Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Những thứ trong suốt, những người hư ảo và những câu mờ đục

Những thứ trong suốt, những người
hư ảo và những câu mờ đục

Lúc này vì dịch bệnh nên tôi có thời gian xem lại tranh của những họa sĩ mình yêu thích, đồng thời cũng quan tâm đến hội họa của Việt Nam trong thời đại tưởng chừng như người ta đang sống nhanh và chết gấp như thế này. Cũng tình cờ hôm nay Facebook nhắc lại kỷ niệm là đúng vào ngày này năm ngoái, tôi được dịch giả Thiên Lương tặng cho cuốn tiểu thuyết “Những thứ trong suốt” của Vladimir Nabokov do Công ty ANDI và NXB Văn học ấn hành. Tất nhiên anh Thiên Lương là người dịch. Có lẽ vì cái bóng quá lớn của bản dịch tác phẩm “Lolita” đình đám của Nabokov, khiến cho người ta khi nói về dịch giả Thiên Lương, hầu như chỉ nói nhiều về chuyện anh dịch “Lolita”. Người ta quên rằng anh đã dịch khá nhiều về Nabokov, gồm 51 truyện ngắn in trong ba tập “Mỹ nhân Nga”, “Thanh âm”, “Mây, hồ, tháp” và 5 tiểu thuyết của Nabokov là “Lolita”, “Pnin”, “Mashenka”, “Phòng thủ Luzhin”, “Những thứ trong suốt”.
Năm ngoái khi nhận sách tặng tôi đã viết một bài về tác phẩm “Những thứ trong suốt”, nhưng rồi lại không đăng ở đâu, vì tôi muốn đọc hết những tác phẩm của Nabokov để có một cái nhìn mang tính tổng thể hơn về một nhà văn nổi tiếng mà giới nghiên cứu văn học gọi là “nhà văn nhân sư”. Gọi Nabokov là “nhà văn nhân sư” bởi vì mỗi tác phẩm của ông đều là những câu đố bí hiểm mà khó ai có thể giải được và nếu có lời giải thì thường lại nảy ra những tranh cãi xung quanh lời giải ấy. Theo quan điểm của lý thuyết phản hồi của độc giả, có lẽ người đọc tác phẩm của Nabokov hẳn phải là người đọc tinh hoa, bởi tác phẩm của ông khá kén người đọc.
Nhưng trong thời gian này Sài Gòn đang thực hiện giãn cách xã hội và Hà Nội cùng nhiều tỉnh thành khác cũng thế. Tôi bị trói chân ở nhà, ngày ngày nhìn bầu trời xanh qua khung cửa sổ và thỉnh thoảng đi dạo dưới sân cao ốc nơi tôi sống. Sáng nay tôi ngồi ở ghế đá ngắm bầu trời quá xanh, mây trắng quá đẹp và không khí quá tinh khiết, bỗng nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Những thứ trong suốt” của Nabokov. Thật ra mọi thứ đều rất đẹp, chỉ có những con người đang mờ đục dần vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, vì dịch bệnh, vì những dục vọng thẳm sâu trong tâm hồn họ và vì đủ thứ mà chính họ cũng nhiều khi chẳng thể hiểu nổi.
Nhà phê bình Hà Thanh Vân
Tôi nhớ lại những ấn tượng của tôi về tác phẩm “Những thứ trong suốt”. Có lẽ nếu ai hỏi tôi nên đọc Nabokov như thế nào, tôi sẽ khuyên họ nên đọc truyện ngắn của ông trước, sau đó sẽ đọc lần lượt các tiểu thuyết và cố gắng đọc theo thứ tự mà ông cho ra mắt công chúng. Lý do đơn giản là đọc như vậy sẽ dễ hiểu tính chất siêu liên kết và tính liên văn bản trong tác phẩm của Nabokov. Chẳng hạn với tác phẩm “Những thứ trong suốt”, ai chưa từng đọc tác phẩm “Lolita” sẽ không cảm nhận được hết cái hay và tính liên văn bản được Nabokov chuyển tải trong lời kể, chi tiết và tình tiết.
Vậy khi đọc tiểu thuyết “Những thứ trong suốt”, tôi có những ấn tượng gì? Tôi không muốn nói quá nhiều về nội dung của tác phẩm này, bởi lẽ tôi hy vọng độc giả sẽ tìm đọc toàn văn tác phẩm, thay vì dựa vào một hay nhiều bài bình luận sách. Tác phẩm nói về những lát cắt cuộc đời của một nhân vật có thể tạm gọi là nhân vật chính: Hugh Person. Y đã sống, đã làm việc, đã yêu, đã giết người và đã chết. Cốt truyện chủ yếu xoay quanh nhân vật này với những tuyến nhân vật phụ.
ĐIỂM NHÌN TỪ PHÍA TÁC GIẢ: CHÂN THỰC HAY LÀ MỜ ẢO?
Cuốn tiểu thuyết “Những thứ trong suốt” có thể gây sốc cho ai không quen với lối viết của Nabokov. Còn những ai đã quen với “Tiểu thuyết Mới” (Nouveau roman), một trào lưu viết và phê bình văn học ở Pháp khoảng từ thập niên 50 đến thập niên 70 của thế kỷ trước, và nếu ai cũng đã quen với lối viết hậu hiện đại thì họ sẽ dễ tiếp nhận tác phẩm này của ông. Mở đầu tác phẩm là câu: “Đây là nhân vật tôi cần. Chào, nhân vật! Không nghe thấy tôi” (trang 11). Có thể hiểu đây là lời của người kể chuyện hoặc là lời của tác giả. Tôi cho rằng khi viết tác phẩm này, Nabokov một mặt vẫn giữ lối viết “nhân sư” của mình, đồng thời thử tách mình ra khỏi vai người kể chuyện truyền thống. Ông viết: “Tôi sẽ không làm phiền y” (trang 11). Điểm nhìn có tính gián cách như vậy tạo được sự khách quan. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nabokov còn được mệnh danh là nhà khoa học giữa các nhà văn. Có vẻ như khi sáng tác, ông đã tính toán, cân nhắc từng câu chữ sử dụng để cho vẻ đẹp của văn chương hiện lên toàn vẹn nhất, tinh tế nhất. Cũng từ điểm nhìn này, nhân vật chính Hugh Person được phân tích tỉ mỉ bằng thứ ngôn ngữ sắc lạnh như lưỡi dao phẫu thuật lạnh lùng, mổ xẻ từng sự – thay – đổi – không – cách – nào – hiểu – nổi – nhưng – thật – ra – lại – phù – hợp trong tâm lý anh ta. Nabokov ném nhân vật ra xa mình, nhưng thật ra là để tạo khoảng cách cho chính ông và độc giả có dịp nhìn lại những nhân vật mà ông sáng tạo. Có những điều chúng ta cứ nghĩ là nhìn gần thì sẽ rõ và cụ thể, song dường như ít ai hiểu được nhìn xa cũng là một điểm nhìn thú vị, cho chúng ta một tầm mắt bao quát hơn, dễ đánh giá hơn. Ở đây tôi lại liên tưởng đến hình thức kịch gián cách của nhà viết kịch người Đức Bertolt Brecht (1898 – 1956) với phương châm “Sân khấu tự sự không trình bày sự việc mà là bình luận sự việc”. Tất nhiên đối với Nabokov, ông vừa trình bày sự việc nhưng đồng thời cũng bình luận sự việc trong những tác phẩm của mình. Nabokov đã cố gắng biến mình thành tác giả hư ảo trong mắt độc giả, nhưng lối viết văn nhân sư của ông vẫn được giữ nguyên. Ông khẳng định: “Sự can thiệp trực tiếp vào đời nhân vật không nằm trong phạm vi hoạt động của chúng tôi” (trang 138). Nếu có độc giả nào đọc hết cuốn tiểu thuyết này vẫn không thể hiểu một chút nào, Nabokov có ngay một lời khuyên như tát vào mặt cho độc giả ở cuối tác phẩm: “Một việc nữa mà ta không phải làm là giải thích sự không thể giải thích” (trang 139). Vậy thì chúng ta, những độc giả hãy đành phải cố gắng để hiểu lối viết văn của ông.
PERSON LÀ NGƯỜI HAY LÀ NHÂN VẬT? LIÊN VĂN BẢN NHƯ LÀ MỘT THỦ PHÁP NGHỆ THUẬT
Tên nhân vật chính là Hugh Person “(bị một vài người phát âm là Parson” và sửa lại thành “Peterson”)” (trang 13). Đặt cho nhân vật Hugh cái họ là Person (con người) có phải là Nabokov ẩn ý nhắc đến vở kịch “Chờ Godot”. Với độc giả bình thường có thể họ không biết đến vở kịch phi lý “Chờ Godot” nổi tiếng của nhà viết kịch Ireland Samuel Becket (1906 – 1989), một “Dubliner” – tên một tác phẩm nổi tiếng của một nhà văn và cũng là một Dubliner – James Joyce (1882 – 1941). “Chờ Godot” chỉ có 2 nhân vật chính Estragon và Vladimir thất nghiệp tìm mọi cách giết thì giờ, đối thoại với nhau trong khi chờ đợi một người được gọi là Godot đến với họ. Nhưng vở kịch kết thúc mà Godot mãi không đến. Nhiều nhà nghiên cứu văn học cho rằng Godot chính là God (Thượng đế/ Chúa). Khi mà con người chờ đợi Thượng đế/ Chúa nhưng sự chờ đợi đó mãi không có kết quả, thế thì sự tồn tại của con người và ngay cả Thượng đế/ Chúa có phải là sự tồn tại phi lý không?
Liên văn bản (intertextuality) là một thủ pháp được nói đến nhiều và là một trong những thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất, nhưng đồng thời cũng là một trong những thuật ngữ khó định nghĩa nhất trong những lý thuyết văn học thịnh hành từ nửa sau thế kỷ XX cho đến ngày nay. Julia Kristeva sử dụng thuật ngữ lần đầu tiên trong công trình “Bakhtin, ngôn từ, đối thoại, tiểu thuyết” (1967) của bà. Sau đó một loạt các nhà hậu cấu trúc luận, giải cấu trúc luận, hậu hiện đại sử dụng. Có thể tạm hiểu đơn giản liên văn bản là sự tương tác giữa các văn bản. Có định nghĩa của Roland Barthes như sau: “Mọi văn bản đều là liên văn bản đối với một văn bản khác, nhưng không nên hiểu tính liên văn bản này theo kiểu là văn bản có một nguồn gốc nào đó; mọi sự tìm kiếm “cội nguồn” và “ảnh hưởng” là phù hợp với huyền thoại về quan hệ huyết thống của tác phẩm, văn bản thì lại được tạo nên từ những trích đoạn vô danh, không nắm bắt được nhưng đồng thời lại đã từng được đọc – những trích đoạn không để trong ngoặc kép” (Ngân Xuyên dịch – Roland Barthes: “Tuyển tập các công trình. Ký hiệu học. Thi pháp học”. M, 1989, tr. 418.)
Chúng ta thấy nếu Godot là một nhân vật không bao giờ đến, thì Hugh Person là một nhân vật có đời sống, có tình cảm yêu đương, có tội ác hay là sự ngộ sát, có những mối quan hệ. Tóm lại, đó là một nhân vật bằng xương bằng thịt – một con người. Nabokov muốn thông qua nhân vật này để nói gì? Có phải ông muốn nói: Con người là như thế đấy, có tốt đẹp, có xấu xa, có ghen tỵ, có oằn mình vì công việc, có những phút giây điên khùng, có những điều muốn làm nhưng bất lực, có những nỗi buồn, sự trầm cảm… nhưng đó mới là một con người thực sự, chứ không phải như một Thượng đế/Chúa hư ảo mãi mãi không bao giờ xuất hiện.
Tác phẩm “Những thứ trong suốt” dày đặc những liên văn bản. Mít-xtơ R. ra sức tán tỉnh cô con gái riêng  Julia Moore của bà vợ Marion của ông ta. Christian Pines, một tay chơi trẻ tuổi lại là tình nhân của cả cô con gái lẫn bà vợ. Những chi tiết này khiến chúng ta nghĩ ngay đến tiểu thuyết “Lolita” của Nabokov. Những giấc mơ vô nghĩa được nói đến nhiều lần, khiến cho độc giả nghĩ là Nabokov đang giễu nhại nhà phân tâm học Sigmund Freud. Nghe nói lúc sinh thời Nabokov không hề ưa Freud. Cuối chương 25 của tác phẩm, Nabokov lại nhắc đến chi tiết “Quý bà và con chó nhỏ” làm cho độc giả nhớ đến truyện ngắn kinh điển “Người đàn bà và con chó nhỏ” của nhà văn Nga Anton Chekhov (1860 – 1904) và “bệnh viện tâm thần” giống như truyện ngắn “Phòng số 6” cũng của Chekhov. Là người không ngần ngại sử dụng thủ pháp liên văn bản, Nabokov còn gia công cho thủ pháp ấy bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, với một văn phong độc đáo chỉ riêng ông có. Có vẻ như nhà văn đang vui sướng làm xiếc với ngôn ngữ khi viết tác phẩm “Những thứ trong suốt” và ngôn ngữ của ông đẫm màu sắc của hội họa
SỰ TINH TẾ VÀ HƯ ẢO CỦA MONET CÙNG VỚI SỰ SẮP ĐẶT TRỪU TƯỢNG KIỂU CÉZANE.
Dịch giả Thiên Lương có viết trong “Lời người dịch” là tác phẩm “Những thứ trong suốt” làm gợi nhớ đến danh họa Pháp Paul Cézane (1839 – 1906) bởi tính trừu tượng, hư ảo của nó. Còn tôi, tôi lại cảm thấy tác phẩm “Những thứ trong suốt” nếu phải dùng ngôn ngữ của hội họa để miêu tả thì nó là sự pha trộn giữa hai danh họa Pháp là Claude Monet (1840 – 1926) và Paul Cézane. Tác phẩm “Những thứ trong suốt” vừa có sự bảng lảng sương mù hư ảo như trong tranh của Monet, vừa có sự soi chiếu màu sắc tinh tế như Monet đã từng làm với những bức tranh vẽ về những người phụ nữ thân thuộc của ông. Tác phẩm cũng phảng phất những sắc màu nét vẽ của Paul Cézane với những mảng đời nhân vật được xếp đặt chồng lắp, lộn xộn, không theo một quy tắc nào, đầy tính trừu tượng nhưng mang đậm dấu ấn nghệ thuật. Nhân vật cô gái Armande được miêu tả bằng một ngôn ngữ đầy sắc màu với lối vẽ tranh chân dung. “Ôi, nàng đẹp và có lẽ còn tuyệt đẹp hơn nếu môi nàng đầy hơn. Nàng có mái tóc huyền, mái tóc vàng óc, da màu mật ong. Hai lúm đồng tiền kiểu lưỡi liềm chạy xuống đôi má rám nắng của nàng ở hai bên cái miệng buồn rầu. Nàng mặc vét đen ngoài áo cánh có diềm xếp nếp. Một cuốn sách nằm trong lòng nàng dưới đôi bàn tay đeo găng đen. Y nghĩ, y nhận ra được cuốn sách bìa mềm – lửa – và – muội ấy” (trang 41 – 42). Nhân vật mít-xtơ R. được miêu tả bằng ngôn ngữ tương tự: “Mít-xtơ R. đi giày Wallabee sắc ca cao mượt như nhung, sơ mi vàng chanh với khăn quàng cổ màu hoa tử đinh hương và bộ vét xám màu trông như không có nét đặc biệt nào cả” (trang 48). “Ông trùm R. có nét mặt thô, nước da vàng bủng, cái mũi lổn nhổn với các lỗ chân lông nở rộng, lông mày tua tủa hiếu chiến, cái nhìn chòng chọc luôn chính xác, cái miệng chó bun đầy răng xấu” (trang 49). Bản thân nhân vật Hugh Person cũng có cái nhìn về cảnh vật với con mắt của một họa sĩ: “Dùng mực và màu nước, tôi có thể vẽ phong cảnh hồ trong mờ vô song với mọi ngọn núi thiên đường soi bóng tại đó, nhưng tôi không thể vẽ thuyền hoặc cầu hoặc bóng hình hoảng loạn của con người trong các cửa sổ rực sáng của một biệt thự gần Plam.”
Những trang viết trong tiểu thuyết “Những thứ trong suốt” lại rất dày đặc sắc màu, dường như có vẻ ngược lại với chính tên tác phẩm. Tôi nghĩ đến tên một bài thơ nổi tiếng của Nabokov “Em hãy giản đơn, hãy trong suốt hơn”. Có phải vì nàng Armande quá sắc màu, từ nhan sắc đến cuộc sống mà khiến cho nàng phải chết? Có phải khi người ta trong suốt hơn, tưởng là đẹp đẽ hơn, nhưng hóa ra sự trong suốt ấy lại đi liền với sự hư ảo. Hư ảo như cái chết của nàng Armande, hư ảo như cái chết của chính Hugh Person? Những cái chết hư ảo ấy, mơ hồ ấy rồi cuối cùng cũng trở nên mờ đục, khuất lấp dần trong tâm trí những nhân vật còn tồn tại, chỉ còn lại một câu triết lý của một bệnh nhân tâm thần viết cho nhân vật Hugh Person: “Nói chung cho rằng nếu con người đã xác minh được sự thật về sự sống sót sau cái chết, y cũng sẽ giải được, hoặc trên đường giải được, bí ẩn về sự tồn tại. Than ôi, hai vấn đề này không nhất thiết lấn lên nhau hoặc trộn lẫn vào nhau” (trang 140).
Vậy thì chúng ta, những độc giả, chúng ta muốn một cuộc đời như thế nào? Trong suốt? Hư ảo? Sắc màu? Hay mờ đục?
Khi dịch tiểu thuyết “Những thứ trong suốt”, có lẽ dịch giả Thiên Lương đã có kinh nghiệm với văn phong của nhà văn Nabokov. Qua những trao đổi trực tiếp với anh và qua nhiều bài phỏng vấn, tôi được biết dịch giả Thiên Lương có quan niệm cao nhất về một bản dịch tốt là phải dịch đúng. Dịch giả Thiên Lương cũng quan niệm rằng dịch giả phải có nhiều điểm tương đồng với tác giả, ví dụ như giới tính, nhân sinh quan, độ tuổi, trình độ văn hóa… Trên phương diện chủ quan của cá nhân tôi, tôi đồng tình với quan điểm này của dịch giả Thiên Lương. Nhưng tôi muốn nói thêm một điều với dịch giả: Nghiêm Phục (1853 – 1921) là một dịch giả nổi tiếng của Trung Quốc, có công dịch nhiều sách phương Tây. Ông đưa ra quan niệm dịch thuật phải đạt được tiêu chuẩn là tín, đạt, nhã. Tín ở đây là dịch đúng, dịch chính xác so với văn bản gốc. Đạt là dịch phải sao cho độc giả hiểu được, lĩnh hội được nội dung của văn bản tác phẩm. Nhã là khi chuyển sang ngôn ngữ dịch, thì ngôn ngữ ấy cũng phải đảm bảo được vẻ đẹp ngôn từ. Vậy với dịch giả Thiên Lương, có phải chăng điều khó nhất khi dịch các tác phẩm của Nabokov là phải đảm bảo được cả sự trong suốt, sự hư ảo, sắc màu và sự mờ đục trong ngôn ngữ viết của nhà văn?.
4/8/2021
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...