Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Cuộc đời tranh đấu của Gandhi - Đời Thánh Cam địa 1

Cuộc đời tranh đấu của Gandhi
Đời Thánh Cam địa 1

Tiểu sử
Viết theo quyển "La vie de Mahâtmâ GANDHI"
Mahatma Gandhi, tên gọi của Mohandas Karamchand Gandhi, (sinh ngày 2 tháng 10 năm 1869, Porbandar, Ấn Độ - mất ngày 30 tháng 1 năm 1948 tại Delhi) bị ám sát, Luật sư, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội và nhà văn Ấn Độ, người đã trở thành nhà lãnh đạo của phong trào dân tộc chủ nghĩa chống lại sự thống trị của Anh ở Ấn Độ. Vì vậy, ông được coi là cha đẻ của đất nước mình. Gandhi được quốc tế đánh giá cao vì học thuyết của ông về biểu tình bất bạo động (satyagraha) để đạt được tiến bộ chính trị và xã hội.
Gandhi đã cố gắng hoàn thành điều gì với hoạt động tích cực của mình?
Ban đầu, các chiến dịch của Gandhi nhằm chống lại địa vị hạng hai mà người Ấn Độ nhận được dưới tay chế độ Anh. Tuy nhiên, cuối cùng, họ chuyển trọng tâm sang đánh đổ hoàn toàn chế độ Anh, một mục tiêu đã đạt được trong những năm ngay sau Thế chiến II. Chiến thắng đã bị hủy hoại bởi thực tế là bạo lực giáo phái bên trong Ấn Độ giữa những người theo đạo Hindu và đạo Hồi đòi hỏi sự thành lập của hai quốc gia độc lập - Ấn Độ và Pakistan - trái ngược với một Ấn Độ thống nhất.
Niềm tin tôn giáo của Gandhi là gì?
Gia đình của Gandhi thực hành một loại Vaishnavism, một trong những truyền thống chính trong Ấn Độ giáo, được đúc kết thông qua các nguyên lý nghiêm ngặt về mặt đạo đức của Kỳ Na giáo - một đức tin Ấn Độ mà các khái niệm như khổ hạnh và bất bạo động là quan trọng. Nhiều niềm tin đặc trưng cho quan điểm tâm linh của Gandhi sau này khi lớn lên có thể bắt nguồn từ quá trình nuôi dạy của ông. Tuy nhiên, sự hiểu biết của anh về đức tin không ngừng phát triển khi anh gặp những hệ thống niềm tin mới. Chẳng hạn, sự phân tích của Leo Tolstoy về thần học Cơ đốc giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan niệm của Gandhi về tâm linh, cũng như các văn bản như Kinh thánh và Quʾrān, và lần đầu tiên ông đọc Bhagavadgita-Một sử thi của người Hindu - trong bản dịch tiếng Anh của nó khi sống ở Anh.
Chủ nghĩa tích cực của Gandhi đã truyền cảm hứng cho những phong trào xã hội nào khác?
Ở Ấn Độ, triết học của Gandhi tồn tại trong thông điệp của những nhà cải cách như nhà hoạt động xã hội Vinoba Bhave. Ở nước ngoài, các nhà hoạt động như Martin Luther King, Jr., đã vay mượn rất nhiều từ thực hành bất bạo động và bất tuân dân sự của Gandhi để đạt được mục đích bình đẳng xã hội của riêng họ. Có lẽ tác động lớn nhất là sự tự do mà phong trào Gandhi giành cho Ấn Độ đã gióng lên hồi chuông báo tử cho các doanh nghiệp thuộc địa khác của Anh ở châu Á và châu Phi. Các phong trào độc lập quét qua họ như cháy rừng, với ảnh hưởng của Gandhi đã thúc đẩy các phong trào hiện có và khơi dậy những phong trào mới.
Cuộc sống cá nhân của Gandhi như thế nào?
Cha của Gandhi là một quan chức chính quyền địa phương làm việc dưới quyền thống trị của Raj thuộc Anh, và mẹ của ông là một tín đồ tôn giáo - giống như những người còn lại trong gia đình - thực hành theo truyền thống Vaishnavist của Ấn Độ giáo. Gandhi cưới vợ, Kasturba, khi mới 13 tuổi và họ có với nhau 5 người con. Gia đình ông ở lại Ấn Độ trong khi Gandhi đến London vào năm 1888 để học luật và đến Nam Phi vào năm 1893 để thực hành luật. Ông đưa họ đến Nam Phi vào năm 1897, nơi Kasturba sẽ hỗ trợ ông trong hoạt động của mình, điều mà cô tiếp tục làm sau khi gia đình chuyển về Ấn Độ vào năm 1915.
Ý kiến ​​đương thời về Gandhi là gì?
Như được ca ngợi là một nhân vật như Gandhi, hành động và niềm tin của ông không thoát khỏi sự chỉ trích của những người cùng thời. Các chính trị gia theo chủ nghĩa tự do cho rằng ông đã đề xuất quá nhiều thay đổi quá nhanh chóng, trong khi những người trẻ cấp tiến lại chê bai ông vì đã không đề xuất đủ. Các nhà lãnh đạo Hồi giáo nghi ngờ anh ta thiếu bình tĩnh khi đối xử với người Hồi giáo và cộng đồng tôn giáo Ấn Độ giáo của riêng anh ta, và Dalits (trước đây được gọi là không chạm tới) cho rằng anh ta bất cần trong ý định rõ ràng là xóa bỏ chế độ đẳng cấp... Ông cũng cắt một nhân vật gây tranh cãi bên ngoài Ấn Độ, mặc dù vì những lý do khác nhau. Người Anh - với tư cách là những người thuộc địa của Ấn Độ - đã nuôi dưỡng một số oán giận đối với ông, khi ông lật đổ một trong những quân cờ domino đầu tiên trong chế độ đế quốc toàn cầu của họ. Nhưng hình ảnh Gandhi tồn tại lâu dài là hình ảnh minh chứng cho cuộc chiến kiên cường của ông chống lại các thế lực áp bức của chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc cũng như cam kết bất bạo động của ông.
Chương 1
MỘT LINH HỒN XA CÕI TỤC
Hôm ấy là ngày thứ sáu, 30 tháng giêng năm 1948.
Hồi 4 giờ rưỡi chiều, tại biệt thự Birla House ở Tân Đề-ly, sau khi dự bữa cơm thanh đạm thường nhật do bà Abha dâng lên, Thánh tiếp ông Patel, phó Thủ-tướng chính-phủ nước Tân Ấn-Độ. Cuộc hội đàm hình như quan trọng vì kéo dài đã quá giờ. Thánh phải ra dự buổi lễ cầu kinh. Mãi tới khi bà Abha kín đáo nhắc Thánh là đã tới giờ, Thánh mới giã từ khách mà chậm rãi đi tới nơi cầu nguyện. Qua vườn, Thánh còn nói, hai tay vin vào vai hai bà cháu gái: «Đây là hai cây gậy trúc chống già của tôi đây!»
Lúc Thánh bước lên đàn tràng thì có sự nhốn nháo trong đám tín đồ đang đợi sẵn. Kẻ thì tiến lại gần Thánh để lạy chào, người thì rẽ đám đông để lấy chỗ Thánh đi, nhiều tín đồ phủ phục trước chân người. Thánh rời tay khỏi vai hai bà cháu gái, chắp lên ngực để đáp lễ mọi người. Ngay lúc đó, một người từ đám đông tiến ra chắn ngang đường Thánh đi, hình như muốn chờ để phủ phục lạy chào. Sợ trễ giờ cầu nguyện, bà Manou, cháu Thánh, vội đẩy người đó ra bên, thì bị y xô ngã liền. Rồi tiến đến cách Thánh hai bước, y rút súng sáu đã thủ sẵn trong áo nhằm Thánh bắn liền ba phát.
Phát thứ nhất thì Thánh đang đi bỗng dưng lảo đảo mà đứng lại. Phát thứ hai thì máu đào đã loang trên áo Thánh. Bàn tay Thánh đang chắp trước ngực bỗng buông thõng ven mình. Tiếng nổ thứ ba vừa dứt, thì cái cái thân hình gầy guộc của Thánh quỵ xuống. Đôi mắt kính văng ra một bên. Một chiếc dép da của Thánh tụt khỏi chân, rơi ra nẻo khác.
Hai bà cháu gái khẽ nâng đầu Thánh lên và gượng nhẹ khiêng người vào tẩm thất. Mắt ngài khi ấy nhắm nghiền. Phó Thủ-tướng Patel nâng tay người chẩn mạch hình như còn thấy dấu hiệu mong manh của sự sống. Có tiếng lách cách của người nào bới lộn chai lọ trong hộp thuốc để tìm một ống thuốc hồi dương. Nhưng mười phút sau, bác sĩ Bhargava tới thì Thánh vừa tắt thở.
Các thanh-niên nam nữ tín đồ kêu khóc như điên. Thủ tướng Nehru, đồ-đệ yêu dấu của Người, tất tả chạy đến, vành khăn còn quấn dở. Thủ-tướng phủ phục cạnh linh sàng, gục đầu vào nếp áo đẫm máu của Thánh mà khóc than thảm thiết. Rồi đến lượt Devadas, con út Thánh, cùng các nhân viên Chính-phủ mà phần lớn là đồ-đệ người, đến nhìn mặt Thánh. Trong các số các nhân vật ngoại-giao đến viếng tang, nhiều người mủi lòng rơi lệ.
Bên ngoài biệt-thự, dân chúng tụ họp kêu gào đòi được chiêm ngưỡng dung nhan Thánh lần cuối. Người ta phải đặt di-hài Thánh lên nóc nhà, chiếu đèn vào cho tỏ. Quần chúng đang hỗn loạn bỗng im lặng như tờ. Hàng vạn người nối nhau sắp hàng đi diễu trước thi hài. Lẫn với tiếng chân rầm rập trong đêm thâu, vẳng lên những tiếng nức nở của nỗi lòng khôn nén. Đến nửa đêm thì thi hài được hạ xuống để rước vào linh sàng. Suốt đêm, những người thân của Thánh canh gác bên người, và thay phiên nhau cầu kinh đến sáng.
Đến sáng sớm hôm sau, các vị đồ đệ tắm rửa thi hài bằng nước hương thang rồi theo đúng tục lệ quàng qua cổ Thánh một vòng hoa bằng bông và bằng lúa tết. Cỗ vải liệm trắng tinh bọc quanh mình Thánh, chỉ để hở bộ ngực thanh tao tinh sạch mà Ngài có thói quen để trần khi còn sống. Những cánh hồng tươi rắc khắp linh sàng và trên vải liệm. Cạnh di hài, nghi ngút một đỉnh trầm hương.
Gần trưa, theo lời yêu cầu của quần chúng, di hài Thánh lại phải đặt lên nóc tòa nhà Birla lần nữa.
Đến trưa thì con thứ ba của Thánh là ông Ramdas đáp phi cơ về tới Tân Đề-Ly. Người ta chỉ còn chờ ông để cất đám, vì kính trọng những thói sống giản-dị và nhún nhường của Thánh lúc sinh thời, thiếu-lang Devadas và ông Pyarélal Nayyar, người cộng sự thân mật nhất của Thánh, đã quyết định không ướp xác giữ gìn, mà làm lễ thiêu hóa ngay để linh-hồn người quá-cố chóng về nơi cực-lạc.
Lễ nhập quan giản dị và cảm động. Một vòng hoa quấn trên đầu Thánh. Gương mặt người thư-thái, song dường như đượm một nét buồn vô hạn, tưởng chừng Thánh còn phiền muộn về chuyện xâu-xé của hai dân tộc Ấn-Hồi. Ngọn cờ xanh, vàng, trắng, quốc hiệu của nước Tân Ấn-Độ, phủ kín quan tài.
Đám tang đơn giản nhưng bi tráng. Linh-cữu đặt trên một giá súng đại bác kéo bởi hai trăm binh sĩ thủy, lục và không quân. Từ Birla House đến nơi thiêu hóa trên bờ sông Youmna, con đường dài có hơn 5 dặm mà đám tang khởi hành hồi 12 giờ trưa mãi 4 giờ 20 phút buổi chiều mới tới vì có một triệu rưởi người theo sau linh cữu, và một triệu người khác đứng ở suốt dọc đường. Ven sông Youmna còn một triệu người nữa chầu chực sẵn từ tảng sáng quanh hỏa đàn. Ba chiếc phi cơ bay lượn trên đám táng, chốc chốc lại buông xuống từng trận mưa hoa.
Hỏa đàn đặt cách sông Youmna chừng vài trăm bước ; những phiến gỗ trầm hương đã chất sẵn trong lò. Di hài Thánh đặt trên hỏa đàn, đầu về hướng Bắc, chân trỏ hướng Nam. Khi xưa Đức Phật về trời, Ngài cũng nằm trong phương vị đó.
Đúng 4 giờ 3 khắc buổi chiều, thì Ramdas, người con thứ ba của Thánh, châm lò. Khi ngọn lửa đầu tiên bốc lên, thì tất cả cái bể người bỗng rung động trong một tiếng than dài. Có lúc như một làn sóng cuốn, dân chúng ùa tới hỏa tràng. Nhưng rồi muôn người như một lại trấn tĩnh được ngay và rũ xuống như dưới một sức đè nén nặng nề. Có tiếng khóc nức lên trong đám đông.
Ngọn lửa dội lên rồi tắt. Trước gió chỉ còn ít tro than và một làn khói cuộn. Cái đám đông mấy triệu người im lặng như tờ. Một tiếng chim hót đâu đây. Xa xa, nước sông rì rào chảy.
Hai mươi bẩy giờ sau, khi những hòn than cuối cùng trên hỏa đàn đã vạc, những người thân của Thánh cử hành lễ lượm xương. Các đồ đệ của người kính cẩn thu góp những mảnh xương tàn chưa bén lửa. Than tro được vun vén vào chiếc túi nhỏ bằng vải bông do chính người nhà dệt lấy. Bới đống tro than, người ta nhặt được một viên đạn sắt, hòn đạn còn nằm trong mình Thánh. Di cốt được đựng trong một chiếc bình đồng, sau khi lau rửa bằng nước sông Youmna. Ramdas quấn một vòng hoa thơm vào cổ bình, rồi đặt vào một chiếc giỏ đầy hoa mà đem về Hồng thất.
Đến ngày 11 tháng hai thì làm lễ thủy táng hài-cốt Thánh ở hợp lưu sông Hằng-Hà, sông Youmna và sông Sarasouati. Lúc sinh thời, Thánh vốn bao giờ cũng chỉ đi xe lửa hạng ba, lẫn với đám bình dân. Vậy thì bây giờ, dẫu không có lời di huấn, người ta cũng lập một chuyến xe riêng, gồm năm toa toàn hạng cuối, để đưa hài cốt từ Tân Đề-Ly đến nơi an nghỉ cuối cùng. Bình xương tro đặt ở toa xe chính giữa, dưới một núi hoa hồng. Chung quanh, có hai bà Abha và Manon, ông Pyarélal, bà Sonchila Nayyar cùng mấy người học trò yêu của Thánh gìn giữ.
Ở Allahabad, ngày 12, một triệu rưỡi người từ mọi nơi kéo đến để cầu nguyện. Bình di-cốt đặt trên một chiếc xe phủ đầy hoa. Con cháu và các người thân của Thánh đẩy xe hộ tống. Thủ-tướng Nehru đi theo linh xa, nỗi buồn thương hiện trên nét mặt.
Đến ven sông thì bình hài-cốt được chuyển xuống một chiếc xuồng nhà binh sơn trắng để đem ra giữa dòng. Khi miệng bình nghiêng xuống làn nước đỏ cạch của sông Hằng-Hà thì một loạt súng viếng vang động trên những chòi thần công của thành lũy đồn Allahabad. Tro than bay tung trước gió. Những mảnh xương con, thì nước sông Hằng đem nhanh ra biển.
Vụ ám-sát Thánh Cam-Địa là một tang chung cho toàn cõi bán đảo Ấn-Hồi. Quốc dân hình như thấy một nỗi chán chường đè nặng trên tâm hồn. Vì con người lượng cả đức cao như Thánh, một người thương yêu cả đến những kẻ thù hiểm độc nhất của mình, một người bình sinh không bao giờ dám giết đến một loài côn trùng, ruồi muỗi, một người như Thánh mà đến nỗi bị giết dã man bởi chính tay người đồng chủng và đồng đạo của mình, thì trên cõi đất này còn đâu là công lý của Trời?
Ngày thứ sáu 30 tháng giêng năm ấy, Thánh Cam-Địa tạ thế, trong khi sự-nghiệp của người đã đến chỗ tuyệt đích cao siêu. Vậy mà Thánh đã từ giã cuộc đời, bình dị và hồn nhiên chẳng khác khi người sống. Không riêng gì dân tộc Ấn, mà khắp thế-giới được tin Thánh từ trần cũng cảm thấy một cái gì cao cả vừa mất đi. Vì Thánh Cam-Địa tượng trưng cho Đức-độ cao cả mà loài người chúng ta thiếu sót.
Nhà chính-trị Pháp Léon Blum đã diễn tả được tư tưởng của toàn thể chúng ta khi viết rằng:
«Tôi chưa hề đặt chân lên đất nước Người, vậy mà được tin Người mất, tôi xót-xa tiếc nhớ chẳng khác trước cái chết của người ruột thịt. Khắp thế giới, đâu đâu cũng để tang bậc kỳ nhân đó!»
Giáo sư Albert Einstein cũng nói:
«Thánh Cam-Địa đã chứng tỏ rằng người ta có thể chế-ngự được trăm triệu sinh-linh không phải bằng những lời hứa hão-huyền hoặc những mánh-khóe chính-trị xảo-quyệt, mà chỉ bằng tấm gương sáng của một đời sống thanh cao trong sạch».
Bởi thế cho nên tin dữ ở Tân Đề-Ly vừa truyền đi, khắp thế giới sững sờ điếng lặng trong sự hãi hùng và đau đớn.
Một nguồn sáng của nhân loại vừa vụt tắt.
Ở bên kia đại dương, Mỹ-quốc rủ cờ tang.
Nhân loại cũng đeo một tang lớn trong lòng.
Nhưng cái chết của Thánh có thể như liều thuốc hồi sinh, gây ảnh hưởng diệu kỳ trong cái thế giới đang xâu xé lẫn nhau như lang sói. Những bực chính khách trong tay đang cầm vận mệnh của mấy nghìn triệu sinh linh, các vị dù có tranh đấu cho một lý-tưởng, một chủ-nghĩa nào chăng nữa, thử hỏi có ai đã dám tranh-đấu suốt đời với một lòng nhân như Thánh?
Chương 2
NHỮNG NGÀY THƠ ẤU
Thánh Cam-Địa thuộc giai-cấp Vaisyas, tức là giai-cấp thương nhân, giai-cấp đứng hàng ba trong hệ-thống xã-hội Ấn ngày xưa, dưới các giai-cấp Brahmanes tức là thượng-đẳng giai-cấp, và Kchatryias đứng hàng hai. Dưới các thương nhân là thợ-thuyền thuộc giai-cấp Soudras.
Như vậy là tổ-tiên Thánh Cam-Địa xưa kia chỉ là những người buôn bán. Trong Ấn-ngữ, chữ Cam-Địa có nghĩa là người bán hàng thực phẩm. Song đến khi cái hàng rào giai-cấp bắt đầu sụp đổ dần trước sự tiến hóa của dân tộc thì họ Cam-Địa bắt đầu đột khởi. Tổ phụ Thánh Cam-Địa được Tiểu-vương xứ Porbandar vời ra làm Thủ-tướng. Người truyền chức cho con là Karamchaud. Chính vị này là thân sinh của Mohandas Karamchand Gandhi, sau này được suy-tôn làm Thánh.
Vậy từ nay cho tới khi cái vận-mệnh siêu-phàm của Thánh bắt đầu định đoạt, chúng ta chỉ gọi người bằng tên tục là Mohandas Karamchand Gandhi.
Cậu bé Cam-Địa sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm 1869 tại Porbandar. Cậu là con út của bà vợ thứ tư ông thân sinh. Sinh-trưởng trong một gia-đình phong-phú hào-hoa, cậu sớm được hưởng một nền giáo-dục dồi-dào và tinh-nhã. Ông thân sinh ra cậu có ba biệt thự. Anh em cậu vàng đeo ngọc dát đầy người. Tuy nhiên, ông sống một đời phóng-túng, ăn tiêu quá ư huy-hoắc, nên khi nằm xuống, gia sản cũng chẳng để lại được gì.
Người anh cả Cam-Địa là trạng-sư ở tỉnh Raikot. Người anh thứ hai làm phó thanh tra cảnh sát ở Porbandar. Cậu bé Cam-Địa là út nên được cả nhà chiều chuộng. Cậu quyến-luyến bà mẹ vô cùng. Sau này nhớn lên, cậu luôn luôn nhắc nhở lại bà mẹ thân yêu dưới hình ảnh một trang thiếu-phụ dịu-dàng và mộ đạo. Cậu còn nhớ cứ đến tuần chay thì bà chỉ ăn mỗi ngày một bữa. Nhiều ngày mưa, bà nguyện nhịn hẳn cho đến khi mặt trời xuất hiện.
Cậu bé Cam-Địa thủa nhỏ học không được thông minh lắm. Cậu ưa bày những trò chơi nghịch ngợm hơn là ngồi học thuộc bảng cửu chương. Năm sau, theo gia đình đến ở Raikot, cậu theo học trường mới, trở nên chăm chỉ hơn. Buổi sáng, có khi cậu bỏ cả bữa ăn, vì sợ chờ dọn điểm tâm thì đến lớp chậm giờ. Cậu không ưa đi xe đến trường vì sợ bè bạn chế. Cũng bởi tính rút rát ấy, nên cậu chẳng chơi với ai. Hết giờ học thì lầm-lũi trở về nhà ngay, chẳng lu-bù dong phố với chúng bạn bao giờ.
Đến năm 12 tuổi thì cậu bắt đầu tập hút thuốc lá. Cậu ham mê thú vui mới ấy đến nỗi ăn cắp cả tiền nhà để mua thuốc lá. Túng quá thì quấn lá cây mà hút. Bị người nhà ngăn cấm, cậu bực mình rủ một người anh họ nuốt cà độc dược để tự tử. Nhưng đến lúc cuối cùng thì hai cậu lại chùn.
Ít năm sau thì cậu Cam-Địa không còn nghĩ đến những trò chơi của tuổi thơ, mà theo đuổi những thú vui khác.
Năm 14 tuổi, cậu đang học năm thứ hai trường Trung-học thì vâng lệnh song thân thành hôn với cô Kastourbai, 13 tuổi, con gái một thương gia ở Porbandar. Hai vợ chồng cùng hãy còn trẻ con, nên luôn luôn giận dỗi nhau. Theo tục lệ, mỗi khi muốn đi chơi đâu, cô bé Kastourbai cũng phải được phép chồng cho đi. Cậu lại tính trẻ hay ghen, thường ngăn cấm. Cô bướng, nhất định không chịu. Thế là hai vợ chồng lại giận nhau, có khi hàng mấy ngày liền chẳng nói với nhau một lời.
Cậu Cam-Địa rất yêu vợ, nhất là khi ấy mới bắt đầu bước vào cái thế giới đầy xuân sắc ái-tình. Cậu thường thắc-mắc về sự đối đương giữa ái-tình và bổn-phận. Một việc đã xẩy ra, gây cho cậu một nỗi ân hận sâu xa mà năm tháng dù qua vẫn không sao xóa nhòa được trong tâm khảm. Năm ấy cậu 16 tuổi. Cô Kastourbai 15, và đã có mang gần tới ngày sinh. Bấy giờ ông thân sinh ra cậu đang bị bệnh nặng, và hàng ngày cậu vẫn chăm nom nâng giấc bên giường. Ban đêm cậu ngủ ngay dưới chân cha. Hễ người bệnh tỉnh giấc, thì cậu lại vỗ về xoa bóp, không quản ngại gì mệt nhọc. Nhưng dù chăm chú vào bổn phận, cậu vẫn không sao ngăn được ý nghĩ vấn vương bên cạnh người vợ yêu. Cậu rất phiền muộn về nỗi cha già ốm nặng mà người con phụng-dưỡng không giữ được trí-não trong-sạch khỏi mọi điều ham muốn về nhục dục. Cậu cho như thế là không tròn đạo hiếu.
Một đêm, về khuya nhân dịp con ông cậu đến thăm cha, cậu tất-tả lẻn về buồng vợ. Mấy phút sau, tên nữ tỳ hốt-hoảng đến đập cửa phòng. Cậu choàng khỏi giường vợ, chạy vội về phòng cha nằm, thì người đã mất. Bốn mươi năm sau, nhắc lại chuyện ấy, Thánh Gandhi vẫn ân hận thở than là chỉ vì một lúc mềm lòng mà không được vuốt mắt người thân trong giờ chót. Nhất là sau khi người con đầu lòng của hai vợ chồng cậu mất ngay ba hôm sau khi sinh, cậu lại càng tin là Trời Phật đã gia hình phạt người con bất hiếu.
Cô Kastourbai vốn sinh trưởng ở một gia đình buôn bán nên không biết chữ. Cô cũng không thích học lắm, mặc dầu ông chồng hết sức khuyến-khích cô về phương diện ấy. Loay hoay vì bà vợ, cậu Gandhi bỏ lãng mất gần một năm học. Sau này cậu tỏ ý tiếc rẻ thì đã mất, vì cậu hiếu học vô cùng. Mỗi lần bị thầy phạt là cậu băn khoăn khổ sở và hối hận về tội biếng nhác của mình.
Vốn người mảnh khảnh, cậu rất thèm khát có được thân hình to lớn khỏe mạnh như nhiều bạn đồng học. Trong số đó, cậu phục nhất là Mehtab, một anh Hồi Hồi có tài chạy đua và nhảy xa không ai sánh kịp. Cậu còn tự cho mình là rút rát. Sau này cậu thú thực trong cuốn nhật ký là ban đêm cậu không dám ra đến ngoài, vì sợ trộm cướp, rắn rết và ma quỷ. Mehtab biết thế lại còn trêu già. Y tự-phụ là tất cả những cái gì làm Cam-Địa sợ hãi, đối với y chỉ là trò trẻ. Trộm cướp gặp y thì có mà chạy thục mạng. Làm gì có ma quỷ; còn rắn độc thì y cầm lên tay là sự thường. Vậy thì y khác Cam-Địa ở đâu mà có sức mạnh phi phàm như thế? Rồi thì y tự trả lời là vì y có ăn thịt, mà người Ấn chỉ ăn rau. Y thường bông đùa rằng người Anh cao lớn và lấn át người Ấn như thế là vì họ ăn thịt. Vậy thì muốn mạnh ngang người Anh để đuổi họ ra ngoài cõi, phải bỏ tục ăn rau mà theo người Hồi ăn thịt. Ngày ngày y cố tuyên-truyền cho Cam-Địa ăn thịt, nên dần dà cậu cũng xiêu lòng. Cậu Cam-Địa vốn theo đạo Bà-la-Môn, vả lại sống từ thuở bé trong một gia đình chỉ ăn rau, nên được Mehtab rủ đi ăn thịt, cậu coi là một sự quan trọng lắm. Cậu hẹn bạn buổi tối ở một nơi hẻo lánh ven sông. Anh này đem bánh và thịt dê ướp đến thì cậu lấy hết can đảm vồ lấy ăn ngay. Thịt dai như chão, và tanh lộn mửa, song vì đã nhất quyết phải ăn thịt để trở nên vạm-vỡ mà cứu nước nên cậu cố nuốt cho trôi. Đêm hôm đó, cậu đau bụng dữ dội. Chợt nhắm mắt mê sảng thấy dê mẹ dê con nhảy như choi choi trong bụng. Nhưng cậu không vì thế mà nản lòng. Suốt trong một năm, cậu luôn luôn đến chỗ hẹn để cùng Mehtab chia nhau những món thịt ngon lành. Cậu cũng không bao giờ tự hỏi Mehtab lấy tiền ở đâu mà thết bạn luôn như thế.
Rồi thì với thói quen ăn mặn, mà cậu coi như một tội lỗi, cậu lại mắc thêm tật nói dối. Vì cậu phải luôn luôn dấu diếm cha mẹ. Mãi đến khi song thân khuất núi, cậu mới dám công nhiên ăn mặn mà không bị lương-tâm dày-vò cắn dứt.
Mehtab sau khi làm cho cậu quen thói ăn mặn, lại dần dà rủ rê cậu đi tìm những thú vui mới lạ hơn. Rồi một hôm, Cam-Địa theo bạn xuống xóm tìm thú phong-lưu. Bạn cậu đã giàn xếp từ trước để một ả thanh lâu ra tiếp cậu. Về sau, cậu viết về cuộc gặp gỡ đó :
«Tôi bàng hoàng, ngớ ngẩn trong căn phòng sặc mùi nhục dục. Tôi ngồi trên mép giường, cạnh đứa gái chơi, chẳng biết nói gì với nó, mặt thì cúi gầm tay vẽ cuống chiếu. Thấy tôi quê mùa ngô nghệch, nó chán mớ đời. Nó chửi tôi như tát nước rồi tống tôi ra khỏi cửa».
Từ khi chơi với Mehtab cậu Cam-Địa thường quên lãng sự đi lễ, cầu kinh. Cậu ít khi đặt chơn tới Đền. Lòng sùng đạo của cậu bị sút kém nhiều. Song thân cậu rất lấy thế làm phiền muộn. Nhưng lúc đó, hình như những đền miếu huy-hoàng không còn sức quyến-rũ đối với cậu như hồi thơ ấu. Trí khôn cậu bây giờ đã mở rộng. Cậu tự hỏi phải chăng tôn giáo chỉ thu vào mấy sự trói buộc phiền toái, như những tuần ăn chay, những ngày dâng hương, lễ bái. Cậu băn khoăn với ý nghĩ ai đã tạo nên trái đất, ai đã chỉ định sự sống của loài người. Các anh cậu không thể trả lời cậu rõ ràng về những câu hỏi đó. Các sách thánh cũng im lìm trong lời văn rậm-rạp và bí hiểm. Vì thế, mỗi ngày cậu càng khuynh về chủ-nghĩa vô thần.
Tuy nhiên, cậu vẫn không bỏ qua dịp nào mà không kính cẩn dự vào những cuộc đàm luận giữa ông thân cậu và các bạn giáo sĩ của người. Những vị này đã khiến cậu hiểu rõ được những sự tương biệt giữa Ấn-Độ giáo, Hồi-giáo và Bái-hỏa giáo. Nhân đó mà cậu biết được nhiều về một tôn giáo chủ trương hơi giống Phật giáo, gọi là Djainisme. Nhiều sư Djainas lui tới nhà cậu luôn, và thân mật nhận của gia đình cậu những thức ăn đưa tặng.
Đến khi ông thân sinh ra cậu mất, thì một người bạn của ông là thầy tăng Djaina Betcharyi Souami thường đi lại giúp đỡ gia đình cậu. Vốn người dễ ảnh hưởng, cậu Cam-Địa chịu rất nhiều cảm-hóa của môn phái Djainas. Môn phái này phát sinh từ thế-kỷ thứ 6 trước Thiên-chúa giáng-sinh, đồng thời với Ấn-Độ giáo ở miền Đông-Bắc Ấn-Độ, nơi bây giờ gọi là tỉnh Bihar. Môn phái này từ xưa vốn chủ trương cải cách Ấn-Độ giáo. Đặc tính của họ là tuyệt đối cấm sát sinh. Các tăng nhân không ra ngoài ban đêm, vì e không trông thấy mà dẫm phải một loài côn-trùng sâu bọ nào chăng.
Nhưng ảnh-hưởng trực tiếp của sự giao-thiệp giữa gia-đình cậu và chư tăng của phái Djainas là nhờ được sự can-thiệp của thầy Betcharyi Souami, mà cậu được tốt nghiệp ở trường Trung-học tỉnh nhà. Nguyên do là khi tốt nghiệp cậu Cam-Địa do dự không biết theo học về ngành nào? Ý cậu thích học về ngành thuốc. Song bà thân mẫu cùng các ông anh thì lại thích cho cậu học luật để thành trạng sư, ngõ hầu một ngày kia nối chức cha làm Thủ-tướng ở triều-đình tiểu vương Porbandar. Sau cậu Cam-Địa đành chịu theo ý-kiến gia-đình, miễn là được sang tòng học bên Anh-quốc. Lại một phen cậu vấp phải sức kháng cự của gia-đình. Bà mẹ cùng ông chú xưa nay vẫn có ác cảm với bọn thanh-niên ở các trường Đại-Học Tây-phương. Họ ăn mặc lố-lăng, nói năng lỗ-mãng, trên môi lúc nào cũng vểnh điếu xì-gà. Cậu Cam-Địa đã định đem cầm các đồ nữ trang của bà vợ để lấy tiền du học thì thầy Betcharyi Souami nói được với bà thân mẫu cậu bằng lòng, bằng cách bắt cậu phát thệ 3 điều trước khi xuất dương là không uống rượu, không ăn thịt, không chơi gái. Vì thế, ngày mồng 4 tháng 9, cậu xuống tàu.
Chương 3
DU HỌC TẠI ANH QUỐC
Bây giờ cậu bé Cam-Địa đã thành một thanh niên.Trên bức ảnh cậu chụp năm 1888, ít lâu sau khi cậu tới Luân-Đôn, người ta nhận thấy một chàng thanh niên vẻ mặt hơi buồn, hình như sợ hãi lo âu trước quãng đường đời đầy chông gai phải vượt, nhưng tai to, trán vuông, mũi gô, cằm nở, tỏ ra vẻ không kém ý chí cương quyết hiên ngang.
Cam-Địa rất chăm chú đến sự ăn mặc. Chàng rẽ giữa, đường ngôi thẳng tắp, mái tóc chải bóng mượt. Áo quần lúc nào cũng đứng đắn, cổ cồn, măng-xét trắng tinh. Chàng học khiêu-vũ, phớt qua một chút âm-nhạc, và tập cách giao-thiệp, ăn nói, cùng khoa hùng biện.
Cam-Địa ưa sống trong sự tiện nghi, thoải mái. Tuy nhiên, chàng cương quyết giữ lời hứa đối với bà mẹ là không uống rượu, không ăn thịt. Chàng tìm được một tiệm bán toàn đồ rau ở Farrington Street, cạnh Fleet Street, không xa nơi chàng học lắm. Sự ăn uống thanh đạm làm cho chàng quen tính tằn tiện. Chàng có một quyển sổ ghi rõ những số tiền chi cho các khoản ăn, mặc, giải trí, xe pháo, v.v…
Rồi thì nhìn cảnh thiếu thốn của những người đồng hương nghèo cố gắng theo học ở Luân-Đôn, chàng thấy hối hận là đã tiêu huy-hoắc tiền nhà. Chàng liền trả tòa nhà mới thuê, dọn đến ở một căn buồng như mọi sinh-viên khác. Chàng viết thư về nhà xin đừng gửi hoa quả bánh trái nữa kẻo tốn. Trứng gà chàng cũng không ăn, không phải vì sợ tốn, nhưng vì chàng cho là trứng rồi cũng nở ra gà, ăn trứng tức cũng như ăn thịt vậy.
Năm 1890, Cam-Địa sang du lịch nước Pháp vào dịp hội chợ Ba-Lê. Việc trước tiên của chàng là tìm đến một tiệm ăn chay có tiếng ở tầng lầu thứ nhất của tháp Eiffel. Chàng không thưởng-thức cái công trình mỹ thuật này lắm. Chàng cho đó chỉ là một tòa tháp đồ sộ chứ chẳng đẹp đẽ gì. Gandhi cũng không chú ý nhiều đến những cảnh hoa-lệ của kinh đô Ánh Sáng huy hoàng. Nhưng chàng say mê nhìn ngắm những nhà thờ cổ ở Ba-Lê, nhất là Nhà Thờ Đức Bà «chạm trổ tinh vi như một công-trình điêu-khắc tuyệt-tác».
Cam-Địa không tỏ ý-kiến gì về những ngôi nhà thờ Tân-giáo ở Anh-quốc. Đời sống của chàng có lẽ hơi trầm bế. Chàng cũng đánh bài, cũng giao-thiệp cũng hoạt động cho một vài hội ăn chay đấy, song không sao thắng được tính rút rát kỳ lạ của mình. Chàng không dám phát biểu thẳng ý kiến. Muốn tỏ bày quan điểm riêng của mình, chàng phải viết ra giấy rồi trình cử tọa, hoặc nhờ người khác đọc theo. Chàng viết thư cho bà mẹ phàn nàn rằng đến những nơi khách thính, phần nhiều chàng rụt rè chẳng nói được câu nào.
Cam-Địa không ghi chép kỷ niệm về việc học hành của chàng ở Luân-Đôn. Người ta chỉ biết rằng sau khi theo học lớp dự bị ở Inner Temple thì chàng ghi tên vào trường Đại-học Luân-Đôn. Ở đấy, ngoài các môn luật, chàng còn học thêm Pháp-văn, cổ văn cùng vài môn khoa học. Năm 1891, sau khi tốt nghiệp, chàng được tiếp nhận làm luật-sư, và trở về Ấn ngày 12 tháng 6 năm ấy.
Cam-Địa hình như tự thấy không thích hợp với đời sống ở Anh-quốc. Vì muốn được quyền cãi kiện thì phải sang học ở chính quốc, nên chàng không thể làm khác được mà thôi. Ở Anh, Cam-Địa chẳng giao thiệp thân thiết với ai. Bạn thâm giao của chàng không ngoài mấy ông già hội viên các hội ăn rau, mà câu chuyện bao giờ cũng chỉ vẩn vơ quanh việc ăn uống thế nào cho vừa lành. Vả lại, với bản tính lãnh-đạm, chàng cũng ít khi có bộ mặt hay câu chuyện niềm nở để người ngoài dễ làm thân.
Tóm lại, ở Anh, bao giờ Cam-Địa cũng tự coi là xa lạ. Về sau, được suy tôn làm thánh rồi, Người vẫn dạy rằng điều tối ư cần thiết đối với một dân tộc là được học hỏi đầy đủ trong tiếng mẹ đẻ của mình. Phải dùng tiếng nước ngoài mà học, đối với Thánh, là một điều khó nhọc khổ sở vô cùng.
Cam-Địa ở bên Anh cả thảy hai năm tám tháng. Nhưng đời sống sinh viên của chàng không có ảnh hưởng gì to tát với sự dưỡng thành cá tính của chàng về sau. Vì Cam-Địa không phải là kẻ chuyên tâm học hỏi trong sách. Cái gì cần cho chàng là đời sống, với sự hoạt động của con người. Vậy không thể nói là trường Đại-học Luân-Đôn đã cấu-tạo nên con người về sau gọi là Thánh Cam-Địa.
Từ nhà luật sư mới tốt nghiệp vụng về, kém cỏi và lu mờ, đến vị lãnh tụ muôn người sùng kính, chúng ta phải chờ cho đến khi cái chân giá trị của Gandhi nẩy nở hoàn toàn với tất cả những đức tính quý báu, như trực-giác tinh-tế, ý chí kiên-cường, lòng tự tin mãnh liệt, tiềm tàng trong người Thánh.
Vậy Cam-Địa đã nhờ hành động mà làm nên sự nghiệp. Nhưng chàng đã học hỏi được điều hay lẽ phải từ đâu? Đó là nhờ kinh Ghita, quyển thánh kinh của Ấn-Độ giáo mà sau này Cam-Địa tiếc rẻ xót xa là không biết đến ngay từ thuở thiếu thời.
Chương 4
LÒ LUYỆN LỬA
Lần đầu tiên Cam-Địa đọc kinh Ghita trong bản dịch của Sir Edwin-Arnold. Bấy giờ chàng đương học học năm thứ hai trường Luật Luân-Đôn. Chàng tự trách mình đã bỏ phí bao nhiêu năm không biết đến một cuốn sách quan trọng như kinh Ghita, mặc dầu kinh đó đối với Ấn-Độ giáo cũng hệ-trọng như kinh Coran đối với đạo Hồi, và kinh Tân-ước đối với Gia-tô giáo.
Từ đó, kinh Ghita thành sách gối đầu của chàng. Sau này, Cam-Địa còn đọc kinh đó ở bản chính văn chữ phạn, và so sánh bản dịch của người Anh với nhiều bản dịch khác. Rồi chàng còn dịch bản chữ phạn sang chữ nôm để dễ đọc hơn, và thêm vào đó rất nhiều lời chú thích.
Ghita, theo Ấn-ngữ là tiếng đọc tắt của Chagavad Ghita, tức là một bản thánh ca. Ảnh hưởng của kinh Ghita lớn lao vô kể đối với Cam-Địa. Về sau chàng viết rằng:
«Mỗi khi tôi thấy trong người chán nản buồn phiền thì tôi lại giở kinh Bhagavad Ghita ra để tìm trong đó một lời khuyến khích. Đời tôi đã qua bao nhiêu trường bi thảm, vậy mà tôi không ngã lòng thối chí, ấy là nhờ ở những lời giảng dạy của bộ kinh đó».
Kinh Bhagavad Ghita là một bản thánh ca gồm 700 câu thơ. Lời văn thanh thoát, lại bao-hàm một đạo sống thiết thực vô song, làm cho bộ kinh thành một công trình triết lý cao siêu. Áng văn đó hình như đã có từ thế-kỷ thứ 4 hoặc thứ 2 trước Thiên-Chúa giáng sinh. 700 câu thơ chia ra làm 18 chương, ghi chép một cuộc nói chuyện giữa Thần Krichna và vua Aryouna. Thần Krichna là một vị thần rất được dân Ấn-Độ sùng bái. Tục truyền rằng Thần là con một bà công chúa chị vua. Vị vua đó rất độc ác và đa nghi. Ngài giết hết các con cháu để tọa hưởng ngôi báu một mình không sợ ai dòm ngó. Vì thế Thượng-Đế mới đầu thai vào bụng bà công chúa. Sinh ra, thì được đem nuôi trong gia đình một mục tử. Lớn lên, thần Krichna đi chăn bò. Một hôm, trời làm nạn lụt, Krichna một tay nâng bổng ngọn núi ròng rã bẩy ngày bẩy đêm để dân làng có chỗ tránh nước cùng mục xúc. Krichna vẫn thường dự các hội hè trong làng. Gái làng nhảy múa cùng chàng, ai cũng mê chàng và cũng chẳng ai biết chàng là thần thánh. Rồi chàng thanh niên Krichna giết ông bác độc ác để trả thù. Tiếng tăm chàng lừng lẫy. Sau nhiều cuộc phiêu lưu kỳ diệu, thần Krichna trở về tu luyện tại khu rừng thì bị một người thợ săn lầm là con hươu mà bắn phải bị thương ở gót chân. Người thợ săn khóc than hối hận, nhưng thần không thù oán lại an ủi và ban phúc cho kẻ đã giết mình mà về trời. Nói về thần Krichna, các nhà triết-học Ấn cho rằng Krichna là hiện thân của thần Vichnou.
Kinh Ghita cho ta thấy thần Krichna đánh xe cho Aryouna, một vị vua cầm quân trên bãi chiến trường. Trước mặt vua Aryouna là những vị hoàng thân phản bội sắp sửa cùng ngài giáp chiến. Trước cảnh huynh đệ tương tàn, vua Aryouna cầm lòng không đậu, bỏ rơi chiếc cung xuống đất mà than rằng:
«Hỡi thần Krichna, khi ta thấy những anh em ta hội họp nơi đây để quyết cùng ta sống mái, thì chân tay ta rời rã, miệng ta khô cạn, thân ta run rẩy, và tóc ta, vì ghê tởm, dựng đứng trên đầu. Tay ta buông rơi khí giới, lòng ta thấp thỏm không an. Trí ta tự hỏi: ta giết người thân trong chiến trận để làm gì? Khi mà ta không cầu xin chiến thắng, thì uy-quyền, danh-lợi, những thú vui trên cõi thế, cho đến cả những ngày xanh của ta nữa, ta cũng chẳng màng!»
Vậy, thà rằng bị giết hại bởi chính khí giới của người thân, chứ vua Aryouna không lòng nào giết lẫn anh em trong họ.
Nhưng thần Krichna nhủ ngài rằng:
«Nhà vua đừng nản lòng nhụt chí bởi những ý tưởng không đâu. Người hiền không bao giờ cảm thương trước sự sống cũng như sự chết. Vì linh hồn người ta có bao giờ sinh ra, và có bao giờ tiêu diệt? Linh hồn đã có sẵn, và sống mãi khôn cùng. Khí giới làm tiêu tan xác thịt, nhưng có đâu đụng chạm được đến linh hồn? Cũng như người ta vứt bỏ bộ áo rách nhàu, sự chết chóc chỉ là một dịp mà linh hồn đổi thay thể xác».
Và thần Krichna nói tiếp:
«Khí giới không xâm phạm đến linh hồn, lửa đỏ không đốt cháy được linh hồn, nước cả không dâng được tới linh hồn, và gió lớn chẳng thổi được linh hồn se cạn. Và cũng bởi sự sống đã mang sẵn mầm tiêu diệt, mà cái chết chỉ là dấu hiệu của sự hoàn sinh. Cho nên nhà vua chẳng nên bi thảm vì số mạng bọn phản thần».
Ngoài ra, thần Krichna còn nhắc nhà vua là ngài thuộc dòng giống chiến sĩ, vậy bổn phận ngài là phải chiến đấu.
Nhiều nhà thông thái Ấn-Độ coi bộ kinh Ghita như là một bản hùng ca trần thuật một cuộc chiến tranh trong đó một vị tướng cầm quân vì lòng bác-ái mà muốn tránh máu đổ thịt rơi, song Thượng-Đế đã nhắc ông ta trở lại bổn phận tối cao của người chiến sĩ, là không ngần ngại dùng võ lực mà diệt ác trừ gian.
Nhưng Thánh Gandhi vốn chủ trương thuyết tranh đấu bằng tinh thần chứ không bằng võ lực, không tán thành quan-điểm đó.
Theo Thánh, kinh Ghita vốn là một tượng trưng. Bãi chiến trường nói trong kinh là lương tri con người, trong đó những linh tính tốt của chúng ta cố gắng chế ngự những khuynh-hướng thấp hèn. Krichna là tiếng nói của lương tâm, ngự trị trong mỗi người chúng ta. Vua Aryouna tượng-trưng cho lòng thiện. Các phản thần tượng trưng cho lòng ác. Còn cuộc giáp chiến của hai đội quân tả trong kinh Ghita chỉ là một hình ảnh người viết kinh dùng để tả cho thêm hào hứng cuộc xung đột giữa lòng thiện và lòng ác của con người.
Kinh Ghita, theo thánh Cam-Địa, còn dạy người ta một phương châm xử thế là phải hành động, hành động luôn luôn và mãi mãi. Nhưng phải hành động một cách thanh cao, không vụ lợi. Kinh Ghita nói:
«Người hãy vững tâm chiến đấu, trong cơn phiền não cũng như trong nỗi tươi vui, khi được cũng như khi thua, trong lúc can-qua cũng như trong khi vĩnh thịnh».
Nhưng kẻ hành động không phải vì thế mà chịu thiệt thòi. Thánh Gandhi cho rằng có bỏ hết được mọi điều thế tục thì sự hành động mới có kết quả khả quan. Vì quá ư chăm chú đến kết quả, thì nhiều khi mất hết cả điềm tĩnh mà không làm tròn được phận sự. Con người quá thực tế hành động không duy nhất, thường đứng núi này trông núi khác, lại thấy lợi thì tối mắt, chẳng ngần ngại dùng điều xảo quyệt mà toại nguyện. Trái lại, con người siêu thoát bao giờ cũng giữ được trí óc thanh thản để đủ sáng suốt đi tới mục đích.
Tóm lại, thế nào là con người lý tưởng, theo kinh Ghita? Thánh Cam-Địa viết rằng:
«Đó là một người lòng thấm nhuần đầy tư tưởng của đạo giáo, một người không biết đến lòng ghen ghét, một người đầy lượng cả bao dung, một người lúc nào cũng thanh thản tươi vui, lâng lâng đối với cảnh thăng trầm thế sự, một người ý chí hiên ngang, đã nguyện đem tất cả tâm hồn cùng thể xác phụng sự Thượng-Đế, chẳng e dè sợ sệt trước nỗi khó khăn, chỉ biết hành động mà không cần nghĩ đến những kết quả về sau, thắng không vinh, bại không nhục, chẳng kể đến sự khen chê của nhân thế».
Tóm lại, người lý tưởng theo Thánh Gandhi là người cõi lòng không còn vương mảy may trần tục.
Phần thưởng tốt đẹp dành cho con người lý tưởng là thông cảm được mật thiết với Đấng Tối Cao, nhờ đó mà thành bất diệt. Người lý-tưởng thoát ly được ra khỏi kiếp luân hồi. Người chết đi mà không cần phải tái sinh trên cõi thế nữa. Suốt trong đời, Thánh Gandhi bao giờ cũng ngỏ ý ước mong sau khi chết đi, không cần phải đầu thai kiếp nữa.
Chương 5
TRÊN ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP
Chúng ta biết rằng Gandhi về nước mùa hè năm 1891. Vừa tới Bombay, chàng được báo tin là bà mẹ đã từ trần trong khi chàng ở nước ngoài. Người nhà không báo cho chàng biết từ trước, vì sợ chàng quá đau buồn mà sao lãng việc học.
Harilal, con chàng bây giờ đã được 4 tuổi. Chàng cũng chưa định làm ăn gì. Hàng ngày chỉ nô đùa với con, các cháu con mấy ông anh. Chàng vẫn không bỏ tính ghen nên thường gây sự cãi nhau với vợ. Có lần chàng đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ ở Porbandar.
Trưởng huynh chàng là ông Laxmidas Gandhi bấy giờ làm thầy kiện ở Raikot, đặt rất nhiều hy vọng vào chàng, nhưng chỉ ít lâu sau đã phải thở dài chán ngán cho ông em. Gandhi tỏ ra không làm nổi nghề thầy kiện. Ở Raikot, cũng như ở Bombay, chàng chỉ làm trò cười cho thiên hạ, vì mỗi lần phải ra cãi trước tòa, chàng ấp úng nói chẳng ra nhời. Ông anh còn thất vọng hơn, khi nhờ chàng một việc giao thiệp dễ dàng cũng không xong. Nguyên Laxmidas nuôi hy vọng nối chức cha ở ngôi Thủ-Tướng triều đình tiểu bang Porbandar. Nhưng ông lại không được thiện-cảm của viên quan cai trị địa phương người Anh, nên rất ít hy vọng được chọn. Biết rằng ông em đã có dịp giao thiệp với viên quan đó ở Luân-Đôn, ông bèn cậy em đến nói lót với kẻ thù. Thoạt tiên Gandhi còn chối, lấy cớ là chỗ sơ giao, nói những chuyện đó không tiện, sau vì nể anh quá, đành phải tìm đến viên quan người Anh. Nhưng không hiểu lời qua tiếng lại ra sao mà viên này lỗ mãng tống Gandhi ra khỏi cửa. Thế là vấp phải sự hiềm thù của viên quan cai trị địa phương, từ đó Gandhi hết hy vọng xin được một chức quan tòa hay một chức Bộ-trưởng nào trong triều Porbandar. Những chuyện đó để lại trong tâm khảm Gandhi một cảm giác nặng nề. Chàng kinh tởm những cuộc vận động lén lút của bọn quyền gian không từ bỏ một thủ đoạn nào để đạt tới mục đích.
Thừa dịp ấy khi ấy một hãng buôn Nam-Phi mời Gandhi sang biện hộ giúp một vụ kiện, chàng liền lấy vé tầu đi Zanzibar, trong thâm tâm muốn lợi dụng cơ hội để đi du lịch một phen, chứ không chú ý gì đến việc chính phải làm là cãi kiện. Lúc bấy giờ, vợ chồng Gandhi đã được thêm một mụn con nữa là cậu Manilal. Lúc chia tay, Gandhi hẹn vợ là năm sau sẽ trở về.
Một người rút rát và e sợ cuộc đời như Gandhi bấy giờ, may sao lại gặp được một bạn tâm giao đủ kinh-nghiệm đủ tài hoa, để chàng tin cậy và nương tựa. Đó là nhà thi sĩ Raychandbai ở Bombay. Thi sĩ nhờ cửa hàng buôn vàng ngọc mà sống cuộc đời hoa lệ giàu sang, song không vì thế mà lãng bỏ tấm lòng sùng đạo cùng ý tưởng dưỡng tính tu thân. Mỗi lần tinh thần khủng hoảng, chàng lại tìm đến bạn để bày tỏ nỗi lòng, cùng để nhận ở bạn ở những lời an ủi khuyên can đầy triết lý. Ở Nam-Phi, chàng cũng không quên viết thư hỏi ý kiến bạn mỗi khi gặp sự khó khăn. Tuy nhiên, Cam-Địa vẫn không vì thế mà coi bạn như thánh như thần, để đến nỗi quên mất cả cá tính của mình. Chàng phục bạn, nhưng không theo bạn một cách mù quáng. Chàng có những ý kiến riêng của mình, và thực hiện những ý kiến đó bằng những phương tiện mình có. Những sự thất bại buổi đầu tạo nên cho chàng kinh nghiệm cùng một nguồn hoạt động mới mẻ dồi dào. Cho đến khi cái cá tính tiềm tàng bừng nở ở chàng, thì chúng ta có thể coi đó như một sự tái sinh của Gandhi trong quãng đời hiện sống của chàng.
Khi Gandhi đặt chân xuống đất Nam-Phi, thì sự phân biệt chủng tộc đang áp dụng triệt để ở đất đó. Người Anh đối với người Ấn ở Nam-Phi bấy giờ, thực có thái độ đáng bỉ. Họ gọi tất cả người Ấn là cu-li. Mặc dầu trong số đó có những giáo-sư, những luật-sư, những thầy thuốc, họ vẫn không bỏ cái tiếng khinh mạn cu-li, mà gọi người Ấn bằng những danh từ «cu-li giáo-sư», «cu-li thầy kiện», v.v…
Vài ngày sau khi tới Nam-Phi, Gandhi tới trình diện ở Tòa Án. Chàng vận một bộ quần áo đúng thời trang; giầy chàng bóng lộn. Đầu chàng quấn khăn như tục lệ người Ấn hồi bấy giờ. Viên quan-tòa hách dịch ra lệnh cho chàng trật khăn ra. Chàng do dự, nhưng không muốn gây thêm phiền nhiễu vào mình, bèn rời khỏi phiên tòa. Muốn khỏi lôi thôi ở Tòa-án, chàng định đội mũ phớt như người Âu, nhưng thân chủ của chàng, một người phú thương theo đạo Hồi, cản ngăn và mách cho chàng biết rằng tục lệ ở Nam-Phi chỉ những bồi rượu người Ấn-Độ mới đội mũ dạ như người Âu.
Như thế vẫn chưa hết chuyện lôi thôi. Gandhi phải đi hầu kiện tại Prétoria, kinh-đô xứ Transvaal. Người ta mua cho chàng một chiếc vé xe hỏa hạng nhất. Chàng đi chuyến tầu tối. Tầu đến tỉnh Maritzbourg thì một người da trắng bước vào toa. Thấy có người «da mầu» ở đó, thì y lui ra, rồi trở lại với hai tên da trắng khác ý chừng nhân viên ở ga xe lửa, ra lệnh cho Gandhi xuống toa xe dưới để nhường toa hạng nhất cho tên hành khách người Âu. Gandhi phản kháng, thì chúng tìm một viên cảnh sát lên xe tống chàng cùng đồ đạc ra khỏi toa tầu. Gandhi có thể tiếp tục cuộc hành trình trên một toa xe hạng ba cùng với những hành khách «da mầu», song chàng nhất định ở lại trong ga. Ban đêm, gió núi lạnh thấu xương. Chàng định giở áo khoác ra choàng cho ấm, thì áo ở trong va-ly mà va-ly thì bọn làm ga đã giữ mất rồi. Chàng không muốn đi đòi về, e bị chúng làm nhục nữa. Chàng ngồi dựa vách thâu đêm, rét run cầm cập mà trong lòng phiền muộn vô cùng.
Trở về Ấn-Độ chăng? hay là hãy ở lại để mang những kẻ làm nhục mình ra tòa án, đồng thời cãi cho xong vụ kiện người ta trông ở mình? Ý nghĩ đó mới chớm qua trong óc chàng thì một ý nghĩ khác vụt nở tung như một nguồn ánh sáng: Tại đây, chàng đã vấp phải những thành kiến bất công do phong trào phân chia chủng tộc gây ra. Bổn phận chàng là phải chống lại sự bất công đó. Bỏ những người đồng chủng của chàng mà về, phó mặc họ với sự khinh bỉ đè nén của người da trắng, thực là một điều hèn nhát lương tâm chàng không bao giờ tha thứ.
Tại sao ý tưởng đó đến với Cam-Địa? Hoặc giả đó là một sự trỗi dậy của cá tính chàng, từ xưa bị âm thầm đè nén dưới một cuộc đời chỉ toàn thất bại? Hoặc giả bởi vì chàng yếu ớt về thể xác, mà nẩy ra ý chí kiên quyết phải tự tạo lấy một sức mạnh tinh thần? Hay là chàng đã tự cảm thấy là lên tiếng bênh vực một phần nhân loại để tố cáo một xã-hội bất công, chàng sẽ giúp ích được cho đồng bào nhiều hơn là cãi kiện trong phạm vi nhỏ hẹp của phiên tòa? Hay đó chỉ là ảnh hưởng của một truyền-thống bất phục cường quyền? Chúng ta đã chẳng thấy ông chàng và cha chàng đã nhiều phen va chạm với chính quyền của người Anh tại cái xứ nhỏ bé Porbandar đó sao?
Chính trong cái đêm giá buốt ở một ga tỉnh nhỏ đó, mầm rễ sự phản kháng một xã-hội bất công đã nẩy nở trong trí não Cam-Địa. Nhưng chàng không thèm đem chuyện xẩy ở Maritzbourg ra trước dư-luận. Chàng sẽ hành động khi tới Prétoria.
Ngay trong tuần lễ sau khi tới Prétoria, Cam-Địa tập họp tất cả các người đồng chủng tại một cuộc hội họp trong đó chàng mô tả cho họ rõ cái tình trạng thảm thương của người Ấn ở Nam Phi và yêu cầu mọi người hợp sức để tranh đấu ngõ hầu chấm dứt tình trạng đó. Năm ấy Cam-Địa 25 tuổi. Đó là lần đầu chàng lên tiếng trước công chúng. Rồi nhiều cuộc họp tiếp theo. Tiếng tăm chàng ngày một vang dội trong giới kiều-dân Ấn. Phong trào phản kháng thành hình. Chàng tiếp xúc với những công ty hỏa xa, và thuyết-phục được họ thuận bán vé hạng nhì cho những người Ấn ăn mặc chỉnh tề. Dư luận tại Prétoria bắt đầu xáo động.
Gandhi lại làm quen được với các giới tôn giáo ở Nam-Phi. Gia-tô có, Tân giáo có. Họ định thuyết cho chàng theo đạo. Khéo léo, chàng hứa với họ rằng hễ lòng tin đến với chàng thì chàng theo đạo ngay. Chàng chăm chú đọc những sách kinh họ khuyên chàng đọc, và kiên-nhẫn giảng giải cho họ những điều họ muốn biết về các tôn giáo nước chàng. Chỗ nào chàng không trả lời được thì chàng không ngần ngại viết thư về hỏi các bè bạn ở Ấn, nhất là nhà thi sĩ Raychandbai.
Những bạn công giáo của chàng hết sức thuyết phục chàng nhưng không được. Chàng vẫn hỏi họ tại sao Đức Chúa Trời đã có một người con là Đức Giê-su lại không thể có được một người con khác? Tại sao chỉ những tín đồ Công giáo mới được lên cõi Thiên Đường? Vậy ra chốn Thiên Đường là độc quyền của Gia-tô sao? Như thế thì Đức Chúa Trời là người công giáo chăng? Đối với những kẻ không theo đạo Gia-tô, người cũng có thành-kiến bất công chăng?
Nhưng Gandhi rất quý trọng các bạn công giáo của chàng, và những bản thánh ca nghe trong các nhà thờ bao giờ cũng làm chàng cảm động. Và nếu chàng tin vững những tôn giáo Đông Phương bao hàm một lý tưởng sâu xa hơn các tôn giáo Tây Phương, thì chàng cũng tin rằng các kinh Tân, Cựu ước cùng kinh Coran có thể cũng là những lời nói của Đấng Tối Cao, chẳng khác gì kinh Phật. Đối với chàng, mọi tôn giáo đều cao quý như nhau.
Chàng cũng rất ghét những sự cạnh tranh ti tiện, những mánh-lới lọc lừa của các nhà dùng luật. Chàng nhận thấy khách hàng của chàng cùng đối phương đều là họ hàng, vả lại vụ kiện kéo dài hàng năm đã làm cả hai bên tổn phí không nhỏ. Chàng liền tìm cách hòa giải đôi bên. Họ bằng lòng chọn một người trọng tài phân xử. Trọng tài xử cho khách hàng của Cam-Địa được kiện. Bên bị phải trả ba mươi ngàn bảng cùng án phí mọi khoản. Thương hại anh ta nếu trả cùng một lúc một số tiền to thế thì vỡ nợ, Cam-Địa bèn dàn xếp với thân chủ mình cho phép anh ta trả làm nhiều bận. Sau vụ kiện đó, Gandhi tin tưởng rằng dàn xếp ổn thỏa giữa hai đối phương bao giờ cũng hơn và chàng thường cố giảng hòa bên nguyên và bên bị.
«Mình có mất gì đâu-chàng vẫn nói-Tiền thì không nhé, và lương tâm thì lại càng không nữa».
Chương 6
TIẾP XÚC VỚI NAM PHI
Xứ Natal, về năm 1896, có 40 vạn thổ dân đen, 3 vạn người da trắng và 5 vạn người Ấn-Độ. Xứ thuộc địa Bonne Espérance có 90 vạn người khác chủng, 40 vạn người Âu và một vạn người Ấn. Xứ Transvaal có 65 vạn người da đen, 12 vạn người da trắng và độ 500 người Ấn.
Tóm lại số người Ấn ở Nam-Phi không phải là nhiều. Nhưng họ giỏi giang, tằn tiện và đầy tham vọng, Họ làm việc không tiếc công. Dù trong ngành canh nông, thương mại hay trong các nghề tự do, cãi kiện, làm thuốc, đâu đâu họ cũng cạnh tranh một cách thắng thế với người Âu.
Phải chăng vì thế mà họ bị người da trắng thù ghét?
Thoạt tiên là người Hà-Lan lập nghiệp ở đất Nam-Phi vào khoảng thế kỷ thứ 16, họ tự phân chia các đất cát ở vùng Transvaal và vùng sông Orange để trồng trọt, khai-khẩn. Họ đem thổ dân các thuộc-địa của họ ở vùng Đông Nam Thái Bình-Dương sang làm nhân công. Người Anh mãi sau mới đến Nam Phi. Bấy giờ chỉ còn đất Natal bỏ không, họ bèn chiếm lấy rồi đem trồng mía, trà, cà-phê. Những thổ dân bắc chủng không chịu làm cho người Anh, họ bèn chở nhân công từ Ấn-Độ sang làm tại các trại.
Những công nhân đầu tiên đặt chân trên đất Nam Phi năm 1860. Đó là những kẻ bần cùng, chết đói dở ở bên Ấn, Người ta thuê đi phu 5 năm, Họ được chủ nuôi ăn, ở và có quyền đem theo gia-đình. Mỗi tháng được lĩnh tiền công từ 20 đến 25 xu. Mãn hạn phu, thì chủ cho xuất tàu về nước. Ai muốn ở lại thì ký thêm 5 năm nữa. Hay ở vĩnh-viễn cũng được.
Cứ kể ra thì tình trạng đó cũng khả quan. Song đến năm 1894 - là năm Gandhi sang Nam Phi - thì người Ấn đã bị đối đãi khe-khắt hơn nhiều. Hết hạn làm việc 5 năm, người Ấn phải về nước ngay, nhược bằng muốn ở lại thì tụt xuống hàng nô-lệ. Chỉ những người nào nộp nổi mỗi năm 3 bảng bạc thuế mình cho và cho mỗi người trong gia-đình mình mới được coi là công nhân tự do. Ta nên biết rằng 3 bảng bằng 6 sáu tháng tiền công của mỗi công nhân.
Đó là đối với những Ấn-kiều nghèo khó làm việc bằng tay chân. Nhưng đất Nam Phi còn rất nhiều người Ấn sang sinh cơ lập nghiệp từ lâu, nhờ sự buôn bán cần-cù mà trở nên giàu có. Họ mua đất cát, nhà cửa, có người làm chủ cả những hãng hàng hải. Năm 1894, ở xứ Natal, có 250 người Ấn được quyền bầu-cử. Nhưng chúng ta vừa biết rằng Viện Lập Pháp xứ đó mới ban-bố một đạo luật tước quyền bầu cử của người Ấn-Độ.
Ngoài ra, người Ấn ở xứ Natal còn bị nhiều điều khó chịu nữa. Bất cứ người Ấn nào muốn đi quá 9 giờ tối điều phải có một thứ giấy thông hành riêng, nếu không sẽ bị bắt giam và phạt tù. Xứ Orange, thuộc địa của người Boes (một bọn dòng giống Hà-Lan) thì cấm tuyệt người Ấn không được có đất cát nhà cửa không được trồng trọt, ở xứ Zouzouland, thuộc địa của người Anh cũng thế. Ở xứ Transvaal thì như ta đã biết, họ phải đóng một thứ thuế riêng là 3 bảng thì mới được quyền trú ngụ. Mà có trú ngụ thì cũng phải ở riêng biệt, chui rúc trong những khu phố chật hẹp bẩn thỉu. Có nơi, người da trắng cấm tuyệt người Ấn không được đi trên bờ hè. Có nơi thì đi trên đường sát vỉa hè cũng không được, họ chỉ được đi giữa đường, xe cộ có cán chết cũng mặc. Hễ bước lên hè thì có thể bị đá đít tống xuống đường. Chính Cam-Địa cũng đã một lần bị hành hạ như thế.
Sau 3 năm ở Nam Phi, Cam-Địa đã thành một nhà trạng-sư đắt khách và một nhân vật chính-trị tiếng tăm. Những phu-phen Ấn-Độ coi ông như người bảo vệ quyền lợi cho họ. Ông hoạt-động ráo-riết cho phong trào phản kháng sự phân biệt màu da: nào là diễn thuyết, nào là đăng báo hô hào, nào là phát sách, nào là lập những bản thỉnh-cầu có hàng vạn tên ký. Cam-Địa đã phát hành hai cuốn sách: «Lời kêu gọi toàn thể người Anh ở Nam Phi» và «Một lời kêu gọi: quyền bầu cử của người Ấn-Độ».
Phương-châm hành-động của Cam-Địa là kêu gọi lòng hiểu biết và công bình của đối phương. Cam-Địa nhận thấy rằng bao giờ sự nhịn nhục điềm đạm và cao thượng cũng làm cho người ta kính nể. Vậy cuộc tranh đấu của Cam-Địa không phải là một cuộc tranh đấu tích cực. Cam-Địa không muốn ép buộc đối phương phải khuất phục. Ông muốn rằng họ nghe theo lẽ mà tự ý thay đổi thái độ. Trong ý tưởng ấy, Cam-Địa không đòi người Ấn được đối đãi hoàn toàn bình đẳng với người Âu. Ông công nhận rằng người Âu, ở trên nước họ, có quyền được hưởng sự bảo vệ của luật pháp trước sự tràn lấn của người ngoại quốc di cư vào mỗi lúc một đông. Ông cũng không bắt buộc đối phương phải bỏ ngay sự phân biệt mầu da ở các nơi công cộng như xe hỏa, công viên, v.v…
«Chúng tôi rất nhục-nhã vì sự phân-biệt đó, song chúng tôi im lặng, kiên-nhẫn mà chịu!» Cam-Địa nói thế vì ông hiểu rằng: «Những thành kiến không thể nhất thời phá được bằng luật-lệ. Phải chờ một thời-gian trình-độ người ta tiến hơn thì tức khắc những thành-kiến đó tự nó mất đi».
Vậy Cam-Địa chỉ công-kích các chính-phủ ở Nam-Phi về chỗ đáng lẽ phải tìm cách nâng cao trình-độ tinh-thần của dân chúng đối với những vấn-đề chủng-tộc, để các thành-kiến chóng mất đi, thì củng-cố thêm những thành-kiến đó bằng luật-lệ, khiến chẳng khác lửa đổ thêm dầu. Cam-Địa muốn nêu cao một nguyên-tắc là người Ấn đã là con dân của đế-quốc Hồng-Mao (hồi ấy Ấn-Độ còn là thuộc địa của Anh) thì lẽ dĩ nhiên họ có quyền được đối đãi ngang hàng với tất cả mọi phần-tử trong đế-quốc. Vậy nếu bị hành hạ mà người Ấn cứ câm lặng không phản kháng, thì họ thành ra hèn nhát không còn giá trị; và người Anh cứ nghiễm-nhiên lợi-dụng sự hèn nhát đó cũng tự hạ chẳng kém gì.
Cho nên đòi hỏi cho người Ấn những quyền lợi dĩ nhiên của họ, Cam-Địa chủ trương cứu vãn giá trị cho cả người Ấn lẫn người Anh.
Con người đang hăng-hái tranh-đấu đó nay không còn là chàng sinh-viên rút rát ngờ-nghệch ngày trước nữa. Bây giờ Cam-Địa đã thành một nhà hùng biện, một lãnh-tụ khôn ngoan, một nhà tổ-chức khéo-léo đầy kinh-nghiệm, và một chính-trị gia mềm mỏng gây được cảm tình của cả mọi người từ bé chí lớn.
Biết rằng cần phải có mặt rất lâu ở Nam-Phi, thì phong trào tranh-đấu mới có cơ-hội kết thúc, năm 1896 Cam-Địa tự cho phép nghỉ 6 tháng để về nước đón gia-đình.
Về đến quê hương, Cam-Địa cũng không ngừng hoạt động phút nào. Nghỉ ngơi một tháng ở Raikot bên cạnh vợ con, ông cũng lợi dụng thì giờ đó để viết một cuốn sách trần thuật tất cả những sự hành hạ mà người Ấn phải chịu ở Nam-Phi. Sách đó xuất bản một vạn cuốn gửi đi cho khắp các báo, và đã gây nên một luồng dư-luận sôi nổi.
Bấy giờ bệnh dịch-hạch chớm phát ở Bombay. Dân cư Raikot xôn xao lo sợ. Cam-Địa ghi tên vào ban tình-nguyện đi tẩy uế các nhà cửa. Ông tự nhận lãnh phần công việc bẩn thỉu nhất là đi tẩy uế các nhà tiêu. Rồi ông can đảm vào bơm thuốc ở khu riêng biệt của những người cùng khốn. Ông nhận thấy một sự là những túp lều xiêu vẹo ở đây tuy chẳng có nhà tắm cầu tiêu, song lau chùi quét tước sạch sẽ còn hơn biệt-thự của nhiều nhà phú-hộ.
Rồi từ Raikot, Cam-Địa đi Bombay để tổ chức một cuộc mít-tinh ủng-hộ phong-trào tranh-đấu của người Ấn ở Nam-Phi. Ông được nhiều nhân vật quan trọng hứa sẽ thành tâm giúp đỡ. Cuộc mít-tinh ở Bombay được dân chúng nhiệt-liệt hưởng-ứng. Tiếng hoan-hô không ngớt, Cam-Địa không sao đọc được bài diễn văn của mình. Sau ông phải nhờ một người đọc hộ. Đâu đâu ông cũng được tiếp đón niềm nở. Một vạn cuốn sách in ở Raikot bán hết veo. In thêm một vạn cuốn nữa vẫn không đủ bán.
Cam-Địa đang định tổ-chức một cuộc mít-tinh khác ở Calcutta thì nhận được giây thép ở Natal đánh sang yêu cầu ông sang Nam-Phi ngay có việc cần. Ông liền cùng vợ, hai con, và đứa cháu con bà chị xuống tầu ở Bombay. Dada Abdulla Sheth, khách hàng cũ của ông, cho riêng một chuyến tầu sang đón ông. Đồng thời một chiếc tầu nữa cũng nhổ neo cùng ngày đi Nam-Phi. Cả hai chiếc tầu chở ước chừng 800 hành khách.
Những việc Cam-Địa làm ở xứ sở được báo chí loan truyền đi và thêu-dệt thêm, khiến cho dư luận ở các xứ Nam-Phi rất lo ngại. Người ta đồn rằng Cam-Địa định đem người Ấn-Độ sang tràn ngập người da trắng ở Nam-Phi. 800 người Ấn-Độ tự do cùng đi với Cam-Địa sang Nam-Phi không phải để làm việc ở các đồn-điền mà là để buôn bán, làm ăn cạnh-tranh với người da trắng. Sự thực thì Cam-Địa không hề có hô-hào hay khuyến-khích những người Ấn cùng đi chuyến tầu đó theo mình.
Thoạt tiên, hai chiếc tầu bị hãm ở Durban, lấy cớ là đề-phòng bệnh dịch truyền-nhiễm từ Bombay, không ai trên tầu được phép xuống đất. Kiều dân da trắng biểu-tình đòi chính-phủ trục-xuất những người trên tầu, kể cả Cam-Địa, trở về Ấn-Độ. Dada Abdulla cũng nhận được nhiều thư đe doạ, đòi phải ra lệnh cho hai chiếc tầu của ông quay mũi về Ấn.
Ngày 13 tháng 7 năm 1897, 23 ngày sau khi cập bến, hai chiếc Courland và Naderi mới được phép đổ người xuống bến, nhưng Harry Escombe, Bộ-Trưởng Tư-Pháp chính-phủ xứ Natal viết giấy cho Cam-Địa khuyên ông chờ ban đêm hãy lên bộ, kẻo gây sự rối loạn trong thành-phố. Nhưng ông F.A Laughton cố-vấn pháp luật của Abdulla không tán-thành phương kế đó. Chính Cam-Địa cũng không thích lên bộ lén lút. Cho nên ông cho vợ, khi ấy đang có mang, con và cháu, lên xe hơi về trước, còn ông và Laughton thì đi bộ về sau. Lúc bấy giờ đám đông người da trắng đã giải tán, nhưng có hai đứa bé con chợt nhận ra Cam-Địa bèn hô hoán lên. Vài người da trắng chạy đến. Sợ xẩy ra sự không hay, Laughton vẫy một chiếc xe kéo lại để chở Cam-Địa chạy cho nhanh. Nhưng Cam-Địa còn dùng dằng không chịu lên xe. Bấy giờ người tứ phía đổ xô đến, tên phu xe hoảng sợ lủi mất. Đám đông vây Laughton và Cam-Địa vào giữa rồi rẽ hai người ra để đánh Cam-Địa. Thoạt tiên họ còn ném gạch đá vào người ông. Rồi họ trật khăn ông mà ra đấm đá. Họ đánh ông bò lê ra đất. Họ định điệu ông đi xử giảo nhưng ông cố níu lấy cánh cửa sắt một nhà gần đấy. May sao vừa lúc ấy bà Alexander, vợ viên cảnh sát trưởng nhận ra ông, liền sấn vào can. Bà phải đem mình ra làm mộc che cho Cam-Địa, dân chúng mới dãn ra, nhưng vẫn vây bọc lấy Cam-Địa. Nhờ có kẻ gọi Cảnh sát đến và khó nhọc mãi mới đưa được ông ra khỏi đám đông. Ông không chịu lánh vào bóp cảnh sát, song thuận để cho lính che chở dẫn về nhà một người Ấn là Roustomyi. Dân chúng vây nhà Roustomyi hò hét đòi phải giao ngay Cam-Địa cho họ nếu không sẽ đốt nhà. Viên Cảnh sát trưởng Alexander cũng có mặt tại nơi biểu tình, mà không làm thế nào giải tán được dân chúng. Đến đêm, biết rằng không thể nào ngăn được họ đốt nhà Roustomyi, Alexander đành mật sai người khuyên Cam-Địa cải dạng trốn đi nơi khác. Hai viên cảnh sát Anh bôi mặt và ăn mặc giả dạng người Ấn đưa Cam-Địa lẻn cửa sau đi tắt qua các phố trốn vào bóp cảnh sát. Khi Cam-Địa đã trốn khỏi rồi, Alexander mới báo cho dân chúng biết.
Cam-Địa phải ẩn náu trong bóp đủ ba ngày mới dám ló mặt ra ngoài.
Tin Cam-Địa bị hành hung làm cho Luân-Đôn lo ngại. Viên Bộ-Trưởng bộ Thuộc-địa Anh, bấy giờ là ông Joseph Chamberlain đánh điện cho các nhà cầm quyền Nam-Phi đòi phải trừng-trị ngay những kẻ cầm đầu vụ biểu tình. Nhưng Cam-Địa không muốn đầu đơn kiện họ. Ông cho rằng lỗi đâu phải ở họ, những người chỉ hăng máu chốc lát. Lỗi chính ở nhà chức trách xứ Natal, đã không biết bảo-vệ kiều-dân ngoại-quốc, lại còn khuyến-khích dân chúng trên con đường gây hấn.
