Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Bút pháp già dặn trước một hiện thực dài rộng, bộn bề

Bút pháp già dặn trước
một hiện thực dài rộng, bộn bề…

Từ tiểu thuyết Ma làng (2001) rối Đồng làng đom đóm (2009), Ông Mãnh về làng (2011), Cổ tích đời người (2015) và bây giờ là Rừng lân tinh; có thể là còn nữa. Nhưng thế thôi cũng đủ vinh danh nhà văn Trịnh Thanh Phong là một trong những cây bút viết về làng quê Việt Nam thời hiện đại thành công đáng trân trọng. Để bàn về đề tài làng quê trong sáng tác của Trịnh Thanh Phong chắc phải có một chuyên luận công phu tổng hợp. Bài viết này chỉ đề cập tới tiểu thuyết Rừng lân tinh, cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông do Nhà xuất bản QĐND ấn hành vào năm 2021.
Hiện thực được tái hiện, quán xuyến trong tác phẩm là những diễn biến của làng quê Việt Nam khoảng thập niên 70 thế kỷ trước đến những năm gần đây của thế kỷ 21. Đó là những năm tháng làng quê Việt Nam chủ yếu là ở miền Bắc đầy biến động phân hóa dữ dội… Một hiện thực dài rộng trong khoảng không gian, thời gian ấy là “rừng người” với khoảng chìm nổi được mất đang xen. Nói như nhà văn, những điều đó như một thứ ánh sáng, đó là “Ánh sáng lân tinh được hình thành từ những thân cây gỗ hoai mục nhưng lại tỏa sáng” (Tr.283). Quả thật nhà văn đã phát hiện ánh sáng mà con người ở cái làng Vống phát ra. Thiết nghĩ với một nhà văn, điều mà người đọc chờ đợi ở tác phẩm của họ không phải là mô tả, kể lại, sao chép hiện thực mà nhà văn đó đã đề xuất được những vấn đề gì về thái độ của con người với cuộc sống… từ đó giúp cho con người sống tốt hơn và đẹp hơn. Với tiểu thuyết Rừng lân tinh, Trịnh thanh phong đã xây dựng tiểu thuyết của mình theo xu hướng này.
Tiểu thuyết mở ra là một không gian đêm đẫm màu sắc “ma mị” tiếng con chim Hú Hò khi xa, khi gần… chắc đấy là một loài chim đáng sợ, chỉ xuất hiện vào đêm tối ở những làng quê hẻo lánh. Tiếng kêu của nó luôn dự cảm những điều không tốt lành theo quan niệm của dân gian… Trong không gian rùng rợn ấy chỉ có một người duy nhất, đó là Cưỡng. tồn tại cùng nó cần phải có một cứu cánh, phải có một chỗ dựa. Chính lúc ấy trước mặt Cưỡng bỗng hiện ra những đồng đội thân thiết nai nịt đầy súng đạn quanh mình (Tr.6). Đầm nước, gò Hủi, đêm tối, tiếng chim hú hò đã nhường chỗ cho những hồi ức bừng sáng, sống động trong lòng về đồng đội một thời binh lửa. Từng khuôn mặt thân yêu với những Chung Quắt, Bống Kều, Ba Quậy, Bình Dưa, Ánh Lùn… lần lượt hiện lên sát kề bên Cưỡng. Mỗi tên đồng đội gắn với một phụ từ chỉ rõ đặc tính, hình dáng của họ, đủ nói lên sự gắn bó máu thịt của Cưỡng với đồng đội một thời sống chết bên nhau… Cưỡng đã có một cuộc hội ngộ bằng hồi ức tự thoại đầy xúc động. Cuộc hội ngộ này cho anh trở lại chính mình sau những tháng ngày giải ngũ về quê gặp biết bao ngổn ngang, khó quẫn…
Chung Quắt đã sang sảng nói với anh: “Lần về cội nguồn bắt đầu bằng những thằng nhà quê dắt con trâu ra đồng chăn thả, cắp quyển sách đến trường lần con chữ. Đừng lúc nào cũng úp mặt soi vào những tấm huân chương mà ủ ê, hãy ngẩng đầu lên nhìn giời mà sống…” (Tr.10). Lời của Chung Quắt nói với Cưỡng nhưng thực chất đó là tiếng nói vang lên từ trong tâm thức của Cưỡng sau những giờ phút gặp gỡ đồng đội đã hi sinh, đón nhận “mệnh lệnh: “Ngẩng mặt lên nhìn trời mà sống”. Cưỡng đã trở về với bản ngã của mình. Vẫn là con chim hú hò trong đêm nhưng anh thấy nó đẹp chứ không phải là con chim dữ như người làng nói.
