Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Cuộc chia tay không hẹn trước

Cuộc chia tay không hẹn trước

Tháng 4.1989. Fidel nhìn về phía kẻ phản bội tiềm năng với sự ngỡ ngàng khinh bỉ vì đã biết rất rõ rằng: Ở thời điểm đó, đã có những cơ quan tình báo Xô viết theo chỉ đạo của con người này đang hợp sức với Washington chuẩn bị cho một cuộc đảo chính quân sự ở Cuba. Việc diễn ra hai tháng trước khi chính quyền Cuba xử bắn nhóm phản bội do trung tướng, anh hùng lực lượng vũ trang Arnaldo Ochoa Sanchez cầm đầu tháng 6.1989. Và cũng chỉ còn hơn hai năm sau đó, Liên bang Xôviết tan rã…
Gorbachev đã viết gì về Cuba và Fidel
Trong tập sách “Cuộc đời và cải cách” do nhà xuất bản Novosti ấn hành tại Moskva năm 1995, Mikhail Gorbachev đã kể về những ấn tượng của ông ta đối với “Hòn đảo Tự do” như sau: “Với những sự việc cụ thể chứ không chỉ nhờ những gì đã đọc được hoặc nghe thấy, tôi tin vào tính chất toàn dân của cuộc cách mạng Cuba. Đó là cuộc cách mạng được ủng hộ bởi những tầng lớp quần chúng rộng rãi – và đấy chính là “bí quyết” dẫn đến thành công của một nhóm người dũng cảm do Castro đứng đầu tấn công chế độ độc tài đã mục ruỗng. Vì Hoa Kỳ ủng hộ chế độ Batista nên người Cuba cũng có thái độ tiêu cực đối với họ. Thiện cảm đối với Cuba vẫn còn nguyên vẹn ở Liên Xô, và nhìn từ khía cạnh này, những cam kết ủng hộ Cuba của chúng ta hoàn toàn thích ứng với tâm trạng của xã hội. Chỉ cần nhớ lại sự nồng hậu mà chúng ta đã đón tiếp Fidel Castro tháng 2-1986, khi ông tới tham gia hoạt động trong đại hội XXVII của đảng Cộng sản Liên Xô… Bài phát biểu của Castro tại đại hội rất xúc cảm và súc tích. Ở đây cần phải nhớ rằng tại Cuba ở thời điểm đó đã bắt đầu cái gọi là quá trình nắn dòng, tức là đấu tranh xóa bỏ mọi sự lạm dụng, tham nhũng, các tội phạm kinh tế. Quá trình nắn dòng này đồng điệu với công cuộc perestroika. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là Fidel đang tắm mình trong hào quang và lúc đó chưa hiểu rõ hết sự biến đổi đang diễn ra ở nước chúng ta”…
Có lẽ chính từ cách nhìn nhận này mà Gorbachev bắt đầu có cái nhìn khác về lãnh tụ của “Hòn đảo Tự do” và ông kể tiếp về quan hệ giữa ông ta với Fidel Castro: “Cũng trong năm 1986, tháng 11, tôi lại thêm một lần trò chuyện với Castro khi ông lại tới Moskva để tham gia cuộc gặp gỡ làm việc của lãnh đạo các đảng cầm quyền trong khối SEV (Hội đồng Tương trợ Kinh tế). Theo đề nghị của chúng ta tại cuộc họp đã thông qua quyết định xây dựng cho Cuba, Việt Nam và Mông Cổ một chương trình tập thể đặc biệt để hợp tác kinh tế trong khuôn khổ khối SEV.
Rõ ràng là những hình thức viện trợ trực tiếp đã hết thời, bắt buộc phải chuyển đổi sang sự cùng có lợi, bởi thực tế tình hình chung trên thế giới đòi hỏi mỗi nước phải tự mình hòa nhập với các mối quan hệ kinh tế chung toàn cầu. Chính về khía cạnh mang tính nguyên tắc này đã diễn ra cuộc nói chuyện của tôi với Fidel. Ban lãnh đạo Cuba đã xác định được rằng việc dần dần chuyển đổi các mối quan hệ kinh tế sang cơ sở cùng có lợi là không thể tránh khỏi, nhưng đã cố gắng trì hoãn tối đa quá trình này…
Cuộc gặp mới của tôi với Castro đã diễn ra vào tháng 11/1986, khi ông tới dự lễ kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười và tham gia cuộc họp của đại diện các chính đảng và các phong trào thiên tả. Trong lần này cuộc nói chuyện liên quan tới các vấn đề lý luận và chính trị. Theo đánh giá của Castro, các cuộc trao đổi đã khẳng định “sự thống nhất hoàn toàn các quan điểm, tiêu chí và cách hiểu những quá trình đang diễn ra tại hai nước chúng ta”.
Giờ tôi muốn đưa bạn đọc chú ý tới thời gian sau đó – ngày 5/4/1988, khi diễn ra cuộc trò chuyện dài và rất quan trọng qua điện thoại giữa tôi với Fidel. Trong khoảng thời gian ngắn đó, ở Cuba đã áp dụng những biện pháp kiên quyết đối với những kẻ tham nhũng, kể cả cán bộ cấp cao. Gần một phần ba lãnh đạo đảng ở cơ sở đã bị mất chức. Ban lãnh đạo Cuba nhìn thấy cội nguồn của tai họa là ở “những xu hướng thương mại hóa” và bắt đầu thực hiện chính sách thủ tiêu thị trường nông dân, gia tăng kiểm soát nhà nước đối với việc phân phối lương thực thực phẩm và các nguồn lực khác.
Năm 1988 ở Liên Xô đã bắt đầu với những lo lắng lớn cho số phận của perestroika. Cuộc sống đòi hỏi những câu trả lời đối với những câu nền tảng – về sở hữu, dân chủ, đa nguyên chính trị và tư tưởng, về đánh giá lịch sử Xôviết và những vấn đề khác. Những thay đổi quan trọng cũng đã diễn ra trên trường quốc tế…
Cũng chính trong thời gian đó đã nảy sinh va chạm giữa bộ chỉ huy lực lượng quân sự Cuba ở Angola và các chuyên gia quân sự Liên Xô. Các chỉ huy quân sự của chúng ta đã trách các đồng nghiệp Cuba không đủ tích cực, kiên quyết, đã cho rằng phía Cuba đang nắm đủ tiềm lực để đánh thắng lực lượng UNITA. Các chỉ huy Cuba cũng đáp trả rằng, nếu các cố vấn Liên Xô chỉ huy các chiến dịch ở Afghanistan như thế thì còn lâu mới giành được chiến thắng. Ở thời điểm đó, tôi nhận được thư từ Fidel, nhìn chung là hữu nghị nhưng có lời trách móc các cố vấn quân sự của ta ở Angola. Raul Castro, khi nhận được lời mời tham dự lễ kỷ niệm 70 năm quân đội Xôviết từ nguyên soái Yazov, đã từ chối tới. Từ ông ấy có tín hiệu ngỏ ý muốn thăm Liên Xô với tư cách Bí thứ Thứ hai BCHTƯ đảng Cộng sản Cuba. Cần phải cấp tốc làm dịu tình hình…
Tôi đã sử dụng chuyến thăm của Medvedev và Dobrynin tháng 3 tới La Habana và giao cho họ nhiệm vụ thảo luận một cách tin cậy các vấn đề với Fidel, truyền đạt tới ông lời đáp của tôi. Tôi có cảm giác là cần phải gặp gỡ trực tiếp và ngày 5-4 đã gọi điện cho Fidel Castro. Castro đã tiếp nhận thông điệp này một cách đầy cảm xúc và bảo: “Lòng tin của chúng tôi đối với các đồng chí vẫn duy trì toàn vẹn và cũng như sự thấu hiểu hoàn toàn”.
Từ biên bản ghi chép cuộc nói chuyện điện thoại:
“Gorbachev: Tôi đã yêu cầu Dobrynin và Medvedev thông báo chi tiết cho đồng chí về công việc của chúng tôi.
Castro: Tôi đã nhận được thông tin từ họ. Thời gian gần đây tôi đã trò chuyện với nhiều đồng chí Liên Xô tới thăm Cuba – các bộ trưởng, các chính khách. Tất cả đều tràn đầy lạc quan và nhiệt huyết. Đồng thời cũng thấy rõ là họ nhìn vào tình hình một cách thực tế. Tôi nghĩ rằng, đồng chí đã đưa ra đánh giá thực tế khi nói rằng, con đường sắp tới sẽ khó khăn, cần phải vượt qua nhiều trở ngại to lớn. Nhưng tôi tin rằng nó sẽ cho điểm tốt, sẽ cho điểm xuất sắc đối với đồng chí Gorbachev. Các đồng chí có một đội ngũ cán bộ tốt. Chúng tôi đang rất quan tâm theo dõi việc đảng và nhân dân Xôviết giải quyết các vấn đề đang đứng trước mình…
Qua cuộc trò chuyện, tôi hiểu rằng Fidel rất quan tâm tới những gì diễn ra ở đất nước chúng ta. Ông chờ tôi tới Cuba để trò chuyện về mọi việc…
Tôi đã muốn hướng Fidel tới việc nói dù chỉ ngắn gọn về quan hệ với Hoa Kỳ. Nói thẳng với ông về việc cần phải bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vì nếu thiếu nó sẽ không thể đưa tiến trình thế giới phát triển theo hướng cần thiết. Tôi đã nói với ông về dự định ký thỏa thuận liên quan tới vũ khí chiến lược.
Fidel đã có phản ứng nghiêm túc và nói: “Đây là thông tin hết sức quan trọng. Nếu trong chuyến thăm Moskva của Reagan không ký được thỏa thuận này thì tiến trình đó vẫn không thể nào đảo ngược được. Trong bất cứ trường hợp nào cũng vẫn có thể tìm ra lợi ích từ chuyến thăm đó. Bản thân chuyến thăm cũng có ý nghĩa lớn vì nó chứng minh cho sự thay đổi tình hình quốc tế”.
Những lời này đối với tôi có ý nghĩa lớn: trong kế hoạch của chúng ta có nhiệm vụ hỗ trợ cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Cuba với Hoa Kỳ.
Quan trọng không kém đối với tôi là thái độ có tính xây dựng của Fidel. Đây hiển nhiên là một nhân vật lớn với số phận có một không hai. Ông đã bắt buộc phải chèo lái một đất nước bị cấm vận, về bản chất đã phải sống và hành động trong những tình huống bất thường. Tất cả những điều đó dĩ nhiên đã in dấu ấn lên lối tư duy của ông, xác định xu hướng nghiêng về những quyết định không phải lúc nào cũng dân chủ. Nhưng khi tiếp xúc với Castro, tôi không bao giờ cảm thấy con người này đã kiệt hết năng lực hay như người ta vẫn nói, “đã lỗi thời”… Với ông, luôn có thể tiến hành các cuộc đối thoại có tính xây dựng, đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và phối hợp hành động”…
Sai khác trong thực tế
Tuy nhiên, trong thực tế, quan hệ giữa Liên Xô với Cua ở thời điểm đó đã có những thay đổi khá căn bản. Gorbachev khi biết được ông ta không thể thuyết phục nổi Fidel tin theo những cải cách đầy bất cập của perestroika, đã âm thầm tìm những kịch bản khác để thay đổi thể chế ở Cuba. Một bộ phận các cơ quan an ninh tình báo Xôviết đã bắt tay với Washington trong những nỗ lực này.
Nhân viên CIA Ted Shackley, chuyên ngành “tổ chức thanh lý” (tức là tổ chức các vụ mưu sát các nhà lãnh đạo nước ngoài mà Washington coi là kẻ thù), đã kể về âm mưu đảo chính bất thành ở Cuba như sau trong hồi ký “Nghệ nhân điệp vụ. Cuộc đời tôi ở CIA” được công bố năm 2005 sau khi ông ta đã chết:
“Chúng tôi đã không có được sự tiếp cận chắc chắn với những người bất đồng chính kiến (ở Cuba) nên không thể đạt được sự hiểu biết lẫn nhau với nhóm lãnh đạo đảo chính tiềm năng. Những gì chúng ta từng tìm kiếm từ năm 1963 đã trở thành thực thể ở giữa năm 1989, khi Arnaldo Ochoa Sanchez nhờ hoạt động của mình ở Angola đã trở thành một lực lượng đủ sức đe dọa Fidel Castro”.
Shackley rất thông thạo Cuba. Năm 1963, người này từng chỉ huy chiến dịch mưu sát Fidel Castro nhằm tiến hành âm mưu đảo chính mang mật danh “Chiến dịch 40”…
William Safire – bình luận viên của tờ New York Thời báo – đã gọi Fidel là “Ceausescu vùng Caribe” trong năm 1989. Nhưng thực tế thì số phận của hai nhà lãnh đạo này trong năm đó đã khác hẳn nhau. Ceausescu cũng đã từ chối trở nên “mềm dẻo” hơn và Gorbachev đã ra lệnh cho các cơ quan an ninh tình báo Xôviết chuẩn bị cộng tác với các cơ quan an ninh tình báo Mỹ thực hiện cuộc lật đổ ông.
Từ trước năm 1987, Dick Cheney, William Webster và Robert Gates cũng đã chuẩn bị cùng các cơ quan an ninh tình báo Xôviết dưới thời Gorbachev một kịch bản tương tự đối với Fidel Castro, khi Gorbachev sang thăm Washington…
Thực tế cho thấy, ở thời điểm đó, những người làm cho Gorbachev lo lắng nhất là Fidel Castro và nhà lãnh đạo CHDC Đức Eric Honecker và mối quan hệ ngày một trở nên vững bền giữa họ. Tại các nhà máy của CHDC Đức vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của lực lượng trị an công nhân. Lực lượng an ninh tình báo nằm dưới quyền chỉ huy của Markus Wolf cũng có thể không đồng tình với việc tự giải giáp. Trên “hòn đảo Tự do”, tinh thần cách mạng vẫn còn cao và uy tín của Fidel vẫn được duy trì rất tốt. KGB thông báo cho Gorbachev biết rằng, Fidel Castro coi ông ta là kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội. Những thông tin tương tự cũng tới cùng Gorbachev từ nguồn của “những người bạn cải tổ”.
Tháng 1/1989. trong cuộc trò chuyện với người bạn thân thiết là nhà văn nổi tiếng thế giới người Columbia, Gabriel Garcia Marquez, một người ủng hộ perestroika, Fidel đã nhấn mạnh: “Hãy hiểu tôi cho đúng. Tôi không chống lại những nguyên tắc của công cuộc cải tổ, nhưng đó là một chính sách hết sức mạo hiểm. Nó sẽ đẩy lùi thế giới xã hội chủ nghĩa về với chủ nghĩa tư bản”. Khi Marquez phản bác rằng, ngược lại, đó “có lẽ là khởi đầu của một chủ nghĩa xã hội đích thực, chủ nghĩa xã hội với gương mặt con người”, thì Fidel đã đáp: “Không, hãy tin tôi, anh Gabo thân mến, đó sẽ là thảm họa”…
Những thông tin này cũng đã được chuyển tới Gorbachev…
Tháng 6/1998, tờ El Nuevo Herald (chuyên đề ra bằng tiếng Tây Ban Nha của báo Miami Herald) đã đăng tuyên bố chấn động của cựu phóng viên Cuba Raul Martin, người từng hơn 10 năm làm việc cho hãng thông tấn Prensa Latina. Martin kể lại rằng, trong giai đoạn 1987-1989 anh ta đã tham gia một chiến dịch của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), được tiến hành dưới vỏ bọc hoạt động của hãng tin Liên Xô Novosti. Mục tiêu của chiến dịch này là liên hệ với các phần tử bất mãn chế độ ở Cuba nhằm lật đổ Fidel Castro và chuyển đất nước sang con đường “perestroika”. Có lẽ đã không chỉ KGB mới chuẩn bị âm mưu đảo chính ở Cuba. Tổng cục Tình báo Quân đội Xôviết (GRU) có lẽ cũng đã có nhiều cơ hội thực hiện nhiệm vụ này nhờ các mối quan hệ phong phú về quân sự giữa Liên Xô với Cuba. Và trước hết là nhờ những mối quan hệ chặt chẽ của trung tướng Arnaldo Ochoa Sanchez với Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Xôviết và trực tiếp với một trong những phó chỉ huy GRU là tướng Yuri Gusev. Đích thân tướng Gusev đã đứng ra chuẩn bị cho âm mưu đảo chính lật đổ Fidel Castro. Trong đội ngũ tướng lĩnh Xôviết thời đó, nhiều người biết rõ về Ochoa và những quan điểm “dân chủ” của viên tướng Cuba này từ thời ông ta theo học tại Học viện Frunze cũng như thông qua các hoạt động phối hợp ở châu Phi, nơi mà Ochoa đã đưa ra những ý kiến phê phán đường lối chính trị của Fidel từ những năm 70…
Arnaldo Ochoa sinh năm 1930, từng tham gia hoạt động cách mạng bí mật từ ngày còn trẻ. Ông này cũng từng có mặt trong các trận đánh tại vịnh Con Lợn chống lại lực lượng can thiệp ủng hộ chế độ độc tài Batista. Năm 1965, Ochoa được kết nạp vào đảng Cộng sản Cuba rồi trở thành ủy viên BCHTƯ. Trong những năm 1967-1969, Ochoa đã tham gia đào tạo các chiến sĩ nổi dậy ở Kông, sau đó có mặt trong cuộc đảo chính bất thành tại Venezuela. Từ năm 1965, Ochoa chiến đấu ở Angola, năm 1977 trở thành người chỉ huy lực lượng quân sự Cuba tại Etiophia, tham gia các trận chiến đấu chống lại Somali. Tới những năm 1980, các chiến tích đã giúp tướng Ochoa có được danh tiếng của một anh hùng… Tuy nhiên, những tư tưởng bất đồng với lãnh đạo cũng nảy sinh trong tư duy của ông ta từ thời điểm đó.
Những vị tướng Xôviết ủng hộ đường lối của Gorbachev đã chuẩn bị Ochoa cho vai trò thủ lĩnh của một cuộc đảo chính nhằm lật độ Fidel Castro. Họ đã giúp đỡ ông ta tại Etiophia và Angola.
Trong vụ việc này cũng cần nhắc tới hai nhân vật khá quan trọng, đó là anh em sinh đôi nhà De La Guardia, Antonio (Tony) và Patrisio. Đại tá Tony (sinh năm 1939) từng đứng đầu đơn vị tuyệt mật của Bộ Nội vụ Cuba, chuyên về buôn bán ngoại tệ. Tại Panama, Tony có một cơ quan đại diện. Tony và Ochoa biết nhau rất rõ.
Tháng 4/1989, Mikhail Gorbachev đã có một chuyến thăm hữu nghị tới Cuba. Tại đây, Gorbachev đã có những bài phát hiểu hùng hồn về “chủ nghĩa xã hội với gương mặt con người”, về quá trình dân chủ hóa xã hội và tình hữu nghị vĩnh cửu giữa nhân dân Liên Xô với nhân dân Cuba. Trong thực tế, mục tiêu của chuyến thăm này là tìm cách lật đổ Fidel Castro.
Trong câu chuyện này, vai trò quan trọng đã thuộc về lực lượng an ninh Cuba khi họ biết được về âm mưu đảo chính đó. Ngày 27/5/1989, Raul Castro đã ra lệnh thiết lập hệ thống theo dõi nhà của Bộ trưởng Bộ Giao thông Diocles Torralba. Trong quá khứ, Torralba từng chỉ huy lực lượng không quân Cuba và vẫn duy trì được các mối quan hệ tốt trong quân đội. Ông này cũng có những quan hệ gần gũi với các quan chức cao cấp. Con gái ông ta, Maria Elena, là vợ của Tony De La Guardia. Vào tối hôm đó, Ochoa đang tới chơi nhà Torralba, họ trò chuyện về hai quân nhân đào tẩu sang phía kẻ thù là thiếu tá Florentino Azpilaga và tướng không quân Rafael Del Pino. Ochoa đã nói về những lợi lộc mà perestroika có thể mang lại và về quan điểm đã thay đổi trong vấn đề Angola dịch chuyển theo con đường dân chủ hóa của các đồng chí Xôviết. Những người có mặt tại nhà Torralba tối đó đã không ngờ rằng họ đã bị nghe lén.
Quan điểm của “các đồng chí Xôviết” đã thực sự thay đổi và thay đổi rất nhanh. Khi lực lượng theo khuynh hướng của Yuri Andropov trong đảng Cộng sản Liên Xô và KGB bắt đầu công cuộc cải tổ, họ đã vấp phải sự phản kháng từ phía các nhóm lợi ích trong thượng tầng xã hội thuộc quân đội, GRU, các tổ hợp công nghiệp quân sự và lực lượng chống lại Cơ quan kiểm soát thương mại (KOKOM). Tuy nhiên, khi lực lượng an ninh quân đội hiểu ra được rằng Gorbachev sẽ đảo chiều thì họ đã quay ngoắt lại 180 độ và gia nhập trào lưu này.
Ngày 24.4.1989, trung tướng Ochoa cùng anh em nhà De La Guardia và nhiều nhân vật khác cùng khuynh hướng đã bị bắt gọn, chỉ sau hai tuần diễn ra cuộc gặp gỡ ban tối ở nhà Torralba.
Tại phiên tòa diễn ra ngày 28/8/1989 ở La Habana, lãnh đạo Cuba đã cố gắng hết sức để loại tỏ mọi hoài nghi về một âm mưu chính trị. Các bị cáo đều bị kết tội liên quan đến buôn bán ma túy và hối lộ. Tuy nhiên, việc thanh lọc một cách mạnh mẽ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ diễn ra sau đó ở Cuba đã chỉ rõ nguyên nhân đích thực. Ở thời điểm đó, cần phải giấu kín sự tồn tại của một âm mưu đảo chính quân sự là vì hàng loạt nguyên nhân, chủ quan cũng như khách quan. Nếu tiến hành công khai việc điều tra âm mưu đảo chính thì tất yếu sẽ làm lộ ra vai trò của các cơ quan an ninh tình báo Xôviết trong đó. Tuy nhiên, Fidel Castro khi ấy vẫn còn hy vọng rằng tình hình ở Liên Xô sẽ được cải thiện. Hơn nữa, nếu tin về việc một viên tướng lừng lẫy như Ochoa chuẩn bị đảo chính để đi theo Mỹ hiển nhiên sẽ là một cú đánh khủng khiếp đối với ý thức tự hào của xã hội Cuba.
Hai tuần sau khi Ochoa và Tony bị tử hình, Fidel Castro đã tuyên bố: “Chúng ta nghiêm khắc cảnh báo chủ nghĩa đế quốc: hãy quên đi những ảo vọng đối với cuộc Cách mạng của chúng ta. Cuộc Cách mạng đó sẽ vẫn được tiếp tục ngay cả nếu như trong hệ thống xã hội chủ nghĩa xảy ra thảm họa. Ngay cả nếu ngày mai nhận được tin ở Liên Xô bùng nổ nội chiến hay thậm chí tan rã Liên bang Xôviết, thì Cộng hòa Cuba và Cách mạng Cuba vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh và tiếp tục đứng vững một cách huy hoàng tráng lệ”!.
5/11/2019
Hoàng Trung
Nguồn: THV
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...