Về vụ bạo động ở Durban, Giáo-sư Thompson ở Đại Học-Đường Oxford viết rằng:
«Lẽ ra Cam-Địa phải thù ghét người da trắng đến tận mãn đời. Song ông đã tha thứ cho những kẻ một mực đòi treo cổ ông lên cây. Ông không oán giận những kẻ đã đấm đánh ông, vì họ chỉ làm ông đau đớn trong thể xác, chứ có xúc-phạm được đến tinh-thần ông đâu?»
Vả lại, ông cũng được đôi chút mãn-nguyện là sau vụ ấy, chính-phủ Anh đã can-thiệp ráo-riết với Nam-Phi, để các nhà cầm quyền xứ này ưng chịu cho người Ấn ở Natal cũng được quyền bầu-cử ngang với người Âu.
Chương 7
NHỮNG NGÀY Ở NAM PHI
Năm 1899, chiến-tranh xẩy ra tại Nam-Phi giữa người Anh và người Boers. Cảm-tình của Cam-Địa hướng về người Boers, song ông lại tòng quân về phía người Anh. Vì ông cho rằng người Ấn đã ở trong đại gia đình đế-quốc Anh thì có bổn phận phải chiến-đấu bên cạnh người Anh.
Nhưng thái-độ đó có thể làm tổn thương đến uy tín của ông trong dư-luận những người Ấn lúc đó đang chống lại người Anh. Vì thế nên ông không hô-hào người đồng hương trực-tiếp chiến-đấu trong hàng ngũ Anh, mà chỉ tổ chức một đội Hồng-Thập-tự gồm 300 lính y-tá tình nguyện. Năm 1900, người Anh thua lớn, phải bỏ chạy để lại rất nhiều người bị thương trên trận địa. Đội Hồng-Thập-tự Ấn, dưới quyền chỉ huy của Cam-Địa đã không quản ngại sự nguy hiểm, ở lại nhặt nhạnh cho kỳ hết người bị thương. Lòng quả cảm của người Ấn gây được một luồng dư-luận tốt ở chính quốc và ở Nam-Phi, và đã giúp nhiều cho sự thực hiện của mục-đích Cam-Địa hằng ao ước là lấp bằng hố chia rẽ giữa hai dân tộc khác mầu da.
Cuối năm 1901, vì người Anh đã đem được nhiều quân tiếp viện từ chính quốc đến, nên Cam-Địa cùng các đồng bạn xin giải ngũ. Sau khi nhận các huy chương khen thưởng, ông trở về Ấn cùng gia-đình và mở văn-phòng luật-sư ở Bombay.
Lúc bấy giờ viên Tổng-Trưởng Bộ Thuộc-địa Anh là Joseph Chamberlain có dịp sang Nam-Phi. Các kiều dân Ấn ở đây bèn đánh điện cho Cam-Địa sang ngay, để đạo-đạt cùng nhà cầm quyền chính quốc những điều thỉnh-nguyện của Ấn-kiều ngụ ở Nam-Phi. Cam-Địa tới Durban cuối năm 1902. Cuộc hội-kiến với Chamberlain không đem lại kết quả gì. Viên Bộ-Trưởng tiếp Cam-Địa một cách lãnh-đạm và không hứa hẹn gì dứt khoát. Cam-Địa liền mở ngay văn phòng thầy kiện ở Johannesbourg để ở lại tiếp-tục điều-khiển cuộc tranh-đấu lúc ấy lại bắt đầu.
Bấy giờ xứ Transvaal đã đặt một bộ Á-Châu để trông nom điều-khiển các vấn-đề có liên-quan đến sự giao-thiệp với kiều-dân Ấn. Nhưng các viên chức trông coi bộ đó vẫn chưa dứt bỏ được thái-độ khinh mạn. Chính tướng Botha, một lãnh-tụ người Boers, khi ấy đang cầm đầu một đảng đối lập chính-phủ, đã công nhiên tuyên bố là nếu đảng ông lên cầm quyền thì chỉ trong 4 năm sẽ không còn bóng một «tên cu-li» nào trong nước ông nữa. Và chính tướng Smuts, chủ tịch chính-phủ cũng gọi người Ấn là một cái nhọt độc đang làm nguy hại đến đời sống của người Nam-Phi. Và ông ra lệnh cho bộ Á-Châu tìm cách ngăn ngừa sự lan-tràn nguy hiểm đó.
Cam-Địa liền tấn công trước nhà cầm quyền da trắng.
Trước khi ra mặt chống lại người Anh, ông còn cố gắng một lần cuối cùng tỏ cho họ biết lòng thành thực, chí hy sinh của người Ấn, để mong họ thay đổi thái-độ. Vừa vặn trận chiến-tranh Zoulous hiến ông dịp may đó. Bấy giờ người Anh đang tiễu trừ những bộ-lạc Zoulous đang «làm phản». Cam-Địa họp 24 người đồng hương thành một đội cứu thương tình nguyện đi giúp đỡ quân Anh. Mỉa mai thay! người Anh chỉ dùng họ để chữa cho những thổ dân Zoulous bị thương trên trận tiền, vì các y sĩ và nữ y-tá người da trắng không băng bó cho thổ dân. Mỗi nơi lính Anh đi qua, năm sáu hôm sau, đội cứu thương của Cam-Địa còn nhặt được những người bị hành-hạ khảo đả, nằm ngổn-ngang với những thương tích gớm ghê, không một ai thèm đoái-hoài băng bó.
Sau trận chiến-tranh Zoulous, Cam-Địa biết rằng không thể nào chờ mong được ở bọn người hung tàn và thiển cận kia một sự thay đổi thái độ đối với những người khác màu da với họ. Ông liền lao mình vào một cuộc tranh-đấu lớn lao để chống lại nạn phân chia chủng-tộc. Và ông đã tỏ cho thế giới biết rằng bên trên sức mạnh hung-tàn và lòng tự-đại tự-cao thiển-cận, còn có những sức mạnh cao cả hơn, là lòng nhân-đạo và bác-ái, không phải của riêng một dân tộc, một sắc da nào, mà nhiều khi còn thiếu sót ở những kẻ tự phụ mình là văn-minh nhất.
Bà Cam-Địa năm ấy được 28 tuổi. Bà là một thiếu phụ xinh đẹp, mặt trái soan, mắt bồ câu, mũi thẳng, miệng tươi. Bà ăn vận rất sang-trọng, vì ông chồng bấy giờ đã là một vị trạng-sư nổi danh, lợi tức vào khoảng 5, 6 ngàn bảng một năm, một số tiền to hồi ấy. Hai vợ chồng ở một chiếc biệt-thự gần bờ biển, ngay bên cạnh biệt-thự của viên Bộ-Trưởng Tư-Pháp chính-phủ Nam-Phi.
Nhưng hai vợ chồng thương xô-xát nhau vì những chuyện không đâu. Đáng lẽ công việc trong nhà hoàn toàn thuộc phạm-vi bà vợ, thì ông chồng lại hay dính líu vào, để lên mặt dạy vợ. Chẳng hạn Cam-Địa chỉ thích tự mình săn sóc lấy các con, và bắt vợ phải theo ý mình. Ngoài ra, cũng như tất cả mọi người Á-Đông, Cam-Địa muốn hoàn toàn làm chủ-nhân-ông trong gia-đình. Ông không thể công nhận được là ý muốn của người đàn bà ra ngoài ý muốn của chồng. Bà Kastourbai, vợ ông, thì tính nết nhiều khi bướng bỉnh.
Năm 1902, trở lại Nam-Phi ông đem theo bà vợ cùng ba cậu con. Cậu cả Haribal thì ông để lại ở Ấn-Độ. Làm thầy kiện, ông không quá chú trọng đến tiền tài. Với khách hàng nào ông cũng bắt phải khai ngành-ngọn mọi chi tiết việc xích-mích. Hễ khách hàng trái thì ông nhất định không cãi giúp, dù trả bao nhiêu tiền cũng mặc. Vì theo ông, nhiệm-vụ người thầy kiện không phải là cãi cho người gian thành ngay, mà là tìm hết mọi cách giúp thần Công-Lý tìm ra sự thật.
Ông không đi xe bao giờ. Từ nhà đến phòng giấy, ông chỉ đi bộ và bao giờ cũng giắt các con đi theo. Nhiều khi ông đánh máy lấy bài cãi, không sai đến thư-ký.
Một lần, tên thợ cạo lấy cớ ông là người da đen, không chịu hớt tóc cho ông. Ông thản-nhiên như không, đi mua đôi tông-đơ về, rồi từ đó bố con cắt lấy cho nhau.
Mỗi ngày Cam-Địa để ra 15 phút để đánh răng và 15 phút để tắm. Trong khi ấy, ông nhẩm kinh Ghita trong óc. Bây giờ ông suy nghĩ nhiều về quyền sở hữu. Kinh Ghita dạy rằng những vật ta coi là sở-hữu có giữ được mãi đâu mà cố bíu lấy? Từ đó, Cam-Địa luận ra rằng muốn giữ tâm hồn lâng-lâng thanh-thản thì đừng nên để cho những sự ghét, yêu, thèm, tiếc, vấn-vương bận-bịu trong lòng. Vậy phải coi kẻ thù chẳng khác người thân, người ghẻ lạnh cũng như thân-bằng cố-hữu. Đó là sự «siêu thoát» mà Kinh Ghita hằng khuyên dạy.
Vì vậy, ông mua một cái trại gần tỉnh Phoenix, cách Durban độ 15 dặm. Trại ở trên một khoảng đồi, rộng ước 40 mẫu, có giếng nước trong, có cây ăn quả, cùng một ngôi nhà tuy mục nát nhưng rộng rãi. Cam-Địa muốn dỡ đi để làm nhà tranh ở; song những bạn hữu của ông không chịu. Họ giúp ông, kẻ tiền, người vật-liệu để sửa chữa thành một chốn ở phong-quang.
Bấy giờ ông đang làm trợ bút cho tờ báo «Dư luận Ấn kiều» chủ bút là một người Anh mà ông thường gặp trong tiệm ăn chay. Ông cho dọn tòa báo về ngôi trại mới khánh thành. Công việc trong tòa báo tổ chức rất dân chủ: từ chủ bút cho tới anh thợ xếp chữ, đều ăn lương đồng hạng 3 bảng một tháng. Hồi đó là năm 1934. Hiện giờ, sau 18 năm, tờ báo «Dư luận Ấn-Kiều» vẫn còn sống. Tòa soạn vẫn ở chỗ cũ, và Giám-Đốc bây giờ là Manilal Gandhi, người con thứ ba của thánh Cam-Địa.
Tuy nhiên, vì công việc kiện-cáo bề bộn, Cam-Địa không thể ở luôn tại Phoenix được. Từ nơi làm việc là Johannesbourg ông vẫn thường gửi bài cho tòa soạn, và báo bán không chạy, lỗ bao nhiêu thì ông lại bù vào bấy nhiêu. Văn phòng luật sư của ông rất phát-đạt. Các Ấn-kiều, cả đến những người Ấn bình dân sang Nam Phi làm phu đồn-điền, đều tín-nhiệm ông đến mực gửi cả ông giữ hộ những món tiền họ dành-dụm được. Họ không quen gửi tiền ở các nhà băng, mà họ cũng không tín-nhiệm những người da trắng.
Bấy giờ vào khoảng 1906, Chính-phủ xứ Transvaal đang có ý định ban hành một đạo luật bắt buộc tất cả các kiều dân Ấn ở Transvaal, bất cứ già, trẻ, lớn, bé, đàn ông hay đàn bà, hễ từ 8 tuổi trở lên là phải có một tấm giấy căn cước của các nhà cầm quyền phát. Giấy đó phải mang luôn trong mình, khi hỏi đến, phải xuất trình, nếu không, có thể bị bắt bớ, giam cầm, hoặc trục xuất khỏi xứ Transvaal.
Người Ấn ở Transvaal rất phẫn-nộ vì bản dự luật đó. Trước hết, đạo luật cho phép lính cảnh sát giữ lấy bất cứ một người đàn bà Ấn nào ở ngoài phố để hỏi giấy và khám xét, hay sục sạo vào bất cứ một nhà nào của người Ấn, có đàn bà con gái cũng mặc. Như thế, người Ấn cho là trái với thói tục của nước họ. Sau nữa, nếu không phản-kháng mà để đạo luật đó ra đời được, thì rồi đây khắp các xứ ở Nam-Phi sẽ theo gương xứ Transvaal mà lập những luật-lệ tương-tự.
Bởi thế cho nên ngày 11 tháng 9 năm 1906, Cam-Địa triệu tập một cuộc mít-tinh tại nhà hát lớn thành-phố Johannesbourg. Hơn 3 ngàn người Ấn, dưới quyền chủ toạ của Cam-Địa, đồng thanh thề sẽ phản-kháng đến cùng những đạo luật kiểm-soát căn-cước Ấn kiều, cùng thảo một bản kiến-nghị đệ lên Nghị-viện xứ Transvaal yêu cầu thủ-tiêu bản dự luật đó.
Cuộc hội họp ngày 11 tháng 9 mang lại một kết quả là chính-phủ xứ Transvaal thôi không bắt các đàn bà Ấn-Độ phải khai căn-cước. Thắng lợi đầu tiên đó khuyến-khích người Ấn theo đuổi công cuộc tranh đấu do Cam-Địa lãnh-đạo. Chính ông cũng rất hy vọng. Ông cho là không cần gì phải đi đến sự kháng cự bằng sức mạnh. Nếu lời lẽ phải chăng mà không lay chuyển được địch thủ, thì biết đâu lòng thanh-cao không vụ lợi, đức nhẫn-nại nhịn nhục lại không cảm-hoá được chúng? Chiến-lược lý-tưởng không phải là tiêu-diệt được kẻ địch mà là làm cho địch cảm-động mà tự ý đổi thay thái-độ.
Trước khi hành-động, Cam-Địa còn muốn sang Luân-Đôn để tìm cách dàn xếp lần cuối. Xứ Transvaal là một thuộc địa của Hoàng-gia. Vậy nhà vua có thể ngăn cản chính-phủ Transvaal không cho ban hành đạo luật. Tới Anh, ông tiếp xúc với Lord Elgin, Bộ-trưởng Thuộc-Địa và Lord Morley, Bộ-Trưởng Bộ Ấn-Độ, cùng nhiều nhân-vật khác đã tỏ ra có cảm tình đối với phong-trào chống sự phân chia chủng-tộc ở Nam-Phi, Ông còn được mời nói chuyện trước các nghị-viện Dân-biểu.
Lord Elgin hứa sẽ không chấp nhận những đạo luật bài Ấn của Nam-Phi. Ông yên lòng xuống tầu về, nhưng dọc đường thì được tin Chính-phủ Anh đã duyệt y các đạo luật đó.
Vậy thì đối với ông con đường hành-động đã vạch rõ. Thỏa thuận với các nhà cầm quyền Nam-Phi không xong, ông chỉ còn cách chống lại họ.
Đó là việc ông đã làm.
Chương 8
TOLSTOI VÀ CAM ĐỊA
Cam địa có đọc nhiều sách của nhà văn-hào Nga nói về những vấn-đề tôn giáo, song ảnh hưởng của Tolstoi chỉ thấm nhuần nhà lãnh-tụ Ấn-độ sâu xa nhất khi Cam-Địa bị giam trong ngục.
Nhà văn-hào Tolstoi sinh năm 1828 trong một gia-đình quí phái và giàu có. Đến năm 57 tuổi, ông từ bỏ hẳn cuộc đời trưởng giả mà trở về sống một cách rất giản-dị lẫn với những người nông-phu. Ông đi chân đất, mặc áo vải, ngày ngày đi cầy bừa lẫn với các tá điền. Ông cho hết ruộng đất đi, để rảnh rang tâm trí và thì giờ mà nghiên-cứu về những vấn đề giáo-dục, gia-đình và tôn-giáo.
Cam-Địa biết Tolstoi nhờ ở cuốn «Thế giới của Thượng-Đế chính ở tại lòng ta». Trong cuốn sách đó, Tolstoi chứng-minh rằng các tôn-giáo Gia-tô đã phản lại những lời giảng dậy của Chúa Giê-su. Bàn về chính sách của những nhà cầm quyền, Tolstoi cũng nhấn mạnh vào chỗ họ nói đến Hòa-bình mà vẫn có thái-độ phản lại những lời tuyên-bố. Ông dẫn chứng rằng câu chúc tốt lành nhất ở cửa miệng mọi người là: «Cầu cho bạn được bình yên»; vậy mà giữa lúc ấy Âu-châu có tới 28 triệu người dưới cờ sẵn sàng đâm chém giết chóc nhau. Ông lại dẫn thêm lời nói của nhà triết-học Max Muller, khi tả một người Ấn mới cải giáo để theo Gia-tô đã ngạc nhiên thế nào khi thấy những người công-giáo bên Âu-châu ăn ở và cư-xử khác hẳn với những điều đã dạy trong kinh thánh. Và Tolstoi cho rằng muốn sống cho phải đạo, nghĩa là sống như một tín đồ chân chính của Gia-tô, thì phải sống ôn hòa không bao giờ dùng đến bạo lực, phải nhẫn nhục trước sự đau khổ của mình, và phải kiên gan tranh đấu để giải thoát nhân loại khỏi áp bức của mọi cường quyền. Xem như thế, ta thấy kinh Ghita cũng dạy Cam-Địa những điều tương tự.
Tolstoi dạy rằng ta có bổn phận phải chống lại những chính-thể bạo-tàn, bằng cách không chịu thề trung thành với họ, không đi lính, không đóng thuế. Và ông hỏi: «Với những người như thế, thì những kẻ cầm quyền làm sao mà không thúc thủ?»
Cam-Địa viết cho nhà văn-hào Nga một bức thư đầu tiên ngày 1 tháng 10 năm 1909, trong đó ông giãi bầy cho Tolstoi biết phong-trào phản kháng Chính-phủ của những người Ấn ở Nam-Phi. Về bức thư đó, Tolstoi đã nói với một người bạn thân là ông «mới nhận được của một người Ấn ở Transvaal một lá thư lời lẽ rất cảm động».
Ngày 20 tháng 10, Tolstoi trả lời Cam-Địa: «Tôi cầu Thượng-đế giúp đỡ ông cùng các đồng-chí của ông trong cuộc tranh-đấu ông đang theo đuổi».
Bức thư thứ hai Cam-Địa gửi cho Tolstoi, viết tại Johannesbourg ngày mồng 4 tháng 4 năm 1910, kèm theo một cuốn sách nhỏ của ông. Ngày 19 tháng 4, Tolstoi viết trong nhật-ký của mình:
«Sáng nay, nhận được bức thư cùng cuốn sách của một người Ấn tại Nam-Phi. Người này đã hiểu rõ tất cả những sự khiếm khuyết của nền văn-minh Âu-tây, đã khiến nền văn minh này không còn hiệu lực gì nữa».
Ngày 25, Tolstoi trả lời Cam-Địa:
«Tôi đã nhận được thư cùng cuốn sách quý-hữu có nhã ý gửi tặng. Tôi đọc cuốn sách đó, rất lấy làm hứng thú, vì quý-hữu đã nêu lên trong đó một vấn-đề vô cùng quan-trọng, không những đối với nước Ấn-Độ, mà còn đối với tất cả nhân-loại».
Nhận được bức thư trên, Cam-Địa lại viết thư cảm ơn nhà văn-hào Nga, và xin ông cho biết ý kiến về cuốn sách. Khi lá thư trả lời đến tay Cam-Địa, thì Tolstoi đã chết từ vài hôm trước.
Tolstoi và Cam-Địa, hai người cùng hiểu rõ sự sa sút tinh thần của nhân-loại, do nền văn-minh vật chất gây ra. Nhưng nếu Tolstoi cho rằng nhân-loại vì ngu tối hay kém hèn, không sao tự cứu chữa được, thì trái lại, Cam-Địa tự tin mình có thể tự cải thiện được, và sẽ cải thiện được nhân-loại. Bởi vậy nên Tolstoi nhắm mắt mang theo mối hận trong lòng, còn Cam-Địa thì suốt đời tranh-đấu với nụ cười trên môi, và lòng thì như hoa nở.
Chương 9
ĐƯỜNG VỀ CỐ QUỐC
Cam địa không phải đã thắng một cách dễ dàng. Chính-sách đàn-áp của Chính-phủ Transvaal làm cho người Ấn rất hoang-mang và có cơ làm tan rã phong-trào kháng-cự. Hồi bấy giờ có 13.000 Ấn kiều ở Transvaal thì 2.500 đã bị bắt vào tù, và 6.000 người thì trốn sang các xứ khác. Có người bị trục xuất khỏi Nam-Phi và bị tịch thu hết của cải. Trong tình-trạng ấy, nếu không phải là một nhà lãnh-tụ vừa cao thượng, vừa kiên quyết, lại vừa nhân ái trung hậu như Cam-Địa thì không sao ngăn cản được lực-lượng khỏi tan rã.
Ngoài ra, một mối nguy khác vừa nẩy nở: các nhà đương-cục xứ Transvaal đang tiếp xúc với những chính phủ các xứ lân cận để lập khối Liên-hiệp Nam-Phi. Nếu khối này thành, thì tự nhiên những luật lệ bài Ấn ở Transvaal sẽ được đem áp dụng ở khắp các xứ Nam-Phi. Được tin các tướng Botha và Smuts đang ở Luân-đôn để vận-động thành-lập khối Liên-hiệp Nam-phi, Cam-Địa liền đáp tầu sang Anh để tìm phương đối phó. Cam-Địa dựa vào đảng tự do Anh rất phản đối chính sách phân biệt mầu da. Những người Anh ở Ấn-Độ cũng rất khó chịu về nỗi những chuyện rắc rối ở Nam-Phi gây ra ảnh hưởng không hay ở Ấn, và làm cho dư-luận dân chúng bắt đầu xao động. Đồng thời, một đồng chí da trắng của Cam-Địa là Henry Polak cũng đang tổ chức tại khắp các tỉnh Ấn-độ một phong trào phản kháng chính sách của Nam-Phi. Bởi thế, chính-phủ Anh không muốn gì hơn là dàn xếp cho Cam-Địa và Smuts thỏa-thuận với nhau. Nhưng thủ tướng Smuts không chịu nhượng-bộ. Ông ta chỉ bằng lòng cho di cư vào xứ Transvaal một số rất ít người Ấn có học, biết tiếng Anh, và đang làm các nghề tự do, để giúp ích riêng cho kiều dân Ấn-độ. Cam-Địa không chịu. Ông đòi người Ấn phải được đối đãi hoàn toàn bình-đẳng với các người da trắng khác trong việc di-cư vào cư ngụ ở Transvaal. Bởi thế cho nên sau khi cuộc đàm phán do chính phủ Anh trung gian, gián đoạn, Cam-Địa liền trở về ngay Nam-Phi để tổ-chức một hình thức phản-kháng khác.
Các hành-trình của Cam-Địa sang Anh dẫu không mang lại kết-quả hiện tại, song cũng gián-tiếp giúp cho cuộc tranh đấu của ông bằng cách nâng việc xích mích giữa ông và chính-phủ Transvaal lên hàng những việc quan-trọng có ảnh-hưởng đến sự thống nhất của đế-quốc Anh. Ngoài ra, trong khi ở Anh, bên cạnh các nhà cầm quyền chính quốc, Cam-Địa còn đề-cập đến vấn đề trả độc-lập cho Ấn-độ. Ở Luân-đôn ông hội họp tất cả những người Ấn có khuynh-hướng độc-lập, và hàng ngày thảo-luận với họ đến khuya. Nhưng nếu ông đồng ý với họ ở chỗ người Ấn nào cũng có ác cảm với người Anh, cũng như người Anh nào cũng khinh ghét người Ấn, thì ông lại không tán-thành những phương-sách họ nêu ra trong công cuộc thu hồi độc-lập. Cam-Địa nhất định gạt bạo-lực ra ngoài. Theo ông, chỗ quan trọng đâu phải là thay thế nhà cầm quyền Anh bằng người Ấn? Chỉ quan trọng là nhà cầm quyền, bất kỳ người Anh hay người Ấn, cai-trị theo ý-nguyện của dân:
«Tôi là dân, tôi chỉ cần nhà cầm quyền hành động theo ý muốn của tôi, không giúp họ sử dụng quyền hành của họ nữa, nghĩa là tôi bất tuân lệnh của họ nữa, tù tội mặc».
Về đến Nam-Phi, cuối năm 1909, tình trạng cuộc đề kháng bắt buộc Cam-Địa phải tổ-chức một hình thức sống mới cho các chiến-sĩ. Ông muốn làm cho họ sống một cuộc đời mới lạ và giản-dị, thân ái với nhau hơn. Nhân công cuộc đó, ông lại tự ép mình vào những kỷ-luật mới, nghiêm-ngặt hơn, để đi dần tới sự thanh cao, siêu-thoát của bậc Thánh như kinh Ghita hằng khuyên dạy. Vấn đề đời sống mới đặt ra như sau đây: chiến-sĩ bị bắt giam mỗi ngày một nhiều, gia-đình họ sẽ sống ra sao? Muốn cho mọi người hết lòng tranh đấu, thì không gì hơn là tổ chức đời sống hợp quần, để người đi yên lòng là những người thân ở lại được đoàn thể cưu-mang đùm-bọc. Bởi thế, Cam-Địa cùng các đồng-chí mua một chiếc trại rộng hơn một ngàn mẫu đất ở Lawley, cách Johannesbourg độ 20 cây số để làm nơi mọi người cầy cấy trồng trọt mà sống tập đoàn. Cam-Địa đặt tên khu trại đó là trại Tolstoi. Trại có ước chừng hơn một ngàn gốc cam, mơ và mận; hai giếng nước, một suối dẫn nước vào một ngôi nhà. Cam-Địa cho cất thêm nhiều nhà nữa chung quanh. Mọi người làm lấy bánh để ăn, đan lấy dép mà dùng, và xẻ lấy gỗ làm đồ-đạc. Thiếu thì ngủ dưới đất, ngoài trời. Mỗi người được phát hai tấm chăn nhẹ và một chiếc gối gỗ. Quần áo cũng may lấy mà mặc. Chính Cam-Địa cũng cắt lấy cho bà vợ hai bộ áo và ông rất bằng lòng khi thấy bà mặc. Lệ-luật trong trại rất nghiêm. Cấm ngặt uống rượu và hút thuốc lá. Ai muốn ăn mặn cũng được. Song, sau khi tuyên-truyền về sự ích lợi của các món chay, thì mọi người đều theo ông mà tập bỏ dần thói quen ăn thịt.
Ai ra tỉnh có việc mua bán, giao-dịch cho đoàn-thể thì được đi xe hỏa nhưng chỉ được lấy vé hạng ba. Còn nếu đi việc riêng hoặc đi chơi thì phải đi bộ. Cam-Địa có việc phải đi cãi luôn ở tỉnh, nhưng ông chỉ đi chân. Ông ra đi từ 2 giờ sáng và đến khuya mới về đến nhà.
Thường thường trong trại, bữa điểm-tâm ăn vào hồi 7 giờ, bữa trưa hồi 11 giờ, bữa chiều 5 giờ rưỡi. 7 giờ rưỡi tối là giờ đọc kinh và 9 giờ, thì mọi người đi ngủ. Các món ăn đều là những món ăn rất thanh đạm. Nhiều khi họ còn tránh những món nấu nướng, và chỉ ăn hoa-quả, đậu phụng, dầu ô-liu trừ bữa, Riêng Cam-Địa và Kallenbach (người cộng-sự thân nhất của ông) thì sữa cũng không ăn. Kallenbach hồi bấy giờ có một ngôi nhà sang trọng rộng rãi trên một ngọn đồi ở Johannesbourg, song ông không ngần ngại từ bỏ cuộc đời xa hoa vẫn sống từ trước, mà đến ăn ở trong trại, cùng các đồng chí chia sẻ sự khó nhọc và thiếu thốn. Ông lại cùng Cam-Địa chia nhau giảng dậy cho các trẻ trong trại sử-ký, địa-dư, toán-pháp, cùng những điều cần yếu về tôn-giáo, v.v…
Tháng 10 năm 1912, Gopal Krichna Golanale, giáo sư Anh văn cùng kinh-tế học ở Ấn, sang Nam-Phi đến ở trong trại một tháng để khảo-sát vể cách tổ-chức đời sống ở đấy, và để giúp Cam-Địa những điều sở cầu hầu nâng cao khả năng kinh-tế của đoàn thể. Golanale là một trong những nhà lãnh-tụ được kính nể nhất của phong-trào quốc gia Ấn, một nhà trí thức rất thông minh, nổi tiếng là có con mắt biết xét người. Ở Nam-phi, sau khi tiếp-xúc với đủ mọi nhân vật Âu và Ấn, Golanale gặp các tướng Smuts và Botha, hai yếu nhân của chính-phủ Liên-hiệp Nam-phi. Cuộc thảo-luận kéo dài 2 giờ liền. Trở về trại, Golanale báo cho Cam-Địa biết rằng hai nhân vật nói trên đã hứa sẽ hủy bỏ đạo luật kiểm soát người Ấn di-cư vào Nam-phi, và món thuế ba bảng hằng năm đánh vào các người Ấn mãn hạn đi phu muốn ở lại Nam-phi. Và ông khuyên Cam-Địa nên trở về Ấn, sau khi được mãn-nguyện trong các điều yêu-sách của mình. Nhưng Cam-Địa trả lời rằng ông đã hiểu rõ những mánh-khóe của hai nhân vật nói trên hơn ai hết. Những việc xẩy ra sau đây cho ta biết rằng Cam-Địa đã không nhầm về những lời hứa-hẹn của chính-phủ Nam phi.
Tháng chạp năm ấy, trong một bài diễn-văn đọc ở tòa Thị-Sảnh Bombay, Golanale nói rằng Cam-Địa có một sức mạnh thần bí để biến mọi người cạnh mình thành những kẻ sẵn sàng hiến thân cho đại nghĩa. Ông còn nhận thấy cái cá nhân của Cam-Địa thanh cao đến nỗi đứng trước con người ấy, không ai không thấy tự thẹn là còn mang một ý tưởng thấp kém nào trong óc.
Đúng như lời Cam-Địa tiên đoán, tướng Smuts không chịu bãi bỏ những luật-lệ đàn-áp người Ấn, lấy cớ rằng những người Ấn ở xứ Natal, chủ cũ của bọn phu mãn hạn muốn ở lại Nam-Phi, không bằng lòng bãi bỏ khoản thuế hàng năm đánh vào bọn phu ấy. Các thợ thuyền người Ấn coi thái-độ đó như một sự phản bội đối với những lời Smuts đã hứa cùng giáo-sư Golanale, và họ gia nhập phong trào đề kháng của Cam-Địa nhất quyết tự ý vào tù để phản đối. Cam-Địa cũng giải-tán trại Tolstoi. Đàn bà cùng trẻ con thì trở về trại Phoenix. Còn thanh niên trai tráng thì sửa soạn vào tù.
