Khi nhà văn được giải Nobel bị
lãng quên: Grazia Deledda
Giải thưởng cao quý nhất về văn học cũng không giúp cho một số
nhà văn tránh khỏi số phận bị lãng quên. Vì nhiều lý do, độc giả đương thời đã
không còn nhiều mặn mà với những cuốn sách được xếp vào hàng kinh điển. Trong
những nỗ lực ngược dòng, việc in lại các tác phẩm từng bị quên lãng đồng thời
trả lời câu hỏi: Vậy thì những kiệt tác này còn giá trị gì với đời sống hôm
nay?
“Người mẹ” đã được chuyển thể
thành phim cùng tên vào năm 2013
Nhà văn nữ người Italia duy nhất được giải Nobel
Tính đến thời điểm này, Grazia Deledda (1871-1936) là nữ nhà
văn người Italia duy nhất được giải Nobel văn học. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết
lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Italia, Đại sứ quán Italia kết hợp với thương
hiệu sách Tao Đàn đã xuất bản “Người mẹ”, tác phẩm được trao Nobel năm 1926 của
Grazia Deledda.
Đầu thế kỷ 20, việc một tác giả nữ được trao giải Nobel văn học
tuy không còn hi hữu (trước đó, nữ nhà văn người Thụy Điển Selma Ottilia Lovisa
Lagerlöf đã được trao Nobel văn học vào năm 1909) nhưng Grazia Deledda vẫn tạo
ra một cú sốc cho người đọc cả thế giới. Nuoro, một thị trấn của Sardinia, quê
hương của Deledda thời đó gần như là một hòn đảo cách biệt với thế giới, dân ở
đây không nói tiếng Italia, cũng không nói tiếng Anh, họ dùng thổ ngữ
Sardinian. Sau này, vùng đất đi vào văn Deledda như một “đặc sản”, trở thành
nguồn cảm hứng và linh hồn trong các sáng tác của bà, giống như vùng Cao Mật
(Trung Quốc) trong văn của Mạc Ngôn.
Trong một bức thư, Deledda viết: ”Số phận đã xui khiến tôi
sinh ra trong lòng xứ Sardinia cô độc. Nhưng dù cho tôi có sinh ra ở Rome hay ở
Stockholm, tôi cũng sẽ chẳng khác đi. Tôi vẫn sẽ luôn luôn là tôi – một tâm hồn
say sưa với những vấn đề của cuộc sống, nhận thức rõ ràng về con người đúng với
tư cách người của họ, đồng thời vẫn tin rằng họ có thể tốt hơn và chính họ chứ
không ai khác ngăn cản họ giành được sự thống trị của Đức Chúa Trời trên cõi đời
này. Lòng căm ghét, sự tàn ác và nỗi đau có lẽ một ngày nào đó, người ta có thể
chinh phục nó bằng tình yêu và thiện chí”.
Đánh giá giá trị văn chương của Deledda, Tài liệu của Viện
Hàn Lâm Thụy Điển đã trích ý kiến của một trong những nhà phê bình nổi tiếng của
Italia như sau: ”Văn phong của bà là văn phong của những bậc thầy vĩ đại về thể
loại truyện kể, mang dấu ấn đặc biệt của tất cả nhà văn lớn. Ngày nay không ai ở
Italia có thể viết những cuốn tiểu thuyết với văn phong có khí lực, điêu luyện
hay những sự hiểu biết về xã hội mà tôi đọc được trong một số tác phẩm, nhất là
những tác phẩm mới nhất của Grazia Delleda như “Người mẹ” (1920) và “Bí mật của
người đàn ông độc thân” (1921)” (Lê Ký Thương dịch).
Nỗ lực đưa “những người khổng lồ” trở lại
Dịch giả Trần Thị Khánh Vân, người chuyển ngữ “Người mẹ” sang
tiếng Việt cho biết: Các thế hệ gen Z ở Italia hiện nay đã không còn hào hứng
tìm đọc Grazia Deledda như thế hệ cha ông của họ nữa. Là người “đem vinh quang
về cho nước Ý” nhưng văn của Deledda cũng không được giảng dạy trong nhà trường.
Tác phẩm “Người mẹ” được dịch và giới
thiệu ở Việt Nam
Trong nỗ lực đưa những “người khổng lồ” trở lại, gần đây, Rai
(đài truyền hình lớn nhất nước Italia) đã có sáng kiến xuất bản những tác phẩm
này dưới dạng poscart và chia chương hồi để nó có thể tiếp cận nhiều độc giả
hơn.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu chia sẻ: “Tôi tin rằng “Người mẹ” vẫn
có thể tìm được công chúng vì chủ đề của tác phẩm là một chủ đề vĩnh cửu về nan
đề giữa đức tin của con người và các nhu cầu trần thế của họ. Ngay từ những
trang đầu tiên, tác phẩm đã khiến người đọc liên hệ đến một cuốn tiểu thuyết
bình dân là “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”, chúng đều nói về tình yêu vượt
ngưỡng của một vị cha xứ. Điều đặc biệt trong câu chuyện của Deledda là bà viết
dựa trên nền tảng phân tâm học. Cuốn sách phân tích sâu ẩn ức của một bà mẹ thất
học mong muốn đứa con vượt thoát khỏi hoàn cảnh bần hàn bằng con đường tôn
giáo. Khi phát hiện người con có tình cảm với một cô gái, một mặt bà hiểu điều
đó, mặt khác bà lại lo lắng địa vị quyền lực trong xã hội của con trai có thể
vì thế mà bị lung lay. Deledda đã tỏ ra là một cây bút bậc thầy khi phân tích nội
tâm nhân vật cực kỳ sâu sắc và tinh vi”.
Một chi tiết “rất đương đại” khác khiến cuốn sách không xa lạ
trong bối cảnh hiện tại, cũng theo tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu là nó đề cập đến mối
quan hệ tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng phức tạp và tế nhị giữa mẹ và con
trai: “Cái gì phức tạp thì đều đáng đọc lại. Nhà văn lớn là người nhìn ra khía
cạnh phức tạp trong những điều tưởng như hiển nhiên. Và rằng, việc độc giả quên
hay nhớ một tác phẩm không hẳn là thước đo giá trị của tác phẩm đó. Việc người
ta quên đọc lại nhiều tác giả kinh điển có thể còn do ngữ cảnh thời đại. Có nhiều
khi, chỉ là một thay đổi mang tính khách quan, hiện tượng bị lãng quên lại trở
thành thời sự. Ví dụ, hai năm trước, khi dịch Covid bùng phát, rất nhiều người
đã tìm đọc lại tác phẩm “Những kẻ đính hôn” cũng của một nhà văn người Italia,
Alessandro Manzoni, và cho rằng đó là cuốn rất hay về đề tài dịch bệnh”.
9/6/2023
Hạnh Đỗ
Nguồn: Tiền Phong
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét