Vị thế Kiều Thanh Quế trong
đời sống báo chí đầu thế kỷ XX
Kiều Thanh Quế không chỉ là nhà văn, nhà lý luận phê
bình mà còn là một nhà báo có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của
báo chí nửa đầu thế kỷ XX. Sự đóng góp của Kiều Thanh Quế về lĩnh vực báo chí
không chỉ thể hiện qua những suy niệm về vai trò báo chí đối với đời sống xã hội
trong sự canh tân đất nước và hiện đại hóa nền văn học dân tộc mà còn ở các vấn
đề đặt ra trong bài viết trên các tờ báo mà ông đã cộng tác. Điều này chứng tỏ
Kiều Thanh Quế có một vị thế không thể thiếu trong đời sống báo chí Việt Nam nửa
đầu thế kỷ XX…
1. Dẫn nhập
Từ khi người Pháp đặt nền thống trị ở nước ta và cùng với nó
là sự du nhập của văn hóa phương Tây, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi sâu
sắc về mặt văn hóa mà sự biến đổi mang tính đột phá là sự xuất hiện của chữ quốc
ngữ và sự hiện diện của nền báo chí quốc ngữ, mà sự ra đời của Gia Định
báo (1865) do học giả Trương Vĩnh Ký chủ trương có thể xem là một minh chứng
đầy thuyết phục cho tính đột phá này. Bởi, trước khi người Pháp đến Việt Nam,
nước ta chưa có ngành báo chí và tất nhiên cũng chưa có nghề báo. Song, từ khi
báo chí xuất hiện ở nước ta, theo quan điểm của nhóm giáo sư Quốc Văn lớp 12,
khi bàn về “lược sử báo chí Việt Nam” thì: “Báo chí đã không ngừng đóng một vai
trò đặc biệt quan trọng. Vì không những chỉ nhằm mục tiêu chính là thông tin
như tại một số quốc gia khác, báo chí còn được coi là một phương tiện giáo dục,
một diễn đàn văn học và một lợi khí đấu tranh chính trị. Do đó, công dụng của
báo chí trong việc phát huy và phổ biến văn học thật lớn lao và những ai muốn
nghiên cứu về những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục… đều
không thể bỏ qua vai trò của báo chí”[1].
Phải chăng xuất phát từ ý thức này, nên khi bước vào cuộc đời
cầm bút, cũng như nhiều văn nghệ sĩ lúc bấy giờ, Kiều Thanh Quế đã chọn báo chí
như một phương tiện dấn thân để thể hiện những đam mê, hoài bảo và khát vọng,
không chỉ trong lĩnh vực văn học mà còn đối với nhiều lĩnh vực khác của đời sống
xã hội nhằm thực hiện ý chí “cách mạng” của mình trên con đường hướng đến sự
canh tân đất nước, trong đó có việc hiện đại hóa văn học mà khi bàn về báo chí
Kiều Thanh Quế đã chia xẻ: “Trái với các nước văn minh tiên tiến châu Âu mà văn
học thường đi trước báo chí, nước ta từ buổi văn học phôi thai tới giờ biết được
một trào lưu trái ngược: là báo chí đi trước văn học. Nay nói khác: báo chí hướng
đạo gầy dựng văn học. Các nhà trứ thuật nước ta, trước khi nổi danh, hầu hết đều
tập sự hay có một thời kỳ thí nghiệm ngòi bút trên báo chí quốc âm”[2].
Như vậy, ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự truyền tải của
báo chỉ từ cuối thể kỷ XIX và phát triển mạnh mẽ ở những năm đầu thế kỷ XX là một
trong những nhân tố tạo nên tính chất hiện đại hóa nền văn học dân tộc trong tiến
trình vận động và phát triển. Và khi nghiên cứu các nhân tố làm nên sự tác động
nầy không thể không nói đến vai trò của các nhà văn, nhà lý luận, phê bình tham
gia vào các hoạt động báo chí với tư cách là những cộng tác viên của các tờ báo
để truyền thông về các vấn đề văn học mà Kiều Thanh Quế là một trong những
gương mặt tiêu biểu. Tuy nhiên, lâu nay khi tìm hiểu về Kiều Thanh Quế, các nhà
nghiên cứu thường tập trung khám phá về ông trong tư cách nhà văn, nhà lý luận
phê bình văn học mà chưa quan tâm đến lĩnh vực hoạt động báo chí, để thấy được
những đóng góp của ông với đời sống báo chí và văn học dân tộc, từ đó có cái
nhìn toàn diện về tài năng của ông trong những năm hiện hữu ngắn ngủi trên cõi
đời. Bởi, theo Nguyễn Vỹ, trong hồi ức Văn thi sĩ tiền chiến khi bàn
về các “Nhà báo”, ông cho rằng: “Trước hết xin nói về vấn đề danh từ. Hồi tiền
chiến ở Hà Nội, hai chữ “Ký giả” chưa được thông dụng như ngày nay. Trong một
tòa báo, ngoài Chủ nhiệm có Chủ bút và các Trợ bút hoặc Bỉnh bút. Tất cả các cộng
tác viên của một tờ báo đều được gọi bằng một danh từ chung: Nhà Báo, đúng theo
tiếng Pháp là Journalistes”[3]. Và danh xưng “Nhà báo” đối với Kiều
Thanh Quế được đề cập ở đây là chúng tôi nhìn nhận từ hệ qui chiếu mà Nguyễn Vỹ,
một nhà thơ, một nhà văn hóa, một nhà hoạt động và quản lý báo chí chuyện nghiệp
đã xác quyết, trong sự kiểm chứng với chính quá trình hoạt động báo chí và văn
học của Kiều Thanh Quế, khi ông chọn báo chí như một phương tiện truyền tải những
suy niệm về văn học cũng như về những vấn đề nhân sinh khác trong đời sống xã hội,
mà tờ báo Tri Tân, nơi ông cộng tác thường xuyên cùng với sự cộng tác của
ông ở nhiều tờ báo khác là một xác chứng không thể phủ nhận.
Bài viết chỉ là những khai mở bước đầu về việc tìm hiểu vị thế
của Kiều Thanh Quế trong đời sống báo chí nước nhà nửa đầu thế kỷ XX, để hy vọng
từ đây sẽ có những công trình nghiên cứu tiếp theo, đầy đủ hơn về những đóng
góp của Kiều Thanh Quế trong đời sống báo chí nửa đầu thế kỷ XX, từ đó thấy được
sự dấn thân của ông cho đất nước, cho dân tộc một cách toàn diện hơn.
2. Nội dung
Như đã biết, mối quan hệ giữa văn học và báo chí và sự tác động
qua lại giữa báo chí và văn học không phải là điều cá biệt của nước ta mà là một
vấn đề mang tính phổ quát ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy,
trong những năm đầu thế kỷ XX, với tính chất là nguồn xúc tác quan trọng nhất,
tạo tiền đề cho quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà, vai trò của báo
chí cũng như mối quan hệ giữa báo chí và văn học luôn được các nhà nghiên cứu
quan tâm, trong việc phân định, đánh giá các giá trị văn học. Chẳng hạn, Vũ Ngọc
Phan trong công trình Nhà văn hiện đại (1942) đã lấy báo chí như một
hệ quy chiếu làm tiêu chuẩn để phân loại các nhóm nhà văn tiên phong của văn học
Việt Nam hiện đại. Như vậy, trong suy niệm của Vũ Ngọc Phan, báo chí là một phẩm
tính cần thiết khi nói đến tính tiên phong của nhà văn.
Đồng quan điểm với Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ trong Việt
Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập 3- Văn học hiện đại 1862 -1945 (Quốc
Học Tùng Thư Xb. Sài Gòn, 1965), khi bàn về “Mấy yếu tính của giai đoạn văn học”
đã cho rằng: “Vai trò tiên phong của báo chí” là một trong năm yếu tính tạo nên
sự cách tân của văn học thời kỳ này trong tiến trình hiện đại hóa khi ông cho rằng:
“Sang hiện đại với sự xuất hiện của báo chí, sự mở mang của ấn loát, việc viết
lách, việc sáng tác văn học hướng tới trở thành một ngành hoạt động của quốc
gia nhằm cống hiến cho công chúng những sản phẩm văn học coi như một thức ăn
tinh thần (…) xưa nho sĩ với văn sĩ hầu như là một. Nay người ta quan niệm việc
cầm bút viết văn như một chuyên môn của một số trí thức nhằm hướng đạo xã hội,
phụng sự nghệ thuật. Có thể nói chỉ từ đây người ta mới làm văn học một cách có
ý thức”[4]. Và cũng theo Phạm Thế Ngũ: “Chỉ sang đầu
thế kỷ 20, văn học ta mới thật sự bước vào cuộc sanh hoạt hiện đại. Nền văn học
hình thành đây là một nền văn học hầu như tân tạo, trong một giai đoạn lịch sử
mới”[5]. Thanh Lãng trong công trình Bảng lược
đồ văn học Việt Nam, Quyển hạ- Ba thế hệ của nền văn học mới
(1862-1945) (Nxb. Trình Bày, Sài Gòn, 1967) đã dành hẳn chương II để
luận bàn về báo chí và vai trò của báo chí đối với sự vận động và phát triển của
văn học dân tộc, trong đó ông tập trung đề cập đến hai khuôn mặt “lớn” của báo
chí Việt Nam lúc bấy giờ, đó là Đông Dương tạp chí và Nam Phong
tạp chí. Song, không dừng ở đó, ông còn đề cập đến vai trò của một số tờ báo
trên khắp Bắc, Trung, Nam và xác quyết: “Không phải là các báo khác không có
giá trị hay không có ảnh hưởng đến cuộc sống của dân tộc ta trong gần hai chục
năm. Thực ra những tờ báo như Trung Bắc Tân Văn (1915), Học Báo (1919) Hữu
Thanh tạp chí (1921), An Nam tạp chí (1926) Tiếng Dân (1927)…
đều là những cơ quan ngôn luận đã giữ được ảnh hưởng, đã tác động lắm khi sâu
ra, mạnh mẽ vào đường lối tư tưởng, cảm nghĩ và hành động của quốc dân ta lúc bấy
giờ, nhất là chúng thảy đều là những cái đã thúc đẩy cho sự đắc thắng của văn
hóa mới, cho sự thành công của chữ quốc ngữ đều là những củng cố cho địa vị văn
học khỏi bị các lực lượng ngoại lai phá hoại, lấn át”. Rồi ông đi đến kết luận
một cách đầy tự tin: “Thế hệ này là thế hệ của báo chí”[6].
Ngoài Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cùng các nhà văn, nhà văn
hóa đã cộng tác với Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí là những
người vừa hoạt động báo chí, vừa hoạt động văn học và xem báo chí như phương tiện
để hoạt động văn học, trong giai đoạn này còn có những nhà văn tên tuổi cũng
song hành hoạt động trên hai lãnh vực này như: Huỳnh Thúc Kháng với Tiếng
Dân, Tản Đà với An Nam Tạp chí; Hữu Thanh tạp chí. Riêng Tàn Đà
còn cộng tác với Đông Dương tạp chí, Phong hóa, Ngày nay. Và một người
không thể không nói đến đó là Kiều Thanh Quế, một nhà văn, nhà báo, nhà lý luận,
phê bình văn học, đã luôn nêu cao ý thức dùng báo chí như một phương tiện để
chuyển tải các suy niệm về việc hiện đại hóa văn học cũng như các vấn đề của đời
sống xã hội mà ông quan tâm. Như vậy, xu hướng vừa hoạt động báo chí, vừa hoạt
động văn học và xem báo chí như một phương tiện để cống hiến sức mình vào việc
hiện đại hóa nền văn học cũng như canh tân đất nước là một thực thể hiện hữu
trong đời sống báo chí – văn học nước nhà ở những năm đầu thế kỷ XX, và mối
quan hệ tương hỗ, biện chứng giữa hai lĩnh vực này là một thực tế không thể phủ
nhận. Theo |Phan Cự Đệ: “Báo và tạp chí là nơi thử thách ngòi bút của nhiều người,
trước khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Nhiều bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết
đã được đăng tải trên các báo và tạp chí, trước khi được xuất bản thành sách
(…) Mặt khác, chúng ta thấy rõ hơn vài trò của báo chí trong việc xã hội hóa
văn học, hiện đại hóa văn học, nhất là hiện đại hóa các thể loại như bút ký,
phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói”[7].
Ý thức được vai trò và tác động của hoạt động báo chí đối với
sự kiến tạo và canh tân đất nước, trong công trình Ba mươi năm văn học, luận
bàn về loại hình báo chí, Kiều Thanh Quế đã thể hiện rõ quan điểm của ông khi
đánh giá sự hữu ích của báo chí đối với việc đào tạo nhân tài cũng như góp phần
khai phóng xã hội, đặc biệt là việc “gầy dựng nền tảng đầu tiên cho văn học quốc
ngữ”. Theo ông: “Hữu công trong sự gầy dựng thiên tài trước nhứt có lẽ là tờ Đông
Dương tạp chí rồi mới đến tờ Nam Phong. Đông Dương tạp chí
ra đời năm1941, sống đến 1918 đổi làm Trung Bắc tân văn 1914-1918: 4
năm sống còn! Nhưng biết bao công trạng đối với việc gầy dựng nền tảng đầu tiên
cho văn học quốc ngữ. Rất nhiều danh sĩ hiện tại như Vũ Trọng Phụng
(1911-1939), Nguyễn Công Hoan, Tam Lang đều tự nhận xuất thân trong lò Đông
Dương tạp chí, chịu ảnh hưởng mật thiết của các bậc đàn anh bấy giờ biên tập
báo ấy.
Các bực đàn anh ấy, từ bao giờ đến bao giờ, đều được coi như
những kiện tướng không tiền tuyệt hậu trên văn đàn; lúc sanh tiền được kẻ đồng
thời ngưỡng mộ, kính mến; Khi qua đời lại được hậu thế sùng bái nhắc nhở luôn…
Phương danh họ, sự nghiệp họ cùng đi đôi đến cõi muôn năm bất tử”[8]. Những người mà Kiều Thanh Quế đánh giá
là bất tử với muôn đời là: “Nguyễn Bá Học (1857 -1921); Nguyễn Văn Vĩnh (1892-
1936), Nguyễn Khắc Hiếu (1889 -1939) – toàn những biên tập viên đắc lực của Đông
Dương tạp chí – Phan Kế Bính, hiệu Bưu Văn (1875-1921) trong tạp chí này
có một công to với văn học quốc ngữ: dịch Việt Nam điển lệ toát yếu (1915-1916)
của Hiệp Đỗ, Đại Nam nhứt thống chí của Hiệp Cao (1916) Việt
Nam khai quốc chí truyện của Nguyễn Bảng Trung (1917); Đại Nam liệt
truyện tiền biên (1918)”[9].
Không chỉ đánh giá Đông Dương tạp chí, trong cái
nhìn về đời sống báo chí lúc bấy giờ, Kiều Thanh Quế còn góp phần mở rộng tầm
nhìn của độc giả khi ông chỉ ra những đóng góp của một số tờ báo, trong đó có tờ Nam
Phong: “Báo Nam Phong lại có chủ ý riêng về sự luyện quốc ngữ cho
thành một nền quốc văn An Nam (…) và theo ông nước Tàu có nền văn học báo
chương, mở đầu bởi Lương Khải Siêu. Nước ta, có thể bảo, nền văn học báo chương
bắt đầu với Phạm Quỳnh”[10]. Rồi ông lưu ý người đọc : “đừng cố lầm
lẫn nền văn học báo chương với lịch sử báo giới, khai sáng bởi tiên hiền Trương
Vĩnh Ký, với tờ Gia Định công báo, là tờ báo có trước nhứt ở xứ ta” [11]. Để làm rõ hơn vai trò của báo chí đối
với đời sống xã hội cũng như sinh hoạt văn học lúc bấy giờ, ngoài hai tờ Đông
Dương và Nam Phong tạp chí, Kiều Thanh Quế còn phân tích, đánh
giá tình hình hoạt động của một số tờ báo khác, đó là những tờ bán nguyệt san
xuất bản sau Nam Phong như Hữu Thanh, Đông Thanh, An Nam tạp
chí, Văn học tạp chí… “cùng theo một mục đích na ná như Nam
Phong”. Hay tờ Phụ nữ tân văn mà theo Kiều Thanh Quế “là nơi họp mặt
của ba nguồn văn Trung Nam Bắc, nên có tính cách rất phổ thông. Người trong nước
ai đọc qua cũng am hiểu và hoan nghinh. Sau khi Phụ nữ tân văn chết,
Đào Trinh Nhất nhập tịch luôn vào làng báo Nam kỳ, về chủ trương mấy tờ Đuốc
nhà Nam, Việt Nam cho Nguyễn Phan Long, Việt Dân, Tân Văn, Thế giới
tân văn cho Phan Văn Thiết; sau lại hùn hiệp với Vân Trình mở ra tờ Mai danh
tiếng. Tờ Mai về sau Vân Trình giao luôn cho Đào quân làm chủ một
mình. Được độc quyền, Đào quân một mặt tiếp đón các văn phẩm khảo cứu nghị luận
của Lê Thọ Xuân, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Thiếu Sơn, mặt khác chọn lọc khuyến
khích các cây bút trẻ tuổi giàu hy vọng: NguyễnTấn Phương, Đông Chi, Lãng Tử…
Công trạng Mai đối với văn học quốc ngữ miền Nam, phi tờ Phụ nữ
tân văn (đã nâng đỡ Hồ Biểu Chánh, Phan Huấn Chương, Nguyễn Thời Xuân) quyết
chẳng còn tạp chí nào sánh kịp”[12].
Bên cạnh các tờ báo đã nói ở trên, Kiều Thanh Quế cũng nói đến
tờ Phong Hóa của nhóm Tự lực văn đoàn với ba cây bút chính là Khái
Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ đứng ra thành lập và sau đó kết nạp thêm Thạch Lam,
Hoàng Đạo, Tú Mỡ, Trọng Lan, Xuân Diệu, Trần Tiêu, Đỗ Đức Thu, Huy Cận, Mạnh
Phú Tứ… Tờ Phong Hóa của Tự lực văn đoàn, trong cái nhìn của Kiều
Thanh Quế: “với các tiểu thuyết của Khái Hưng, Nhất Linh mở đường cho lối văn
lãng mạn ở Pháp du nhập sang văn học quốc ngữ. 1932 tức là năm dân Việt bi quan
chán nãn! Do đó, tiểu thuyết lãng mạn thác sanh với những giọng du dương. Dễ
làm êm dịu lòng họ. Báo Phong Hóa sở dĩ được hoan nghinh là nhờ trường
hợp này”[13]. Và theo Kiều Thanh Quế, để đương đầu với
Tự lực Văn đoàn, nhà in Tân Dân chớp ngay lấy cơ hội: “mở tờ Tiểu thuyết
thứ bảy gọi về hai cây đàn du dương Thanh Châu, Ngọc Giao, tuyển thêm một
số văn sĩ nữa (Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Lê Văn Trương, Nguyễn Công Hoan
(…). Tiểu thuyết thứ bảy đăng tiểu thuyết kiếm hiệp của Nghiêm Xuân
Lâm, Nguyễn Đỗ Mục dịch, “câu” được rất nhiều độc giả, không mấy chốc rồi có
thanh thế lớn, mỗi ngày một khuếch trương thêm: Ích Hữu, Phổ thông bán
nguyệt san, Tao đàn tạp chí lần lượt ra đời… Nhưng rốt cuộc ngày nay Tân
Dân chỉ còn nuôi nổi có hai tờ Tiểu thuyết thứ bảy và Phổ
thông bán nguyệt san, chuyên đăng truyện dài, truyện ngắn”[14].
Ngoài việc nhận định về tình hình hoạt động của các tờ báo,
khi nói đến đời sống báo chí lúc bấy giờ, từ góc nhìn của nhà nghiên cứu văn học,
trực tiếp tham gia hoạt động báo chí, Kiều Thanh Quế đã chỉ ra nguyên nhân dẫn
đến “cái chết” của một số tuần báo, tạp chí văn học mà theo ông là “do trình độ
thấp kém của độc giả nước ta đã giết chết bao nhiêu tạp chí tuần báo giá trị rồi?
Hãy tính thử: nào Hữu Thanh, Đông Thanh, An Nam tạp chí, Tao Đàn… chí những
tờ Tin Văn của Thái Phỉ, chuyên về phê bình mỗi số bán 5 xu cũng
không sống nổi!
Gần đây, nhân phong trào Hán học hồi phục lại trong nước, độc
giả thấy giác ngộ được ít nhiều, Vì đó các tờ Loa, Hà Nội báo, Tiểu thuyết
thứ năm phụng sự cho một bọn tài hoa son trẻ, chết không ai thương tiếc,
và độc giả bắt đầu hoan nghinh những tờ Nước Nam, Thanh Nghị, Tri Tân”[15].
Như vậy, cái nhìn của Kiều Thanh Quế về vai trò và tác động của
báo chí đối với đời sống xã hội của đất nước những năm đầu thế kỷ XX là cái
nhìn khá toàn diện từ nhiều chiều kích khác nhau trong sự qui chiếu với yêu cầu
của đời sống xã hội và của thời đại. Đó là cái nhìn từ vai trò người quản lý
báo chí qua các chủ bút như Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương tạp chí), Phạm Quỳnh
(Nam Phong tạp chí); Nguyễn Tường Phượng (Tri Tân); Đào Trinh Nhất (Mai);
Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ (Phong Hóa) … qua đội ngũ các biên tập viên, các
nhà báo là cộng tác viên, những người không thể thiếu trong việc góp phần tạo
nên sức sống và sự thành công của tờ báo như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Khắc Hiếu,
Phan Kế Bính… (Đông Dương tạp chí); Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Trọng Thuật,
Đông Hồ, Lệ Thần Trần Trọng Kim, Sở Cuồng Lê Dư, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục,
Trương Phúc Đình, Tuyết Huy Dương Bá Trạc, Hoàng Ngọc Phách, Thiên Đình, Nguyễn
Triệu Luật, Vũ Đình Long… (Nam Phong tạp chí); Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Triệu,
Kiều Thanh Quế, Nguyễn Quang Oánh… (Tri Tân) Lê Thọ Xuân, Ngô Tất Tố, Phan
Khôi, Thiếu Sơn, Nguyễn Tấn Phương, Đông Chi, Lãng Tử… (Mai); Hồ Biểu Chánh,
Phan Huấn Chương, Nguyễn Thời Xuân… (Phụ nữ tân văn); Thạch Lam, Hoàng Đạo, Tú
Mỡ, Trọng Lan, Xuân Diệu, Trần Tiêu, Đỗ Đức Thu, Huy Cận, Mạnh Phú Tứ… (Phong
Hóa); Thanh Châu, Ngọc Giao, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Lê Văn Trương, Nguyễn Công
Hoan… (Tiểu thuyết thứ bảy)… và qua độc giả tiếp nhận và tiêu thụ báo chí, những
người không thể thiếu trong việc quyết định sự tồn sinh của tờ báo. Điều này
cho thấy, tuy Kiều Thanh Quế không phải là một nhà quản lý báo chí chuyên nghiệp
như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh…, nhưng ông đã có một sự thông hiểu về báo chí
khá sâu sắc và những vấn đề Kiều Thanh Quế đặt ra trong việc luận bàn về vai
trò và tác động của báo chí đối với đời sống xã hội cũng như sự canh tân của đất
nước có một ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhất định, góp thêm cho những người
hoạt động, quản lý báo chí các tri thức để tiếp cận đời sống xã hội nhằm điều
hành tờ báo đạt hiệu quả tốt nhất. Những suy nghĩ, biện giải của Kiều Thanh Quế
về vai trò, chức năng của báo chí và hoạt động báo chí, không chỉ cần thiết cho
đương thời mà đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, đúng như Nguyễn Huệ Chi đã
xác quyết khi luận bàn về những ý kiến của Kiều Thanh Quế đối với báo chí:
“Cách đánh giá vai trò của hoạt động báo chí, nhà xuất bản tạo nên sự phân tuyến
trong văn học hiện đại, từ các báo Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp
chí, qua Nxb. Đời nay và các báo Phong hóa, Ngày nay của Tự lực văn đoàn,
đến các tờ báo xung quanh Nxb. Tân dân… cũng cho thấy ông đã từ thực tế mà qui
nạp được đúng các nhóm phái chính của văn học Việt Nam diễn ra sôi động trong
vòng mấy thập kỷ”[16].
Không chỉ phản ánh đời sống báo chí lúc bấy giờ qua việc phân
tích, đánh giá, luận giải về vai trò và hoạt động của các tờ báo trên khắp đất
nước, Kiều Thanh Quế còn tham gia viết báo và là cộng tác viên đắc lực của tờ Tri
Tân. Điều này đã được các nhà nghiên cứu xác tín qua các công trình như: Việt
Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 Văn học hiện đại 1862-1945
của Phạm Thế Ngũ (Quốc Học Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1965), Mảnh vụn văn
học sử của Bằng Giang (Chân Lưu xuất bản, Sài Gòn, 1974), Chân dung
văn học của Hoài Anh (NXb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2001), Từ điển văn học (bộ
mới) (Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2004), mục từ Kiều Thanh Quế do Nguyễn Huệ Chi
biên soạn, ngoài việc khẳng định Kiều Thanh Quế viết cho tờ Tri Tân còn
cho biết ông có viết cho tạp chí Thanh Nghị. Nguyễn Mẫn trong “Kiều Thanh
Quế – Một nỗi oan khuất” cho biết Kiều Thanh Quế có đăng bài trên tiểu Tiểu
thuyết thứ bảy, tạp chí Tri Tân, báo Mai; Văn Lang tuần báo. Và
cũng theo Nguyễn Mẫn, năm 1942, Kiều Thanh Quế có tham gia Nam Kỳ tuần báo và Đại
Việt tạp chí. Còn trong công trình nghiên cứu được xem là khá đầy đủ về Kiều
Thanh Quế – Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam – Tuyển tập khảo
cứu phê bình (Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2009) do Nguyễn Hữu Sơn và Phan Mạnh
Hùng biên soạn thì khẳng định các tạp chí Kiều Thanh Quế từng tham gia
là: Mai, Tin điện Sài Gòn, Văn Lang tuần báo, Nam Kỳ tuần báo, Đông Dương
tuần báo, Tiểu thuyết thứ bảy, tạp chí Tri Tân và Độc lập. Và
cũng theo thống kê của Nguyễn Hữu Sơn và Phan Mạnh Hùng, trên báo Mai (bộ
mới), Kiều Thanh Quế có đăng các bài: “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, số 58, ngày
22-10-1938; “Làm đĩ” của Vũ Trọng Phụng, số 76, ra ngày 27-10-1939; “Trở lại vụ
án đạo văn Thoát ly – Ngược dòng”, số 79, ngày 11- 8 – 1939; “Trở vỏ lửa
ra Phan Khôi, hay là: Trả Phan Khôi lại cho địa hạt của Phan Khôi, số 104,
ngày 29 – 9 – 1939; Phê bình “Nắng đào”, số 106, ngày 13.10.1939; “Làm đĩ”,
“Thanh niên S.O.S”, “Người đàn bà trần truồng” và quan niệm tình dục trong văn
chương Việt Nam, số 108, ngày 27-10-1939. Và trên tạp chí Tri Tân, Kiều
Thanh Quế có tất cả 40 bài, gồm: “Sử học luận đàm”, số 23, năm 1941; Đọc “Nguyễn
Trường Tộ” của Từ Ngọc, số 28, năm 1941; Phê bình “Lều chõng”, số 33, năm 1942;
“Vương An Thạch hay Lê Quý Đôn”, số 37, năm 1942; “Cuộc kỳ ngộ Lan Khai – Zweig
“Tội và thương” gặp “La peur”, số 43, năm 1942; Phê bình “Hàn Mặc Tử” của Trần
Thanh Mại, số 46, năm 1942; Phiên dịch cũng là một cách đào luyện văn chương, số
49, năm 1942; Nỗi lòng Tố Như dưới triều Gia Long, so sánh hai áng văn chương
ra đời dưới triều ấy: “Kiều” và “Hoa Tiên”, số 50, năm 1942; Phê bình “Triết học
Bergson” của Lê Chí Thiệp, số 52, năm 1942; “Đồng bệnh” – kịch của Khái Hưng, số
53, năm 1942; Giá trị một bản dịch, số 54, năm 1943; Quan niệm dịch thơ, số 56,
năm 1942; Phê bình “Bóng mơ” – tiểu thuyết của bà Tú Hoa, số 59, năm 1942; Phê
bình “Tôn Thọ Tường” – danh nhân truyện ký của Khuông Việt, số 66, năm 1942;
Phê bình “Chân trời cũ” tập truyện ngắn của Hồ Dzếnh, số 67, năm 1942; Đọc “Quê
người” tiểu thuyết của Tô Hoài, số 69, năm 1942; Phê bình “Nhà văn hiện đại” của
Vũ Ngọc Phan, số 75, năm 1942; Hoài niệm vong linh Cử Trị: Ngôi mả hoang, số
73, năm 1942; Vở “La Lousie” của Sacha Guitry biến thể trong “Ghen”- kịch ba hồi
của Đoàn Phú Tứ, số 76, năm 1942; Phê bình “Luận tùng I”, số 92, năm 1943; Phê
bình quảng cáo, số 98, năm 1943; “Lục Vân Tiên dẫn giải” của Đinh Xuân hội, số
106, năm 1943; “Đêm Lam Sơn” – Kịch lịch sử 4 hồi của Hoàng Mai, số 108, năm
1943; Phê bình với văn học sử, số 111 năm 1943; Phê bình “Hương xa”, số 114,
năm 1943; Câu chuyện con số trong thơ và nhạc trong thi ca, số 117, năm 1943;
Xét đình sử liệu, số 118, năm 1943; Văn học Nam kỳ 1943, tạp chí Tri Tân, số
126 + 127 năm 1944; Cảm tưởng và hy vọng đối với sách biên dịch ở xứ ta, số
129, năm 1944; Nhân đọc “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân, số
134, năm 1944; Chung quanh “Phật giáo triết học” với triết lý vũ trụ và nhân
sinh, số 135, năm 1944; Thi sĩ Lưu Trọng Lư với “Tiếng thu”, số 138, năm 1944;
Vì yêu chân lý, số 142, năm 1944; Nhân quyển “Vang bóng một thời” tục bản (Tập
truyện ngắn của Nguyễn Tuân), số 145, năm 1944; Ca dao – một yếu tố của đại
chúng văn học, số 148, năm 1944; Đại chúng văn học, số 151, năm 1944; Cuộc tiến
hóa văn học Âu châu, số 158+159, năm 1944; Mùa thu với cuộc đời, số 160, năm
1944, tạp chí Tri Tân, số 160, năm 1944; Mấy lối phê bình văn học, số 173, năm
1945; Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua, số 175-178 năm 1945…
Từ những cứ liệu trên, có thể khẳng định, Kiều Thanh Quế là một
nhà báo thực thụ, bởi ông đã cộng tác với nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc và
viết ở rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực quan tâm nhất
của ông là nghiên cứu, phê bình văn học. Và ở phương diện này, có thể nói Kiều
Thanh Quế là một trong những người khai mở cho loại hình phê bình văn học trên
báo chí quốc ngữ lúc bấy giờ cũng như trong lịch sử phê bình văn học nước nhà.
Tuy không phải là một nhà quản lý báo chí chuyên nghiệp nhưng với những gì mà
ông đã tham gia trong hoạt động báo chí, cho thấy Kiều Thanh Quế đã có một
“nhân vị” không thể thay thế trong đời sống báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX,
đặc biệt là việc kiến tạo mối quan hệ giữa báo chí và văn học mà rõ nhất là cổ
xúy cho vai trò của báo chí trong việc hiện đại hóa nền văn học nước nhà. Điều
này ta cũng thấy rõ qua các bài nghiên cứu, trao đổi, tranh biện về các vấn đề
văn học và xã hội luôn nóng hổi hơi thở cuộc sống, thể hiện chất thời sự, một
phẩm tính của báo chí mà ông rất quan tâm. Không những thế, những cuốn sách
như: Phê bình văn học (Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1942); Ba mươi năm
văn học (Nxb. Tân Việt, Hà Nội,1942); Cuộc tiến hóa Văn học Việt Nam (Nxb.
Đời Mới, H,1943) đều là sự tập hợp những bài viết đã được ông công bố trên các
báo. Và đây là một minh chứng đầy thuyết phục cho thấy sự hiện hữu của Kiều
Thanh Quế trong đời sống báo chí nước nhà ở nửa đầu thế kỷ XX là một điều không
thể phủ nhận.
3. Thay lời kết
Nhận định về ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đối với xã hội
Việt Nam, trong những năm đầu thế kỷ XX, Phạm Văn Đồng cho rằng: “Trong khoảng
thời gian dưới chế độ thực dân Pháp, dân tộc ta đã tiếp thụ và vận dụng những
thành tựu của văn hóa văn minh phương Tây, một thành tựu nổi bật là sự ra đời của
chữ quốc ngữ chữ viết của dân tộc ta ngày nay. Những phong trào văn hóa đa dạng
trong những thập niên đầu thế kỷ XX, với sự đổi mới rõ rệt và sự phát triển mạnh
mẽ của các lĩnh vực văn học nghệ thuật, phong hóa và lối sống, một lần nữa chứng
tỏ sự nhạy cảm và khả năng thâu hóa của dân tộc ta đối với những trào lưu văn
hóa từ bên ngoài”.[17] Đây có thể xem là cơ hội và cũng là
thách thức để đất nước Việt Nam mở những cánh cửa thoát khỏi lũy tre làng, tiến
về phía trước, hòa nhập vào thế giới hiện đại mà sự ra đời của báo chí quốc ngữ
là một trong những chiếc chìa khóa vạn năng mở cánh cửa ấy. Song, chiếc chìa
khóa ấy chỉ có thể vận hành được khi có sự hoạt động của các nhà báo, bởi nói
như Thanh Lãng: “Thế hệ này là thế hệ của báo chí” mà Kiều Thanh Quế là một
trong những thành viên không thể thiếu của thế hệ báo chí này. Đóng góp của Kiều
Thanh Quế không chỉ ở những quan điểm của ông trong việc luận bàn về vai trò và
hoạt động của báo chí đối với đời sống xã hội, trong khao khát canh tân đất nước
nói chung và hiên đại hóa nền văn học nói riêng mà còn ở chính những bài báo của
ông cộng tác với các tờ báo đang thịnh hành lúc bấy giờ mà nếu thiếu những bài
báo này chắc chắn đời sống báo chí, trong đó có đời sống lý luận phê bình văn học
trên báo chí sẽ nghèo nàn và kém sinh động, nếu không muốn nói là làm chậm
quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Bởi, “Ngay ở giai đoạn đầu cầm bút
cộng tác với báo Mai do Đào Trinh Nhất (1900-1951) làm chủ bút, nhà
phê bình trẻ Kiều Thanh Quế mới ngoài hai mươi tuổi đã có được tiếng nói thực sự
tự tin. So với cây bút sáng tác và phê bình cùng trang lứa, Kiều Thanh Quế làm
nên “hiện tượng” nhưng là hiện tượng mang tính phổ biến của cả một thế hệ, một
thời đại. Dường như chính quá trình giao lưu và hội nhập Đông – Tây khi đó đã
đào luyện được cả một thế hệ trí thức trẻ đầy tài năng và bản lĩnh”.[18] mà Kiều Thanh Quế là một nhân tố
như thế!
