Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Marcel Proust và hành trình "Đi tìm tác phẩm đã mất"

Marcel Proust và hành trình
"Đi tìm tác phẩm đã mất"

Cách đây hơn 100 năm, Marcel Proust (1871-1922) được trao giải Prix Goncourt, giải thưởng văn học quan trọng nhất của Pháp. Và để kỷ niệm sự kiện này, Nhà xuất bản Editions de Fallois ở Paris (Pháp), quyết định xuất bản một số tác phẩm của ông mà công chúng chưa từng biết đến.
Đó là 9 truyện ngắn từng bị thất lạc của tác giả Đi tìm thời gian đã mất, xuất bản dưới một tựa đề chung Le Mystérieux Correspondant (The Mysterious Correspondent). Đã có giả thiết, Marcel Proust đã giữ kín những tác phẩm này vì tính “táo bạo” của chúng. Các truyện ngắn được một chuyên gia về Proust là Bernard de Fallois tìm thấy trong những năm 1950.
Văn hào Pháp Marcel Proust
Không công bố vì… quá táo bạo?
Trong một thời gian, những tác phẩm ấy nằm trong bộ sưu tập của Bernard de Fallois, người sáng lập Nhà xuất bản Editions de Fallois. Ông qua đời vào tháng 1.2018 và tuyên bố trong di chúc rằng có 7 hộp bản thảo của Proust trong kho lưu trữ của mình. Theo một cuộc phỏng vấn của France Culture, giáo sư trường Đại học Strasbourg kiêm nhà phê bình văn học Luc Fraisse sau đó được giao nhiệm vụ sắp xếp các bản thảo.
Có nhiều điều cho thấy Proust đã viết những câu chuyện này cho tiểu thuyết đầu tay Pleasure And Days (Les Plaisirs Et Les Jours – 1896). Lúc đó ông khoảng 20 tuổi. Nhưng cây bút trẻ này quyết định không đưa những câu chuyện đó vào cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.
Fraisse đưa ra hai lý do cho điều này. Trước hết, Proust đơn giản là không hài lòng với tác phẩm – khi hầu hết các văn bản đều chưa hoàn chỉnh. Mặt khác, có thể vì những câu chuyện này đề cập đến quan hệ đồng tính và Proust thấy bối rối khi xã hội thời ông sống có quan điểm bảo thủ về chuyện này.
“Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Proust lại loại bỏ các câu chuyện này ra khỏi cuốn Pleasure And Days dù đã đề cập đến chúng trong bản tóm tắt ban đầu?” – Fraisse viết – “Không nghi ngờ gì nữa, Proust có quyết định như vậy vì sự táo bạo của các câu chuyện, chúng có thể gây tác động lớn tới một môi trường xã hội đang gắn với các giá trị đạo đức truyền thống”.
Fraisse cho biết, chủ đề chính của các câu chuyện là phân tích về “tình yêu thể xác đã bị từ chối một cách bất công” mà Proust viết trong cuốn Đi tìm thời gian đã mất (In Search Of Lost Time; 1913-1927), trong tập thứ 4 của bộ truyện này nhà văn cũng đề cập đến mối tình đồng giới.
Thực tế, Proust không giấu giếm mình là người thích đàn ông. Các bức thư của ông viết cho nhà soạn nhạc Reynaldo Hahn là một minh chứng cho điều này.
Theo nhà xuất bản Fallois, các truyện ngắn này là “một loại nhật ký” của tác giả được viết trên “bìa một cuốn tiểu thuyết”. Trái ngược với cuốn tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất, với nhiều khoảnh khắc hài hước lặp đi lặp lại, nhận thức của Proust về quan hệ đồng tính là “một điều gì đó bi thảm và đáng nguyền rủa”.
Trong khi đó, Bernard de Fallois cũng cho rằng nếu Proust đưa những câu chuyện về đồng tính vào cuốn Pleasures And Days thì vấn đề này sẽ trở thành chủ đề chính của tác phẩm.
“Tất cả những câu chuyện này vẫn mãi trong bí mật, nhà văn không bao giờ nói về chúng” – theo Nhà xuất bản Editions de Fallois – “Proust lúc đó ở tuổi 20 và hầu hết các văn bản này đều gợi lên điều mà ông cho là một sự bi thảm của đời mình”.
Góp phần giải mã “Đi tìm thời gian đã mất”
Thực tế, Proust thích thử nghiệm với các hình thức kể chuyện đa dạng. Ông dành hết tâm trí cho các chủ đề mà ông đã đề cập trở lại và chúng có phong cách rất giống với các tác phẩm chính của ông sau này. Nhà xuất bản Fallois tuyên bố: “Với sưu tập tiểu thuyết ngắn này, chúng ta sẽ hiểu được được nguồn gốc của tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất”.
Proust bắt đầu viết tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất hồi năm 1909, khi ông 38 tuổi. Cuốn tiểu thuyết này dày 3.200 trang, gồm hơn 2.000 nhân vật và được phát hành thành 7 cuốn.
Graham Greene đã gọi Proust là “tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20” và W.Somerset Maugham đánh giá Đi tìm thời gian đã mất là “tiểu thuyết hay nhất cho đến nay”. Riêng Andre Gide (nhà văn Pháp từng đoạt giải Nobel Văn học) ban đầu không thấy hấp dẫn với tác phẩm này và Nhà xuất bản Gallimard đã từ chối in tập đầu tiên theo lời khuyên của Gide. Sau đó, Gide viết thư xin lỗi Proust về sự từ chối của mình và cho đây là một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất trong cuộc đời ông.
Proust qua đời ngày 18.11.1922 ở tuổi 51 vì bệnh phổi, trước khi ông có thể hoàn thành việc xem xét các bản thảo của các tập cuối cùng. 3 trong số đó đã được xuất bản sau khi Proust qua đời và được em trai ông là Robert chỉnh sửa.
Cuốn truyện này đã được C.K.Scott Moncrieff dịch sang tiếng Anh và được xuất bản với tựa đề Remembrance Of Things Past từ năm 1922 đến năm 1931. Moncrieff đã dịch từ tập 1 đến tập 6 và đã qua đời trước khi hoàn thành tập cuối. Tập cuối cùng này được các dịch giả khác xúc tiến vào các thời điểm khác nhau. Khi bản dịch của Scott Moncrieff được sửa đổi sau đó, tựa đề cuốn tiểu thuyết đã được đổi thành Đi tìm thời gian đã mất (In Search Of Lost Time).
Năm 1995, Nhà xuất bản Penguin đã phát hành bản dịch mới của cuốn truyện do biên tập viên Christopher Prendergast và 7 dịch giả ở 3 quốc gia dịch dựa trên văn bản tiếng Pháp mới nhất, đầy đủ nhất.
Tạp chí Time từng bầu chọn Đi tìm thời gian đã mất đứng thứ 8 trong danh sách những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời. Năm 1995, tuần báo Pháp L’Evenement du Jeudi cùng Đài Phát thanh và Trung tâm Văn hóa Pompidou ở Paris đã tổ chức cuộc thăm dò ý kiến để chọn 10 cuốn sách hay nhất trong văn học Pháp cho thế hệ năm 2000. Kết quả là cuốn Đi tìm thời gian đã mất xếp thứ nhất.
Các tác phẩm hoàn chỉnh của Proust bao gồm một số tác phẩm văn học khác và hàng ngàn lá thư mà ông bắt đầu viết từ năm 17 tuổi.
7/6/2021
Việt Lâm
Nguồn: TTVH
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...