Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Trái tim trước biển: Giàu cảm xúc, đa thanh

Trái tim trước biển:
Giàu cảm xúc, đa thanh

Trong số những tác giả thơ xuất hiện ở Hải Phòng thập niên đầu thế kỷ 21, Đinh Thường nằm trong tốp gây được ấn tượng với người đọc ngay từ đầu với chùm thơ ba bài (Kỷ niệm đêm tuần tra, Nghĩ về sắc phượng, Đêm trắng) in trên tạp chí Cửa biển (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng) số ra tháng 8/2010 và được tặng thưởng thơ hay năm 2010 của tạp chí. Cái ấn tượng bạn đọc dành cho thơ Đinh Thường theo tôi chính là ở sự cuốn hút người đọc bằng một trái tim dễ xúc cảm và một cách nói đa thanh, giàu âm sắc mà trong tập thơ mới của anh Trái tim trước biển (NXB Hội Nhà văn – quý 4/2011) hiện ra khá rõ.
Chưa bàn tới sự rung động làm nên những câu thơ hay dở đến đâu, chỉ nói cái cảm, cái rung nhanh nhạy của anh trước những gì vừa nhận thức, vừa bắt gặp, vừa đặt chân tới cũng là điều đáng khích lệ với một người làm thơ. Bởi cảm xúc luôn được coi như một tiêu chí cần đầu tiên với người làm thơ. Cảnh phố xá thoáng nhìn ngỡ chẳng có gì đáng nói, nhưng lại đáng nói giữa lúp xúp tường xi măng bỗng vụt sáng những tòa nhà cao tầng như minh chứng về thành phố trên đà phát triển: “Phố vẫn phố đủ cả sắc màu/ Giữa lúp xúp tường xi măng xám ngoách/ Bỗng vụt sáng những cao ốc tưởng chừng trời rách/ Mắt bước thang trời, giật mình bắt gặp người quen”. Ngỡ xa lạ tòa nhà cao “tưởng chừng trời rách”, nhưng thực không xa lạ chút nào khi vào đây vẫn “gặp người quen” và biết đâu cả người thân yêu nữa.
Thơ nói được nhiều điều giữa một thời mở cửa và hội nhập. Còn đây là dưới sắc phượng ngày hè, có ai biết tới cuộc sống đời thường của những đứa trẻ lam lũ nhưng thật yêu đời và cũng rất vô tư: “Lũ trẻ đánh giầy quen tháng ngày bụi bặm/ Túm tụm bên những quân bài bích- nhép-rô-cơ/ Phượng cứ say sưa đỏ, ve cứ mải miết ran – với chúng chỉ là những nỗi niềm xa xỉ/ Cơm áo gia đình vẫn bỏng cháy ước ao”. Mấy câu dẫn này là ở bài Nghĩ về sắc phượng, một bài thơ hay và đầy trách nhiệm, giá anh đừng để vào khổ kết hai câu: “Xin được nói một điều: xấu đều hơn tốt lỏi/ Đã tươi thắm, hãy tươi thắm cho đều khắp cõi nhân sinh”. Nhà thơ nhìn phượng đỏ nghĩ về cuộc sống thực tại với sự phân định giàu nghèo đang diễn ra. Nhưng thơ cần sự gợi mở, liên tưởng chứ không nhất thiết cứ nói thẳng ra như thế. Tôi thích những câu này trong bài Chiều chợ  huyện: “Bứng một vì sao đặt vào ô cửa/ Soi sáng mặt người tất tả mưu sinh/ Chợt giật mình thời nào cũng thế/ Thân rạ rơm vốn nặng nghĩa tình”. Đúng là cái tình của người làng quê thì dẫu đi đến đâu cũng không phai nhạt chứ đừng nói khi làng lên phố.
Đọc thơ Đinh Thường thấy sức cảm, sức nghĩ của anh khá tinh nhạy và nhanh. Là bộ đội biên phòng, hẳn anh không ít lần đi tuần tra đêm trên biển đảo, nhưng cái đêm tuần tra khuya khoắt vẫn thấy mái nhà người mẹ liệt sĩ sáng ánh đèn như chờ đứa con trai đi xa bao năm chưa về đã để lại trong lòng người chiến sĩ biên phòng bao suy tư, xúc động: “Gió độc thoại thông thênh qua từng khe cửa/ Cất tiếng thở dài mẹ nghiêng mình trở về hiện tại/… Đêm biên thùy nghèn nghẹn đắng bờ môi”. Còn đây là một đêm người chiến sĩ biên phòng đi tuần tra qua các cánh rừng rét mướt nhưng vẫn mơ về những mùa xuân xốn xang tia nắng mới: “Chúng tôi đi qua cánh rừng thảng thốt mùa lá rụng/ Vệt cháy ven đồi rát mặt những ngày xanh/ Dốc ngược bi đông cạn nắng chiều biên ải/ Mơ về mùa xuân cỏ tươi nao nức dưới chân người”.
Vẫn viết về công việc của mình, người lính biên phòng, nhưng Đinh Thường đi vào cuộc sống đời thường với những cảm nghĩ rất thật, rất đời của người lính chứ không “quan trọng hóa” công việc, dù đó là một công việc quan trọng được xã hội giao phó. Thơ anh vì thế dễ gần, dễ tạo được đồng cảm với người đọc. Ngay như vở chèo Quan Âm Thị Kính ai cũng biết nhưng trái tim dễ rung động của anh hẳn xúc động lắm lắm mỗi lần xem (nghe) vở chèo này thì mới có thể làm tới hai bài thơ sâu lắng, da diết nhưng ý tứ mỗi bài mỗi khác: “Lửa tình tự bén nên cơn/ Sự yêu ra bão, tích hờn thành giông/ Tỉnh queo lý lẽ chưa chồng/ Cỏ gai trở giấc cánh đồng lên hương” (bài Khúc tưởng Thị Màu). Còn đây, bài Xem chèo Quan Âm Thị Kính: “Thương thay dân khổ mấy phần/ Cười cho chức sắc mười phân thẹn thùng/ Chính chuyên gánh nỗi thẹn thùng/ Con người thương đến tận cùng tâm can”.
Dễ rung động, Đinh Thường cũng tạo được nhiều giọng điệu trong diễn tả cảm xúc, nên trong một tập thơ 54 bài, anh có tới bốn, năm cách thể hiện, khi là thơ có vần (lục bát), khi là thơ tự do, lúc lại thơ văn xuôi… Dường như anh đang rong ruổi vào khu rừng xanh thi ca và đang cố gắng bằng nhiệt huyết trái tim mình tự phát cây tìm lối mở lấy đường ra chứ không cần sự dựa dẫm, bấu víu vào bất cứ cái gì. Thế nên, dễ hiểu trong tập thơ này, Đinh Thường tưng tẩy ngòi bút ở nhiều khía cạnh của đời sống, từ cái rất đời thường như một lần đi uống cà phê một mình, buồn đến mức: “Cà phê buồn đắng lên môi/ Nhạt nhèo lên mắt, mặn trồi vào tim”. Đến những cái gắn kết với cộng đồng, với xã hội như khi lên núi Ba Vì, nhà thơ nghĩ ngay đến truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh: “Cỏ rơm mộng mị bao điều/ Chắt trong thơm thảo nỗi yêu bời bời”. Hoặc khi đọc lại Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ: “Ngàn sau chạm phải thế thời/ Còn vang tiếng sấm bên trời heo may”.
Mở rộng ý tưởng (đề tài) cũng cần, nhưng có lẽ cái cần hơn với người làm thơ là sự chắt lọc, cô đọng trong cảm xúc, ý tứ và nhịp điệu. Một khi có cảm xúc nhưng cứ để cảm xúc “tự do” tưng tẩy mà thiếu sự điều tiết, kìm nén thì thơ tự nhiên dàn trải, loãng và đôi khi như tuột khỏi tầm kiểm soát của chính mình. Cũng vì thế, trong Trái tim trước biển, Đinh Thường dường như còn dễ dãi, buông thả cảm xúc, nên một số bài thiếu sự cô đọng, liên tưởng, gợi mở cho người đọc mà cảm giác như tác giả giãi bày ruột gan ra hết cả. Trong sự tìm tòi cách thể hiện của anh qua tập Trái tim trước biển thì chùm lục bát 28 bài có lẽ là trội hơn cả nếu không muốn nói là hợp với tạng thơ của anh, chân thực, mộc mạc và giàu cảm xúc. Trong số này có nhiều bài khá ấn tượng như: Cà phê đắng, Gõ cửa vào xuân, Khúc tưởng Thị Màu, Rộn theo tiếng cuốc từng đêm, Mẹ đi mót lúa, Nửa đêm nghe bão…
Thơ lục bát Đinh Thường khá niêm luật, ý tứ chặt chẽ và có nhịp điệu, ít gặp những câu thơ ép vần, gò chữ. Đây là bài thơ lục bát được lấy đặt tên cho tập Trái tim trước biển, chỉ có bốn câu, chưa phải là hay nhất trong tập, nhưng có thể coi là tiêu biểu cho thơ lục bát Đinh Thường về ý tứ, nhịp điệu: “Thâm tình gửi khúc sông xưa/ Bạc đầu biên ải nắng mưa đã từng/ Mê say hoa núi hương rừng/ Trái tim trước biển vẫn hừng hực yêu”. Đúng là khi tuổi sắp ngũ tuần anh mới đến với thơ và đến với thơ cũng chẳng khác gì đứng trước biển cả bao la, thấy mênh mông đấy nhưng vẫn cứ nhảy vào, bởi con tim hừng hực một tình yêu thi ca lắm lắm. Và thế là Đinh Thường đến với thơ bằng cả niềm say mê chân thành và giản dị của một trái tim đa cảm, đa thanh, chứ không có ý coi thơ như một thứ làm duyên làm dáng cho cuộc sống dẫu chưa hoàn hảo cũng không hẳn nhiều gian khó.
Thế nên người đọc cũng dễ cảm thông, chia sẻ với tác giả Trái tim trước biển khi còn thấy một vài bài lẽ ra không nên đưa vào tập thì hẳn sẽ ít đi sự trồi sụt về mặt bằng chất lượng. Nhưng con đường thơ của anh còn dài, triển vọng luôn ở phía trước, người đọc có quyền đòi hỏi và hy vọng ở một Đinh Thường với giọng thơ giàu cảm xúc, đa thanh sắc, nhưng sâu đằm và gợi mở hơn nữa.
21/3/2021
Cao Năm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...