Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Cựa gà thuốc độc

Cựa gà thuốc độc

Tôi xin kể lại câu chuyện kỳ lạ mà đến giờ tôi vẫn không biết là mơ hay thực. Tuổi thơ tôi trôi qua thật êm đềm trong khu vườn rất rộng gần bến đò Ông Gia, đối diện với đài tưởng niệm chiến khu Bình Đa, với rất đông anh chị em và các cháu. Khi ấy tuổi mới mười lăm, thích nuôi gà, sợ ma nhưng lại hay ngủ ngoài vườn.
Trong nhà có trên mười anh chị em nhưng chỉ có đứa em kế tính cũng thích lang bạt, nó có một hồ cá kiểng muôn ngàn màu sắc. Đêm trăng cá rỡn tung tăng, rồi xông vào giương vây tung ngạnh thú vị vô cùng, xem không chán mắt. Thằng em tôi biết rõ mỗi loài cá có màu gì, đuôi vây mắt ra sao. Cá trong hồ của nó có đủ tên trong bộ Tam quốc diễn nghĩa, nó có thể dựa vào đó mà kể thành cả trường thiên tiểu thuyết về những con cá mĩ miều, đẹp đẽ của mình. Nhưng nếu có ai gạ mua giá hời là nó đồng ý bán ngay. Còn tôi, tôi yêu quý những con gà nòi của mình theo cách khác, ai hỏi chân đen hay vàng tôi cũng không nhớ. Nhưng dân nuôi gà đá trong vùng không ai không mê cặp gà trống dũng mãnh của tôi, rất nhiều người muốn mua nhưng tôi không bán, vì tôi không thích tiền.
Nhà văn Trần Thu Hằng ở Đồng Nai
Một buổi tối, hai anh em ngủ trong chiếc chòi nhỏ, bên cạnh đống rơm ngoài vườn. Nửa đêm có tiếng lục lạc vang lên, rồi tiếng ngựa hí làm tôi giật mình tỉnh giấc. Mở mắt ra thấy một đám người lố nhố, trên người mặc áo giát vàng giát bạc, đeo ngù, tay lăm lăm đao kiếm, y như thích khách trong phim kiếm hiệp. Chỉ cần thấy thế là tôi sợ chết khiếp rồi, chưa nói đến việc bọn họ cứ tiến thẳng về phía đống rơm anh em tôi đang nằm. Tôi bật dậy, kêu: “Ma, ma!” Thằng Thanh vẫn ngủ say như chết. Thế là tôi nắm tay nó, giật mạnh, vẫn thất thanh: “Ma! Ma!” làm nó hết hồn, hai anh em chạy thục mạng vào bếp đấm cửa gọi chị Năm.
Chuyện đêm ấy không nói nữa, mặc dù đúng là “sợ đái ra quần”. Tờ mờ sáng hôm sau, hai ông anh ra nhổ rau, tưới vườn chạy vào nói rất to: “Cá của thằng Thanh với gà của thằng An đi đâu mất!” Đang ngủ mệt tôi giật thót lên, chạy ào ra chuồng gà, chẳng nhớ lúc ấy cửa chuồng đóng hay mở, mỗi ngăn chỉ còn sót lại một vài cái lông mà thôi. Thằng Thanh ngủ không biết gì, sáng bạch ra khóc giãy đành đạch. Cái bể do nó tự tay ráp, tô và thay nước mỗi ngày bị nẫng trọn đi rồi.
Cả nhà ai cũng bảo là ăn trộm. Nhưng tôi đổ riệt là ma, vì chính mắt tôi trông thấy đêm qua. Ai cũng cười diễu vì biết tính tôi sợ ma từ nhỏ. Tôi cãi:
– Ăn trộm, sao nó không lấy của ba má cái máy bơm, hay ẵm luôn mấy con heo trong chuồng đi…
Nghe ra cũng có lý, mấy anh chị bàn nhau cho tôi tiền mua một cặp gà con. Còn thằng Thanh được ba cưng chiều, hứa là sẽ mua cho nó bể cá khác to hơn cái cũ.
Đêm hôm ấy, chẳng dám ngủ ngoài vườn nữa. Nhưng nửa đêm lại nghe tiếng lục lạc, rồi tiếng ngựa hí. Bò dậy, nhìn qua lưới sắt thì lại thấy một đám người đi lom khom, rõ ràng là đang lục lọi trong chuồng gà của tôi. Tôi nín thở, tim như ngừng đập vì nhận ra gà của mình. Nhưng chẳng hiểu sao bọn họ đi xuống cuối vườn rồi lại quay lại, leo lên ngựa rồi biến mất. Sáng ra đi tìm, chẳng thấy một dấu chân.
Như thế đích thị là ma rồi. Cả ngày hôm ấy tim tôi đập loạn xạ, nửa đêm tôi lại bừng tỉnh dậy. Tôi mở chốt cửa, rót rén bước ra sân, đủ để chạy vào nhà nếu có chuyện gì… Tôi quát thật nhanh, sợ sẽ oà ra khóc thì chẳng giống thằng con trai chút nào:
– Trả gà lại đây cho tôi…
Đám người lố nhố đứng thẳng lên. Một tên bước đến gần tôi, thấy tôi sợ, hắn nói:
– Đừng sợ, bọn ta chẳng làm gì cậu đâu. Đúng gà của cậu là bọn ta bắt, nhưng bọn ta đang phải tìm cậu đây…
– Tìm tôi?… Không, trả gà lại cho tôi…
– Bọn ta chỉ làm theo lời Chúa đất thôi. Muốn đòi gà lại, thì hãy cùng bọn ta sang bên kia sông gặp ông ta…
Vậy là tôi chẳng biết sợ gì nữa, bèn gật. Bọn họ đỡ tôi lên ngựa, phóng đi như bay. Qua hết vườn rồi lại đến bến sông, cứ thế đàn ngựa lướt trên mặt sông, đưa tôi đến bờ bên kia chỉ trong chớp mắt.
Lạ thay, những lâu thuyền sáng rực trên bờ sông, tiếng đàn hát vang trời. Thuyền neo lại nối tiếp nhau san sát. Trên bờ, những dãy nhà lớn với những cánh cửa gỗ mở toang, rất sáng, hàng trăm người đang khuân vác những bao gạo thóc, sừng tê, ngà voi, da hổ… Đàn ngựa phóng như tên, từng chùm trái cây trĩu xuống soàn soạt trên đầu tôi.
Bọn lính đưa tôi vào một khu vườn kỳ lạ, sực nức mùi hoa thơm cỏ lạ, rồi dẫn tôi xuống hầm, nhưng tôi sợ quá không chịu.
– Xuống đi, chủ nhân ta đang chờ cậu đấy. Có gì đâu mà sợ, dưới ấy đèn đuốc sáng như ban ngày, ăn uống vui chơi chẳng nơi nào bì kịp, vui lắm. Gà của cậu cũng ở dưới này.
Tôi liền xuống hầm. Một tên nói to: “Cậu An đã đến!”, lập tức hai cánh cửa sắt mở toang, quang cảnh một căn phòng rộng lớn, xa hoa hiện ra và tôi nhận ra hai con gà trống của tôi bị nhốt ngay dưới bệ cao nhất, nơi có một người trẻ tuổi mặc áo vàng đang ngồi. Xung quanh toàn là “mĩ nhân” như trong truyện cổ tích và những người hầu, có người cỡ tuổi tôi. Tôi bị đẩy ngay đến trước mặt người mặc áo vàng.
– Ở trần gian cậu theo đạo gì nhỉ? Phật, Lão hay Hồi?
– Trả lại gà cho tôi. Tôi chẳng cần gì cả.
Tôi nói giọng căm tức. Nhưng khuôn mặt trơn bóng của chủ nhân vẫn cứ thản nhiên như không.
– “Dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ”. Chúa đất đọc một tràng rồi nói: Này cậu, ta đang chuẩn bị một trận đá gà lớn nhất từ trước đến giờ. Ấy là vì trong lúc say ta cao hứng cược rằng nếu ta thua thì ta sẽ cắt mảnh đất này cho bọn thương buôn. Nhưng mà không được, ta là chủ nhân đất này, mất đất thì ta sẽ làm sao? Cậu có hiểu câu nói của ta lúc nãy không? Lão tử nói rằng : “Dùng ngay thẳng để trị nước, dùng mưu mô để chiến đấu, nhưng dùng vô sự để lấy thiên hạ”… Vô vi đấy, triết thuyết đấy! Xì! Cậu chẳng hiểu gì sất. Nhưng không sao! Cậu phải ở đây, cho gà ăn, tắm cho gà, tẩm thuốc cho chúng. Ta mà thua trận này là ta cắt cái đầu của cậu đấy nghe không.
Tên lính mở lồng, hai con gà chạy ra với tôi. Tội nghiệp, mới có hai đêm mà chúng ủ rũ như “gà rù”, da dẻ lại tọp vào, cổ, chân nhợt nhạt như “gà mắc toi”.
Thế là kể từ lúc ấy, tôi bị giam lại trong ngôi nhà bằng đá ấy, muốn ăn thì có cao lương mĩ vị, muốn uống thì có đủ rượu mùi. Tôi không dám đụng vào, chỉ xin chén nước tương, thì phải chờ bọn chúng ra tận “thương cảng” lấy về. Tôi quyết tâm hai việc: Một là hỏi cho được bể cá của thằng Thanh ở đâu. Hai là bảo vệ đến cùng hai con gà của tôi.
Hóa ra bọn lính hôm nào thích quá, mang bể cá về vườn chơi. Đến ngày tôi hỏi ra thì cá đã chết phơi bụng hơn một nửa. Tôi nghĩ thằng Thanh mà biết chuyện này, thế nào nó cũng khóc rống lên.
Bọn lính còn mang đến cho tôi một người con gái để “hầu hạ mua vui”. Cô ấy tên Ngọc Hoa, chỉ chừng mười ba mười bốn tuổi, nhưng xinh đẹp và e lệ hơn tất thảy bạn gái trong lớp tôi. Tôi đi đâu cô bé đi theo nấy, vẻ mặt sợ sệt khiến tôi hiểu rằng tôi rõ là chúa tể của cô ấy. Tôi cho ăn mới dám ăn, cho uống mới dám uống, thật là chưa có ai vừa chiều chuộng vừa phục tùng tôi đến thế.
Một hôm, vào buổi trưa oi bức, cô bé quạt cho tôi và chợt hỏi:
– Thưa cậu, vì sao cậu chỉ biết đến mấy con gà của cậu thôi vậy?
– Là sao?… Tôi hỏi lại.
– Là cậu chỉ biết làm vừa lòng tên chủ đất ăn chơi vô độ, tham lam độc ác, mà không biết cái nhục của mình…
– Nhục gì? Tôi tức quá, ngứa chân đạp một cái. Cô bé ngã lăn, chiếc vòng trên tay vỡ tan, đâm toạc má làm chảy máu ướt cả áo cô.
Tôi vùng dậy, trong lòng hối hận không để đâu cho hết, vội đỡ cô bé đứng lên. Kỳ lạ, Ngọc Hoa không khóc, không rên, chỉ im lặng nhìn tôi bằng đôi mắt rợp bóng ảm đạm.
– Tôi xin lỗi… Ngọc Hoa – Tôi vội nói. Trong đời tôi chưa bao giờ lại làm ai đau đến thế cả, ngay cả mấy con gà tôi cũng chưa từng hù doạ, đánh đập gì. Song lời xin lỗi của tôi càng làm cho Ngọc Hoa sợ, cô bé chắp tay vái tôi lia lịa.
– Đừng làm thế. Tôi vội nắm tay Ngọc Hoa. Tôi nói với cô rằng đang ở nhà tôi bị đưa đến đây, chỉ có hai con gà là thân quen với tôi thôi, còn cái gì cũng lạ, cũng làm tôi sợ. Tên chủ đất ở toà nhà này còn dọa sẽ cắt cái đầu tôi…
– Hắn độc ác lắm, hắn sẽ làm thật đấy. Xem ra thân phận em và cậu cũng có khác gì nhau đâu. Cha mẹ em đang làm ruộng ở phía trong cù lao, vậy mà quân lính đến chém, rồi bắt em vào đây, bắt học múa học hát. Không thì bị đánh đập. Hắn còn nói chừng nào em lớn sẽ cho em ra lâu thuyền mua vui cho bọn thương buôn.
– Thương buôn là gì?
– Là những chủ thuyền buôn bán ở Nông Nại đại phố này, chúng giàu lắm, lại luôn luôn bày đủ thứ trò làm cho chúa đất này sa đà vào ăn chơi trác táng, rồi chúng hoành hành đủ thứ làm cho dân chúng ở đây khổ sở vô cùng…
– Nhưng chẳng lẽ… Mọi người nhắm mắt để cho bọn thương buôn cùng chúa đất làm khổ mình sao?
– Không, dĩ nhiên là không rồi… Cô bé thở dài. Chính vì thế mà em mới bị hành hạ như thế này… Anh của em là Lê Lộc, đã cùng trai tráng lên rừng tụ nghĩa, sẽ có ngày trở về đây đánh đuổi chúng… Nhưng không biết giờ đây anh ấy sống chết ra sao…
Đến ngày diễn ra cuộc đấu, tôi tận mắt được thấy những gì cô bé nói. Sân đá gà không phải ở mặt đất, mà trên mặt lâu thuyền rất lớn. Cả trăm người ngồi chèo ở tầng dưới lâu thuyền, và những cô gái hầu rượu ăn mặc hở hang đi như múa lượn quanh sân đấu. Mới sáng mà tên chúa đất áo vàng đã say khướt, ngồi chỗm chệ trên ngai, luôn miệng quát tháo. Có lẽ một nỗi lo sợ đang treo lơ lửng trên đầu hắn. Đúng giờ tị, mặt trời lên cao, bọn thương buôn từ một con thuyền nhỏ bước lên lâu thuyền, mang theo một cặp gà chọi đen tuyền và vô số vàng bạc châu báu đặt cược.
Bọn thương buôn đưa cặp gà trống ra, chúng liền nhảy tung lên, mổ vào mắt hai cô gái hầu rượu làm hai nàng kêu rú lên, máu chảy ròng ròng. Tên chúa đất áo vàng của tôi mặt không biến sắc, chỉ cười và nói: “Gà của các ông “thiện nghệ” vô cùng, nhưng gà của tôi cũng ở bậc “kỳ thủ linh kê”, nhưng vì chưa uống rượu Âm Dương thì chúng chưa chịu đấu đá gì. Các ông chờ đợi chốc lát được chăng?”
Các cô gái đẹp lại bưng những bầu rượu ra, chuốc cho bọn thương buôn. Uống được vài chung, chúng kêu đau đầu, chóng mặt. Tên chúa đất cười ha hả đứng lên. Những cô gái kêu rú lên rồi ngã vật xuống, thì ra các nàng cũng bị bọn thương buôn ép uống rượu. Tôi cuống lên đưa mắt tìm hai con gà của tôi thì cô bé Ngọc Hoa ngồi phía sau lưng tôi kêu thét lên: “Cháy! Cháy!” Bọn lính ở đâu túa ra rút gươm đâm vào cổ họng những tên thương buôn còn trợn trừng mắt ngơ ngác. Một cái thang xuất hiện, tên chúa đất chỉ vào bờ sông, những kho đụn của bọn thương buôn cũng đang bốc cháy.
Nhưng tên chủ không kịp xuống thang. Hai con gà đen lao tới, móc những cái cựa nhọn hoắt vào cổ họng hắn. Hắn ôm lấy cổ, thét lên: “Thuốc độc!” rồi ngã nhào đầu vào lửa.
Hai con gà của tôi hoảng loạn bay vụt khỏi tay tôi. Đám phu chèo thuyền kêu lên náo loạn, nhảy xuống sông nhưng không bao giờ lên bờ được, họ bị tên ngã bật ngửa xuống nước.
Một đoàn thuyền nhẹ lướt tới, mang theo những người áo nâu nai nịt gọn gàng từ trong rừng xuất hiện trước mặt chúng tôi.
Ngọc Hoa ôm chặt lấy tôi, kêu thét lên. Tôi không biết phải làm gì khi ấy vì lửa bốn bề cháy ngùn ngụt, đoàn thuyền lạ bao vây thật chặt. Bỗng tôi nghe tiếng cô bé: “Cậu An ơi! Anh Lộc đến rồi, anh Lộc đến rồi! Cậu có biết bơi không?” Tôi kêu lên: “Có!” Như một phép lạ, cô bé buông tôi ra và đẩy bắn tôi xuống sông. Tôi không bơi được, ngực như vỡ tung khi chạm vào mặt nước. Tôi còn nhớ lúc ấy cô bé mặc váy áo màu trắng, vết thương trên má vẫn chưa lành.
Những người dân làng bè cứu được tôi lúc tôi mê man bất tỉnh. Họ gọi tôi là ông Chủng, là MaDa[1] và thêu dệt đủ thứ chuyện về tôi. Chiều hôm ấy, họ đưa tôi về nhà. Cha mẹ tôi vô cùng mừng rỡ vì không biết tôi đi đâu suốt ba ngày nay. Anh tôi đã lên báo Đồng Nai đăng tin “Tìm trẻ lạc” còn hàng xóm cứ nói không khéo tôi bị tâm thần.
Tuy vậy, hai con gà của tôi và cái bể cá của thằng Thanh mất hẳn. Tôi hỏi ba tôi: “Đất Nông Nại đại phố ở đâu ba?” Ba tôi không biết. Nhưng anh cả tôi nghe được câu ấy, liền đi hỏi thầy giáo của anh, thầy chỉ sang cù lao bên kia sông, và nói: “Đó là cái tên của người Hoa đặt cho thương cảng của họ. Vào cuối thế kỷ thứ 17, có một thủ lĩnh nông dân tên là Lê Lộc đã khởi nghĩa đánh đuổi chúa đất, xóa bỏ đặc quyền buôn bán chuyên chở hàng hóa của người Hoa kiều trên khúc sông này. Từ đó tên đất là Cù lao Sông Phố”.
Anh tôi kể lại cho tôi nghe. Thế là trưa hôm sau, tôi rủ hai thằng bạn bơi sang cù lao, lang thang khắp nơi. Đất cằn khô, đã hết mùa cấy hái. Tôi men ra bờ sông, ngồi trên mỏm đất đầy sỏi đá, nhìn nước sông trôi loang loáng.
Một thằng bạn tôi nhổ cái cây dại lên. Nó nói: “Xem này, cái vòng bị vỡ”. Tôi nhận ra chiếc vòng của cô bé Ngọc Hoa mà do tôi đạp khiến nó làm cô bé bị chảy máu. Tôi đã chôn vòng ấy ngoài vườn, ngay gần cái bể cá bị bọn lính đánh nhau chém bể. Tôi nói: “Bọn mày đào nữa đi, đào nữa đi…” Cái bể cá hiện ra gần như đầy đủ, nhưng nhìn nó cũ kỹ lắm rồi, hoen mờ loang lổ y như cổ vật thời trung cổ. Hai thằng bạn tôi nói: “Ngộ quá hén!” rồi nhảy ào xuống sông tắm. Tôi nhặt những miếng vòng cẩm thạch xanh trong, lận kỹ vào lưng quần đùi.
Bơi qua sông, về đến nhà, những mảnh vòng chẳng còn nữa. Tối ấy tôi tần ngần nói với thằng Thanh rằng tôi đã tìm thấy cái bể cá của nó, nhưng bị bể. Nó đáp bằng giọng ngái ngủ:
– Ba cho em tiền mua kiếng (kính) làm bể cá khác rồi, ngày mai lên chợ Biên Hòa mua cá…
Chú thích:
[1] Ông Chủng, bà Thủy, MaDa là những tên gọi dành cho các loài linh ngư của người Đồng Nai cổ.
13/9/2022
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...