Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Những ký tự bay lên từ phù sa châu thổ của Thành Dũng

Những ký tự bay lên từ
phù sa châu thổ của Thành Dũng

Đất đai phù sa châu thổ trù phú miền sông nước không chỉ nuôi sống thân thể mà cả tâm hồn Thành Dũng, người đàn ông làm thơ tài hoa và tận tụy, mà mới nhất là tập thơ Những ký tự xê dịch vừa trình làng gần như cùng lúc ông tham dự Trại Sáng tác văn học công nhân toàn quốc ở Cần Thơ mùa hạ năm 2022.
Tập thơ “Những ký tự xê dịch” của Thành Dũng
Ngoài tên thật và bút danh Trần Thanh Dũng, ông còn có bút danh Thành Dũng, sinh trưởng tại miền Trung nhưng lại gắn bó với sông nước Cửu Long, quê vợ Sóc Trăng. Những ký tự xê dịch là tập thơ 1-2-3 đầu tiên của Thành Dũng vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2022, nhưng là tác phẩm thứ 6 của ông sau 5 tập: Phía bên kia nỗi buồn (2006), Gió qua miền ký ức (2009), Lục bát hái trong vườn nhà tôi (2012), Miệt thức (2016) và Tương đối hẹp (2020). Thành Dũng cũng nhận được một số giải thưởng văn học, trong đó có Giải B cho tập thơ Tương đối hẹp của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2021.
Cảm quan tinh tế về thiên nhiên, cảnh vật mang lại cho Thành Dũng những tứ thơ với câu chữ cô đọng và lay động. Nhìn vũng nước ổ gà trên đường sau mưa ông “thấy mặt trời/ phố cũ/ lén soi gương”. Khi chim bói cá “quẹt mỏ/ lên mặt trời” thì ông phát hiện những chú cá “dưới đáy ao/ mùa thu/ nín thở”. Và cả thân phận bất hạnh “thằng bé ăn mày duỗi chân/ viên bi rơi/ trăng vỡ” dưới dạ cầu giữa mùa trung thu.
Theo tiến trình lịch sử, thiên nhiên hòa nhập vào đời sống con người và tạo nên những huyền tích văn hóa. Như câu chuyện cửa sông Mỹ Thanh ở Sóc Trăng. Theo truyền thuyết dân gian, cách nay hơn 200 năm, công chúa Mỹ Thanh theo chúa Nguyễn Ánh đã đến đây và bị bạo bệnh mà chết, được chôn cất bên cửa sông này. Từ đó, dân gian gọi cửa một nhánh của sông Hậu đó là cửa Mỹ Thanh. Rồi một ngày truyền thuyết và hiện thực sinh động cảnh quan cửa Mỹ Thanh đi vào thơ Thành Dũng:
Sóng bủa quanh cửa Mỹ Thanh 
con nước còn thơm mùi thịt da thiếu nữ
dưa bồn bồn ngọt mát lịm phù sa 
đêm Trần Đề, không trăng, biển vẫn gầm gừ bờ bãi
nhớ Bãi Xàu thương cảng xưa lúa gạo
người Sóc có quyền mơ về một phố cảng nước sâu?
Không chỉ tái hiện vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa, mà nhà thơ Thành Dũng còn gửi đi thông điệp của người Sóc Trăng “có quyền mơ về một phố cảng nước sâu?” trù phú trong tương lai.
Bên cạnh cái đẹp cái thiện lành và những giá trị to lớn thì những nguy cơ từ thiên nhiên mang lại sự bất trắc cho đời sống cũng được Thành Dũng cô đọng thành những hình tượng thơ ám ảnh, như “bóng ma con nghiện” hay “cuộc tình chị héo khô/ phơi lên cánh đồng hạn mặn” và cả sự bất thường cách ly mùa đại dịch “chú ếch ngồi/ mang khẩu trang/ nín thở…”. Rồi trước cơn hạn hán kéo dài làm cho sông chết, tàu nằm chờ trời, người và chim ly hương trong nỗi tuyệt vọng như người tù cách một bước với thế giới tự do, nhà thơ còn ước mơ “làm sao vặn nhỏ nắng và làm mưa?/ cho dòng dòng sông đầy nước/ cho mùa màng tốt tươi/ con tàu nằm chờ trời/ trên dòng sông chết/ chim chóc và người quê ly hương”.
Ước mơ làm mưa và vặn nhỏ nắng ấy của nhà thơ tưởng chừng viễn vông nhưng lại là điểm tựa tinh thần để con người còn có chỗ níu kéo và hy vọng, nhất là trong hoàn cảnh:
Những nhánh sông cũng chết dần trong ký ức     
ông Tư ôm đờn ra gảy
tiếng đờn không át nổi tiếng mưa
đồng mỗi ngày một chua
nhiễm mặn những phận đời đang ngọt
nước mênh mông mà lòng người lại khát?
Sự biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng cho Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi bài thơ 1-2-3 của Thành Dũng là một câu hỏi quặn lòng từ miền sông nước: “Cạp trái bần chua/ nhắc nhớ thời mở đất/ biển mặn mà đời sao cứ nhạt/ sinh ra từ đất người ly hương với đất/ miếng cơm manh áo còn xa/ chẳng lẽ ngồi nhà cạp đất?”.
Nhà thơ Thành Dũng (Trần Thanh Dũng)
Trăn trở trước đời sống vạn vật và con người từ quá khứ đến hiện tại, thơ Thành Dũng còn “xê dịch” hướng đến những giá trị mới đáng quý trọng. Đó là hình ảnh kỹ sư anh hung Hồ Quang Cua, người lai tạo hạt giống lúa, gạo ST24 – Sóc Trăng, trở thành hạt gạo ngon nhất thế giới năm 2019, mang lại cho đất nước nguồn lợi vô cùng to lớn.
Mần gì để ly nông nhưng không ly hương?
câu hỏi vạch ra trên cánh đồng “chó ngáp”
ông Hai Lúa nói: “đất không phụ lòng người!”
phù sa sông Mê Kông dẻo thơm trên mỗi hạt cơm
người kỹ sư anh hùng không mang dép
gắn huy chương vàng lên ngực đất Ngã Năm
Không gắn chặt mình với đất với người và có một tình yêu cháy bỏng, một kiến thức sâu rộng, một cách nhìn tinh tế thì nhà thơ Thành Dũng khó viết nên những bài thơ cô đúc, sinh động và có tính “xê dịch” khắp miền sông nước như vậy. Môi trường sống phương Nam trở thành nguồn “phù sa” cảm hứng tự nhiên, mạnh mẽ và bay bổng cho thơ ông: “Câu chữ xứ này thiệt thà như đếm/ những dòng sông lượn mãi cũng ngay lòng/ về Năm Căn ăn cua gạch son/ lắc lư nhịp đờn cò say mút chỉ/ áo bà ba neo trong xuồng ba lá/ cứ chiều chiều tao tác mút mùa thương”.
17/8/2022
Phan Tấn Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...