Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Không sinh ra là đàn bà

"Không sinh ra là đàn bà"

“Đắng ngọt đàn bà” - tên sách đã gợi mở nội dung truyện. Bằng văn chương, Lê Na muốn kể với ta những câu truyện về tình thế của những người đàn bà trong cuộc sống thường ngày và sự tìm cách vượt thoát tình thế của họ. Tình thế đây là những chuyện tình yêu hạnh phúc mà phần đắng nhiều hơn ngọt. Vai chủ động trong các truyện là đàn bà.
Họ chủ động yêu thương, chủ động lỗi lầm, chủ động buông bỏ, nghĩa là chủ động định liệu cuộc đời mình với rất nhiều đau khổ, day dứt. Chủ động đến với tình yêu ngay từ đầu như Mai đến với bố con Điền khi vợ Điền đã bỏ chồng con theo một người đàn ông khác (Tiếng sáo người hát rong). Chủ động từ giã tình yêu, trả người yêu cũ về lại gia đình anh ta khi anh ta muốn quay lại mối tình đầu (Cầu vồng sau mưa). Chủ động trong hạnh phúc tự tay mình sắp đặt và dứt bỏ như Sinh muốn sinh con cho chồng nên thuê người mang thai hộ, không ngờ đó là nguyên nhân làm mình mất chồng (Sinh). Chủ động trong cuộc đời như Thư khi biết mình bị bệnh ung thư mong sau ngày mình mất chồng sẽ có người đàn bà khác chăm lo cho các con, còn mình hiến xác cho y học (Một ngày chớm thu). Chủ động trong sự nghiệp như Seo không muốn đàn bà chỉ là cái máy đẻ mà muốn theo công việc đam mê của mình là nghiên cứu rừng (Vùng rừng sáng).
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Viết về tình yêu hạnh phúc phụ nữ có một mô típ quen thuộc là chuyện ngoại tình. Lê Na cũng không bỏ qua mô típ này. Nhưng chị đã có cách xử lý nghệ thuật của mình để viết nên truyện ngắn hay nhất trong tập – “Cơn bão”. Tạo tình huống truyện là tờ giấy xét nghiệm AND của đứa con mà người chồng giấu vợ đi làm, tác giả đã làm bùng dậy một cuộc ngoại tình đã tưởng có mà không có, nhưng không có mà lại có – không có trong thực tế mà có trong tâm tưởng. Truyện viết ở ngôi thứ ba gọi là “chị” của nhân vật nữ không có tên. Cao trào của truyện là cái đêm chị ngủ với chồng (Phan) bằng tất cả thể xác và tình cảm dành cho người tình (Phong) giữa cuộc làm tình qua tin nhắn điện thoại (có thể gọi là “Sex Chat”) của hai người.
Sau đêm đó, sáng ra, chị đến khách sạn gặp Phong, nhưng một sự ngẫu nhiên khách quan đã khiến hai người không được gặp nhau. Rồi cuộc tình vụng trộm dần tan. Sau đêm đó vợ chồng chị có thêm thằng cu Bi, nhưng nó không có nét nào của Phan mà lại có nhiều nét của Phong. Sau đêm đó còn nhiều đêm khác ngủ với chồng chị vẫn tưởng tượng là ngủ với người tình. Rồi chị thấy mình là người đàn bà hư hỏng, có lỗi với người chồng tận tâm, nghĩ mình nên viết đơn ly hôn vì không còn xứng đáng.
Truyện viết đến thế cũng đã là một truyện được. Song Lê Na không dừng lại đó mà đẩy tình huống truyện tiếp tới một nấc nữa vì như đã nói đàn bà trong truyện của chị ở vai chủ động. Phan âm thầm đi xét nghiệm AND của đứa con nhưng tình cờ chị biết được và việc đó đã khiến chị bị sốc đến phải vào nằm viện. Và chị đã viết lá đơn ly hôn định viết, nhưng không phải đứng từ phía người đàn bà hư hỏng ân hận thú tội ngoại tình với chồng, mà từ phía người đàn bà đức hạnh không tha thứ cho chồng đã làm một việc nghi ngờ vợ ngoại tình. Diễn biến câu chuyện và tâm lý đàn bà đã được Lê Na diễn tả tinh tế, khéo léo. Hạnh phúc của đôi vợ chồng này chưa kết lại ở lá đơn ly hôn mà còn buông trong ánh hoàng hôn thành phố cửa biển phía trước mặt chị khi truyện kết lại. Một truyện ngắn rất “đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na.
Tập truyện ngắn “Đắng ngọt đàn bà” của Nguyễn Thị Lê Na, Tao Đàn & Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019
Nói đàn bà là phải nói tới đàn ông. Và vì đàn bà đã ở vai chủ động nên trong con mắt nhà văn của Lê Na ở tập truyện này, đàn ông bị ấn vào cái vai thụ động, kể cả khi tưởng như họ là chủ động. Gã đàn ông xưng “Tôi” trong truyện “Lụa” (truyện duy nhất trong 11 truyện kể ở ngôi thứ nhất) và Huân trong truyện “Cầu vồng sau mưa” là loại người “tham vàng bỏ ngãi”. Những đàn ông khác cũng là cam chịu và nhu nhược, đớn hèn. Chỉ có hai chàng trai miền núi là tốt hồn nhiên, trong sáng (Hồ Thoong trong “Vùng rừng sáng” và Hơ Ruôn trong “Mùa cà phê hoa trắng”). Nhưng họ tốt cũng để làm nổi bật sự “nổi loạn” của các nhân vật đàn bà ở vai chủ động trong truyện. Như vậy thì hạnh phúc ở đâu? Không có hạnh phúc vợ chồng trong các gia đình ở tập truyện này của Lê Na. Hạnh phúc có chăng là ở sự người phụ nữ quyết sống cho mình, đúng sai không phán xét. Và thế mới là hiện sinh của con người.
Vị đắng ngọt đàn bà thấm đều trong cả 11 truyện của tập sách. Tác giả như người pha chế liều lượng, gia giảm đậm nhạt có khác nhau trong mỗi truyện, nhưng nhìn chung là vừa phải, đủ thấm lòng người đọc. Để lại nhiều dư vị là như ở các truyện “Bão”, “Trong khoang tàu chật”, “Vùng rừng sáng”, “Sinh”, “Mùa cà phê hoa trắng”. Người đọc dễ đoán nhận được cách xử lý nghệ thuật của tác giả ở những mô típ đề tài quen thuộc mà vẫn rung động nhờ lối viết nhẹ nhàng, sâu lắng. Nhưng cái kết truyện của Lê Na thường khá bất ngờ. Như kiểu kết truyện bằng ly hôn, ngoài ở truyện “Cơn bão”, còn được chị dùng ở cái truyện lấy làm tên tập, vẫn rất bất ngờ, “tưởng vậy mà không phải vậy”, khi người vợ quyết định ly hôn không phải vì hối hận về mình mà vì coi khinh người chồng không xứng là đàn ông. Hay như ở truyện “Vùng rừng sáng” người đọc tưởng đã mừng cho Hồ Thoong có Seo, nhưng cuối cùng Park đã xuất hiện đón Seo. Một chút hụt hẫng cho nhân vật nhưng cũng chính vì thế mà nhân vật trở nên đẹp hơn.
Tên bài viết này tôi đặt theo câu của Simone de Beauvoir (1908 – 1986), nhà triết học, nhà văn, nhà nữ quyền nổi tiếng người Pháp. Bà nói: “On ne naît pas femme, on le devient”, dịch ra là “Người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà”. Câu này ở trong một tác phẩm vang dội của Beauvoir nhan đề “Le Deuxième Sexe” (“Giới tính thứ hai”, 1949) và đã trở thành một khẩu hiệu đấu tranh của phong trào nữ quyền thế giới. Bằng câu đó Beauvoir khẳng định sự bất bình đẳng đàn ông/đàn bà là một thành tạo văn hóa, chứ không phải tự nhiên. Đàn bà bị biến thành Kẻ Khác, kẻ bị văn hóa thống trị của đàn ông làm tha hóa. Đàn ông đã biến đàn bà vốn bình đẳng từ đầu với đàn ông, cả về thể chất và trí tuệ, thành kẻ phụ thuộc vào sự thừa nhận của đàn ông ban cho. Vì đàn ông là kẻ sản xuất ra ý thức hệ, vì hắn là kẻ thống trị, nên hắn bắt đàn bà phải quay lại sự khác biệt giới tính để thấy mình là thực thể thấp kém, thực thể sinh học. Nói một cách nôm na, câu đó của Simone de Beauvoir ý là không phải giới tính quy định thân phận người phụ nữ mà chính là cái nhìn của xã hội đàn ông, những luật định của xã hội nam quyền đã áp đặt lên đàn bà những sự đè nén, áp bức, ràng buộc cả về vật chất và tinh thần.
Lê Na khi viết truyện chắc không có ý to tát triết lý, triết học gì có liên quan đến bà triết gia Pháp nổi tiếng mà có khi chị chưa đọc, chưa biết. Nhưng đọc tập truyện này của Lê Na tôi nhớ tới câu nói của Simone de Beauvoir thì cũng thấy ra ý vị. Biết đâu thời nữ quyền hiện nay câu ấy có thể đổi thành “Người ta không sinh ra là đàn ông, người ta trở thành đàn ông”. Ít ra đọc Lê Na, cũng như các tác giả nữ khác, đôi khi có cảm giác như đàn ông đang bị “bạo hành” trong văn chương. Đó là điều mừng hay không mừng?
Nguyễn Thị Lê Na sinh 1975, hiện là Tổng biên tập tạp chí “Nhật Lệ” của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Tập truyện “Đắng ngọt đàn bà” là cuốn sách thứ hai của chị sau tập đầu “Bến mê”.
2/6/2020
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...