Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ qua đời:
Một cung tơ Hà thành thiện
lương
Với tuổi đời trên một thế kỷ, cũng là tác giả tiền chiến cuối
cùng còn sống trong nước, Nguyễn Thiện Tơ sinh thời xứng đáng là nhân chứng có
thẩm quyền để nói về lịch sử tân nhạc.
Trong cuộc tìm kiếm những dấu vết khởi tạo nên gu thẩm mỹ của
đời sống văn hóa giải trí đô thị ở Hà Nội, từ lâu tôi đã gặp tên tuổi nhạc sĩ
Nguyễn Thiện Tơ (1921 – 2022) như một người đóng vai trò bệ đỡ cho những sáng tạo
của giới ca nhạc hai thập niên giữa thế kỷ 20.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ (1921 – 2022)
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ vừa từ giã cuộc đời vào khoảng 17h
ngày 18.8 tại Hà Nội ở tuổi 102.
Với tuổi đời trên một thế kỷ, cũng là tác giả tiền chiến cuối
cùng còn sống trong nước, Nguyễn Thiện Tơ sinh thời xứng đáng là nhân chứng có
thẩm quyền để nói về lịch sử tân nhạc. Nhưng ông lại rất khiêm nhường khi nói về
vai trò của mình trong những cuộc trò chuyện.
Trọn vẹn với những bến xưa
Tôi đã có dịp gặp ông nhiều lần trong 20 năm qua. Những lần đầu
luôn có bóng dáng bà Hà Tiên, vợ ông, bên cạnh. Người quen biết vẫn gọi nhà “cụ
Tơ cụ Tiên” như một biểu tượng cho sự hạnh phúc đến lúc đầu bạc răng long.
Hơn thế nữa, bà Tiên lại chính là nàng thơ trong “dáng xinh
xinh ba tiên kiều, quỳ ngâm thánh kinh ban chiều” nguyên mẫu cho ca khúc đầu
tay Giáo đường im bóng (1938).
Bản nhạc này đã được ấn hành năm 1941, trong tập lời các bài
ca do các tác giả Jeannine Lệ Thủy, Phi Tâm Yến và Trần Hồi – những thanh niên
tài tử Hà thành – soạn.
Nhưng có lẽ Nguyễn Thiện Tơ viết nhiều nhất vào cuối thập
niên 1940 cho đến thập niên 1950, trải dài từ các bài hát chủ đề lãng mạn theo
các điệu khiêu vũ (Qua bến năm xưa, Tiếng trúc bên sông, Nhắn gió chiều, Trên
đường về) đến chủ đề quê hương (Tiếng hát biên thùy – lời Hoàng Giác, Chiều
quê) và kể cả cổ vũ đời sống mới sau hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 (Mùa
xuân kiến thiết, Nhắn con, Con thuyền tự do – lời Trịnh Kính).
Bài hát cuối cùng cũng là bài hát viết khi người vợ qua đời
năm 2013 có tên Mưa dầm, chủ đề nhắc lại ý lời ca đã viết trong bài hát đầu
tiên, ấy là câu “Hồn thánh thót mưa dầm, buồn tới âm thầm” mà Phi Tâm
Yến viết cho một đêm Noël năm 1938, có khung cảnh đặc trưng mùa đông đất Bắc.
Hiếm có một tình yêu nào bền lâu đến thế trong đời tư giới
nghệ sĩ, ở một người chơi nhạc trải qua những chốn được cho là phóng túng nhất
hạng xã hội xưa như phòng trà, sàn nhảy, quán rượu.
Đọng lại ở âm nhạc Nguyễn Thiện Tơ có lẽ là một kiểu cách văn
hóa Hà thành, là một phần nằm trong ảnh hưởng chung của các dòng nghệ thuật
lãng mạn Tây phương đến đời sống văn hóa giải trí đô thị Hà Nội, có gốc rễ từ
các trào lưu văn nghệ giai đoạn 1930 – 1945.
Ban Việt Nhạc – Đài phát thanh Hà Nội
khoảng năm 1950, Nguyễn Thiện Tơ thứ 2 từ bên phải – Ảnh tư liệu gia đình
Ông thuộc về thế hệ sinh ra vào thập niên 1920, dần thay thế
vai trò của thế hệ “tiền chiến” của các nhà thơ Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn
đoàn.
Thế hệ của ông đã tạo ra một khung cảnh văn hóa đô thị hiện đại,
nhất là sau 1945 và ở vùng tạm chiếm trước 1954. Trong đó, hình tượng con người
bày tỏ cảm xúc trực tiếp hơn, lời yêu đương được bộc lộ mạnh bạo hơn và huê
tình hơn, tuy vậy vẫn giữ những đường nét ca từ xưa cũ, trang trọng.
Âm nhạc của ông thường có tính chất những bài hát trên nền
các điệu khiêu vũ, nên có tính thời thượng hợp gu thị dân lúc bấy giờ, cơ bản
xưng tụng một vẻ đẹp diễm lệ, hài hòa và trang nhã.
Khi trầm tư man mác, khi réo rắt sôi nổi, âm nhạc hòa với ca
từ làm thành một ấn tượng về thời những tao nhân mặc khách tương phùng hay ly
biệt đều say đắm: “Bên dòng sông lòng thầm vương, nhắn người nay xa vắng,
với heo may ta về bến xưa” (Qua bến năm xưa – 1949).
Một hợp âm hiện đại cho đô thị
Chẳng phải vô cớ mà Nguyễn Thiện Tơ lại bộc lộ một sắc thái
âm nhạc mới mẻ đồng vọng với tâm tình thị dân hiện đại đương thời.
Ngay từ đầu thập niên 1940, ông hoạt động vô cùng sôi nổi
trong không gian âm nhạc của các quán nhạc, phòng trà hay sàn khiêu vũ ở đất Hà
thành, cộng tác với rất nhiều nhạc sĩ và ca sĩ đương thời từ Bắc chí Nam.
Ngay từ khi tân nhạc còn chập chững, ông đã có mặt với tư
cách nhạc công trong những nhóm âm nhạc đầu tiên như Myosotis (Hoa Lưu Ly) của
Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Sau khi biểu diễn lần đầu tiên ở đêm nhạc tại rạp
Majestic (rạp Tháng 8 ngày nay) vào năm 1936, ông trở thành một nhạc công
chuyên nghiệp.
Ông cũng là một trong những người chơi các thể loại nhạc quốc
tế thịnh hành như blues, jazz cũng như thành thạo những nhạc cụ từ guitar Tây
Ban Nha đến guitar Hawaii và sau cùng là flute.
Sự thiện nghệ này khiến ông luôn nằm trong số các nhạc công
được các ban nhạc và phòng trà nổi tiếng nhất mời như nhóm của nhạc công người
Nga S. Milewitch chơi tại quán Tavern Royale (91 Đinh Tiên Hoàng ngày nay) hay
nhóm của Nguyễn Xuân Khoát chơi tại vũ trường Takara đình đám bậc nhất trước
năm 1945 ở phố Khâm Thiên.
Trong việc dạy đàn tại ngôi nhà 22 Charron (Mai Hắc Đế), nơi
ông ở suốt mấy chục năm qua, ông cũng kịp góp phần truyền ngón đàn guitar
Hawaii tuyệt vời cho một tên tuổi về sau làm nên phong cách âm nhạc riêng là
Đoàn Chuẩn.
Ông cũng là nhạc công của Ban Việt Nhạc, một đoàn nghệ sĩ
quan trọng làm nên phần hồn chương trình âm nhạc đặc sắc của Đài phát thanh Hà
Nội thời 1949 – 1953, nơi đã biểu diễn gần như tất cả các ca khúc hay nhất của
tân nhạc Việt Nam mà trong đó có cả những bài hát ở kháng chiến.
Nhạc mục của chương trình này do các giọng ca Ngọc Bảo, Minh
Đỗ, Bích Thọ, Tâm Vấn… hát đã làm nên một ký ức về một thời nhiều xáo trộn
nhưng con người vẫn gìn giữ nét lãng mạn.Bản nhạc đầu tiên của Nguyễn Thiện Tơ
được ấn hành - Giáo đường im bóng - in trong tập Tiếng gió ngày hè, Á Châu ấn cục,
Hà Nội năm 1941 - Ảnh: NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
Sự hoa mỹ không loại trừ sự hồn hậu, ấy là đặc điểm của phong
cách nghệ thuật các nhạc sĩ Hà Nội giai đoạn 1950 như Nguyễn Thiện Tơ hay những
tác giả gần gũi như Hoàng Giác, Tạ Tấn, Hoàng Dương, Nguyễn Văn Quỳ…
Họ cũng là những người đã ở lại Hà Nội và tiếp tục đời sống
âm nhạc, bảo lưu một chút diễm kiều quá khứ cho đô thị rất nhiều dâu bể này.
Nhận xét về sự sôi nổi của giai đoạn âm nhạc 1949 – 1954, nhà
nghiên cứu âm nhạc người Ireland, tiến sĩ Lonán O’Briain (ĐH Nottingham, Anh),
trong cuốn sách khảo cứu The Voices of Vietnam (Nxb Oxford University Press,
2021), cho rằng Nguyễn Thiện Tơ nằm trong số những người đã làm nên một phẩm chất
quốc tế có tính bản địa (vernacular cosmopolitan) của tân nhạc qua làn sóng
phát thanh.
Dĩ nhiên, phẩm chất này bắt nguồn từ các sân khấu biểu diễn ở
các rạp hát hay quán nhạc. Không gian âm thanh của đô thị như Hà Nội nhờ đó có
sự phát triển, đem lại một gu mỹ cảm cho thị dân, vẫn còn ảnh hưởng đến ngày
nay.
Lâu nay người ta hay nói đến những gương mặt hay dòng âm nhạc
chủ lưu, các ca khúc gắn với các sự kiện lớn của đất nước hay các giai thoại
nhiều tính phóng túng của âm nhạc lãng mạn, mà hay gọi chung bằng thuật ngữ nhạc
tiền chiến.
Nhưng đời sống giải trí của Hà Nội được vận hành bền bỉ qua
nhiều thập niên chính là nhờ những nhạc sĩ, vừa là nhạc sư vừa là nhạc công,
như Nguyễn Thiện Tơ, hay một số đàn anh khác như Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn
Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu hay Lưu Quang Duyệt. Nhiều người đã có thể bị lãng quên,
nhưng lịch sử tân nhạc nhất định có mặt họ.
20/8/2022
Nguyễn Trương Quý
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ 20.8.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét