Từ trên trời rơi xuống
Mẹ tôi gọi điện từ trong làng ra: "Chồng con Hòe tai nạn
đêm qua. Giờ đang trong bệnh viện cấp cứu. Nó bị một ô tô tông phải khi đi với
con bồ từ trong nhà nghỉ ra. Anh vào đi. Bố anh cứ khăng khăng đòi đi khỏi
nhà".
Vợ tôi tái mặt. Sao mới sáng ra mà đã lắm chuyện.
Ở đời có chuyện gì mà không thể xảy ra. Ngay cái làng cửa
sông chỉ bé bằng bàn tay mà chẳng ngày nào không có chuyện. Ngày trước chẳng ai
có thể ngờ vùng cửa sông lại trở nên sầm uất thế này. Và cũng chẳng ai ngờ sự
phát triển lại tri phối cuộc sống con người nhiều thế. Cái tốt, cái xấu, cái
ác, cái thiện, lòng nhân trộn lẫn sự đểu giả, phức tạp, sự gian manh xảo quyệt
phát triển đến tột cùng, đa dạng như những mặt người ta gặp hàng ngày. Sự thay
đổi của xã hội khiến con người tự vận động thành kỹ xảo. Cứ lao ra đời để đời
vùi dập, quăng quật rồi khắc khôn ra. Nếu không thành công thì cũng nhận được
những bài học để mà suy ngẫm.
Với thời gian mười năm tưởng là dài. Đời người, chuyện xảy ra
mười năm trước cũng chỉ như thể mới hôm qua. Lục lại chuyện cũ dễ như thò tay
vào túi lấy món đồ. Mười năm trước tôi bước ra cổng. Mẹ hụt hẫng như bà sắp mất
tôi: "Mày đi thật sao?". Tôi gật đầu.
Bản thân cộng thêm sự giúp đỡ của vài thằng bạn sau hai ngày
tôi đã dựng được ngôi nhà ngoài bãi sông.
Cả làng ai chẳng biết chuyện cha không hợp tôi. Ông, một sĩ
quan quân đội về hưu, luôn mang bên mình kỉ luật sắt. Tôi, thằng con trai giống
ông chỉ ở cái điểm ngang tàng. Trong mắt tôi lúc đó nghề nào cũng bèo bọt.
Sự ngang tàng của tôi, của tuổi trẻ chỉ sông nước mới dung được.
Tôi bỏ trường sự phạm về đi cát trên sông. Ông đột quỵ nằm viện não khoa một
tháng. Mỗi lần hai cha con ngồi nói chuyện chỉ câu trước câu sau tôi và ông to
tiếng. Bất đồng cách nhìn cách nghĩ. Tư duy thời ông không còn hợp với cách
nhìn thời cuộc thông thoáng của lớp trẻ ngày nay. Hố sâu ngăn cách ai chẳng nhận
thấy. Ông thế hệ trước, tôi thế hệ sau, mọi sự lắp giáp đều lệch lạc khập khiễng.
Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Ông huyết áp cao, mỗi lần thế lại ôm thít ngực. Đó là
lý do vì sao tôi dựng căn nhà ngoài bãi sông này, đi thuyền về là ăn ở luôn
ngoài đó.
Dạo này trong làng cứ vài hôm lại có một đám tang. Kẻ xấu số
là những con nghiện chết vì xốc thuốc, chủ yếu là độ tuổi thanh niên. Chẳng hiểu
thế hệ trẻ ngày nay sao lại dễ dàng huỷ hoại đời mình như vậy. Mấy ngày nay
ngày nào ti vi cũng đưa tin vụ những người Hàn Quốc bị lực lượng Taliban bắt giữ
làm con tin. Rồi lạm phát toàn cầu. Nghe thấy lo. Cuộc sống xung quanh đang
nóng cả lên.
Làng tôi nằm ven sông. Dân trong làng sống bằng hai nghề
chính: làm ruộng và đi cát. Đi cát vốn là nghề cực nhọc, quanh năm dãi nắng dầm
mưa. Ở quê tôi, ngoài nghề nông thì đi cát là nghề mà già nửa đàn ông trong
làng đều biết. Thậm chí những đứa bé mới mười năm mười sáu cũng bắt đầu vào nghề.
Suốt ngày lênh đênh trên sông nước bởi vậy cách sống cách nghĩ cũng rộng rãi,
phóng khoáng, ngang tàng như chính cuộc đời họ. Nhưng nói chung đây là nghề rủi
nhiều may ít. Ngày nay hầu như người ta đã quên hẳn nghề này. Vậy mà trước đây
người làng tôi đã bấu víu vào nó để sống. Ngay tôi cũng đã từng nếm trải nhọc
nhằn từ nghề đó.
Ở ngã tư lại có vụ đụng xe. Thấy đám đông lố nhố và tiếng còi
cảnh sát. Tôi rời nhà đi bộ trên vỉa hè. Vài người quen đi ngang qua cất tiếng chào.
Ngày mai còn chưa đến. Ngày cuối tuần xả hơi một chút cũng tốt. "A, ông
đây rồi. Mất mặt suốt một tuần", Lộc kéo ghế cho tôi. "Uống cái
đã", Dương nói. Một cái phẩy tay, thêm một vại bia được bê ra. Thì cạch.
Dòng bia mát lạnh tuôn vào cổ họng. Bao nhiêu mệt nhọc, bao nhiêu sự đời vợi
theo bia.
Thằng Bờm là một quán không sang trọng nhưng có chỗ ngồi lý tưởng. Khách có thể chọn kê bàn chỗ nào tùy thích. Đây là địa điểm ruột của
chúng tôi. Uống đến thằng Bờm, nhậu đến thằng Bờm, chuyện phiếm cũng thằng Bờm.
Không nhiều lý do, ngoại trừ ở đây có món nem thính đặc biệt được làm một trăm
phần trăm theo cách cổ truyền. "Này ông chủ. Có thể xuất chiêu tại đây
không?". Chúng tôi đề nghị chủ quán để được vừa ngồi uống bia vừa trực tiếp
xem ông biểu diễn tay nghề. "Được thôi. Mỗ chẳng ngại". Vốn người hiếu
khách, ông vui vẻ gật đầu rồi xách ngay dao thớt đến bàn chúng tôi. Tảng thịt
còn sống nguyên, đỏ hon hỏn được xả ra thành từng lát lớn rồi băm nhuyễn riêng
mỡ riêng nạc. Nhìn đôi dao trong tay ông múa hoa cả mắt. Tiếng côm cốp cứ như
không khí nhà có cỗ.
Cứ bảo nông thôn thua xa thành thị. Giờ khoảng cách đó không
rõ ràng nữa, miễn là có tiền. Mọi nhu cầu được đáp ứng và phục vụ tận nơi. Đôi
khi để hưởng chút hương đồng gió nội muốn có hàng xịn phải rời thành phố.
"Ăn thì sướng chứ nhìn làm nom tởm bỏ mẹ", Lộc nhận xét," Cả một
ổ vi trùng, vô phúc mà dính tai xanh". Dương hỏi "Thế rốt cục có dám
ăn không?". Lộc đáp: "Ăn chứ. Song hơi mất mĩ quan. Không văn
minh". Tôi cười lớn:" Tôi xem ti vi thấy người Nhật toàn ăn sống. Có
gã thò tay vào bể lôi ra con bạch tuộc đập bộp xuống bàn rồi cho vào mồm nhai.
Thử hỏi Nhật nó không văn minh chắc". Ông chủ quán góp chuyện tay vẫn băm
côm cốp: "Cái của đàn bà sao không kinh. Ông, tôi ai chẳng biết món này
làm bằng thịt sống. Thịt sống có kinh không? Kinh chứ. Thế nhưng biết đấy vẫn cứ
ăn. Ở đời có cái biết sai lè lè vẫn còn đâm vào nữa là. Mà nói cho cùng thế mới
là con người. Mà con người cũng chỉ là con người". Có hơi men ai chẳng
thích bàn. Bản tính của con người là mong được nói những điều mình ngộ ra. Còn
nó có thật tác dụng với đời không lại là chuyện khác. Với tôi nơi đây ngoài
chuyện nhậu còn là chỗ tôi có thể nhìn sang hàng cà phê bên đường. Dương vỗ vào
vai tôi nói: "Này. Không quên được bà Sinh à". Ừ có thể tôi không
quên được thật.
Nhậu xong Dương bảo đi trà đạo. Tôi lấy lý do nhà có việc bỏ
về. Trà đạo gì, ổ điếm thì có. Tôi đã vài lần đến đó. Sau thấy vô vị nhạt nhẽo
rồi thôi.
Sinh hơn tôi ba tuổi. Mặc dù đã lấy vợ chuyện cũ vẫn không thể
nguôi ngoai được. Phải người ngoài cuộc tỉnh táo? Phải sống ngần ấy năm cuộc đời
đã cho cha mẹ tôi cách nhìn thấu đáo mọi việc? Con người nhiều khi thường muốn
can thiệp để lái mọi việc theo ý mình. Nếu cứ để tự nó thế cũng chưa chắc đã phải
là xấu. Nói chung khi con người còn toan tính thì cuộc đời còn nhiều rắc rối.
Hôm đến, Sinh đứng trước hiên: "Anh cho tôi theo xuống
thuyền". Tôi nhướn mắt nhìn Sinh từ đầu đến chân. Tôi bỏ vào nhà dọn mâm
ngồi uống rượu. Trời sầm sập tối. "Cô về đi", tôi nói," Việc đi
cát không phải việc của đàn bà". Tưởng Sinh đã về, lúc ăn xong quay ra
thuyền thấy vẫn ngồi bậc cửa. "Cô đừng tưởng tôi đùa", tôi
nói,"Lênh đênh trên sông sức trai còn không chịu được huống hồ đàn
bà". "Không! Tôi làm được". Giọng nói cương quyết khiến tôi cứng
họng.
Lần đầu tiên làm tình tôi đã rút tiền trả cho Sinh như một
con điếm. Lúc đó tôi đọc thấy sự xót xa trong mắt người đàn bà. Lúc đó tôi thấy
mình lọc lõi như một tay anh chị, mặc dù trước đó tôi chưa một lần đi chơi điếm.
Sau phút ngỡ ngàng Sinh thản nhiên nhận lấy rồi vớ chiếc áo đắp lên bộ ngực trần.
Từ lúc đó ánh mắt chúng tôi cùng hướng ra sông để tránh gặp nhau. Và những lần
sau nữa mỗi khi xong chuyện ấy tôi đều giúi tiền vào ngực Sinh như một thói
quen.
Sinh có thói quen giục tôi tắm nhanh để ăn cơm. Tôi hay nhìn
Sinh lúc đang trút áo khỏi đầu. Bầu ngực trần trắng nhẫy không coóc xê bật
tung, đập vào mặt tôi nhưng nhức. Hành động của Sinh hết sức tự nhiên, chẳng có
vẻ gì là ngượng ngập. Cử chỉ đó thường làm tôi ngồi chết lặng trên mạn thuyền.
Làng tôi chuyển mình khi có dự án quy hoạch khu công nghiệp.
Già nửa cánh đồng phía bắc nơi có đường ô tô chạy qua nằm vào đất dự án. Ở nơi
đó có đường quốc lộ lại giáp cửa sông, giao thông thuận tiện nên lọt vào mắt
các nhà kinh tế cũng là dễ hiểu. Bảy mươi phần trăm số hộ trong làng có ruộng nằm
trong phần đất quy hoạch. Khi chính thức nghe quyết định thu hồi đất, bảy mươi
phần trăm không may mắn đó ngã người toát mồ hôi. Làm nghề nông mà không có đất
thì sống thế nào. Biết là có tiền đền bù đấy nhưng lâu dài vẫn phải là đất.
Thông tin các khu công nghiệp sẽ ưu tiên nhận con em các gia đình có phần đất nằm
trong dự án vào làm công nhân khiến lòng người bớt phấp phỏng. Nhưng yên trí nhất
vẫn là những gia đình chẳng mất mát tí đất nào trong kế hoạch này. Gia đình tôi
cũng là một trong những nhà đó.
Cuộc sống mưu sinh và chiếc thuyền cát đã vô tình buộc số phận
của tôi và Sinh lại với nhau. Những dòng chảy khi vào cùng con sông tất yếu sẽ
hợp làm một dẫu quằn quại, đau đớn. Chẳng biết Sinh có nghĩ thế nhưng tôi đã quằn
quại đau đớn thật. Nhất là lúc nhận ra mình thực sự yêu Sinh. Trong tôi không
khi nào thoát được cảm giác dằn vặt vì mình đang nằm cạnh một người đàn bà đã
có chồng.
Cả vùng cửa sông này ai chẳng biết Sinh là cô gái bỏ chồng.
Tôi cũng từng nghe mẹ tôi và mấy người hàng xóm nói chuyện, làng bên có người
con gái lấy chồng chỉ được làm vợ một đêm. Hỏi sao? Bảo đã thất tiết chồng đuổi
về. Hỏi sao? Bảo ngay đêm đầu tiên người chồng đã ép vợ dùng ma túy. Mỗi người
nói một phách. Nhưng có một chuyện ai cũng nói giống nhau, đó là người chồng đã
đưa người đàn bà khác về nhà ngay sau đó.
Khi có quyết định nhận tiền đền bù dân làng mới ngã người sửng
sốt. Nhà nhiều ôm về trên trăm triệu, nhà ít cũng ngót nghét vài chục. Không biết
thực hay ảo. Từ trước đến nay làng tôi đã dễ mấy ai được chạm vào số tiền lớn
thế. Nếu thế này quy hoạch cả cánh đồng thành khu công nghiệp cũng được. Có số
tiền lớn trong tay những gia đình mất ruộng chẳng còn phấp phỏng về chuyện
không có đất để tính kế lâu dài nữa. Có nhà gọi con cháu về mổ lợn ăn mừng mấy
ngày liền. Đau đầu nhất lại là ba mươi phần trăm số hộ yên trí vì không có chút
đất nào nằm trong diện tích đất quy hoạch. Thói xấu của loài người là sự ganh
ghét. Người được ăn, kẻ đứng nhòm khiến cho bản chất người được bộc lộ hết mức.
Vậy mà ngoài mặt vẫn cười với nhau thật đẹp. Ngẫm ra con người là những kẻ ngụy
trang giỏi nhất. Đến người thuần hậu như mẹ tôi cũng hết thở ngắn than
dài: "Giá nhà ta có chút ruộng nằm trong khu công nghiệp". Bố tôi gật
gù: "Chuyện thế sự. Nào ai biết đâu được đấy".
Người ta bảo chuyện vợ chồng là duyên số. Tôi cũng tin là thật.
Nhã, vợ tôi, thua tôi cả chục tuổi. Đẹp, trẻ trung, đó là những thứ làm tôi run
rẩy, âm mưu, chiếm đoạt. Khi đã đạt được sở nguyện tôi lại như con chiên ngoan
đạo tìm đến cha cố xưng tội: "Bãi sông kia đã từng có một ngôi nhà. Có một
con thuyền". "Em biết hết", Nhã nói. "Có một người đàn ông
và một người đàn bà". "Em biết hết", Nhã nói.
Lòng không còn nặng nề. Ừ! Mà là người làng quen mặt nhau từ
nhỏ, có chuyện gì không biết. Tôi sung sướng vùi đầu vào ngực Nhã. Hòe, em gái
tôi nói: "Em cứ tưởng con nhỏ chỉ chả chớt, không ngờ nó thương anh thật.
Vào em chưa chắc". Vừa nói nó vừa lắc lư cái đầu theo chiếc MP3. Con gái
mà vô duyên, váy ngắn xả đến tận hông. Đã thế lại còn phì phèo hút thuốc. Tôi
đưa Nhã về ngôi nhà ba tầng: "Ngôi nhà này". Nhã lấy tay che miệng
tôi: "Em biết hết". Rồi Nhã cắn nhẹ dái tai tôi. Mẹ tôi bảo đàn bà vốn
hẹp hòi song bao dung đại lượng. Có những thứ chỉ đàn bà làm được, cũng có những
thứ chỉ đàn bà chịu được. Nhã là người như thế? Những người đàn bà trước tôi gặp,
mấy ai cảm thông như Nhã. Quá khứ của tôi là cái lý lịch để họ có quyền tránh
né. Đám cưới, mốc đánh dấu tôi là người có vợ. Cuộc đời cuối cùng cũng neo lại.
Một người đàn bà, hai đứa con, một trai, một gái, một cơ ngơi khang trang, với
một người đàn ông thế là no đủ. Vậy mà nhiều đêm vẫn thấy nhói đau nơi lồng ngực.
Nguồn cơn ở đâu họa chỉ người từng bị đời dập vùi mới hiểu.
Ngày trước làng tôi chỉ có duy nhất một ngôi nhà hai tầng của
ông Ước. Nếu thằng con ông không ra nước ngoài làm con nuôi thì chắc ông cũng
chẳng dựng được ngôi nhà khang trang này. Hồi đó chuyện thằng con ông được một
người họ hàng trên Hà Nội làm ăn bên Đức bảo lãnh cho sang bên đó rồi được một
cặp vợ chồng tây nhận con nuôi chẳng xôn xao khắp làng một dạo. Ông Cả, nhà
ngay sát nhà tôi nói: "Con trai lão Ước chẳng phải tự nhiên sang đó mà
người ta nhận làm con nuôi đâu. Phải nói dối là trẻ mồ côi đấy". "À!
Ra vậy. Nghe nói thủ tục để nhận con nuôi ra nước ngoài phức tạp lắm, chứ sao lại
dễ dãi như vậy". Nghe mẹ tôi nói ông Cả nói tiếp: "Còn chưa hết đâu.
Vừa rồi người ta đòi giấy, gia đình phải lên ủy ban xin giấy xác nhận cha mẹ đã
mất để gửi sang bên đó". Bố tôi bực bội: "Thật chẳng ra sao".
Thì trong mắt người làng tôi cũng đã là một thứ chẳng ra sao.
Chuyện chẳng biết thực hư thế nào nhưng mấy năm sau ông Ước
đã xây được nhà. Rồi ông mua xe máy. Lúc đó có xe máy thì oách, bây giờ nhà nào
chẳng có. Có nhà nhiều còn có vài ba chiếc, trẻ con cũng đi học bằng xe máy.
Năm ngoái thằng con trai ông Ước về nó cao to như con gấu. Cùng về với nó còn
có một cô vợ tây tóc vàng mắt xanh khá xinh xắn. Đi bên cạnh là hai đứa bế gái
tóc xoăn, mũi lõ như mẹ. Nó về thuê hẳn một chuyến xe đưa cả họ đi Tuần Châu
nghỉ mát đúng một tuần. Cả dòng họ Vũ mở mày mở mặt.
Tôi nhìn Sinh. Người con gái nhỏ bé này sao lắm điều tiếng
nhường vậy. Tôi đã vài lần giáp mặt gã chồng Sinh. Gã đánh Sinh trước mặt tôi.
Gã xé quần áo đè Sinh ra giữa bãi dâu. Lần nào cũng vậy, Sinh không một lời
than vãn, không một sự chống cự. "Con đĩ! Mày tưởng trốn được ông
à?". Một lần trong làng về thấy gã kéo Sinh trên bãi sông. Tôi nghĩ: chuyện
thiên hạ mình dính vào làm gì. Chậc kệ. Hắn vừa đánh Sinh vừa nheo nhéo chửi.
Thêm một cái tát, Sinh ngã dúi dấp xuống bờ cát. Thân thể Sinh nhàu nhĩ như dải
khoai. Tay tôi tìm tới cây cọc. Gã đàn ông nghiến răng chồm lên người Sinh. Quần
áo Sinh mặc trên người rách từng mảng. Tôi vùng tới. Cây cọc trong tay tôi bay
trúng đầu gã. "Đồ khốn nạn".Tôi gằn giọng.
Gã đàn ông nhoài dậy bỏ chạy. Tôi định đuổi theo, Sinh níu
tay, nước mắt giàn giụa:" Đừng. Nó là chồng tôi. Tôi còn mắc nợ nó".
Tôi nói: "Sinh không thể sống mãi như thế được". Sinh không nói, chỉ
ngồi im lặng. Lát sau Sinh nhìn tôi cười như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Rồi lần
sau tôi lại thấy gã lãng vảng ngoài bãi sông cho đến mãi khi hắn chết vì tai nạn
xe máy.
Dấu hiệu đầu tiên của cuộc sống công nghiệp là khi những xe ô
tô kìn kìn chở cát lấp xuống cánh đồng. Khi đó người đi cát trên sông hầu như
chẳng còn ai. Cơ hội làm ăn đến, tôi trở thành ông chủ cát, liên tục nhận được
những hợp đồng. Ngoài cửa sông, tôi sắm thêm nhiều đầu hút, tập hợp anh em lại.
Những anh em cùng chung lưng đấu cật sau dạo đó ai cũng cất được ngôi nhà. Xét
ra không bỏ sức thì thôi chứ bỏ sức ông trời cũng chẳng phụ. Vài năm sau, tôi
mua đất ven đường và cất lên ngôi nhà ba tầng khang trang. Rồi vài năm nữa qua
thì lấy vợ. Rồi chuyển buôn bất động sản.
Có tiền đền bù giữa những ngôi nhà ngói, làng tôi mọc lên nhiều
ngôi nhà cao tầng. Cuộc sống đổi thay đến chóng mặt. Choáng váng nhất là những
người già, họ không sao bắt kịp với nhịp điệu sống, giữa những cái mới đang xâm
nhập họ như người đi lạc. Cùng với sự phát triển là các tệ nạn. Con người sống
với nhau thực dụng hơn, đồng tiền là cách để nói chuyện với nhau dễ dàng nhất.
Tình cảm trong nhiều gia đình rạn nứt, bố con từ nhau, anh em xung đột tranh
giành đất đai… Bố tôi than thở: "Thay đổi hết rồi".
Ngày Sinh về cùng đứa con đất dưới chân tôi như xụp xuống.
Nhã không còn là con người hiền thục. Vợ chồng tôi mấy lần tưởng ra toà tới
nơi. Tôi đến, Sinh bảo: "Nó không phải là con anh đâu".
Tôi nhìn thằng bé ngờ ngợ. Nó liếc tôi bằng cái nhìn hằn học.
Có lẽ đó là ánh mắt nó nhìn tất cả những người đàn ông. Nhưng tôi không sao xoá
khỏi đầu suy nghĩ nó là giọt máu của mình. Sau một đêm giường chiếu mặn nồng,
lúc tôi tỉnh dậy chỉ còn có một mình. Ở bên cạnh là một chiếc khăn mùi xoa,
trong gói một xấp tiền cồm cộm. Tôi ngạc nhiên nhận ra đó là những đồng tiền
tôi trả cho Sinh sau mỗi lần lên giường. Sinh đã ra đi như một người mất tích
cho đến tận bây giờ. Tôi ghen với người đàn ông đứng tuổi suốt ngày quấn quýt
bên Sinh. Tôi hỏi: "Là chồng sao". Sinh phì phèo điếu thuốc: "Chồng đấy".
Về quê, Sinh mua lại khuôn đất ngã ba, dựng lên ở đó một quán
cà phê to vào cỡ nhất nhì ở thị trấn. Sao ra đi mà Sinh lại trở về? Có phải
Sinh muốn chứng minh một điều gì đấy? Sinh bây giờ khác quá với Sinh ngày trước.
Tôi lờ mờ nhận ra sự ra đi của Sinh có bàn tay của mẹ tôi. Đàn bà kì lạ thật, để
bảo vệ con cái thì dù có phải mất cả tính mạng chưa chắc họ đã sợ. Biết đâu sự
trở về của Sinh chẳng phải là để cho những người muốn cô ra đi phải mở to mắt.
Sinh có một bà mẹ già. Tôi hỏi: "Sao lại chọn đi
cát". "Tôi cần tiền", Sinh đáp. Khi bà mẹ chết, tôi hỏi: "Giờ thì sa "."Tôi cần tiền", Sinh đáp.
Vậy mà khi ra đi số tiền sau mỗi lần lên giường tôi trả Sinh
lại bỏ lại. Đàn bà thật khó hiểu.
Có lần Sinh hỏi tôi về gia đình. Tôi hất đầu về phía
làng: "Ở đó". Hôm Hòe ra tôi nói:" Em gái tôi đó". Sinh ngẩn
mặt nhìn Hòe. Tôi đọc được sự thèm thuồng trên gương mặt cô. Hòe đẹp. Nó được
chiều từ nhỏ, đến giờ vẫn chỉ biết có chuyện học hành. Có lẽ một thời nào đó
Sinh cũng có lúc vô tư như Hòe bây giờ. Hòe rỉ tai tôi: "Ai đó?". Câu
hỏi của nó có ẩn chứa ngụ ý. Tôi lườm mắt: "Vớ vẩn". Nó cười ngất, lắc
đầu:" Có vấn đề đây". Nó về, mẹ tôi ra. Tôi nói với Sinh: "Mẹ
tôi đó". Sinh lý nhí chào rồi trốn vào công việc. "Nó ở đây làm
gì?", mẹ hỏi. Tôi quay về phía Sinh: "Thì mẹ thấy kia". Mẹ túm
tay tôi: "Nó là đứa bỏ chồng". Tôi gật: "Con biết". "Mày là trai chưa vợ". Tôi gật: "Con biết".
Mẹ thất vọng bỏ về. Mẹ về cha tôi ra. Thấy bóng cha trên dốc
đê tôi nói: "Cha tôi đó". Sinh thoáng chút lo lắng nhìn tôi. Cha ra
chẳng nói chẳng rằng vớ cây đòn phang tôi hai nhát rồi bỏ về. Tôi ngã lăn ra đất
ngất lịm. Sinh vực tôi vào nhà. Lúc tỉnh dậy tôi thấy Sinh ngồi bên cạnh nước mắt
lã chã. Tôi nắm tay Sinh nở một nụ cười chấn an. Đó là lúc tôi nhận ra Sinh
quan trọng và thực sự xúc động. Tôi ôm ghì lấy Sinh. Cô gỡ ra nhìn tôi bình thản: "Chuyện của ngày trước rồi. Giờ cuộc sống đã khác".
Tôi hững hờ buông tay. Ừ tất cả có níu kéo cũng chẳng còn như
trước.
Góp mặt vào sự khang trang của ngôi làng tôi còn kể đến khu
nghĩ địa. Nhờ đền bù đất có tiền, các dòng họ trong làng đua nhau xây dựng mồ mả
ông bà. Những ngôi mộ được xây đủ kiểu cách nom vô cùng đẹp mắt. Cánh đồng nom
xa đẹp như một thành phố. Nhưng từ khi có nghĩa địa gái điếm trên thị trấn kéo
nhau vào đó hành nghề. Nghĩ địa trở thành một tụ điểm nóng. Công an thị trấn kết
hợp với dân quân đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng sau vài ngày lại đâu vào
đấy. Không chỉ gái điếm, dân giang hồ, dân nghiện cũng kéo nhau về đây là chỗ
trú chân. Nghĩa địa đã xảy ra mấy vụ cướp hiếp giết người.
Con Hoè cứ nằng nặc đòi li dị chồng. Vậy mà ngày xưa hai đứa
yêu nhau thế. Trai gái bây giờ thật lạ, họ coi chuyện kết hôn ly hôn chỉ như
chuyện thoảng qua. Cha tôi đã bỏ lên Bắc Giang ở nhà một người bạn cả tháng
nay. Những việc xảy ra xung quanh ông đã khiến ông mệt mỏi. Mẹ tôi suốt ngày thở
ngắn than dài có hai đứa con thì toàn chứng nọ tật kia. "Mày tính sao. Tao
lo cho sức khỏe của ông ấy"
Tôi biết có nói cha cũng chẳng nghe. Ngay tận bây giờ ông
cũng chưa thèm bước chân ra nhà tôi. Tính ông thẳng như ruột ngựa. Tính thẳng
chỉ tổ để người ta ghét. Ngay lần xin việc của con Hòe, nếu tôi không có cái
phong bì lót tay thì giờ hãy cứ còn ngồi nhà mà đợi. Việc ly hôn tôi không
trách con Hòe. Tôi hiểu tính nó. Khi nó đã nhất quyết việc gì thì phải có
nguyên do lớn lắm. Một ngày về nhà vợ tôi nói: "Chắc anh cũng không thể
tin được việc này". "Việc gì", tôi hỏi lại. "Vợ chồng cô
Hòe thực ra đã sống ly thân với nhau ba năm nay". Tôi trố mắt: "Ba
năm nay. Sao trước mặt những người khác chúng nó ngụy trang giỏi thế".
Sớm nay làng tôi lại có một tin đứng tim. Vợ tôi đi chợ về
thì hớt hơ hớt hải. Tôi quàng tay ôm vợ vào lòng. Người ta tìm thấy trong nghĩa
địa xác một thanh niên nằm trần truồng. Bên cạnh mớ quần áo còn có cả chiếc quần
lót đàn bà. Công an về mổ khám nghiệm tử thi kết luận nạn nhân có quan hệ với
gái làng chơi và chết vì cảm phòng. Người đi xem về bảo, trước khi bỏ đi kẻ xấu
số còn bị con điếm đó đái một bãi vào mặt.
Ừ! Làng chỉ là một đơn vị cư trú của một nhóm dân cư. Nhưng
cũng giống như người làng cũng có một cuộc đời thì phải.
1/1/2001 Đinh Ngọc Hùng
1/1/2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét