Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Trần Anh Thái, con đường của trường ca

Trần Anh Thái,
con đường của trường ca

Nhà thơ Trần Anh Thái sinh năm 1953 ở Tiền Hải, Thái Bình. Hiện là nhà thơ, nhà báo quân đội. Năm 2008, tập trường ca Trần Anh Thái tập hợp ba trường ca viết vào ba thời kỳ khác nhau gồm có Đổ bóng xuống mặt trời, Trên đường và Ngày đang mở sáng đã được NXB Hội Nhà văn xuất bản. Nhà thơ Trần Anh Thái là tác giả thơ nổi trội về thể loại trường ca đã được khẳng định tại các giải thưởng văn học, cùng sự thẩm định của các nhà nghiên cứu-phê bình văn học, được một số nhà nghiên cứu đánh giá là tác giả làm hồi sinh thể loại trường ca đầu thế kỷ 21. Trường ca Đổ bóng xuống mặt trời (năm 1999) đã giành giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng, giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ.
Nhà thơ Trần Anh Thái
Trong bóng tối của những điều chưa biết là ánh sáng. Ánh sáng ở nơi chưa có con đường. Trần Anh Thái từng nghiệm sinh như thế. Nên muốn đến được với ánh sáng, người ta phải tự tìm đường cho mình. Trần Anh Thái là một hành nhân bền bỉ đi tìm ánh sáng thơ ấy. Ngọn đuốc tuệ của tôn giáo thơ đã là một hấp lực vừa nâng đỡ vừa thúc giục Trần Anh Thái tìm ra con đường của riêng mình. Đó là trường ca.
Có thể nói, rất ít “cái kể” trong trường ca Trần Anh Thái. Cốt truyện sự kiện bị phân rã và cốt truyện tâm lý được đẩy lên đến cao trào. Nó làm nên nét khác biệt của trường ca Trần Anh Thái so với trường ca trước đó. Cấu trúc tự sự trong trường ca của anh dựa hoàn toàn vào cảm xúc, lấy cảm xúc làm mạch chủ đạo, mạch sự kiện chỉ nảy sinh nhờ liên tưởng. Trong khi, cấu trúc tự sự trong trường ca trước Trần Anh Thái lấy sự kiện làm mạch chủ đạo, mạch cảm xúc chỉ nảy sinh như trữ tình ngoại đề. Nên ngay từ tên trường ca, đã thấy dấu hiệu của cái đã xảy ra, của quá trình: bài ca, khát vọng, đường tới, đi tới, sư đoàn,…
Sự khác biệt về mặt cấu trúc tự sự của Trần Anh Thái so với thế hệ đi trước không giản dị ở chỗ ngay từ cái tên tác phẩm đã thấy cái đang xảy ra, cái đồng hiện (đổ bóng, trên đường, đang mở) mà là ở cấu trúc bề sâu của văn bản tự sự. Ở một góc độ nào đó, có thể nói, thơ Trần Anh Thái là một độc thoại triền miên. Vọng trắng, Độc thoại trắng là âm điệu chủ đạo, một chủ âm trong thơ Trần Anh Thái. Tất cả thơ anh bị xoáy hút bởi một cắc cớ: Anh tìm lửa đâu soi đâu ngày tháng. Đọc từ đó, có hai cặp đối ứng của lửa: lửa khởi hoang – lửa chiến tranh trong Đổ bóng xuống mặt trời; lửa chiến tranh – lửa hòa bình trong Ngày đang mở sáng. Nếu đặt thêm Trên đường, với tư cách như một tuyên ngôn nghệ thuật, vào tổng thể trường ca Trần Anh Thái, sẽ được một cấu trúc “kép”, hai tầng bậc của khởi nguyên “ba ông đầu Rau” của lửa. Đó là ba trường ca ở bề mặt, là “tam vị nhất thể” lửa khởi hoang – lửa chiến tranh – lửa hòa bình ở bề sâu. Cái căn bản làm nên hồn thơ Trần Anh Thái.
Ở Đổ bóng xuống mặt trời, nhân vật trữ tình sống với làng quê qua huyết thống, qua huyền thoại được nghe kể lại và cũng là người trực tiếp tham gia chiến tranh. Những ngọn lửa đầu tiên của ba ông Đầu rau dựng làng da diết bao nhiêu thì ngọn lửa đầu tiên của chiến tranh hủy diệt đất nước nhức nhối bấy nhiêu trong tâm cảm nhân vật trữ tình. Trong cái vinh quang lập làng lập nước luôn có nỗi đau của sự hy sinh. Trong niềm vui chiến thắng vệ quốc luôn có nỗi buồn của sự mất mát. Vì vậy, song hành với lửa khởi hoang và lửa chiến tranh là lửa nhang trên ban thờ. Đó là biểu thị của lòng biết ơn tiên tổ, sự gắn kết con người với truyền thống: Những nén nhang đền Vọng sáng đêm ngày/ Ban thờ mỗi ngôi nhà cháy đỏ. Làng sinh thành, sinh sôi và làm nên đất nước.
Khi đất nước lâm nguy, những đứa con của làng cảm tử lên đường nhập ngũ gìn giữ mảnh đất cha ông. Gương mặt họ nhòa đi trong lửa đạn chiến tranh: Gió khét lẹt mùi bom dầm mồ hôi thuốc súng. Mồ các anh cỏ xám màu thuốc đạn buồn bã gục vào nhau. Để rồi, “chiến tranh đi qua dọc con đường đầy hoa tươi và vòng tang trắng”, gương mặt thời gian có thể nhòa đi nhưng với những người lính trở về: Nỗi cô đơn nảy mầm khi ánh ngày tỏa sáng. Bủa vây tâm hồn người lính hậu chiến là nỗi ám ảnh của đêm đen quá khứ. Chiến tranh là đêm dài mất ngủ. Chiến tranh không chỉ hiển hiện ở nơi xa xôi, nó đau đáu trong ngôi làng đất Việt. Người lính hy sinh rồi một ngày sẽ hòa mình vào đất sa trường nhưng đất làng mất đi người con nỗi đau luôn đọng lại, dằng dai: Ba mươi lần người đời sắm ngựa hồng, giày nhung vàng mã…/ Chị chẳng có cho mình/ Nắm đất thắp nhang riêng…/ Cây vàng mã mua cất vào góc tủ/ Chị sợ đốt rồi hương khói sẽ bay đâu. Với những câu thơ xé lòng như thế, quầng lửa sa trường ác nghiệt hơn hay đốm lửa lập lòe ban thờ ác nghiệt hơn? Người lính hậu chiến trở thành “tượng đá suy tư” trong nỗi cô đơn tuyệt đỉnh của mình. Họ trở thành “những loài hoa lặng lẽ nở về đêm”.
Đổ bóng xuống mặt trời đã được kết cấu như thế. Từ cái gốc đêm suy tư mọc ra các cành nhánh vươn về huyền thoại lập làng và chiến tranh giữ làng. Ở hai cành giao thành lùm tán ấy, ánh lửa ngời lên. Ngày đang mở sáng tiếp nối từ gốc cội ấy. Sinh sôi từ ngọn lửa ủ sâu trong đất, trường ca bổ khuyết cho nhánh vươn về chiến tranh với việc mở rộng cảm nhận về chiến tranh sang cả chiến tuyến bên kia và tiếp thêm sức sống cho nhánh vươn về huyền thoại với việc mở rộng cảm nhận về đời đang hiện sống. Tất cả làm cho cội cây kia vươn thành cổ thụ với sức sống mạnh bền.
Không còn là ngọn lửa trực hiện, lửa trong Ngày đang mở sáng là lửa của niềm đau, của nước mắt. Đó là thứ lửa cháy bỏng của nước, không bật lên ánh lửa mà sôi chảy thành dòng ở đáy sâu. Cái lạ nhất của trường ca là có một nguồn mạch không có dấu ấn của đề tài “quan phương”, của chất liệu bậc cao làm thành chất sử thi của trường ca: tình yêu trong sự vây bọc của đời thường. Đây là một thể nghiệm táo bạo, gợi mở khả năng chiếm lĩnh những phạm vi ngoài giới hạn của trường ca truyền thống, góp phần mở rộng biên độ thể loại. Đặt trong nguồn thơ Trần Anh Thái, sự có mặt của mạch thơ là một bổ trợ cần thiết trong việc chiêm nghiệm về đời sống, nó là nhựa ấm góp phần cho nhánh vươn về huyền thoại, trong xu thế làm nổi bật cái hiện sống của cuộc đời, sáng lung linh hơn bởi những quả lửa.
Cái nổi bật và làm nên thành công của Ngày đang mở sáng thuộc nhiều hơn ở mạch về niềm đau của chiến tranh: Tôi nghe lạnh giữa hai bờ cuộc chiến/ Cái chết nối hàng/ Cái chết tiễn đưa nhau. Xác quân thù xác bạn gục vào nhau, thơ Ngày đang mở sáng cất lời tang thương của cuộc chiến nồi da xáo thịt. Không ai có ý phủ định chính nghĩa cuộc chiến nhưng không ai được quyền phủ định sự hy sinh để có chính nghĩa. Bởi cái giá của cuộc chiến ấy là: Xác chết chồng xác chết đợi ngày. Trong tư cách người lính, anh nhận ra một thế hệ các anh: Kẻ thắng trận hai tay ông mặt khóc/ Thương tích tạc vào gió thổi ngàn sau. Và với riêng anh: Tôi đã viết như tôi đã chết/ Nước mắt tạc vào gió thổi ngàn sau. Thương tích là lửa mà nước mắt cũng là lửa, cháy bỏng, rát bỏng. Cái vô hình được đưa ra để lột hiện cái hữu hình. Với chiến tranh, nếu Bảo Ninh làm được thế nào ở văn xuôi, thì với thơ, Trần Anh Thái là một lời hô ứng.
Có thể nói, từ Đổ bóng xuống mặt trời đến Ngày đang mở sáng, Trần Anh Thái đã đi xong chặng đường hậu chiến. Tái nhận thức được đặt ra và chỉ ra một cách sâu sắc, riết róng. Trên đường là cuộc thám phá vào quan niệm thơ, khẳng định ý hướng từ Đổ bóng xuống mặt trời và nhen nhúm cho khát vọng khai phá những mảnh đất mới cho trường ca. Kết quả của nỗ lực ấy là Ngày đang mở sáng. Và chính ở chỗ này, ngoài mô hình văn bản được tổ chức trên nền tảng cảm xúc, đã được coi như một đóng góp của Trần Anh Thái cho trường ca, anh tiếp tục ham muốn khơi mở trường ca vào những vấn đề của thế sự, đời tư. Liệu trường ca đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Câu trả lời nằm ở chỗ có hay không việc trường ca viết được và viết hay mà không cần nương vào âm hưởng hùng ca (mà dấu vết vẫn còn rất rõ trong Ngày đang mở sáng). Nghĩa là Trần Anh Thái còn tiếp tục trên đường. Còn đi xa đến đâu, ấy còn do năng lượng lửa thơ anh có đủ cháy lên mơ mộng nghệ thuật.
21/12/2019
Đoàn Ánh Dương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Văn Song – Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre 31 Tháng Năm, 2022 Thơ lục bát của Nguyễn Văn Song dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người bởi...