Sẽ là một điều thiếu sót nếu nghiên cứu về Kiều Thanh Quế chỉ
bó hẹp trong lĩnh vực lý luận phê bình mà không thấy được sự đóng góp của ông đối
với đời sống báo chí Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Bởi, Kiều Thanh Quế không chỉ
là người tích cực hoạt động cho công cuộc hiện đại hóa nền văn học dân tộc và
quá trình canh tân đất nước mà ông còn là người dấn thân trên nhiều lĩnh vực hoạt
động liên quan đến báo chí, góp phần vào sự phát triển nền báo chí quốc ngữ còn
non trẻ lúc bấy giờ bằng chính tác phẩm của ông trên các diễn đàn báo chí mà
hôm nay trong xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước theo hướng hiện đại,
chúng ta không thể không trân quý những đóng góp mang tính khai mở của ông đối
với nền văn học và nền báo chí nước nhà ở nửa đầu thế kỷ XX.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoài Anh (2001), Chân dung văn học. Nxb. Hội Nhà văn, Hà
Nội.
2. Trần Hoài Anh (2009), Lý luận – Phê bình văn học ở miền
Nam 1954-1975, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
3. Bằng Giang (1974), Mảnh vụn văn học sử. Chân Lưu xuất bản,
Sài Gòn.
4. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam.
Nxb.Trình Bày, Sài Gòn.
5. Mã Giang Lân (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt
Nam 1900-1945, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
6. Nhiều tác giả (2005), Từ điển văn học (bộ mới), Nxb
Thế giới, Hà Nội.
7. Phạm Thế Ngũ (1965), Việt Nam văn học sử giản ước tân
biên. Quốc học Tùng thư xuất bản, Sài Gòn.
8. Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại, Tập 1, 2. Tái bản.
Nxb. Văn học, Hà Nội.
9. Kiều Thanh Quế (2009), Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam,
tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng biên soạn).
Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.
10. Nguyễn Q. Thắng, (2005), Văn học Việt Nam nơi miền đất mới,
Tập 2. Nxb.Văn học, Hà Nội.
11. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Phê bình văn học Việt Nam
1900-1945. Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
12. Nguyễn Vỹ, (2007), Văn thi sĩ tiền chiến. Tái bản.
Nxb.Văn học, Hà Nội.
Chú thích:
[1] Nhóm giáo sư Quốc Văn, Quốc
Văn lớp 12 ABCD, Trường Thi xuất bản, Sài Gòn,1974, tr. 241.
[2] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Nxb. Thanh Niên, Hà Nội, 2009, tr. 175.
[3] Nguyễn Vỹ, “Văn Thi sĩ tiền chiến”,
Chương III- “Các Nhà Báo”. Tạp chí Phổ thông, số 42/1960, tr. 39.
[4] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn
học sử giản ước tân biên tập 3 văn học hiện đại 1862 -1945; Quốc
Học Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1965, tr. 90.
[5] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn
học sử giản ước tân biên, Tập 3- Văn học hiện đại 1862 -1945, Quốc Học
Tùng Thư xuất bản, Sài Gòn, 1965, tr. tr.89.
[6] Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học
Việt Nam, Quyển hạ - Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945). Nxb.
Trình Bày, Sài Gòn, 1967, tr. 198.
[7] Phan Cự Đệ (Chủ biên), Văn
học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.16, 17.
[8] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.175.
[9] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.175.
[10] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.176.
[11] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.176.
[12] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr. 177.
[13] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr. 178.
[14] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.179.
[15] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến
hóa văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh
Hùng biên soạn). Sđd, tr.179.
[16] Nguyễn Huệ Chi, (2004), Từ điển
Văn học bộ mới, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, tr.749
[17] Phạm Văn Đồng, Văn hóa và
đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 31
[18] Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến hóa
văn học Việt Nam, tuyển tập khảo cứu phê bình, (Nguyễn Hữu Sơn, Phan Mạnh Hùng
biên soạn), Nxb. Thanh Niên, 2009, tr. 7.
Gò Vấp, 16/9/2019
Trần Hoài Anh
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét