Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Mùa đông trở về

Mùa đông trở về

Nguyễn Lê Vân Khánh sinh ra tại Đà Nẵng, học khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Huế nhưng bắt đầu đi làm tại Sài Gòn. Yêu thiên nhiên, thích cuộc sống tự do và ưa phiêu du, lúc nào Vân Khánh cũng như đang sẵn sàng cho một chuyến đi xa. Với Vân Khánh đi xa để cảm nhận cuộc sống, đi xa để được trở về.
Mùa đông trở về, truyện ngắn đoạt giải Nhì cuộc thi “Người lao động hôm nay” do báo Người Lao Động tổ chức, viết về sự trở về ấy với cái tên ban đầu là Quán Nhỏ. Bạn bè thường đùa vui với Vân Khánh rằng: Đôi mắt quan sát tinh tế cùng tâm hồn nhạy cảm và cái “liều” đã thắng… tiêu chí!.
Mùa đông trở về 
Vào khoảng đầu mùa hè chúng tôi bỏ việc. Tôi vẫn nhớ sau đó chúng tôi lên tàu đi đến một vài nơi. Có hôm thì nằm ở bãi biển, trời hôm ấy rất trong và ấm. Buổi sáng chúng tôi thuê một cái ghế nằm dài có đệm, trải một chiếc khăn mỏng rồi cứ vậy thay phiên nhau đọc sách và tắm. Tôi đọc quyển sách vừa mua được ở quầy hàng trong một ga xép nhỏ, chốc chốc lại ngủ quên bởi cảm giác dịu dàng của nắng sáng ngập đầy cẳng chân. Chúng tôi cứ nằm vậy, thức dậy, tắm biển, và đọc sách, rồi lại ngủ, thức dậy, tắm biển, cho đến đầu giờ chiều thì lại tiếp tục lên tàu lửa mà đi tiếp.
Thực tế mà nói, từ chuyến tàu đó tính đến khoảng thời gian về trước, mọi thứ trong trí nhớ của tôi chỉ trôi qua mơ hồ. Một vài điều tựa như hạt bụi trên mặt đường, cơn mưa nhẹ cũng dễ dàng tẩy trôi lúc nào không hay. Cũng có thể ý niệm về thời gian bên trong tôi làm sai lệch một vài thứ. Có lần tôi ngồi xe bus đến chỗ làm, tâm trí miên man nhớ vài gương mặt đã lâu không gặp. Cứ thế không cần nghĩ suy đã thấy mình đứng ở nơi làm việc. Chuyện cũ và hiện tại cứ thế chồng chéo lên nhau, cái tủ đựng ký ức bị xới tung lộn xộn. Ngăn năm ngoái với ngăn năm nay lẫn vào nhau, và không ai có ý định đi dọn mớ hỗn độn đó.
Sau chuyến tàu về quê thì khác. Chúng tôi mở một quán cà phê nhỏ. Những ngày mùa hè đầu tiên ở quê nhà, chúng tôi trở nên bận rộn hơn với cái quán nhỏ của riêng mình. Mọi việc ban đầu có vẻ khá khó khăn, không phải vì công việc quá nhiều, mà bởi vì chúng tôi liên tục rơi vào tình thế phải trả lời mọi người câu hỏi:
– Ơ thế là bây giờ hai cô cậu không đi làm gì cả à?
Hầu như ai nghe đến chuyện chúng tôi bỏ việc văn phòng ở Sài Gòn và về quê mở cái quán nhỏ này, đều hỏi như vậy.
– Vậy bây giờ chị/em/cô không đi làm gì cả sao?
Nếu để viết đầy đủ số lượng câu hỏi tôi đã nghe trong suốt mùa hè này, có lẽ phải tràn đầy mấy chục trang vở. Sao lại không làm gì nhỉ? Ngược lại, chúng tôi còn làm việc hơn trước rất nhiều. Pha trà và pha cà phê, mỉm cười với khách và bưng bê dọn dẹp, nhặt tàn thuốc rơi và tẩy vết cà phê trên khăn bàn, nhiều nhiều thứ khác nữa. Tôi chẳng biết trả lời như thế nào cho thỏa đáng.
Phần lớn những người bạn của chúng tôi thì ngược lại. Mọi người nói rằng chúng tôi đã có cuộc sống dễ chịu và đáng mơ ước. Dễ chịu và đáng mơ ước! Nhưng không ai thực hiện. Bởi vì trong thâm tâm mỗi người có lẽ đều cho rằng con đường mà chúng tôi đi đều có cái gì đó đã sai. Cái sự sai ấy, phải đến lúc dư dả tiền bạc và thời gian, người ta mới cho phép mình “sai” như thế.
– Ồ, thế thì chị bỏ nghề à?
– Ơ thế bao nhiêu năm ăn học, bây giờ lại đi bán cà phê là sao?
– Rồi bố mẹ của anh chị có nói gì không? Họ phản đối chứ?
Buổi chiều trong lúc ngồi xem bọn cá con bơi trong ảng nước, nước mắt tôi đột ngột trào ra không dấu hiệu báo trước.
Nước mắt đi kèm cảm giác cô đơn xâm chiếm. Tôi không biết nói sao cho phải. Tôi chưa bao giờ lăn tăn suy nghĩ chuyện chúng tôi đã đi sai hay đúng đường (và một khi đã phải suy nghĩ, nghĩa là nó sai rồi). Tôi chỉ thấy tôi trơ trọi và lạc lõng, trong một tích tắc. Như cái cây muốn vững vàng trong cơn gió, nó phải nghiêng người một chút. Nước mắt làm cái cây trong tôi nghiêng mình một chút.
Rồi ngay lúc ấy tôi nghe thấy mùi rêu nơi đầu mũi. Tôi tựa cằm lên ảng nước, xem bọn cá vẫn thong thả bơi. Màu xanh rêu trong thấy đáy nước. Tôi thương cái mùi tanh nhè nhẹ của bọn cá như thương cái quán nhỏ. Thương bọn cá nhỏ hồn nhiên dễ chịu, không cần biết đâu là ao đâu là ảng. Hoặc có thể tôi không là cá nên tôi không biết!
Một hôm trong lúc đứng cọ đống ly trong bồn rửa, trong tôi đột ngột dấy lên một cảm giác kỳ lạ lúc cọ mãi cái vết son môi bám trên thành ly thủy tinh.
Vết son lì màu đỏ rouge, hằn những vết môi đổ dọc như chùm cây bụi thấp. Tôi từng có một cây màu này, hoặc tựa tựa thế. Buổi sáng trước khi đến văn phòng bao giờ tôi cũng tô son, nhằm che bớt sự nhợt nhạt từ đêm qua và ngày hôm trước. Rồi tôi đến văn phòng, gặp gỡ vài người. Ra ngoài, gặp gỡ nhiều người khác. À, đã lâu lắm tôi không gặp C. Cả anh K nữa. Bây giờ C. đang ở đâu, làm gì? C. đã từng nói gì với tôi. Tôi gặp K. từ lúc nào. Cả AB và những XYZ… Góc đường gần chỗ làm hay dưới chân cầu chúng mình hay uống rượu ngày cuối tuần. Những gì đau đớn và kết thúc, những vui vẻ và xanh trong, nắng và tán cây. Giờ đây tất cả những điều đó đã ở lại thành phố cũ, chỉ còn chúng tôi ở đây, suốt ngày bị mọi người gặng hỏi mày sẽ làm gì cho tương lai của mày? Nếu có gì bất ổn ai sẽ lo cho mày? Tương lai thì đầy rẫy những bất trắc và khổ đau, mày biết không?
“Mày biết không?”
Tôi thấy dạ dày lộn nhào một cú cật lực. Chỉ một vết son môi xa lạ mà mình đã đưa lối mình về cái mớ trăn trở hỗn độn.
– Em đang làm gì đấy? – Chồng tôi đang đứng pha trà gần đấy.
– Không, em chỉ đang rửa ly thôi.
Chồng tôi ừ một tiếng gọn ghẽ. Anh đang tráng ấm trà bằng nước nóng. Gương mặt anh hơi cúi xuống, vệt hơi nước chầm chậm ngang qua. Việc pha trà cũng cần sự tĩnh lặng tập trung. Nếu không, vị trà hẳn sẽ khác đi rất nhiều.
Thực ra việc tôi cần làm chỉ là dùng bọt xà phòng và cọ sạch cái vết son môi ấy đi thôi, thay vì để nó dẫn mình đi.
Đêm ấy  tôi mơ thấy một giấc mơ dễ chịu. Giấc mơ đến tự nhiên như hơi thở, nhanh chóng lẫn từ cơn thức đến tận sâu khung cảnh mới tựa cơn gió mùa hè. Tôi thấy tôi đứng nơi thềm nhà. Bên ngoài khí trời dìu dịu của buổi chiều lay động tâm can. Tôi thấy có sư thầy ngồi bên mộ phần dưới tán cây. Gương mặt quý thầy tươi sáng. Nét chân mày tựa như cánh lá vừa rụng xuống thềm, hẳn còn thoảng mùi nhựa xanh, vừa có chút gì như nỗi bi ai uyên nguyên. Trong tâm thức tôi nghĩ chúng tôi đang đứng trong nhà mình, dù khung cảnh bên ngoài vừa mang cảm giác thân thương, vừa chưa lần nào gặp gỡ. Sư thầy một tay cầm chổi nhỏ, tay kia thầy giữ cho xô nước khỏi sóng sánh. Lá rụng trên mộ phần xanh cỏ. Sư thầy nhúng chổi nhỏ vào xô nước, rồi quét nhẹ lớp bụi mỏng trên phiến đá khắc tên người nằm dưới nấm mồ. Lớp nước mau chóng thấm vào phiến đá, chỉ để lại một lớp áo mỏng ướt và tươi mới. Tôi cứ đứng trông vậy một lúc lâu, đợi sư thầy xong việc rồi mới cất tiếng hỏi:
– Thưa thầy, mộ kia là của ai?
Thầy nhìn tôi, không chút gì dao động trong ánh mắt.
– Mộ phần này của tôi. Phần đã chết ấy nay đã xanh cỏ. Thỉnh thoảng tôi ra quét tước, dọn sạch lại mình.
Tán cây thả thêm vài chiếc lá úa. Không khí nhè nhẹ đưa đi những sợi tơ mong manh lất phất. Trong mơ tôi không nói gì tiếp, cũng không chút gì sợ hãi. Tôi cứ đứng yên vậy, sợ như mình khẽ động đậy sẽ làm sợi tơ nào đứt mất. Sư thầy thả chổi vào xô nước nhỏ, báo hiệu đã xong việc. Nước trong chậu sánh ra ngoài một ít. Tôi nhìn thấy giọt nước sánh ra ngoài ấy vẫn sạch và trong, mang đầy cảm giác tươi mát kỳ lạ. Sư thầy phủi nhẹ cổ tay áo nâu rồi bước đi. Tôi nghe thấy tiếng gió khe khẽ đưa vòm lá. Rồi tôi giật mình thức dậy.
Bên ngoài trời đang mưa rất to. Tiếng mưa dội ầm ào trên mái tôn, đổ xối xả mớ ướt át vào không khí. Tôi vẫn nằm yên vậy nghe đầu mũi mơn man lạnh. Lúc này đây cảm giác ấm áp cọ vào từng ngón chân tôi. Tôi nghe-thấy rõ cảm giác ấy. Tôi nghe thấy lúc này. Cả các ngón tay cũng vậy, tôi lôi chúng ra trước mắt, ngắm nghía bàn tay mình. Ở một chiều không gian nào đó, ngăn tủ lộn xộn đang được sắp xếp lại.
Mùa hè đã dọn sạch mình tự bao giờ, và tôi nghe thấy mùa đông đã về bên quán nhỏ!.
10/12/2019
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...