Hồi chuông tắt lửa và
cái nhìn hiện tượng luận
Hồi chuông tắt lửa là một cuốn truyện vừa của nhà văn Thế
Nguyên (1) hoàn thành tháng 8 năm 1963 và được công bố lần đầu ở Sài Gòn
năm 1964. Theo chúng tôi, đây là một trong những tác phẩm văn xuôi đặc sắc ở miền
Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, nhưng chưa được giới nghiên cứu, phê bình
quan tâm thích đáng. Tác giả là một trí thức Công giáo khuynh tả chịu ảnh hưởng
tư tưởng thần học giải phóng và một số quan niệm mỹ học phương Tây, trong đó có
chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng luận, vốn được giới thiệu ở miền Nam vào những
năm 60 thế kỷ trước như một lý thuyết mỹ học và một kỹ thuật miêu tả trong sáng
tạo văn học.
Bài viết này bước đầu soi chiếu vào thế giới nghệ thuật của
tác phẩm Hồi chuông tắt lửa từ quan điểm hiện tượng luận của Husserl
và Merleau-Ponty để phân tích cái nhìn và kỹ thuật miêu tả của nhà văn về vấn đề
số phận con người với kinh nghiệm ở đời giữa những biến thiên của lịch sử dân tộc
và tôn giáo. Vận dụng hiện tượng luận, trong trường hợp này, chúng tôi cũng muốn
đào sâu ý nghĩa tiềm ẩn của tác phẩm từ sự phân tích của người đọc, theo tinh
thần tác phẩm là đối tượng thẩm mỹ cho một ý thức tiếp nhận.
Một thế giới được tạo dựng
Câu chuyện của Hồi chuông tắt lửa khởi đầu bằng việc
nhân vật người kể chuyện xưng “tôi” nhận lời mời của một vị linh mục tham gia
giảng dạy cho một trường trung học mới mở trong một xứ đạo ở một vùng quê thời
kháng chiến chống Pháp. Từ đây bắt đầu những kinh nghiệm tại thế với những quan
hệ chính trị, tôn giáo, tình yêu và tính dục mà nhân vật đó trải qua trong
tương giao với những con người ở xứ đạo.
Chính trong những ngày ấy, nhân vật xưng “tôi” đã lần lượt
rơi vào những tình huống tưởng chừng như mê cung không lối thoát. Ở đó, anh ta
đã trải qua hai cuộc tình thoáng qua với một cô gái quê và một cô giáo đồng
nghiệp cùng trường. Cô giáo này là bạn thân của người em gái vị linh mục, cả
hai đều từng ở trong một dòng tu và chứng kiến cái chết bí ẩn của một người nữ
tu khác. Người em gái này về sau mang thai với M., một tu sĩ rời bỏ chủng viện
để hoạt động chính trị bí mật, và đã từ trần vì sinh non.
Cuộc sống ở xứ đạo với nhà thờ và ngôi trường được sắp xếp ổn
định dưới bàn tay của cha T. Các tu sĩ và tín đồ ngoan đạo làm tròn bổn phận của
mình. Thầy giáo, cô giáo chu toàn nhiệm vụ dạy học. Học trò, trong đó có đứa
con đỡ đầu của cha T. là thằng Ánh, học hành tiến bộ, cả về kiến thức lẫn đạo đức,
vì “việc học là cần thiết, nhưng giáo dục không phải chỉ nguyên rèn luyện đầu
óc cho thông thái”(2).
Có thể nói, trong ý định chủ quan của mình, cha T. có ý hướng
tạo dựng một xứ đạo lành thánh, ở đó những thế hệ tín đồ kế thừa và tiếp nối
truyền thống trong một cuộc sống hoà hợp. Điều mâu thuẫn là để đạt được mục
đích ấy, cha T. đã phải che giấu những điều khuất tất, xóa vết những tội lỗi để
khỏa lấp những nghi ngờ của các giáo dân.
Thế giới tưởng chừng phẳng lặng đó ẩn chứa những cơn sóng ngầm
chỉ chờ cơ hội là bùng nổ. Mối tình tay ba của những người đồng nghiệp dẫn đến
xung đột giữa nhân vật “tôi” và K., ngay lúc anh này vừa đính hôn với cô giáo.
Bầu không khí trở nên căng thẳng hơn nữa khi K. nghi ngờ rằng Ánh là kết quả mối
quan hệ bí mật giữa cô giáo và cha T.
Đỉnh điểm của xung đột là khi có sự xuất hiện của M., người từng
gây ra những vụ mưu sát tàn bạo trước đôi mắt kinh hoàng của các nạn nhân. M. gặp
cha T. trong toan tính nhờ sự giúp đỡ của ông để trốn thoát khỏi vùng đất do những
người kháng chiến kiểm soát. Theo kế hoạch được sắp xếp, ông Bô Khương, một tín
đồ mất trí, bị đưa ra xét xử chỉ vì tội ăn cắp vặt, nhằm thu hút sự chú ý của mọi
người tại phiên toà, để M. dễ bề tẩu thoát.
Nhưng M. không chịu ra đi một mình. Ông ta tìm cách tra vấn
bí mật mà chỉ cha T. và cô giáo nắm rõ, để biết sự thật rằng thằng Ánh là đứa
con của ông với cô giáo. M. cướp thằng Ánh trong tay cô giáo để xuống một con
đò đang đợi sẵn ở bến sông. Bị người du kích phát hiện, M. chứng kiến viên đạn
kết liễu cuộc đời của Ánh thay cho chính ông ta.
Toàn bộ câu chuyện được gói trọn chỉ trong 100 trang sách ngắn,
in chữ cỡ lớn, từ từ mở ra một thế giới khép kín trong lòng một đất nước tao loạn.
Đó là thế giới được tái hiện với những bí ẩn của nó, đồng thời cũng là một thế
giới được tạo dựng dưới kỹ thuật miêu tả của nhà văn.
Theo hiện tượng luận, thế giới đã hình thành và ý thức của
con người về thế giới cũng hình thành cùng một lúc với kinh nghiệm của ta,
trong hiện hữu tại thế của ta(3). Merleau-Ponty viết: “Thế giới gắn liền với chủ
thể mà chủ thể không gì khác hơn là dự phóng của thế giới, và chủ thể cũng
không tách rời với thế giới do chính chủ thể dự phóng nên. Chủ thể là hữu thể tại
thế còn thế giới luôn mang tính chủ thể”(4). Thế giới Hồi chuông tắt lửa đã
được tạo dựng cùng lúc với ý thức của nhân vật xưng “tôi” hình thành trong kinh
nghiệm mà anh ta thu thập được và tìm cách bày tỏ kinh nghiệm đó với tha nhân.
Cũng theo nhãn quan hiện tượng luận, sự phân tích và giải
thích không quan trọng bằng sự miêu tả. Trong Hồi chuông tắt lửa, Thế
Nguyên không sa vào phân tích tâm lý như tiểu thuyết có cốt truyện tình cảm,
cũng không lý giải và định hướng cho người đọc như tiểu thuyết có cốt truyện
giáo dục. Ông miêu tả hiện tượng như người ta bóc những lớp vỏ của một củ hành
để từng bước chạm vào cái hạt nhân bí ẩn bị che giấu. Nhưng nhà tiểu thuyết
cũng không có tham vọng của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa, tin rằng cái tôi
nghệ sĩ có khả năng khám phá bản chất và quy luật của đời sống như nó vốn có.
Hồi chuông tắt lửa thuộc khuynh hướng tiểu thuyết đề cao
cái sống thực. Trong tác phẩm, yếu tính của sự vật không phải là cái gì tự nó
mà chỉ bộc lộ ra trong quan hệ hỗ tương với ý thức. Ở đây có một nghịch lý thú
vị này: một mặt, Hồi chuông tắt lửa không nhằm tái hiện một thực tại có sẵn mà
là triển khai việc khám phá một sự thực; mặt khác cuốn tiểu thuyết giả định rằng
cả tác giả lẫn người đọc, nói theo ngôn ngữ của Husserl, chỉ đạt tới và nắm bắt
những hiện tượng trong thế giới của kinh nghiệm sống, chứ không thể nào vươn tớibản
chất của nó. Thoạt nhìn, dường như đó là một bước lùi so với chủ nghĩa hiện thực,
nhất là tác phẩm hiện thực qua tiêu điểm zéro, trong đó người trần thuật có điểm
nhìn bên trên như điểm nhìn của Thượng đế đối với các nhân vật của mình, nhờ đó
mà hiểu biết thông suốt tất cả mọi sự, khiến nhân vật không thể che giấu được
điều gì, ngay cả những động cơ thầm kín của nó.
Thật không dễ chấp nhận với một số người khi nhận xét rằng một
“chủ nghĩa hiện thực” nào đó có thể là biến tướng của thế giới quan duy tâm,
khi mà thực tại được tái hiện chẳng khác nào một mô hình được cấu tạo theo
chính tâm trí của con người. Càng không dễ chấp nhận khi nhận xét rằng hiện thực
khả tín nhất không phải là “hiện thực mãn nguyện” mà là hiện thực chứa đựng những
yếu tố hoài nghi. Về một khía cạnh nào đó, hiện tượng luận tỏ ra tôn trọng “hiện
thực”, vì nó xoá bỏ định kiến cho rằng cái tôi là trung tâm của chân lý nội tại
thay vì chỉ là một chủ thể gắn liền với thế giới.
Vậy thế giới đã được tạo dựng trong Hồi chuông tắt lửa như
thế nào?
Đó là thế giới của những bí ẩn chồng lên bí ẩn. Bí ẩn trong
gia đình của cha T., nơi có một người con gái mang hoang thai đã chôn vùi tuổi
thanh xuân của mình trong tình yêu mù quáng. Bí ẩn trong cuộc đời chị Agnès,
người nữ tu hoá điên khi đối mặt với cái bóng đen ngoài vườn tu viện. Bí ẩn
trong mối quan hệ tay ba của cô giáo, nhân vật “tôi” và K. Bí ẩn trong lai lịch
và hành tung của M., đảng viên Quốc dân đảng đang bị chính quyền kháng chiến
truy lùng. Bí ẩn trong nguồn gốc và tính cách của thằng Ánh. Bí ẩn trong hành động
và động cơ của cha T. Bí ẩn trong cuộc đời và số phận của Bô Khương. Bí ẩn về
con vạc mồi của bõ Khản…
Nhưng bí ẩn không phải là bí ẩn tự nó. Bí ẩn bao giờ cũng nằm
trong tương quan với một cá thể. Bí ẩn với người này có thể là điều dễ hiểu đối
với người kia. Đồng thời, bí ẩn luôn có thể gây ra hoài nghi và ngộ nhận. Cốt
truyện của Hồi chuông tắt lửa là cốt truyện của những hoài nghi và ngộ
nhận được xâu chuỗi. Tác giả, thông qua điểm nhìn của người kể chuyện, lần lượt
vén màn những bí ẩn đó và giải toả những ngộ nhận. Nhân vật người kể chuyện
xưng “tôi”, với sự “giúp đỡ” của nhân vật K., đã dần dần chiếu những tia sáng
mong manh vào thế giới mờ đục của câu chuyện Hồi chuông tắt lửa.
Hiện tượng luận quan niệm thế giới cũng như sinh hoạt tại thế
của ta có tính chất mờ đục, không thể thấu hiểu. Thế giới mờ đục trước hết là
vì thế giới bị che giấu: cả chị Agnès, cả người em gái của cha T. và cô giáo đều
che giấu mối tình bi đát của mình trong câm lặng. Cha T. che giấu tấn thảm kịch
của những người phụ nữ, đồng thời che giấu kẻ gây ra nguồn cơn của tấn thảm kịch
đó, để tự mình nhận lấy sự kết án của K.
Thế giới là mờ đục, theo hiện tượng luận, còn vì con người chỉ
có thể nhìn thấy một mặt nào đó của nó. Nói khác đi, thế giới không phải là một
toàn thể mà là một trắc diện qua cái nhìn của mỗi người, trong từng tình huống
cụ thể. Cho nên mờ đục gắn liền với đặc tính của thế giới. Nhưng bằng lối miêu
tả hiện tượng luận cộng với thủ pháp “do thám” của tiểu thuyết điều tra hình sự,
Thế Nguyên đã từng bước phơi bầy sự thật về thế giới và con người sau những tấm
mặt nạ. Có thể nói Hồi chuông tắt lửa biểu hiện sự giằng co giữa quan
niệm tiểu thuyết theo chủ nghĩa hiện thực và nhãn quan hiện tượng luận nơi Thế
Nguyên.
Trong nhãn quan hiện tượng luận, tiểu thuyết là một phương thức
“trở về với chính thế giới”, như lời kêu gọi của Husserl, và do đó tự
đặt cho nó nhiệm vụ miêu tả sự vật và hiện tượng đã xuất hiện trong kinh nghiệm
sống thực của chủ thể như thế nào. Muốn vậy, chủ thể phải xoá bỏ những thiên kiến,
gạt bỏ những ảo tưởng. Thuật ngữ Reduktion của Husserl trong tiếng Đức, Réduction trong
tiếng Pháp được Trần Thái Đỉnh dịch là “Giảm trừ”(5), Lê Tôn Nghiêm dịch là “Giản
lược”(6), còn Phạm Công Thiện thì dịch là “Quy hồi”(7). Đằng sau sự khác biệt
này, có thể tìm thấy một điểm kết nối: muốn “quy hồi” để thế-giới-tự-nó trở
thành thế-giới-cho-ta, thì phải giảm trừ hay giản lược những định kiến về thế
giới, “cho nó vào trong ngoặc đơn”.
Lịch sử văn học đã ghi nhận những hình mẫu có tính lý tưởng về
“người tình nhân chung thuỷ”, “người cách mạng hy sinh”, “người tu sĩ đạo đức”;
đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực “phá chấp” để có được cái nhìn trẻ thơ về
thế giới khi nó xuất hiện lần đầu tiên trong kinh nghiệm sống của chủ thể.
Trong Hiện tượng luận về tri giác, Merleau-Ponty nhìn nhận: “Không có gì
khó bằng biết thực đúng cái ta nhìn”(8). Đây càng là một nỗ lực khó khăn trong
bối cảnh của những đố kỵ và định kiến. Boccaccio, Rabelais… tầm cỡ như vậy mà
đã không yên trong bối cảnh văn hóa Phục hưng nhiều cởi mở huống hồ Thế-Nguyên-tuổi-hai-mươi
trong xã hội miền Nam đầy thù hận và cố chấp giữa những năm 60 thế kỷ trước…
Hiện tượng luận không chấp nhận kinh nghiệm do tri giác đem lại
một cách đương nhiên mà không tìm hiểu, khám phá, sáng tạo. Kinh nghiệm và tri
giác chính là kinh nghiệm và tri giác của tôi, do tôi và cho tôi. Và ngay khi
tôi có kinh nghiệm về thế giới thì cùng một lúc tôi bừng tỉnh và phản tỉnh về
thế giới. Đó là ý nghĩa của luận đề ý thức là ý thức về một đối tượng và đối tượng
là đối tượng cho một ý thức. Kinh nghiệm về thế giới thay đổi phụ thuộc vào sự
thay đổi của chính các hiện tượng, đồng thời với sự thay đổi của ý thức tôi về
hiện tượng đó.
Nếu cha T., ông M. và những người kháng chiến có thể giữ một
trạng thái tinh thần không suy suyển trước mọi sự thật vì họ là những người “cứng
lòng tin”, thì những người như cô giáo, anh K. và nhân vật xưng “tôi” chắc chắn
phải ít nhiều phản tỉnh trước tấn thảm kịch. Có điều Thế Nguyên không nhằm miêu
tả sự phản tỉnh và chuyển biến về tâm lý đó, vì ông không đi theo cung cách
miêu tả của tiểu thuyết truyền thống. Mặc dù không hẳn là chuyện-kể-hành-vi-luận,
trong đó câu chuyện được kể lại bởi một người trần thuật biết ít hơn các nhân vật
của mình, Hồi chuông tắt lửa đã giản lược sự phân tích tư tưởng và tình cảm của
nhân vật. Tác giả kể một câu chuyện về đời người và người đời mà không truy tìm
và cắt nghĩa động cơ của họ. Nhà văn miêu tả mà không lý giải khiến cho tác phẩm
dường như treo lửng mọi phán đoán.
Thế nhưng, về phía những người đọc, chúng ta lại có nhu cầu cắt
nghĩa thế giới và phán đoán những con người trong đó với những động cơ của họ.
Hiện tượng luận không chủ trương giải thích thế giới nhưng lại mở cánh cửa cho
những sự giải thích khác nhau về thế giới và gợi mở cho người đọc lấp đầy những
khoảng trống của văn bản bằng sự tiếp nhận của mình.
Tóm lại, thế giới Hồi chuông tắt lửa là một thế giới
tưởng chừng đạo đức, bình an, lành thánh ở một xứ đạo; đồng thời cũng là một thế
giới che giấu những mưu mô, thủ đoạn, giả dối nên chỉ chờ cơ hội để bùng nổ. Vì
vậy đó là một thế giới mờ đục, không thể thấu hiểu, con người chỉ có thể nhìn
thấy một trắc diện của nó, nên dễ gây ra ngộ nhận. Tác giả miêu tả những hành
vi ở bề mặt của nhân vật mà không đi sâu phân tích động cơ, tâm lý, cũng không
lý giải và định hướng mà để người đọc tự mình phán xét.
Một thế giới bị sụp đổ
Âm mưu của ông M., có sự giúp sức, vô tình hay hữu ý, của cha
T., nhằm cướp đi đứa con với cô giáo – chính là thằng Ánh – trên đường trốn
thoát, đã bất thành khi bị những người kháng chiến phát hiện. Viên đạn oan nghiệt
đã cắm vào ngực thằng bé. Thế Nguyên viết trong đoạn cuối cuốn tiểu thuyết, khi
xác Ánh được đưa từ con đò dưới bến sông về nhà thờ:
“Khi chúng tôi về tới cửa nhà nguyện, cuộc phụng vụ vừa xong.
Cha T. còn quỳ lại sau hồi chuông tắt lửa. Bóng bõ Khản lênh khênh chụp cái bù
đài lên từng ngọn nến. Ánh sáng leo lét nhỏ dần, chặt đôi gương mặt bõ. Mọi người
lục tục rời hàng ghế. Khi thấy chúng tôi, họ dừng cả lại như bất động. Ngay lúc
ấy một làn chớp loé lên. Bóng ông Bô Khương vụt hiện ra rất nhanh ngoài sân cỏ,
mang hình ảnh cứu chuộc thê thảm trên đỉnh đồi Golgotha, đồng thời với một tiếng
sét kinh hoàng. Tôi run rẩy bấu chặt tay vào bờ tường nhìn xác thằng Ánh xám ngắt
loạng choạng trên tay ông M. Đầu cô giáo gục xuống, gương mặt hoàn toàn nằm
trong bóng tối. Dư âm tiếng sét còn lại vang rền. Tôi nghe chừng cả một khoảng
trời cao vừa sụp đổ…”(9).
Trong tác phẩm này, hồi chuông tắt lửa là hồi chuông cuối
ngày thứ sáu tuần thánh, báo hiệu tất cả đèn nến trong giáo đường tắt dần để tưởng
niệm ngày Chúa chịu nạn. Ngẫu nhiên, hồi chuông tắt lửa cũng trùng hợp với hồi
chuông báo tử, cầu nguyện cho linh hồn bé nhỏ của Ánh.
Một thế giới được tạo dựng, với những sự thật được phát hiện
của nó, đã nhanh chóng sụp đổ. Nhưng đây không phải là lần sụp đổ đầu tiên và
duy nhất. Thế giới trong Hồi chuông tắt lửa đã sụp đổ từng mảng khi
mà những hiện tượng được con người tri giác đã dẫn đến sự vỡ mộng; còn những
tương giao đã biến con người thành những công cụ.
Thuộc vào dạng thứ nhất là trường hợp mối quan hệ của Bô
Khương đối với người cha thiêng liêng: một lần chứng kiến hành vi bất nhẫn của
vị cha cố đỡ đầu, ông đã rời bỏ nhà dòng, rơi vào khủng hoảng và mắc bệnh tâm
thần, trở thành kẻ “ném đá” vào thế gian theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó
cũng là trường hợp ông M. hiện ra vừa như thủ lãnh một nhóm hoạt động bí mật, vừa
như một Don Juan thời hiện đại. Con người có hành tung bí ẩn nhưng cũng có sức
hấp dẫn của một người đàn ông táo bạo đó là nguồn cơn tấn thảm kịch của cả ba
người phụ nữ: Agnès, em gái cha T. và cô giáo. Ba người phụ nữ này, nói cho
cùng, cũng chỉ là phương tiện của M.
Việc Agnès đem vá chằng chịt những mụn vải nhỏ lên bộ áo dòng
khi còn lành lặn không phải là một trò chơi vô nghĩa. Khi chia sẻ trọn vẹn cái
bí mật của hai người bạn tu, cô giáo đã phát hiện ra bộ mặt thật của một con
người và cũng là của một thế giới:
“Đôi khi tôi đã nghĩ rằng không được làm “thánh” thực đáng buồn.
Nhưng rồi bản thân va chạm với thánh thần, chia sẻ cái gia tài giả dối, lường đảo,
phụ bạc trắng trợn của chính bậc tu hành, tôi mới sáng mắt ra mà nhận thấy rằng
chỉ làm “thánh” thôi, chỉ làm “thánh” dưới mắt kẻ chung quanh thôi mới thực là
đáng nản”(10).
Thuộc vào dạng thứ hai là quan hệ giữa K. và nhân vật xưng
“tôi” với Hạnh, một người con gái quê thật thà, dễ bị lợi dụng. Đứng về phương
diện luân lý, việc cha T. triệu tập đám đông tín hữu trong buổi lễ để làm bình
phong cho M. trốn thoát, vô hình trung cũng xem họ như là công cụ.
Thật ra, những nhân vật của Hồi chuông tắt lửa không
phải không có ý hướng và nỗ lực đi tìm và xây dựng những mối tương giao nhân bản.
Thoạt đầu, giữa nhân vật xưng “tôi” và cô giáo đã tìm thấy một sự đồng cảm trong
tình cảnh của những người ở dưới vực sâu:
“Người ta có thể xuống tới nhiều chặng thất vọng khác nhau.
Riêng tôi, đứng ở nấc thang chót bắc xuống vực tuyệt vọng, thấy ông quơ tay tìm
tòi dưới đáy vực, ngại gì một víu tay đối với ông. Chúng ta đã tới đáy: sự thực
không có gì lạ ngoài cô đơn và lạnh lẽo!”(11).
Không phải ngẫu nhiên mà người đàn bà này có thể viết cho người-tình-một-đêm
của mình lá thư để trút hết uẩn khúc của lòng mình:
“Chia sẻ trọn vẹn sự bí mật đời tôi đối với ông, tôi không cảm
thấy mất mát điều gì. Trái lại nỗi cô đơn của lòng tôi như một vết dầu. Đã từ
lâu, vết dầu đó cứ lần lần thấm sâu vào từng ngõ ngách trong cơ thể tôi. Đã từ
lâu tôi đi trong đêm tối như một người tù ánh sáng. Đã từ lâu tôi không còn thấy
hoả ngục nơi người khác: Tôi đã gặp nó ngay trong nỗi cô đơn của hồn tôi. Ông
cũng vậy, phải không ông?
