Bay theo những áng mây
trong thơ Nguyễn Đức Hạnh
Nguyễn Đức Hạnh tốt nghiệp Khoa Văn - Đại học Tổng
hợp Hà Nội năm 1990. Tôi nhớ, những năm 1988-1990 khi đang học Đại học
Kinh tế Quốc dân, mới hý hoáy làm thơ và tham gia vào hội sinh viên trường,
thành lập CLB Thơ sinh viên để tạo ra sân chơi lành mạnh cho sinh
viên, chúng tôi đã mời các nhà thơ đàn anh đàn chị: Vũ Quần Phương, Thế Hùng,
Kim Oanh và các bạn thơ sinh viên Trần Quang Dũng, Nguyễn Hồng Hải… về giao lưu
và nói chuyện, tổ chức cuộc thi thơ sinh viên trong trường. Qua Hồng
Hải tôi biết đến Nguyễn Đức Hạnh. Bấy giờ, tôi còn rụt rè e ngại như “Hoa cúc dại”
thì anh đã là cây thơ lớn của giới sinh viên và CLB thơ Thanh Xuân.
Nguyễn Đức Hạnh là một trong số hiếm hoi tác giả in được thơ
ngay từ thời sinh viên với tập thơ Xin người lượng thứ. Thơ anh là một
trong những tượng đài của thơ khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, cái nôi đào tạo
bài bản về lý luận sáng tác nói riêng và thơ sinh viên nói chung. Hiện anh là
Viện trưởng một viện thuộc Học viện Báo chí nhưng tâm hồn vẫn rất bay bổng. Mới
đây, anh ra mắt Bởi vì mây vẫn trắng (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Bởi vì mây vẫn trắng – Tập thơ Nguyễn
Đức Hạnh
Khi trình làng thi tập Bởi vì mây vẫn trắng, Nguyễn Đức
Hạnh không nhờ ai viết lời giới thiệu hoặc lời bạt mà tự viết hơn chục dòng cho
Lời vào sách, ngắn gọn và tự tin. Tập thơ là sự tự tay tuyển chọn của tác giả,
tập hợp những bài ưng ý hoặc những bài tác giả muốn “khôi phục lại văn bản ban
đầu, vì lí do nào đó, khi xuất bản trước đây đã sửa chữa” hoặc “chỉnh sửa, biên
tập lại chi tiết về từ, cú pháp, cách viết hoa, dấu câu…”[1]. Nhan đề Bởi
vì mây vẫn trắng là tên một bài thơ ở trang đầu tiên trong tập. Nhưng phải
chăng đây cũng chính là thêm một lời giải thích? Mây trắng là hình ảnh muôn thuở
của thế giới tự nhiên. Dùng hình ảnh đó, tác giả muốn gửi gắm những điều gì? Để
độc giả nhìn vào đã thấy áng mây của anh tự trôi? Thơ anh như là sự tự nhiên xuất
hiện, như là ở ngoài ý muốn của cả chính anh và không bị câu thúc bởi bất cứ điều
gì…? Có lẽ là tất cả. Ngay nhan đề tập thơ đã đa tầng ý nghĩa (xin nói thêm:
Nguyễn Đức Hạnh có tài đặt tên cho các tập thơ in chung của nhóm Facebach).
Bởi vì mây vẫn trắng bắt đầu bằng series 11 bài địa
danh. Với những bài này, Nguyễn Đức Hạnh đưa được vào thơ mình không chỉ tên địa
danh mà tinh chất được đặc trưng của vùng miền, cả thiên nhiên lẫn lịch sử, văn
hóa. Nói đến Đồng Chằm, tác giả gọi từ chất nâu của màu đất đến sự mộc mạc, đằm
sâu của con người:
“Thế mà hờn dỗi nông sâu
Thế mà thăm thẳm mắt nâu…
Đồng Chằm”
(Gửi
người ở xứ Đồng Chằm – Tr.11)
Đến Thuận Thành, anh lại “điểm” tất cả những di sản của vùng
đất giàu truyền thống văn hóa: chùa Bồ Đề “Lo toan gửi lại Bồ Đề”, sông Đuống “Ta
men sông Đuống rẽ về ngày xưa”, thành cổ Phật giáo Luy Lâu, chùa Bút Tháp, sông
Dâu- chùa Dâu “Luy Lâu đắm mộng trang đài/ Ngước lên Bút Tháp tụng vài phẩm
kinh/ Sông Dâu một thuở vô tình”, tranh Đông Hồ “Đông Hồ lối dọc đường
ngang”. Và đặc biệt là ca dao dân ca- vì Thuận Thành là nôi quan họ. Viết về
nơi ấy, Nguyễn Đức Hạnh đặt nhan đề “Dao cau Thuận Thành”- lấy ý từ câu ca “Đôi
mắt em sắc như là dao cau”, rồi hình ảnh con đò, chiếc khăn… gợi đến những câu
ca “khăn thương nhớ ai/ khăn rơi xuống đất”… Có thể nói, bài thơ như tích cả một
hệ thống “điển tích” về một Thuận Thành nên thơ, văn hóa. Với những miền đất
khác, cũng vẫn một “phong cách” Nguyễn Đức Hạnh. Viết đến sông Lô là “Ta
nhớ thượng nguồn nao nao ghềnh thác” (Tr.14). Tam Đảo là “Nắng Tây
Thiên ru ngủ gốc thông già” (Tr.16). Tiền Hải có “Đồng cói hiu hiu
màu chiều” (Tr.18). Với “Chấm phá cao nguyên” là “Tiếng khèn lá găm
vào đá núi” (Tr.22). “Bởi vì mây vẫn trắng” thì như chưng cất được cả hồn
cốt Sơn Tây với chùa Tây Phương, tiếng Quảng Oai, mơ Hương Tích, nhà cổ xứ
Đoài, Thành Cổ, đá ong… Và đây là hồn Tuyên Quang qua ngòi bút Nguyễn Đức Hạnh:
“Tuyên Quang, Tuyên Quang
xin người đừng mặc cảm
ta sinh từ cõi đá mộng du
hành hương ngược lòng gió núi
chiều nay về đốt củi làm thơ”
(Tuyên Quang – Tr.25)
Bài thơ hay, tôi khá khó khăn khi lựa chọn từng câu. Trong mắt
tôi, đây là bài thơ hay nhất viết về Tuyên Quang và lọt vào top 10 về thơ miền
núi phía Bắc. Ôi những vạt trăng hay những câu thơ nhú lên từ đồi chè “con
đi rứt lòng sỏi đá/ cơn mưa dột từ rừng cọ/ mẹ thương con còm cõi nụ chè”. Bạn
đọc kỹ và nhắm mắt lại cho trường liên tưởng lan xa, xem tôi có nói đúng
không: “ta sinh từ cõi đá mộng du/ hành hương ngược lòng gió núi/ chiều
nay về đốt củi làm thơ”, đó là cả một vầng mây sáng mang dáng rừng thế núi
chứ không riêng vài áng mây sáng lãng đãng bay tản mát trên bầu trời…
Những bài thơ địa danh cho thấy, đó là những nơi “hóa tâm hồn”
trong lòng tác giả. Tác giả mến yêu chất chứa đầy những kỉ niệm và thấm đẫm, nhập
thân vào trầm tích thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của mỗi vùng miền.
Ấn tượng thứ hai trong Bởi vì mây vẫn trắng là thơ
tình. Mảng này chiếm đến 90% thi tập. Ngay cả các bài địa danh trên cũng chủ yếu
đi liền với tình yêu. Thơ Nguyễn Đức Hạnh nhiều bài thất tình. Anh đau đớn dùng
đến mấy lần từ “vĩnh biệt”, thậm chí, dùng từ này vào hẳn nhan đề một bài thơ:
“Lời vĩnh biệt”. Trong suốt bài thơ, từ “vĩnh biệt” trở đi trở lại khắc khoải.
Tác giả vĩnh biệt tất cả, cả những bức thư tình cũng “khâm liệm”. Lí trí của
tác giả là muốn “cưa đứt, đục suốt”. Tuy nhiên, tình yêu có sức mạnh không thể
giải thích bằng lý lẽ, như mệnh đề hiển nhiên “Mây vẫn trắng bởi vì mây vẫn
trắng”. Nguyễn Đức Hạnh giống như Heinrich Heine (Đức), chẳng thể chôn cuộc
tình:
“Ta đem chôn tình yêu
Rồi trồng lên bia mộ
– Lạy Chúa thế là xong
Hai đứa cùng nói khẽ
Nhưng tình yêu vùng dậy
Trách móc nhìn chúng ta
Hai người nói gì vậy
Ta đang sống đây mà”
(Heinrich Heine)
Vậy nên, thơ tình Nguyễn Đức Hạnh đúng là “con tằm đến thác
hãy còn vương tơ”, đầy ăm ắp những kỉ niệm. Từ thuở đong đầy hạnh phúc như ở chốn
thiên đường, như được viên đạn tình yêu (không phải là mũi tên của thần tình
yêu!) bắn thẳng vào tim:
“Tà áo mỏng Thiên đường rực cháy
Cảm ơn em! Viên đạn thẳng vào tim.”
(Viên đạn thẳng vào tim – Tr.40)
Cho đến những khi đã xa xôi, khoảng cách:
“Đồng Chằm hôm ấy đang mưa
Em xinh đến độ ngày xưa ngại ngùng”
(Gửi người ở xứ Đồng Chằm – Tr.10)
Nguyễn Đức Hạnh không thôi nhung nhớ và khao khát. Đi đến đâu
là cũng nhớ và nhớ. Về Tuyên Quang là:
“ta tìm em
mùa trăng hoang dại
hoa đỏ cứa vào rừng
biền biệt yêu nhau ngày em khóc”
(Tuyên Quang – Tr.24)
Xa xứ Đoài lại nhớ:
“Mắt Đan Phượng sương giăng chiều Thạch Thất
Mờ Tây Phương xanh ngút ngát Ba Vì
Ai như tiếng Quảng Oai mùa mận trắng
Cổ đô buồn yên ắng nắng thôi miên
Ơi mái tóc bỗng nhiên thành tín ngưỡng
Rối trong chiều hoa phượng rưng rưng”
(Bởi vì mây vẫn trắng – Tr.8)
Hai câu cuối thoạt nghe rất phóng đại, mái tóc của em mà đem
so sánh với tín ngưỡng, có cái gì sai sai, thậm chí rất là phi logic. Ờ, nhưng
nếu tìm một thi ảnh trong quá khứ, trong nhạc Trịnh ta thấy “Ôi tóc em dài đêm
thần thoại” (đã được bao thế hệ say mê cất lên đó thôi, mà nào có ai dám bắt bẻ
chữ nào đâu…) thì mái tóc trong buổi chiều định mệnh nào đó đối với Hạnh cũng
có thể là tín ngưỡng lắm chứ. Tôi còn nhớ một câu thơ khá ấn tượng của nhà thơ
Kim Giao ngày trước “Tôi vô thần trước khi gặp em” và cảm cái tài tình trong
cách sáng tạo ngôn từ của Hạnh. Anh giỏi biến tấu để cái phi lý nhất hóa thành
cái lạ lẫm mà đọc lên người ta thấy thích thú, người ta phải rung cảm và rồi bị
“đồng hóa” vào cảm xúc của anh lúc nào chẳng rõ. Và rồi cái phi lý lại biến
thành cái có lý đến mức chỉ có thể là đồng thuận tuyệt đối vì chỉ cần đặt cạnh
nhau như hai vế thôi, tự dưng đã là câu thơ độc đáo, lạ thường, khiến ta phải
thốt lên: Hay! Vi diệu!
Tôi và nhiều người rất thích và dành nhiều cảm xúc để ngâm
nga và ngẫm ngợi về bài thơ “Thì tôi ở lại” với rất nhiều câu thơ ám gợi, đầy
niềm giăng mắc về duyên và nợ:
“Ai dìu nhau đến mùa thương
Vẫn còn tấm tức con đường ngày xưa”
(Thì tôi ở lại – Tr.63)
Những câu thơ thoạt nghe đã vương mắc vào tâm trí, bây giờ
thì thuộc làu bởi nhà thơ Hoàng Liên Sơn bạn tôi luôn đọc rất say mê và trôi chảy.
Ngay cái khả năng diễn cảm rất cao độ, cao trào và gây ấn tượng hơn cả tác giả
của một người yêu thơ Hạnh đã đủ thấy thơ của anh có sức lay gợi đến cỡ nào. Nhất
là hồi mới trình làng: “Thời gian ngọn bấc tôi lừa cả tôi”;“Vẫn còn tấm tức
con đường ngày xưa”; “Để tôi nheo nhóc những câu thơ tình” là những
câu thơ khiến sinh viên thấy lạ và ngạc nhiên lắm. Họ có thể nói ra bằng khẩu
ngữ đời thường những cái tương tự mà không tài nào viết ra được. Thế là cứ vay
mượn, vi phạm bản quyền tác giả để đem đọc cưa tán nhau…
Nếu tôi nhớ không nhầm thì bài thơ này đạt giải nhì cuộc thi
“Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ nhất, do báo Tiền Phong, trường Viết văn Nguyễn Du
tổ chức (1990), khiến tài thơ của Hạnh trong suy nghĩ của chúng tôi không chỉ
là sự nể trọng mà còn tăng thêm “mấy chân kính” về độ lôi cuốn, dẫn dụ. Nguyễn
Đức Hạnh hồi đó có vẻ ngầu, ngang ngang bất cần nhưng vẫn luôn là một người thơ
đa cảm. Chàng tự tin nhưng không kiêu đại khi canh giữ ngôi đền thơ ca. Chàng
khi ấy vẫn dành sự trìu mến cho những người làm thơ “tay ngang” như chúng tôi,
những gã trai bỗng dưng bị thơ phú bỏ bùa và nhất là những nam nhân tấp tểnh
làm thơ đến từ khối trường kinh tế, kỹ thuật…
Cứ như thế, Nguyễn Đức Hạnh thả trôi trái tim nóng bỏng yêu
nhớ vào trời “mây vẫn trắng”:
“Đến bây giờ anh vẫn còn mong
… sỏi đá cũ hôn về năm tháng
anh như lối mòn bỏ vắng bước chân em!”
(Với em ngày cũ – Tr.33)
“Nghiêng trăng soi xuống buồn không đáy
Anh vẫn hoàng hôn nhớ tóc dài”
(Nhớ mùa con gái – Tr.35)
“Tóc người còn hong đó
Giờ xõa buồn sang tôi”
(Gương mặt – Tr.48)
Để rồi tuyên ngôn tình yêu:
“Anh lặn lội đi tìm trăng vỡ mộng
Xin một đời ta khuyết để tròn trăng.”
(Những buồn xưa nông nổi – Tr.44)
Ấn tượng thứ 3 của chúng tôi khi đọc Bởi vì mây vẫn trắng là
cách sử dụng lối so sánh rất giỏi của Nguyễn Đức Hạnh. Điều này chứng tỏ khả
năng liên tưởng, tưởng tượng của anh sắc sảo, phong phú và thi vị. Câu
thơ “Cành khô như dấu phẩy” (Thôi bây giờ mùa thu – Tr.45) hợp lí đến
bất ngờ. Bài thơ viết về nỗi nhớ mối tình tuổi học trò, vậy nên, cành cây khô
được hình dung qua mắt học trò rất “học trò” và sáng tạo. Cành khô qua đôi mắt
tuổi thơ không hề gợi đến sự già nua, tàn lụi như người già, ngược lại, là “dấu
phẩy”, như điểm dừng ngắn, một nhịp thôi, cho sự tiếp nối của một vế khác. Cách
so sánh vừa gợi dáng vẻ cành khô, vừa gọi ra sự trẻ trung, tinh nghịch hay hay
của tuổi học trò hồn nhiên trong sáng.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh có nhiều so sánh hay, rất hợp lí để đưa
vào bài giảng cho học sinh, làm mẫu, làm bài tập cho sự phân tích hiệu quả của
biện pháp tu từ:
“Thời gian như sợi nắng
Mỏi mòn trên hai vai
Có những ngày xa vắng
Như rơm khô chất đầy”
(Khúc giao mùa – Tr.49)
“Bỗng nghe run rẩy như là nắng
Vo tròn trong cỏ cuối vườn thu”
(Vườn thu – Tr.51)
“Chim về xứ nhớ chiều nay
Có người ngồi khóc như loài cỏ hoang!”
