiên nhẫn là đức tính tốt.
Lưng Trinh cong vòng. Mắt cố chọc thủng xuyên qua người đàn bà, vào khoảng không. Sự tàn tạ của ánh sáng lóa, trời xanh lơ. Chén cơm. Sự nhẫn nại. Một thói quen. Làm cách nào những hạt cơm rơi lăn xuống cổ, chui vào nằm yên dưới đáy bao tử.
Một thìa khác. Bên trái. Dỗ dành, dịu ngọt.
Một thìa khác. Bên phải. Dọa nạt, trợn trừng.
Ai chịu đựng ai?
Một thìa khác. Phun thẳng vào mặt Trinh.
Lại một thìa khác. Đã bao năm? bao lần? bao bữa? Từng ngày, thêm vào, chồng chất, thành kiên nhẫn, đợi chờ, thói quen. Bao nhiêu thìa cơm nữa phải đút?
27
Trinh đi chợ về, trên tay xách bịch đồ: rau, cá, trứng, nem chua, hành ngò. Trinh trao tôi hai trái ổi xanh ngắt, bóng loáng, thơm ngát. Ổi xá lị. Trinh nói. Tôi cầm hai tay hai trái ổi còn cả cuống và lá. Cám ơn Trinh. Tôi nói. Đồng hồ ba giờ bốn lăm chiều. Tôi xoay người, cả cánh tay trinh ấn bất ngờ vào bầu vú tôi.
° ° °
Trinh lại ngồi thế chồm hổm, chân không dép, làm cá. Dao to bản chặt mạnh xuống thớt, cạo vẩy, thoăn thoắt, gọn gàng, nhà nghề. Cái lưng trần cong vòng với những đốt xương nhỏ tròn trĩnh, xếp hàng dọc. Màu da đất nâu, bóng nhẫy. Máu cá văng tung toé, ruột cá Trinh móc ra, lòng thòng. Ruột cá và nhau người. Cái nhau người, nối liền cuống rốn nối liền đầu người đàn bà.
° ° °
Mẹ đi lang thang cả ngày ngoài đường, ngoài ngõ. Những đứa trẻ trong xóm đã quen mòn mắt, hết trêu chọc, ném đá, hoặc đè mẹ ra móc tiền lẻ. Có hôm chúng lột cả quần mẹ.
Mẹ ngồi bên lề đường hay hàng hiên nhà ai đó một lát, rồi đứng dậy đi, chẳng nói chẳng rằng cũng chẳng ngó ngàng gì ai. Ra giếng ngồi một lát, ra trường Chùa ngồi một lát, ra chợ ngồi một lát... mẹ chỉ ngồi, không bao giờ nằm, và không bao giờ nhắm mắt. Trinh vừa nói vừa xới đều nồi cơm. Thế Trinh còn nhớ giọng nói của mẹ không? Trinh bắc nồi cơm xuống, để chảo rán cá lên. Lắc đầu.
28
Bữa cơm dọn ra. Thằng Út đã về, ngồi sẵn ở bàn.
Vài lần, tôi bắt gặp mắt Trinh đậu ở bầu vú tôi. Mắt tránh nhìn mặt tôi. Lắm lúc, tôi tinh như cáo, nhậy như hàn thử biểu, với phái nam.
Hạt sạn, cắn cộp, ê và tê làm da gà nổi lan đến tận háng. Sáng mai em ra Nha Trang đong gạo ngon cho chị ăn. Trinh nói, mắt tránh nhìn mặt tôi.
Xong bữa, Trinh nhất định không để tôi rửa chén bát. Trời vẫn nóng. Mồ hôi vã ướt người.
° ° °
Tôi từ nhà cầu ra. Thằng Út lại biến mất. Nó đi suốt ngày. Mở mắt đã cà phê, coi phim bộ, đá bóng, hát karaoke. Trinh nói. Thôi thì cũng được, không rượu chè, trộm cắp, hút xách là may. Tôi nói. Nó mê Thúy Nga Paris, Ái Vân, Hương Lan, Như Quỳnh, Thế Sơn... và cô gì gì... tên Kỳ Duyên hay cười thật to. Trinh nói. Cô ấy là con gái rượu của ông Nguyễn Cao Kỳ. Tôi nói.
Tôi đi vào phòng, khám phá mất thỏi son.
Tôi đi vào phòng tắm, khám phá cái quần lót giặt treo khi sáng không còn.
29
Điện thoại reng. Tiếng chị Hạnh gọi từ Nha Trang.
Ngày mai chị về lại Dục Mỹ được không? Gặp lại mấy người bạn cũ vui quá, rủ anh chị ở lại chơi qua đêm...
Nếu vui anh chị cứ ở lại đó vài ngày.
Thế em ở đấy... chẳng sao chứ?
Chẳng sao cả.
Em không định ra Nha Trang chơi sao?
Thôi, chị ạ.
Tôi gác điện thoại. Bỗng lúng túng, bất an. Âm thanh hỗn loạn từ xa. Âm thanh hỗn loạn từ trong lòng.
Trời chiều chầm chậm. Làm gì cho hết mấy ngày nơi đây?
° ° °
Tại sao mẹ không nói nữa? Tôi hỏi chồng.
Đó là điều mẹ giấu kín. Chồng tôi trả lời.
° ° °
Sống bỏ bụng, chết mang theo. Một lần nghe cô Ngọc nói với mẹ như thế. Khi tôi chỉ mới tám tuổi.
30
Tôi thiếp đi một giấc dài.
Thức dậy bởi tiếng mưa rơi lộp độp trên lá, trên đất, trên mái nhà, trên hàng hiên. Mưa không đứt đoạn. Mưa xua tan mùi hoa sứ ngoài khung cửa sổ. Mùi mưa tuổi thơ, xa xăm. Những quả bóng vỡ trên nền xi măng hiện rõ trong đầu. Chiếc dép nhựa màu xác pháo trôi lềnh bềnh trên con sóng nhấp nhô, rồi bỗng mất hút giữa lòng biển khơi. Biển không hình thể, vượt qua mọi so sánh. Nấm dại nẩy mầm mọc tràn lan thân thể tôi, mang theo âm thanh pháo bông. Tôi, đêm, và cơn mưa mùa đông vùng nhiệt đới.
Tôi hít sâu mùi da thịt chồng. Đêm lắng sâu. Tôi nhận ra màu mắt nâu-đen thăm thẳm của chồng, trôi giạt giữa lòng biển khơi. Biển bạt ngàn sóng dữ. Tiếng mưa đêm. Tiếng lá quất vào thành cửa sổ. Tôi nghe tiếng cười hồn nhiên của chồng, thủa thiếu thời, lẩn khuất đâu đây. Tôi ôm nhanh vào lòng cái hình bóng tan biến ấy.
 Thị Thấm Vân
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...