“Vậy thì, câu chuyện kể trong đêm giữa hai người tù ánh sáng
vẫn còn mang nguyên vẹn sự bí mật tuyệt vọng của nó…”(12).
Hai chủ đề “Con người bị kết án phải cô đơn” và “Hỏa ngục
chính là kẻ khác” trong tác phẩm Jean-Paul Sartre đã được kết hợp trong một cảnh
ngộ, qua một lời tự bạch. Tại sao gọi đây là “sự bí mật tuyệt vọng”? Phải chăng
bởi vì đây là bí mật không thể hoá giải, và nếu bí mật được hoá giải có nghĩa
là một thế giới sẽ sụp đổ.
Lần đầu tiên hình ảnh về màu lửa cháy báo hiệu cho sự hủy diệt
đã xuất hiện ngay từ cuối chương hai của cuốn tiểu thuyết:
“Lúc tôi đọc xong lá thư của cô giáo, mặt trời đã đổ dưới rặng
tre và buổi chiều là cả một đám cháy. Đám cháy ấy đang chuyển màu trước mắt
tôi: từ đỏ thẫm, xám, lẩn màu cứt sắt. Thế rồi cái đám tàn tro kia bay mịt mù
lên không gian, phủ kín bầu trời quang đãng. Đột nhiên trong một phút, toàn
thân tôi chết cứng, tay chân không thể nào co ruỗi được như thể có một thứ băng
giá nào đã làm tê liệt các động mạch”(13).
Cô giáo không phải là người muốn tạo ra đám cháy. Cô vẫn muốn
nuôi giữ bí mật, có thể vì đó là kỷ niệm thiêng liêng của cô, cũng có thể vì cô
không muốn nó cản trở con đường trở về cuộc sống bình thường trong quan hệ với
K. Cô tin vào sự dàn xếp của cha T. sẽ giúp cô thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo
hiện tại.
Nhưng cái giá mà cô giáo, cha T. và cả M. phải trả cho những
toan tính của mình thật quá đắt. Chính họ đã đẩy thằng Ánh vào tâm điểm của
xung đột. Ánh vừa là đầu mối kết nối hai cực của một thế giới, vừa là tiêu điểm
tranh chấp của hai cực đó: một cực là mưu mô, thủ đoạn; một cực là cả tin, ngờ
nghệch. Khi điểm kết nối này bị phá hủy, và thế giới không còn đặt nền tảng
trên những tương giao nhân bản mà là nguồn cơn của “kinh sợ và bàng hoàng”, thì
thế giới ấy phải sụp đổ.
Tóm lại, thế giới Hồi chuông tắt lửa đã sụp đổ vì đặt
trên nền tảng của sự giả tạo và giả dối, vì những thiên kiến và ngộ nhận không
thể hoá giải. Thế giới bị sụp đổ còn vì thiếu những tương giao nhân bản, con
người không phải là mục đích cao nhất mà là phương tiện của nhau. Cuối cùng, thế
giới phải sụp đổ vì những mặt nạ lần lượt bị bóc trần và bi đát thay, vì cái
ác, sự sa đọa không bị trừng phạt mà sự ngây thơ, vô tội bị huỷ diệt thay cho
cái ác.
Một thế giới được cứu chuộc
Trong một bài viết về Hồi chuông tắt lửa ngay sau
khi tác phẩm ra đời và nhận được sự hồi đáp không mấy thuận lợi của độc giả,
Nguyễn Văn Trung rất nhạy cảm khi nói đến chủ đề cứu chuộc của tác phẩm: “Tôi
có cảm tưởng là tác giả muốn thể hiện một ý tưởng thần học về sự “cứu chuộc”
qua hai nhân vật: Bô Khương và đặc biệt là linh mục T.”(14). Sự hy sinh của Bô
Khương được nhìn nhận như “một sự “cứu chuộc” vô ý thức vì nạn nhân không biết
được ý nghĩa việc làm của mình. Bô Khương gợi lên hình ảnh con chiên trong sạch
bị hy sinh để đền tội cho mọi người trong Cựu ước”(15).
Không phải ngẫu nhiên mà Thế Nguyên đưa vào văn bản thiên
truyện đoạn sách Thánh, qua giọng đọc của thầy già xứ, nói về việc dân chúng
Israel mỗi nhà hiến một con chiên hay một con dê để ăn thịt trong ngày Chúa vượt
qua. Cũng chính tác giả ghi chú thích ở cuối trang thay cho nhà xuất bản:
“Theo Cựu ước, lễ ăn thịt chiên là để kỷ niệm ngày giải phóng
dân Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đằng khác, việc hiến dâng còn mang ý nghĩa
như một sự Cứu chuộc, một bí tích: mọi tội ác của người ta sẽ đổ lên đầu con
chiên đực trong sạch kia và khi con vật được thiêu huỷ đi, nó mang luôn theo tất
cả những vết tích nhơ bẩn đó”(16).
Ý tứ ở đây gắn liền với sự hy sinh của hình tượng Bô Khương,
bị mấy đứa học trò thủ vai quân Du-dêu lùng bắt ngoài chợ, vậy là đã rõ.
Theo Nguyễn Văn Trung, trái với sự hy sinh mà không biết mình
hy sinh của Bô Khương là thái độ hy sinh có ý thức và có chủ tâm của cha T. Nhà
phê bình viết:
“Thằng Ánh là kết quả của những oan trái, tội lỗi và cái chết
vô tội của nó càng nói lên sự oan trái, tình cảnh tội lỗi của những con người.
Nhưng sự có mặt của nó cũng như những hành động của cô giáo là yếu tố đưa đến
ngộ nhậnmà cha T. sẽ phải chịu đựng, một sự chịu đựng có ý thức biết trước, cố
ý, vì muốn đảm nhiệm một thái độ linh mục đích thực giống thái độ của Chúa Kitô
trên thánh giá: gánh lấy những tội lỗi, oan trái của cuộc đời […].
“Chỉ mình cha T. nắm những bí mật của một cuộc đời đó dù biết
có thể bị hiểu nhầm và sẽ phải chịu đựng những đau khổ vì sự hiểu nhầm đó, một
hiểu nhầm đụng tới chính điều làm cho chức linh mục được tôn kính là đức trinh
khiết. Thật cao cả biết bao thái độ của cha T. trước những lời tố cáo của K.
Ngài không oán giận mà còn tha thứ, cầu nguyện cho những người hiểu nhầm mình.
Ngài cũng không phán đoán họ vì phải chăng phán đoán là kết án và bao giờ cũng
là sai lầm khi phê phán đụng tới những lý do thuộc về lương tâm của một người.
Đó cũng là thái độ của Chúa Yêsu trên thánh giá đối với những kẻ đóng đinh
Ngài”(17).
Mặc dù chia sẻ phần nào sự đánh giá của Nguyễn Văn Trung đối
với những thiện ý của nhân vật T., chúng tôi cho rằng xét cho cùng thì cha T. vẫn
không phải là biểu tượng của sự cứu chuộc trong Hồi chuông tắt lửa. T.
không phải là người duy nhất nắm giữ những bí mật của M., cũng không phải là
người biết rõ tất cả mặt trái của M., so với cô giáo. Nhưng trước một con người
mà ông biết là sa đọa, liệu lương tâm ông có yên ổn khi ông không tỏ ra một biểu
hiện nào để ngăn cản tội ác. Dù việc M. cướp thằng Ánh trên tay cô giáo dẫn đến
cái chết thảm khốc của nó là việc ngoài ý muốn mà T. không lường trước, nhưng
ông vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về tấn thảm kịch ấy.
Tuy vậy, đó chưa phải là lý do chủ yếu để ta đặt dấu hỏi về
“đức trinh khiết” của cha T. Điều chủ yếu khiến ta đặt dấu hỏi về điều đó chính
là thái độ của cha T. trong quan hệ với Bô Khương. Phải chăng Bô Khương cũng chỉ
là một phương tiện trong những toan tính của cha T.? Việc Bô phải đền tội cho
người khác trong ngày thứ sáu tuần thánh phải chăng cũng là một vở kịch nhằm
che đậy một âm mưu chính trị dưới lớp vỏ tôn giáo? Và như vậy, phải chăng chủ đề
“cứu chuộc” đã bị nhìn nhận trái với tinh thần nhân bản?
Chính vì vậy mà theo chúng tôi, biểu tượng của sự cứu chuộc
trong Hồi chuông tắt lửa không phải là Bô Khương, càng không phải là
cha T. Biểu tượng đó chính là Ánh, dù thằng bé chưa ý thức đầy đủ về số phận của
mình, càng không thể tự cắt nghĩa về cái sống và cái chết của mình. Ánh chính
là biểu tượng của “đức trinh khiết” mà tất cả người lớn có thể soi vào. Ánh đã
làm vật hiến tế cho những toan tính của người lớn. Nó phải trả món nợ tinh thần
cho những kẻ đã tạo ra hình hài và linh hồn nó bằng chính mạng sống của nó. Cái
chết của Ánh vừa như một phi lý của hiện sinh, vừa có ý nghĩa như một cứu rỗi
cho những tội ác, sa đọa của người lớn.
Một chi tiết có sức ám ảnh là hình ảnh con búp bê bằng len thắt
nơ đỏ mà Agnès để lại đã làm chứng cho tấn bi kịch của người bạn gái cô giáo và
rồi của chính cô. Có thể xem Ánh là hoá thân của con búp bê mà ba người phụ nữ
cả tin này muốn sở hữu cho riêng mình. Đứa bé có tật hay ngủ gục và học hành chểnh
mảng đó thật ra là một “thiên sứ” mà Thượng đế gửi xuống để cứu chuộc cho những
kiếp người tội lỗi.
Có thể nói Hồi chuông tắt lửa là một tác phẩm pha
trộn chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện sinh và kỹ thuật miêu tả hiện tượng luận.Sự
pha trộn đóthể hiện sự giằng co trong tâm thức của bản thân tác giả. Trên hành
trình tư tưởng và trong sáng tác nghệ thuật, Thế Nguyên đã tìm đến hiện tượng
luận như một sự hoà giải giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện sinh, rồi từ
hiện tượng luận về hiện sinh đi tới một hiện tượng luận về xã hội, nhưng thời
cuộc không cho phép ông đi đến cùng chọn lựa nghệ thuật của mình. Càng về sau,
nhà văn càng mạnh mẽ phê phán những biểu hiện của điều mà ông gọi là “tính chất
sì-nốp-bít” (thói học đòi làm sang) của xã hội miền Nam (18). Ông bài bác thứ
“văn chương hiện sinh” theo đuôi, làm dáng, đồng thời đề cao văn chương hiện
sinh dấn thân, trong đó con người phản tỉnh về thân phận của mình, thông qua những
kinh nghiệm sống trong một hoàn cảnh cực đoan của đất nước. Hoạt động thực tiễn
tạo điều kiện cho Thế Nguyên tìm thấy ở phong trào dân tộc một điểm kết nối giữa
tinh thần xã hội và đức tin Kitô giáo.
Nhưng rồi chính Hồi chuông tắt lửa và tác giả của
nó cũng không tìm được sự dung hợp và chỗ đứng trong lịch sử. Nhà văn đã chịu
chung thân phận với nhân vật của mình, thân phận con người ở “giữa hai làn đạn”.
Chú thích:
(1) Thế Nguyên tên thật là Trần Gia Thoại, sinh năm 1942
tại Nam Định, mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh, nguyên là giám đốc nhà xuất bản
Trình bầy, chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Trình bầy, nhật báo Làm
dân; thư ký toà soạn các tạp chí Đất nước, Nghiên cứu văn học ở Sài
Gòn trước 1975. Tác phẩm đã công bố: Hồi chuông tắt lửa, Nuôi con nhơn
tình, Từ dưới vực sâu, Nghĩ gì (hai tập, ký bút danh Trần Trọng Phủ), Cho một
ngày mai mơ ước.
(2), (9), (10), (11), (12), (13), (17) Thế Nguyên: Hồi
chuông tắt lửa, in lần thứ ba, NXB Trình bầy, Sài Gòn, 1969, tr.8, 107, 34, 28,
35, 36, 96. Có tham khảo bản in Hồi chuông tắt lửa trên tập san Văn,
số 6, Sài Gòn, ngày 15-3-1964.
(3), (5), (8) Trần Thái Đỉnh: Hiện tượng học là gì? NXB
Hướng mới, Sài Gòn, 1968, tr. 99, 61, 29.
(4) Merleau-Ponty: Phénoménologie de la perception,
Gallimard, Paris, 1945, tr.491.
(6) Lê Tôn Nghiêm: Môi trường tiên nghiệm trong hiện tượng
học Husserl về cuối đời, Tạp chí Tư tưởng, bộ mới số 1, Sài Gòn, ngày
01.6.1969, tr.83.
(7) Phạm Công Thiện: Hiện tượng học về hiện tượng học
của Husserl, Tạp chí Tư tưởng, bộ mới số 1, Sài Gòn, ngày 01.6.1969, tr.24.
(14), (15), (16) Nguyễn Văn Trung: Hồi chuông tắt lửa,
trong sách Nhận định, tập VI, NXB Nam sơn, Sài Gòn, 1972, tr.267, 268. Bài
viết này đã từng được NXB Nam sơn in kèm theo sách Hồi chuông tắt lửa để
“thanh minh” cho Thế Nguyên.
(18) Thế Nguyên: Nghĩ về “văn chương hiện sinh” hay
là tính chất “sì-nốp-bít” của xã hội miền Nam, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số
6, Sài Gòn, 1968, tr. 85.
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5, 5.2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét