Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Những bậc thang

Những bậc thang

CHƯƠNG 1: BÊN NGOÀI, TỪ Ô CỬA KÍNH
Đa số người ta thường vắt cạn niềm tin của mình vào những điều viễn vông, phi thực tế.
Sau một đêm, trên tán lá khô vẫn còn nặng trĩu từng giọt sương cô đọng như thể chẳng muốn tan đi theo mây trời. Con người cũng vậy, họ sẽ tự đánh mất một khoảng thời gian để cố níu lấy cái thứ từng thuộc về họ cho đến một lúc nào đó họ nhận ra mình phải bỏ lại chúng để đi tiếp hoặc mãi mãi dừng lại.
Nếu có một cái máy ảnh trong tay, nó sẽ ghi lại toàn bộ những âm thanh mang hình dáng quen thuộc dẫu hết mức giản dị, cũng như cái khung cảnh đẹp lạ lùng của sắc trời hôm nay vào trong đó. Dù nó chỉ nhìn và nghe thấy qua một miếng trong suốt vuông vắn.
Đó là tiếng của vài chiếc động cơ đang ồ ạt lão hóa trên mặt đường nhựa, là nét tranh được tô điểm bởi nhiều gam màu sặc sỡ mà bình dị, song cũng có phần nào luyến tiếc cho sự thay đổi đột ngột của cây lá những ngày cuối thu. Là cơn mưa rào mới ghé qua khuôn mặt nó thoáng cái đã dứt, còn phả vào trong gió lạnh chẳng thể ngào ngạt cái hương đất đậm màu tuổi thơ, đã tàn úa theo suốt những năm tháng mà nó đi qua.
Nó vừa xoay người cố dựng đứng nửa mình dậy, nghiêng mặt, đưa tay kéo miếng kính trong suốt qua một bên rồi nhìn ra ngoài dò xét. Song nó quay trở vô miệng lẩm bẩm gì đó, có lẽ chỉ là một câu nói không có chủ đích.

Nó tên Ân, Nguyễn thiện Ân. Tôi đoán nó là một thằng sinh viên lười nhác không hơn không kém, đang lấy lý do để tạm hoãn lại việc học của mình rồi nằm trơ lì ở đây quan sát cuộc sống chung quanh. Nói đúng hơn là đi tìm cho mình chút ánh sáng heo hắt của ngọn đèn dầu từng thắp nên cuộc đời nó, là sự thành thật, điều hay lẽ phải, là sự công bằng, tiền bạc, tình yêu, danh vọng, quyền lực, tiếng tăm, sự nghiệp, là niềm hạnh phúc của cả một tuổi đời.
Nếu cuộc sống này được ví như một con đường dài thẳng tắp thì nó chỉ mới đi được chưa đầy một phần ba chặng đường, vậy nên ít nhiều nó không có quyền phát xét về hầu hết những vấn đề mà nó thấy, mọi thứ vốn chỉ được xem như là thắc mắc và ý kiến riêng mà thôi. Xã hội trông chẳng khác một con quái vật khổng lồ đang nhai ngấu nghiến đặng nuốt chửng từng mảng tâm hồn lạc quan trong đôi mắt sâu hoắm của nó. Rồi chợt con quái vật đó nhả ra những mẩu giấy nhỏ vàng úa, rách rưới.
Mẩu lệch lạc thứ nhất: "Đừng để tuổi thanh xuân của bạn làm những điều mình không thích chỉ vì lo cho tương lai sau này, bởi bạn sẽ chính thức đánh mất thanh xuân của mình với những bộn bề lo âu vốn không dành cho con người hiện tại của bạn." Vậy nên tôi không có thiện cảm với tuổi trẻ, tương lai thì lại càng không. Thà rằng mình chưa từng có thứ tuổi trẻ đó còn hơn là phải bước qua nó để rồi lo lắng khi mặt đối mặt với tương lai.
Mẩu lệch lạc thứ hai: "đừng tin vào thứ tình yêu nhạt nhẽo đang mai một dần lý trí bạn." Hãy để cho xúc cảm trong lòng bạn được tự nhiên bộc phát, và hãy yêu thương theo cách mà bạn muốn, nhưng vẫn phải thực tế. Cố nán lại với một người không yêu bạn thì chỉ gây thêm rắc rối cho những mối quan hệ tiếp theo chứ đâu thể nào xoa dịu nỗi đau ngay tại thời điểm mà bạn đánh mất người ấy.
Mẩu lệch lạc thứ ba: "đừng chỉ nghĩ và nói những việc tích cực, hãy thực hiện chúng với tư tưởng rành mạch, rồi lúc nào đó may mắn sẽ mỉm cười với bạn." Những kẻ hay ba hoa rằng họ luôn tràn ngập mục tiêu phấn đấu, thực chất họ chỉ tự lừa dối bản thân cũng như phủ nhận mặt tối ở bên trong. Khi bọn họ đã thành công trong việc lợi dụng công sức của bạn để mang lại lợi nhuận cho mình, thì câu nói của họ lúc đó sẽ là "nếu bạn chịu suy nghĩ tích cực một chút thì ắt hẳn cuộc sống của bạn đã tích cực lên rồi".
Mẩu lệch lạc thứ tư: "đừng gắng sống ngay thẳng và thành thật. Dù điều mà bạn được học từ thuở mới lần đầu góp nhặt mảnh vụn tâm hồn thì ngược lại, bởi bạn sẽ chỉ ghép chúng thành một hình nộm mang cái vóc dáng của sự ngay thẳng và thành thật mà thôi." Chúng ta tạo cho nhau những mối quan hệ nhân tiện dùng nó như một liều thuốc để giải quyết mọi căn bệnh xã hội. Thế nên giữa chúng ta không hề có sự tin tưởng lẫn nhau, và dù lớn hay bé, con người luôn đánh đồng tất cả mô hình nghề kinh doanh là lừa đảo, môi giới là lừa đảo, hễ có một công việc nào kiếm ra tiền cũng đều bị xem như là lừa đảo.
Rốt lại tôi cũng cố chấp nặn ra kết luận từ vài mẩu vụn vặt ở trên, đó là đừng tin vào những thứ mà bạn cho là đáng tin nhưng không có cơ sở để chứng minh rằng chúng sẽ không làm hại bạn. Đừng tin vào bất kỳ một ai, kể cả bản thân mình.
Thoắt cái đã hơn nửa tiếng đồng hồ sau khi ngả nửa mình tựa gối trên chiếc giường trắng mà thẫn thờ mông lung, nó lại vô tình tạo ra những triết lí trái khoáy trong suy nghĩ của nó.
Trước kia nó đã từng một lần, và sở tại nó thực không bao giờ muốn đặt niềm tin của mình vào bất kì thứ gì trên đời này nữa. Với nó bây giờ, lòng tin chỉ là thanh minh cho việc hàn gắn lại một mối quan hệ vốn dĩ đã tan vỡ.
Ta sẽ đặt lên trên trang sách cỗ mùi tỏa ngát của một cánh hoa lan, ta sẽ thổi ngọn gió bình lặng vào chiếc chong chóng mang tên bộn bề, ta sẽ thu cả khoảng trời vào tầm mắt.
- Hôm nay có sốc điện gì không ạ? – nó hỏi, mặt rầu rầu mà như chả thấy hột máu.
- Hôm nay anh có cái này. – Người kia lấy ra mấy tờ giấy trắng. – Em hãy viết những điều em đang lo lắng qua một bên, và nguyên nhân mà chúng khiến em lo lắng qua một bên.
Thấy nó nhìn chăm chú không nói gì, anh lại tiếp:
- Em nghĩ được gì hay có tâm sự gì thì cứ thoải mái viết chúng ra. Lát nữa anh sẽ quay lại giúp em thực hiện thay đổi từng thứ một em nhé.
- Cố lên nào, anh phải đi có việc chút.
Nói rồi người kia lặng lẽ tiến bước ra cửa.
Tôi nhìn nó đang nằm thẳng cẳng trong một bệnh viện đa khoa lớn của tỉnh. Phải, nó là thằng nhà quê xuất thân từ tỉnh lẻ. Nó sinh ra và lớn lên tại thành phố Buôn Ma Thuột, thành phố có tỉ lệ người đọc sai tên nhiều nhất nhì đấy.
Người ta thường nói khách xa đến chơi mang về ánh nhìn mê đắm mùi vị rất riêng cũng như sâu sắc, đậm đà của café nơi đây, điều này nó không mấy lạ lẫm dù quả thực với nó thì café nơi nào cũng giống nhau cả.
Nó ở ngoài trung tâm thành phố, cái nơi thôn xã vẫn cứ đìu hiu chứ không mấy tòa nhà cao tầng hay xe hơi gì, như thể hãy còn mộc mạc chân chất.
Nhà nó khá xa mà lại nằm quay lưng về phía bệnh viện. Tuy có lối tắt chạy ra con đường Lê Hồng Phong nối dài cong queo, tạt ngang qua biệt điện Bảo Đại, tiếp nửa vòng của bùng binh khói xe thì rẽ phải mới tới nơi.
Tôi không rõ trình độ chuyên môn của bác sĩ tỉnh lẻ so với các thành phố lớn như thế nào, nhưng không thể phủ định rằng cơ sở vật chất cùng các trang thiết bị khám chữa bệnh ở đây thực nghèo nàn, lạc hậu. Vậy nên nếu gia đình nào khấm khá thường tất tả chạy đôn chạy đáo đi xa hơn để tìm ra bệnh của mình mà chữa cho dứt. Chứ hễ không có tiền thì ít nhiều họ tự ngẫm nơi đây như chốn dừng chân cuối cùng của mình vậy thôi.
Thành phố tuy nhỏ, song cũng không mang trong mình cái cảm giác xa hoa choáng ngợp và náo nhiệt như sài gòn. Mọi thứ tương đối yên bình, tệ nạn trộm cắp không mấy thường nhật. Nhịp sống nơi này được khối người cho là quá ư nhẹ nhàng so với bao nơi khác thuộc miền trung tôi, vậy nên đất đai cũng khá đắt đỏ.
Từ rìa thành phố trở ra dọc theo phía đường lớn, nhà cửa thoáng cách nhau cả trăm mét, nhưng mát mẻ và trong lành, thì họ đổ về đó cất lấy căn nhà mà hằng ngày nhâm nhi tách trà gừng, hay có thú xếp mấy con cờ cho trọn tuổi già.
Những đứa trẻ được sinh ra trong thời bình như tôi thật sung sướng. Hầu như chúng chả phải lo nghĩ gì khi nói đến việc ra mặt trận múa tay múa chân với mấy thằng tây, rồi thì một mất một còn vì sứ mệnh của đất nước. Chúng toàn lo học theo mấy câu nói gợi thành phong trào vui buồn tập thể, rồi những kiểu xưng hộ lạ tai của miệng đời ảo. Có tên lười học mấy hôm cúp tiết chạy ra cắm rễ ngoài tiệm net, có tên hễ cứ về tới nhà là chiếm trọn cái máy cả ngày cũng chẳng buồn tắt đi.
Những đứa như thế thì lo nghĩ gì mà đất nước xuống cấp, lo cho thân nó còn chẳng rồi nữa là. Nhưng ai mà trách tụi nó, ai mà trách tôi. Khi một người đặt mình vào vị trí của người khác mà nhìn nhận vấn đề một cách thật khách quan thì họ sẽ thấy rằng lỗi không phải chỉ từ phía bọn tôi.
"Cá nhân tôi nghĩ lỗi lầm mà tôi gây ra không phải là lỗi của tôi."
Miệng đời chỉ nhỏ bằng miệng giếng, nhưng độ sâu của nó còn hơn cái giếng đó gấp vạn lần. miệng đời nhả ra những lời vàng ngọc, và cũng từ ấy phun ra bao thứ cay độc mà tàn nhẫn. Số kiếp con người được định đoạt qua lời nói, người khéo ăn khéo nói sẽ không để ai nấy chung quanh phật lòng, ngoài ra còn mang về cho mình danh tiếng và cả tiền bạc nữa.
Kẻ biết cách lấy lòng người khác chính là kẻ thành công trên thất bại của người khác. Điều đó đòi hỏi kẻ kia phải thực tài giỏi, phải phớt lờ mọi định kiến nhắm vào họ. Và trên cả, họ phải đeo bên mình cái dục vọng mãnh liệt hơn bao người chứ không chỉ đơn thuần là thứ nhu cầu tầm thường vốn có.
Nó ngẩng đầu nhìn lên cánh quạt trần, trong lòng bồi hồi xao xuyến cũng bứt rứt khó tả. Những lý lẽ kia họa chăng là những thứ luôn ẩn dật trong tâm hồn mà bấy lâu nó ngẫm thấy, sao con người nó tệ hại quá. Chắc vì ảnh hưởng của suy nhược thần kinh nên mới nằm đây suy nghĩ miên man vô định đấy thôi.
À khoan, mà tại sao nó lại ở đây? Có phải là do lỗi của nó đã trì hoãn hàng tá các dự định quan trọng không đầu chẳng đuôi, chỉ để được nghỉ dưỡng sức chăng? Không, nó không rõ nhưng tự nhận thấy hôm qua mình đâu đã làm điều gì khiến cắn rứt lương tâm đâu. Phải rồi, nó làm gì có lỗi.
Lỗi không nhứt thiết phải liên quan đến nó.
Lỗi là của mấy cha lái xe ôm bên kia đường cả ngày chẳng kiếm được cuốc nào, cứ hết ngồi gục rồi lại nằm vặn vẹo gác chân lên xe phì phà vài điếu thuốc lá.
Lỗi là của lớp lớp thanh niên, trung niên cứ hết quán xá rồi lại café, mà sao café trong mọi tình cảnh từ vô nghĩa cho đến bất hợp lý, nào là công việc, thư giãn, có chuyện vui, buồn đời, hận tình, xem đá bóng với mấy ông bạn, rảnh rỗi chẳng có việc gì làm,...
Lỗi là của cô gái mặc váy ngắn, tay cầm chiếc ô đỏ rực trông muốn lóa mắt dưới trời nắng trong. Lỗi của chiếc xe Dream cà tàn phát ra tiếng kêu ì ạch đến khó chịu. Lỗi của mấy đứa nhỏ đương trơ mắt ra nhìn cụ già lững thững từng bước qua đường.
Lỗi của tấm kính đã được mở ra lâu hơn giới hạn cho phép, để nó tường rõ chuỗi hoạt động dài đằng đẳng trong một ngày đẹp trời như vậy.
Và cuối cùng, phải chăng là lỗi của em.
Đến giờ nó mới nhớ đến em, đứa con gái có đôi mắt hiền dịu, trong sáng, đẹp nhất trong tất cả những cặp mắt mà nó từng thấy. Nghe em nói lên sài gòn có việc độ hai ngày về mà đã thấy vắng bóng gần một tuần rồi. Giờ này chắc em đang trên chuyến xe đò về tới đây mà, nhân dịp nó sẽ cho em hay tình cảm của mình bấy lâu.
Đúng rồi, tình cảm, nó cũng chỉ là thằng con trai bình thường thôi, nó cũng có cho mình một chuyện tình tưởng chừng êm đềm mà chứa đựng đầy những xúc cảm đôi mươi đấy chứ.
CHƯƠNG 2: CỎ HOA TRÊN TAY
Đó là vào đầu thu năm 2008, năm nó tròn 11 tuổi, vừa lúc chuẩn bị xong tập vở để bước chân vào cấp hai. Hồi ấy muốn vào học ở các trường cấp hai có tiếng trong thành phố cũng phải qua một đợt thi tuyển.
Mới nhận được thông báo sáng ngày mai lên trường để nhận lớp, nó chẳng lấy làm bỡ ngỡ hay bận tâm chi mấy. Tuy thằng này khá trầm tính nhưng vốn phải tự bôn ba kiếm sống từ nhỏ nên đã gặp gỡ đủ loại người trên đời, tuyệt nhiên việc làm quen bạn mới với nó cũng là chuyện khá dễ dàng.
Nhà thằng Ân có bốn người, mẹ mất lúc nó vừa lên hai tuổi, nếu nó không nhìn thấy mẹ qua bức ảnh trắng đen đặt trên ban thờ thì nào nhớ nổi mặt mũi bà ra sao nữa. Nó còn có người chị lấy chồng đợt đầu năm ngoái, rồi dạo ấy đến nay chẳng về nhà hỏi han gia đình lần nào.
Cha nó là ông Nguyễn thiện Phước, ông mang vóc người mảnh khảnh, nước da ngăm đen, mái tóc gần như bạc xóa. Ông khá thích uống rượu. Lúc thằng Ân còn bé tí thì ông thương nó lắm, nhưng khổ nỗi khi nó lên lớp bốn thì số tiền ông làm ra không đủ lo cho nó ăn học nữa, vì ông hầu như đã cúng hết vào mấy chai rượu đế, miếng khô mỗi tối với lão Ba Tài nhà kế bên.
Trong khi nó còn đang loay hoay cột cái đống sách lớp năm cũ thì nghe có tiếng í ới ngoài cổng, nó thoáng ngó mắt trông ra. Có con bé trạc tuổi nó đang hí hửng chạy vào sân. Đó là nhỏ Uyên, Đỗ ngọc ánh Uyên. Nhỏ hàng xóm bên cạnh nhà nó chỉ cách có một miếng vườn khoảng độ trăm mét vuông.
Nhỏ Uyên có dáng người nhỏ nhắn, làn da trắng tinh khôi dù nhỏ vẫn thường hay dang nắng, mái tóc đen xõa dài ngang qua vai và đặc biệt cái ánh mắt sáng trong hồn nhiên của nhỏ là thứ khiến nó bị thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Gia đình nhỏ có năm người, khá giả hơn nhà nó song cũng có chút trục trặc. Sau năm 75 thì cha mẹ con bé rời miền nam mà lên trên này lập nghiệp, đã quen biết với cha nó từ đó đến nay.
Cha của nhỏ tên Đỗ Tài, có vẻ mặt khá bặm trợn, là một bợm nhậu cà trớn. Mấy thằng cu trong xóm hay gọi ổng là Ba Tài vì khi có hơi men trong người là ổng đều xưng hô ba con ngọt xớt với tụi nó. Mẹ nhỏ thì tính cách hoàn toàn ngược lại với chồng, bà hiền lành ít nói, lại lo toan sắp xếp mọi việc trong nhà. Nhỏ còn có một người chị và một người anh mà nó chưa từng nhìn thấy mặt, nghe nói ảnh bỏ đi biền biệt suốt ba bốn năm nay không thấy về. Gia đình tuy vậy nhưng nhỏ vẫn luôn mỉm cười, vẫn có nhiều bạn bè, vẫn chăm chỉ học hành và chưa hề than thở vì bất kì điều gì, thật trái ngược với nó.
- Nghe tin gì chưa? – Nhỏ nói giọng hớt hải.
Nó lớ ngớ chưa kịp phản ứng gì thì nhỏ lại bồi thêm:
- Tui với Ân học chung trường, chung lớp luôn nè.
- Uyên xin mẹ được rồi hả? - nó nhướn mày - ủa mà sao chung lớp được hay vậy?
- Tại mẹ tui xin cô sắp xếp cho á.
- Vậy tốt quá!!! - Nó cười mỉm.
Nhỏ ngồi phịch xuống:
-Thế sáng mai mình đi chung tới trường hay sao đây?
- Không! bà đi một mình đi bà nội!
- Ờ vậy mai đừng có mà qua rủ á. Nghe chưa?
Thằng Ân khá bất ngờ, trước đó mấy ngày hè nó có dặn nhỏ xin cha mẹ cho hai đứa được học chung, vì nhỏ học tốt hơn nó nên sẽ có cơ hội đỗ vào trường chuyên của tỉnh, còn nó chỉ nhắm đến mấy trường vừa với sức học của nó. Ấy thế nhưng chẳng biết do trùng hợp, do duyên phận hay con bé đã làm cách nào mà rồi cuối cùng lại học chung trường với nó, ngạc nhiên hơn là còn chung lớp nữa. Rồi đây mỗi ngày hai đứa sẽ đạp xe trên cùng một con đường đến trường.
Nó với con nhỏ chưa từng ngồi học với nhau bao giờ, nhưng vẫn rất thân thiết. Nhỏ thường qua nhà rủ rê hôm thì ra hồ bắt cá, hôm thì đi vặt cỏ chơi đá gà với lại tụi xóm bên, hôm thì hai đứa ngồi toòng teng trên cây xoài nhà cô Tư thủ thỉ tâm sự đủ thứ trên đời. Vậy mà cũng do ngại ngùng nên chưa một lần nó nhờ nhỏ qua chỉ nó mấy bài ngoại ngữ, cái môn nó giốt đặc. Nay học chung lớp nó sẽ thường xuyên sang nhà con bé hơn.
- Ây, ném tôi mượn cục gôm!
- Ân học hành kì quá ha.
- Tại tôi không có tiền mua gôm. – nó chép miệng.
- Xạo! Bữa tui qua nhà thấy có nguyên hộp thước viết trên gác luôn kìa. - Nhỏ quay xuống đặt tay qua bàn nó vẻ nghi hoặc.
- Ừm! mà đó đồ của thằng Tâm, mốt nó ghé lấy, thấy thiếu nó lại chửi tôi chết.
Ở trên lớp thằng Ân ngồi bàn cuối cùng trong góc, còn nhỏ thì ngồi bàn phía trên nó, hiển nhiên đây chỗ ngồi mà nó thích, là vị trí thuận lợi để trông ra ngoài cửa sổ. Cứ cần gì thì nó lại nhướn người lên bàn nhỏ Uyên để mượn, có khi thì hỏi trên bảng cô đang viết chữ gì, nhỏ hỏi sao nó không mua mắt kính đeo, nó trả lời câu quen thuộc: "tại tôi không có tiền mua kính".
Thanh Tâm là thằng bạn chí cốt của nó với nhỏ Uyên, ba đứa ngang tuổi chơi thân với nhau lắm. Nhà thằng Tâm thì ở xóm bên, cũng khá khó khăn. Hè lên lớp bốn bà chị thằng Ân có cãi nhau chuyện gì với cha nó rồi thoắt cái đi lấy chồng không thèm về nhà nữa, nó phải qua bên nhà thằng Tâm ở ké cho đỡ tiền ăn uống sinh hoạt. Cha mẹ thằng Tâm vốn bán bánh tiêu với bánh ít lá gai, nay có nó qua thì cho hai thằng vừa học vừa đi bán bánh kiếm thêm tiền lo học phí, tuy có mệt song cả hai đều vui vẻ. Học phí hồi ấy không có cao như bây giờ, và nguyên năm đó nó không tạt ngang nhà lần nào mà chỉ cắm đầu đi học và đi làm, đến đợt đóng học thì còn dư ra chút đỉnh.
Tới đầu lớp năm thì nhỏ Uyên đạp xe qua gọi nó về. Con bé tí tởn:
- Bộ tính ở đây làm đám cưới luôn à?
Thằng Tâm nhanh nhảu:
- Yên tâm, không có mời bà dự đâu!
- Tôi sắp đồ rồi, mai về. - Nó nghiêm túc - Để ông già ở nhà mình thấy không an tâm.
- Đùa chứ nó cũng nói tui hồi qua rồi, tại nó nhớ bà đó - Thằng Tâm cười khẩy - chắc bà cũng lo cho chồng quá chứ, cứ ghé hỏi han suốt mà.
- Ông lôi thôi là ăn đòn á! - nhỏ vênh mặt lên.
Không biết sao mà khi về thấy cha nó còn nhậu nhẹt tợn hơn trước, rồi cứ hết hôm này qua hôm nọ rủ cha nhỏ Uyên tới quán nước của bà Mận uống đến say khướt, còn chơi đùa với mấy đứa nhỏ trong xóm. Nó hỏi thì con bé cũng chỉ lắc đầu không biết cho qua.
Từ dạo đó nhỏ qua nhà nó chơi nhiều hơn, cứ khi nào thấy nó thiếu tiền là nhỏ lại rút ống heo của mình ra dúi tay nó. Mặc cho nó không nhận thì cũng có khi hộp xôi, khi thì bịch đậu hũ, chén chè, khiến thằng này áy náy hết sức, mà đôi lúc nó nghĩ lại vẫn thấy ray rứt trong lòng. Thế là thằng Ân đâm ra quý con nhỏ, càng to xác hơn nó càng thấy tình cảm của nó cứ ngày một lớn dần, lớn dần lên mãi đến khi nó nhận ra mình đã thích nhỏ đó thật rồi.
Mới sau ngày thằng Ân nhập học vào lớp sáu với nhỏ Uyên vài hôm, Có tin nhà thằng Tâm rời xóm đi, vừa sáng sớm đã nghe tiếng bà Sáu oang oang đi rêu rao khắp làng trên xóm dưới. Nó nghe muốn điếng người đi, song vội vã đạp xe qua nhà thằng Tâm dò la, mới biết chuyện cha mẹ thằng nọ làm giả giấy tờ nhà đất để nhượng lại cho người khác đứng tên, rồi về sau bị phát hiện đã bỏ trốn nên dắt nó đi theo, còn đi đâu thì không ai biết. Thế là thằng bạn nó một thời ăn chung, ngủ cùng, bươn trải khắp nơi với nó giờ đã biệt tăm không chút dấu vết, tin tức gì nữa. Cái hộp thước viết vẫn còn nguyên trên gác, thằng Tâm không nhắc mà nó cũng quên khuấy, tính ra vừa đủ cất trọn một tình bạn đẹp đẽ.
***
Trời ngập màu nắng, lá cây cứ xào xạc trong gió mát. Tiếng ve sầu thôi ing ỏi trên những cành cây cao, như muốn báo cho các cô cậu học sinh biết rằng chuỗi ngày rong chơi của bọn chúng dường như đã ngừng lại.
- Dậy đi cha nội ơi, trễ rồi!
Tiếng kêu lặp đi lặp lại đó khiến nó choàng tỉnh, lật đật khom người ra phía trước nhìn đồng hồ, rồi lại hớt hải chạy ra sau nhà rửa mặt thay quần áo.
Nó thừa biết giờ này ông bố già của nó đã đi làm rồi, ổng thường ngủ luôn trong quán bà Mận tới rạng sáng thì mò về xách ba gác ra phố kiếm miếng cơm, thỉnh thoảng mới trở vô nhà hỏi han nó đôi ba câu. Và dĩ nhiên là hôm nay cũng vậy, ông chẳng thèm gọi nó dậy.
Nó vội vã dắt xe ra khỏi cổng, thấy nhỏ Uyên đang đứng bên chiếc xe đạp mà chống nạnh nhìn chằm chằm vào nó.
Nhỏ nhếch miệng cười:
- Biết mấy giờ rồi hông, phen này phải khao tui ly chè chứ chẳng chơi đâu nha.
Nó khẽ gật gật mấy cái:
- Chè thì chắc tôi đủ tiền á!
- Chứ chẳng lẽ không, thôi nhanh đi nè, ngày nào mà hổng có tui chắc Ân bị phạt dọn vệ sinh với viết kiểm điểm mỏi tay quá.
- Cùng lắm viết tới khi bị mời phụ huynh thôi chứ có sao. – nó tặc lưỡi.
Nó cũng biết chứ, năm nay nó giành thời gian đi làm quá nhiều mà tối chỉ chợp mắt được có mấy tiếng đồng hồ, sáng ra nhỏ không gọi dậy thì cũng nằm khò tới chín giờ là ít.
Nhỏ khép một bên mi mắt:
- Chứ bộ hông sợ mời phụ huynh hả?
- không hề!
Chắc nhỏ cũng hiểu tại sao mà.
Hai đứa vội đạp xe tới trường, vừa đi vừa nghĩ ngợi đến những mẩu chuyện cười của nhỏ Uyên khiến cho nó thấy yêu đời hơn, vì nhỏ chẳng bao giờ nói ra những lời bi quan trước mặt nó cả. Thế rồi con đường tới trường tuy xa mà gần, tuy dài mà ngắn, ít nhất là đối với nó.
Chưa hôm nào thằng Ân thấy hạnh phúc như vậy, vào một buổi chiều thu. Cái cảm giác khí trời se lạnh xuyên qua da thịt, nhưng man mát trong tâm hồn. Ngày 12 tháng 10 năm 2008. Nó sẽ đánh dấu cột mốc này lại.
Nghe tiếng bước chân nhỏ chạy qua nhà réo nó:
- Có ai nhà hông Ân?
- Biết rồi còn hỏi. – nó khịt mũi.
- Đi. – nhỏ nói giọng quả quyết.
- Đi đâu?
- Thì cứ đi đi.
Chưa dứt câu nhỏ đã kéo lấy tay nó dắt ra khoảng sân.
- Ông chở tui tới đây một lát.
- Xe Uyên đâu? – Nó đảo mắt nhìn quanh.
- Hư rồi! Bộ hông muốn chở tui một lần hay sao?
Nói rồi chẳng chờ nó đồng ý hay không, nhỏ một mực đẩy nó ngồi lên yên xe. nó đạp ra ngoài, đóng cổng lại rồi chạy theo hướng ngón tay nhỏ chỉ. Được một quãng khá xa thì con bé mới hỏi:
- Có mệt hông để tui chở nốt cho nè?
- Tất nhiên không rồi! hồi tôi bên nhà thằng Tâm cũng có mấy ngày toàn cong đuôi chở nó đi rao bánh suốt mà.
Nhỏ làm bộ xuýt xoa:
- Vậy ráng xíu hen, sắp tới nơi rồi á.
Nói là không mệt vậy chứ phía trán nó đã vã đầy mồ hôi, lại thở hổn hển. nhưng thực sự lúc ấy nó cảm giác bao mệt mỏi và âu lo trong mấy ngày qua đều được xua tan hết, nó chỉ còn biết một điều là lòng nó giờ đang rất vui sướng. Lần đầu tiên trong đời ôm lấy cái cảm giác hạnh phúc, thật hạnh phúc khi được chở đứa con gái mà nó thích trên chiếc xe đạp cọc cạch của mình.
Vẻ mặt nhỏ hí hửng:
- Tới rồi nà.
- goa...
- Tuyệt quá cô nương ơi! – Nó hăm hở, mắt dáo dác ngó quanh.
Nơi nó vừa gác chân chống xe, một cánh đồng bạt ngàn cỏ lau trắng ngát đẹp mê hồn người.
- Tặng Ân nè!
Nó chìa tay cầm lấy mấy bông hoa lau mà nhỏ Uyên vừa hái, chúng đang phất phơ trước gió chiều.
- Nay hổng có đi học. – nhỏ cười thủ thỉ, đưa nó cái máy ảnh sẵn trong túi áo khoác.
- Ân chụp tui mấy tấm làm kỉ niệm.
À hóa ra nhỏ kêu nó tới đây làm thợ chụp ảnh cho nhỏ, thôi kệ, được đứng đây chụp hình nó cũng cho là niềm vui khôn xiết trong lòng rồi.
Hai đứa nô đùa chừng nửa tiếng đồng hồ quanh hương hoa cỏ, rồi con bé mới ngồi bật dậy chỉ tay về chỗ mấy bậc thang cao cao ở phía cuối cánh đồng, song kéo tay nó tới đó. Nhỏ rủ nó chơi oẳn tù tì, hễ ai thắng thì bước lên một bậc.
Lên tới bậc thang cuối nó thấy trước mặt là một căn nhà nhỏ chưa đầy mười lăm mét vuông, ắt hẳn là nơi cho khách du lịch ghé chơi hoặc trú mưa gì đó.
Nhỏ lại nở nụ cười tươi nhưng không nhìn nó:
- Từ nay mỗi tháng phải ra đây một lần nha.
- Chi vậy?
- Thì... ôn bài! Chỗ này vừa mát mẻ lại yên tĩnh nữa, ở nhà bà chị rầy không học được.
- Thế hôm nay?
- Qua tui mới phát hiện ra... Nay cho ông tham quan á!
- Ùm! Mà mỗi tháng một lần sợ không đủ cho tôi theo!
- Vậy để coi sao đã... Chắc lần sau đi xe riêng á nghe.
Nhỏ cười, thằng Ân cũng cười, mà chả biết trong lòng nhỏ có đang rối ren cái mối quan hệ chập chờn vậy không. Có chăng tất cả chỉ là do thằng này đã hoang tưởng quá nhiều, có chăng chỉ là do hy vọng một phía đến từ nó...
Trên tay nó chợt man mác đượm buồn giữa một mùa hoa cỏ lau nở trắng trời.
CHƯƠNG 3: MUÔN HÌNH VẠN TRẠNG
n, mày mau tránh xa tên đó ra! Nhanh lên, bảo với con Uyên nữa, TRÁNH XA TÊN ĐÓ RA!"
Thằng Ân giật mình tỉnh giấc, mồ hôi nhễ nhại vai áo, nó nhận ra mình vừa gặp ác mộng. Trong mơ nó thấy thằng Tâm, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất thần gọi với theo nó bằng cái giọng run rẩy đến kinh sợ, đứng bên thằng Tâm là một gã đàn ông mà nó không trông rõ mặt, dáng vẻ cao lớn vạm vỡ, tóc để dài qua tai, mặc bộ đồ màu nâu đậm.
Nó vội xuống giường, bước ra nhà sau rót miếng nước uống cho cổ họng đỡ khát. Nó nghĩ ngợi hoang mang: "không lẽ mình chưa già mà đã bị Alzheimer rồi sao?"
Song thằng này định thần lại, có thể do nó chưa dứt hẳn hình ảnh của thằng bạn một thời thân thiết nên mới đâm ra vẫn còn chút mắc mớ vậy thôi.
Một cái "năm mới" nữa lại đến, với thằng Ân thì năm nào cũng như năm nào, cuộc sống của nó đã thành thông lệ, sự nhàm chán, vô vị vẫn ngang nhiên giậm chân tại chỗ. Riêng chỉ có tình cảm không tên bỏ ngỏ mà nó giành cho con nhỏ Uyên thì cứ ngày một lớn dần lên, tựa như con yêu tinh đang hút trọn sinh khí để thay đổi diện mạo vậy. Những ngày đầu năm của nó là nằm khò xả hơi bù công việc, trừ khi có nhỏ Uyên lại chơi thì nhỏ còn bắt nó dọn nhà đón tết chứ không thì nó chẳng lấy làm bận tâm.
Ngặt nỗi có năm nào mà nhỏ không qua nhà nó chứ? Cứ tới ngày 29 là con bé đã phụ mẹ với chị dọn xong bên đó, rồi hôm 30 thì chạy qua phụ lau nhà cửa quét sân đâu ra đấy với nó.
Nhỏ khuyên mấy câu na ná mọi năm:
- Mình dọn nhà á vừa sắp xếp đồ đạc sạch sẽ vừa thay đổi cả không khí của năm cũ luôn, vậy thì năm nay mình mới có nhiều may mắn chớ.
- Có khoa học nào chứng minh? – Nó hỏi cắc cớ.
- Tui có lòng tin thì Ân cũng phải có lòng tin giống tui.
- Chắc được hai hôm nhỉ?
- Ông bớt lười lại đi nào! – Nhỏ khựng lại, chống nạnh gắt nhẹ – Bộ đây nhà tui hả? có muốn dọn hông đây?
Ôi vô lý thiệt chứ! Rõ ràng là nhỏ tự nguyện qua nhà nó chứ nó có ép buộc chi đâu. Nhưng câu nói khiêu khích kia như thể đang thôi thúc sự chăm chỉ bên trong nó vậy, nó mau mắn chạy đi lấy chổi, xô với dẻ lau rồi cả hai bắt tay vào dọn dẹp. Mất gần nửa ngày trời nhỏ mới thấy tươm tất. Tối đến khoảng độ mười giờ hơn thì nhỏ rủ nó với mấy đứa nữa chạy lên bãi đất trống cuối xóm mà xem pháo bông.
Chẳng biết lúc này ông bố già của nó với Ba Tài có trò gì mới không hay vẫn cứ chơi binh xập xám phạt rượu phạt tiền cùng mấy lão ba gác, xe ôm ở bên quán bà Mận như năm ngoái. Cái chính là cha nó không còn mấy quan hệ bạn bè như trước nên tết đến chẳng có ma nào ghé nhà nó hỏi thăm sức khỏe, cả bia mộ của ông bà với mẹ nó mà nó còn chẳng biết nằm ở chốn nào để đi viếng nữa. Suy cho cùng mồng một mồng hai rồi mồng ba tết nó cũng chỉ thắp vài nén nhang trên ban thờ, đặng tạt ngang mấy nhà quanh xóm nhận lì xì vậy thôi.
Nó chờ cho nhỏ Uyên về quê tảo mộ ông bà xong xuôi hết rồi mồng bốn lên lại, nó sẽ rủ nhỏ đi chùa chiền, ăn uống, ghé siêu thị hay đi chơi đâu đó.
Với nó, mọi thứ vậy là ổn.
Qua tết lại bới từ trên kệ xuống cả núi bài tập về nhà, nó vừa bắt đầu cho học kì hai lớp sáu. Chưa gì mới tuần đầu tiên của năm mới mà nó đã ăn phải trứng ngỗng cũng như bị bắt ở lại trực nhật lớp.
Chuyện là hôm thứ ba sau đợt nghỉ tết, thằng Ân cho thằng Đông Phú bàn cạnh bên mượn tập vở toán chép bài về nhà, vì nó chỉ giỏi có mỗi bộ môn toán. Song bữa đi học thằng nọ vừa quên mang tập của mình lại còn quên luôn cả tập của nó. May sao mà thầy không đọc tới tên hai đứa chúng nó.
Thằng Phú liếc mắt qua bàn thằng Ân thì thào:
- Má ơi tao cứ tưởng phen này tiêu rồi chớ.
- Mày ngon, mém chút tao bị vạ lây.
Chỉ chợt vụt qua, chút may mắn ấy rõ ràng chẳng được bao lâu. Con nhỏ Nguyệt Minh, lớp phó lao động của lớp ngồi bàn đầu đưa tay xin ý kiến.
- Sao đó em?
- Thưa thầy, thầy có nói qua tết sẽ kiểm tập bạn Phú tại hồi hôm bữa bạn í chưa có làm bài! – con bé dõng dạc, vừa quay xuống lè lưỡi với thằng Phú.
- À à... rồi, chút nữa tôi lại quên anh nhỉ, ANH PHÚ ĐÂU RỒI?
Thằng nọ nghe tên phát hoảng, thằng Ân cũng hoảng theo, nó sẽ bị gán vào cái tội lừa dối giáo viên, đem vở mình cho bạn chép bài.
Thế là 11 giờ 40 phút trưa oi bức, dưới sân trường THCS Phan Bội Châu thấy lác đác vài học sinh ngồi chờ phụ huynh ghé đón, trên các phòng học hầu như đã tắt quạt điện hết. Duy chỉ có lớp 6B vẫn còn mấy học sinh ở lại, trong đó có hai đứa là thằng Đông Phú với thằng Ân đang loay hoay lau cửa kính, còn con bé Nguyệt Minh ngồi trên bục chỉ trỏ ra hiệu thằng Phú lo mà lau cho sạch. Đúng là đồ cái thứ con gái lẻo mép, đang yên lại rỗi hơi đi mách thầy giáo làm nó phải khốn đốn ở đây cả tiếng đồng hồ. Thằng Phú bực bội trong người lắm, nhưng vẫn phải răm rắp lau theo thằng Ân dưới sự chỉ đạo của con nhỏ, tuy vậy cu cậu vẫn cứ lải nhải.
- Mày có việc thì cứ đi trước, còn chỗ này để tao lo nốt rồi giặt khăn luôn thể. – nó ra vẻ người tốt.
- Lỗi hoàn toàn của tao, mà giờ tao phải đi gấp thật, bữa sau hứa đãi mày chầu nước chịu không – Thằng Phú coi bộ hối lỗi.
Nhỏ Nguyệt Minh thấy vậy đập bàn nghe cái "CỘP".
- Cái gì? Không chịu làm mai tui mách thầy cho biết!
- Thì tôi đang làm đây! – nó đáp – Mày về đi, có hứa là được rồi!
- Đa tạ, cũng cáo lỗi với mày luôn! – nói xong thằng nọ bước thoăn thoắt ra cửa.
Chờ thằng Phú khuất hẳn nó quay lên bục nhìn nhỏ Nguyệt Minh vẻ mặt buồn bã, hỏi:
- Bộ bà thích thằng Phú hả?
- Gì cơ? Ai? nghĩ sao... vậy... Con trai gì mà lười biếng ham chơi – nhỏ ngập ngừng, đỏ mặt.
- Cứ vậy nó càng ghét bà thêm thôi.
- Kệ tui đi, đồ nhiều chuyện!
Con bé chạy vội đi, để lại trên mặt bàn những câu nói ngượng ngùng, trái khoáy dẫu còn chưa dứt khoát. Nó thì vẫn thản nhiên tỏ nét mặt hờ hững vô tâm, cúi người xách chiếc xô xuống sân trường đổ nước giặt khăn rồi ra về.
Tình yêu thật kì lạ, nó là thứ mang đầy đủ dáng vẻ, sắc thái và hương vị sâu sắc nhất trên đời. Là thứ khiến cho con người ta say đắm, tự nhấn mình vào si mê mà không thể dứt ra được, làm con người ta hạnh phúc, vui sướng rồi cũng sẵn sàng khiến họ phải chịu đau đớn, tổn thương, dằn vặt. Và cái cách mà mỗi người thể hiện tình cảm của mình với người kia lại càng kì lạ hơn. Có người luôn âm thầm lo lắng săn sóc, có người thì thể hiện sự ân cần chu đáo ấy ra bên ngoài, có người cứ hay trách móc, chọc ghẹo đối tượng mà họ quan tâm đến, song họ cũng chỉ vì muốn người đó sẽ thích ngược lại họ hoặc chí ít sẽ giành chút sự chú ý đến họ mà thôi.
Riêng nó thì chẳng biết khi nào mới thốt ra được tiếng yêu chân thành với con nhỏ hàng xóm nữa, do e ngại, do lo sợ sẽ phá vỡ thực tại. Hay là cứ để việc cần làm cho ngày mai, ngày mai rồi lại ngày mai nữa đi.
"Phải rồi! hãy cứ như vậy đi."
Thằng Ân là một học sinh kiệm thể hiện bản thân trước đám đông. Ở trên lớp nó luôn tránh né những câu hỏi liên quan đến mình, tệ hơn vụ nhứt quyết không chịu làm ban cán sự bộ môn toán thì nó luôn lảng đi chẳng bao giờ tham gia các hoạt động nào do trường lớp tổ chức. Vậy nên mấy đứa bạn liệt nó vào thành phần vô dụng nhất của lớp.
Với nó tham gia vào mấy thứ đó tựa như có cây kim đồng hồ đang đứng chết giấc trong khi mọi linh kiện khác đều không muốn chôn chân mình vào quãng thời gian lãng phí vô nghĩa kia. Thời gian của nó là để về nhà quẳng chiếc cặp táp nặng nề qua một bên, nuốt xong bữa trưa đặng lê đôi giày ra ngoài sân, chỗ thường dựng cái xe đạp.
Nay là một ngày nóng nực lại không may mắn của cu cậu. Xe lủng lốp giữa trời trưa nắng.
Thằng Ân bị ông chủ rầy một tăng vì cái tội đi trễ đúng lúc quán đang đông khách. Ông chủ không rõ có ghét bỏ gì nó không song ông vẫn hay quát tháo đủ thứ mặc dù có vẻ trông nó như chả quan tâm mấy đến những lời la mắng của ông.
Thùy Linh, con nhỏ làm cùng với nó ghé tai hỏi:
- Ê, nãy ổng kêu giam lương tao một tuần là sao mày?
- Hôm qua nhận lương mà mày nghỉ, ổng giam đúng rồi còn gì!
- Chán thiệt! tao tính cuối tuần lãnh tiền là đi hội chợ mà mắc vụ này. – Mặt con bé vẻ rầu rĩ mà trông cũng giận dỗi.
- Cần nhiêu? tao cho mượn. – nó làm bộ đưa tay vô túi quần.
Chuyện gì chứ chuyện tiền bạc là nỗi khổ tâm lớn trong nó, song thằng này vẫn vui vẻ cho con Linh mượn hơn sáu chục bạc. Rồi tới lúc con bé nhận lương nó sẽ tìm cách hợp lý nhất mà đòi lại mớ sức sống kia của nó.
Thằng Ân có được tính tự lập sớm hơn tụi bạn. Cũng nhờ vậy nó mới sinh cái thói suy nghĩ ngang ngược, ghét cay cái dòng họ chả bao giờ ngó ngàng đến gia đình nó, nghe cha kể trước khi cuộc sống gia đình nó khó khăn thì lũ bọn họ hết nhờ cậy việc nọ đến việc kia, việc bắt buộc mà lại dựa trên tình nghĩa anh em. Ôi sao mà xảo trá, thoáng thấy thương cho người cha tất tả lam lũ gần cả cuộc đời. Ngược lại nó thấy hận người mẹ sao ra đi sớm để mặc hai cha con giữa nghi ngút khói hương, hận người chị chớm bỏ đi tìm hạnh phúc riêng mà chả thèm về lấy một tiếng thăm hỏi.
Dù sao hiện giờ nhận thức của nó cũng đang được thay đổi dần, nhờ con bé hàng xóm.
Có bữa đi ăn với nhỏ Uyên, tuyệt nhiên nó thấy xấu hổ. Nói đến vụ tiền nong thì hai đứa nằm bên ranh giới của hai tuýp người xa hoa và bần tiện. Nhỏ vẫn luôn gọi món ăn uống thỏa thích rồi coi trả tiền, còn nó thì phải biết giá trước mới tính tới chuyện ăn, bởi vì nó không có tiền, thông thường nếu nó mà không đi làm thì lấy đâu ra tiền đóng các khoản học phụ đạo trên trường cũng như tiền cơm canh, điện nước, sinh hoạt hằng ngày. Huống hồ gì mấy khi đi chơi, đi ăn uống với bạn bè.
Bữa đó thằng Ân vừa mở miệng thì bất ngờ bị nhỏ chặn họng.
- Bao nhi...
- Lấy con 10 xiên xủi cảo, một dĩa trái cây với hai ly sinh tố loại lớn, lát có ăn nữa thì con kêu thêm.
Nhỏ quay sang nhìn nó vẻ đắc ý:
- Nay tui khao, khỏi lo!
- Thôi đi bà nội! tưởng tôi không có tiền hả? qua tôi mới nhận mấy đồng cứng đây nè.
- Tiền đó Ân lấy đóng quỹ lớp đi!
- Tôi vẫn còn dư mớ tiền, nhiêu đây mà nhằm nhò.
- Ờ! rồi mốt không đóng quỹ người ta gạch tên ông ra cho coi.
Kì kèo một hồi thì nó chịu thua con bé, thua cả về lý lẽ lẫn số tiền nằm trong ví.
Nếu dưới nghèo khổ vẫn là tiền bạc, thì nó đinh ninh sẽ bị đày xuống tận đáy của cái nghèo khổ kia mất. Số đời của nó sao cứ phải lệ thuộc vào người khác, sao cứ luôn bị chút đồng lương ít ỏi của ông chủ quán cơm kiểm soát, và một đồng như một rào cản chắn ngang tâm hồn vàng vọt của nó với bao mối quan hệ chung quanh.
Nếu trên đời này có còn tồn tại lòng tốt, thì nhỏ Uyên chính là sự cô đúc của thứ lòng tốt tinh túy kia. Nhỏ sẽ kéo nó ra khỏi cùng cực của hố sâu phiền muộn lo toan đang chất chứa trong lòng nó, sẽ mang đến cuộc đời nó bao ý nghĩa tốt đẹp muôn hình muôn vẻ, đầy ắp sắc màu rực rỡ.
Nếu như không hề tồn tại một đứa con gái tốt bụng, luôn biết cách hỏi han quan tâm đến nó như nhỏ Uyên, thì cuộc sống của nó sẽ ra sao nhỉ?
Nếu... Thì...
Thằng Ân lấy làm hổ thẹn, Lẽ ra một thằng như nó không đáng có được cái vẻ thân thiết với nhỏ như vậy...
CHƯƠNG 4: NẮNG DƯỚI SÂN
Nó lại trải qua cái giấc mơ đó, cứ như một cuốn truyện dài kỳ được tiếp nối qua từng chương vậy, nó mập mờ thấy mình đang nằm lăn trên nền đất, đầu đau nhói. Văng vẳng bên tai là tiếng của một gã đàn ông chừng hai mươi hai, hai mươi ba tuổi, gã nắm dựng tóc của nó mà nói lớn:
- Nói cho tao biết, nó đang ở đâu!
- Đừng hòng… Thằ…ng… kh…ốn! – nó run rẩy, nói vấp từng chữ.
- TAO NHẮC LẠI LẦN CUỐI, CON NHỎ ĐÓ ĐÂU RỒI?
- …
- ..
Tiếng dép lẹp xẹp cứ rải đều cạnh bên nó, mỗi bước chân dường như chậm lại, không gian dần dần yên tĩnh hẳn. Thằng Ân cảm giác như đang bị gã lôi đi, rồi thân mình cứ đung đưa, đung đưa.
Nó mở mắt – Mình đang mơ ngủ trong lớp.
Nhỏ Uyên lay vai nó dậy, nói khẽ:
- Đứng dậy chào cô kìa!
Vừa hết tiết văn.
Hầu như thằng Ân luôn ngủ gục trong những tiết dạy môn khoa học xã hội, nhất là môn ngữ văn, nó ghét phải phân tích những dòng thơ ngắn ngủn thành một bài viết dài ngoằng đến cả ba, bốn trang giấy. Ấy vậy mà có lần kiểm tra nó được bảy điểm về bài tả cảnh Cô Tô sau khi cơn bão đi qua, nó đem đối chiếu với bài của nhỏ Uyên rồi cứ tự ca ngợi về khả năng viết lách của mình.
Cái nắng của buổi sáng rọi cả một dải xuống dưới sân trường, bên phía cánh gà, ông bảo vệ già lững thững tiến về phía cái trống mộc, ông mò mẫm cây dùi dưới tấm lụa dày màu kê phủ ngang đáy trống, gõ nhẹ vài cái. Như một tiết mục gần như được lặp đi lặp lại mỗi ngày, lũ học sinh tí tởn ra ngoài ban công, đứa thì qua lớp bạn bè chúng nó chơi, có mấy đứa hư hỏng vẫn thường rủ nhau trốn vào nhà vệ sinh hút thuốc, đứa thì nằm dài ra bàn vẻ mệt mỏi. Thằng Ân lê đôi dép quai hậu như không muốn bước, xuống tới chân cầu thang. Bỗng nó gặp một đám học sinh có cả trai cả gái miệng đầy những lời tục tĩu đang dàn thành hàng đi lên, mặt đứa nào đứa nấy trông thấy vẻ ngang ngược, bướng bỉnh hiện rõ. Tới khi chạm mặt nó thì trong đám đó có một đứa động mạnh vào vai làm nó xém ngã nhào xuống chân cầu thang, may mà có thằng Đông Phú đỡ tay nó kịp thời.
''lũ cá biệt, ta chẳng chấp. '' – Thằng Ân thì thầm trong cuống họng, nhỏ đến mức cả thằng Đông Phú đứng bên cạnh cũng không nghe thấy.
Thằng Đông phú giơ tờ bốn nghìn ra trước mặt nó:
- Mày ra cổng mua hộ tao bịch bim bim luôn, tao đi “xả lũ” đã!
- Mày qua bên khối lớp bảy đi, bên này tụi thằng Hoàng đang hút thuốc trỏng á, lơ mơ vào bị chúng nó tẩn cho một trận. – nó nói khẽ.
- Ừ, từ hồi chơi với đám tụi 6E, bây giờ nó bị cả lớp ghét.
Thằng Ân bước thong thả ra ngoài cổng trường, băng qua bên đường để mua ba bịch bim bim, một bịch là nhỏ nhờ nó mua. Nó dừng lại ngoài phía cổng, đứng bên hàng kẹo kéo để ngắm nghía mấy món đồ chơi quen thuộc, có vài miếng hình dán, vài hạt trân châu thả nước, vài gói lắp ghép rô-bốt, và đặc biệt là những con bakugan có gắn nam châm, món đồ chơi mà nó biết qua một bộ phim hoạt hình nó thường được xem ở bên nhà nhỏ Uyên. Nó chỉ mong chờ một ngày tivi nhà nó có nối dây truyền hình cáp, để khỏi phải qua nhà nhỏ coi ké mỗi khi tới giờ phát sóng.
Đang mân mê thì nó nghe thấy tiếng thằng Đông Phú réo sau lưng:
- Gay rồi mày ơi! Còn đứng đó ngó nghiêng gì vậy?
- Chuyện gì?
- Mày có nhớ cái đám vừa nãy dưới cầu thang không?
- Thì sao?
- Con Uyên đang bị tụi nó tẩn ở trển á!
- Hả? sao mày biết?
- Vừa nãy không thấy mày ngoài ghế đá, tao tưởng mày mang lên lớp rồi nên mới chạy lên, ai ngờ mày còn tha thẩn ngoài này.
- Trời ạ!
Thằng Ân vừa nói xong chạy thẳng một mạch vào trường, lên tới lớp, nó thấy nhỏ Uyên ngồi một góc phía dưới bàn giáo viên, đang bị con bé nào đó có khuôn mặt đanh đá nắm tóc, xung quanh ngoài mấy đứa học sinh ngồi bất động chính là đám du côn mà nó gặp ban nãy. Nó la lớn:
- Lũ chúng mày làm cái gì vậy?
Nó vừa bất ngờ nhận ra trong đám đó có thằng Hoàng, thành phần cá biệt của lớp, một thằng luôn thích ra vẻ đứng đầu và hầu hết những đứa khác trong lớp đều sợ. Thằng Hoàng cao hơn nó cả cái đầu, vóc người trông cũng to con hơn, da xạm đen với khuôn mặt vênh váo lì lợm, nhảy từ bàn học xuống tiến về phía nó mà quát:
- Mày mới lớn tiếng với ai đó? Mày nghĩ mày là ai ở đây?
- Bay bắt nạt một đứa con gái mà không biết nhục à?
Con bé nọ thả tóc nhỏ Uyên ra, quay qua nhìn thằng Ân trả lời:
- Hồi qua tại nó mà con em họ của tao không làm được bài kiểm tra, tao đánh cho chừa cái tội biết làm mà không chịu chỉ.
Thằng Ân liếc mắt qua bên trái, thấy con bé Ngọc đứng khoanh tay trông điệu bộ kiêu căng lắm, chính xác thì là em của nhỏ đanh đá kia, từ hồi con bé chơi với đám tụi thằng Hoàng đâm ra cũng hư hỏng chẳng kém gì.
- Hôm qua cô đặt cái ghế ngồi ngay cạnh bên, sao tu…
- BỐP!
- Ngụy biện hả mày! – con bé kia tát thẳng mặt nhỏ Uyên cái mạnh, khiến nhỏ ngã gục xuống sàn, tóc rối phủ qua mặt.
- Mày đánh đủ chưa – nó la lớn.
Thằng Hoàng nhìn xuống tay nó, cười:
- Coi kìa coi kìa, cả lớp ai chả biết mày thích con Uyên, kìa, còn mua cả bánh cho nó ăn nữa chứ! Thế đã vơ vét được cái gì chưa?
Xong thằng Hoàng quay lại nhìn lũ bạn của nó, bọn chúng cười rộ lên vẻ chế nhạo vừa khiêu khích nó.
- M… tụi mày, khốn kiếp!
Nó nhảy bổ vào người của thằng Hoàng, thằng nọ vừa kịp thủ sẵn một chân trụ, chống được cú húc ấy một cách nhẹ nhàng, cả hai xoay người một vòng, thằng Hoàng nắm được cổ áo nó quật cái mạnh, khiến cả người nó văng vào góc tường. Nó lấy hết sức dạng chân đạp thẳng vào bụng thằng Hoàng khiến cả thân hình to lớn ấy té ngã ra sau.
Nhưng mắt thằng Ân chợt nhòe đi, nó chỉ còn thấy có một đứa con trai khác trong đám người kia nhặt lên mấy bịch bim bim ở cạnh bên nó, rồi chúng ném cho nhau vừa cười nói vừa nhai sột xoạt, thấy thằng Hoàng đứng dậy giơ nắm đấm to lớn chuẩn bị giáng thẳng vào mặt nó một cú chí mạng, rồi tất cả mờ dần đi, âm thanh mới đây vừa ồn ào đã im bặt.
- Tao chết chưa vậy? – mắt nó lim dim.
- May mà nãy tao gọi thầy Quang lên kịp, chứ không thì mai tao lại tốn tiền mua nhang thắp cho mày rồi. – thằng Đông Phú đáp thẳng thừng.
- Nhỏ đâu?
- Con Uyên hả, nó vừa ra ngoài nãy á!
Im lặng được một lúc, thằng Đông Phú lên tiếng:
- Cha chả, phen này anh hùng cứu mỹ nhân xem ra thất bại rồi phỏng?
- Tao chỉ nhớ là tao còn chưa đập được vào mỏ thằng đó lấy một cái mà đã quỵ ở đây rồi, chán thật!
- Thứ hai tuần sau chúng nó lên cột cờ đứng là cái chắc!
Thằng ân cười khẩy:
- Thế lúc ấy mày có sợ bị chúng nó trả thù không?
- Tao đâu ngu, tao đã dặn thầy là đừng khai tên tao ra rồi, có đứa nào biết tao là người mách giáo viên đâu mà lo.
Tiếng nhỏ Uyên nói vọng từ ngoài:
- Dậy chưa? – nhỏ kém hẳn tấm rèm qua một bên.
- Nó đang còn thoi thóp đấy, tội nghiệp. – thằng Đông phú giễu cợt.
- Tui có mua bún nè, ngồi đây ăn luôn cho nóng.
Nó nở nụ cười gượng gạo, ghé mắt nhìn bên má nhỏ vẫn còn những vết màu đỏ chưa phai, nó thấy buồn trong lòng mà chẳng biết phải làm gì. Ba đứa ngồi trong phòng y tế tán dóc không biết bao nhiêu là câu chuyện. Mãi cho đến xế chiều, khi cái nắng chói chang đã khuất lấp sau những làn mây, thằng Đông Phú được mẹ ghé đến đón, cuộc trò truyện mới kết thúc.
- Cô Quỳnh ơi! – Thằng Ân gọi cửa.
- Hổng có khóa, tao đang dở nhặt rau rồi! – mẹ nhỏ Uyên đáp từ phía sân sau.
Nó hất văng hai chiếc dép vô một góc bên bệ hè rồi mở cửa vào trong. Như mọi ngày, nó leo lên gác xép, cái chỗ mà hai đứa vẫn thường ngồi học bài, giờ này nhỏ đang còn tập văn nghệ trên trường chưa về, nó ngồi một mình lấy mấy bài toán khó ra giải, xong đến đoạn bí thì lại nằm thẳng cẳng xuống sàn mà cắn bút. Chừng năm phút đồng hồ, thằng Ân trồng cây chuối để tìm sự tập trung. Nó lẩm bẩm một mình: ''đất trên trời, trời dưới đất''.
Đang suy nghĩ thì bị phân tâm bởi tiếng con gái ở dưới chân cầu thang:
- Tối nay đi ăn không chú em?
Ra là chị Mộc Miên, chị ruột của nhỏ Uyên, bà này trông cũng khá xinh xắn, nhưng thằng Ân lại chẳng ưa. Tại bả cứ hay gán ghép hai đứa chúng nó với nhau. Bữa thấy nhỏ Uyên đang ngồi học với nó trên gác, bà chị đứng dưới lớn giọng: ''mốt tao đi làm xa tao có để địa chỉ, mầy liệu mà gởi thiệp hồng lên, không thì đừng có trách nhá. '' Nhỏ Uyên thì đỏ mặt, không biết đang giận hay vì ngại ngùng nữa.
- Sao tự dưng nay tốt tánh thế? – nó nằm chúi ngược đầu xuống hướng cầu thang.
- Coi như trả ơn cho mầy, nghe nói hôm qua mầy ra tay nghĩa hiệp mà phải không?
- Hả? nghĩa gì cơ?
- Mầy không phải giấu, con Uyên nó kể với tao hết rồi!
Nó giật mình bật người dậy, bò vài bước, nhòm ra ngoài cửa sổ mà reo lớn:
- Ôi, trời sắp mưa to rồi! chắc em phải về cất mớ đồ treo sau nhà đây, hẹn chị bữa khác nghe!
- Cái thằng này đừng có mà đổi chủ đề. Thế nó đã phải lòng mầy được xíu nào chưa? Có gì cần giúp cứ nói tao!
- Em không biết, không biết! – nó lắc đầu lia lịa.
Thằng Ân xếp gọn lại mấy cuốn tập, khoác chiếc cặp táp lên vai mà chạy vội về nhà. Tới sân, nó ngước mắt lên nhìn bầu trời, đang lừng lững cả một toán mây đen tràn về, màu nắng đã bị thế chỗ bởi cái màu âm u tối tăm như thể lát nữa ông trời sẽ trút xuống một trận mưa giông khá lớn vậy. Nó dắt chiếc xe đạp cà tàn vào trong nhà, đóng cửa lại và tự nhủ tối nay ông bố già của nó với lão Ba Tài sẽ lại có trò gì vui cùng mấy chai rượu đế hoặc là mấy thằng con nít hay quanh quẩn nô đùa ở quán bà Mận, thay vì là về nhà.
Nó chỉ nói chơi với bà Mộc Miên để kiếm cớ bỏ về, ai ngờ lại thành thật. Vừa thấy có vài hạt nước mưa đang nhỏ xuống sân, chợt nhiều hơn, hắt qua mái hiên, rồi dần dần kéo đến cả một trận mưa lớn. Bữa cơm tối hôm nay nó lại bày ra một chén nước mắm, một dĩa rau với chén cơm có hai, ba miếng thịt luộc.
Thằng Ân ngồi ăn một mình, không quên mở tivi lên xem, đến đoạn vui nhộn thì nó lại muốn cười thật to để át đi tiếng mưa đang từng hồi réo rắt ngoài sân, nhưng trong lòng hiện giờ là một khoảng trời mông lung.
Nó suy nghĩ miên mang: ''rồi ngày mai lên chỗ làm ông chủ sẽ mắng cho cái tội nghỉ mà không thông báo, rồi ngày mai lên trường nó sẽ lại giáp mặt với thằng Hoàng, liệu có chuyện gì xảy ra không nhỉ? ''
CHƯƠNG 5: CĂN PHÒNG MỘT MÉT VUÔNG
Khi mà một người không còn muốn lao động kiếm tiền thậm chí không muốn gặp mặt bất kì ai nữa thì họ sẽ nằm lì trong một căn phòng nhỏ bé, chật chội, căn phòng chỉ vỏn vẹn có một mét vuông của họ. Đó là lúc họ đã đánh mất hết dũng khí để dối diện với bên ngoài.
***
Hôm ấy nó trông mọi thứ không được bình thường, phải nói là rất bất thường thì đúng hơn!
Cha nó không thấy chạy xe ba gác. Thay vào đó ông dành cả ngày của mình ở nhà lau dọn sắp xếp đồ đạc một cách ngăn nắp, chỉnh chu. Xế chiều ông lại thản nhiên dọn cơm ra ăn cùng với nó, đó là bữa cơm đàng hoàng đầu tiên kể từ ngày ông trở thành gã nghiện rượu. Nó thấy lạ lắm, trông ổng lúc đó rất tỉnh táo chứ không hề xay xỉn gì cả.
Hai cha con tuy ngồi ăn khá lâu nhưng rất ít có cuộc trò chuyện nào được tạo ra từ họ mà quá một phút, cứ im lặng được hồi thì ông hỏi nó vài ba câu chẳng hạn như học hành thế nào rồi? đi làm vậy có ổn không? còn nó có trả lời xong thì cũng chẳng biết nói gì thêm. Bởi hai năm là quãng thời gian khá dài khiến một mối quan hệ thân tình bị rạn nứt mà không ai có thể gắn kết nó lại chỉ trong một bữa cơm tối. Trước đến giờ nó chưa khi nào nghe ông phàn nàn cả, vì ổng rất ít khi giáp mặt nó thì lấy đâu ra câu chuyện nào lâu hơn mà kể.
Rồi cứ vậy cho tới khi nó đi rửa bát còn ông đã chịu leo lên giường ngáy từng tiếng.
Cuối tháng 9 năm 2009, trời đang chuyển dần sang đông nên có chút hơi sương tràn về, thi thoảng thấy lạnh sau gáy. Thằng Ân mặc ba cái áo dày cộp mà vẫn run lên cầm cập mặc dầu khi về đến nhà cởi áo ra thì mồ hôi lại ướt đẫm.
- Thằng Ân đâu rồi? khổ thân.
- Sao đó cô Tư?
- Mầy vô chuẩn bị nước nóng, lấy luôn cái lược với mấy bộ đồ của ổng ra đây, mới vừa đi tức thì đó!
Nó còn lớ ngớ thì chợt thấy có đám người tiến vô cổng nhà nó vừa đi vừa thì thào to nhỏ, phía sau là tiếng xe của ông Hai Lê. Xe chạy thẳng vào sân, người sau xe mới phụ ông Hai vác một người nữa lên vai mà cõng vào nhà. Có anh Thành con cô Tư bước thoăn thoắt vào trong lấy một cái chiếu trải ra, rồi đặt người kia nằm xuống. Đó là ông Phước, cha của nó.
Ông Hai Lê lên tiếng:
- Giờ bàn sao mà lo ma chay đi chứ nhỉ? Chứ nó biết gì mà để nó làm.
Thằng Ân nghe trong đám người có tiếng thở dài:
- Tội nghiệp thằng bé, mới tý tuổi đã mồ côi cả rồi.
Mọi thứ tuy có đột ngột nhưng thằng Ân lại không bất ngờ. Cha nó qua đời vì bị bệnh tim, ổng uống xong vài ly rượu thì đột nhiên lên cơn co giật, khuôn mặt vừa tím tái, rồi gục ngay tại quán bà Mận. Nó đứng bên bệ đá ngoài sân cứ thẫn thờ. Hết vuốt dọc cổ họng rồi lại trố mắt nhìn vào đám đông. Nó thoáng thấy bóng lão ba Tài xa xa bên phía cổng, mặt lão không thấy màu men rượu mà chỉ có vẻ tiếc thương hiện rõ, đã đứng nghiêm nghị ở đó hồi lâu.
Mẹ nhỏ Uyên đứng ra giúp nó làm đám tang êm xuôi cho ông Phước bởi bà biết nó chẳng có khái niệm về hạ tịch, mộc dục hay trùng tang gì cả. Duy có điều là trong suốt lúc đưa ma, thằng Ân không hề rơi một giọt nước mắt nào, nó luôn nghĩ khóc lóc khi tiễn đưa người thân của mình xuống suối vàng chỉ càng khiến cho họ không thể ra đi thanh thản được.
Người cha già của nó đi mà không hề dặn dò nó một lời nào, mới sau cái ngày ổng nuốt trọn cùng nó bữa ăn tối cuối cùng đầy nặng nề mà sầu buồn. Ổng đã có cho mình một căn phòng riêng tuy nhỏ bé nhưng ấm cúng, chứ không còn nằm vất vưởng một góc ở ngoài quán nước nào đấy nữa.
Buổi chiều râm ran, chưa vội ngó nghiêng nghe tiếng phiên chợ xem đã thưa bớt hay chưa. Nó đạp một mạch từ chỗ làm về nhà, vừa kịp hứng trọn từng đợt mưa bụi lất phất. Khí trời thoa lên mắt nó thoảng chút hơi lạnh mà nghe nổi cả da gà. Vào tới sân, nó dựng xe tấp lên hiên.
Ngó qua cửa sổ, nó nói lớn:
- Uyên có ở nhà không cô Quỳnh?
À, ra là nó đạp thẳng về nhà nhỏ Uyên.
- Vừa mới ghé chợ mua ít rau, nãy không mang ô theo chắc là dính mưa rồi. – Mẹ nhỏ đáp – Mày vô đi chứ đứng đó cho lạnh!
Nó giày xéo mớ đất dưới gót giày rồi ung dung nhả dép tiến vô ngồi ghế, tự động rót cốc nước uống. Thấy mẹ nhỏ đang ngồi đan áo len, cái áo nho nhỏ như dành cho con gái. Nó nhanh ý:
- Cái bà Miên lại sắp chuyển công tác hả cô?
- Mày coi đó, cứ xa nhà suốt, rồi chuẩn bị lo cưới hỏi cho nó nữa. – Bà hơi buồn bã – Tao còn có hai đứa con gái mà tới khi con Uyên nó lấy chồng thì tao cũng cô đơn mà chết thôi.
- Đây, còn cháu đây mà cô lo! – nó cợt. – cháu còn có mình thôi à!
- Đấy! rượu cho lắm, lão nhà này cứ thế mà chết lúc nào hông hay. – Mẹ nhỏ thủ thỉ.
Thằng Ân ngước nhìn đồng hồ suy tư, rồi hỏi bâng quơ:
- Không biết giờ này bà chị cháu ra sao rồi nhỉ?
- Sao nay lại nhắc vậy? – Mẹ nhỏ vừa hỏi vừa khom người nhặt cuộn chỉ mà bà vừa làm rơi xuống sàn.
- Hôm bữa lúc ngồi ăn cơm bố cháu có nhắc đến bả. ổng kêu tại ổng mà chị cháu mới bỏ đi, xong chẳng nói gì thêm cả.
- Mẹ nhỏ Uyên nghe cái hơi giật mình:
- Ổng lạ vậy à?
- Không biết hồi đó sao mà chị cháu đi vậy cô?
- bà thừ người đi một vài giây song đặt chiếc áo len mới đan được nửa xuống bàn, ném phắt ánh mắt buồn rầu vào nó mà chối:
- Chuyện qua lâu rồi, có chi mà phải biết!
- Cô không giấu cháu mãi được đâu
- Đã nói là không có gì mà!
mấy năm qua cháu nào có đá động gì đến, giờ bố cháu cũng mất rồi – Nó coi bộ buồn bực.
- Toàn những chuyện buồn thôi, nếu muốn tao đã cho mày biết từ lâu rồi.
- Cô cứ kể đi, giờ cháu chỉ còn thắc mắc chứ không nuối tiếc gì nữa hết.
Bà quay hẳn người sang cầm chặt lấy tay nó, hết nhìn xuống nền nhà rồi lại nhìn ra ngoài hiên.
Cái hay của con người là họ luôn có trong mình những bí mật, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay không quan trọng. dù ít hay nhiều thì chúng cũng đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, và có khi chúng còn khiến cho họ phải thay đổi cả những mối quan hệ của họ nữa.
Mất một lúc lâu thì bà mới mở miệng:
- Thằng Thăng, nó với con bé Phương có để ý nhau cả một thời gian dài.
- Ảnh thích chị cháu sao cô?
- Ừ! Nhưng mà lão Tài nhà này cố chấp nhất quyết không đồng ý làm sui với nhà mày, bởi lão theo cái quan niệm cổ hủ, cưới hỏi là cứ phải môn đăng hộ đối.
Bà vẫn trầm ngâm, thở ra một hơi dài, rồi mới nói tiếp:
- Rồi ba mày biết chuyện sang làm một trận rùm beng bên đây, ổng nhìn lão Tài với thằng Thăng nói lớn: “chúng mày mà động đến cọng tóc của con Phương thì liệu hồn, bố mày không nể nang gì cái gia sản nhà chúng mày đâu.” Còn lão Tài cũng chẳng vừa, lão chỉ mặt ba mày thề là có chết cũng không cho hai đứa chúng nó lấy nhau.
- Ôi, sao mà cháu vô tâm quá! – nó lắc đầu.
- Dạo ấy mày mới lên lớp bốn, hông trách mày được.
- Thì ra ông già nói chị đi lấy chồng là đi với ông anh đó sao? – nó nheo mắt, lẩm bẩm một mình.
- Giờ cô hổng có muốn giấu mày chi nữa! – Mẹ nhỏ nghẹn ngào, tay vẫn giữ chặt tay nó.
- Thằng Thăng với con Phương, hai đứa nó đã đi rồi, đi xa rồi.
Nó vẫn im lặng, Mẹ nhỏ Uyên nức nở:
- Đợt đó mày hổng có nhà nên đâu biết, được mấy ngày thì tao hay tin mà muốn quặn thắt cả ruột gan, thằng Thăng ngay lúc dẫn con Phương ra bến bắt xe lên Sài Gòn thì bị chiếc xe tải lạc tay lái tông cả hai đứa chết tại chỗ. Rồi tao mới lo làm đám tang cho chúng nó. – Bà lắc đầu – tội cho con Miên với con Uyên khóc ròng mấy hôm liền, hồi còn sống thằng Thăng thương hai đứa em nó lắm.
- Ôi! - Nét mặt thằng Ân có chút thay đổi, xong nó vẫn giữ bình tĩnh lắng nghe.
- Tao dặn con bé Uyên phải luôn hỏi han xem mày sống ở bên má thằng Tâm có ổn không, có thiếu tiền thì tao sẽ đưa con bé trao tay mày, nó được cái mạnh mẽ hơn con chị. Tới khi lo chu toàn rồi tao mới nói nó qua gọi mày về đó.
- Tao đã dặn hết làng trên xóm dưới dấu tiệt đi chuyện này, cô có lỗi với mày nhiều lắm Ân ơi. – Bà khóc nấc lên – vì tao sợ mày không chịu đựng nổi trước chuyện đã xảy ra.
Nó mím môi cười:
- Cháu biết ơn cô mới đúng! Chỉ có tức là tức cháu đã trách nhầm chị Phương từ đó đến nay.
Ngoài trời vẫn âm u, mưa cứ từng đợt rả rích, gió nhẹ lướt qua cửa sổ tạt ít nước xuống sàn nhà. Thằng Ân với mẹ nhỏ Uyên ngồi thẫn thờ, cổ họng như bị nghẹn đắng mà chẳng thốt lên được thêm nửa lời. Thằng Ân dang rộng hai cánh tay đặt lên thành ghế, ngẩng đầu chúi ngược ra sau, nó muốn leo lên gác xép đánh một giấc chờ mưa tạnh, mà chân thì cứ như bị dán keo sắt với nền nhà vậy.
Vậy ra cái lý do mà cha nó với cha nhỏ Uyên cứ tối ngày say xỉn là vậy, hai người có lẽ đã bị một cú sốc về tinh thần, hoặc là mặc cảm tội lỗi đã dày vò họ suốt thời gian qua. Từ kẻ thù trở nên thân thiết, từ người đàn ông luôn biết chí thú làm ăn trở thành những gã nát rượu. Và chẳng ai có thể thay đổi được hai lão, vì đó là cuộc sống mà hai lão đã chọn.
Thế là đã kết thúc một đời người, kết thúc chuỗi sự kiện dài thênh thang có niềm vui, nỗi buồn khôn xiết từng được hình thành qua tâm hồn của họ, qua suy nghĩ, lời nói, và rồi thứ luôn phải hứng chịu chính là thể xác. Đâu có gì là vẹn toàn đâu, vậy nên nó không trách ông Phước, cũng chẳng muốn đổ lỗi cho bất kỳ điều gì khác. Cuộc sống của nó vốn dĩ là vậy, và nếu cứ mãi mãi như vậy có khi lại hay, từng con người cứ lừng lững lướt qua khuôn mặt nó chỉ để lại trong đầu nó có tiếng nói, tiếng cười, cử chỉ, niềm tin, rồi thoáng chốc cũng trôi vào thứ hư không, quên lãng.
Nó nhận ra rằng con đường nó đang đi còn quá dài, để bước tiếp thì nó phải bỏ lại vài thứ quan trọng trong cuộc đời mình, và bên cạnh nó vẫn còn có nhỏ Uyên, con bạn thân mà nó vừa nghĩ sau này sẽ chung sống cùng với nó dưới một mái nhà, sẽ sống cùng nó đến hết quãng đời còn lại.
CHƯƠNG 6 : MẤT TÍCH
- Một bức tranh ư? – người mặc áo trắng kia ngạc nhiên, cầm tờ giấy lên dò xét.
Trên mặt giấy là bức vẽ hình hai đứa trẻ con đang nắm tay nhau tươi cười dạo bước trên một cánh đồng.
- Em lo lắng điều gì trong bức tranh này vậy?
- Lỗi… – nó vừa mở lời, thốt lên được một từ.
- Sao cơ, thứ gì lỗi vậy?
- Là lỗi của em… – nó nói mà mặt không có chút biểu cảm – là do em nên nhỏ mới bỏ đi luôn rồi.
Người kia tỉ tê:
- Sao em lại nghĩ vậy? Em chả làm gì sai cả.
Nó cứ thừ người ra mà nhìn vào khoảng không.
- Nghe anh nói này, em không làm gì có lỗi cả, dù cho cô bé ấy có bỏ đi vì em thì đó cũng không phải là lỗi của em đâu.
Câu nói an ủi ấy cứ khiến nó lưu tâm mãi. À phải rồi, hình như trước đây cũng từng có người đã an ủi nó bằng mấy lời tương tự như vậy, đó là một người mà nó luôn tôn trọng, người mà nó luôn coi như anh trai ruột của mình.
- Hộc… Hộc…
- Uyên lên kí rồi hả? – nó thở hổn hển.
Nhỏ nói giọng khiêu khích:
- Gì chứ, xuống xe! Để tui đạp cho, yếu đuối thiệt!
- Ừa, biết tới nơi rồi nên mới đòi chở hử?
Vẫn là chỗ cũ, nơi những bậc thang gỗ đang chỉ chờ có người đặt bước lên. Nơi căn nhà nhỏ trống trải, trên vách tường úa màu đã có chỗ phủ rêu xanh, che khuất bao lời hứa hẹn và mong ước của những vị khách lạ từng ghé qua. Có cơn gió thổi mơn man cũng làm cho giỏ xe nó lắc lư, nó gác chân chống rồi với tay lấy cái cặp trên giỏ xuống cũng đảo mắt ngó quanh.
Tháng 5, à không, chính xác phải là tháng 11, vào độ cuối thu đầu đông, là mùa nở rộ của những bông hoa cỏ lau trắng muốt tinh khiết, trải rộng cả một cánh đồng bát ngát. Nó vội bước lên từng bậc thang mà mắt cứ dán vào những bông hoa ở phía dưới, chúng làm cho nó mơ mộng đủ thứ.
- Nay tới đây thôi nghe! – nhỏ Uyên gấp mấy cuốn tập tiếng anh lại, bỏ vào giỏ – bài thi ngày mai ráng mà chép bài đi á!
- Gì chớ? Đừng có coi thường tôi à!
- Nói chớ nhiêu đó đủ được bảy điểm rồi, ráng lên!
Ngày mai là ngày thi cuối cấp đầu tiên của tụi thằng Ân, nó sắp sửa bước chân vào học cấp ba, tối nay, nó sẽ phải vùi đầu vào xấp tập đề cương một cách ngán ngẩm.
Nó với nhỏ thong thả dắt bộ chiếc xe đạp cọc cạch ra ngoài đầu đường, vừa mới ngồi lên yên thì thấy có người chạy chiếc Dream dừng lại sát bên hỏi:
- Thằng Ân đây mà phải không? dạo này lớn tướng nhỉ?
- Ô, anh Trường!!! – nó reo lên vui mừng.
Nhỏ Uyên coi bộ ngơ ngác:
- Ủa ai đó Ân?
- Anh Trường gà xóm trên đó, hồi xưa hay chơi năm mười với tụi mình á nhớ không? lâu rồi mình không qua nhà thằng Tâm nên cũng chả gặp ảnh.
- A, nhớ rồi! Nay anh để cái đầu nhìn ngộ quá, em nhận hổng ra luôn! – nhỏ đáp.
- Bây đi ăn không, anh khao! Anh mới trúng vé số mà không biết rủ ai đi ăn mừng chung, có bây tâm sự chuyện ngày xưa cũng vui phết nhể! – Anh nọ cười rộ, đặng vỗ bộp bộp vài cái lên yên sau ra hiệu cho một đứa leo lên anh chở.
- Lên đi kìa! – nó đẩy vai nhỏ Uyên – anh chạy chầm chậm thôi cho em theo nữa!
Đấy là một quán lẩu nhỏ bên đường Hoàng Diệu cách đó không xa, cả ba ngồi vui vẻ đến tận tám giờ tối, thằng Ân được anh Trường thả cho vài cốc bia đến đỏ hết mặt mũi, còn nhỏ Uyên thì chỉ dám nhấp môi.
Dăm ba câu chuyện lung tung, thằng Ân thấy anh Trường vẫn cứ như xưa, là kiểu người vui tính, hiền lành, dễ cảm thông với người khác. Từ đó tới giờ ảnh luôn là mẫu đàn ông mà nó luôn muốn hướng đến.
Sau cái ngày hôm đó nó bắt đầu tìm đến nhà anh nọ nhiều hơn, cứ hễ có chuyện gì không hài lòng thì nó lại đến tâm sự với ảnh, giống như một người bạn thân, một người anh ruột thịt vậy. Nó muốn nói cảm ơn ảnh về nhiều thứ, nhưng lại ngại ngùng nên chỉ biết vâng vâng dạ dạ. Nhất là những tuyệt chiêu ảnh chỉ cho nó để tán đổ nhỏ Uyên, thực ra là vài mảnh giấy nhỏ trong cuốn bí kíp cũ kĩ mà ảnh tự viết ra thôi, tuy vậy nhưng nó vẫn răm rắp học theo một cách thích thú, có vẻ như nó rất có thiện cảm với ảnh.
- Anh cừ thật đấy!! gì cũng biết!!
- Dĩ nhiên, ba cái trò này chú cứ để anh chỉ dạy cho!
- Mà sao anh vẫn ế vậy?
- Hừ.. Anh đá người ta hơi nhiều nên giờ còn ở vậy đấy, mốt anh sẽ cho em thấy anh đã thật tâm rồi thì sẽ đến mức nào!
o O o
Tháng 7 năm 2012. Tiền học phí càng lúc càng đè nặng lên vai thằng Ân, nó hoàn toàn đánh mất thời gian cho việc làm thêm tại quán thịt cầy Long mập. Cô Quỳnh và anh Trường gà đã tìm mọi cách để giúp đỡ, nhưng nó đều nhất quyết cự tuyệt. Sau khi đi chung với nhỏ Uyên lên trường làm một số thủ tục nhập học về, nó gấp gáp quành đầu xe đạp đi, chỉ vội nói với nhỏ Uyên một tiếng:
- Nói cô Quỳnh phần tui miếng cơm nha, tối nay về nhà hơi trễ nên chắc không kịp nấu nướng gì rồi!!
Nhỏ Uyên mở miệng định nói nhưng đã thấy bóng nó mất hút sau dãy tre già đầu đường. Nhỏ vẻ mặt đăm chiêu một hồi, rồi quyết định bí mật đến chỗ làm thêm của nó xem thế nào.
Quán “Long Mập” nằm trên đường Phạm ngũ Lão cách nhà nhó hơn hai cây số, mất khoảng mười đến mười lăm phút chạy xe đạp từ nhà đến.
Con bé Thùy Linh cũng đã thi đỗ vào một trường cấp ba có tiếng trong thành phố, sao bao nhiêu năm làm việc tại đây, đến giờ này hai đứa có vẻ đã rất thân thiết với nhau.
- Cuối tuần này đi xõa một bữa đi, tao sắp lãnh lương!! – con bé hí hửng.
- À thôi. Cuối tuần tao bận học nhóm rồi. – thằng Ân gãi gãi đầu, xua tay.
- Gì! Hai tháng nay chạy bàn suốt, nay được ngày rảnh tao rủ mày lại không đi, mày… được lắm! – Thùy Linh nhíu mày, giọng có vẻ hơi bực bội pha lẫn với thất vọng.
Thấy nét mặt con bé nhăn nhó buồn bã, nó lại có chút mềm lòng, thở dài nói:
- Haizzz. Thôi được rồi, để tao nói lại với người ta.
Phải vậy chứ!! – thế quyết định chủ nhật tuần này nghen. – Con bé bỗng vui vẻ hẳn lên, trông rất khoái trí hào hứng, đặng đưa tay kẹp ngang cổ của nó.
Thằng Ân vùng vằng thoát ra khỏi, ho nhẹ vài cái. Nó xoay người bước ra cửa tính là sẽ quét dọn đằng trước quán trước khi khách tới đông, bỗng thấy có một đứa con gái đang đứng trước cửa nhìn chằm chằm vào nó, đó là nhỏ Uyên. Nó hốt hoảng vội quay lại nhìn Thùy Linh, con bé cũng đã nhìn thấy nhỏ Uyên, đang tươi cười vẫy tay chào.
Đã khá lâu nó không dẫn nhỏ tới chỗ làm thêm của nó, vì có vài lần tới đây thái độ của nhỏ khá khó hiểu, như kiểu vừa hoài nghi vừa tức tối trong lòng. Nhỏ nói không có thiện cảm với con bé Thùy Linh và còn nói nó không nên thân thiết với con bé ấy, nhưng mà bây giờ đây, nó chẳng biết phải nói gì, chỉ bất lực nhìn nhỏ nghiêm mặt rồi vội vã bỏ đi.
Khoảng 7 giờ 10 phút, thằng Ân đã đạp xe về đến nhà, nó chẳng thèm bật công tắc điện, chỉ mở cửa dắt xe vào trong rồi chạy qua nhà nhỏ. Mẹ nhỏ Uyên đang lục sục dưới bếp, thấy nó qua bèn hỏi:
- Đã ăn gì chưa?
- Hì. Dạ nhà còn cơm không cô Quỳnh? – nó nhếch mắt, cười ngượng ngùng.
- Tao chả lạ gì, giờ này đi làm về là biết chưa ăn gì rồi! tao hỏi chơi vậy thôi, xuống đây! – mẹ nhỏ nói xong vẫy vẫy tay.
- Uyên đâ..
- Nó đang sốt! – mẹ nhỏ cắt ngang lời nó. – từ lúc chiều về nhà tới giờ chẳng nói chẳng rằng, nằm lì trên gác, vừa nãy cô lên sờ trán thấy nóng ran, giờ đang pha cho nó bát cháo đấy.
Thằng Ân nghe vậy liền bước vội lên gác, thấy nhỏ Uyên đang nằm quay mặt vào tường, phủ kín chăn lên người. Nó khẽ ngồi xuống, đưa tay đặt lên trán nhỏ Uyên, bỗng bị cánh tay của nhỏ hất văng ra, nó buồn rầu ngồi lặng thinh một hồi, rồi cất tiếng hỏi:
- Dậy… ăn cháo được chứ?
Không nghe có tiếng trả lời, nó gãi đầu thất vọng, không biết phải làm gì, lại nói thêm một câu:
- Hồi chiều… thật ra…
- Ông về nhà đi! – giọng nhỏ cất lên khàn khàn, nghe thật rầu rĩ mà ảm đạm.
Sáng hôm sau, thằng Ân xin phép nghỉ ốm, nó ngồi trước hiên nhà anh Trường, buồn bã nhìn trời nhìn đất.
- Hôm nay, anh không đi làm à?
- Anh cũng giống em thôi, xin nghỉ ốm! – anh Trường cười cười, vỗ vai nó.
- Em đừng có buồn, hồi trước anh với cô bé kia cũng giận nhau cả tháng trời đấy!
- Thế.. ai là người làm hòa trước vậy anh?
- Uhmm… Chắc là anh, hà hà, em cứ tóm gọn lại trong một bữa đi chơi, à xa hoa một xíu nhé, mà thế bọn con gái mới nguôi được.
Lời nói của ảnh chẳng biết có thấu được chút gì từ tâm lý bọn con gái hay không, nhưng nó thấy được từ ấy sự chân thành, thẳng thắn.
Có thể hôm chủ nhật nó sẽ hủy kèo hẹn với nhỏ Thùy Linh, nó phải làm điều gì đó. Cũng được 15 tuổi rồi, cũng đã đặt chân vào trường cấp ba rồi, đây chính là thanh xuân của nó, nó sẽ không để cho sợi dây tơ ấy tuột mất khỏi tầm tay, so với những lời lẽ hào nhoáng bên ngoài thì chân thành trong bản chất vẫn sẽ là thứ quyết định.
Thanh xuân của nó là người con gái ấy, là mái tóc đen dài thướt tha dịu dàng ấy, là mỗi khi thẹn thùng nhìn ngắm nhau không ai mở miệng đấy, là mỗi khi nóng giận rồi lại tìm cách hàn gắn đấy. Không. Thanh xuân của nó… chỉ là sự trốn chạy.
CHƯƠNG 7: NHỮNG BẬC THANG
- Này, hôm qua tui có lên xóm trên.
- Hả? bà lên đó chi?
- Ông còn nhớ căn nhà hoang phía cuối dãy vườn nhà ông Ba hông?
- Ừ! Nhà thằng Tâm hồi xưa. Lâu lắm rồi nghe nói không có ai sử dụng khu đất đó, để hoang vậy cũng mấy năm rồi. Mà vụ gì á?
- Căn nhà ấy, cha Trường gà, đều có vấn đề!!
- Bà Sáu, bả từng nói về việc chú Năm là giả giấy tờ nhà đất ấy, vụ đó còn có ông Trường gà tham gia nữa.
- Hả?? sao bà biết chuyện này???
- Em họ của mẹ tui, cậu Thành ấy. Hôm nọ cậu điều tra thất bại một vụ án, có nhậu say về nhà, cậu đã lỡ miệng nói ra vài thứ, tui nghe lỏm được.
- Bà… có nhầm lẫn gì không?
- Chiều hôm qua. tui thấy ông Trường bước vô căn nhà hoang đó.
- Ý bà là ảnh có liên quan đến vụ mất tích của nhà thằng Tâm? Không, không thể nào đâu, tôi biết ảnh là người thế nào mà!!
- Vậy là ông hông tin tui? hắn có bao giờ giấu ông chuyện gì hông?
- chuyện gì ảnh chả kể cho tôi nghe.
- Ông có biết hắn làm nghề gì hông?
- Công nhân, ảnh đang làm ở Xí Nghiệp Đình Lợi.
- Hổng phải, hắn hiện đang thất nghiệp, hắn nói dối ông á!
- Hả? Sao cơ?
- Tui biết được vài thứ, hắn và căn nhà ấy có liên quan đến một đường dây tổ chức nào đó, giờ tui phải chạy trốn, nếu hắn phát hiện ra sẽ…
- Khỉ thật!!! bà đang ở đâu vậy???
Thanh âm bên kia đầu dây đã im bặt, chỉ còn nghe tiếng tút tút kéo dài đến inh tai. Có lẽ chưa bao giờ, phải, đây lần đầu tiên nó nghe được giọng nói gấp gáp và kinh sợ đến tột cùng như vậy của nhỏ Uyên.
“Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra vậy” Thằng Ân tự nhủ, loạng choạng ngồi xuống một góc dựa lưng vào tường, đầu óc nó hiện giờ đã hoàn toàn trống rỗng.
Tối hôm qua từ chỗ làm về nhà, nó tính đến nhà gã hỏi một số chuyện, khi tới trước cổng, nó nghe tiếng gã đang lén lút nói chuyện với một người đàn ông khác ở bên hiên, vì âm thanh khá nhỏ nên nó chỉ nghe được vài chữ giả dụ như tiền ở đâu, giấy tờ công chứng, chuyển nhượng, và trộn lẫn với một số tạp âm gì nghe không rõ. Còn hôm nay, những phỏng đoán ấy đã được chính miệng nhỏ Uyên nói ra, nhưng nó vẫn cố chấp. Gã Trường đích thực là một tên gian xảo, gã đã làm gì mà phải che giấu công việc của mình, đó là một công cuộc làm ăn bất hợp pháp.
Nó chả kịp suy nghĩ gì nữa, vội nhớ đến câu nói cuối cùng trong điện thoại của nhỏ Uyên, đi vòng quanh suy ngẫm hồi lâu, quyết định đến nhà của tên Trường gà, nhưng rốt cục thì đôi chân nó lại đang đứng trước cánh cổng đã gỉ sét của căn nhà hoang ấy. Thằng Ân cực kì hoảng loạn, “hay là báo cảnh sát? ”, không được, nó còn chưa rõ ngọn ngành câu chuyện nữa mà. Nghĩ xong nó tiến bước vào trong quan sát, ngoài sân trước kia là nền đất, bây giờ cỏ dại đã mọc lên chi chít, um tùm che khuất cả lối đi, nó hướng ánh mắt sang phía đường luồng, quyết định đi lần theo đó xuống phía sau để mở cửa sau vào trong. Trời đã gần tối, những ánh đèn đường vàng sắp được bật lên rọi sáng lối đi, nhưng ánh sáng chẳng đủ để rọi vào khuôn viên ngôi nhà. Nó mở cánh cửa gỗ cũ kĩ mục nát, loay hoay mò mẫm cái đèn pin, bật lên soi sáng gian nhà dưới.
Nó lục lọi khắp bốn chung quanh phòng, đất bụi và màng nhện bám đầy lên quần áo, chưa tìm thấy, nó cẩn thận lần mò về phía từng cái tủ gỗ, chợt ngạc nhiên sau khi mở ra một cái tủ, bên trong có chứa một két sắt, đây có thể sẽ là vật chứng quan trọng giúp nó làm rõ vụ này. Nó nhìn kĩ quanh mặt trước của két sắt, bỗng đằng sau lưng có tiếng người nói vọng lại:
- Vô ích, được đặt mật khẩu rồi!
Thằng Ân kinh ngạc xoay người lại rọi đèn pin lên khuôn mặt ấy, đó chính là Trường gà, gã đang mặc chiếc áo thun màu nâu, quần jean, cười một nụ cười nham nhở. Nó nhận ra mình đã bị gã theo sau từ lâu, nó định thần lại, khẽ lên tiếng:
- Anh theo dõi tôi từ lúc nào???
- Câu đó tao phải hỏi mày mới đúng. Mà thôi... heh. phải giải quyết mày trước. – gã hạ giọng, cười nhẹ, khuôn mặt được chiếu sáng bởi cái đèn pin trong tay thằng Ân đã lộ rõ vẻ kiêu căng, bỉ ổi, khinh khi thay vì là cảm giác thân thuộc, hiền hậu và chân thành trước kia. Gã lôi trong túi ra một gói thuốc, quẹt diêm phì phà một điếu, mùi thuốc cùng các làn khói trắng dần tỏa khắp căn phòng, gã lại cất giọng:
- Mẹ kiếp! tên Thành chó chết, hắn đã buột miệng nói ra những điều không nên nói rồi!!
Thằng Ân vẫn giữ yên cái đèn pin, chân tay đều run rẩy, không nói gì.
- Hắn với tao đã có thỏa thuận từ trước, mà xem ra bây giờ không còn quan trọng nữa.
- Gã tiến tới chỗ nó, từng bước chậm chậm, miệng vẫn lẩm bẩm.
- Số tiền lo đám tang cho ông già mày, mẹ con bé với tên Thành đó có lo được gì đâu, toàn tao cả, tao cả đấy! – Gã bỗng nói lớn. – MẸ KIẾP! Công an cái rắm! từ vụ buôn người thành công đó, hắn lại dám lật mặt với tao!!!
- Buôn… buôn người…? – Thằng Ân đến lúc này mới mở miệng, tay cầm đèn vẫn run rẩy, nói lắp bắp.
- À! Mà nói làm gì với mày nhỉ, dẫu sao mày cũng mới chỉ là một thằng học sinh trung học bình thường, vậy mà có nhiều khi tao xem mày như là em trai mình vậy. Heh. Đúng là số mệnh thì do ông trời quyết mà. Miếng đất này khai hoang từ năm 1991, không tranh chấp, thế mà đến giờ còn chưa được cấp sổ đỏ, lão Năm còn ra vẻ như mình là người hiểu biết lắm vậy, LÃO THÌ BIẾT CÁI CÓC KHÔ GÌ!!! – gã bực dọc la lớn, dĩ nhiên tiếng vọng chỉ vừa đủ cho mình nó và gã nghe thấy, khu này lại vắng vẻ, phía bên mặt là mảnh vườn rộng lớn của ông Ba, tại căn nhà mà chỉ có một ánh đèn pin soi sáng xung quanh.
Gã lại thở ra một làn khói thuốc, ngước mắt nhìn lên trần nhà nói:
- Mày cũng sẽ phải ra biên giới thôi. Tụi tao đã làm cho nhiều người ở đây mất tích mà chẳng ai tìm được chút dấu vết nào đấy, mày tin không? Dẫu tao biết tên Thành cũng sẽ vòi lấy một khoản tiền, nhưng không sao, hà hà. – Vẫn cái giọng điệu cười cợt ấy, nhưng trong hoàn cảnh này nó như tràn ngập sự thương hại và nguy hiểm.
Thằng Ân sau một hồi nhìn kĩ khắp phòng, nó thở gấp, cảm thấy nhịp tim mỗi lúc một đập mạnh, nó đứng phắt dậy, liều lĩnh quăng mạnh cái đèn pin về phía gã Trường, đèn bay thẳng vào mặt gã một tiếng BỘP! gã đưa tay ôm mặt kêu lên vài tiếng, thằng Ân thừa cơ chạy tới gian trên, nó leo lên những bậc thang gỗ cũ kĩ, cứ thế mà tiến lên gác, nó lấy lại bình tĩnh, phải tìm cách thoát khỏi chỗ này, nó tìm quanh cố kiếm một vật gì đó thủ thân, gã Trường gà nhặt lên cái đèn pin, chậm rãi bước lên gác, tiếng bước chân trên mấy tấm ván gỗ cứ kêu kèn kẹt nghe như thể căn gác có thể sập xuống bất kì lúc nào. Chỉ một thoáng, cả hai lại chạm mặt nhau, gã cười khẩy hỏi:
- Nói cho tao biết, con bé đang trốn ở đâu?
- Đừng hòng… Thằ…ng… kh…ốn!! – nó thoáng run rẩy, nói vấp từng chữ.
- TAO NHẮC LẠI LẦN CUỐI, CON UYÊN ĐÓ ĐÂU RỒI?
Gã la lên phẫn nộ, tiến tới chỗ thằng Ân, nó cầm sẵn trong tay cái ngăn tủ gỗ, ném văng tới phía gã, gã né được, vội vàng lao đến nắm lấy tóc của nó, đồng thời một tiếng RẦM! khá lớn vang lên phía sau lưng gã, cái ngăn tủ rơi xuống va chạm mạnh làm sập những miếng ván làm giàn đỡ gác, những tiếng rách, nứt của tấm ván ép đã mục nát đang giòn giã hai bên tai, rồi dần đến chỗ mà gã Trường đang di chuyển và cả chỗ của nó nữa, cả căn gác xép nhà thằng Tâm đã hoàn toàn đổ sụp xuống nền đất.
Gã Trường bị cái thang gỗ đổ ập đè lên người nằm bất động, còn nó thì cảm thấy cơ thể hoàn toàn không có cảm giác, chỉ biết đầu đang đau nhói từng hồi, ánh mắt nó mơ màng nhìn sang phía gã, môi khẽ mỉm cười, nó thầm cảm ơn cái thang đã thay nó trị tội tên ác ôn này. Thằng Ân chợt nhớ đến nhỏ Uyên, đáng lẽ nó phải nhận ra vấn đề sớm hơn, đáng lẽ khi nhỏ gọi điện đến, nó phải tập trung lắng nghe và đồng ý hết tất cả những ý kiến ấy, nó phải hỏi xem lúc đó nhỏ đang ở chỗ nào, đáng lẽ… Nước mắt chảy dài xuống hai tai thằng Ân, đã lâu rồi nó không khóc. Mới hôm nọ, nhỏ Uyên còn đang giận dỗi nó đến mức bỏ bữa, ốm nặng nằm trên gác, nó còn chưa nói được cả một tiếng xin lỗi. Nó muốn đứng dậy đi tìm nhỏ nhưng toàn bộ thân thể của nó đã không còn chút sức lực nào nữa.
Nó nhìn lên trần nhà, một lỗ hổng lớn, cái đèn pin nằm lăn một góc chiếu rọi lung tung, thấy màn đêm đen khịt bao trùm lấy nó, bao trùm lấy cả thành phố này. Sự ganh ghét và đố kị có nằm ngoài bản ngã hay không? Bên trong thành phố này liệu còn bao nhiêu miếng “lòng tham”, “tiền bạc”, biến đổi tha hóa nhân cách của họ nữa chứ? Những con người đang tấp nập bộn bề với công việc ngoài kia, nào có ai đã từng nghĩ rằng một lúc nào đó mình sẽ biến mất mà không để lại chút dấu vết nào hay không? Nó chợt suy nghĩ đến những câu nói của gã Trường gà lúc ban nãy. Và rồi đầu óc nó dần mụ mẫm đi, cơn đau sẽ kéo dài tới lúc nào đây?
Như thể trước mặt nó vừa hiện ra một cánh đồng cỏ lau rộng bát ngát, bàn tay của nhỏ Uyên đưa ra ý muốn nắm tay nó cùng chạy đến chỗ khoảng gò nhô cao, nơi những bậc thang đang chờ đợi tụi nó ở đó.
Ngày 12 tháng 10 năm 2012.
Mắt thằng Ân nhắm nghiền lại.

CHƯƠNG BONUS: AI CŨNG CÔ ĐƠN
Tổ dân phòng và bảo vệ của khu này đã thực hiện công tác tích cực và ổn định hơn nhiều, từ sau vụ án của gia đình anh Đinh Trường, cùng với vài thành viên khác trong một đường dây buôn người qua biên giới đã được khai phá triệt để. Nhiều người trong thôn vẫn còn chưa rõ ràng được đầu đuôi câu chuyện, họ chỉ biết nạn nhân cuối cùng được cứu sống sau vụ án là một cậu học sinh nam 15 tuổi, tên là Nguyễn thiện Ân.
- Hôm nay cậu lại tới điều trị tâm lý cho nó hả, Thành? – Cô Quỳnh vẻ mặt buồn bã, trông như đã không còn sức sống nữa, hai gò má hóp lại, bà đã gầy đi rất nhiều từ sau vụ mất tích của nhỏ Uyên, hiện tại người có thể mang lại niềm tin cho bà, giúp bà tìm được con gái của mình, chỉ còn có nó, đang nằm trên giường bệnh kia.
- Em thấy mình không hợp với bộ đồ bác sĩ này lắm, mặc cảnh phục cũng quen rồi. – gã Thành công an khoác lên mình chiếc áo trắng, vừa cất tiếng, vừa liếc mắt nhìn sang phòng bệnh của nó.
- Cậu ráng giúp chị, bằng mọi cách giúp nó khôi phục lại tình trạng ban đầu, con như chị van xin mày đi!! – Cô Quỳnh vội nắm chặt tay của gã Thành, khóe mắt lại dâng lên hai dòng lệ.
- Chị cứ yên tâm, em hứa sẽ làm hết sức mình, con bé nó cũng là cháu ruột của em mà chị. – Gã Thành cười gượng gạo, nhưng nhận thấy nụ cười ấy của mình không phù hợp với hoàn cảnh hiện giờ cho lắm nên đã vội vàng thu lại. Gã nhẹ nhàng tiến vô phòng.
- Em đã cảm thấy khá hơn chưa? – gã vừa nói vừa thu tầm mắt trên trang giấy mà nó đã phác họa.
- Mà.. - nó ngập ngừng – anh.. tên gì vậy?
- heh… Anh là bác sĩ Thành, anh sẽ luôn đến đây chăm sóc cho tới khi em hồi phục lại kí ức và tâm trạng lúc trước. – Gã cười mỉm, tỏ ý thành tâm và nhiệt tình.
Thằng Ân chỉ khẽ gật đầu một cái, nó chẳng thèm để ý đến cái ống kim tiêm trên tay của gã Thành công an nữa, thong thả quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ.
Cuộc sống ở ngoài ấy như thế nào nhỉ? quanh đây có ai chỉ có thể nằm một chỗ mà nhìn ngắm mọi thứ bên ngoài giống như nó nữa không nhỉ? Có ai như nó đi vắt cạn niềm tin của mình vào những điều viễn vông đằng sau bức tranh kia không nhỉ?
Không chỉ có những người trong bệnh viện này, còn ở ngoài kia nữa, cho dù là người có nhiều bạn bè, hay thậm chí những kẻ khù khờ ít giao tiếp, thì khi đêm về, họ lại gác tay lên trán suy nghĩ về những việc mình đã làm trong hôm nay, và lại cảm thấy bản thân mình cô đơn. Huống hồ gì có người đã đến để giành tất cả sự kỳ vọng lại cho bạn rồi bỗng chốc lại bỏ ra đi, liệu bạn có cảm thấy mình thật sự cô đơn hay không?
“Từ nay mỗi tháng cứ ra đây một, hai lần nha.”
Tiếng của nhỏ Uyên vang vọng bên tai nó.
“Không phải tui đến cứu vớt ông đâu, đây là cuộc đời của ông mà.” Khóe miệng thằng Ân khẽ nở một nụ cười.
“Thấy mấy bậc thang ở kia không, giờ mình chơi oẳn tù tì, ai thắng thì bước lên một bậc và được búng tai người thua nha.”
“Búa. Tui thắng nè! ”
“Kéo. Ông lại thua nữa rồi!”
“Ah. Hoa cỏ lau chỗ kia nở đẹp quá!”.
“Bốn bậc”
“Năm bậc...”. 
17/3/2019
Đinh Tường
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...