Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Nhạc sĩ Giao Tiên: "Giàu có" và long đong lận đận

Nhạc sĩ Giao Tiên: "Giàu có"
và long đong lận đận

“… Tình anh như núi cao biển rộng/ Gom bốn phương trời xây thành lũy/ Biển trời nào mà không xanh/ Thì xin em nhớ cho rằng/ Em hiển nhiên chiếm ngự hồn anh”. Trong vài năm qua, nhạc phẩm “Lại nhớ người yêu” của Giao Tiên được nhiều khán giả xếp vào hàng “ca khúc quốc dân” bởi độ phủ sóng rộng rãi…
Sáng tác của Giao Tiên luôn thấp thoáng hình ảnh người vợ tảo tần của ông. 80 tuổi, ông vẫn nặng gánh gia đình, chăm vợ bệnh tật, chăm con gái út nằm một chỗ.
Giao Tiên sở hữu gia tài ca khúc đồ sộ. Có thông tin ông sở hữu 750 ca khúc. Nơi khác lại ghi gần 700 ca khúc… Đây là con số do tác giả “Lại nhớ người yêu” cung cấp: 1.800 ca khúc, trong đó 300 ca khúc tự sáng tác nhạc và lời. 1.500 ca khúc là thơ phổ nhạc.
Ở tuổi 80, ông vẫn sáng tác: “Anh em nhà thơ nào đặt hàng, tôi cũng viết. Thường thường, đi rong ruổi ngoài đường, tôi suy nghĩ trong đầu, tìm tòi những ý, những câu nhạc. Ban đêm tôi ngồi một mình và viết. Tôi chưa bao giờ viết một bài trên 2 tiếng đồng hồ, chưa bao giờ viết một bài mà phải sửa đi sửa lại”, Giao Tiên “bật mí” chuyện bếp núc của nghề.
Không chỉ đồ sộ về số lượng, Giao Tiên còn có nhiều sáng tác ghi dấu ấn: “Lại nhớ người yêu”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, “Đính ước”, “Anh hãy về đi”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”, “Cô Thắm về làng”… Ông được mệnh danh “nhạc sĩ của đồng quê”: “Tôi viết mộc mạc, chân quê. Bởi tôi là người của đồng ruộng. Tôi sinh ra ở Tam Quan, Bình Định, xứ dừa”, ông chia sẻ.
13, 14 tuổi cậu bé Dương Trung (tên thật của Giao Tiên) đã phụ giúp cha mẹ tát nước gàu sòng: “Nhà tôi có 4 người con gái, 2 người con trai. Anh trai tôi thoát ly, tập kết ra Bắc. Tôi tuy là út nhưng lại là con trai nên phải giúp cha mẹ. Cứ sáng sớm hoặc chiều tối lại cùng cha mẹ tát nước”.
Tuy cuộc sống ở quê vất vả nhưng không thể vùi lấp đam mê âm nhạc của Giao Tiên. Ông kể: “Tôi có năng khiếu âm nhạc, biết chơi đàn từ khi 15 tuổi. Tôi hay chơi mandolin, cũng biết chơi guitar nhưng không chơi tốt như mandolin. 16 tuổi tôi đã là thành viên ban nhạc của xã rồi”.
Nhạc sĩ Giao Tiên
Giao Tiên là tác giả của những ca khúc nhung nhớ người yêu hoặc chia ly, đổ vỡ từ trải nghiệm sống. Tuy nhiên, cũng có những bài hát được ông viết thuần túy theo đơn đặt hàng mà lại tình tứ, khiến người nghe cứ tưởng tác giả đang yêu, đang say. Ca khúc “Tình đẹp mùa chôm chôm” là một dẫn chứng tiêu biểu.
Khi đó Giao Tiên đã nổi tiếng, có một nhà phát hành âm nhạc ở Sài Gòn đặt nhạc sĩ viết bài. May mắn, có một người bạn ở Vĩnh Long đã đưa Giao Tiên về Vĩnh Long vừa ngắm chôm chôm, vừa gặp gỡ người quê. Những dữ liệu ấy đã giúp “Tình đẹp mùa chôm chôm” ra đời: “Tôi rất hữu ý, hữu tình, nhạy bén”, Giao Tiên tự khen mình.
Tác giả “Lại nhớ người yêu” là một trong những nhạc sĩ Việt Nam dùng nhiều bút danh: Dương Trung, Hoàng Hoa, Thảo Trang, Diễm Đào, Rạng Đông, Ngân Trang, Thu Anh, Kim Khánh, Xuân Hòa, Xuân Hậu, Hương Xuân…
Ông cũng từng lấy tên người yêu làm bút danh: “Lúc đó, tôi đang làm biên tập viên âm nhạc cho một đơn vị. Có một cô đến xin làm ca sĩ. Tôi không đồng ý, bởi cổ là con gái nhà lành, giọng hát không có gì đặc biệt, đồng lương của nghề ca sĩ lại chẳng đáng bao nhiêu, không thể đủ sống… Cho nên, tôi khuyên cô không nên theo nghề ca sĩ. Thấy tôi nói thực tình quá, đâm cổ thương tôi. Người ta thương tôi thì tôi thương lại”. Vì thế, bút danh “Đỗ Yến” đã ra đời.
Tuy nhiên, Giao Tiên chỉ dùng bút danh “Đỗ Yến” trong một ca khúc. Bút danh gắn bó với “nhạc sĩ của đồng quê” vẫn là Giao Tiên. Tác giả giải thích nguồn gốc bút danh đình đám này như sau: Hồi cấp 2, khi học văn thơ cổ, ông mê truyện “Hoa tiên”. “Hoa tiên” kể về cuộc tình duyên trắc trở của hai nhân vật: Lương Sinh và Dương Dao Tiên. Tác giả “Lại nhớ người yêu” họ Dương, tên Trung. Lấy “Dương Trung” làm bút danh văn nghệ thì hơi khô khan. Yêu tác phẩm “Hoa tiên”, thương nàng Dương Dao Tiên, nên ông chọn bút danh “Giao Tiên”.
Lang bạt qua nhiều miền quê, làm nhiều nghề cực nhọc
Giao Tiên bắt đầu viết nhạc từ năm 1970, ca khúc đầu tiên chính là “Phận gái thuyền quyên”: “Bài hát ra, tôi nổi tiếng liền. Chế Linh và Thanh Tuyền hát “Phận gái thuyền quyên” quảng cáo trên đài đầu tiên. Họ hát rất ăn ý”, nhạc sĩ nhớ lại.
Một số nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975 sống đàng hoàng với nghề. “Giọng ca dĩ vãng” đem lại cho nhạc sĩ Bảo Thu nguồn thu lớn, giá trị bằng cả ngàn cây vàng thời ấy. Nhạc sĩ Lam Phương có thể mua biệt thự với “Thành phố buồn”.
Vợ chồng nhạc sĩ Giao Tiên
Nhưng Giao Tiên không may. Quay lại chuyện sử dụng nhiều bút danh, ông giải thích: “Tôi viết nhanh, ở Sài Gòn nhiều hãng đề nghị mua bài, vì vậy mới đề nhiều bút danh như vậy, để đỡ trùng”. Tác giả “Lại nhớ người yêu” lấy vợ sớm. Trước năm 1975 ông đã có vợ và đàn con. Để chèo lái gia đình, ông đành bán tác phẩm ở dạng “lúa non”, gặp đâu bán đó, không thể đợi giá cao.
Dù sao cuộc sống trước 1975 của ông và gia đình vẫn ổn. Sau năm 1975, Giao Tiên bước hoàn toàn vào con đường mưu sinh, lang bạt qua nhiều vùng quê, nào Sông Bé, rồi Lâm Đồng và cuối cùng dừng chân ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Người viết những lời ca da diết đã trải qua nhiều năm làm rẫy, trồng rau củ, làm thợ nấu đường.
Hỏi Giao Tiên, vì sao ông chọn Cam Ranh là “bến đỗ”, ông tâm sự: “Cuộc đời không chọn được đâu, do hoàn cảnh đưa đẩy, ở Đà Lạt lạnh, làm ăn không được. Lúc đó, ở Cam Ranh có người bà con trong họ hàng bảo: Anh về Cam Ranh đi, chúng tôi giúp anh nuôi tôm đổi đời. Thế là rồng rắn về. Nhưng nuôi tôm lại sạt nghiệp, nợ luôn”. Công cuộc mưu sinh đã cướp mất của ông 20 năm “cách ly” âm nhạc.
Đến năm 1990, Giao Tiên phát hiện có một người lấy nhạc của ông đem đi bán cho các nhà sản xuất băng đĩa và lấy tên V.S. Năm 1994, từ Cam Ranh, nhạc sĩ lặn lội vào Sài Gòn, tìm đến những trung tâm băng nhạc hỏi rõ ngọn ngành về những “đứa con bị đánh cắp”.
Người ta mời V.S tới. V.S không thể chối cãi, bèn giải thích: Vì yêu thích Giao Tiên quá nên ông mới làm vậy, để xem thử Giao Tiên hiện giờ ở đâu, sống chết thế nào? Cũng nhờ vụ đi đòi lại “con” mà Giao Tiên mới chính thức xuất hiện trở lại. Ông lại bắt tay vào sáng tác, vì được “đặt hàng”.
Không chỉ chìm nổi trong công cuộc mưu sinh, trong câu chuyện bản quyền âm nhạc, Giao Tiên cũng là nhạc sĩ nổi tiếng gặp nhiều rắc rối. Ông từng than bị nhiều danh ca “hát chùa” mà đành chịu. Nói mãi họ vẫn không trả tiền cho ông với lý lẽ: Những bài đó họ thu trước khi có luật bản quyền. “Lại nhớ người yêu” chính là ca khúc mà “cha đẻ” của nó nhận được tiền bản quyền cao nhất, 300 USD do một trung tâm ca nhạc hải ngoại trả.
Yêu như một nông dân
Biết yêu khi mới 15 tuổi nhưng Giao Tiên chỉ có một người đàn bà duy nhất đi cùng ông đến giờ phút này, “đầu ghềnh cuối bãi” có nhau. Người ta truy tìm “bóng hồng” trong ca khúc của Giao Tiên. Ông giãi mã: “Thật ra có nhiều cuộc tình vây quanh, không phải một mình bà xã, hay cho riêng một “bóng hồng” nào. Tất cả bàng bạc, tạo thành không gian rộng lớn cho tác phẩm của tôi. Nhưng dù tôi nói đông, nói tây thì nhân vật chính tôi viết vẫn là người của tôi”.
Hình ảnh người vợ luôn thấp thoáng trong tác phẩm của Giao Tiên. Bài “Nhớ người yêu”: “Ước gì nhà mình chung vách. Hai đứa mình thức trắng đêm nay…”. Ban đầu tác giả viết: “Ước gì nhà mình chung vách/ Anh khoét tường anh đến với em”. Đến “Lại nhớ người yêu” ông viết: “Vì sao anh nhớ em thế này/ Thương nhớ đong đầy trong lòng mắt/ Buổi chiều còn gặp nhau đây/ Mà đêm đã nhớ như vậy/ Em hỡi em có hiểu có hay… Em ơi, ước gì mình là đôi chim/ Ước gì mình là sao đêm/ Hay là trăng rọi sáng đường hoa…”.
Giao Tiên kể: “Lúc mới yêu nhau, đến nhà cô ấy, tức bà xã sau này, gặp “ông già”, “bà già” rất khó. Yêu rồi là nhớ ghê lắm. Cứ ước gì được gần nhau mà đâu có được”. Ông “vẽ” chân dung vợ: “Vợ tôi gốc Bắc nhưng sinh sống ở Sài Gòn, làm ăn chất phác, thùy mị, dễ thương”.
Trong tình yêu Giao Tiên là người chân thành, cuồng nhiệt: “Tôi đã yêu là yêu tới bến, không thể nay người này mai yêu người khác. Tình yêu chân thành, hết sức nông dân”. Tôi hỏi ông, người phụ nữ đi theo ông suốt cuộc đời, chắc phải là người đẹp? Ông cười: Không cần dung mạo mỹ miều, “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
Giao Tiên nhớ lại, thời điểm về Cam Ranh nợ nần chồng chất, nếu không có bà xã có nghề cha truyền con nối là nấu bánh chưng thì gia đình ông không biết đi về đâu: “Bà xã gồng gánh với nghề bánh chưng trong đêm hôm tăm tối, rất cực nhọc nhưng lại nuôi được con ăn học, nhà cửa đàng hoàng”.
Giao Tiên viết tặng bà xã bài “Chiếc bánh chưng xanh” như lời cảm ơn người vợ tảo tần: “Bà ấy không bao giờ phàn nàn về cái nghèo. Chính bà luôn nỗ lực phấn đấu, làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho gia đình, chứ tôi không có làm được”, ông bùi ngùi.
Liên lạc với Giao Tiên khá khó khăn, ông ít khi nghe điện thoại. Về sau, tôi mới biết Giao Tiên bận suốt ngày: “Đi chợ cũng tôi, nấu cơm cũng tôi, đèn đóm hương nhang cũng tôi”, ông kể.
Không những thế, một tuần ba lần nhạc sĩ đưa vợ đi chạy thận: “Tôi đi xe máy ra ngoài bến xe, gửi ở trạm xe bus, hai vợ chồng lên xe bus đi Nha Trang, 60 cây số, cứ sáng đi trưa về”.
Ông còn chăm sóc cô con gái út không may mắn, phải nằm một chỗ bao nhiêu năm nay. Bí quyết của nhạc sĩ Giao Tiên chính là chăm thể thao song hành với yêu âm nhạc: “Tôi phải khỏe khoắn để lo cho vợ, cho con”.
14/7/2022
Nông Hồng Diệu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...