Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời chưa hết mùi hương

Trịnh Bửu Hoài, nhặt suốt đời
chưa hết mùi hương

Trịnh Bửu Hoài đã mang trọn hành trang thơ như một người giữ vườn nhặt suốt đời chưa hết mùi hương…
Sau Tết Mậu Thân năm 1968, những đột biến của đất nước tiếp diễn ngày càng khốc liệt, tôi đằng đẵng trú ngụ tại Sài Gòn xem ra cũng non 4 năm tiếp bước sách đèn. Khác với những năm đầu khép mình nuôi mộng thư sinh, chuyện thành đạt trên bước đường lều chõng, vốn là một hướng tối ưu của kẻ sĩ. Tôi có gắng thu mình hòa mình vào nét sống phồn hoa, dù dặn lòng không rơi chân vào cám dỗ phù du, nhưng cũng hoá thân phong vũ cho trọn vẹn từng giai đoạn sống nhân sinh. Cái say mê văn nghệ cũng giúp tôi trang trải hồn xanh, trong những ngày tháng xa quê quạnh quẽ.
Mỗi lần, có dịp rong xe ngang đường Petrus Ký (nay là đường Lê Hồng Phong), bến xe lục tỉnh nằm trải dài yên vị trên khoảng đường dài hai cây số, là mỗi lần tôi không kiềm chế được nỗi nhớ nhà, nhớ núi, nôn nao kỳ lạ trong tâm hồn. Về thôi, tôi không thể cưỡng lại nỗi thôi thúc không rời, bắt buộc phải quầy quã thường xuyên trở lại nơi chôn rau cắt rốn, gần như mỗi nguyệt kỳ là một lần xuyên suốt bay về, với 300 km đường chim. Để thăm lại ngôi nhà phủ ấm suốt quãng đời ấu thơ, để nhìn lại những giọt mồ hôi tần tảo của song thân, suốt ngày quần quật trên cuộc sống, và để rong ruổi cùng bạn bè tỉnh lẻ, lướt thướt đi dưới trận mưa bay, mà uống café lý sự.
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (1952 – 2022)
Có bao giờ định mệnh trao cho một người một ước hẹn trước, để xuyên suốt chọn lựa cuộc hành trình. Nhưng ở không gian nghệ thuật, hình như có một điều kỳ bí, ngẫm nghĩ gần giống là tiền định. Cuối đông năm 1968, trong trí nhớ tôi, đêm Noel với cái lạnh rét lạnh khác lạ hơn mọi năm, phủ chụp xuống mọi ngã đường phố núi Thất Sơn. Đêm thì đen, trời giá rét, tôi cũng từ Sài Gòn hòn ngọc viễn đông, lướt thướt như con chim trốn tuyết, lặng lẽ hay về thăm lại tổ xưa. Hành trang vội vứt góc nhà, tôi khoát áo blouson trắng tạt ngang nhà Lưu Nhữ Thụy, đường Phan Văn Vàng chỉ cách tư gia kế cạnh Bồ Đề Đạo Tràng, khoảng hơn 500m.
Đèn đường thì ngọn lu ngọn tỏ, gió run rẩy chạy dài, người nôn nao gặp gỡ, chờ đón 1 cái vỗ vai của phút giây hội ngộ vui buồn. Lưu Như Thụy ngồi bên bàn giấy, đang trò chuyện với hai khách lạ, sự thân mật khiến tôi hiểu ngay là những người bạn thân tình, tri diện tri tâm. Thụy giới thiệu anh chàng cao lỏng khỏng, mắt sáng như sao băng, da bách ích là Đinh Phan Văn Phương, và là một thư sinh có vẻ ít nói, hiền hậu trắng trẻo là nhà thơ Trịnh Bửu Hoài. Tôi đoán chừng, một chàng suýt soát khoảng 20 tuổi và nhà thơ nhỏ nhắn chắc cũng vừa 16 tuổi học trò. Bâng quơ vài chuyện xã giao, tôi và Lưu Nhữ Thụy hẹn hò, sáng mai mời anh em có mặt, một chầu điểm tâm và café văn nghệ.
Bước ra thư trang của Lưu Nhữ Thụy, tôi dự định chào đêm sương mù Giáng Sinh, bằng một chầu bác phố cô đơn, mà tôi thường thích thú trầm ngâm độc lộ độc hành như sở thích. Chàng thư sinh nhà thơ cũng bước lẹ, sau lưng, ngỏ ý cùng tôi đàm đạo làm quen tại một trà quán ven sông. Sự đam mê văn nghệ của tuổi trẻ, có khác gì những giây phút cuồng điên thơ thẩn của ta đâu. Tôi nhìn Trịnh Bửu Hoài, bằng một sự cảm thông vô bờ bến, mà chiếc áo trắng tinh khôi của nhà thơ còn mang đậm phù hiệu của học trò, hồn hậu và chân thành. Bỗng nhiên, tôi khoác vội vai chàng trai, xem như một người em nhỏ đang đồng hành với từng bước tôi đi.
Hơn 2 tiếng vắng lặng trước dòng nhạc Trịnh Công Sơn ru nhẹ qua giọng hát liêu trai của Khánh Ly, Trịnh Bửu Hoài bày tỏ muốn tham gia vào dự tính tập hợp bằng hữu văn nghệ ra mắt tờ tạp chí Khai Phá, dựng luồng sinh khí nghệ thuật mới sắp tới. Chuyện tờ tạp chí, có lẽ thổ lộ lúc đàm luận với Lưu Nhữ Thụy, nhưng với Trịnh Bửu Hoài áo trắng còn nguyên khai, tôi chưa rõ sức vóc thơ văn của chàng ra sao, nên chỉ mỉm cười chưa bàn luận, Lúc nầy, dù tờ báo chưa chính thức ra mắt, nhưng thật ra bài vở, chủ đề suốt 3 số đầu tiên đã có sẵn trong hộc tủ, với thành phần anh em hùng hậu nổi tiếng hiện thời.
Trước nhiệt tình tha thiết với lý tưởng nghệ thuật, tôi hiểu Trịnh Bửu Hoài rất thực tâm và cương quyết bước tới. Thành quả sẽ đột biến hay tiệm tiến theo thời gian, nhưng ý chí và hy sinh mới chính là yếu tố vươn cánh bay vào không gian cao rộng. Nghĩ vậy, tôi hẹn sẽ bàn luận với Trịnh Bửu Hoài dài hạn sau nầy, nhưng trước mắt có buổi điểm tâm giao kết tại thư trang Lưu Nhữ Thụy, tôi muốn được Hoài cho đọc một số thơ sáng tác. Chắc chỉ chờ có vậy, chàng trai trẻ thi ca mới chịu bước vội ra về, sau cái chào nhiệt tình thanh thản. Hỏi ra, chàng phải cắm cuối đạp xe về một đoạn đường dài từ Châu Đốc về Kinh Đào hằng bao nhiêu cây số, dưới khoảng trời nửa đêm Giáng Sinh đầy tinh tú, đâu đây vang vọng bài thánh ca chào đón thánh nhân ra đời.
Suốt một đoạn đường dài gần 300 cây số, lại đằng đẵng suốt đêm với anh em, nên buổi sáng tinh sương đầu tiên trên phố núi không cho tôi cái diễm phúc được nhìn bóng núi mờ ảo, như dự tính lúc quy cố hương. Gần 9 giờ sáng, tôi mới choàng dậy, hoảng hốt vì cái hẹn chợt nhớ lảng vãng trong đầu. Vội vã xin lỗi Lưu Nhữ Thụy và Trịnh Bửu Hoài đang ngồi chờ trước tệ xá, chúng tôi cùng rảo bước đi tìm một ngày mới. Giọt café đắng hoà quyện cùng cùng khói hương thuốc Bastos của Lưu Nhữ Thụy, khiến tôi và Trịnh Bửu Hoài xoay mắt vào nhau. Hoài vội chuyền tay cho tôi, vài bài thơ chép tay trên những trang giấy Pelure mới tinh khôi, với một sự cẩn trọng tế nhị. Chữ viết của Trịnh Bửu Hoài khá đẹp và lãng mạn, khiến tôi cảm tình ngay với một ý thức tin tưởng tuyệt diệu. Xấp thơ, phần đông là những bài tự do, chỉ duy lẻ loi một bài lục bát.
Càng đọc, thơ của chàng trai 16 tuổi, khiến tôi càng ngạc nhiên và thích thú kỳ lạ. Thơ thật hay, và Trịnh Bửu Hoài tỏ ra nhiều sáng tạo, thừa công lực kêu mây gọi gió, nắm bắt kỹ thuật như một nghệ sĩ xiếc, tinh tế từng chi tiết trên chiếc đu bay ngôn ngữ. Lúc đó, cũng như bao anh em làm thơ khác, hiện trạng đất nước còn quá nhiều loạn lạc chiến tranh, nên thơ Trịnh Bửu Hoài cũng bay nhảy tất nhiên, trên ý thức xót xa quê hương và chủng tộc. Trịnh Bửu Hoài bày tỏ thích thú với thể loại thơ tự do như một cuộc phiêu lưu thi vị của tuổi trẻ. Thời đó thơ Tự do như một biểu hiệu thơ vua với những thi nhân muốn làm mới thơ, muốn sáng hoá một loại văn hoá văn nghệ thời thượng. Trịnh Bửu Hoài sử dụng nhiều bút danh trong quá trình sáng tác thơ từ năm 12 tuổi, nhưng đến ngày nầy, chàng bày tỏ bút hiệu Trịnh Bửu Hoài là một thực danh duy nhất, định hình một hồn thơ trong suốt 40 năm nghiệp dĩ. Lòng tin của tôi, đã được khẳng định vững chắc, trước một tài hoa đang dần dần hiện rõ, như hoa phải nở và trăng phải soi.
Tờ tạp chí Khai Phá được xấp xếp hoàn thành, sau nhiều lần bàn luận và định hình một ban chủ biên, trong đó có Trịnh Bửu Hoài tài không đợi tuổi, và là một chàng trai trẻ nhất trong đám kỵ binh. Sự say mê văn nghệ, khiến chàng sáng tác hăng say, góp mặt thấu hết trên các tạp chí trang tân hay các tạp chí tỉnh lẻ. Tuổi tác không là trở ngại, nên ngọn bút Trịnh Bửu Hoài loang loáng ẩn hiện trên khắp nẻo đường vừa bước vội qua. Sau khi rời Trường trung học Thủ Khoa Nghĩa, Hoài theo học ở một trường đạo Hoà Bình một thời gian ngắn lại vội vả xuyên lướt về trường Phụng Sự, Long Xuyên như là nhà thơ muốn bước qua các tư tưởng, như một tò mò phiêu du lý thú. Những lúc có dịp, tôi ghé thăm Trịnh Bửu Hoài lúc ở trọ Long Xuyên, với nhà thơ Đoàn Công Án, Đoàn Công Án như một trí thức nông dân, hay có xu hướng thích thú thiền học với hướng đi là áo lam đạm bạc, bất chấp thế sự. Sự nhẹ nhàng, cư xử bao nhiêu chân tình văn nghệ, khiến Trịnh Bửu Hoài quy tông sâu lắng hơn trong thi ca.
Thơ Hoài, có những chuyển hướng ngoạn mục, nhất là ở môi trường mới giúp Trịnh Bửu Hoài giao tiếp sâu rộng với nhiều bằng hữu nổi tiếng chung quanh. Đó là giai đoạn đỉnh cao cho một dòng thơ định hình, là lúc Trịnh Bửu Hoài thấy rõ phải đi đến quyết định đình bản tờ tạp chí Khuynh Hướng, đã gây cho nhà thơ mất quá nhiều công sức và thời gian lo toan cho tờ báo. Nói rõ hơn, sự say mê điên cuồng, khiến có lúc người ta ôm đồm thế sự, không cân nhắc được hiệu quả và sự việc. Tờ Khuynh Hướng do Trịnh Bửu Hoài chủ trương ra được hai số, thì phải chọn lựa một trong hai, làm báo hay chỉ sáng tác. Rảnh tay, nhà thơ hoàn thành được nhiều tác phẩm, có tầm vóc khá đồ sộ. Trong đó, những năm trước 1975, Trịnh Bửu Hoài giao cho NXB Khai Phá in hai tập thơ thật bề thế: Thơ tình Trịnh Bửu Hoài và Người hành hương tình yêu. Giai đoạn thật thi vị, khi đó hai tập thơ khá nổi tiếng, khiến các đồ lưu niệm khắc trên gỗ, đều trích dẫn vài câu thơ tình của Trịnh Bửu Hoài, từ miền Tây sông nước, đến tận xứ sở sương mù Đà Lạt bày bán nhan nhản, làm tôi ngạc nhiên một cách kỳ thú. Chính nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên khi về Sài Gòn thăm tôi, cũng đưa tôi xem một bản gỗ hình Ovale kích thước khoảng 30cm x 10cm có khắc hai câu thơ: Trời sinh ra để nhớ để thương – Em không nhớ là đời em phạm lỗi. Thật kỳ diệu cho sức hút của Thơ, nhất là thơ tình lãng mạn với những tài hoa tuyệt tác của thi nhân.
Thơ Trịnh Bửu Hoài đi vào lòng người một cách say sưa, dấu ấn có lẽ hằn sâu trong tâm khảm người yêu thơ, có một thời để nhớ để thương, nên thơ Trịnh Bửu Hoài đáp ứng cho những cánh chim bay mỏi mê, muốn tìm về sự an bình trong đôi cánh tình yêu tổ ấm. Vẫn làm thơ như ngày nào, Trịnh Bửu Hoài bộc bạch chỉ thích là nhà thơ hơn, dù khi anh chuyển hướng tạo một sự ào ạt xuất bản hằng mấy chục tác phẩm truyện dài, ăn khách kỳ lạ. Vẫn là tình yêu, nhưng Trịnh Bửu Hoài bày tỏ bằng ngôn ngữ văn, khiến thị trường văn chương một phen xông xáo chào đón từng tập truyện của anh như một trận mưa rào thấm đất. Anh trả lời sự thành công nầy, có lẽ do sự trăn trở lớn nhất trong lĩnh vực tình cảm của tuổi trẻ hiện nay, là sự cao thượng, lòng chung thuỷ, nên có sự đồng cảm với những nhân vật gần gũi với khát vọng của mình. Dù chuyện tình ấy cũng mang ít nhiều tính bi đát cổ điển, nhưng có tính tích cực để các nhân vật tìm ra lối thoát, là bản lãnh, là cái đẹp, cái thiện, là vị tha để chiến thắng sự yếu hèn, cái xấu, cái ác, ích kỷ, dù có khi họ cũng bị nhấn chìm giữa bi kịch và định mệnh.
Khi được hỏi, thi ca đóng vai trò gì trong sự nghiệp sáng tác cũng như trong đời sống, Trịnh Bửu Hoài thẳng thắn bày tỏ, làm thơ bằng cảm xúc, nên trước hết thơ là của riêng anh và của những ai có sự gặp gỡ với nỗi niềm nhà thơ. Mỗi người làm thơ đều cô độc riêng mình, không thể làm thơ bằng trái tim tập thể để cầu mong có một số lượng đọc giả là mọi người. Thơ đã ở cạnh anh bao nhiêu ngày tháng cuộc đời, giúp hạnh phúc hơn hạnh phúc mình đạt được, nên cuối đời mình vẫn ước mong là người làm thơ.
Quả thật vậy, đằng đẵng một thời gian ở thập niên cuối của thế kỷ trước, Trịnh Bửu Hoài ào ạt ra mắt khá nhiều tiểu thuyết, và được chào đón như một hiện tượng khiến có người bức xúc, hỏi anh thơ bạc bẽo hay anh bạc bẽo, mà thời gian gần đây anh xoay qua in tiểu thuyết?. Người hỏi dù khắc nghiệt, nhưng đó cũng là một tấm lòng ray rứt, một sự tin yêu dành cho nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, mà chính bản thân tôi có lúc cũng thầm tiếc hối, nếu Hoài lạc lối mê cung khi rẽ qua hướng đi của một trận đồ phiêu lưu khác. Không ai bạc bẽo ai cả, Trịnh Bửu Hoài khẳng định một tính cách nghiêm túc, vì đến hôm nay anh vẫn làm thơ, vì không phải không có thể, nhưng không có chỗ nào chịu xuất bản. Thơ gắn bó với anh từ ngày cầm bút, và có lẽ đến cuối đời, thơ vẫn là người bạn đồng hành với anh.
Cuối năm 2006, NXB Đồng Nai, in tập thơ Trịnh Bửu Hoài dày gần 200 trang, là tập tuyển thơ suốt quá trình một đời sáng tác, dù với gia sản mấy nghìn bài thơ chỉ lựa chọn chưa tới 100 bài, nhưng cũng minh chứng điều mơ ước là thi nhân của anh là chân thật và cảm động. Trịnh Bửu Hoài đã mang trọn hành trang thơ như một người giữ vườn nhặt suốt đời chưa hết mùi hương.
13/12/2022
Ngô Nguyên Nghiễm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...