Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: "Là người, tôi sẽ chết cho quê hương"

Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh:
"Là người, tôi sẽ chết cho quê hương"

Với ca khúc “Tự nguyện”, được sự đồng ý của bà Nguyễn Mộng Thu (vợ cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã lấy ca khúc này làm bài hát truyền thống của trường…
Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh và bản thảo “Tự nguyện”
Trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” tại Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam trước năm 1975, bài hát “Tự nguyện” luôn được vang lên như một lời thề của tuổi trẻ tự nguyện dấn thân, không quản hy sinh cho độc lập, tự do dân tộc: “Nếu là chim, tôi sẽ làm loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương/ Nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm/ Là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”.
Với giai điệu trong sáng, trẻ trung, lời ca mộc mạc như nỗi lòng, ước vọng của hàng triệu học sinh, sinh viên, “Tự nguyện” nhanh chóng được lớp trẻ miền Nam hát vang. Ca khúc truyền đi tinh thần tự nguyện quyết tử, niềm tin chiến thắng: “Là chim, tôi sẽ cất cao đôi cánh mềm/ Từ Nam ra ngoài Bắc báo tin nối liền/ Là hoa, tôi nở tình yêu ban sớm/ Cùng muôn trái tim ngất ngây hòa bình…”.
Trương Quốc Khánh (1947 – 1999) là nhạc sĩ, nhà báo, nhà biên kịch. Bài hát “Tự nguyện” là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, được sáng tác trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” vào năm 1968 khi ông tham gia phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam chống Mỹ cứu nước. Ngày đó, Trương Quốc Khánh được cử làm Phó Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn (Trưởng đoàn là nhạc sĩ Tôn Thất Lập). Ông xông xáo trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh, sinh viên tích cực hưởng ứng các phong trào cách mạng.
Năm 1972, Trương Quốc Khánh vào chiến khu tham gia khóa học đầu tiên của Trường Đoàn Lý Tự Trọng. Cuối năm 1973, ông ra Bắc học trường bồi dưỡng nghiệp vụ viết văn. Khi đất nước thống nhất năm 1975, ông trở lại miền Nam giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm Nhà Nghệ thuật quần chúng Thành phố Hồ Chí Minh kiêm Thường vụ Hội Sân khấu (1976 – 1978); Phó Tổng Thư ký kiêm Tổng Biên tập Báo Sân khấu – Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh (1994 – 1999); Đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa V và VI (1994 – 1999).
Nhạc sĩ Trương Quốc Khánh còn sáng tác nhiều kịch bản sân khấu, kịch bản phim, viết truyện ngắn, đạo diễn nhiều chương trình văn nghệ quần chúng, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý của Nhà nước và giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật. Riêng với ca khúc “Tự nguyện”, được sự đồng ý của bà Nguyễn Mộng Thu (vợ cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đã lấy ca khúc này làm bài hát truyền thống của trường.
29/7/2022
Lê Phúc Hỷ
Nguồn: HNM
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...