(Lặng – Tr.85)
Bởi vì mây vẫn trắng có không không ít câu so sánh “làm
khó” độc giả. Ví dụ:
“Những vỏ trấu xác xơ nặng nhọc
Như những mỹ từ như người đẹp quê ta”
(Vỏ trấu – Tr.87)
“Người đẹp quê ta” có lẽ là câu “chè Thái, gái Tuyên” lưu
truyền bấy nay. Gái Tuyên Quang nức tiếng đẹp (có lẽ nguồn gốc của họ là vương
phi, công chúa, tiểu thư họ Mạc?). Căn cớ nào khiến tác giả dùng từ so sánh
tương đồng- đặt “vỏ trấu” trong tương quan với “mỹ từ”, “người đẹp” cùng với những
tương phản: “xác xơ, nặng nhọc”với “mỹ từ” và “người đẹp”? Là do tưởng tượng của
một “Tâm hồn chơ vơ và khuyết tật”? Thật khó. Chỉ biết sự so sánh này có gì đó
chất chứa những đắng cay, tê tái!
Bởi vì mây vẫn trắng còn nhiều ấn tượng khác. Ví như sự
phong phú về thể loại: lục bát (Gửi người ở xứ Đồng Chằm, Dao cau Thuận Thành,
Thì tôi ở lại, Lặng, Chiều chiều, Tay trắng, Gửi, Miệt chiều…); lục bát biến thể:
(Cho một dung nhan…); thơ 7 chữ (Ký ức…); thơ 8 chữ (Bức tranh Tam Đảo, Dưới
vòm mưa, Có một mùa hè, Bội ước…); thơ tự do (Sông Lô, Bởi vì mây vẫn trắng,
Đêm, Ngày xưa, Không đề, Thời gian,…). Rồi cách dùng từ, dùng hình ảnh độc đáo…
Tuy nhiên, với bấy nhiêu dẫn giải ở trên cũng đủ thấy một Nguyễn Đức Hạnh tài
hoa. Thơ anh tự nhiên trôi theo cảm xúc như “bởi vì mây vẫn trắng”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh và nhóm
Facebach cùng bạn bè trong buổi ra mắt thơ
Nguyễn Đức Hạnh là thành viên sáng lập của nhóm thơ Facebach,
anh không muốn tự nói về mình và nhóm nhiều, anh luôn kết nối các thành viên và
tài trợ cho các cuộc ra mắt thơ của anh em bè bạn. Xin mượn những lời của Nguyễn
Đức Hạnh về tình của anh với Facebach: “Có một đặc điểm của anh em ta: Khi mệt
mỏi muốn buông bỏ tất cả, nhưng lại thấy nếu thiếu anh em thì lại thiếu cả
mình. Mình khác biệt, cá tính thì anh em nó cũng khác biệt, cá tính. Mình chịu
đựng cá tính của nó một thì nó chịu đựng mình mười. Thế là mình lại phải cố gắng
để anh em họ thấy mình vẫn là mình của mấy chục năm về trước. Dù cuộc đời đầy
thứ không bao giờ được như mình mong muốn, nhưng rồi mình vẫn mong muốn có anh
em… Có lẽ đó chính là Facebach chăng?”.
Để kết thúc bài bình này, xin được tặng Nguyễn Đức Hạnh và những
độc giả yêu mến thơ anh, bài thơ “Chân dung”- phác họa bằng chính những câu thơ
mà chúng tôi yêu thích, trích trong các bài “Tuyên Quang”, “Bài ca xứ sở”,
“Ngày xưa” và “Những bông hoa rét mướt” của thi tập.
Chân dung
Rút lòng sỏi đá thiu thiu
Sương mờ cổ kính rừng chiều rạc nai
Rụt rè nở giữa cỏ gai
Mùa trăng hoang dại tóc dài nghiêng soi
Mênh mang bờ nắng chân đồi
Chim bay về núi đâu rồi ngày xưa
Quê hương mái lá mưa thưa
Nghe chim lải nhải lên chùa vãng duyên
Ta về thanh thản buồn riêng
Mộng du cõi đá ruộng nghiêng nếp chiều
Bòng bong một kiếp sống – yêu
Nụ cười nhạt thếch qua nhiều bão giông
Bây giờ úp mặt vào sông
Thơ gom đốt củi tãi trong miệt chiều.
Chú thích:
[1] Trích Lời vào sách của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh
Hà Nội, 2/12/2022
Đỗ Mạnh Hùng - Nguyễn Thị Tính
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét