Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

XXXXXXCho Esmé - Với tình yêu và nỗi khốn cùng

Cho Esmé - Với
tình yêu và nỗi khốn cùng

Gần đây, qua hàng không bưu tín, tôi nhận được thư mời dự một lễ cưới sẽ tổ chức ở Anh vào ngày 18/4. Có vẻ như đây là một lễ cưới mà hẳn tôi phải tốn kém khá nhiều để đến dự, và khi thư mời đến, tôi nghĩ rằng có thể mình sẽ lên đường ra hải ngoại bằng máy bay, với những khoản chi phí cắt cổ. Tuy nhiên, từ hôm đó tôi đã thảo luận vấn đề khá nhiều với vợ tôi, một người phụ nữ đặc biệt điềm tĩnh, và chúng tôi quyết định phủ quyết nó, vì một điều - tôi đã quên khuấy mất rằng mẹ vợ tôi đang mong đến ngày được tới ở với chúng tôi khoảng hai tuần vào tháng Tư. Tôi thật sự rất ít có dịp gặp Mẹ Grencher, và bà cũng chả trẻ ra được chút nào. Bà năm mươi tám tuổi. (Như bà là kẻ đầu tiên thừa nhận).  
Tuy thế,  dù có ở đâu chăng nữa, tôi cũng cho rằng tôi không phải là loại người thậm chí không buồn nhấc một ngón tay để ngăn chận một buổi lễ cưới khỏi sự tẻ nhạt. Thế nên, tôi đã viết đôi điều hé lộ về cô dâu vì tôi biết cô ấy cách đây gần sáu năm. Nếu những ghi chép của tôi có thể khiến cho chú rể, người tôi chưa từng gặp bao giờ, bị khó chịu dăm ba phút, thì lại càng tốt lắm. Ở đây, chả ai có mục đích làm hài lòng nhau cả. Mà thật sự là để khai tâm, để chỉ dẫn.
Vào tháng 4 năm 1944, tôi nằm trong số 60 người Mỹ tham gia một khoá đào tạo đặc biệt của cơ quan mật vụ Anh ở Devon, Anh Quốc. Và khi nhìn lại, với tôi, dường như hồi ấy cả 60 người chúng tôi đều khá lạ đời. Tất cả đều thuộc loại nghiện viết thư. Ngoài các vấn đề về phận sự, việc trò chuyện giữa chúng tôi thường chỉ là để hỏi một ai đó xem anh ta có còn chút mực viết nào chưa dùng đến hay không. Những khi không dự lớp và không viết thư, mỗi người chúng tôi có những cách thức riêng để giết thời gian. Riêng tôi, tôi đi lang thang khắp vùng trong những ngày trời đẹp, và vào những ngày mưa gió, tôi thường tìm một nơi khô ráo để ngồi đọc sách, thường là kế bên một bàn ping-pong.
Khoá học kéo dài 3 tuần lễ, kết thúc vào một ngày thứ Bảy mưa dầm. Vào bảy giờ tối hôm đó, cả nhóm chúng tôi sẽ lên tàu tới Luân Đôn, ở đó, theo lời đồn, chúng tôi sẽ được bổ nhiệm về các sư đoàn bộ binh và không vận, tập dượt để chuẩn bị cho những cuộc đổ bộ vào Ngày D.  Khoảng ba giờ chiều, tôi nhét mọi thứ tài sản của mình vào cái ba lô, kể cả một cái túi vải đựng mặt nạ phòng chống hơi độc chứa đầy những quyển sách mà tôi đã mua ở Phía bên kia. (Bản thân cái mặt nạ đã bị tôi vất qua một ô cửa sổ của con tàu Mauretania trước đó vài tuần, với nhận thức rõ ràng rằng nếu như kẻ thù có dùng hơi độc đi chăng nữa, tôi cũng chả bao giờ đeo cái món chết tiệt ấy lên kịp lúc.)  Tôi nhớ tôi đã đứng cạnh cánh cửa sổ ở cuối doanh trại rất lâu, nhìn ra màn mưa ảm đạm, ngón tay trỏ ngứa ngáy một cách mơ hồ khó nhận ra. Tôi có thể nghe thấy ở sau lưng mình tiếng nhiều cây bút chạy sột soạt trên những tờ giấy viết thư.  Rồi đột ngột, không có một ý định gì đặc biệt trong đầu, tôi rời cửa sổ, khoác vào người chiếc áo mưa, chiếc khăn len quàng cổ, đôi ủng cao su đi mưa, đôi bao tay bằng dạ và cái mũ vải hải ngoại (mà bạn tôi thường bảo rằng tôi hay đội theo kiểu của riêng tôi, hơi trùm xuống đôi tai chút ít.) Rồi, sau khi chỉnh lại cái đồng hồ đeo tay của tôi theo đồng hồ trong nhà vệ sinh, tôi đi xuống ngọn đồi dài đá sỏi vào thị trấn, không thèm đếm xỉa đến những tia chớp giật loang loáng phủ xung quanh.
Ở trung tâm thị trấn, có lẽ cũng là nơi ẩm ướt nhất trong vùng, tôi dừng lại trước một nhà thờ để đọc một tấm bảng thông báo, chủ yếu là vì những con số viết bằng phấn trắng trên nền đen đã thu hút sự chú ý của tôi, nhưng cũng có phần vì sau ba năm trong quân ngũ, tôi đã trở nên nghiện cái thú đọc các tấm bảng thông báo. Tấm bảng ghi rằng vào lúc ba giờ rưỡi sẽ có một cuộc thực tập hát đồng ca thiếu nhi. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay, rồi lại nhìn lên bảng. Trên đó có dán một tấm giấy ghi tên của các em thiếu nhi dự cuộc thực tập này. Tôi đứng trong mưa, đọc hết tất cả những cái tên, rồi đi vào nhà thờ.
Trong nhà thờ có khoảng mươi người lớn. Tôi đi qua họ, rồi ngồi xuống ở hàng ghế đầu. Trên chiếc bục cao có ba hàng ghế với khoảng hai mươi đứa bé, phần đông là bé gái trong lứa tuổi từ bảy đến mười ba đang ngồi. Ngay lúc đó, cô giáo dạy đồng ca của chúng, một phụ nữ đẫy đà trong bộ váy bằng vải tuýt, yêu cầu chúng há miệng to hơn khi hát. Có ai đã từng nghe một chú chim non dám hót khúc nhạc líu lo của nó mà trước hết không há mỏ ra cho thật to, thật to, thật to không nào? – Cô ta hỏi. Chắc chắn là không có ai đã từng nghe. Cô ta tiếp tục nói rằng cô ta muốn tất cả mọi học viên phải tập trung vào ý nghĩa của ca từ, chứ không phải chỉ hát như những con vẹt ngốc nghếch.
Rồi cô ta thổi vào chiếc sáo bắt giọng một nốt nhạc, và tất cả các em bé, như những vận động viên cử tạ chưa đủ tuổi, cùng giơ cao những quyển sách ký âm.
Chúng hát không có nhạc đệm - hay nói chính xác hơn, trong trường hợp này, không có một sự can thiệp nào. Một vài đứa nhỏ nhất kéo lê nhịp một tí, nhưng theo một cách chỉ có mẹ của nhà soạn nhạc mới có thể nhận ra thiếu sót. Tôi chưa từng được nghe thánh ca, nhưng tôi vẫn hy vọng đây là một bài thánh ca với khoảng hơn một chục câu thơ. Vừa lắng nghe, tôi vừa nhìn lướt qua gương mặt của từng em bé, tôi nhìn chăm chú hơn một bé gái ngồi gần tôi nhất, ở chiếc ghế cuối của hàng ghế trên cùng. Cô bé trạc mười ba tuổi, có một mái tóc thẳng mượt màu vàng pha xám tro dài tới dái tai, một vầng trán thanh tú và đôi mắt xanh thật đẹp. Giọng hát của cô bé vút lên khỏi giọng của những em bé khác không chỉ vì cô bé ngồi gần chỗ tôi nhất. Nó có một cử giọng cao hơn hết, ngọt ngào êm ái hơn hết, và tự động trở thành giọng hát dẫn đầu ban đồng ca. Tuy nhiên, cô bé gái dường như chán ngán với khả năng ca hát của mình, hay có lẽ chỉ là chán ngán cái thời gian và không gian lúc ấy. Hai lần, giữa những câu hát, tôi bắt gặp cô bé ngáp dài. Ðó là một cái ngáp kiểu cách của một mệnh phụ phu nhân, một cái ngáp kín đáo không để hở đôi môi, nhưng bạn không thể không nhận thấy; vì hai cánh mũi của cô phập phồng.
Giờ tập hát thánh ca chấm dứt. Người giáo viên bắt đầu nhận xét lê thê về những cô bé cậu bé hay động đậy đôi chân và lép nhép đôi môi trong khi vị mục sư đang thuyết giáo. Tôi đoán là phần tập hát của buổi tổng dượt đã hết, và trước khi giọng nói chói tai của cô giáo viên kịp làm phai nhoà dư âm tiếng hát của đàn em nhỏ, tôi đứng lên rời khỏi nhà thờ.
Trời mưa thậm chí còn nặng hạt hơn khi nãy. Tôi đi xuôi xuống phố và nhìn qua cửa sổ phòng giải trí của hội Hồng Thập tự. Những người lính đứng thành từng nhóm hai, ba người ở quầy cà phê, và dù qua lớp kính, tôi vẫn có thể nghe thấy tiếng quả bóng bàn nảy trong phòng. Tôi băng qua đường, bước vào một quán trà vắng tanh vắng ngắt không có ai ngoài một phụ nữ phục vụ tuổi trạc trung niên trông có vẻ như thể bà ta thích có một người khách với một chiếc áo mưa khô ráo hơn. Tôi máng chiếc áo mưa lên giá treo, một cách nhã nhặn hết mức trong phạm vi có thể, rồi ngồi vào một cái bàn, yêu cầu trà cùng một chiếc bánh mì nướng. Đó là lần đầu tiên trong suốt cả ngày tôi mở miệng với một người khác. Rồi tôi lục lọi tất cả mọi cái túi, kể cả túi áo mưa, và cuối cùng tìm ra hai lá thư nhòa nhạt để đọc lại. Một lá của vợ tôi, báo cho tôi biết sự phục vụ ở tiệm Schaft Phố Tám mươi tám đã sa sút ra sao. Một lá của mẹ vợ tôi, yêu cầu tôi gửi cho bà một ít chỉ len ngay khi tôi có dịp ra khỏi “trại”.
Trong khi tôi còn chưa uống hết tách trà thứ nhất, cô bé gái tôi đã nhìn và nghe hát trong dàn đồng ca bước vào quán. Mái tóc cô bé ướt đẫm, để lộ ra hai vành tai. Cô bé đi cùng một đứa bé trai nhỏ xíu, chắc chắn là em của cô ta. Với hai ngón tay, cô bé nhấc chiếc mũ ra khỏi đầu thằng bé, như thể chiếc mũ là một khí cụ trong phòng thí nghiệm. Tháp tùng cả hai là một người phụ nữ dễ nhìn, đội một chiếc mũ mềm vành rũ, mà tôi đoán là cô bảo mẫu của chúng. Cô bé vừa đi vừa cởi chiếc áo khoác ra, rồi chọn một chiếc bàn, một chỗ thật khá, theo ý tôi, vì nó nằm ngay phía trước mặt tôi, cách chỉ chừng bảy tám bước chân. Cô bé và người bảo mẫu ngồi xuống. Chú nhóc con, chừng năm tuổi, chưa muốn ngồi vào vội. Nó lui tới lăng xăng một cách có phương pháp, chọc tức người bảo mẫu bằng cách vừa kéo tới kéo lui chiếc ghế của mình, vừa nhìn vào mặt bà ta. Người bảo mẫu hai ba lần yêu cầu nó ngồi xuống và hãy thôi làm trò khỉ bằng một giọng khẽ khàng, nhưng chỉ đến khi chị của nó lên tiếng, nó mới chịu ngồi xuống, tựa cái lưng bé xíu của nó vào lưng ghế. Ngay lập tức, nó vớ lấy tấm khăn ăn đặt lên trên đầu. Người chị lấy chiếc khăn xuống, mở ra và trải lên lòng nó.
Vừa khi trà được mang tới, cô bé bắt gặp tôi đang nhìn về phía của mình. Cô bé nhìn lại tôi, rồi đột ngột gửi tới tôi một nụ cười mỉm e dè. Nụ cười toả sáng một cách lạ lùng, tương tự những nụ cười mỉm thỉnh thoảng ta có thể gặp trong đời. Tôi mỉm cười đáp lại, kém tươi tắn hơn nhiều, giữ cho môi trên hạ thấp để che đi một vết trám răng tạm thời kiểu nhà binh đen thui giữa hai chiếc răng cửa. Ðiều kế tiếp tôi biết, là cô bé đứng bên chiếc bàn của tôi với một tư thế thật đĩnh đạc. Cô bé mặc một chiếc váy sọc ô vuông kiểu Campell, tôi cho là vậy. Hình như với tôi đó là một chiếc váy thật tuyệt diệu cho một cô bé mặc trong một ngày mưa quá đỗi mưa.
"Cháu nghĩ là người Mỹ không ưa trà", cô bé nói.
Đó không phải là nhận xét của một người làm ra vẻ tinh khôn mà là của một người yêu chân lý hoặc một người thích môn thống kê. Tôi đáp rằng có một số người trong chúng tôi chỉ toàn uống trà không thôi. Rồi tôi hỏi cô bé xem cô có thể ngồi với tôi không.
"Cám ơn," cô bé nói, "Nhưng có lẽ chỉ một chút xíu thôi."
Tôi đứng lên kéo một chiếc ghế ở phía đối diện cho cô bé. Cô ngồi xuống, trên một phần tư trước của chiếc ghế, giữ cho lưng thật thẳng và thật đẹp một cách dễ dàng. Tôi trở về chỗ chiếc ghế của mình, hầu như hơi vội vã. Tuy nhiên, sau khi ngồi xuống, tôi không nghĩ ra được chuyện gì để nói. Tôi lại mỉm cười, vẫn cố che giấu cái vết trám răng đen thui. Rồi tôi nhận xét rằng đi ra ngoài trong một ngày như hôm nay thật là kinh khủng.
"Vâng, đúng là như vậy", người khách của tôi đáp bằng một giọng trong trẻo, rõ là của giọng của một kẻ ghét cay ghét đắng chuyện phiếm. Cô bé đặt những ngón tay lên cạnh bàn, như một người đang trong buổi họp, rồi gần như ngay lập tức nắm hai bàn tay lại. Cô đeo một chiếc đồng hồ quân sự, kiểu đồng hồ của một thủy quân. Mặt đồng hồ quá to lớn so với chiếc cổ tay thanh mảnh của cô. "Chú đã ngồi xem tập hát trong nhà thờ", cô bé nói với giọng khẳng định, "cháu đã nhìn thấy chú."
Tôi đáp rằng đúng thế, rằng tôi đã nghe thấy giọng ca của cô tách biệt khỏi giọng ca của những em bé khác. Rằng tôi nghĩ cô có một giọng hát rất tuyệt vời.
Cô bé gật đầu. "Cháu biết. Cháu sẽ trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp."
"Thật thế à? Một ca sĩ opera?"
"Ồ không. Cháu sẽ hát nhạc jazz trên đài phát thanh và sẽ kiếm được khối tiền. Rồi khi cháu được ba mươi tuổi, cháu sẽ thôi ca hát và tới sống trong một trang trại ở Ohio." Cô bé chà lòng bàn tay lên đỉnh đầu đẫm ướt của mình. "Chú có biết Ohio không?” Cô bé hỏi.
Tôi đáp rằng tôi đã từng đi qua đó trên những chuyến tàu hoả vài lần, nhưng chưa thật sự biết về nó. Rồi tôi mời cô bé một miếng bánh mì.
"Không, cám ơn chú." Cô bé nói. "Thật ra, cháu ăn ít như một con chim vậy."
Tôi cắn một mẫu bánh và nhận định rằng ở quanh Ohio có một vài vùng khá dữ dằn.
"Cháu biết. Một người Mỹ cháu gặp đã bảo vậy. Chú là người Mỹ thứ mười một mà cháu gặp."
Người bảo mẫu lúc này đang khẩn trương ra dấu cho cô bé quay lại bàn để thôi không làm phiền tôi nữa. Tuy nhiên, vị khách của tôi bình thản dời chiếc ghế đi khoảng vài chục phân, bằng cách đó quay lưng lại phía chiếc bàn của mình, chấm dứt mọi sự liên lạc nào khác nếu có. "Chú đến học tại cái trường dạy mật vụ trên đồi, phải không chú?" Cô bé hỏi với vẻ thờ ơ.
Cảnh giác với câu hỏi tiếp theo, tôi đáp rằng tôi đến vùng Devonshire để nghỉ dưỡng sức.
"Thế sao," cô bé nói, "Cháu đâu phải mới ra đời ngày hôm qua hở chú."
Tôi đáp rằng tôi cuộc là cô bé không phải mới sinh hôm qua thật.
"Có vẻ như chú khá thông minh so với một người Mỹ" Vị khách của tôi nói.
Tôi bảo cô bé rằng nói một điều như thế thật là lố bịch và hợm hĩnh, nếu suy nghĩ một chút về ý nghĩa của nó, rằng tôi mong rằng cô bé không phải là người như thế.
Cô bé đỏ mặt. "Chà, phần lớn những người Mỹ cháu gặp cư xử như thú vật. Họ cứ thụi nhau miết và xúc phạm tới mọi người. Chú có biết một trong bọn họ đã làm điều gì không?"
Tôi lắc đầu.
"Một trong số họ đã quẳng một cái chai đựng rượu whisky rỗng qua cửa sổ nhà cô cháu. May là cửa sổ mở. Nhưng chú thấy như thế có thật thông minh không?"
Ðiều đó thật bình thường. Nhưng tôi không nói như thế. Tôi bảo rằng nhiều người lính, trên khắp thế giới này, sống rất xa quê nhà của họ, và rất ít người trong số họ thật sự có được những thuận lợi trong đời sống. Tôi bảo rằng rất nhiều người có thể hiểu ra được điều này.
"Có thể," vị khách của tôi nói, không chắc chắn lắm. Cô bé lại giơ tay lên vuốt đầu, cố kéo những sợi tóc mỏng manh xuống để che đôi tai. "Tóc cháu bị ướt," cô bé nói. "Trông cháu tệ hơn mọi ngày." Cô bé nhìn tôi. "Cháu có một mái tóc gợn sóng khi nó khô."
"Tôi có thể thấy, tôi có thể thấy là cháu có mái tóc gợn sóng."
"Không thật sự xoăn, mà gợn sóng," cô bé nói, "Chú có vợ chưa?"
Tôi đáp là tôi đã có.
Cô bé gật đầu. "Chú có rất yêu vợ chú hay không? Hay là cháu quá tọc mạch chuyện riêng của chú."
Tôi bảo là tôi sẽ bảo cho cô bé biết khi nào tôi cảm thấy như thế.
Cô bé duỗi hai bàn tay và cổ tay ra xa hơn trên mặt bàn, và tôi nhớ lúc ấy tôi đã muốn nói một điều gì đó về cái đồng hồ có mặt khổng lồ mà cô bé đang đeo - có lẽ là một lời đề nghị cô bé thử đeo nó vòng quanh eo của mình.
"Thường thì cháu không ưa giao du lắm đâu", cô bé nói, và nhìn tôi như để xem tôi có nắm được ý nghĩa của câu nói không. Tôi không tỏ vẻ gì khác lạ. "Cháu chỉ tới với chú vì cháu nghĩ chú trông cực kỳ cô độc. Chú có một khuôn mặt cực kỳ nhạy cảm."
Tôi đáp rằng cô bé nói đúng, rằng tôi đã cảm thấy cô đơn quá đỗi, và rằng tôi đã rất mừng vì cô tới.
"Cháu đang tự tập luyện để có thể cảm thông nhiều hơn. Cô của cháu nói cháu là một người cực kỳ lãnh đạm," cô bé nói, và lại sờ tay lên đầu. "Cháu sống với cô cháu. Cô là một người cực kỳ tốt bụng. Từ khi mẹ cháu mất, cô cháu đã làm mọi việc trong khả năng để cháu và Charles được thoải mái."
"Tôi rất mừng vì điều đó."
"Mẹ cháu là một người cực kỳ thông minh. Rất nhạy cảm, theo nhiều cách". Cô bé nhìn tôi với một vẻ tinh nhanh tươi tắn. "Chú có thấy là cháu lãnh đạm không?"
Tôi bảo rằng tuyệt đối không phải vậy, mà rất trái lại là đằng khác. Tôi nói cho cô bé biết tên tôi và hỏi tên của cô.
Cô bé ngần ngừ. "Tên của cháu là Esmé. Cháu không nghĩ là cháu sẽ cho chú biết đầy đủ họ tên vào lúc này. Cháu có một tước vị và chú có thể sẽ bị ấn tượng vì các tước hiệu. Những người Mỹ thường là vậy, chú biết mà".
Tôi đáp rằng tôi không nghĩ là tôi sẽ như thế, nhưng có thể tạm thời không nói ra tước hiệu cũng là một ý hay.
Ngay khi ấy, tôi cảm thấy hơi thở ấm áp của một ai đó phà lên sau gáy của tôi. Tôi quay lại và suýt chút nữa đã mũi chạm mũi với chú nhóc nhỏ xíu em của Esmé. Không thèm đếm xỉa đến tôi, nó nói với người chị: "Cô Megley bảo chị phải về bàn và uống hết trà của mình đi!" Nói xong, nó lui về phía chiếc ghế giữa tôi và chị nó, ở phía tay phải của tôi. Tôi nhìn nó với cảm giác thích thú. Trông nó thật dễ thương với chiếc quần soóc Shetland màu nâu, chiếc áo nịt len màu xanh biển, chiếc áo sơ mi trắng và sợi dây cà-vạt sọc vằn. Nó nhìn lại tôi với đôi mắt xanh lá nhạt to tướng. "Tại sao những người trong phim lại nghiêng đầu khi hôn?" Nó hỏi.
"Nghiêng đầu khi hôn?" Tôi nói. Ðó chính là vấn đề đã làm tôi nhức đầu thắc mắc hồi còn bé. Tôi bảo rằng tôi đoán là bởi vì chiếc mũi của các diễn viên quá to để có thể hôn lên trán nhau.
"Nó tên là Charles," Esmé nói. "Nó cực kỳ thông minh ở lứa tuổi của nó."
"Cậu bé có một đôi mắt thật là xanh. Ðúng không, Charles?"
Charles đáp lại lời tôi bằng một cái nhìn nghi ngại mà câu hỏi của tôi xứng đáng nhận được, rồi tuột về phía trước trên chiếc ghế cho tới khi cả thân hình nó khuất sau chiếc bàn ngoại trừ cái đầu. "Chúng có màu cam," nó nói bằng một giọng mất tự nhiên, chỉ lên trần nhà. Rồi nó kéo một góc khăn bàn lên che lấy mặt.
"Ðôi lúc nó thật thông minh, đôi lúc lại thật ngốc nghếch," Esmé nói. "Charles, ngồi thẳng lên nào!"
Charles vẫn ngồi y nguyên như trước. Dường như nó đang bận duy trì hơi thở.
"Nó rất nhớ cha của chúng cháu. Cha cháu bị giết chết ở Bắc Phi."
Tôi bày tỏ lòng thương tiếc khi nghe điều đó.
Esmé gật đầu. "Cha cháu rất thương nó.” Cô bé trầm ngâm nhá nhá lớp da ở ngón tay cái. “Nó trông giống mẹ cháu lắm, còn cháu thì lại giống cha." Cô tiếp tục nhá lớp da. “Mẹ cháu là một người rất nồng nhiệt. Mẹ cháu hướng ngoại. Còn cha cháu lại hướng nội. Dù vậy, họ rất hòa hợp nhau, ở bề ngoài. Là người rất bộc trực, Cha thật sự cần một người bạn đời trí thức hơn Mẹ. Cha cháu là một người cực kỳ tài ba.”
Tôi chờ đợi một cách chú tâm để nghe thêm thông tin về chuyện đó, nhưng không có. Tôi nhìn xuống Charles, lúc này nó đang tựa một bên mặt lên chiếc ghế. Khi nhận thấy tôi đang nhìn nó, nó nhắm mắt lại, làm ra vẻ buồn ngủ, làm ra vẻ một thiên thần, rồi thè lưỡi ra.
"Thôi đi," Esmé nói, rõ ràng không lạ lẫm chút nào với các trò quậy của đứa em trai. "Nó trông thấy một người Mỹ làm như thế trong một đám xếp hàng mua cá và khoai, và bây giờ mỗi khi nó chán nó lại làm vậy đó. Ngưng ngay nhé, nếu không chị sẽ mang em lại cho cô Megley."
Charles mở đôi mắt to của nó ra, như để ra dấu rằng nó nghe thấy lời đe doạ của bà chị, rồi lại nhắm mắt, tiếp tục tựa một bên mặt vào lưng ghế.
Tôi nhận xét rằng có lẽ nó nên giữ lại cái vẻ mặt đó – nghĩa là cái kiểu bĩu môi đó – cho tới lúc nó bắt đầu sử dụng tước hiệu của nó thường xuyên. Nghĩa là nếu cả nó cũng có một tước hiệu.
Esmé nhìn tôi với một cái nhìn kéo dài, lãnh đạm. “Chú có một đầu óc khá hài hước đấy nhỉ?” Cô nói, có vẻ bâng khuâng. “Cha bảo cháu không có chút đầu óc hài hước nào hết. Cha bảo cháu chưa được trang bị để tiếp cận với cuộc đời vì cháu không có đầu óc hài hước.”
Tôi vừa ngắm Esmé vừa đốt một điếu thuốc rồi bảo rằng tôi không nghĩ là một đầu óc hài hước lại có công dụng gì trong một tình huống bức thiết thật sự.
“Cha cháu bảo là có.”
Đây là một phát ngôn của niềm tin, không phải là một sự phản đối, và tôi nhanh chóng chuyển đề tài. Tôi gật đầu và nói rằng có lẽ cha cô bé đã nhìn xa trông rộng, còn tôi thì chỉ có tầm nhìn thiển cận (bất kể điều đó có nghĩa gì).
"Charles nhớ cha chúng cháu ghê lắm," Esmé nói, sau một lúc, "Ông là một người đáng yêu lắm. Ông cũng cực kỳ đẹp trai nữa. Vẻ ngoài của một người không phải là chuyện lớn, nhưng ông đẹp trai. Ông có một đôi mắt sắc sảo kinh khủng"
Tôi gật đầu. Tôi bảo tôi có thể hình dung ra cha của cô bé là một người đặc biệt thế nào.
"Ồ, vâng, đúng là như vậy." Esmé nói.
Ngay lúc ấy, tôi cảm thấy một cú đấm nhẹ lên cánh tay tôi từ phía Charles. Tôi quay sang chú bé. Giờ đây, nó ngồi với một tư thế khá đàng hoàng trên ghế, ngoại trừ việc một bên đầu gối của nó co lại. "Bức tường này nói với bức tường kia cái gì?" Nó the thé hỏi. "Ðó là một câu đố."
Tôi xoay cặp mắt ra vẻ suy tư hướng lên trần nhà, lớn tiếng lặp lại câu đố. Rồi tôi nhìn Charles với vẻ ngạc nhiên bối rối và bảo rằng tôi chịu không đoán được.
"Gặp cậu ở góc nhà." Nó hét to.
Lời giải đáp có tác dụng lớn nhất với chính Charles. Nó khoái chí đến mức cười sặc sụa. Thật sự, Esmé phải đi vòng sang và vỗ vào lưng nó như để chữa một cơn ho. “Thôi đi nhé,” cô bé nói rồi trở lại chỗ ngồi. “Nó cứ đố câu đó với mọi người nó gặp và mỗi lần như thế lại bị sặc vì cười. Nó thường bị chảy nước mũi khi cười lớn. Bây giờ thì ngưng đi nhé.”
“Đây là một trong những câu đố hay nhất mà tôi từng nghe.” Tôi đáp, quan sát Charles. Nó đang dần bình thản lại. Để đáp lại lời khen này, nó cố tình chùi người thấp hơn trên chiếc ghế và lại lấy một góc khăn bàn che đi gương mặt chỉ để lộ ra đôi mắt. Rồi nó nhìn tôi với đôi mắt mở to, lóng lánh niềm vui và sự tự hào của một kẻ biết vài câu đố cực kỳ rắc rối.
"Cháu có thể hỏi chú từng làm việc gì trước khi vào quân đội không?" Esmé hỏi tôi.
Tôi đáp rằng tôi chưa từng làm việc cho ai bao giờ, rằng tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học được một năm nhưng tôi thích tự xem mình là một nhà văn viết truyện ngắn chuyên nghiệp.
Cô bé gật đầu một cách lịch thiệp rồi hỏi, "Ðã xuất bản chưa ạ?"
Ðó là một câu hỏi quen thuộc nhưng luôn luôn gây tự ái, và là một câu hỏi mà tôi không thể trả lời ngay tắp lự được bao giờ. Tôi giải thích cho cô bé nghe đa số những biên tập viên ở Mỹ đã kết bè kết phái ra sao.
"Cha cháu viết tuyệt lắm," Esmé cắt ngang lời tôi. "Cháu sẽ để dành những lá thư của cha cho các con cháu về sau."
Tôi bảo đó là một ý kiến hay. Tôi lại nhìn vào chiếc đồng hồ có mặt khổng lồ như một máy đo giờ quân sự. Tôi hỏi rằng có phải trước kia nó là của cha cô bé.
Cô bé nghiêm nghị nhìn xuống chiếc đồng hồ. "Vâng ạ." Cô nói. "Cha cho cháu ngay trước lúc cháu và Charles đi di tản." Cô rụt tay khỏi bàn, nói một cách ngượng ngùng, "Cháu sẽ cực kỳ hãnh diện nếu như một ngày nào đó chú viết một truyện ngắn tặng riêng cho cháu. Cháu là một độc giả mê đọc lắm."
Tôi bảo cô bé rằng tôi sẽ viết nếu như có thể. Rằng tôi viết cũng không nhiều nhỏi gì cho lắm.
"Không nhất thiết phải viết thật nhiều đâu chú ạ! Chỉ cần nó đừng quá trẻ con và ngốc nghếch." Cô bé đáp. "Cháu thích những truyện nói về nỗi khốn cùng."
"Về cái gì?" Tôi hỏi, nghiêng người về phía trước.
"Về sự khốn cùng, cháu cực kỳ quan tâm đến sự khốn cùng."
Tôi định đề nghị cô bé nói cặn kẽ chi tiết hơn, nhưng tôi cảm thấy Charles đang véo mạnh vào cánh tay tôi. Tôi quay sang chú bé. Nó đang đứng ngay bên cạnh tôi. "Bức tường này nói với bức tường kia cái gì?" Nó hỏi, một cách thân mật.
"Em đã hỏi câu này rồi," Esmé nói. "Giờ thì thôi đi."
Charles phớt lờ bà chị, dẫm một chân lên chân tôi, nó lặp lại câu đố. Tôi nhận thấy cà-vạt của nó nằm xiên xẹo nên đưa tay chỉnh lại cho ngay ngắn, rồi nhìn vào mắt nó, tôi nói, "Gặp tôi ở góc nhà."
Ngay khoảnh khắc ấy, tôi ước gì tôi đã không trả lời câu đố. Miệng của Charles há hốc ra. Tôi có cảm giác giống như tôi vừa đánh vào miệng nó. Nó bước ra khỏi chân tôi, và với niềm kiêu hãnh còn nóng bỏng, nó bỏ đi về bàn của nó, không thèm ngoái đầu nhìn lại.
"Nó nổi giận rồi," Esmé nói, "Tính cách nó rất hung hăng. Mẹ cháu có xu hướng làm hư nó. Cha cháu là người duy nhất không làm hư nó."
Tôi nhìn sang Charles lúc này đã ngồi xuống và bắt đầu uống trà, bưng cái tách với cả hai tay của nó. Tôi hy vọng là nó sẽ quay lại, nhưng nó không quay lại. Esmé đứng lên. "Il faut que je parle aussi," (Cháu phải chia tay với chú), cô bé nói, với một tiếng thở dài. "Chú có biết tiếng Pháp không?"
Tôi đứng lên khỏi ghế, với một cảm giác vừa tiếc nuối vừa bối rối. Esmé bắt tay tôi; bàn tay cô bé, như tôi đoán, là một bàn tay bồn chồn, ẩm ướt. Tôi bảo với cô bé, bằng tiếng Anh, rằng tôi rất sung sướng được quen biết với cô.
Cô bé gật đầu. "Cháu nghĩ là chú sẽ vui, cháu nói khá nhiều chuyện so với lứa tuổi của cháu. Cô bé lại đưa tay lên kiểm nghiệm mái tóc."Cháu rất tiếc về mái tóc của cháu,"cô bé nói. "Chắc trông cháu xấu xí kinh khủng."
"Không phải vậy đâu. Thật tình, tôi cho là đã có một số chùm tóc bắt đầu gợn sóng trở lại rồi."
Cô bé lại sờ nhanh lên mái tóc. "Chú có nghĩ là chú sẽ quay trở lại đây vào một ngày thật gần không?" Cô bé hỏi. "Chúng cháu tới đây vào mỗi thứ Bảy, sau giờ tập hát."
Tôi đáp rằng tôi không mong muốn gì hơn thế, nhưng không may là tôi chắc chắn sẽ không thể nào tới nữa.
"Nói cách khác là chú không thể bàn luận về những cuộc hành quân?" Esmé nói. Cô không hề rời khỏi bàn. Thật ra, cô đặt chéo một bàn chân lên chân kia, và nhìn xuống, chỉnh lại những ngón chân trong giày. Đó là một cử động nho nhỏ rất ưa nhìn, vì cô mang đôi tất trắng và bàn chân cùng mắt cá chân của cô thật xinh xắn. Rồi ngẩng lên nhìn tôi một cách đột ngột. "Chú có muốn cháu viết thư cho chú không?" Cô bé hỏi, với một chút ửng hồng trên đôi má. “Cháu viết những lá thư cực kỳ trôi chảy cho một người mà…”
"Tôi rất thích." Tôi rút cây bút chì và một mảnh giấy ra, viết tên, cấp bậc và hòm thư của tôi.
"Cháu sẽ viết cho chú trước, để chú không phải bận tâm. Chào chú." Cô nói, cất mảnh giấy vào túi áo rồi quay lại bàn của mình.
Tôi gọi thêm một ấm trà và ngồi ngắm hai đứa bé cho đến khi chúng và cô Migley đứng lên ra về. Charles đi đầu, khập khiễng lê đôi chân như một người chân thấp chân cao. Nó không thèm nhìn tôi. Cô Wigley đi kế tiếp, rồi tới Esmé, cô bé vẫy tay chào tôi. Tôi vẫy chào đáp lại, hơi nhổm người trên ghế. Ðó là một khoảnh khắc xúc động lạ lùng đối với tôi.
Không đầy một phút sau, Esmé quay lại quán, kéo theo Charles ở phía sau. “Charles muốn hôn tạm biệt chú,” cô nói.
Tôi đặt ngay ly xuống và bảo rằng điều đó rất tuyệt, nhưng cô bé có chắc không?
“Vâng,” cô đáp khá dứt khoát. Cô buông ống tay áo của Charles rồi đẩy mạnh nó về phía tôi. Nó bước tới, gương mặt tím bầm, và hôn tôi một cái thật kêu ngay phía sau tai phải. Sau thử thách này, nó đi thẳng tới cửa với vẻ phớt lờ, nhưng tôi nắm lấy tay áo nó giữ chặt và hỏi nó, “Bức tường này nói với bức tường kia cái gì?”
Mặt nó sáng lên. “Gặp cậu ở góc nhà!” Nó kêu lên và chạy ào ra khỏi phòng, có lẽ lại phát cuồng lên.
Esmé lại đứng tréo chân. “Chú có chắc là chú không quên viết câu chuyện đó cho cháu chứ?” Cô hỏi. “Không nhất thiết phải dành riêng nó cho cháu. Nó có thể…”
Tôi bảo rằng tuyệt đối không có chuyện tôi quên. Rằng tôi chưa bao giờ viết một truyện ngắn cho bất kỳ ai, nhưng dường như đã đến lúc phải làm điều đó rồi.
Cô bé gật đầu. “Hãy viết một câu chuyện cực kỳ khốn quẫn và cảm động nhé chú,” cô đề nghị. “Chú có quen thuộc với nỗi khốn quẫn không?”
Tôi bảo không hẳn thế nhưng tôi đang trở nên quen thuộc hơn với nó, dưới hình thức này hay hình thức khác, trong mọi lúc, rằng tôi sẽ làm hết hết sức để đáp ứng những mong muốn của cô. Chúng tôi bắt tay.
“Có đáng tiếc không nếu chúng ta đã không gặp nhau ở những hoàn cảnh tốt hơn?” Cô bé hỏi.
Tôi đáp rằng có, tôi bảo chắc chắn là thế.
“Chào chú,” Esmé nói. “Cháu mong chú quay về từ cuộc chiến với mọi tính năng còn nguyên vẹn.”
Tôi cám ơn, nói thêm vài lời với cô, rồi nhìn cô rời khỏi quán. Cô chậm chạp đi ra, trầm ngâm, tay sờ lên đuôi tóc.
° ° °
Ðây là phần khốn khổ, hoặc thương tâm, của câu chuyện, trong đó các bối cảnh đã đổi thay. Nhân vật cũng đổi thay. Tôi vẫn còn đâu đó, nhưng từ đoạn này trở đi, vì một số lý do, tôi sẽ tự ngụy trang một cách gian xảo đến nỗi ngay cả một độc giả thông minh nhất cũng sẽ không nhận ra tôi.
Ðó là vào khoảng mười giờ ba mươi phút đêm ở Gaufurt, Bavaria, nhiều tuần sau Ngày V-E . Viên trung sĩ tham mưu X đang ở trong phòng của anh trên tầng hai của một tòa nhà dân sự trong đó anh và chín người lính Mỹ khác trú đóng từ trước ngày đình chiến. Anh ngồi trên một chiếc ghế dạ trước một cái bàn viết nhỏ trông rất bừa bộn, với một quyển tiểu thuyết nước ngoài mở ra trước mặt mà anh đang đọc một cách rất khó khăn. Rắc rối là ở anh chứ không phải ở cuốn truyện. Dù những người ở tầng trệt thường vớ được trước tiên những cuốn sách mà ban Dịch vụ Đặc biệt gửi tới, dường như X  thường nhận được cuốn truyện mà có thể anh sẽ tự mình chọn lấy. Nhưng anh không phải là một chàng trai trải qua cuộc chiến với tất cả những tính năng còn nguyên vẹn, suốt hơn một giờ qua anh chỉ đọc được vài ba đoạn, và lúc này anh chỉ đọc được vài ba câu. Anh đột ngột gấp quyển sách lại, không buồn đánh dấu trang. Anh đưa tay lên che mắt khỏi ánh sáng nóng rực chói chang của cái bóng đèn để trần đặt trên bàn.
Anh rút một điếu thuốc từ gói thuốc đặt trên bàn và châm lửa với những ngón tay đang lẩy bẩy chạm vào nhau. Anh ngồi lại xuống ghế và hút mà không có cảm giác mùi vị gì. Anh đã hút hết điếu nọ sang điếu kia suốt nhiều tuần. Những nướu răng của anh rỉ máu với sức ép nhẹ nhất của đầu lưỡi, và anh ít khi ngưng cử động này lại; đó là một trò chơi nho nhỏ mà anh tiến hành, đôi khi suốt nhiều giờ. Anh ngồi hút thuốc và lấy đầu lưỡi ép lên nướu răng một lúc. Rồi đột nhiên, một cách quen thuộc và như thường lệ, không có một dấu hiệu gì báo trước, anh cảm thấy tâm trí của mình lạc đi đâu mất, chênh vênh không điểm tựa, như một gói hành lý không an toàn trên một đường tàu. Anh vội thực hiện một điều mà anh đã làm trong những tuần qua để lấy lại cân bằng; anh xát mạnh hai bàn tay lên thái dương mình. Anh giữ chặt tay ở đó một lúc. Tóc anh cần được cắt và quá bẩn. Anh có gội đầu ba hay bốn lần gì đó trong hai tuần sống trong bệnh viện ở Franfort, nhưng nó lại bị dơ trong chuyến trở lại Gaufurt trên chiếc xe jeep và con đường đầy bụi. Hạ sỹ Z, người đã đón anh ở bệnh viện, vẫn còn lái một chiếc xe jeep kiểu chiến đấu có cái kính chắn gió chạy xuống từ mui xe, dù có đình chiến hay không đình chiến. Có tới mấy ngàn tân binh ở Đức. Với việc lái chiến xe jeep kiểu chiến đấu này, hạ sỹ Z hy vọng chứng tỏ được anh ta không phải là một người trong số họ, rằng anh ta không khi nào là một gã tân binh chó chết nào đó trong đội quân E.T.O.   
Khi đầu óc bớt choáng váng, X bắt đầu nhìn chằm chặp lên mặt bàn. Ít nhất có hai tá thư và sáu gói hàng chưa mở, tất cả đều gửi tới cho anh. Anh với tay ra sau đống đó nhặt lên một cuốn sách dựa vào tường. Đó là một tác phẩm của Goebbels có tựa đề là “Die Zeit Ohne Beispiel.” Nó thuộc về cô con gái ba mươi tám tuổi chưa chồng của cái gia đình mà mấy tuần trước đã sống trong ngôi nhà này. Cô ta là một quan chức cấp thấp trong đảng Phát xít, nhưng cũng đủ cao, theo quy định quân đội, để lọt vào loại tự động bắt giữ. Chính X đã bắt giữ cô ta. Lúc này, lần thứ ba kể từ khi anh quay lại từ bệnh viện hôm đó, anh mở cuốn sách của người phụ nữ đó ra và đọc lời đề tặng ngắn ngủi trên trang để trắng đầu sách. Những từ Đức nhỏ, chân thành đến tuyệt vọng được viết tay bằng mực như sau: “Thượng đế thân yêu, cuộc sống là địa ngục”. Không có gì dẫn dắt hay thêm thắt cho nó hết. Lẻ loi trên trang giấy và trong sự tĩnh lặng muốn bệnh của căn phòng, những từ này có vẻ như mang tầm vóc của một bản cáo trạng không thể bàn cãi, thậm chí cổ điển. X nhìn chòng chọc vào trang giấy nhiều phút, cố gắng cưỡng lại nó. Rồi, với nhiệt tâm hơn hẳn bất kỳ điều gì anh đã làm trong mấy tuần qua, anh cầm lên một cây bút chì rồi viết bên dưới lời đề tặng, bằng tiếng Anh: “Hỡi những người cha và những người thầy, tôi tự hỏi ‘Địa ngục là gì?’ Tôi cho rằng nó chính là nỗi thống khổ của sự không có khả năng thương yêu.” Anh bắt đầu viết tên của Dostoievski bên dưới lời đề tặng, nhưng nhận thấy – với nỗi sợ hãi chạy dọc khắp thân người – rằng những gì anh đã viết hầu như hoàn toàn không thể đọc được. Anh khép quyển sách lại.
Anh nhanh chóng nhặt lấy một thứ khác trên bàn, một lá thư của anh trai anh ở Albany. Nó đã nằm trên bàn ngay từ trước lúc anh nhập viện. Anh mở phong bì ra, quyết định sẽ đọc hết lá thư, nhưng chỉ đọc nửa phần trên của trang thứ nhất. Anh dừng lại ở đoạn: “Bây giờ cuộc chiến tranh chết tiệt đã kết thúc và có lẽ em sẽ có khá nhiều thời gian ở đó, hãy nghĩ tới chuyện gửi cho bọn nhóc một cặp lưỡi lê hay những chữ thập ngoặc…” Sau khi xé lá thư, anh nhìn những mảnh vụn trong giỏ rác. Anh thấy rằng anh đã bỏ qua một tấm ảnh chụp nhanh gửi kèm theo. Anh có thể nhìn thấy bàn chân của một người nào đó đang đứng trên một bãi cỏ ở một nơi nào đó.
Anh đặt hai cánh tay lên bàn rồi tựa đầu lên trên để nghỉ. Anh đau từ đầu tới chân, mọi cõi miền của cơn đau dường như tương thuộc với nhau. Anh giống như một cây thông Giáng sinh mà tất cả những bóng đèn, những chùm dây điện của nó đều phải tắt ngóm ngay cả khi chỉ một bóng đèn có thiếu sót.
Cánh cửa phòng mở bung ra mà chẳng có một tiếng gõ nào. X ngẩng đầu, quay lại, và trông thấy hạ sỹ Z đang đứng ở cửa. hạ sỹ Z là người đi chung chiếc jeep và là đồng hành thường trực của X từ Ngày D, trải qua suốt năm chiến dịch của cuộc chiến. Anh ta sống ở tầng một và thường lên thăm X khi có một vài tin tức hay lời phàn nàn cần được xả ra nào đó. Anh ta là một thanh niên hai mươi bốn tuổi to con ăn ảnh. Trong chiến tranh, một tạp chí quốc gia đã chụp ảnh anh ta ở rừng Hurtgen; anh ta đứng, hai tay xách hai con gà tây cho lễ Tạ ơn. “Anh đang viết thư hả?” Anh ta hỏi X. “Lạy Chúa, ở đây ma quái quá.” Anh ta luôn thích bước vào một căn phòng có đèn sáng trên đầu.
X xoay người trên ghế, bảo anh ta bước vào trong, và hãy cẩn thận kẻo dẫm lên con chó.
“Cái gì?”
“Con Alvin. Nó nằm ngay dưới chân cậu đó, Clay. Mở cái bóng đèn chết tiệt trên trần nhà lên giùm nhé?”
Clay tìm ra công tắc ngọn đèn trên trần, bật lên, rồi băng qua căn phòng nhỏ hẹp, tới ngồi lên cạnh giường, đối diện với chủ phòng. Mái tóc đỏ gạch vừa mới chải của anh ta được dấp nước khá nhiều. Một cây lược và một cây bút bi ló ra, một cách quen thuộc, từ túi áo sơ mi màu ô-liu bên phải. Trên túi áo trái anh ta đeo phù hiệu Bộ binh chiến đấu (về mặt kỹ thuật, anh ta không được phép đeo), cuống huy hiệu Nhà hát châu Âu, trên có năm ngôi sao đồng (thay vì chỉ một ngôi sao bạc, tương được với năm ngôi sao đồng) và cuống huy hiệu phục vụ thời kỳ tiền Trân Châu Cảng. Anh ta thở dài và nói, “Đức Chúa toàn năng.” Câu đó chẳng có ý nghĩa gì cả; Đây là Quân đội. Anh ta móc gói thuốc từ túi áo ra, rút một điếu, nhét lại gói thuốc vào túi và cài nắp túi lại. Vừa rít thuốc, anh ta vừa lơ đãng nhìn quanh phòng. Cuối cùng tia mắt của anh ta dừng lại trên cái radio. “Nè,” anh ta nói, “vài phút nữa sẽ có chương trình radio hay kinh khủng. Bob Hope và mọi người.”   
X mở một gói thuốc, bảo rằng anh vừa mới tắt radio.
Clay quan sát X đang cố châm điếu thuốc. "Chúa ơi," anh ta nói, với sự nhiệt tình của một khán giả, "anh phải nhìn lại đôi bàn tay của anh kìa. Bạn ơi, tay anh run quá. Anh có biết không?"
X đã đốt cháy điếu thuốc, gật đầu, và bảo rằng Clay đúng là có một con mắt quan sát tinh tường.
“Nè, không đùa đâu. Tôi đã suýt ngất khi trông thấy anh ở bệnh viện. Trông anh cứ như một cái thây ma. Anh sụt bao nhiêu cân? Anh có biết không?’
“Tôi không biết. Khi tôi đi khỏi cậu có thư từ gì không? Có tin gì của Loretta không?”
Loretta là người yêu của Clay. Họ dự tính sẽ cưới nhau vào dịp thuận tiện sớm nhất. Cô viết thư cho anh ta khá thường xuyên. Trong suốt cuộc chiến, Clay đã đọc lớn những lá thư của Loretta cho X nghe, dù chúng có thân mật tới cỡ nào – trên thực tế, càng thân mật thì càng tốt. Anh ta có thói quen là sau mỗi lần đọc lại đề nghị X phác thảo hay góp ý cho lá thư hồi âm, hay đệm thêm vào đó một vài từ ấn tượng bằng tiếng Pháp hay tiếng Đức.
“Vâng, hôm qua tôi vừa nhận thư cô ấy. Ở dưới phòng tôi. Sẽ đưa cho anh đọc sau,” Clay nói. Anh ta ngồi thẳng trên cạnh giường, nén hơi thở lại, rồi phát ra một tiếng ợ dài vang dội. Có vẻ như chỉ hài lòng nửa phần với thành quả đó, anh ta cố thử thêm lần nữa. “Thằng anh chết tiệt của cô ấy sẽ rời khỏi hải quân vì cái hông,” anh ta nói. “Anh ta bị ở hông, gã khốn kiếp đó.” Anh ta vươn thẳng người lên và cố ợ thêm lần nữa, nhưng chỉ đạt kết quả dưới mức trung bình. Một nét cảnh giác xuất hiện trên mặt anh ta.”Nè, tôi phải nói ngay kẻo quên mất. Mai chúng ta phải dậy lúc năm giờ để tới Hamburg hay đâu đó. Để nhận những cái áo khoác Eisenhower cho toàn đội.”
X nhìn anh ta một cách oán ghét, bảo rằng anh không muốn có một cái áo khoác Eisenhower nào hết.
Clay có vẻ ngạc nhiên, gần như bị tổn thương chút ít. “Ồ, chúng tốt mà! Trông chúng rất khá. Vì sao thế?”
“Không vì sao hết. Tại sao chúng ta phải thức dậy lúc năm giờ?  Chiến tranh đã qua, vì Thượng đế.”
“Tôi không biết… chúng ta phải quay về trước bữa trưa. Họ có một vài mẫu đơn mới mà chúng ta phải điền vào trước giờ ăn trưa… Tôi đã hỏi Bulling vì sao chúng ta không thể điền vào chúng ngay đêm nay… hắn đặt mấy mẫu đơn mới ngay trên bàn hắn. Hắn chưa muốn mở những cái phong bì ra, tên chó đẻ đó.”
Cả hai ngồi im lặng trong giây lát, cùng căm ghét Bulling. Clay đột nhiên nhìn X với một cái nhìn mới mẻ, chăm chú hơn lúc nãy. "Nè," anh ta nói. "Anh có biết một bên mặt anh đang co giật lung tung không?"
X đáp rằng anh biết hết, rồi giơ bàn tay che chỗ co giật lại.
Clay nhìn anh đăm đăm một lúc rồi nói, khá mạnh mẽ, như thể anh ta là người mang tới những tin tức đặc biệt hay ho, “Tôi đã viết cho Loretta biết anh bị suy nhược thần kinh.”
“Vậy hả?”
“Phải. Cô ấy khoái cái thứ đó chết được. Cô ấy học khoa tâm lý mà.” Clay nằm duỗi dài ra trên giường, chân vẫn mang giày. “Anh biết cô ấy nói gì không? Cô ấy bảo không có ai bị suy nhược thần kinh chỉ vì chiến tranh các thứ. Cô ấy bảo có lẽ anh là dạng người không ổn định, toàn bộ cái cuộc đời chết tiệt của anh.”
X xòe tay che mắt – ánh sáng bên trên dường như làm mắt anh lòa đi – và nói rằng nhận thức của Lorrreta về các sự vật luôn luôn là một niềm vui thú.
Clay đưa mắt nhìn anh. “Nghe này, đồ khốn,” anh ta nói. “Cô ấy hiểu biết sâu sắc về tâm lý học hơn anh nhiều.”
“Cậu có thể nhấc đôi chân thúi của cậu ra khỏi giường tôi không?” X hỏi.
Clay vẫn để yên đôi chân ở chỗ cũ trong vài giây rồi buông chúng xuống sàn nhà và ngồi dậy. “Dù sao tôi cũng sẽ đi xuống dưới. Ở phòng Walker có radio.” Tuy nhiên, anh ta vẫn không rời khỏi giường. “Nè, tôi vừa kể cho thằng chó đẻ Bernstern mới tới ở dưới nghe. Có nhớ cái lần tôi và anh lái xe tới Valogne và chúng ta phải tìm chỗ nấp khoảng hai tiếng, và cái con mèo chết tiệt mà tôi đã bắn khi nó nhảy lên mui chiếc jeep trong lúc chúng ta đang nằm trong cái hố đó? Nhớ không?  
“Nhớ, đừng bắt đầu câu chuyện về con mèo đó thêm lần nữa, Clay. Mẹ kiếp. Tôi không muốn nghe chuyện đó.”
“Không đâu, ý tôi chỉ là tôi đã kể cho Lorreta về nó. Cô ấy và cả lớp tâm lý đã thảo luận về nó. Trong lớp học các thứ. Với ông giáo sư chết tiệt và mọi người.”
“Tốt. Tôi không muốn nghe chuyện đó, Clay.”
“Không, Loretta bảo anh có biết lý do tôi bắn con mèo đó không? Cô ấy nói tôi đã mất trí tạm thời. Không đùa đâu. Nằm nấp trong hố các thứ.”
X lại xòe mấy ngón tay cào lên mái tóc bẩn, rồi lại đưa tay che mắt khỏi ánh đèn. “Cậu không mất trí. Cậu chỉ làm nhiệm vụ của mình. Cậu giết con mèo nhép đó một cách đàn ông như bất kỳ người nào phải hành động trong những tình huống đó.”
Clay nhìn anh ngờ vực. “Anh đang nói cái quái quỷ gì thế?’
“Con mèo đó là một tên gián điệp. Cậu phải bắn nó. Nó là một tên Đức lùn rất thông minh mặc một chiếc áo choàng lông rẻ tiền. Vì thế tuyệt đối không có gì là tàn bạo, độc ác hay bẩn thỉu, hay thậm chí…”
“Mẹ kiếp!” Clay nói, đôi môi mím lại. “Anh không thể chân thành được hay sao?”
X chợt cảm thấy buồn nôn, anh lắc lư người trên chiếc ghế rồi chộp lấy chiếc giỏ đựng rác - vừa kịp lúc. Khi anh ngồi thẳng lên và quay sang người khách trở lại, anh bắt gặp anh ta đang đứng với vẻ lúng túng ở chỗ giữa chiếc giường và cửa ra vào. X tính xin lỗi, nhưng thay đổi ý định và cầm lấy điếu thuốc.
“Tôi xuống dưới nghe chương trình của Hope trên radio đây,” Clay nói, giữ khoảng cách nhưng cố tỏ ra thân thiện. “Như vậy tốt cho anh hơn. Ý tôi là vậy.”
“Cứ đi đi, Clay… Tôi sẽ xem bộ sưu tập tem của tôi.”
“Hả? Anh có một bộ sưu tập tem? Tôi không biết anh…”
“Chỉ nói đùa thôi.”
Clay chậm rãi bước thêm vài bước về phía cửa. “Có thể chút nữa tôi sẽ lái xe xuống Ehstadt," anh ta nói. "Họ tổ chức khiêu vũ. Có thể sẽ kéo dài đến hai giờ sáng. Anh đi không?"
"Không, cám ơn... Tôi có thể tập vài bước trong phòng."
"Thôi được, xin chào! Bây giờ thì, vì Chúa, hãy thoải mái đi." Cánh cửa đóng xập lại, rồi lại được mở ra ngay lập tức, và Clay nói: "Nè. Tôi đặt lá thư gửi cho Lorreta dưới chỗ cửa của anh được không? Tôi có viết mấy chữ Đức trong đó. Làm ơn sửa chúng giùm tôi nhé?”
“Ừ. Bây giờ hãy để cho tôi yên, mẹ kiếp.”
“Tất nhiên,” Clay nói. “Anh có biết mẹ tôi viết gì cho tôi không? Bà viết rằng bà rất vui mừng vì anh và tôi ở chung với nhau trong cuộc chiến. Chung một chiếc xe jeep các thứ. Bà bảo mấy lá thư của tôi có vẻ văn hoa hơn từ lúc chúng ta ở gần nhau."
X ngẩng lên nhìn anh ta, rồi nói, với một nỗ lực to lớn, "Cám ơn. Gửi lời cám ơn bác ấy giùm tôi."
"Tôi sẽ nói. Xin chào." Cánh cửa đóng lại, lần này thì đóng hẳn.
X ngồi nhìn vào cánh cửa ra vào một hồi lâu, rồi quay chiếc ghế sang phía bàn viết, nhấc chiếc máy đánh chữ xách tay nằm dưới sàn nhà lên. Anh dọn chỗ để đặt nó lên bàn, gạt sang bên đống thư từ chưa mở và những gói bưu kiện. Anh nghĩ nếu anh viết một lá thư cho một người bạn cũ ở New York, có lẽ anh sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng anh không thể đút tờ giấy vào cái trục cuốn của máy đánh chữ, những ngón tay của anh lúc này đang run rất mạnh. Anh đặt hai tay xuống hông một lúc, rồi thử lại, nhưng cuối cùng vò nát tờ giấy trong tay.
Anh nhận thức rằng anh phải mang chiếc giỏ đựng rác ra khỏi phòng, nhưng thay vì làm việc đó, anh đặt hai cánh tay lên chiếc máy đánh chữ và tựa đầu lên đó, nhắm đôi mắt lại.
Một vài phút sau, khi mở mắt ra, anh thấy mình đang nhìn vào một một gói bưu kiện nhỏ chưa mở, màu xanh. Có lẽ nó đã trượt khỏi đống thư từ khi anh dọn chỗ cho chiếc máy đánh chữ. Anh nhận thấy nó đã được gửi đi gửi lại nhiều lần. Anh có thể thấy, từ một phía của gói bưu phẩm, ít nhất có ba dòng ghi hòm thư cũ của anh.
Anh mở gói bưu phẩm ra một cách thờ ơ, thậm chí không nhìn vào địa chỉ của người gửi tới. Anh đốt một que diêm rồi đốt sợi dây ràng. Anh thích việc nhìn sợi dây bốc cháy hơn là việc mở cái gói đó, nhưng cuối cùng anh cũng mở nó ra.
Phía trong chiếc hộp, có một lá thư viết bằng mực, nằm bên trên một gói nhỏ được bao lại bằng giấy lụa. Anh cầm tờ ghi chú lên và đọc.
17 Ðường_______ , Devon, ngày 7/6/1944
Trung sỹ X thân mến,
Cháu hy vọng chú sẽ tha lỗi cho cháu vì đã để đến 38 ngày mới bắt đầu việc thư từ liên lạc với chú, nhưng cháu đã vô cùng bận rộn vì cô cháu bị viêm họng suýt chết và cháu phải gánh vác hết mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, cháu thường nghĩ đến chú và đến buổi chiều cực kỳ thú vị mà chúng ta đã trải qua cùng nhau, vào ngày 30/4/1944, khoảng giữa 3:45 và 4:15, trong trường hợp chú đã quên khuấy ngày giờ.
Tất cả mọi người chúng cháu rất xúc động và tôn trọng Ngày D và chỉ hy vọng rằng nó sẽ mang lại một kết thúc nhanh chóng cho cuộc chiến và một phương thức tồn tại phải nói là  thật lố lăng. Cả Charles lẫn cháu đều quan tâm tới chú; chúng cháu hy vọng chú không nằm trong số những người tấn công đầu tiên lên bán đảo Cotentin. Chú có nằm trong số đó không? Xin trả lời cho cháu càng nhanh càng tốt. Gửi lời thăm nồng ấm nhất đến vợ của chú.
Thân ái, Esmé
Tái bút:
Cháu muốn giành quyền tự do định đoạt và gửi kèm theo đây chiếc đồng hồ mà chú có thể giữ làm sở hữu trong thời gian chinh chiến. Cháu không để ý xem chú có đeo cái đồng hồ nào trong cuộc trò chuyện ngắn ngủi của chúng ta hay không, nhưng cái đồng hồ này chống thấm và chống va đập cực kỳ tốt, cũng như có nhiều phầm chất khác mà một trong số đó là người ta có thể biết tốc độ đi bộ của mình nếu muốn. Cháu chắc rằng chú sẽ cần dùng nó trong những ngày khó khăn này hơn là cháu, và chú sẽ nhận nó như là một món quà phù trợ nhiều may mắn.
Charles, người mà cháu đang dạy đọc, viết và người mà cháu nhận thấy là một chú bé cực kỳ thông minh muốn viết thêm vài chữ. Xin vui lòng viết ngay khi chú có thời gian và hứng thú.
XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO XIN CHÀO YÊU VÀ HÔN CHÚ
CHARLES
Một lúc thật lâu sau X mới có thể đặt lá thư sang bên, lấy chiếc đồng hồ của cha Esmé ra khỏi hộp. Khi nó đã hoàn toàn rời khỏi chiếc hộp, anh thấy rằng mặt kính của nó đã bị vỡ. Anh tự hỏi không biết nó còn bị hư hỏng gì khác nữa không, nhưng anh không có đủ can đảm để lên giây cót và tìm hiểu thêm. Anh chỉ ngồi đó, cầm nó trên tay trong một lúc lâu. Rồi đột nhiên anh cảm thấy buồn ngủ.
Cháu đã gặp một gã sầu héo, ngáy ngủ, Esmé, và hắn ta luôn luôn tìm một cơ may để lại có thể trở thành một con người với tất cả các t-í-n-h n-ă-n-g còn nguyên vẹn.
(Từ The New Yorker,  8/4/1950, trang 28-36)
Chú thích:
(*) Jerome David Salinger (sinh ngày 1-1-1919), nhà văn Mỹ, tác phẩm nổi tiếng nhất: Bắt trẻ đồng xanh (The Catcher in the Rye). Cho Esmé-với tình yêu và nỗi khốn cùng (For Esmé - with Love and Squalor) là một trong những truyện ngắn được yêu thích nhất của ông. 
7/7/2009
Jerome David Salinger
Nguyễn Thành Nhân dịch
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...