Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

Thấy và tinXXXXX

Thấy và tin

Nỗ lực không bao giờ chấm dứt nhằm hòa giải khoa học và tôn giáo và tại sao phải thất bại.
Tạp chí The New Republic A Journal of Politics and the Arts ,Số ra ngày Thứ Tư ngày 4 tháng Hai năm 2009 .Lê Quốc Tuấn chuyển dịch Việt Ngữ
I.
Charles Darwin sinh ngày 12 tháng Hai năm 1809 – cùng ngày với tổng thống Abraham Lincoln – năm mươi năm sau, đã xuất bản tác phẩm chính của ông , Về Nguồn gốc Các Loài. Kể từ đó, mỗi nửa thế kỷ, một đợt kỷ  niệm Darwin lại đến : một cơ hội để vinh danh học thuyết về tiến hóa bởi chọn lọc tự nhiên của ông, vốn chắc chắn là một khái niệm quan trọng nhất cho ngành sinh vật học, và có lẽ là tư tưởng khoa học quan trọng nhất trong lịch sử. Năm 2009 là một năm quan trọng, các nhà sinh vật học chúng tôi đang chuẩn bị trải rộng ra trên toàn lãnh thổ để tổ chức diễn thuyết và tham dự vô số các Lễ Hội Darwin. Ðiều đáng buồn là chúng tôi sẽ phải nói chuyện với các nhà khoa học khác hơn là  được nói thẳng với công chúng Hoa Kỳ. Bởi vì trong xứ sở này, Darwin là một người ít được hưởng các tiếng tốt. Những ý tưởng khiến học thuyết của Darwin quá cách mạng chính là những cái đã gây khó chịu phần lớn người Mỹ ngoan đạo, bởi vì các ý tưởng này ám chỉ rằng muôn loài chúng ta, không hề có vai trò thiêng liêng theo như mô tả từ kinh thánh trong tấn tuồng của cuộc đời mà là kết quả của sự tiếp diễn và tình cờ trong một tiến trình hoàn toàn tự nhiên.
 
Vì thế những cuộc chiến tranh về văn hóa vẫn tiếp tục xảy ra giữa khoa học và tôn giáo. Một mặt chúng ta có một nền khoa học và một hệ thống luật pháp quyết định cho trẻ em được học về thuyết tiến hóa hơn là thần thoại học về tôn giáo, một khác chúng ta vẫn có nhiều người Mỹ nhiệt thành chống lại các nỗ lực đó. Thật là một thực tại đáng buồn là trong khi 74 phần trăm người Mỹ tin vào sự hiện hữu của các loại thiên thần, chỉ có 25 phần trăm chấp nhận là chúng ta đã tiến hóa từ những tiền nhân tương tự như loài dã nhân. Chỉ có một phần tám trong số chúng ta nghĩ rằng thuyết tiến hóa nên được giảng dạy trong lớp học về sinh vật học mà không kèm theo một lựa chọn về thuyết sáng tạo luận. Khi khảo sát ba mươi bốn quốc gia Tây phương về sự chấp nhận thuyết tiến hóa, Hoa Kỳ đứng hàng ba mươi ba, chỉ vừa ở trên Thổ Nhĩ Kỳ. Trải khắp đất nước chúng ta, các hội đồng giáo dục đang tìm cách giảm bớt chương trình dạy thuyết tiến hóa hoặc lén đưa thuyết sáng tạo luận dạy kèm bên cạnh. Và các đối thủ của chủ thuyết Darwin không chỉ giới hạn trong những người theo đạo bắt rắn (snake-handler) hoặc từ vòng đai kinh thánh; họ có cả những người mình quen biết nữa. Như Karl Giberson đã ghi nhận  trong tác phẩm Saving Darwin, “Mỗi người Mỹ đều có một láng giềng tin rằng quả đất này mười ngàn năm tuổi”.
 
Sự phân cực văn hóa của Mỹ đã trở nên trầm trọng hơn bởi những cuộc tấn công vào tôn giáo từ những “người vô thần mới”. Các tác giả như Richard Dawkins và Daniel Dennett, là những người theo chủ thuyết Darwin triệt để. Các lãnh tụ tôn giáo bị lăng nhục đã liên kết sinh vật học tiến hóa với chủ nghĩa vô thần để phản công lại. Sự phân ly này làm đau lòng những nhà thần học tự do và những khoa học gia ngoan đạo, những người đã từng đổi mới các nỗ lực của mình nhằm hòa giải tôn giáo và khoa học. Cái “khoa học” gần như luôn luôn là sinh vật học tiến hóa, vốn nhiều bàn cãi hơn bất cứ lãnh vực nào về hóa học hay vật lý học. Francis Collins, Giám đốc Dự án Bộ Gen con người, đã viết Ngôn ngữ của Chúa: Một Khoa Học gia trình bày Bằng chứng cho Niềm tin, triết gia Michael Ruse viết Một người theo Darwin có thể là một tín đồ Kitô giáo được không ? (Câu trả lời của ông là: có thể; và có những tác phẩm uy tín của những nhà thần học như John Haught và John Polkinghome. Hiệp hội Templeton trao các giải thưởng lớn cho các dự án nhằm hòa giải khoa học và tôn giáo, tặng thưởng giải thường niên hai triệu mỹ kim cho một triết gia hoặc khoa học gia nào có công trình làm nổi bật “tầm quan trọng về tâm linh của quy trình khoa học”, Viện Hàn Lâm Khoa Học quốc gia bộ phận uy tín nhất của nền khoa học Mỹ, đã ấn hành một tập sách nhỏ nhằm cam đoan rằng chúng ta vừa có thể có Darwin vừa cũng có đức tin được :
Khoa học và tôn giáo nhắm đến các khía cạnh riêng rẽ của kinh nghiệm nhân loại. Nhiều nhà khoa học đã từng viết những bài nghiên cứu hùng hồn về việc làm thế nào mà thuyết tiến hóa sinh vật đã làm tăng thêm chứ không giảm đi đức tin tôn giáo của mình. Nhiều người ngoan đạo và các giáo phái đã thừa nhận những bằng chứng khoa học của thuyết tiến hóa.
 
Phải chi được dễ dàng như thế ! Đúng vậy, có các các nhà khoa học ngoan đạo và cũng có những người theo Darwin đi lễ nhà thờ. Nhưng điều này không có nghĩa là đức tin tôn giáo và khoa học có thể tương thích với nhau, trừ trong cái ý nghĩa vô giá trị là cả hai tính cách cùng ăn ở trong tâm thức của một con người đơn độc. (Cũng giống như bảo rằng hôn nhân và ngoại tình thích hợp với nhau bởi vì một số người có hôn nhân cũng có cả ngoại tình). Cũng đúng là một số các áp lực sẽ biến mất đi khi từ bỏ việc đọc hiểu thánh kinh theo nghĩa đen, nguyên thủy nhất của những nhạy cảm của Do Thái giáo Kitô giáo. Nhưng sức ép vẫn còn. Vấn đề có thực chính là phải chăng có một mối bất tương thích triết học giữa tôn giáo và khoa học. Phải chăng tính chất thuộc kinh nghiệm của khoa học mâu thuẫn với cái tính chất thuộc về tính được phát hiện của đức tin. Phải chăng các khoảng cách giữa hai lãnh vực này lớn đến nỗi cả hai nền tảng này phải được xem như một sự tương phản tự căn bản ? Những dòng ấn bản không ngừng tuôn chảy nhắm vào việc giải quyết chủ đề này đã cho thấy câu trả lời không phải là một sự dễ dàng.
 
Cách dễ dàng nhất để hòa hợp khoa học với tôn giáo là chỉ đơn giản tái-xác định một vế để bao hàm được vế còn lại. Chẳng hạn như, chúng ta có thể khẳng định “Thượng đế” đơn giản chỉ là là một danh xưng ta dùng cho sự trật tự và hòa điệu của vũ trụ, các định luật về vật lý và hóa học, vẻ đẹp của thiên nhiên và đại loại như thế. Ấy là chủ thuyết phiếm thần căn cứ vào thiên nhiên của Spinoza. Người tán thành nổi tiếng cho chủ thuyết này là Einstein, thường được mô tả (và bị mô tả sai) như người tin vào một Thiên chúa nhân tính (personal God):
 
Xúc cảm đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể chứng nghiệm chính là sự huyền bí. Đó là loại xúc cảm ở ngay tại cái nôi của tất cả mọi nghệ thuật chân chính và khoa học. Ngài là đấng xa lạ đối với kẻ mang xúc cảm này, là đấng hiển hiện trong mê mẩn, bàng hoàng, không còn có thể ngạc nhiên hơn nữa, đáng kính sợ như sự chết, như một ngọn đèn sáp đã tàn. Để có thể ý thức được là đàng sau bất cứ điều gì có thể chứng nghiệm được vốn hiện hữu một điều gì đó mà tâm thức chúng ta không thể hiểu được, những thứ mà vẻ đẹp và sự dâng hiến chỉ đến với chúng ta một cách gián tiếp: đó là tôn giáo. Tôi là một người có đạo chân thành, trong chính ý nghĩa này, và chỉ trong ý nghĩa này mà thôi .
 
Nhưng vấn nạn lớn lao của sự “hòa giải” này trong việc khoa học không cưới xin ăn ở với tôn giáo nhiều hơn là đã tiêu hóa nó, chính là việc khoa học đã hoàn toàn rời bỏ Thiên Chúa – hay tối thiểu là khoa học đã rời bỏ Thiên chúa của những đức tin độc thần, có một quyền lợi trong vũ trụ. Và điều này không thể chấp nhận được đối với hầu hết những người ngoan đạo. Hãy nhìn những con số này : 90 phần trăm người Mỹ tin có một Thiên chúa nhân tính đang giao tiếp với thế gian, 79 phần trăm tin vào các phép lạ,75 phần trăm tin vào cõi thiên đàng và 72 phần trăm tin vào tính cách thiêng liêng của Jesus. Kenneth Miller, trong tác phẩm đầu tiên rất được nhiều người đọc của ông, cuốn “Đi tìm Thượng đế của Darwin” (Finding Darwin’s God) đã công kích chủ nghĩa phiếm thần bởi vì nó đã “làm loãng nhạt tôn giáo đến mức vô nghĩa”. Ông đã nhận định đúng.
 
Một cố gắng có ý nghĩa nhằm hòa giải khoa học và đức tin phải bắt đầu bằng sự nhận thức được tôn giáo và khoa học đúng như chúng được con người hiểu biết. Ta không thể tái xác định lại khoa học để khoa học có thể bao gồm được tính siêu nhiên, như hôi đồng giáo dục Kansas đã thực hiện trong năm 2005. Ta cũng không thể để tôn giáo trở nên một môn triết học của các nhà thần học tự do được, một thứ triết học cau mày trừng mắt nhìn Thiên chúa nhân tính, thường chỉ cách chủ nghĩa phiếm thần một sợi tóc mỏng manh. Nói cho cùng, mục đích không phải là đem trả đức tin về các nhà thần học tự do, mà là chỉ cho họ một phương cách để điều chỉnh những niềm tin thực của họ với các chân lý khoa học. Các nhà thần học đôi khi đề nghị một loại hòa giải bằng các phương tiện của thần thánh tự nhiên, vốn là cái tư tưởng cho rằng sự sáng tạo nên vũ trụ - và có lẽ cả các định luật vật lý – là kết quả trực tiếp từ công trình của một đấng thần thánh, đấng sau đó đã bỏ mặc mọi vật đơn độc khi chúng tỏ lộ ra, và không bao giờ xen vào thiên nhiên hay lịch sử một lần nữa. Đối với những người mộ đạo, điều này đã là một vấn nạn thậm chí hơn cả từ chủ nghĩa phiếm thần : bởi vì điều này đã không chỉ chối bỏ các phép lạ, sự giáng lâm trinh nguyên, các đáp trả cho những lời cầu xin, và toàn bộ guồng máy vũ trụ của Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn độ giáo và đa phần của Phật giáo, đồng thời cũng khiến làm nảy sinh câu hỏi Thượng đế  ở đâu mà ra tự khởi đầu .
 
Không, một giải pháp đúng đắn phải hòa hợp được khoa học với thần thánh: với cái ý niệm về một thượng đế muôn đời và siêu việt, đấng dù sao đã dự phần trực tiếp vào thế giới và có lưu tâm đặc biệt đến Con người khôn ngoan (Homo sapiens), đối tượng thực của sự sáng tạo thiêng liêng. Và vì thế chúng ta có Karl Giberson và Kenneth Miller, những khoa học gia theo thuyết có thần thánh (theistic) đồng thời là những người trước tác tài hoa, cả hai đã cùng đập phá bỏ đi cái mà họ cho là sự hòa giải giả tạo – lý thuyết về thiết kế thông minh -để trình bày một giải pháp riêng của mình. Giberson là giáo sư vật lý học tại Trường Cao đẳng Eastern Nazarene, một trường Kitô giáo và đã viết ba cuốn sách về mối căng thẳng giữa khoa học và tôn giáo. Ông là cựu biên tập của báo Science and Spirit, một tạp chí xuất bản bởi Hội Templeton. (Tác phẩm Giải cứu Darwin [Saving Darwin] cũng được tài trợ bởi Hội Templeton). Kenneth Miller, nhà sinh học về tế bào tại Đại học Brown, là một trong những người bảo vệ sôi nổi cho thuyết tiến hóa chống lại chủ thuyết sáng thế. Ông cũng là một tín đồ công giáo thuần thành. Chỉ là một lý thuyết, (Only a Theory) tác phẩm mới của ông, là một cập nhật của cuốn Đi tìm Thượng đế (Finding Darwin’s God) của Darwin. Cả hai cuốn sách này không chỉ mang lại lời phê bình khiến hủy hoại thiết kế thông minh mà còn là sự tìm kiếm Thượng đế trong một quy trình có tính tiến hóa.
 
Cả hai tác phẩm Giải cứu Darwin và Chỉ là một Lý thuyết cùng cung cấp được một tóm tắt có tính khai trí về các tín lý và những sai sót của chủ nghĩa sáng thế hiện đại, cuốn đầu liền quan chính với lịch sử, cuốn thứ nhì với những khẳng định có tính mã ngoài của chủ nghĩa này. Nếu như các tác phẩm này dừng lại ở đó, chúng sẽ đánh lên được tiếng chuông cảnh báo về những mối nguy hiểm đang đối diện với nền văn hóa và khoa học của Hoa Kỳ. Nhưng cuối cùng, các nỗ lực chân thành nhưng quanh co của chúng nhằm tìm kiếm bàn tay Thượng đế trong sự tiến hóa cuối cùng dẫn chúng đến các giải pháp thực rõ ràng có thể khó phân biệt được với cái chủ nghĩa sáng thế mà họ nghiên cứu.
II.
Như nội dung thuật lại từ Giberson, lịch sử của chủ thuyết sáng tạo ở Mỹ tự bản thân đã là một tiến trình tiến hóa được dẫn đạo bởi một hình thái của sự chọn lọc tự nhiên. Sau khi mỗi hình thức kế thừa của chủ nghĩa sáng tạo đã bị đạp đổ bởi các pháp đình vì đã vi phạm Tu chính án thứ nhất, một hình thái cải biến của học thuyết đã xuât hiện, thiếu hụt mất một số nội dung tôn giáo và hóa trang sâu hơn trong trang phục khoa học. Trải qua thời gian, phong trào đã chuyển từ loại sáng tạo luận có tính thánh kinh rõ rệt thành ra “chủ nghĩa sáng thế khoa học”, ở đó, chính các thực tế khoa học đã được trình bày để hỗ trợ các giai thoại tôn giáo như các thoại về Con tàu Noah, chuyện sáng thế Genesis, và rồi chuyển hóa thành ra thiết kế thông minh, hoặc TKTM, là môt học thuyết hoàn toàn lột bỏ lớp vỏ thánh kinh của nó. Không một điều gì như thế này qua mặt được các tòa án. Năm 2005, quan tòa liên bang ở Harrisburg, bang Pennsylavania đã dứt khoát cự tuyệt việc mang học thuyết TKTM giảng dạy trong trường học, mô tả công trình này như một chủ thuyết sáng thế giả trang và đã ô danh những người bênh vực là những kẻ dối trá. (Miller là một nhân chứng quan trọng cho bên công tố, ủng hộ việc bài trừ thuyết TKTM). Nhưng dĩ nhiên là những sự viêc này không giải quyết được vấn đề. Những người theo thuyết sáng thế đã quay lại chống án, kêu gọi được cư xử công bằng và khẩn khoản yêu cầu cho các trường học được “giảng dạy những nội dung đang tranh cãi” – và không cần xét đến việc sự tranh cãi về thuyết tiến hóa không phải là vì khoa học mà chính là từ nguyên nhân chính trị và xã hội.
 
Điều ngạc nhiên trong tất cả việc này chính là nhiều người theo thuyết sáng thế đã trở nên gần với thuyết của Darwin đến thế nào. Những người ủng hộ thuyết TKTM quan trọng như Michael Behe, một giáo sư tại đại học Lehigh (cũng là một nhân chứng cho bên buộc trong vụ án Harrisburg), nhìn nhận là địa cầu có tuổi khoảng vài tỉ năm, và nhìn nhận rằng sự tiến hóa đã thực có xảy ra - một số quy trình là từ sự chọn lựa tự nhiên – và chấp nhận rằng một số sinh loài cùng có chung các tổ tiên. Trong quan điểm của Behe, vai trò của Thượng đế trong sự phát triển sự sống tựa như một Đấng đã thực hiện các Biến đổi, vặn vẹo các DNA khi cần thiết để nhằm cung cấp chất liệu cho sự xuất hiện các biến đổi và các sinh loài mới. Từ trong những ý định ấy của mình, Behe đã chẳng đem lại được gì hơn là chính cái đuôi con trừu của Darwin.
 
Thế nhưng một hình thái khác của thuyết sáng thế vẫn còn lại. Nhiều người theo thuyết TKTM cũng là những “nhà sáng tạo luận trái đất- trẻ”, có quan điểm dựa vào kinh thánh cho rằng trái đất vào khoảng sáu ngàn năm tuổi. (Viện bảo tàng Sáng thế trị giá 27 triệu của nhà rao giảng phúc âm Ken Ham có trưng bày một con khủng long ba sừng mang yên ngựa !). Nhiều người khác tin sự phân phối muôn loài trên hành tinh chúng ta được mô tả từ chuyện Con thuyền Noah. Vẫn còn có những người khác khẳng định rằng dù một số sinh loài do tiến hóa mà thành, nhiều  loài khác vẫn là do Thượng đế tạo nên. Thật dễ hiểu, những người theo thuyết sáng thế thích dấu đi những sự khác biệt này, để ám chỉ một cách lừa dối là chúng liên hợp với nhau một cách triết học.
 
Nhưng bất chấp các quan điểm của họ như thế nào, tất cả những người theo thuyết sáng thế cùng chia xẻ với nhau bốn điểm. Điểm thứ nhất, họ tin tưởng một cách nhiệt thành vào Thượng đế. Không có gì đáng ngạc nhiên ở điều đó trừ những người tin rằng thuyết TKTM có một căn bản thế tục. Điểm thứ hai, họ khẳng định rằng Thượng đế đã can thiệp một cách phi thường vào sự phát triển sự sống, hoặc bằng cách tạo nên mọi sinh loài từ con số không, hoặc là xen vào từng thời kỳ trong một tiến trình khác hơn là kiểu tiến hóa Darwin. Điểm thứ ba, họ đồng ý rằng một trong những can thiệp này đã là sự sáng tạo ra chính con người, vốn không thể tiến hóa nên từ các tiền nhân giống như loài dã nhân. Điều này, dĩ nhiên, phản ánh quan điểm của Judeo-Kitô giáo rằng loài người đã được tạo nên từ hình dạng của Thiên chúa. Điểm thứ tư, họ cùng bám vào một lập luận đặc biệt gọi là “sự phức tạp không thể rút gọn được”. Đây là ý tưởng cho rằng môt số sinh loài, hay một số đặc điểm của một số sinh loài quá phức tạp để có thể tiến hóa được trong phương cách của Darwin, do đó phải là được thiết kế từ Thượng đế. Chẳng hạn như các dạng máu đóng cục trong xương sống, là một chuỗi phức  tạp của các phản ứng enzyme, liên hệ đến hai mươi protein giao tiếp qua lại để tạo nên hạt huyết cuối cùng. Nếu bất kỳ giai đoạn nào thiếu sót, máu huyết sẽ không tụ được. Làm sao mà một số điều tinh vi như thế có thể là do sự tiến hóa một cách mù lòa được ?
 
Dễ dàng, Miller nói thế. Trong một sự triệt phá đến toàn bộ chủ thuyết TKTM, ông dùng những khẳng định “khoa học” của TKTM một cách nghiêm chỉnh để theo chúng đến tận các kết luận phi lý của chúng. Bằng một chứng minh sống động và rõ ràng, Miller cho thấy rằng các con đường dẫn sinh hóa học phức tạp được lát với nhau từ một protein báo trước đã một lần có những chức năng khác nhưng được kết nạp vào cho sự xử dụng mới. Và thuyết TKTM trở thành đơn giản là một lập luận kiểu “thượng đế của các khoảng hở” – là quan điểm mà nếu chúng ta chưa thấu hiểu một hiện tượng thấu đáo, chúng ta nên dơ tay lên hàng, chấm dứt các khảo cứu và ca tụng Thiên Chúa. Đối với các nhà khoa học, đấy là toa thuốc cho chỗ tận cùng của khoa học, cho sự ngu dốt bất diệt.
 
Miller phô bày thuyết TKTM một cách rực rỡ đúng như nội dung của nó: một mớ hổ lốn các quyết đoán mang tính thần học và các khẳng định khoa học thiếu tin tưởng thiết kế để dụ dỗ đem quan điểm tôn giáo về sự sống vào trong các lớp học về sinh học. Dù đã chi ra một số tiền lớn cho các công cuộc giao tế nhân sự, họ vẫn không đưa ra được một chứng từ hòa giải có tính khoa học nào để bảo vệ các khẳng định có tính kinh ngiệm về “lý thuyết” của họ. Miller kết luận chính xác là “giả thiết về thiết kế không tương thích được với bất cứ dữ liệu có thể hiễu đuợc nào, không có được các dự báo có thể kiểm chứng, và không đưa ra được phương hướng mới nào cho việc khảo cứu”. Một trong những thấu hiểu sâu sắc nhất của Miller là thuyết TKTM không những quan hệ đến thiết kế mà còn dính líu đến sự sáng tạo có tinh siêu nhiên. Sau cùng, người thết kế phải làm việc nhều hơn là việc chỉ hình dung ra các sinh loài mới; ngài còn phải xếp đặt chúng vào trái đất nữa. Và nếu đấy không phải là chủ thuyết sáng thế (một nhãn hiệu mà những người theo TKTM lớn tiếng chối từ), tôi thật không biết đấy là cái gì.
 
Ðối với Giberson, thuyết TKTM không phải chỉ là một khoa học dở (hay nói cho cứng rắn hơn, một khoa học hoàn toàn không phải là khoa học), nó còn là một lý thuyết tồi :
 
Thế gian là một nơi chốn phức tạp và có nhiều điều về thế gian mà chúng ta vẫn chưa thể hiểu được. Chúng ta còn phải mất nhiều thế kỷ nữa để có thể lấp đi những khoảng trống trong các hiểu biết khoa học của chúng ta về thế gian…Nhưng đó là công việc của khoa học, và trung tâm trực giác của thần học từ lâu đã từng là nơi để truy tìm Thượng đế… Cổ võ thuyết “thiết kế” bằng sự cô lập khỏi những thuộc tính khác của Thượng đế là nguy hiểm và là một cách cuối cùng chỉ tự chuốc lấy thất bại để đem Thượng đế trở lại với khoa học.
 
Do vậy, thay vì hòa giải khoa học và tôn giáo, thuyết TKTM đã đặt tôn giáo và khoa học vào các mâu thuẫn trầm trọng hơn và làm tổn thương đến cả hai trong tiến trình ấy. Ðo là lý do vì sao nhiều nhà thần học cũng như nhà khoa học đã chống lại thuyết TKTM tại tòa án.
Nếu thuyết TKTM là một khoa học thất bại cùng cực, tại sao nhiều người vẫn tiếp tục gây áp lực để áp dụng vào trường học ? Câu trả lời rõ ràng là vì thuyết TKTM duy trì được trạng thái của chúng ta là một sinh loài được ưa thích của Thượng đế và có lẽ thấm đậm được vũ trụ với một mục đích và ý nghĩa trong khi sinh học tiến hóa không làm được cả hai điều ấy. Nói một cách khác, thuyết TKTM, cũng như các hình thái khác của chủ thuyết sáng thế là một sự nối dài của tôn giáo. Ðiều này được nhận biết bởi tất cả các quan tòa vốn đã phán quết về vấn đề này từ phiên tòa ở Scopes năm 1925. Dù thế, lạ lùng thay, Giberson và Miller đã tránh né vấn đề này khi truy cập về căn nguyên của thuyết sáng thế. Thay vì tách riêng tôn giáo ra, họ lại chê trách hai phong trào thế tục là chủ nghĩa vô thần và dân tuý.
 
Ðối với Miller, một vết nhơ quái dị của Mỹ về chủ nghĩa cá nhân thô lỗ và một căn cứ không đáng tin cậy đã có những ảnh hưởng mâu thuẫn. Lần đầu tiên nó sản xuất ra được tính ưu việt khoa học của Mỹ. Như Miller chú giải rằng trong ba thập niên vừa qua, người Mỹ đã dành được khoảng 60 phần trăm của tất cả các giải Nobel về khoa học.
 
Có một điều gì trong tính cách của người Mỹ khiến có thể sản sinh được những hạt giống của xung khắc này [tiến hóa chống lại với sáng thế luận) và mang lại mảnh đất màu mỡ cho các hạt giống ấy nẩy nở ? Tôi nghĩ rằng có, và tôi không hề xấu hổ vì điều ấy. Mà thực ra, tôi còn thẳng thắn hãnh diện về điều ấy… Vì Mỹ là một quốc gia khoa học vĩ đại nhất trên thế giới…Sự thiếu tôn trọng- chính lđó à cái chìa khóa. Là nguyên nhân vì sao đất nước chúng ta đã hết lòng đi theo khoa học, và tại sao nước Mỹ đã phục vụ như một ngọn hải đăng cho các nhà khoa học trên khắp thế giới. Một sự thiếu tôn trọng lành mạnh đối với quyền lực là một phần của tính cách Mỹ, nó sẽ thẩm thấu vào các tổ chức của chúng ta, kể cả những tổ chức khoa học. Các khoa học gia trên đất nước này, dù là người Mỹ sinh đẻ ra hay từ sự  lựa chọn xứ sở này, đã từng được mơ ước về những khám phá có tính cách mạng, và những giấc mơ đã thành hiện thực khá nhiều ở đất nước này hơn là những nơi chốn khác.
Nhưng đây là một con dao hai lưỡi.
 
Nếu sự nổi loạn và sự thiếu tôn trọng quả là một phần của tài năng Mỹ cho khoa học, thì các phong trào chống lại -sự tiến hóa của chúng ta làm nên từ điều gì ? Một phần của sự phân tích thì rõ ràng. Sự tự nguyện bác bỏ những người có thẩm quyền uy tín của người Mỹ đã đóng một vai trò chính yếu trong phương cách mà những nhà hoạt động xã hội địa phương từng xoay sở để đẩy những tư tưởng như chủ nghĩa sáng thế khoa học và thuyết thiết kế thông minh vào các trường học địa phương.
Giberson đồng ý :
Người Mỹ chưa bao giờ tha thiết hoặc sẵn lòng để được dẫn dắt bởi giới trí thức ưu tú. Một lập luận đơn giản có tính kiến thức phổ thông từ một kẻ nào mình tin sẽ có giá trị hơn các công bố long trọng của cả một trường đại học của các trí thức không thực tế. Mỹ là một đất nước thích cao bồi, và các chàng cao bồi không cần đến những nhà chuyên môn bảo mình phải suy nghĩ cái gì.
Phải chăng chúng ta có được một tập thể lãnh đạo về khoa học của chúng ta nhờ vào vị tâm phúc John Waynes của chúng ta ? Chắc chắn là còn những thứ khác nữa – và đều có tính cách Mỹ như nhau – các nhân tố: Tiền bạc và sự tự do không bị bách hại tôn giáo. Cộng đồng khoa học của chúng ta đã được đông đảo lên rất nhiều nhờ những nguời di dân gần đây đặc biệt là những người Do Thái trốn khỏi Ðức quốc Xã. Quan trọng hơn nữa là sau đệ nhị thế chiến chính phủ chúng ta bắt đầu tài trợ các khảo cứu khoa học ở mức độ mãnh liệt, phần lớn ngân khoản tài trợ ấy thu hút đông đảo những học giả ngoại quốc. Và ngay cả dù trước đây chúng ta đã tạo ảnh huởng lớn lên các giải Nobel, những năm mới đây chúng ta đã hoàn toàn bị lu mờ bởi các nước Âu châu. Thí dụ như mãi đến năm 1930, nước Mỹ chỉ dành được bốn giải Nobel cho tất cả các ngành khoa học, trong khi hai mươi chín giải về tay Ðức quốc và mười lăm giải về tay Anh quốc. Người Anh và người Ðức khó mà có thể bị quy kết về việc “thiếu tôn trọng chính quyền” !
Sự kháng cự lại thuyết tiến hóa ở Mỹ không có liên quan gì đến chủ nghĩa dân túy. Những người nhà quê xấu tính của chúng ta không hề nổi dậy chống lại cái ý tưởng về những lỗ đen hay về việc chứng minh định lý Ferma. Chỉ có thuyết tiến hóa là đối tượng độc đáo của cơn giận dữ, và điều này chỉ có một cách giải thích. Các yếu tố là như thế này : ta có thể tìm thấy tôn giáo không cần đến thuyết sáng thế, nhưng ta sẽ không bao giờ có thuyết sáng thế mà không có tôn giáo. Miller và Giberson đã xấu hổ với nhận xét đơn giản này. Sự giả ngơ của họ về nguồn thực của thuyết sáng thế không thể tha thứ nhưng có thể hiểu được: một cuốn sách nhắm đến hòa giải tôn giáo với thuyết tiến hóa thật khó mà không chê trách đến những kẻ ngoan đạo.
Nhưng dường như là chê trách người không có đạo thì lại chấp nhận được. Ðối với Giberson và Miller, những kẻ gây hấn trong cuộc “chiến tranh khoa học” là những kẻ vô thần.  Họ đoan chắc rằng các sách vở của “những người vô thần mới” đã châm lửa vào những người ôn hòa tôn giáo, đẩy họ vào vị trí của những người theo sáng thế luận, những người lẽ ra có cảm tinh với thuyết tiến hóa. Trong tác phẩm Ði tìm Thượng đế của Darwin, Miller giải thích rằng “Tôi tin là phần lớn khó khăn nằm về phía người vô thần trong cộng đồng khoa học, những người đã thường xuyên tranh thủ được các tài liệu sinh vật học chứng minh được sự tiến hóa để hỗ trợ [sic] cho các công bố triết học của mình.” Và Giberson đã tiếp lời :
 
Các chỉ trích về chủ nghĩa sáng thế thường thô lỗ, tùy tiện và có vẻ như có chương trình kế hoạch vốn vượt quá những sự thật của các khẳng định khác nhau về lịch sử tự nhiên của trái đất…Những chỉ trích nổi tiếng này đã thất bại không hiểu được rằng những người theo thuyết sáng thế cũng là những tín đồ Kitô giáo thuần thành, nhiều người trong họ rộng lượng, biết điều và có động cơ từ những mục tiêu chân thành nhất. Những người Kitô giáo có suy nghĩ cảm thấy một điều gì bất chính trong tinh thần đánh võ nhỏ nhen theo sau cái lẽ ra nên là một cuộc cãi nhau thông thường về khoa học.
 
Do đó, trở ngại của hiểu biết không phải là tôn giáo, mà là vì những người tiến-hóa-vô- thần không chịu im mồm. Nhưng hãy nghĩ đến điều này: đó là Richard Dawkins người mà hơn tất cả những kẻ khác, đã thuyết phục mọi người về thực tại và sức mạnh của tiến hóa. Ðó là đỉnh cao của suy tưởng khát vọng nhằm khẳng định rằng nếu ông ta và các bạn đồng nghiệp trí thức của ông chỉ cần đơn giản ngừng tấn công thì chủ nghia sáng thế sẽ biến mất.  
 
Giberson đánh đồng một chỉ trích chung khác vào các nhà sinh vật học tiến hóa. Nhiều người trong chúng ta, ông khẳng định, nhìn nền khoa học của chúng ta như một tôn giáo, môt lối sùng bái Darwin với mục đích muốn giải thích mọi thứ, kể cả ý nghĩa, mục tiêu, đạo lý và chính bản thân tôn giáo: “Ý tưởng cho rằng khoa học nên là một tôn giáo của chính minh tuôn chảy như một kho dự trữ ngầm dưới mặt đất xuyên qua các dòng trước tác của những phổ biến này, chảy róc rách dưới bề mặt của nó và sủi bọt ra những quan điểm mỗi khi cuộc thảo luận đi đến những câu bây giờ-ở đây-tất cả-cái gì-nghĩa là”. Vâng,một số nhà khoa học (và những người viết sách về khoa học) đã đi đến chỗ cực đoan với tâm lý học tiến hóa, cho rằng chủ thuyết Darwin có thể giải thích mọi khía cạnh của hành vi nhân loại. Nhưng không có nhà khoa học nghiêm chỉnh nào muốn tiến hóa trở thành một thứ như tôn giáo, hay thậm chí một nguồn giá trị hay đạo lý. Ðiều đó có nghĩa là chúng ta từ bỏ công cụ chính để hiểu biết được về thiên nhiên của mình: giải pháp của các khẳng định theo lối kinh nghiệm chủ nghĩa khẳng định các dữ liệu về kinh nghiệm chủ nghĩa. Chúng ta không hề có “đức tin” vào chủ thuyết Darwin trong cùng phương cách mà những kẻ khác có đức tin vào Thiên chúa, chúng ta cũng không nhìn Darwin như một thẩm quyền không thể bắt bẻ như Ðức giáo hoàng Benedict XVI hay ngài Ayatollah Khamenei. Thực thế, kể từ năm 1859 một số không ít các ý tưởng của tiến hóa đã bi bác bỏ. Giống như tất cả các ngành khoa học, thuyết tiến hóa khác với tôn giáo bởi vì nó không ngừng kiểm tra các giả thiết của mình, và loại bỏ đi những gì có thể chứng minh được là sai lầm.
 
III.
Trong tác phẩm Ði tìm Thượng đế của Darwin, Miller công bố một thần thuyết phổ quát “Hãy nhớ, thêm một lần nữa, rằng những người có đức tin tin rằng Thiên chúa của mình đang hoạt động trong thế giới hiện tại từ công trình hòa hợp giữa vật lý học, hóa học với chủ nghĩa thiên nhiên của ngài”  Giberson cũng đồng ý rõ ràng.  Vậy thì họ đã tìm thấy cánh tay của Thiên chúa ở đâu ? Thật không ngạc nhiên chút nào: họ đã tìm được từ diện mạo của nhân loại.
 
Giberson and Miller quả quyết các tiến hóa của nhân loại, hoặc những gì rất giống như thế  là không thể tránh khỏi, họ khẳng định, chắc cái vương quốc của muôn loài cuối cùng sẽ tiến hóa đến những loài có ý thức, rất thông minh, có năng lực am hiểu và thờ phượng đấng tạo ra mình. Những sinh loài này không cần thiết phải có hình dạng giống hệt như con người, nhưng chúng phải có cái trí lực tinh tế của chúng ta (gọi tên là “vượn nhân hình” [humanoid]). Một trong các chương sách của Miller thậm chi còn có tựa là “Thế gian Ðã biết rằng Chúng ta sẽ đến”. Giberson chú giải rằng “các năng lực như thị giác và trí thông minh có giá trị cho các sinh vật đến mức các nhà sinh vật học tin rằng có lẽ các năng lực ấy đã nảy sinh trong bất cứ tiến trinh tiến hóa bình thường nào …Vậy làm thế nào mà sự tiến hóa có thể hoàn toàn là sự bất kỳ, nếu như một số điểm phức tạp cuối có thể tiên đoán đuợc ?”
 
Khi đọc những luận điểm này, nhiều nhà sinh vật học phải băn khoăn làm sao mà ông ta có thể đoan chắc như thế. Xét cho cùng, tiến hóa là một quy trình liền lạc. Phương cách mà chọn lọc tự nhiên định dạng một sinh loài tùy thuộc vào các thay đổi không đoán trước được của khí hậu, các biến động vật lý bất kỳ như hiện tượng sao băng, núi lửa phun, sự nảy sinh của các biến đổi hiếm hoi và bất kỳ, và còn tuỳ thuộc vào việc sinh loài nào may mắn sống sót được qua những cơn hủy diệt lớn lao. Chẳng hạn, nếu sáu mươi lăm triệu năm trước, một thiên thể lớn không đụng vào quả địa cầu, khiến loài khủng long bị tuyệt chủng – cùng sự xuất hiện của các loài động vật có vú vốn chiếm ưu thế trước đó – thì tất cả các loài có vú chắc vẫn còn là những loài sâu bọ nhỏ bé, ăn giun dế vào khi chạng vạng tối.
 
Những người theo thuyết tiến hóa từ lâu đã từ bỏ loại nhận định là sẽ có một cuộc tiến hóa không tránh khỏi đến một kết quả phức tạp hơn. Một hành trình đi đến cao điểm ở con người. Đúng vậy, tính phức tạp trung bình của tất cả các sinh loài đã được tăng trưởng qua cuộc tiến hóa của ba tỉ rưỡi năm, nhưng đó là bởi vì sự sống đã khởi đi từ một phân tử tái tạo đơn giản, và chỉ có phương cách duy nhất để phát triển từ đấy là phải trở nên phức tạp hơn. Nhưng hiện nay, tính phức tạp không phải lúc nào cũng là một đặc ân của lựa chọn tự nhiên. Chẳng hạn như, nếu bạn là một loài ăn bám, chọn lọc tự nhiên có thể tạo ra bạn ít phức tạp, bởi vì bạn có thể sống dựa vào các nỗ lực của những sinh loài khác. Con sán sơ mít tiến hoá từ những con giun sống tự do và trong quy trình tiến hóa chúng đã bị mất đi hệ thống tiêu hóa, thần kinh và hầu hết các cơ phận tái sản xuất của chúng. Như tôi nói với các sinh viên của mình, chúng đã trở nên đúng là những cái túi hấp dẫn các tuyến sinh dục, như chính các sinh viên vậy. Thế nhưng loài sán sơ mít thích ứng một cách tuyệt vời với lối sống ký sinh ấy. Thậm chí chúng không cần phải trở nên khôn ngoan hơn nữa. Tôi có nuôi một con chồn hôi trong vài năm, một con vật đáng yêu nhưng ngu đần. Khi tôi nhận xét như thế với vị y sĩ thú y của tôi, ông ta đã đưa tôi về lại đúng vị trí của mình :” Ông bảo nó ngu à ? Không đâu, nó hoàn toàn thích nghi với cái kiếp làm chồn của nó”. Trí khôn phải trả cái giá của nó: phải sản xuất thêm và mang nặng thêm các công việc về não bộ, và phải tăng cường các chuyển hóa dinh dưỡng để hỗ trợ thêm. Rồi đôi khi những chi phí này vượt quá giới hạn của bô gien di truyền. Một con chồn thông minh hơn có thể không còn đúng là con chồn nữa.
 
Để hỗ trợ tính không tránh khỏi của con người, Giberson và Miller viện dẫn đến khái niệm hội tụ tiến hóa. Khái niệm này đơn giản : các sinh loài thường thích ứng với các môi trường quen thuộc từ những đặc tính tiến hóa tương tự một các độc lập. Con ngư long (một giống bò sát dưới nước thời cổ đại) cá heo, và loài cá tất cả đều tiến hóa độc lập dưới nước, và thông qua sự chọn lựa tự nhiên cả ba loài này đều cần đến các vảy và hình dạng thuôn dài. Những “đôi mắt tựa như cái máy quay phim” đã tiến hoá từ cả loài mực ống và các loài động vật có xương sống. Các động vật ở bắc cực như loài gấu bắc cực, thỏ bắc cực và loài cú tuyết hoặc màu trắng hoặc trở nên màu trắng trong mùa đông để tự dấu mình khỏi các loài thú ăn thịt sống rình mồi. Có lẽ thí dụ đáng ngạc nhiên nhất của tính hội tụ là sự tương đồng giữa một số sinh vật thuộc loại động vật có vú và mang túi ở Úc châu và những loài không liên hệ có vú và túi nhau nhau sống ở một nơi nào khác. Loài cáo bay có túi có cử chỉ và hình dạng giống như loài sóc bay ở Tân thế giới. Loài chuột chũi có túi, với cặp mắt biến đổi và móng vuốt lớn là những con vật hảo hạng cho các loài chuột chũi có túi thai của chúng ta. Trước khi bị tuyệt giống vào năm 1936, loài sói có túi đặc biệt, hoặc con chó sói Tasmanian, nhìn giống như loài sói mang túi nhau.
 
Tính hội tụ cho ta biết được những điều sâu sắc hơn về sự tiến hóa. Chắc phải có những “không gian thích hợp” có trước, hoặc những phương thức của sự sống, khiến đánh thức được những thay đồi tiến hóa tương tự trong những sinh loài không có liên quan để thích ứng với tình trạng như thế. Nghĩa là, khởi đi từ những thủy tổ khác nhau và được nuôi lớn bởi những đột biến khác nhau, dù sao, sự chọn lựa tự nhiên có thể định dạng cơ thể vào những hình dạng rất giống nhau – miễn là những thay đổi ấy cải thiện sự tồn tại và sự sinh sản. Có những khỏng thích hợp trong đại dương để cho loài cá ăn thịt những con vật có vú và bò sát, do đó loài cá heo và loài ngư long trở nên có mình thuôn dài. Các động vật trong vùng bắc cực cải thiện sự tồn tại của chúng bằng cách trở nên màu trắng vào mùa đông. Và chắc chắn có một không gian thích hợp cho những loài có vú ăn tạp nhỏ bé trườn mình từ cây này sang cây khác. Tính hội tụ là một trong những đặc tính rất đáng chú ý của sự tiến hóa, và nó cũng phổ biến: có hàng trăm trường hợp hội tụ như vậy.
 
Từ đấy, tất cả những điều cần đến để chứng minh cho tính không tránh khỏi của nhân dạng là khẳng định rằng có một loại “không gian cho nhân dạng” (humanoid niche) - một phương cách của sự sống vốn cần đến sự tự biết về bản ngã tinh tế và ở mức thông minh cao- và rằng cái không gian này đã tồn tại trong tình trạng trống không cho đến khi bị xâm chiếm không tránh khỏi bởi các thủy tổ của con người. Thế nhưng, sự xâm chiếm này có thể thực sự không tránh khỏi được không ? Miller tin tưởng rằng có thể không tránh khỏi được :
 
Nhưng khi sự sống tái khám phá ra không gian thích nghi, chúng ta đã có thể nào chắc chắn được là khoảng không gian của chúng ta không bị chiếm giữ mất ? Tôi sẽ lập luận rằng chúng ta hầu như chắc chắn rằng nó sẽ không bị mất - rằng sự tiến hoá cuối cùng sẽ sản sinh ra một sinh loài có suy nghĩ, tự ý thức và thông minh, được phú cho một hệ thống thần kinh đủ lớn để trả lời được chính những câu hỏi tương tự mà chúng ta có, và có năng lực khám phá chính cái quy trình đã sản suất ra mình, quy trình tiến hóa…Tất cả những gì chúng ta hiểu biết về tiến hóa cho thấy sớm muộn gì cũng sẽ đến với cái khoảng không gian ấy.
 
Miller và Giberson buộc phải quan niệm như thế vì một nguyên nhân đơn giản. Nếu ta không thể nào chứng minh được sự không thể tránh khỏi của tính nhân dạng ấy, thì công trình hòa giải giữa tiến hóa và Kitô giáo sẽ phải xụp đổ. Bởi vì nếu chúng ta chính là đối tượng đặc biệt của công trình sáng tạo ra Thiên chúa, chúng ta sẽ không có cơ hội tiến hóa nữa. (Dủ giáo hội Công giáo có chấp nhận hầu hết chủ thuyết Darwin, chắc cũng sẽ không thích hợp lắm để mà tạo ra một ngoại lệ cho sự tiến hóa của loài người thông minh (homo sapiens), loài có linh hồn được dạy rằng nình vốn là một sáng tạo của Thiên chúa được cài đặt vào dòng dõi con người ở một thời điểm nào đó).
 
Vấn đề ở chỗ là hầu hết các nhà khoa học đều không chấp nhận sự cả tin của Miller. Bởi vì tiến hóa không phải là một chứng nghiệm lập lại. Chúng ta không thể chạy đi chạy lại cuốn băng sự sống để xem có phải tình trạng ý thức cao cấp luôn luôn xuất hiện ra hay không. Thực ra, có những nguyên nhân hợp lý để nghĩ rằng sự tiến hóa của nhân dạng không chỉ không thể tránh khỏi, mà còn là một sự không chắc có tính tiên nghiệm. Mặc dù tính hội tụ là những đặc tính đáng chú ý của tiến hóa nhưng tối thiểu cũng có những sự hội tụ bị thất bại. Những thất bại này kém ấn tượng hơn, bởi vì nó liên quan đến những sinh loài đã bị tiêu diệt. Hãy thử suy nghĩ về châu Úc một lần nữa. Nhiều loại động vật có vú đã tiến hóa được ở đâu đó không hề giống với những loài động vật có túi. Không hề có con vật có vú nào tương ứng với con dơi (là một con vật thuộc loài có vú bay được), hay với những con hươu cao cổ và con voi (loại các động vật có vú lớn có cổ hoặc mũi dài để có thể lùng sục trên những cành cây). Điều gây ấn tượng nhất là, châu Úc tiến hóa không có đối tác với loài linh trưởng, hay đối với những loài có trí khôn gần với loài linh trưởng. Thực ra, châu Úc có nhiều khoảng không gian chưa bị lấp đầy do đó có nhiều hội tụ chưa hoàn thiện kể cá cái khoảnhg không “nhân dạng” đáng giá ấy. Nếu trí khôn cao cấp đúng là một kết quả tiên đoán được của sự tiến hóa, tại sao đã không tiến hóa như thế ở châu Úc ? tại sao chỉ tiến hóa đúng một lần ở châu Phi mà thôi ?
 
Những sự việc này dẫn đến một câu hỏi khác. Chúng ta nhận thức được tính hội tụ từ những sinh loài không có liên quan cùng tiến hóa những đặc điểm tương đồng. Nói môt cách khác, những đặc điểm đã xuất hiện trong hơn một sinh loài. Nhưng sự tinh tế, tính thông minh tự ý thức được bản ngã là một thể riêng biệt: nó chỉ tiến hóa một lần duy nhất từ thủy tổ của con người. (Loài bạch tuộc và cá heo cũng thông minh nhưng chúng không có những thứ suy nghĩ về cội nguồn của chúng). Ngược lại, những đôi mắt đã từng tiến hóa một cách độc lập đến bốn mươi lần, và các động vật màu trắng ở bắc cực xuất hiện đôi ba lần. Khó có thể mang lại một trường hợp thuyết phục về sự tiến hóa không thể tránh khỏi của các đặc điểm chỉ từng xuất hiện một lần duy nhất. Cái vòi của con voi, một sự thích nghi tinh tế và phức tạp (có hơn bốn mươi ngàn cơ bắp !) cũng là một tiến hoá độc nhất. Do đó chúng ta không hề nghe thấy các nhà khoa học tranh cãi rằng sự tiến hóa có thể lấp đầy một cách không tránh khỏi cái “không gian voi” (elephant niche). Giberson và Miller công bố sự không tránh khỏi của nhân dạng chỉ vì một nguyên nhân duy nhất : vì Kitô giáo cần như thế.
 
Cuối cùng, rõ ràng sự tiến hoá của trí thông minh con người là một sự kiện hội tụ : hội tụ về những khô héo của rừng rậm Phi châu và sự phát triển của những cánh đồng cỏ, khiến loài vượn rời bỏ rừng xanh để đi trên hai chân mình. Thực ra, để xác nhận rằng sự tiến hoá của con người là điều không tránh khỏi, và từ đó quay nhìn lại hàng tá những dạng tiền nhân, tất cả sự xuất hiện của những dạng tiền nhân đó phải được xem là không thể tránh khỏi. Điều này mang lại việc đi trở ngược về sự tăng cường khả năng không thể xảy ra. Cuối cùng, câu hỏi phải chăng các sinh vật tương tự như con người là không thế tránh khỏi có thể trả lời được bằng cách thú nhận là chúng ta không biết - rồi thêm vào sự kiện rằng hầu hết các minh chứng khoa học đã cho thấy là chúng không thể. Bất cứ trả lời nào khác sẽ chỉ liên quan đến loại suy nghĩ của ước ao hoặc của thần học.
 
Miller chọn thần học. Mặc dù tác phẩm mới của ông không hề nói về việc làm sao mà Thượng đế bảo đảm được sự xuất hiện của Loài người thông minh mà  Miller đã trình bày rõ ràng hơn trong Đi tìm Thượng đế của Drawin. Ở đó ông trình bày rằng chính cái bất định của cơ học quán tính cho phép Thượng đế can thiệp được vào các giai đoạn của nguyên tử, ảnh hưởng đến các hậu quả trong một giới hạn lớn hơn :
 
Bản chất bất biến của các hậu quả quán tính sẽ cho phép một Thượng đế phi thường và huyền ảo tạo nên các biến động ảnh hưởng trong một phương cách sâu sắc và không thể phát hiện được bằng khoa học đối với chúng ta. Những biến động đó có thể bao gồm sự xuất hiện của những đột biến, sự kích hoạt các dây thần kinh riêng rẽ trong não bộ thậm chí đến sự sống còn của những tế bào riêng biệt và các cơ phận bị ảnh hưởng từ cơ hội xử lý của phân hủy phóng xạ.
 
Nói một cách khác, Thượng đế là Đấng chuyển dịch các Nguyên tử, duy trì sự tấn công có chủ định của người vào tự nhiên quá tinh xảo đến mức vô hình. Đó cái thất bại mà Miller, người đã đạt tới được những lập luận sự tinh khôn khoa học nhất nhằm chống lại sự phức tạp không thể giảm nhẹ được, cuối cùng đạt đến trong sự rình rập công trình biên soạn DNA tinh tế của Thượng đế . Lập luận này thực ra tương tự như lập luận của Michaek Behe, người bênh vực cho thuyết TKTM chống lại những minh chứng của Miller trong phiên tòa ở Harrisburg. Đó là một loại lập luận khác của Thượng đế-của-các-khoảng-hở, chỉ khác một điều là các khoảng hở lần này nhỏ xíu.
 
Miller đưa ra một lập luận khác vốn cũng được xử dụng bởi những người theo thuyết sáng thế và thuyết hữu thần như một bằng chứng của thiết kế vũ trụ: cái gọi là “sự hòa hợp tinh vi của vũ trụ”. Kết quả là sự hiện hữu của vũ trụ khiến mang lại sự sống như chúng ta biết lệ thuộc nặng nề vào kích cở của một số bất biến trong các nguyên tắc vật lý. Thí dụ như, nếu tích điện của nguyên tử chỉ cần khác đi một chút, hay sự khác biệt khối lượng giữa một pronton và một neutron chỉ cần lớn hơn một chút, thì vũ trụ sẽ khác hẳn như thế này. Các tinh tú sẽ không tồn tại đủ để sự sống được hội tụ và tiến hóa, cũng sẽ không có thái dương hệ, vũ trụ sẽ khiếm khuyết những nguyên tố và và những tính chất hoá học cần đến để cấu thành các cơ phận sống. Nói mọi cách khác, chúng ta sống trong cái gọi là “Vũ trụ chìa khóa vàng” (Goldilocks universe) nơi mà các quy luật thiên nhiên vừa đúng để sự sống được tiến hoá và phát triển. Lối nhận xét được gọi là “nguyên tắc con người” (the anthropic principle)
 
Mới thoạt nhìn, lời giải thích của nó có vẻ không đáng kể. Như Miller trình bày, “Lấy sự  nhận biết rằng tôi và quý vị đang còn sống, tối thiểu là ngay tại thời khắc này  làm khởi điểm, hiển nhiên là chúng ta phải sống trong một vũ trụ khả thi cho sự sống. Nếu không như thế, hẳn chúng ta sẽ không có ở đây để mà bàn luận về vũ trụ. Do vậy, trong một ý nghĩa nào đấy, sự kiện mà chúng ta sống được trong những ưu điểm của một vũ trụ sống thân thiện chỉ giá trị như một sự “đần độn” lớn lao. Đúng. Nhưng điều này mang đến một vấn nạn sâu hơn: tại sao các bất biến của vũ trụ lại chỉ chỉ xảy đến với những giá trị thúc đẩy sự sống như thế ? Câu trả lời từ các nhà sáng tạo luận là sự ấy không phải là ngẫu nhiên : Một Thượng đế Nhân từ (hay một nhà thiết kế thông minh) nhào nặn ra các định luật vật lý ấy chính xác để một sự sống thông minh có thễ tiến hóa ra được trong vũ trụ - sự sống quá thông minh đến mức đã tìm ra các định luật vật lý và quan trọng hơn cả chính là hiểu được đấng sáng tạo ra mình. Câu trả lời này- được biết đến như một nguyên tắc con người vững chắc – là một sự thể không thể chứng nghiệm được bằng khoa học, nhưng nguyên tắc này có vẻ hợp lý đến mức đã trở thành một trong những khẩu súng to nhất trong kho vũ khí của những người theo thuyết tạo dựng. (Điều quan trọng là phải nắm lấy các nguyên tắc con người liên quan đến các điều kiện cần đến cho sự hiện hữu của bất cứ sự sống nào, đừng nói gì về sự không tránh khỏi của sự sống phức tạp và thông minh.)
 
Các nhà khoa học cũng có những câu trả lời khác, căn cứ vào lý lẽ hơn là đức tin. Có lẽ một ngày nào đó, khi chúng ta có một “lý thuyết cho mọi thứ” có thể liên kết được tất cả các lực vật lý, chúng ta sẽ thấy lý thuyết này sẽ cần vũ trụ của chúng ta phải có các bất biến vật lý mà chúng ta đã nhận ra. Như một lựa chọn, có những lý thuyết “đa tầng” (multiverse) hấp dẫn mang lại sự xuất hiện của nhiều vũ trụ, mỗi vụ trụ có các định luật vật lý khác nhau, và chúng ta chỉ có thể tiến hóa trong vũ trụ nào mà các định luật cho phép được sự sống. Nhà vật lý học Lee Smolin đã đề nghị ra một phiên bản quyến rũ về một lý thuyết đa tầng. Vẽ một đường song song với các lựa chọn tự nhiên giữa các cơ phận sống, Smolin đề nghị là các bất biến vật lý khác biệt với những bất biến của các tổ tiên chúng. (Điều này tương tự với sự biến đổi trong tiến hóa sinh vật học.) Và các vũ trụ với các bất biến vật lý gần với những vũ trụ chúng ta biết ngày nay vốn sản xuất ra nhiều lỗ đen hơn, lại trở nên sản sinh ra nhiều vũ trụ. (Điều này phản ánh sự lựa chọn tự nhiên). Quy trình này cuối cùng đem lại một quần thể các vũ trụ được phong phú lên trong những vũ trụ có được những đặc tính đúng để sản sinh ra các vì sao (nguồn của các lỗ đen), các hành tinh và sự sống. Lý thuyết của Smolin gợi lên rất nhiều tỷ lệ cho phép sự sống có thể xảy ra được.
 
Ý tưởng về một vũ trụ đa tầng (multiple universe) có lẽ giống như là một chuyển biến tuyệt vọng - một loại ca ngợi Mẹ Maria thải ra bởi những nhà vật lý từng bị cự tuyệt bởi các giải thích theo lối tôn giáo. Nhưng các ngành vật lý đầy những ý tưởng vốn đối nghịch với trực giác, và các lý thuyết về vũ trụ đa tầng tự nhiên thành ra các ý niệm vững chắc của vật lý. Chúng tiêu biểu cho các nỗ lực của vật lý để mang lại các giải thích căn cứ vào tự nhiên về những gì mà người khác nhận thấy như một chứng cứ của thiết kế. Đối với nhiều nhà khoa học, đa tầng có lẽ hợp lý hơn là cái giả định thuộc duy ngã luận rằng vũ trụ của chúng ta với 10.000.000.000.000.000 hành tinh đã được tạo dựng nên để một sinh loài đơn lẻ của loài động vật có vú có thể tiến hóa trên một trong những hành tinh ấy mười bốn triệu năm sau.
 
Và dù Miller có vẻ ưa chuộng lối giải thích kiểu thần học, hoặc tối thiểu đã cho cái nguyên lý con người một cú xoáy thần học :
 
Hiểu biết khoa học rằng chính sự hiện hữu của chúng ta, thông qua tiến hoá, cần đến một vũ trụ của đúng cái kích cỡ, tỉ lệ và độ tuổi mà chúng ta đang nhìn thấy chung quanh ám chỉ rằng, vũ trụ, trong một số ý nghĩa, đã có chính chúng ta ngay tự khởi điểm…Nếu như vũ trụ này thực là vũ trụ chính yếu của sự sống, thì thật công bằng để mà bảo rằng, từ quan điểm của một người hữu thần, mỗi chúng ta là một kết quả từ ý định của Thượng đế, bất chấp đến hiện hữu của quy trình tự nhiên nào đã đem chúng ta vào đời sống.
 
Miller cân bằng đức tin của những người tin đạo với “đức tin” vật lý trong một giải thích có tính tự nhiên cho các quy luật vật lý :
 
Những người tin đạo … là hợp đạo để nhắc nhưng kẻ đa nghi và những người theo thuyết bất khả tri rằng một trong những cách giải thích đưọc ưa chuộng của họ trạng thái hiện hữu của chúng ta liên quan đến một nguyên tố của trí tưởng tượng man dại như thể những truyện kể trong các kinh sách thiêng liêng: ấy là, sự hiện hữu của vô số không đếm được các vũ trụ cùng lúc song song với nhau với những vật thể chúng ta không bao giờ có thể liên lạc và không thể kiểm tra đến sự hiện hữu của chúng. Niềm tin như thế cũng đòi hỏi một mức độ “đức tin” rất khác thường và những người không có tôn giáo cũng khôn ngoan thú nhận như thế.
 
Vậy mà, các nhà vật lý vẫn chưa sẵn sàng để thú nhận như thế. Ngược với các khẳng định của Miller, sự hiện hữu của các vũ trụ không đòi hỏi đến một cú nhảy đức tin to rộng như sự hình dung ra Thượng đế. Và một số giải thích khoa học của yếu tố con người có thể thử nghiệm được. Thực thế, một số tiên đoán trong lý thuyết của Smolin đã được xác định, tăng thêm uy tín cho lý thuyết này. Có thể là sự sai lầm, nhưng hãy chờ một thập niên nữa chúng ta sẽ biết thêm rất nhiều về yếu tố con người. Trong lúc này, sẽ chỉ là sự sai lầm để khẳng định việc đề nghị một giả thuyết có tính khoa học, có thể thử nghiệm được – không phải “niềm tin” – là tương đương với đức tin tôn giáo.
 
IV.
Phương cách phổ biến nhất để hài hòa hợp giữa tôn giáo và khoa học là xác định rằng chúng khác nhau nhưng bổ sung lẫn nhau các phương cách để am hiểu thế giới. Nghĩa là, tôn giáo và khoa học mang lại những “chân lý” khác nhau mà, nếu xử dụng chung, sẽ trả lời được mọi câu hỏi về chính chúng ta và vũ trụ. Giberson giải thích :
 
Tôi lo ngại rằng tiến trình khoa học đã mê mẩn chúng ta vào lối suy nghĩ rằng không có gì khác hơn trên thế gian ngoài những điều chúng ta có thể hiểu được…Khoa học có lẽ đã đạt được hầu hết những gì từ khuôn mẫu vật chất. Sự chuyển động của vật chất vốn đã được mô tả vô cùng tao nhã bởi Newton và những đồ đệ của ông, có thể cũng không phải là phương cách hay nhất để hiểu được thế giới…Dù rằng, tôi nghĩ có những phương pháp mà chúng ta có thể bắt đầu nhìn vào sự sáng tạo và hiểu rằng quan điểm khoa học không phải là toàn thiện cả. Khoa học cung cấp một phần nhận thức dù rất mạnh mẽ nhưng không hề trả lời được tất cả mọi câu hỏi.
 
Thường thường những câu hỏi được xem như nằm ngoài khoa học bao gồm những điều về ý nghĩa, mục đích và đạo đức. Trong một trong những tác phẩm cuối cùng của mình, Rocks of Ages: Science and Religion in the Fullness of Life , Stephen Jay Gould gọi sự hòa giải này là NOMA, “thẩm quyền không chồng chéo” (non-overlapping magisteria): “Khoa học cố gắng để minh chứng bằng tư liệu cái đặc tính thực của thế giới tự nhiên và phát triển những lý thuyết nhằm phối hợp và giải thích những sự thực này. Ở mặt khác, tôn giáo có tác dụng trong một tầm quan trọng tương tự, nhưng khác biệt hoàn toàn, các lãnh vực của mục đích nhân loại, các giá trị và ý nghĩa - những chủ đề mà lãnh vực căn cứ vào sự thực của khoa học có thể tỏa sáng, nhưng không bao giờ có thể giải quyết được.” Gould trình bày điều này không phải như một quan điểm không tưởng, mà là một diển đạt thực về lý do tại sao các lãnh vực của khoa học và tôn giáo không thể chồng chéo lên nhau. Như một giải pháp cho sự phức tạp của chúng ta, điều này thực là không tốt. Trong tinh thần của chủ thuyết đa nguyên nó đã bỏ qua đi những xung khắc hiển nhiên giữa tôn giáo và khoa học. Gould đã giải cứu ý tưởng của ông bằng cách xác định lại các ý nghĩa của mình - lại các trò tiểu xảo cũ – vứt bỏ  chủ thuyết sáng thế như thể một “tôn giáo không chính đáng” và xác định các nguồn thế tục của đạo lý, ý nghĩa và các giá trị như một “tôn giáo chính thống”
 
Giải pháp NOMA (Thẩm quyền không chồng chéo) đổ vỡ vì những lý do khác. Mặc cho các khẳng định ngược lại của Gould, hiện tượng siêu nhiên không thể vượt hoàn toàn ra ngoài khoa học. Tất cả các nhà khoa học có thể nghĩ đến một số nhận xét có thể thuyết phục họ về sự hiện hữu của Thượng đế hay các lực của siêu nhiên. Trong lá thư gởi nhà sinh vật học Mỹ Asa Gray, Darwin ghi nhận :
 
Câu hỏi của ngài là cái gì có thể thuyết phục tôi về sự Thiết kế là một câu hóc búa. Nếu tôi nhìn thấy một thiên thần hiện xuống dạy chúng ta điều tốt, và tôi bị thuyết phục bởi những người khác nhìn thấy thiên thần ấy rằng tôi đã không mất trí, tôi nên tin vào sự thiết kế. Nếu tôi có thể bị thuyết phục hoàn toàn là đời sống và tâm hồn đã ở trong một phương cách không ai biết, một chức năng của một lực khác không có trọng lượng, tôi nên tin như thế. Nếu con người được tạo bởi đồng và sắt và không có cách nào liên hệ được với bất cứ sinh vật nào từng sống, có lẽ tôi nên tin. Nhưng đây là truyện trẻ con.
 
Tương tự, nếu có một Jesus chín trăm bộ cao xuất hiện trước cư dân thành phố Nữu Ước , như thể ông đã từng xuất hiện với nhà truyền giáo Oral Robert ở Oklahoma, và sự hiện hình này được ghi chép lại một cách thuyết phục, hầu hết các nhà khoa học tất sẽ quỳ sụp xuống mà đọc kinh tin kính Chúa.
 
Quả thực là các nhà khoa học có cần đến sự nương tựa vào các giải thích về thiên nhiên có tính thiên về vật chất, nhưng điều quan trọng cần phải hiểu là đây không phải là một thứ bổn phận khôn ngoan đặt định trước. Ðúng hơn đấy là chiến lược tốt nhất đã từng liên hệ từ những chứng nghiệm vững vàng lâu dài của chúng ta với thiên nhiên. Ðã có thời gian Thượng đế là một phần của khoa học. Newton đã từng tưởng rằng các khảo cứu của mình về vật lý sẽ giúp xác định được lối đi trên thiên đàng của Thượng đế. Linnaeus cũng thế, nhà thực vật học Thụy điển đã từng phát minh ra sơ đồ hiện tại của chúng ta để hệ thống hóa các sinh loài. Nhưng trải qua nhiều trăm năm khảo cứu chúng ta đã hiểu được rằng cái ý tưởng “Thượng đế đã thực hiện điều ấy” đã chưa từng thúc đẩy sự hiểu biết của chúng ta về thiên nhiên thêm được một mảy may nào, vì thế mà chúng ta đã từ bỏ ý tưởng đó. Ðầu những năm 1800, nhà toán học Pháp Laplace trình lên vua Napoleon một bản sao công trình đồ sộ gồm năm bộ về thái dương hệ, mang tên Mechanique Celeste. Biết được những nghiên cứu của ông không chứa đựng điều gì nhắc nhở về Thượng đế, vua Napoleon quở trách ông, “Ngài Laplace, họ cho tôi biết rằng ngài đã soạn bộ sách vĩ đại về hệ thống vũ trụ mà không hề nhắc gì đến đấng sáng tạo nên vũ trụ.” Laplace trả lời, thẳng thắn và nổi tiếng rằng "Je n'avais pas besoin de cette hypothese-la,"  “Tôi không hề cần đến thứ giả thuyết đó.” Và các nhà khoa học đã thực không cần đến từ dạo ấy.
 
Trong một lỗi thông thường, Giberson đã lẫn lộn giữa chủ tâm có tính duy thực nghiệm của khoa học với sự ủy thác tuyệt đối cho tư tưởng duy thực nghiệm. Ông cho rằng “nếu diện mạo của Jesus hiện ra trên núi Rushmore với chữ ký của Thượng đế bên dưới, các nhà địa chất vẫn còn phải giải thích hiện tượng đáng chú ý này như một phó phẩm không chắc có thực của những sự ăn mòn hoặc do kiến tạo nên mà có.” Vô nghĩa. Có quá nhiều hiện tượng khiến nảy sinh ra bóng ma của Thượng đế hoặc các lực siêu nhiên khác: đức tin có thể chữa khỏi bệnh mù, bệnh ung thư, khiến người chết có thể sống lại, chúng ta có thể tìm được những trình tự DNA đầy đủ ý nghĩa để có thể chỉ dùng một yếu tố thông minh mang cấy vào hệ thống gene của mình sẽ có nhiều thiên thần hiện ra trên bầu trời. Sự kiện về những việc như thế chưa bao giờ được ghi nhận một cách khoa học khiến chúng ta có thêm tin tưởng rằng mình hợp lý khi bám vào những giải thích tự nhiên về thiên nhiên. Và cũng giải thích tại sao rất nhiều khoa học gia, đã biết loại bỏ Thương đế như những lời giải thích cũng như một khả năng có thể giải thích được.
 
Điều này đem chúng ta đến nguyên nhân thứ hai tại sao giải thích của Gould không hợp lý. Thực ra cũng là điều tốt khi ông ta trình bày rằng tôn giáo không hề khẳng định gì về thiên nhiên nhưng căn cứ vào thực tế, điều này không đúng. Trong hàng ngàn giáo phái trên hành tinh này, chỉ có một số ít không bám vào hoặc không có những khẳng định có tính kinh nghiệm về thế giới chung quanh. Đây là một số những khẳng định ấy : Jesus hạ sinh ra từ sự đồng trinh, sau khi bị đóng đinh chết, người đã sống lại. Sau khi bà Mary chết đi, thân xác bà được chuyển đến thiên đàng. Đấng tiên tri Mohammed thăng thiên bằng một con ngựa trắng. Sau khi chết, mọi người sẽ được tái sinh dưới một hình dạng khác. Thượng đế Brahma hiện ra từ một bông sen mọc ra từ rốn của thần Vishnu, và đã sáng tạo ra vũ trụ theo lệnh của thần Vishnu. Thượng đế luôn lắng nghe và thoả mãn những lời cầu nguyện. Loài động vật có vú dưới biển sinh ra từ ngón tay bị đứt của Thượng đế Inuit Sedna. Mình sẽ được khỏe mạnh và hạnh phúc nếu chịu gởi tiền bạc cho bộ truyền giáo của giáo phái Creflo Dollar.
 
Đó là những phát biểu võ đoán. Để hiểu những gì người có đức tin thực sự tin, hãy nghĩ đến việc hơn 60 phần trăm người Mỹ tin vào các phép lạ, tin vào sự sản sinh trinh nguyên của Jesus, tính thiêng liêng và sự sống lại của người (Giberson và Miller ở trong số những người tin này), sự tồn tại của linh hồn sau khi thể xácchết đi và sự hiện hữu của quỷ Satan cùng địa ngục. Hãy bỏ đi những gì mà các nhà thần học tự do khẳng định, hầu hết chúng ta không phải là những người theo thần luận hay theo thuyết nhất thể. Và nếu bạn nghĩ rằng người Mỹ coi thánh kinh chỉ như là một  tập thơ ẩn dụ, tôi xin mời bạn đến viếng một nhà thờ ở Wasilla, Alaska hoặc ở phía nam Chicago.
 
Nhiều niềm tin tôn giáo có thể được thử nghiệm một cách khoa học, tối thiểu là trong nguyên tắc. Đặc biệt là việc chữa bệnh bằng đức tin thích hợp với những thử nghiệm khoa học này. Nhưng nhiều lần thử nghiệm đã thất bại. Sau khi nhìn thấy những thứ bị vứt bỏ lại bởi những du khách đến viếng Lourdes, Anatole France đã nói những câu rất đáng chú ý “ Tất cả là những gậy, nạng chống, không hề có mắt giả, chân gỗ hay tóc giả !” Nếu Thiên chúa có thể chữa được bệnh ung thư, tại sao ngài lại bất lực trước những kiếm khuyết về tứ chi và thị giác ? Những nghiên cứu khoa học gần đây về những người cầu nguyện giúp – khi người đau bệnh không hể biết là mình được ai cầu nguyện dùm – đã không cho thấy một bằng chứng nhỏ nào về sự hiệu quả của nó. Ngay cả khi chúng ta đã thực hiện vô số những chứng minh khoa học về các phép lạ, và mặc dù yêu cầu của Vatcian là phải có hai phép lạ được minh chứng mỗi khi phong thánh cho ai. Những thánh tích, như tấm vải liện Turin, thực ra chỉ là một thứ giả mạo khôn khéo. Không hề có những chứng cứ rõ ràng nào về sự việc có ai đó đã nói được điều gì ra từ bên trong mộ huyệt. Thế còn những phép lạ “căn bản” từ thời cổ đại, những phép nghe như đã được thực hiện bởi Chúa Jesus, Ðức Phật hay thánh Mohammed thì sao ? Chúng ta không hề hiện diện ở đó khi những điều ấy xảy ra, do đó không thể kiểm tra được. Nhưng tối thiểu chúng ta có thể áp dụng những tiêu chuẩn tương tự cho những điều này khi xét đến những khẳng định khác từ kinh thánh và kinh Koran.
 
Cũng như Giberson, Miller chối bỏ việc diễn giải kinh thánh theo nghĩa đen. Sau khi thảo luận những hồ sơ về sự hóa thạch, ông cho rằng “một nội dung theo nghĩa đen của Kinh sáng thế không hề có giá trị khoa học”, và kết luận rằng “thần học không hề và không thể giả vờ như có khoa học tính, nhưng thần học có thể tự yêu cầu mình phải phù hợp và thân thiết với khoa học.” Nhưng điều này dẫn đến một câu hỏi hắc búa. Tại sao lại chối bỏ chuyện sáng tạo và con thuyền Noah bởi vì ta đã có hiểu biết về những loài vật có liên quan, nhưng lại chấp nhận chuyện sản sinh trinh nguyên và sự sống lại của Chúa Jesus, vốn đối với khoa học đều là kỳ quặc như nhau ?. Sau cùng, khảo cứu về sinh vật học đề nghị thừa nhận sự bất khả của người nữ sinh sản vô tính, hoặc bất cứ ai có thể sống lại ba ngày sau khi chết đi. Rõ ràng là Miller và Giberson, cùng nhiều người Mỹ khác, có một số quan điểm thần học vốn không “thích hợp với khoa học”.
 
Vậy thì, bản chất của “chân lý tôn giáo” vốn phải bổ sung được cho “chân lý khoa học”  là gì ? Ðiều đầu tiên ta nên hỏi là phải chăng, và trong ý nghĩa nào, những quyết đoán của tôn giáo là “những chân lý”. Chân lý có thể kéo theo cái khả năng của gian dối, do đó chúng ta nên có một phương cách để biết nếu như các chân lý tôn giáo là sai. Nhưng, không như các chân lý khoa học, chân lý tôn giáo đem đến từng người, từng giáo phái đều khác biệt. Và chúng ta đều biết tất cả những mâu thuẫn rõ rệt giữa các “chân lý” của các đức tin khác nhau. Kitô giáo khẳng định không mập mờ tính thiêng liêng của Jesus, cùng nhiều quyết đoán rằng con đường cứu rỗi dứt khoát tùy thuộc vào sự chấp nhận chân lý này, trong khi đó kinh Koran công khai huỵch toẹt là bất cứ ai nhìn nhận tính thiêng liêng của Jesus sẽ sa xuống địa ngục tất. Những khẳng định này không thể cả hai cùng “đúng”, tối thiểu trong cách thức không yêu cầu đến những vặn vẹo của tri thức.
 
Các khẳng định về bản chất của Thượng đế cũng khác biệt tùy theo đức tin. Thí dụ như Giberson giải thích rằng “trong nhiều thế kỷ, phản ánh bản chất Thượng đế của Kitô giáo đã đề cao nhiều đức tính của Thượng đế : công lý, yêu thương, lòng thiện, tính thiêng liêng, ân sủng và nhiều nhiều nữa.” Nhưng đối với các đức tin khác, Thượng đế lại có tính trả thù, như Yahweh trong kinh Cựu Ước chẳng hạn. Người Do thái không thể nào tưởng tượng được một Thương đế bằng xương bằng thịt như thánh kinh tạo nên. Ấn độ giáo, giống như người Hy lạp cổ đại, chấp nhận nhiều thượng đế với nhiều đức tính khác nhau. Ðối với người theo thuyết hữu thần, thượng đế là không tình cảm, trong khi nhiều nhà thần học trong tất cả các đức tin độc thần lại khẳng định là chúng ta không thể biết gì về tính cách của Thượng đế. vậy thì cái nào trong những tính cách hóa này là đúng ? Bất cứ điều nào được mời chào là một “chân lý” phải có một phương pháp để bị chứng minh là sai - một phương pháp không hề lệ thuộc vào các phát giác có tính cá nhân. Sau cùng, hàng nghìn người đã có những phát giác đầy ảo tưởng về “chân lý” với những hậu quả kinh hoàng.
 
Có lẽ những gì ta muốn nói về “những chân lý tôn giáo” là “những chân lý đạo đức”, tựa như “Ngươi không được phạm tội ngoại tình.” Những lề luật này không phải là các đối tượng cho các kiểm tra có tính chứng nghiệm, nhưng chúng không hề xứng hợp với các cảm giác hợp lý của chúng ta về sự sai hoặc đúng. Nhưng hầu như đối với mỗi chân lý như thế này luôn có điều khác được tin tưởng với sự chân thành tương tự, như “Kẻ nào ngoại tình đáng bị ném đá đến chết.” Lời quả quyết này xuất hiện không phải chỉ trong luật đạo của Hồi giáo, nhưng cả trong Cựu Ước nữa. (Nhân tiện ở đây, xin nói rằng, có lẽ là sai lầm khi gọi những chân lý  này là  tôn giáo. Khởi đi từ Plato, các triết gia đã lập luận một cách thuyết phục là luân lý của chúng ta không đến từ tôn giáo, mà từ nền đạo đức thế tục vốn phát triển trong các sinh vật thông minh có năng lực giao tế xã hội được đưa vào tôn giáo để tiện trích dẫn).
 
Vậy thì, cuối cùng, có một khác biệt căn bản giữa các chân lý khoa học và các chân lý tôn giáo tuỳ cách hiểu của mình. Sự khác biệt nằm trong việc mình trả lời như thế nào cho một câu hỏi: làm thế nào mình có thể biết nếu như mình sai ? Ðồng nghiệp của Darwin, Thomas Huxley bình luận rằng “khoa học hệ thống hoá các hiểu biết thông thường trong khi nhiều lý thuyết đẹp đẽ bị giết chết đi chỉ từ một sự thực xấu xí.” Như đối với bất kỳ lý thuyết khoa học nào, có tiềm năng là nhiều sự thực xấu xí có thể giết chết chủ thuyết Darwin. Hai sự thực đó có thể là sự hình dạng kề bên của xương hóa thạch người và xương hóa thạnh khủng long, và sự hiện hữu của những mô phỏng trong một loài này chỉ giúp ích cho một loài khác hơn nữa. Vì chưa từng có những thực tế như thế xảy ra, chúng ta vẫn còn tiếp tục nhìn nhận thuyết tiến hóa là đúng. Ngược lại, các niềm tin tôn giáo thì miễn nhiễm với các thực tế xấu xí kiểu ấy. Thậm chí, chúng còn tiếp tục tồn tại trước những thực tại xấu xí, như sự bất lực của những lời cầu nguyện. Không có cách thức nào để phán xử những xung khắc giữa các chân lý tôn giáo như ta có thể làm được với các giải thích khoa học đối chọi nhau. Hầu hết các nhà khoa học có thể cho mình biết những nhận định nào đã có thể thuyết phục họ tin vào sự hiện hữu của thượng đế, nhưng tôi chưa từng gặp một người có đạo nào có thể bảo tôi về những gì có thể giúp bác bỏ niềm tin ấy. Và cái gì đã khiến thuyết phục được mọi người để từ bỏ đi niềm tin về thần thánh của mình, như Giberson từng khẳng định, điều tốt lành, sự yêu thương và công chính ? Nếu lò thiêu Holocaust không thể thuyết phục được, chắc là không ai có thể thuyết phục được cả.
 
V.
Giberson and Miller là những con người chín chắn có thiện chí. Ðọc tác phẩm của họ, ta thấy thiếu vắng sự thuyết phục và chân thành thường có từ các bài viết của những nhà sáng tạo luận khác, vốn thường bây bẩy chối bỏ hầu hết những thực tại hiển nhiên về thực chất cho những nguyên nhân đức tin của mình. Cả hai tác phẩm của các tác giả này đều đáng đọc : Giberson đáng đọc vì lịch sử cuộc tranh cãi giữa sáng tạo luận và thuyết tiến hóa, và Miller đáng đọc vì các lập luận minh bạch của ông chống lại thuyết thiết kế thông minh.Dù rằng cuối cùng cả hai đều thất bại không đạt được điều từng mong muốn đã lâu của họ về sự liên hiệp giữa đức tin và tiến hóa. Và họ đã thất bại vì những nguyên nhân tương tự như nhiều người đã từng thất bại :Một sự hòa hợp thực sự giữa tôn giáo và khoa học đòi hỏi hoặc không thể có gì liên quan đến hầu hết các tôn giáo của con người,  thay thế chúng với một loại thần thánh dịu nhẹ hơn, còn không chỉ là sự  ô nhiểm khoa học bởi những khẳng định tâm linh phi lý, không cần thiết và không thể kiểm chứng được.
 
Mặc dù Giberson và Miller tự xem mình như các đối thủ của chủ thuyết sáng tạo, nhưng trong việc nghĩ ra một sự tương thích giữa khoa học và tôn giáo mà cuối cùng họ lại đồng quy với những đối thủ của mình. Thực ra, họ đã trình bày được tối thiểu  ba trong bốn điểm khác biệt của chủ thuyết sáng tạo : tin vào thượng đế, tin vào sự can thiệp của thượng đế vào tự nhiên và vai trò đặc biệt của Thượng đế trong sự tiến hóa của loài người. Thậm chí họ còn phô trương cả điểm thứ tư là một niềm tin vào tính phức tạp không thể giảm nhẹ đi được, bằng cách đề nghị là linh hồn có thể không tiến hóa mà là được đặt để bởi Thượng đế.
 
Giberson, trong khi từ bỏ một Thượng đế thực tiễn nhưng lại nhìn nhận sự thiết kế rõ ràng của ngài trên địa cầu.
 
Vì sao loài chim hót quá hay để ta thưởng thức ? Chẳng hạn như, vì sao, hầu hết các khung cảnh thiên nhiên chưa khai phá, từ các biển hồ núi non đến đồng cỏ thoai thoải thường rất đẹp ? Nếu như sự tiến hóa của sinh loài chúng ta được triển khai hoàn toàn vì mục đích cho sự sống còn, thì chúng ta có được những cảm giác tràn đầy về vẻ đẹp thiên nhiên ở đâu ? … Có một tính cách nghệ thuật trong thiên nhiên luôn luôn tác động đến tôi tràn đầy như thể từ một quan điểm khoa học thuần chất… Tôi bị thu hút bởi ý tưởng rằng hiện hữu của Thượng đế không ở trong các kỳ diệu tinh xảo mà chính ở trong tính sáng tạo tuyệt vời và chiều sâu thẩm mỹ của thế giới tự nhiên. Lẽ ra các nhà khoa học không nên phát biểu về Thượng đế bằng cách này, bởi lẽ, sẽ đem lại những câu hỏi không thể nào trả lời được.
 
Đây là một thứ thiết kế thẩm mỹ hơn là thiết kế thông minh, nhưng vẫn là một sự thiết kế. Và sự thiết kế này đã bỏ qua những giải thích khoa học, như lý thuyết “ái lực cuộc sống” (biophilia theory) của E.O. Wilson, cho rằng chúng ta tiến hóa để tìm những nơi chốn như sông hồ đồng cỏ hấp dẫn bởi vì chúng mang lại thực phẩm và sự an toàn cho tổ tiên chúng ta .
 
Cả Giberson và Miller đều không cho ta biết trường hợp nào mà họ đã từ bỏ niềm tin vào Thượng đế nhân tính của mình. Thậm chí, Giberson còn khẳng định là mình không thể nào sai lầm:
 
Là người tin Thượng đế, tôi đã tin chắc từ trước rằng thế giới này không phải là một sự tình cờ, và rằng, trong một số phương cách bí hiểm, sự hiện hữu của chúng ta là một kết quả “có tính toán”. Không một dữ kiện nào có thể xóa tan được niềm tin ấy. Do đó, tôi không xem lịch sử tự nhiên như một nguồn dữ liệu để quyết đoán xem thế gian có một mục đích hay là không. Mà sự tiếp cận của tôi chính là thấy trước được các sự thực của lịch sử tự nhiên sẽ tương thích với mục đích và ý nghĩa mà tôi đã bắt gặp ở đâu đó. Và sự hiểu biết khoa học của tôi không hề cản ngăn gì tôi trong sự đoan chắc này.
 
Chính xác và đơn giản, đây chính là một phát biểu kiểu sáng tạo luận. Không một nhà khoa học thực sự nào có thể nói rằng các lý thuyết của mình miễn nhiễm với sự phản chứng. Và do đó sự hòa giải cá nhân của Giberson, dù soi rạng cho tâm linh của ông cũng không thể nào thuyết phục được một cách tri thức cho tất cả chúng ta.
 
Bên cạnh lập luận “thiết kế thẩm mỹ” của mình, Giberson cũng đưa ra một lý lẽ khác cho đức tin của mình – ta có thể gọi là một loại lập luận phát xuất từ sự tiện lợi:
 
Như một sự kiện thực sự có tính thực tiễn, tôi có những lý lẽ rất thuyết phục để tin vào Thượng đế. Bố mẹ tôi là những người vô cùng tin đạo do đó sẽ là một điều bi đát nếu như tôi từ bỏ đức tin. Vợ con tôi đều tin vào Thiên chúa và chúng tôi cùng thường xuyên đi lễ với nhau. Hầu hết các bạn hữu của tôi cũng là người có đạo. Tôi có công việc mà tôi yêu thích tại một trường cao đẳng Kitô giáo, nơi vốn chắc chắn sẽ sa thải tôi nếu như tôi chối bỏ cái đức tin vốn là trụ cột cho sứ mạng của ngôi trường. Từ bỏ niềm tin vào Thiênchúa sẽ là một sự hủy hoại, sẽ đưa cuộc đời tôi vào sự hoàn toàn hỗn loạn.
Lời thú nhận mủi lòng này hé lộ sự phi lý đáng buồn về toàn thể sự việc - mối xung khắc đồi bại giữa một nhu cầu cá nhân cần phải tin với sự tuyệt vọng muốn trình bày cái nhu cầu chính yếu này hoàn toàn tương thích với khoa học.
Từ đó, nó đã cho thấy là con người không thể hợp nhất giữa khoa học và tôn giáo cùng một lúc được. Sự tổng hợp ấy đòi hỏi một phần não trạng của mình chỉ chấp nhận những gì đã được thử nghiệm, được hỗ trợ bởi các chứng thực đã được đồng ý cùng các lý lẽ, nguyên nhân; trong khi phần kia lại phải chấp nhận được những điều không thể dẫn chứng, thậm chí giả dối. Nói một cách khác, cái giá của bản hòa âm trí thức ấy là các nghịch âm của nhận thức. Chấp nhận cả khoa học và đức tin quy ước đưa ta đến loại tiêu chuẩn hai mặt : hợp lý về nguồn gốc của các tụ huyết, phi lý về sự sống lại; hợp lý về loài khủng long, phi lý về sự sản sinh trinh nguyên của Chúa. Giberson và Miller lựa chọn thứ nào mà họ muốn tin, hoàn toàn không có nguyên do đúng đắn gì cả. Tối thiểu là các nhà sáng tạo luận thuộc về chủ trương trái-đất-trẻ còn nhất quán hơn, vì họ ôm lấy tất cả các hệ quả siêu nhiên bất kể chúng như thế nào. Bằng sự tinh tế thường thấy của mình, nhà vật lý học Richard Feynman mô tả đặc điểm khác biệt này như sau :” Khoa học là phương cách để mình cố gắng đừng tự dối gạt chính mình. Nguyên tắc đầu tiên là mình không được tự gạt mình vì chính mình là đối tượng dễ bị gạt nhất”. Với tôn giáo, không có cách nào để biết được nếu như mình đang tự dối gạt mình.
 
Do đó, mối xung khắc quan trọng nhất – cái bị Giberson và Miller bỏ qua – không phải là giữa tôn giáo và khoa học. Mà đó là giữa tôn giáo và các lý lẽ thế tục. Lý lẽ thế tục bao gồm khoa học nhưng cũng bao gồm hiểu biết chính trị, đạo đức, toán học, lý luận, lịch sử, nghiệp vụ báo chí và khoa học xã hội - tất cả các lãnh vực vốn đòi hỏi chúng ta phải có lý lẽ đúng cho những gì chúng ta tin tưởng. Hiên giờ tôi không hề khẳng định rằng tất cả các đức tin là không tương thích với khoa học và lý lẽ thế tục – không phải chỉ những đức tin từng khẳng định về bản chất của vũ trụ vốn mâu thuẫn rõ ràng với các hiểu biết khoa học. Thuyết phiếm thần và một số hình thái của Phật giáo có vẻ vượt qua được cuộc xét nghiệm. Nhưng một phần đa số rất rộng rãi những người tin đạo – những người trong 90 phần trăm dân số Mỹ tin vào một Thượng đế nhân tính, hầu hết các tín đồ Hồi giáo, Do Thái giáo và Ấn độ giáo, cũng như hàng trăm các loại đức tin khác - đều ở trong thứ loại “không tương thích” với khoa học cùng các lý lẽ thế tục.
Bất hạnh thay, một số nhà thần học với sự luồn cúi thần thánh có vẻ như nghĩ rằng mình đang nói thay cho những người sùng đạo. Đây là những người chỉ trích đã đả phá Dawkins và các đồng nghiệp của ông về việc không chịu vật lộn với từng luận điểm thần học tinh tế về hiện hữu của Thượng đế, không chịu đắm mình vào lịch sử phức tạp của thần học. Đặc biệt Dawkins bị công kích vì đã viết Ảo tưởng Thượng đế (The God Delusion )như một tác phẩm “xoàng, dễ đọc”. Nhưng công kích đó trật vấn đề. Quả là ông đã trước tác một cuốn sách dể đọc, nhưng chính xác bởi vì ông đã thảo luận về tôn giáo như chính đang được sống và hành đạo bởi những con người thực. Lý do mà nhiều nhà thần học tự do coi tôn giáo và tiến hóa là một sự hòa hợp là vì  họ hài hòa một học thuyết không chỉ như một đồng minh mà còn không thể nhận ra được như một tôn giáo đối với hầu hết người Mỹ.
 
Những dữ liệu thống kê đã ủng hộ cho sự bất tương thích này. Chẳng hạn như, trong ba mươi bốn quốc gia được khảo sát, ta thấy một con số thống kê mạnh mẽ cho thấy mối liên quan phủ định tiêu cực giữa sự chấp nhận thuyết tiến hóa với mức độ của đức tin. Các nước như Đan Mạch, Pháp, Nhật bản và Anh quốc có tỉ số cao về sự chấp nhận chủ thuyết của Darwin và có tỉ số thấp trong niềm tin vào Thượng đế, trong khi kết quả lại ngược lại ở những nước như Bulgary, Latvia, Turkey và Hoa kỳ. Trong nước Mỹ, tập thể các nhà khoa học ít có tính đạo giáo một cách đáng kể hơn những người không phải là khoa học gia. Điều này không phải để muốn nói rằng những con số thống kê ấy có thể quyết định đến kết quả của những tranh luận triết học. Cũng không là sự hệ trọng khi những số thống kê này có nghĩa là nhìn nhận khoa học sẽ han rỉ đến đức tin tôn giáo hoặc có đức tin tôn giáo sẽ khiến ăn mòn đến sự chấp nhận khoa học. (Cả hai tiến trình ấy chắc chắn sẽ có xảy ra). Tuy vậy, những con số ấy thực đã cho thấy rằng, con người sẽ có khó khăn khi đồng chấp nhận cả hai. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi nhìn vào thực chất của hai thế giới quan này.
 
Sự nghịch nhĩ này là một bí mật nhỏ bé và bẩn thĩu trong giới khoa học. Việc khẳng định rằng khoa học và tôn giáo là một sự hòa hợp tuyệt hảo chính là tùy vào ý muốn cá nhân và chuyên môn của mình . Cuối cùng là, chúng ta đều muốn hưởng được các tài trợ của chính phủ, và đều muốn các học trò của chúng ta phải được trình bày khoa học thực thay vì chủ nghĩa sáng tạo. Những người có đạo phóng khoáng đã từng là các đồng minh quan trọng của chúng ta trong cuộc tranh đấu chống lại chủ thuyết sáng thế, thành thử không được vui vẻ lắm để mất đi tình đồng minh với họ nếu chúng ta thẳng thắn trình bày những gì chúng ta cảm nhận. Đấy là lý do vì sao, các hội đoàn như Hội Hàn Lâm Khoa học quốc gia đã khẳng định là khoa học và tôn giáo không hề có xung khắc, như thể là một hành động có tính chiến thuật. Nhưng các bằng chứng chính của sự việc - hiện hữu của các nhà khoa học tôn giáo – đang mờ nhạt đi khi ngày càng nhiều các nhà khoa học trở nên ồn ào về sự mất niềm tin của họ vào đức tin. Hiện nay, một dịp kỷ niệm Darwin đến với chúng ta, và chúng ta có thể sẽ còn thấy xuất hiện nhiều tác phẩm nữa như của Kenneth Miller và Karl Giberson. Các nỗ lực hòa giải Thượng đế và thuyết tiến hóa tiếp tục rơi ra ngoài đường chuyền trí thức. Những hòa giải ấy không bao giờ ngừng lại, bởi vì sự hòa giải giữa Thượng đế và thuyết tiến hóa sẽ không bao giờ có thể thực hiện được.
Chú thích:
Jerry A. Coyne là giáo sư tại Phân khoa Ecology and Evolution tại đại học Chicago. Tác phẩm mới của ông, Why Evolution Is True, vừa được ấn hành bởi nhà xuất bản Viking.
23/2/2009
Jerry A. Coyne
Lê Quốc Tuấn dịch
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng hôn có nắng Nhà văn trẻ Hoàng Thị Trúc Ly vừa được bầu chọn làm hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh ngày 24.5.198...