Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Ẩn dụ: từ tương đồng đến ánh xạ

Ẩn dụ: từ tương đồng đến ánh xạ

Trước nay, ẩn dụ được xem là đặc trưng của ngôn ngữ văn chương, phép tu từ dựa vào sự tương đồng và sự so sánh ngầm. Khoa học trí tuệ nhân tạo phát hiện ẩn dụ là thao tác của tư duy và chúng có mặt trong tất cả mọi loại hình giao tiếp, thông qua miền Nguồn cụ thể bằng phép ánh xạ mà người ta hiểu miền Đích trừu tượng…
Hầu như không cần bàn cãi, nói tới ẩn dụ là đề cập đến cách diễn đạt bóng bẩy, dựa vào sự tương đồng của đối tượng được đề cập, người ta mượn cái này để nói cái kia và đó là đặc trưng của ngôn ngữ văn chương. Ẩn dụ là giấc mơ viễn du của văn chương.
Có thể phân xuất chúng thành ẩn dụ từ vựng và ẩn dụ tu từ.
Ẩn dụ từ vựng là kiểu cấu tạo từ dựa vào một số đặc điểm giống nhau để định danh như dựa tính chất nhô ra giữa mặt người, hay mặt động vật có xương sống của cái mũi, để gọi mũi dao, mũi kéo, mũi kim, mũi tàu…, mũi quân, mũi tiến công, mũi Cà Mau, Mũi Né. Hay dựa vào đặc điểm của chân người để định danh chân núi, chân cầu, chân bàn ghế, chân nhang, chân cầu thang… Đây là những ẩn dụ chết vì không có sức sản sinh, cấu tạo rất ổn định và thường người bản ngữ không nhận ra tính chất ẩn dụ của nó. Điều thú vị là, các nhà tri nhận luận phát hiện rằng, trong tất cả các ngôn ngữ đều có phương thức dùng những hiểu biết của cơ thể con người từ các bộ phận bên ngoài cũng như bên trong( nội tạng) từ hình dáng, màu sắc, hoạt động, trạng thái, tính chất đến cả tư thế ngồi, nằm đi, đứng… để nhận thức thế giới. Người ta dùng cả hệ lý thuyết nghiệm thân (embodiment theory) để phân tích và lý giải điều nầy.
Còn ẩn dụ tu từ thường gắn với ngữ cảnh, có tính sáng tạo, là ngôn ngữ đa nghĩa và giàu hình tượng, là một kiểu so sánh ngầm, so sánh mà không có yếu tố so sánh. Các ngữ đoạn cá cắn câu, chim vào lồng trong câu ca dao sau: Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra là ẩn dụ tu từ. Trong khi, em có chồng như chim vào lồng, như cá cắn câu hiển nhiên là so sánh.
Một quan niệm như thế tồn tại trên hai nghìn năm. Cho dù lịch sử ẩn dụ có khi được đề cao trong nghệ thuật hùng biện, trong thi pháp, chúng là ngôn ngữ của giới quí tộc như xác tín của Aristote, có khi bị rẻ rúng coi khinh, là “đám ma trơi”, chính ngôn ngữ hình ảnh làm cho sai lạc suy nghĩ như nhận xét của T. Hobbes và J. Locke, hoặc có tính chất dung hoà, ẩn dụ chỉ tồn tại trong môi trường đa nghĩa văn chương chứ không có đất sống trong ngôn ngữ khoa học, bởi diễn đạt của khoa học được xây dựng trên logic ngôn từ, đơn nghĩa và khách quan như triết gia I. Kant chủ trương.
Năm 1980, cuốn sách Ẩn dụ mà chúng ta sống (Metaphors we live by) của G. Lakoff và M. Johnson ra đời gây chấn động không chỉ trong giới ngôn ngữ học. Được gợi ý từ ngôn ngữ máy tính, từ khoa học trí tuệ nhân tạo, từ kỹ thuật dịch tự động (dịch máy), hai tác giả trình bày rất thuyết phục về ẩn dụ. Ẩn dụ là ngôn ngữ thường ngày, gắn liền với hoạt động trí tuệ của con người, ẩn dụ xuất hiện trong mọi lĩnh vực trong đời sống, từ thần kinh học, luật pháp, kinh tế, âm nhạc đến toán học, vật lý học. Trong đó đáng chú ý là luận điểm: ẩn dụ là cách ý niệm hoá, giúp  chúng ta hiểu ý sự vật hiện tượng này này thông qua sự vật hiện tượng khác. Và bao trùm lên tất cả là ẩn dụ được xây dựng trên một phép ánh xạ thông qua những trải nghiệm hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp của con người, gọi là ẩn dụ ý niệm. Cần thấy, hai tác giả trên là đồ đệ của Noam Chomsky, ông tổ của ngôn ngữ học tạo sinh, người có công rất lớn trong việc xác lập bản chất tư duy của con người, thông qua cặp thuật ngữ đối lập: cấu trúc nổi và cấu trúc chìm. Trong đó, tính chất modul của nhận thức con người và hoạt động của máy tính được khai thác tối đa. Trên cơ sở, một mặt kế thừa thành tựu của Ngôn ngữ học tạo sinh, mặt khác phê phán triệt để những hạn chế của trường phái này, G. Lakoff và M. Johnson, cùng với những học giả khác tạo nên  ngành Ngôn ngữ học tri nhận. Lý thuyết của hệ phái này khá mới mẻ, được vận dụng nghiên cứu trong nhiều ngành học, khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, trong đó có việc phân tích diễn ngôn văn chương. Ở đây, bài viết chỉ giới hạn trong phạm vi ẩn dụ ý niệm.
Theo cách biện giải này, ẩn dụ ý niệm là một thao tác của tư duy, thông qua miền ý niệm NGUỒN, thường có những đặc điểm như cụ thể, vật chất, hữu hình, dễ hình dung, được trải nghiệm nhiều hơn, bằng phép ánh xạ, con người có thể nhận hiểu miền ý niệm ĐÍCH, thường có những đặc điểm đối nghịch như trừu tượng, phi vật chất, vô hình, khó hình dung, ít được trải nghiệm. Chẳng hạn, ta có ẩn dụ THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC thì tiền bạc là ý niệm nguồn, thời gian là ý niệm đích. Có thể thấy trong tiếng Việt hiện đại có rất nhiều ngữ liệu minh chứng cho điều này: Quỹ thời gian của tôi không còn nhiều, Đừng lãng phí thời gian, Bận quá không có thời gian đi siêu thị, Giết thời gian trong mấy ván cờ, Tiết kiệm được khối giờ, Tiêu mất cả ngày trời mới hoàn thành được báo cáo, Cảm ơn anh đã dành thời gian tiếp tôi, Cô ấy mất rất nhiều thời gian cho làm đẹp, Dành thời gian để tập thể dục, Thời gian trận đấu cạn dần, Ông ấy không còn đủ thời gian, Đại gia đầu tư nhiều thời gian cho cho giới chân dài, Lập thời gian biểu cho dự án, Để dành thời gian, Tiêu tốn thời gian vô ích… Rõ ràng, cứ theo cách hình dung trên thì thời gian là tiền bạc, là hàng hoá, gắn liền với công việc. Thậm chí trong xã hội hiện đại, thời gian công việc được tính chính xác đến từng giây, một công trình đúng tiến độ, chậm / nhanh đều gắn liền với giá trị kinh tế, rồi thời gian phục vụ, giờ ở khách sạn; việc trả lương theo giờ, theo tuần, theo tháng, theo quí, theo năm… Như vậy, chúng ta nhận thức và trải nghiệm thời gian như đồ vật, như tiền bạc nên mới có thể chi tiêu, để dành, phung phí, tiết kiệm, lập quỹ, lập kế hoạch… đó là cách chúng ta ý niệm hoá thời gian. Ta tiếp tục phân tích ẩn dụ ý niệm sau : TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH. Theo đó, thông qua những hiểu biết  miền nguồn là cuộc hành trình, chúng ta dễ nhận hiểu miền đích tình yêu. Chẳng hạn, Anh ơi, đừng đi quá xa, hãy để dành cho đêm tân hôn, Cảm em  đã đồng hành cùng anh, Thương nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội… Nhiều mối quá, anh chàng đang đứng giữa ngã ba đường, Anh với em, đường ai nấy đi, Tuy con đường phía trước còn gập ghềnh, chông gai, nhưng dù sao quãng đường đã qua của chúng mình rất đẹp, Tình yêu của họ đi vào ngõ cụt, tình cảm của hai đứa chẳng đi đến đâu…
Có thể bạn sẽ nghĩ, lập thức về thời gian là theo tư duy công nghiệp của phương Tây. Còn do tình yêu là vấn đề muôn thuở, nên ngôn ngữ nào chả thế. Bạn nhận xét hoàn toàn chính xác, bởi tư duy nhân loại có tính phổ quát. Nhưng ẩn dụ ý niệm không phải là không có đặc thù. Bạn có bao giờ để ý đến vai trò của sông nước trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt không? Đi trên bờ mà vẫn dùng lặn lội( lặn lội đến thăm nhau), lặn khỏi cơ quan, lặn mất tăm khỏi lớp học, đi trên bờ mà vẫn xin quá giang (qua sông), trên bờ mà vẫn dùng bến, bến xe đò… rồi hắn lên nước không coi ai ra gì; biết yếu nước, nó xuống nước, bỏ nước nhỏ; được nước, thắng bé càng khóc to… nó bơi môn  toán: tràn ngập niềm vui, hạnh phúc dâng trào, công việc lút đầu; ngập lặn trong cuộc tình, mới đến còn lạ nước lạ cái, quen nước quen cái, tình cảm cạn kiệt… Sở dĩ nói được như vậy là vì người Việt thường dùng miền nguồn sông nước để ánh xạ lên rất nhiều miền đích thông qua các ẩn dụ  ý niệm  như: Con người là nước, Hành trình đời người là hành trình dòng sông, Cuộc đời là dòng sông, Xã hội là vật chứa nước, Nội tâm là mạch nước, Ngôn ngữ là vật chứa nước, Cảm xúc là nước, Ứng xử của con người là hoạt động, trạng thái, tình chất của nước.
Có thể tiếp tục nhận diện, phân loại và giải thích một số đặc điểm ánh xạ của người Việt, xuất phát từ một số miền ý niệm nguồn quen thuộc như núi đồi, cây cối, mưa bão, thực phẩm, tri thức, vật dụng… trong mối quan hệ với miền ý niệm đích như cuộc đời, đời người, cảm xúc, lẽ sống, cái chết, không gian, thời gian… mà theo ghi nhận sơ khởi của chúng tôi, là có nhiều khác biệt so với tri nhận của người phương Tây.
4/10/2020
Trịnh Sâm
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...