Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Hẹn đến ngày "Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng"

Hẹn đến ngày "Sài Gòn mai
gọi nhau bằng cưng"

Bây giờ Sài Gòn và nhiều tỉnh thành phía Nam đang giãn cách xã hội vì dịch bệnh với hàng ngàn khu cách ly, phong tỏa, mọi hoạt động đình lắng lại, hàng quán đóng hết, những ngôi chợ truyền thống phần lớn đã đóng cửa. Những lần hẹn hò bè bạn gặp nhau đành gác lại. Từ “cưng” bây giờ chẳng còn được thốt thành lời trực tiếp ngọt ngào… có bài thơ “Tám phố Sài Gòn”, trong đó có câu:
“Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bầy chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân”.
Chẳng phải chỉ ở Sài Gòn, mà từ “cưng” này còn nghe dịu dàng âm hưởng miền Tây sông nước. Về miền Tây, nghe gọi nhau bằng “cưng” là điều rất phổ biến. “Cưng” thì chẳng phân định giới tính, lứa tuổi một cô bé, một cậu bé cũng được gọi bằng cưng, một cô gái cũng được những người lớn tuổi hơn gọi bằng cưng và những đôi tình nhân cũng gọi nhau bằng cưng.
Tôi thường được gọi thân mật là cưng. Tùy vào người gọi mà từ cưng mang những sắc thái khác nhau.
Cưng ở đây là thương. Cha mẹ gọi con cái bằng cưng với giọng ngọt ngào thương mến. Những trưa hè nắng đổ, những chiều mưa lạnh lẽo, bước vào nhà, nghe tiếng mẹ gọi: “Cưng ơi, mẹ để phần cơm cho con nè”, thấy lòng mình xúc động vì được mẹ chiều chuộng bằng một tình yêu vô điều kiện, thứ tình yêu chỉ có thế thấy ở các bà mẹ lấy con cái làm lẽ sống của cuộc đời.
Cưng ở đây là trìu mến. Có người chị gái hơn tuổi ở miền Tây lên Sài Gòn sống đã bao năm, vẫn dịu hiền gọi tôi bằng cưng. Có người anh trai hơn tuổi ở Long Xuyên, vẫn trìu mến gọi tôi bằng cưng. Cưng ở đây là để chỉ một người em gái nhỏ, một em gái vĩnh viễn thân thương, vĩnh viễn đáng yêu trong lòng người anh người chị.
Cưng ở đây là yêu. Những đôi tình nhân gọi nhau bằng cưng vì quá yêu, quá nhớ thương nhau. Bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu yêu thương dồn vào một chữ cưng. Rồi người cũng xa, tình đã tan, nhưng tình cờ gặp lại nhau, vẫn bật thốt từ cưng nơi cửa miệng. Có một người tình hai mươi năm về trước luôn gọi tôi bằng cưng. Ngày gặp lại, vẫn giọng khẽ khàng tình cảm “Cưng ơi còn nhớ không?”. Ừ, nhớ chứ, làm sao quên một thời chúng ta là cưng của nhau.
TS. Hà Thanh Vân trong một cuộc hội ngộ của Văn Học Sài Gòn
Cũng có những người Hà Nội hay xứ khác học theo cách gọi “cưng” của miền Nam. Có anh bạn ở Hà Nội luôn gọi tôi là “cưng” vì lý do tôi… ở Sài Gòn, nên học theo cách gọi của người Sài Gòn cho thân mật, tình cảm.
Nhưng từ cưng chẳng phải chỉ để dành riêng cho những người thân yêu, quen biết nhau. Ra bất kỳ một ngôi chợ nào ở Sài Gòn, cô bán cá vẫn gọi tôi là cưng, bà bán rau vẫn nhiệt tình hỏi: “Hôm nay ăn rau gì vậy cưng”. Vào một quán cà phê cóc bên lề đường, bác chủ quán già niềm nở: “Cưng uống gì cưng ơi?” Đôi khi trên đường phố, có anh chàng say xỉn lè nhè với cô hàng tạp hóa: “Bán cho anh bao thuốc Marlboro nghen cưng”. Người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng sẵn sàng gọi người nhỏ tuổi hơn mình là cưng, nghe rất dễ thương, nghe mà thương đến thắt lòng! Thậm chí từ cưng còn được biến tấu thêm, nghe nao lòng lắm: “Cưng xỉu luôn”, có nghĩa là siêu đáng yêu, siêu dễ thương.
Từ cưng là đặc sản của riêng miền Nam, chỉ có người miền Nam gọi nhau là cưng. Thời gian năm tháng qua đi, nhưng cách xưng hô này vĩnh viễn trẻ trung, vĩnh viễn tràn đầy tình yêu thương. Từ cưng trở thành dư vị ngọt ngào trong lòng người nghe, người gọi. Nên còn yêu thương nhau thì xin gọi nhau bằng cưng.
Bây giờ Sài Gòn và nhiều tỉnh thành phía Nam đang giãn cách xã hội vì dịch bệnh với hàng ngàn khu cách ly, phong tỏa, mọi hoạt động đình lắng lại, hàng quán đóng hết, những ngôi chợ truyền thống phần lớn đã đóng cửa. Những lần hẹn hò bè bạn gặp nhau đành gác lại. Từ “cưng” bây giờ chẳng còn được thốt thành lời trực tiếp ngọt ngào. Từ cưng bây giờ chỉ được người ta nói bằng online, bằng điện thoại, bằng lời chat, và bây giờ câu cửa miệng là hỏi: “Cưng ơi, chỗ cưng thế nào, có ổn không vậy?” Nhưng không sao cả, miễn là chúng ta vẫn có thể gọi nhau bằng cưng. Mai này khi dịch bệnh đã bớt, khi dịch bệnh bị đẩy lùi, chúng ta sẽ lại có những hẹn hò gặp mặt, những buổi rong chơi dạo phố ghé vào những hàng quán, chúng ta sẽ lại ra chợ để vừa mua bán, vừa ngắm những cảnh đời, khi ấy chúng ta sẽ lại cất tiếng gọi nhau bằng cưng!
Vậy thì hẹn “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng” nhé.
9/8/2021
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...