Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Tiểu luận Huỳnh Phan Anh: Hàn Mặc Tử

Tiểu luận Huỳnh Phan Anh:
Hàn Mặc Tử

Có lẽ không gì mâu thuẫn bằng chú giải một nhà thơ. Người ta không thể làm công việc đó, dửng dưng với ám ảnh đeo đẳng của sự bất lực. Hơn đâu hết trong các bộ môn, thơ mở ra đồng thời đóng lại trước mọi nỗ lực soi sáng. Mọi lời chú giải trên thơ (cũng như trên mọi công trình nghệ thuật?), mang ý nghĩa một sự diễn đạt, diễn đạt một vũ trụ tự nó hầu như đã đầy đủ, không còn gì để nói thêm. Tác giả mặc nhiên không còn. Tác phẩm tự nó biện minh hay ở đời. Không ai lên tiếng biện minh cho nó. Sáng tạo cũng là một cách chết. Sáng tạo là chết đằng sau tác phẩm mình. Tác phẩm trở thành một thực tại hàm hồ. Nó như một chiếc mặt nạ. Sau chiếc mặt nạ, lẩn trốn một người. Nhưng nhìn vào nó, người ta không thấy một ai được xác định. Tác phẩm là một sự giấu mặt đang lên tiếng gọi mời. Nó đòi hỏi được đón nhận, nhìn vào đồng thời là một cản trở.
Hơn là một độc giả, người chú giải, phê bình có bổn phận biến tác phẩm thành một khả hữu và hơn thế nữa, một khả hữu phổ quát cho mọi người, không những chỉ cho riêng hắn. Hắn là một người hòa giải. Ở hắn thể hiện sự dung hòa giữa niềm vui khoái, đam mê của những người thưởng ngoạn và sự sáng suốt của chính người sáng tạo. Nói theo Blanchot, hắn thực hiện một công tác kỳ lạ đối với tác phẩm, vừa tiến lại gần vừa lảng ra xa, phế bỏ, vừa hoàn thành, giản lược vừa đào sâu. Hắn hư vô hóa tác phẩm ngay khi biến nó thành một khả hữu cho mọi người. Tầm quan trọng của hắn hệ ở chỗ hắn vạch cho tác phẩm một ý nghĩa, điều này có thể làm ngạc nhiên tác giả, và chính hành độnhg này, một hành động có thể là tốt, đã giản lược tác giả về hư không: tác phẩm là cơ hội xuất hiện của một ý nghĩa hoàn toàn xa lạ mà tác giả có thể không nhìn nhận hay chống kháng. Nhà chú giải trở thành một căn bịnh cần thiết. Bởi tác phẩm cần tới hắn, một cách nào đó, cần được sáng tạo không ngừng.
Nhà thơ Hàn Mặc Tử
Có thể nói rằng công việc chú giải là một thất bại ngay từ khởi điểm (nó bao hàm một ngụy tín, một thái độ hàm hồ). Cho nên phải chăng sau cùng mọi nỗ lực chú giải, phê bình nhất thiết đưa về im lặng trước chính tác phẩm, tác phẩm tự nó cũng là một thực tại hàm hồ, bí ẩn. Có lẽ càng hàm hồ khi tác phẩm lại là thơ. Có thể thơ hàm chứa nhiều nhất đồng thời thơ lại là nơi ta dễ dàng lạc lối nhất. Nó là một cánh rừng mà mỗi ngõ ngách có thể dẫn ra đồng thời đánh lạc. Một hang động trong đó người ta chỉ có thể tìm ra bí mật bằng sự lạc lõng của chính mình. Bởi thơ là biểu tượng, là hình ảnh. Thơ tạo dựng một vũ trụ qua trung gian biểu tượng, hình ảnh. Một vũ trụ phi thực, một vũ trụ chỉ có ý nghĩa trong tính cách phi thực của nó. Hơn đâu hết, biểu tượng, hình ảnh là điều kiện của thơ, lý do tồn tại của thơ. Biểu tượng chính là thơ. Đâu là đặc tính của biểu tượng, hình ảnh?
Biểu tượng, hình ảnh tự chúng không là gì nếu không có thực tại chống đỡ sự sống của chúng. Biểu tượng đi đôi với một tác động biểu tượng hóa, hình ảnh với một tác động ảnh hóa. Tôi không thể xây dựng hình ảnh cái bàn tách biệt với thực tại bàn, một cái bàn thật, trong một không gian nào đó. Đó là quan niệm thông thường nhất, thực nghiệm nhất. Nhưng cái hiển nhiên thường đến với ta trong sự vô tình hay giấu mặt hầu như không ai hay biết. Hình ảnh thơ không diễn đạt thực tại một cách quá thơ ngây dung dị. Thơ là vũ trụ những hình ảnh có giá trị một sự mê hoặc, một thứ ma thuật. Nó biến thành hình ảnh của chính hình ảnh. Một hình ảnh mê hoặc, ma thuật bắt buộc phải là một hình ảnh lẩn tránh, giấu mặt. Nó không còn là biểu tượng của thực tại đồ vật, nó chính là điều kiện khả hữu của biểu tượng đó. Nó là thực tại đang tiêu hủy hay một ảnh tượng đang hoàn thành. Nói theo M.J. Lefèbvre, hình ảnh là tác động của trí tuệ đang – sau thực tại xuất hiện cho nó, sau và ngoài – tiếp tục hướng về một thực tại hiển nhiên không ngừng thoát chạy. Hình ảnh không là thực tại. Nó là một ý hướng. Nó thể hiện một dự phóng. Nó hoàn thành một ước muốn. Nó không biểu tượng cái hiện hữu. Nó lẩn tránh chính biểu tượng. Nó nhằm đưa tới một vũ trụ hàm hồ, một vũ trụ đồng thời một phủ nhận vũ trụ. Hình ảnh mê hoặc chỉ là một khoảng trống thiết yếu. Thơ không là thực tại, không là tổng số những hình ảnh xác định một thực tại rõ ràng. Nó là một ước muốn hơn thế nữa, là một đam mê, mù quáng cũng nên, có đối tượng là cái chưa có, cái chưa biết được, cái không thể biết, nghĩa là một thực thể vô danh và người đọc thơ hay chú giải thơ thử lên tiếng gọi tên. Thơ thể hiện một ý hướng tính không có ý hướng, nói một cách nào đó, nó hướng về cái không có, nó đòi hư vô, một “đam mê vô ích”. Phải chăng thơ sau cùng chỉ còn là một niềm im lặng tuyệt đối của thi sĩ, vũ trụ thơ chỉ còn là vũ trụ nội giới, chủ quan của thi sĩ. Điều duy nhất người ta có thể thâu tóm ở hắn chính là cách thế phát biểu. Người ta có thể phủ nhận vũ trụ của thi sĩ hay giải thích nó bằng mọi cách (giải thích phải chăng cũng chỉ là một cách phủ nhận?), nhưng người ta không thể chổi bỏ chính cách thế phát biểu của hắn.
Thơ, để làm gì? Thiết tưởng người ta không làm thơ để nói lên một điều gì (có lẽ khi nói ngược lại, người ta đã không làm thơ nữa). Nếu có, phải chăng đó là sự bất lực. Phải chăng bằng chính sự bất lực đến cùng tận đó, thơ phát biểu trung thực nhất thân phận thi sĩ, và nếu cần, thân phận làm người của thi sĩ. Trong ý nghĩa đó, thi sĩ là kẻ tham vọng nhất. Antonin Artaud, một thi sĩ, đã nói: “Tôi luôn viết để nói rằng tôi không làm được gì, không thể làm được gì, và nếu làm được thì thật ra tôi không làm gì hết. Toàn tác phẩm tôi đã xây dựng và chỉ có thể xây dựng trên hư vô”. Thơ tham dự trực tiếp vào hoàn cảnh hữu hạn con người cũng như thơ không thoát ngoài thân phận nó: ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Nói theo Bernard Charbonneau, “đòi hỏi mọi thứ ở ngôn ngữ chính là hủy diệt nó”. Breton và trường phái siêu thực đã đem được gì khi đồng hóa thi ca và cách mạng? Sau cùng phải chăng chỉ còn một cách, trả thơ về với tiếng nói, thứ tiếng nói xao xuyến nhất của nội tâm con người.
