Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Nguyễn Trác: Thiếu nhi - Độc giả đáng yêu nhất, nhưng cũng khó tính nhất

Nguyễn Trác: Thiếu nhi - Độc giả
đáng yêu nhất, nhưng cũng khó tính nhất

Nhà thơ Nguyễn Trác viết thành công ở cả mảng thơ người lớn và thơ thiếu nhi. Ở thơ thiếu nhi, ông gây ấn tượng với tập Khu vườn tuổi thơ, trong ấy có bài Những đám mây sẽ kể được đưa vào Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.
Các em nhỏ sẽ tiếp cận một tác phẩm đã quen thuộc qua một hình thức nguyên bản- bằng văn bản. Nói vậy là vì bài thơ này đã được phổ nhạc, nên hầu hết các em sẽ được nghe bài hát trước khi học bài thơ.
Nhà thơ Nguyễn Trác ở Hà Nội
Đám mây trôi muôn phương
Bài thơ Những đám mây sẽ kể được nhà thơ viết năm 1980 cho con trai mình, khi ấy vừa tròn 5 tuổi. Tác phẩm này được in lần đầu trong tập thơ Mái nhà dưới bóng cây (in chung với các tác giả khác) do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 1983. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên, tập thơ này đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và của Trung ương đoàn. Vào năm 2012, bài thơ này một lần nữa được đưa vào tập thơ thiếu nhi Khu vườn tuổi thơ, tập thơ riêng của ông.
Hơn 40 năm, nhà thơ Nguyễn Trác vẫn nhớ rõ những ngày sau Tết năm 1980, ông cặm cụi ghi lại cảm xúc để bật ra những câu thơ hiền hòa. Đó là thời gian gia đình ông sống ở Đà Nẵng. Mây trời, biển cả, sông núi… nơi đây đã làm cảm xúc trong ông ngập tràn. Ông quan niệm thơ viết cho thiếu nhi và thơ viết về thiếu nhi là khác nhau. Dùvậy,có thể xếp Những đám mây sẽ kể là bài thơ vừa “cho thiếu nhi”, vừa “về thiếu nhi”.
Bài thơ gồm 4 khổ, mọi vật trong đó đều “trôi chảy”. Vì thế, bài thơ không chỉ có cảnh vật sinh động, mà còn mở ra trước mắt độc giả những không gian rộng lớn, sôi nổi: “Những đám mây sẽ kể/ Về trăm vùng mây qua/ Nơi nào mây mưa xuống/ Cho đất đai hiền hòa// Những dòng sông sẽ kể/ Về những hạt phù sa…“.
Một bài thơ nhỏ nhắn, nhưng chứa đựng một năng lượng lớn, đọc như được hít thở một bầu không khí trong lành. Không có thứ gì đứng yên, tất cả đều chuyển động và bất cứ thứ gì được sinh ra trên đời đều có đóng góp riêng của mình vào cuộc sống, từ dòng sông, biển cả cho đến trẻ thơ…
Năm 1993, nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng đọc được bài thơ này trên báo. Ông thích ngay, sau đó liên lạc với Nguyễn Trác để xin phổ nhạc. Lập tức, bài hát được gây được cảm tình với cả khán giả người lớn và trẻ em. Từ đây, bài thơ của Nguyễn Trác càng được biết rộng rãi hơn.
Nếu bài thơ được đánh giá là một trong những sáng tác hay của nhà thơ Nguyễn Trác, bài hát cũng trở thành một ca khúc quan trọng của nhạc sĩ Đỗ Trí Dũng, đều được nhắc đến khi cần liệt kê.
Bài thơ này cũng đã được đưa vào chương trình dạy tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại nước ngoài. Một lần nữa, bài thơ lại tiếp tục như một áng mây trôi khắp muôn phương để đến với những tâm hồn Việt.
Thông điệp thơ sẽ tự bật lên
Nguyễn Trác viết cho độc giả ở nhiều độ tuổi, nhưng viết cho thiếu nhi vẫn là niềm hạnh phúc nhất của ông. Sở dĩ vậy, vì mỗi khi viết, ông phải nghĩ tới những điều vui và ngộ nghĩnh, “nhưng tính tôi ở ngoài thì không được vui như thơ thiếu nhi”, nhà thơ tự nhận.
Ví dụ như bài Chú sên chậm chạp: “Một chú sên chậm chạp/ Đi trẩy hội mùa Xuân/ Vừa đi sên vừa ăn/ Dáng đủng đa đủng đỉnh/ Cô gió sớm đi qua/ Cưỡi một con ngựa xám:/ Đi trẩy hội, sên ơi/ Lo chi, còn kịp chán”.
“Thiếu nhi là độc giả đáng yêu nhất, nhưng cũng khó tính nhất. Tôi làm thơ thiếu nhi từ năm 20 tuổi, nên rất hiểu các bé, thích thì nói thích, không nói không, chứ có bao giờ nói để vui lòng người lớn đâu” – Nguyễn Trác bộc bạch.
Bìa tập thơ “Khu vườn tuổi thơ” của Nguyễn Trác
Với thơ nói chung và thơ thiếu nhi nói riêng, ông nói rằng mình không bao giờ cố tình dạy dỗ độc giả điều gì. Cứ viết một cách hồn nhiên, nếu bài thơ hay thì tự thân nó sẽ bật lên những thông điệp, độc giả cũng sẽ đón nhận một cách tự nhiên nhất. “Muốn viết cho thiếu nhi thì cứ chơi với chúng, yêu chúng và hòa nhập vào thì sẽ có cảm xúc, chứ nếu cứ thích viết để giáo huấn chúng thì sẽ không còn là thơ nữa” – ông chia sẻ.
Ông sáng tác cho thiếu nhi nhiều nhất vào giai đoạn 20 – 40 tuổi, khi ông còn trẻ và con ông còn nhỏ. Khi ấy, cảm xúc dành cho con tràn đầy nên ông làm thơ thiếu nhi rất nhanh, bây giờ thì viết khó hơn.
Nguyễn Trác cũng nói rằng khi viết thơ thiếu nhi thì ông có ảnh hưởng thơ của thi hào Tagore, đặc biệt là tập Trăng non. Độc giả có thể gặp điều này khi so bài Họa sĩ của Nguyễn Trác với bài Mây và sóng của Tagore.
Cuộc đời di chuyển
Nguyễn Trác sinh năm 1946 tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, nhưng lớn lên tại Hà Nội. Hơn 25 năm sau đó chiến đấu, lập gia đình, sốngvà làm việc tại tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Hơn 50 tuổi, gia đình ông mới chuyển về Hà Nội, sống cho đến nay.
Ông đã xuất bản 11 tập thơ, trong đó có thể kể đến những tập như Thành phố những ngôi sao biển, Khu vườn tuổi thơ, Gió vẫn trên đường… Ông còn viết bút ký, chân dung nhà văn và vài thể loại khác. Các tác phẩm của ông đã được một số giải thưởng, tặng thưởng về thơ và văn xuôi.
Viết trên nền tảng dân tộc
Ngoài Tagore, Nguyễn Trác nói rằng ông còn bị ảnh hưởng bởi Chế Lan Viên. Đây là nhà thơ trong nước mà ông ngưỡng mộ nhất. Ông có nhiều dịp gặp gỡ Chế Lan Viên trong giai đoạn học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, nên không chỉ ảnh hưởng thơ, mà còn cả cách đọc và quan điểm sáng tác.
Theo ông, Chế Lan Viên là nhà thơ thông minh, có tài, đọc sách rất nhiều và viết thơ rất hiện đại. Ảnh hưởng, nhưng không là bản sao, Nguyễn Trác luôn tự nhủ tiếng thơ phải bắt nguồn từ cảm xúc thật thà của mình và phong cách từ đó được định hình rất chân thật. Ông nói: “Nếu bạn là hoa hồng thì hãy thật sự là hoa hồng, bạn là cỏ thì hãy thật sự là cỏ. Cái nào cũng có vẻ đẹp riêng của mình, vì vậy đừng lẫn lộn”.
Nguyễn Trác khi ở Đà Nẵng và khi ở Hà Nội là hai hình ảnh khác nhau, điều đó là dĩ nhiên, vì môi trường sống và tuổi đời đều khác nhau. Ngoài 50, về sống ở Hà Nội, thơ Nguyễn Trác mang nhiều suy tư hơn: “Tất cả rồi gió sẽ cuốn đi/ Trong tử sinh khắc nghiệt/ Thơ ít kẻ đọc hơn/  thơ Chế, thơ Hàn“, hoặc: “Những người trẻ hôm nay thích nhìn ngang/ Nhà thơ già ưu tư nhìn dọc”.
Như một như cầu tự thân của những người chơi với chữ nghĩa, đôi khi Nguyễn Trác muốn đổi mới, nhưng mọi sự đổi mới của ông là ở tư duy,chứ không phải là kiểu dùng chữ nghĩa. Thơ ông cũng như cách sống của ông, quan sát mọi thứ, nhưng bình thản, chứ không bị cuốn vào. Vì vậy, dù có đổi mới thì Nguyễn Trác vẫn neo mình vào nền tảng của dân tộc và kiểu “tiếng Việt êm ái, nhiều thanh âm” – từ của ông dùng.
Nguyễn Trác vốn là sinh viên cao đẳng sư phạm, ra trường dạy toán cấp 2. Năm 1972, Bộ Giáo dục rút ông đi chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng (Quân khu 5), sau đó công tác tại Hội Văn nghệ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng tới tuổi 50.
Vì những đưa đẩy của cuộc đời nên ông tin mỗi người có một số phận riêng và số phận của ông là gắn bó với văn chương. Trước đó, làm sao ông ngờ rằng mình rời bục giảng, vào chiến trường, rồi trở thành một nhà thơ, thành Tổng biên tập tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam…
Tuy khởi đầu là một giáo viên dạy toán, nhưng từ nhỏ tâm hồn văn thơ của Nguyễn Trác đã được gieo mầm từ người bố rất yêu thơ. Ngày nhỏ, ông thường xuyên nghe bố đọc thơ. Vậy nên, khi còn đi học, dù là sinh viên chương trình toán – lý, nhưng ông cứ mải miết vào thư viện tìm đọc các tác phẩm văn chương, cả trong nước lẫn nước ngoài. Bầu không khí văn chương ấy đã đem đến nhiều cảm xúc, kích thích chàng thanh niên Nguyễn Trác cầm bút làm thơ.
Hiện nay, vì tuổi tác, nên Nguyễn Trác ít làm thơ, ông sống an nhàn với gia đình và vườn tược, nhưng khi cảm xúc đến thì không bỏ lỡ, đôi khi để bắt kịp phải xé vội tờ giấy để viết. Các bài thơ mới nhất của ông vẫn đăng trên các tạp chí có chuyên trang thơ.
1/6/2023
Lâm Hạnh
Nguồn: TTVH 
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...