Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Bão qua, tình người ở lại

Bão qua, tình người ở lại

“Nhà em kiên cố, có chỗ trú đến 70 người, mời sinh viên, người dân ở khu nhà trọ, nhà cấp 4 đến trú bão.
Cơm nước đầy đủ, miễn phí”, “An toàn tính mạng là trên hết, khách sạn em miễn phí đón bà con đến tránh bão”, “Nhóm thiện nguyện em có xe bán tải, 3 xe 7 chỗ, sẵn sàng đón người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa không bảo đảm an toàn vào trú bão. Mọi chi phí ăn ở khách sạn đều được nhóm đài thọ miễn phí cho đến khi bão tan”…
Đó là những dòng chữ đầy tình cảm thân thương được nhiều nhóm hoặc gia đình đăng lên Facebook, mời gọi người không có điều kiện tránh trú bão an toàn vào nhà riêng hay khách sạn của mình tạm trú trước giờ siêu bão số 9 tràn vào Đà Nẵng. Trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên, người dân Việt lo lắng cho nhau bằng tất cả sự chân thành, đúng nghĩa “nhường cơm sẻ áo”, giúp nhau đi qua hoạn nạn một cách an toàn.
Những ngày qua, cùng với mưa lũ dồn dập là liên tiếp những cơn bão. Miền Trung oằn mình gánh chịu thiên tai. Cả nước hướng về miền Trung, căng thẳng dõi theo từng giờ từng phút diễn biến bão lũ, xót xa trước những cảnh đổ nát tang thương, những thiệt hại lớn của đồng bào vùng lũ. Nỗi vui mừng khi nước lụt vừa rút, tập trung lo khắc phục sau lũ lụt chưa trọn vẹn thì nay dải đất miền Trung lại đối đầu siêu bão đổ vào, lần này bão hoành hành chủ yếu từ Đà Nẵng đến Phú Yên.
Không chỉ cả nước dốc lòng cứu trợ đồng bào miền Trung mà người dân miền Trung cũng hết lòng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Những chuyến đi cứu trợ vẫn đến nơi cơn lũ vừa đi qua, bao cảnh đời còn chờ hỗ trợ. Những lời kêu gọi chằng chống nhà cửa, đào hầm hay tổ chức di dân đến nơi an toàn tránh bão. Với người dân Đà Nẵng, đã mở lời kêu gọi thì một chỗ trú bão không đơn thuần chỉ là nơi chốn mà còn là tấm lòng rộng mở, là truyền thống nhân ái của người Việt.
Trải qua 4.000 năm, từ tình cảm đùm bọc lối xóm, bà con thân thuộc đến rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống nhân ái đã thành văn hóa, lan tỏa yêu thương. Từ tình cảm tinh thần chuyển hóa thành ý chí, sức mạnh vật chất để giúp nhau, cùng nhau vượt khó và chiến thắng thiên tai, địch họa. Người Việt ngày thường có thể so đo, tính toán hơn thiệt trong làm ăn, mua bán song khi gặp hoạn nạn là sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau không tiếc gì với quan niệm “còn người còn của”. Bài ca dao “Mười cái trứng” của người Quảng Trị cho thấy dẫu khó nghèo tưởng như đến cùng cực, vẫn toát lên chất lạc quan. Dù 10 cái trứng thì ung đến 7 cái, còn 3 cái nở ra 3 con nhưng diều tha, quạ bắt, mặt cắt lôi, song người dân vẫn khảng khái: “Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Sự lạc quan đó là có lý, bởi vẫn còn con gà mái mua ở chợ Kẻ Diên, sẽ tiếp tục đẻ ra trứng, đàn gà mới sẽ sinh sôi… Khi có sự đùm bọc, có bàn tay nâng đỡ, khi có nghị lực vươn lên, người dân Việt sẽ bước tiếp một cách mạnh mẽ…
Lụt rồi sẽ hết, bão rồi sẽ qua, tình người ở lại, mãi còn, lắng sâu. Để khi hoạn nạn, ngặt nghèo lại bừng cháy những ngọn lửa tình người, ấm lại những trái tim, tỏa sáng nụ cười; giúp nhau đi qua khốn khó, hướng về ngày mai tươi sáng hơn.
31/10/2020
Thiên Lương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...