Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Từ trang vở lá chuối

Từ trang vở lá chuối

Trong quãng thời con nít có biết bao nhiêu trò chơi, bạn chơi. Bây giờ ngồi đếm lại chắc chả ai nhớ hết. Ấy vậy mà tôi luôn nhớ một người chị, một trò chơi dù đã bao năm trôi qua.
Người chị ấy hơn tôi ba, bốn tuổi, như thế là tôi có thể ở chơi nhà chị cả buổi, mẹ khỏi lo lắng khi đi làm đồng. Chị lúc đó đã biết chữ. Chị thường tập hợp mấy đứa trẻ lại, rồi ra vườn ghếch chân chọn mấy tàu chuối xanh mướt, xuống bờ ao khom người chui vào bụi tre gai mặc gai cào rách toạc áo để bẻ bằng được mấy cái gai làm bút. “Học trò “ chúng tôi, con Hải, tôi, thằng Vẻ, con Hanh, thằng Tân nhón mười đầu ngón chân lên mặt ghế dựa, chổng mông đít, đu người trên bàn để viết chữ. Rồi ! “cô giáo” một tay chắp sau mông đít, một tay cầm một cái roi đi vòng bên này, vòng bên kia quanh chiếc bàn to kê giữa nhà để dạy “trò”viết. Ba gian nhà tre giữa trưa hè oi ả nghe kèn kẹt tiếng mọt kêu trên mái. Học trò đứa nào đứa nấy nghiêng đầu, miệt mài những nét chữ trên tàu lá chuối xanh mướt. Những nét chữ đầu tiên tôi không học từ ngôi trường làng mà tôi được học từ chị, một người bạn hàng xóm. Đang mải mê nắm nót viết chữ lên tờ giấy lá chuối xanh có dòng kẻ là những gân lá nhạt màu. Cái gai tre làm bút cào soàn soạt nghe rõ mồn một. Học trò không đứa nào nói chuyện, mồm còn uốn theo tay viết, bàn cao quá nên đu cả người lên, hai cái chân đu đưa dưới gầm bàn…
Tác giả Nguyễn Thanh Duyên ở Ninh Bình
Bỗng nghe choảng… rồi “ bụp” một tiếng, nước bắn tung tóe.Thì ra không biết đứa nào đá chân vào cái phích dưới gậm bàn, làm vỡ mất cái phích mất rồi. “Học trò “ co cẳng chạy thẳng về nhà. Ngay chiều, mẹ về, “cô giáo” liền bị tra hỏi: Ai làm vỡ phích? Tại sao phích vỡ? Mày nghịch cho lắm vào, chỉ phá hoại thôi ,vân vân… và … vân vân. Xả cơn xót xa về cái phích đã là một trận đòn đỏ đít bà mẹ già dành cho chị. Mấy “học trò” đứng ở ngoài đường ngấp nghé xem lúc ấy mới thở phào nhẹ nhõm vì “cô giáo” không khai ra mình trong vụ vỡ phích kia.
Ấy vậy mà chỉ hôm sau chị lại bày cho bọn tôi làm bánh, làm xôi. Nguyên liệu là bột sắn, thứ sắn mẹ chị mua tận chợ Quán, chợ Rịa đen nhẻm đen nhem dùng cho lợn ăn, chúng tôi gói bánh chưng bánh dầy. Chị còn kể chuyện Lang Liêu. Chị cho chúng tôi ra ngoài ruộng muống bắt cua, ai bắt được nhiều cua bao giờ thày chị trên Nho Quan về sẽ được thưởng kẹo. Với chúng tôi những chiếc kẹp xanh ngọc đỏ hồng gói trong lớp giấy bóng trong suốt mới đẹp và ngon làm sao!
Có lần chị cho tôi lên làng Ngọc Thượng nơi có cửa hàng mậu dịch mua dầu hỏa, khi về hai chị em nhặt đầy vạt áo những bông hoa lộc vừng kết làm vòng đeo chơi . Khi tôi đi học, chị giữ những quyển sách giáo khoa lại dành cho tôi. Thầy chị công tác trên huyện nên nhà chị có rất nhiều chuyện đọc. Tôi đã đọc: Gia đình má Bẩy, Cái áo bù nhìn rơm, Hội chợ phù hoa. Tôi bảo Hội chợ phù hoa chẳng hay vì tôi chẳng hiểu gì. Chị bảo : Mày trẻ con, tao bây giờ thích đọc truyện có tình yêu.     Lớn lên một chút chị bảo con gái đừng để đầu chấy, áo rận , xơ bớt lông mày đi. Rồi chị bắt sạch đàn chấy trên đầu cho tôi.
Mẹ chị già hơn thày chị 12 tuổi. Khi mẹ mất đi thày chị lấy một người vợ mới và ở luôn trên huyện. Từ đó chị ở lại một mình với ba gian nhà vắng, một mảnh vườn con, các anh chị em có gia đình riêng cả rồi. Ngày tôi và đứa bạn vào sư phạm cùng lúc. Chị sang chơi và nói: Thế là hai đứa thành cô giáo thật rồi, hãy học cả phần chị nữa nhé!
Nửa cuộc đời qua đi, tôi đã học biết bao thày cô giáo, cũng có biết bao nhiêu học trò mình dạy, có điều nhớ điều quên . Nhưng! Những trang viết bằng lá chuối xanh mướt và chiếc bút tre gai nguệch ngoạc vẽ những nét chữ đầu tiên chị dạy đã in dấu ấn sâu lắng vào cuộc đời.
17/8/2021
Nguyễn Thanh Duyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...