Những ý nghĩ trên đây có thể phần nào gây xao xuyến công việc chú giải thơ, cả việc đọc thơ và nói rộng ra, cả việc tìm tới nghệ thuật. Đó là tình cảm e thẹn của người đọc khi đứng trước thơ, tìm mọi cách chọc thủng những chiếc mặt nạ phủ lên hình ảnh, phủ lên thơ: một việc làm đầy hoài nghi, lúng túng.
Thơ Hàn Mặc Tử đã được chú giải bằng nhiều cách, nhìn ngắm từ nhiều khía cạnh. Có thể chiêm ngưỡng thơ ông bằng một tâm hồn sẵn cảm xúc âm nhạc hay màu sắc. Có thể mượn tâm phân học tố cáo ở người thơ một nhân vật bệnh hoạn, và thơ ông như một cách giải tỏa ẩn ức. Có thể tìm thấy trong thơ ông những lời ca tụng hay những xúc cảm chân thật trước cái đẹp, tình yêu, kỷ niệm, đấng thiêng liêng… một thi sĩ biết mình là thi sĩ. Nghĩa là sự cám dỗ, mê hoặc của vũ trụ hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử có thể đẩy cảm quan theo một chiều hướng hay đến một chân trời nào đó. Làm sao có thể phê phán trên chính những lời chú giải khi thơ tự nó không nói lên gì, nó chỉ nói lên cái người thưởng ngoạn cảm xúc thấy, nghe thấu được: thưởng ngoạn, chú giải là tước đoạt lời nói của người sáng tạo.
Thơ Hàn Mặc Tử? Tại sao không nhìn nó như một kinh nghiệm trước hết của một con người, một thực tại con người ngay trong thân phận, trong sử tính đích thực của nó? Thi sĩ đã nói về công việc làm thơ của mình, là “nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”, đã nói tới những “âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút”. Thơ là sự mời gọi tham dự vào chính những cảm xúc, những trạng thái tâm thần, những tình tự, kinh nghiệm của chính người thơ. Thơ trở thành kinh nghiệm tập thể, một kinh nghiệm khởi từ cá nhân để tan vào đám đông được mời tham dự. Kinh nghiệm thơ, kinh nghiệm người làm thơ là một. Kinh nghiệm ẩn sau từng chữ từng tiếng, từng hình ảnh. Đọc thơ, chú giải thơ là tìm tới kinh nghiệm nền tảng của thi sĩ.
Descartes một lần nói rằng, cơn thịnh nộ của thi sĩ nhiều khi hàm chứa nhiều hơn cả túi khôn triết học. Ngày nay, nỗ lực đem thi ca tới gần siêu hình học thiết tưởng chỉ bằng thừa khi ta quan niệm thi ca trước hết là kinh nghiệm sâu thẳm của con người, con người tấn phong bằng tính cách siêu hình của nó. Thực tại kinh nghiệm, thực tại người ẩn sau từng ngôn ngữ, thể hiện ngay trên từng ngôn ngữ. Phải chăng đó là cái gì có thật nhất bên cạnh ngôn ngữ ma thuật, cái gì khẳng định nhất bên cạnh ngôn ngữ hàm hồ. Ta đứng trước một vũ trụ, tự hỏi mộng hay thật, trước mắt hay trong ảo giác, tất cả những sương đục, trăng thề, tơ liễu, những hào quang, châu ngọc, những “vàng sao rơi đầy trên sóng nước”, những “đêm xao xuyến vũng sông Hằng”, những “âm hưởng địa cầu đang vỡ toang ra từng mảnh”… Tất cả tham dự hành trình của một vòng cảm xúc của thơ hay tất cả từng phút từng giây trở về, lảng vảng, xoay quanh, đeo đẳng một cảm xúc, một kinh nghiệm duy nhất, nền tảng. Tất cả, mang vẻ sững sờ. Tất cả: niềm hốt hoảng xao xuyến đang lên tiếng nói. Thi sĩ nói nhiều tới trăng, nhắc nhiều tới trăng. Trăng lấp đầy thi hứng. Trăng biểu hiện niềm cô đơn tuyệt đối. Trăng cưu mang niềm mơ ước. Trăng chính là sự trở về trong cảm xúc thi sĩ, sự trở về trong thảng thốt, kinh hoàng của thi sĩ trong chính hoàn cảnh, thực tại, trong chính kinh nghiệm “qua cầu”.
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng.
Chỉ còn có trăng, cùng với tình cảm khô chết, hấp hối.
Ánh trăng mỏng quá che không nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rũ
Những lời năn nỉ của hư vô.
Chỉ còn có trăng và kinh khiếp thay, trăng cũng lùi đi dưới mắt nhìn ngưỡng vọng. Còn có trăng nghĩa là không còn gì hết. Bao lời thơ thống thiết chỉ để nói lên rằng không còn gì nữa, trừ “những lời năn nỉ của hư vô”.
Thơ và đau thương. Thơ là kinh nghiệm đau thương đó.
Có lẽ không phải tình cờ mà tập thơ xuất sắc nhất của thi sĩ nhan đề ĐAU THƯƠNG. Nếu cần người ta chỉ có thể thâu tóm thơ Hàn Mặc Tử về một ý niệm tương tự, một ý niệm nền tảng. Thơ vẽ nên dung nhan hư hoại của kiếp người. Thơ đào sâu kinh nghiệm thiếu sót, tình cảm bại vong trong hành trình bát ngát của thân phận người. Hiện tại, ngay cả hiện tại cũng không còn, ngay cả hiện tại cũng không có. Bởi không một niềm vui, một hạnh phúc nào bình yên, vĩnh cửu. Nó già cỗi từ bao giờ, đã vượt khỏi tầm tay, đã rơi vào quá khứ. Thơ không là lời hồn nhiên ca tụng. Thi sĩ đánh mất thơ ngây. Chỉ có quá khứ ngổn ngang đổ vỡ và tuyệt vọng để khóc than. Chỉ có những ám ảnh thời gian với trăm ngàn sụp đổ đón đợi. Con người thất bại vì nhất thiết nó đã hay sẽ bị tước đoạt tất cả: tuổi trẻ, tình yêu, khoái lạc… Tất cả gãy đổ, băng hoại ngay trong dự phóng con người.
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Ta trút linh hồn giữa lúc đây
Gió sầu vô hạn nuối trong cây...
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi?
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau
Mới hay phong vị nhiệm mầu
Môi chưa nhấp cạn mạch sầu đã tuôn.
Cái chết ám ảnh, dọa nạt, cái chết âm ỉ trong tâm hồn. Thi sĩ sống cái chết của mình. Hư vô chính là kinh nghiệm thi sĩ.
Trong ám ảnh của cái chết, trong thôi thúc của thời gian, trong khả hữu của hư vô toàn diện, đâu là cơ hội sau cùng của thi sĩ? Đâu là sự cứu rỗi cho phần số hạn hữu? Phải chăng đó là niềm tin ở một đấng? Phải chăng đó là phút huy hoàng mãnh liệt và đầy ắp? Phải chăng đó là sự kêu đòi hay nguyện cầu vô vọng? Có thể nhà thơ đã không từ chối một cơ hội nào xảy tới. Không cơ hội nào gọi là sau cùng. Không sự cứu rỗi nào gọi là duy nhất. Hàng trăm hàng ngàn vũ trụ hãy còn chưa đủ cho thi sĩ sống kịp đời mình.
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu lên thảm thiết
Cứ nhắm mắt cứ yêu nhau như chết
Cứ sảng sốt tê mê và rũ liệt
Đứng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh cả không gian
Cả thời gian từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo điều hòa và xí xóa
Thành hư không hư tình ái đôi ta...
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả hàng giang, cả màu sắc thinh không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng cho đê mê nguyện ước.
Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh
Thi ca vạch những con đường cứu rỗi cho ý thức khốn khổ bủa giăng bởi hư vô, hư vô chực làm suy sụp mọi dự phóng. Thi ca chính là sự cứu rỗi của người thơ không bao giờ ôm trọn cuộc sống trong tay. Thơ là đặc ân của thi sĩ. Có thể nói rằng chính sự thức tỉnh trước thân phận bàng hoàng, èo uột của kiếp người (có nhất thiết một người mệnh danh Hàn Mặc Tử?) đã đẩy thơ Hàn Mặc Tử tới những chân trời kỳ diệu của ngôn ngữ. Nó là tiếng kêu hốt hoảng của tâm hồn. Nó là cơn gào thét của khoái cảm sắp tiêu ma. Nó là nỗi kích thích, sức dồn đầy của da thịt, của thần kinh, của não bộ. Nó mặc khải một vũ trụ, vũ trụ mà thi sĩ kêu đòi, vũ trụ trong đó thi sĩ chỉ có thể chiến thắng hư vô bằng nhục cảm có thật đang kêu gào, chới với, ngất ngư:
Ồ say sưa trên hết các tục tình
Ồ thú lạ những phút giây thinh thoát
Hương cho thơm ứ đầy hơi khoái lạc
Máu cho cuồng run giận đến miên man
Hồn hỡi hồn, lên nữa quá không gian.
Vũ trụ thơ là tấm gương trong đó thi sĩ nhận ra hình ảnh của chính mình. Tâm tình bất trắc, đó là kinh nghiệm thi sĩ, kinh nghiệm thống trị trong số kiếp một người. Thơ là sự phục thù của thi sĩ, kẻ bị đè bẹp bởi định mệnh. Ngôn ngữ trở thành một khí giới. Nó đi tìm những khích động thần kinh. Nó đặt thơ và sự thưởng ngoạn thơ vào một cảm xúc mãnh liệt. Thơ hay là máu và nước mắt của thi nhân. Thơ không xuất phát từ trí tuệ. Nó bùng nổ từ những trung tâm thần kinh hệ. Thơ thể hiện những dự phóng hiện thực nhất, thơ ngây nhất của con người trong thi sĩ. Thơ vượt khỏi nguy tín của nghệ thuật.
Và để trở lại với những gì đã nói ở phần trên, ta có thể nói Hàn Mặc Tử thuộc những thi sĩ mà tác phẩm tự nó chối từ chú giải: nó đã là lời chú giải cho chính nó.
Vâng, thơ Hàn Mặc Tử đã tự đầy đủ cho chính nó. Thơ đã tự đầy đủ cho chính thơ. Và tôi không ngần ngại phát biểu rằng đó chính là sự thật sau cùng, nền tảng ở cuối những con đường tìm kiếm của người đọc thơ. Đó cũng là sự thật sau cùng, nền tảng của chính thơ, của chính người làm thơ. Người ta không thể đọc thơ như người ta nhìn ngắm một món đồ tử phía ngoài. Đọc cũng là một cách gia nhập. Người đọc thơ không là kẻ mang đến cho thơ một lời chú giải. Phải nói hắn chỉ là kẻ mang lời chú giải ra khỏi thơ, bởi lời chú giải về thơ không ở ngoài mà ở ngay trong thơ, nó là một với thơ. Nghĩa là thơ không chỉ là thơ nữa. Và thi sĩ không chỉ là người làm thơ một cách thơ ngây hay sung sướng. Có lẽ đây là chỗ cách ngăn khốc liệt giữa hai quan niệm thơ, về phía người thưởng ngoạn cũng như về phía người sáng tạo. Có lẽ ta không còn ở vào thời đại của một giòng thơ và từ đó của một giòng nghệ thuật thơ ngây, vô tội – sản phẩm của một cơn rung động thoáng qua hay một phút tình cờ may mắn nào đó. Có lẽ mai đây người làm thơ bắt đầu cuộc hành trình của mình không từ một khởi điểm nào khác ngoài khởi điểm của thơ. Chính từ khởi điểm của thơ, người làm thơ tìm đến yếu tính của thơ. Người ta có thể làm thơ trong cuộc đời. Nhưng thi sĩ là kẻ làm thơ ở ngay trong thơ của mình. Thơ không còn là tiếng nói của một phút giây hoan lạc hay sầu khổ đã từng lướt thoáng qua tâm hồn thi sĩ. Thơ không là tiếng nói. Thơ không là ngôn ngữ. Thơ là tiếng nói, là ngôn ngữ đã tinh lọc để trở thành tiếng nói của chính tiếng nói, ngôn ngữ của chính ngôn ngữ. Và mai đây người đọc thơ không còn là kẻ chỉ biết rung động và rên rỉ với từng dòng từng chữ của một bài thơ. Hắn phải có can đảm vượt qua những bức tường chữ nghĩa đầy phỉnh gạt để đạt tới cái cốt tủy bên trong. Hắn là kẻ mang mặt nạ của anh chàng Orphée, tình nguyện sa chân vào địa ngục theo tiếng gọi thầm lặng của Eurydice yêu dấu. Vâng, có một thứ tiếng gọi thầm lặng thốt lên từ mỗi một bài thơ. Đó chính là linh hồn của mỗi một bài thơ. Đó chính là bài thơ đích thật ẩn giấu trong mỗi một bài thơ. Đọc thơ? Có lẽ người ta không đọc thơ nữa. Và có lẽ thơ cũng không còn nữa. Điều đáng kể chính là thơ ở ngay trong thơ, chính là tiếng nói về thơ chứa đựng ngay trong thơ. Với Holderlin, với Lautréamont, với Rimbaud, v.v…, phải chăng một dòng thơ mới đã bắt đầu, dòng thơ bao gồm trong nó một ý thức mãnh liệt về thơ. Thi sĩ là người đầu tiên đọc thơ mình. Thi sĩ là người đầu tiên thức tỉnh ngay trong vũ trụ thơ của mình. Thơ thể hiện một cái nhìn về vũ trụ. Thơ đồng thời thể hiện một cái nhìn về chính cái nhìn đó. Đọc thơ Hàn Mặc Tử. Điều này có nghĩa là cùng một lúc tham dự vào hai cuộc hành trình say mê và hứa hẹn, một của nguồn cảm hứng sáng ngời của một tâm hồn bén nhạy và một của ý thức thơ nơi thi sĩ. Mường tượng một cái nhìn bàng bạc trên khắp các lời thơ của Hàn Mặc Tử, một cái nhìn thấu suốt căn phần thi sĩ cũng như căn phần chính thơ:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thâu
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.
Thi sĩ làm thơ đồng thời không ngớt nói về thơ, trò chuyện với thơ:
Ta cho ra đời một giòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn ngôi tinh lạc xuống mười phương
Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt
Đường thơ bay sáng láng như sao sa…
Trên lụa trăng mười hai giòng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng kết tinh hoa
Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
Khiến châu thân rung động thể tơ trăng
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc
Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng…
– “Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ”.
Với Hàn Mặc Tử, làm thơ cũng là một cách định nghĩa thơ rồi vậy.
29/2/2021
Huỳnh Phan Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...