Ngày 14 tháng 3 năm 1913, Tối-Cao Pháp-viện của xứ Le Cap quyết-định rằng từ nay trong toàn cõi Nam-Phi chỉ có những đám cưới cử hành theo lễ giáo ta mới được coi là hợp-pháp. Như thế có nghĩa rằng các cuộc hôn nhân giữa người Ấn không có giá trị gì, và các phụ-nữ Ấn chỉ là những người vợ theo, không cưới-treo giá-thú, tức là không được hưởng một thứ quyền lợi gì.
Các phụ nữ Ấn liền tham-gia luôn phong-trào đề kháng. Một nhóm tình-nguyện vượt biên-giới, từ xứ Transvaal sang xứ Natal; để được bắt giam. Và ví dù bọn lính gác biên thùy có làm ngơ không dây với họ thì họ cứ thẳng đường tiến đến các mỏ than của xứ Natal ở Newcastle để hô hào thợ thuyền người Ấn đình công. Đồng thời một nhóm « nữ đồng chí » Ấn kiều ngụ ở Natal lại tiến sang Transvaal không có giấy phép, để cùng được bắt giam với bọn phụ nữ Transvaal.
Bọn phụ-nữ khởi hành từ Natal, khi qua biên-giới thì bị bắt giam. Nhưng rất nhiều người khác ghi tên để tiếp tục theo họ vào tù. Bọn phụ-nữ đi Transvaal thì lọt vào Natal không bị cản trở gì. Họ liền thẳng đường tiến đến Newcastle. Cuộc đình công của các thợ mỏ người Ấn xảy ra liền theo đó; và rốt cục họ cũng được toại nguyện nghĩa là cùng được bị bắt và xử tù như các chị em khởi hành từ Natal. Cam-Địa tức tốc đi ngay Newcastle. Bấy giờ công-ty mỏ than cắt hết điện nước ở các khu nhà Công-ty dành cho thợ thuyền người Ấn. Cam-Địa khuyên họ trả lại nhà cho Công ty, chỉ đem theo ít quần áo; chăn chiếu đến ăn ở trên bãi đất bên cạnh nhà hai vợ chồng một người Âu bạn thân Cam-Địa.
Bọn thợ mỏ đình công phải ngủ ngoài trời, nhưng các nhà buôn ở Newcastle giúp cho đồ ăn thức đựng đầy đủ. Không bao lâu, đã có tới 5 ngàn thợ thuyền đình công tụ họp ở Newcastle.
Cam-Địa bắt đầu lo ngại. Làm cách nào tiếp-tế được cho một số người đông như thế? Ông bèn nghĩ đến cách nhờ nhà giam của người da trắng nuôi hộ. Mọi người quyết-định rằng tới một ngày nào đó thì toàn thể sẽ được vượt qua biên-giới xứ Natal vào xứ Transvaal, để được giam. Đàn bà, trẻ con và những người ốm yếu thì sẽ đáp xe hỏa qua biên-giới để cũng được giam cùng.
Ngày 13 tháng 10 thì cuộc hành trình bắt đầu. Mọi người đến được Charleston mà không bị cản trở. Tới Charleston, các nhà buôn người Ấn ở tỉnh đó đã thu xếp sẵn chỗ ăn nằm cho bọn đình công. Cam-Địa hy-vọng rằng chính phủ xứ Natal sẽ bắt giam bọn ông ngay ở Charleston, nhưng ông không được toại nguyện, vì các nhà chức trách im lìm như không. Bởi vậy, ông đành phải ra lệnh cho mọi người vượt qua biên-giới sang xứ Transvaal. Ông nói rằng nếu chính phủ Transvaal cũng không ra lệnh bắt giam bọn ông, thì cuộc lữ hành không biết còn kéo dài tới bao giờ, và trong thời gian ấy lấy đâu mà tiếp-tế lương-thực cho hàng mấy nghìn người một lúc.
Bọn Cam-Địa vượt qua biên giới một cách ổn-thỏa. Bọn lính gác biên thùy xứ Transvaal có mặt, song họ không can-thiệp, vì hình như đã được lệnh từ trước. Nhưng khi đoàn người tới Palmford cách biên giới độ 8 cây số thì một người lính tuần cảnh xách đèn đến tìm Cam-Địa: «Tôi được lệnh bắt ông - người đó nói một cách lễ-phép - Vậy xin mời ông theo tôi».
Cam-Địa hỏi: «Ông định đưa tôi đến đâu?»
Ông đáp: «Ra ga, để chờ tầu về Volkorruot».
Lúc bấy giờ mọi người đã cắm trại để nghỉ đêm. Cam-Địa liền đánh thức P.K.Naidou, một người cộng sự tin cẩn và trao cho ông này nhiệm-vụ hướng-dẫn đoàn người tới trại Tolstoi. Rồi ông theo người lính tuần cảnh tới Volkorruot để ra trước Tòa-án. Tuy nhiên, ông được ra ngay, vì Kallenbach đã đóng một số tiền ký quỹ cho ông được tạm tha. Không phải Cam-Địa không chịu vào tù, song vì ông nhận thấy lúc này ông đang có bổn phận phải trông nom cho đoàn người đang nương dựa vào ông, nên ông không muốn vắng mặt ngày nào bên cạnh các đồng bạn. Kellenbach đã chờ ông ở cửa Tòa án với một chiếc xe hơi, và dẫn ông đuổi kịp đoàn người đang tiến trên con đường đưa tới trại Tolstoi.
Sáng hôm sau, mọi người vừa dừng bước ở Standerton, và Cam-Địa đang phân-phát lương thực cho các bạn, thì nhân-viên cảnh-sát lại đến bắt ông giải tòa. Lần này ông cũng được tạm tha, nhờ ở một số tiền ký quỹ khác. Nhưng 5 người trong bọn cộng sự với ông thì bị giam giữ.
Hai ngày sau, Cam-Địa cùng Potale dẫn đầu bọn lữ-hành trên con đường thiên-lý, thì một chiếc xe hơi đỗ ngang ông, và trên xe bước xuống một viên cảnh sát ra lệnh bắt ông phải đi theo. Lần này là lần thứ ba, trong 4 hôm, ông bị bắt.
Đoàn người lại lầm-lũi thẳng tiến trên đường.
Ngày mồng 10, tới Balfour, thì họ đã thấy ba chiếc tầu riêng chờ sẵn ở ga để đưa họ trở về Natal. Thoạt tiên, họ kháng-cự không chịu lên tầu: nhưng mãi sau, nhờ ở sự dỗ dành khuyên nhủ của mấy người lãnh tụ như Potale, Ahmad, Kachhalia, họ mới chịu để cho cảnh sát dồn lên các toa xe hỏa.
Sau đấy thì Potale bị bắt ngay. Vào ngục ông đã thấy Kallenbach bị giam từ trước.
Ngày 14, Cam-Địa ra tòa. Ông nhận hết các tội. Nhưng phải có lời khai của các chứng nhân thì tòa mới phạt tù ông được. Ông liền dẫn ra hai bạn là Kallenbach và Potale để khai buộc tội ông. Bởi thế dù không muốn, Tòa cũng phải xử phạt tù ông ba tháng.
Nhưng bọn người đồng hành với ông thì không được cái may mắn bị bỏ tù như ông. Họ bị giao trả về nơi hầm mỏ họ làm việc. Tuy nhiên, họ nhất quyết tiếp-tục cuộc đình công, mặc dầu bọn gác dùng roi vọt hành hạ họ đủ điều.
Nhưng cuộc đàn áp ấy dần dà được lan truyền về Ấn, và gây nên một luồng dư-luận phẫn-uất sôi nổi. Các nhà cầm quyền bắt đầu lo sợ. Lor Hardinge, bấy giờ làm phó vương Ấn-độ, lên tiếng ở Madras, chỉ trích thái-độ của chính-phủ Nam-phi với những lời cực-kỳ nghiêm-khắc. Ông đòi thành lập ngay một ủy ban điều tra để tìm nguyên-nhân vụ đàn-áp ở Nam-phi.
Được ủng-hộ, phong-trào phản-kháng lại càng quật khởi. Cuộc đình công lan rộng ra khởi những mỏ than ở Newcastle. Các chính phủ địa phương cho lính đàn-áp dã-man. Nhiều người Ấn chết và bị thương. Sự phẫn uất lên đến cực độ. 50 ngàn thợ đình công. Dư-luận Ấn kêu gọi sự can-thiệp của chính quốc. Điện-tín trao-đổi giữa Luân-đôn và Ấn-độ như bươm bướm.
Ngày 18 tháng 12 năm 1913, Cam-Địa cùng Kallenbach và Potale được tha. Ông rất lấy làm phiền. Vì ông còn ở tù ngày nào, thì dư-luận còn sôi nổi, và phong trào phản kháng càng được lợi. Bấy giờ, nhờ ở áp-lực của chính phủ Anh cùng Phó-vương Ấn-độ, các nhà cầm quyền Nam-phi đã chịu thiết lập một ủy-ban điều tra. Cùng với sự nhượng bộ này, họ thả luôn Cam-Địa, để tỏ thiện ý đàm-phán, hòng gây cảm-tình của dư-luận thế-giới.
Nhưng Cam-Địa không mắc mưu ấy. Vừa ra khỏi nhà giam, ông liền tuyên-bố ngay không thừa nhận các ủy-ban chỉ định bởi các tướng Botha và Smuts. Ông cho rằng các nhà cầm quyền Nam-phi không thực tâm trong việc điều tra những vụ đàn-áp. Ông không nghi-ngờ lòng vô tư của vị chủ-tịch ủy-ban là Sir William Solomon; song ông tố-cáo hai nhân viên khác của ủy-ban có ác ý với người Ấn, nhất là đại-tá J. S. Wylie người đã xúi-giục và khích-động dân chúng dùng bạo lực đánh đuổi các kiều dân Ấn năm 1897, ở Durban. Ông lại nhắc rằng chính viên đại-tá này đã công nhiên tán thành lời của một người trong đám biểu tình hứa sẵn sàng xuất một tháng lương của mình để thưởng cho kẻ nào bắn chết một người Ấn.
Ba ngày sau khi được tha, Cam-Địa dự một cuộc mít-tinh ở Durban. Ông đã trút bỏ bộ âu-phục để mặc quốc-phục. Đó là ông để tang những bạn đồng chí bị thiệt mạng trong cuộc đình công của thợ mỏ. Ông lên tiếng khuyên mọi người can đảm tiếp-tục cuộc tranh-đấu để khỏi phụ lòng những người đã hy-sinh tính mạng cho mục-đích chung.
Sau cuộc hội họp ở Durban, Cam-Địa viết thư cho tướng Smuts yêu-cầu thải Esselen và Wylie khỏi ủy-ban điều-tra. Smuts bác lời thỉnh-nguyện. Cam-Địa liền công bố cho mọi người biết rằng đến mồng một tháng giêng 1914, ông sẽ cùng một nhóm đồng chí từ Durban vượt qua biên-giới xứ Natal, để lại vào tù. Ông nói thêm rằng ông không đòi cho người Ấn được tự do di-cư vào Nam phi, và cũng không đòi được ngang quyền lợi với người da trắng; mục đích cuộc tranh đấu của ông chỉ cốt để thu hồi lại những quyền lợi trước đây đã công nhận cho người Ấn, mà bây giờ lại tước đi một cách bất công.
Vào lúc bấy giờ, các nhân-viên trong ngành hỏa xa của Chính-phủ cũng lại đình công, khiến cho các nhà cầm quyền Nam-phi bối rối không biết khu xử ra sao. Không muốn lợi dụng lúc địch-thủ đang phải đối đầu với tình-trạng khó khăn mà tăng thêm yêu sách, Cam-Địa có một hành-động rất cao thượng là hạ lệnh bãi bỏ cuộc hành trình dự định ngày mồng 1 tháng giêng năm 1914. Ông muốn cho địch-thủ phải tự mình nhận thấy điều lỗi mà hối cải, chứ ông không thèm lợi dụng lúc họ khốn quẫn mà ép buộc họ ký kết.
Thái độ đó làm cho dư-luận thế-giới rất khâm phục. Từ Anh, từ Ấn, rất nhiều điện tín đánh đến Nam-phi để khen Cam-Địa.
Smuts mặc dầu rất bận rộn về cuộc bãi công trong ngành hỏa-xa cũng mời Cam-Địa đến thảo luận. Thế là một lần nữa, chính-phủ Nam-phi lại phải công nhận nguyên-tắc điều-đình với người Ấn. Ngoài ra đặc phái viên của phó vương Ấn-độ là Sir Benjamin Robertson cũng vừa từ Ấn cấp-tốc tới để dàn xếp đôi bên, kẻo dư-luận bên Ấn mỗi ngày một sôi nổi, làm cho người Anh rất lo ngại.
Cuộc điều-đình nhờ đó mà dễ dàng thêm nhiều. Tuy nhiên, mãi đến ngày 30 tháng 6 năm 1914, hai bên mới đi tới chỗ thỏa-thuận. Và đến tháng bẩy thì một đạo luật mới được quốc-hội Nam-phi ban-bố, chỉ-định sự giao-thiệp giữa người Ấn và người Nam-phi. Đạo luật nhấn mạnh đến mấy điểm quan trọng sau đây:
1) Các cuộc hôn nhân giữa người Ấn, người Hồi và người Parsi đều hợp pháp.
2) Khoản thuế thường-niên 3 bảng đánh vào những người thợ Ấn mãn hạn giao-kèo muốn ở lại Nam phi, nay bãi bỏ.
3) Từ 1920, thì thợ Ấn sẽ thôi không di-cư vào Nam-phi.
4) Kiều dân Ấn ở Nam-phi không được tự do đi từ xứ này sang xứ khác. Nhưng người Ấn nào đẻ ở Nam-phi thì có thể tự do vào xứ Le Cap.
Sau khi đã được toại-nguyện, Cam-Địa cùng vợ từ giã xứ Nam-Phi. Ngày 18 tháng 7 năm ấy, ông đáp tầu sang Anh. Ông vận âu phục, dáng-điệu có vẻ mỏi và tư-lự, song không thiếu phần cao quý. Bà Kastourbai vận bộ áo sari mầu trắng thêu hoa. Trông bà mảnh-dẻ yếu đuối, song nhan-sắc thực là lộng-lẫy. Bấy giờ hai ông bà đều trên dưới 45 tuổi.
Trước khi từ biệt Nam-Phi, Cam-Địa nhờ Potale gửi biếu tướng Smuts một đôi dép cói chính tay ông bện lấy trong những ngày dài giằng-dặc bị giam cầm ở nhà ngục Nam-Phi. Tướng Smuts trân-trọng giữ gìn vật biếu đó cho mãi đến năm 1939, nhân ngày lễ thọ thất tuần Cam-Địa, ông bèn gửi biếu lại kẻ địch cũ. Vào dịp ấy, ông viết rằng:
«Những người như thánh Cam-Địa đã chuộc lại tất cả những điều lỗi lầm ti-tiện của chúng ta, và luôn luôn nhắc-nhở chúng ta đừng bao giờ quên làm điều thiện».
Nói về đôi dép cói mà Thánh đã biếu ông, tướng Smuts viết:
«Mặc dầu tôi mang đôi dép ấy đã mấy mươi năm ròng, tôi vẫn băn-khoăn với ý nghĩ không biết có xứng đáng được xỏ chân vào đôi dép của bậc cao nhân hiền-triết đó không?».

Suy ngẫm về cuộc tranh-đấu của Cam-Địa tại Nam-phi, chúng ta thấy rằng phần lớn sức mạnh của ông là do nơi ông biết làm thức tỉnh những linh tính tốt ở con người mà ông chống lại. Ông khuất-phục được tướng Smuts, không phải là vì Smuts không có sức mạnh chống lại ông, mà là vì Smuts không có lòng nào chống lại một người đầy đức tính cao-thượng vị-tha như ông.
20/1/2022
Louis Fischer
Theo https://vnthuquan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...