Vẫn là gò hủi với cái đầm lầy, bờ lau sậy cùng bao chuyện hãi hùng nhưng trong anh, ý thức sống vụt lên “những ý nghĩ chống chọi trong đầu Cưỡng nhập nhòa” (Tr.12). Anh lấn tới, đi tiếp như một sự liều lĩnh thách thức ngoài mặt trận. “Phải lần xuống cái bãi lau sậy xem sao, nó có hồn ma, ông hủi, bà hủi trong câu chuyện làng kể vả nhỡ nó có nhập vào thì chết cũng được rồi, tiếc gì đời nữa. Nếu trúng hủi thật thì cứ sẵn lau sậy đấy chất vào tự thiêu luôn khỏi phiền đến ai”. (Tr.12)… Đọc kĩ cuốn tiểu thuyết, người đọc dễ dàng nhận ra và chấp nhận tâm lý dữ dội của nhân vật Cưỡng trong đêm ở Gò Hủi. Từng là một người lính lặn lội nơi chiến trường, bao đồng đội đã hi sinh cho một ngày toàn thắng. Sau chiến tranh được ra quân, trở về quê làng chỉ có một ước mong thấy quê hương đổi thay yên bình sau những năm tháng binh lửa “thắt lưng buộc bụng” để giành lại tự do độc lập. Còn mình có một cuộc sống bình dị phụng dưỡng mẹ già, lấy vợ sinh con, cày cuốc ruộng đồng, con trâu, cái cày, cái cuốc…
Rừng lân tinh – Tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong
Ngày về Cưỡng được lãnh đạo địa phương và hợp tác xã ưu tiên cho làm thủ kho hợp tác xã, cái kho toàn là những cuốc xẻng cày bừa hỏng, lúa ngô đỗ, lạc… trông vào đấy cũng đã thấy sự thiếu đủ của làng quê anh. Rồi anh chứng kiến hình ảnh đám người ngày ngày ăn trắng mặc trơn ngồi hàng dãy dài ở cái trụ sở hợp nhất rồi họp hành tụ tập cấp trên cấp dưới, lợn gà, gạo nước trong kho sẵn đấy bù khú với nhau lại còn chia phần to phần bé gói ghém mang về nhà… Cưỡng bắt đầu thấy căm ghét đám người ăn không ngồi rồi kia chả khác nào đám giặc rằn ri ngày còn ngoài mặt trận. Cưỡng trộm nghĩ: chẳng nhẽ bao nhiêu ngày đi đánh giặc, bao nhiêu đồng đội bạn bè ngã xuống để bảo vệ giữ gìn cho cái đám kia sống sao? (Tr.30)
Với Cưỡng giọt nước tràn ly là khi người ta đến dựng anh dậy vào lúc 12 giờ đêm để mở cửa kho lấy thực phẩm cho buổi chè chén tiếp khách cấp trên của lãnh đạo làng Vống. Anh đã nói với chủ văn phòng:  Chú về đi, bảo các lão ấy giờ này chỉ bố thằng Cưỡng chết thì mới đi nhé. Các lão ấy muốn bồi dưỡng thì đập khóa nhà kho ra. Vô lối thật.
Tất nhiên sau sự cổ động trời ấy chức thủ kho của anh mất. Cưỡng được điều ra tổ làm đất đắp bờ mương máng, đường xá của xã. Ai ngờ tai họa lại ập tới. Đó là khi anh đọc bài về vui vẻ cho mọi người cười, ai dè trong đám người đào đất cũng có kẻ được cài cắm. Cô Nấng chưa chồng nhờ anh chép bài vè vào giấy. Anh vui vẻ làm, thế là cô ta lại mang tờ giấy ấy cho lão Chạng (lãnh đạo địa phương). Anh bị quy tội phản động tuyên truyền chống đối nói xấu cán bộ làm cản trở con đường lên chủ nghĩa xã hội. Thế là anh bị dân quân trói dẫn về trụ sở Ủy ban.
Vì chuyện đó, Cưỡng bị điều vào lũng Sóc chăn dê. Tưởng đã yên trong cái lũng xa làng, xa người, đâu ngờ một buổi đám dân quân xã ập đến bắt Cưỡng, buộc cho cái tội thông đồng với bọn đầu trộm đuôi cướp bắt trộm dê của hợp tác xã. Chúng cột con dê lên cổ anh dẫn anh đi khắp làng khắp xóm rồi lôi đến trình Ủy ban xã… Sau sự cố ấy Cưỡng bị đẩy ra tổ làm phân của hợp tác xã. Với anh đúng là bị đẩy đến bước đường cùng. Rồi mẹ anh già yếu qua đời. Lúc này Cưỡng đã trút bỏ tất cả mọi sự o bế để chọn con đường sống, anh không thể chấp nhận cuộc sống ở cái làng Vống với sự nhẫn nhịn cam chịu những bất công dọa nạt.
Có thể nói cái đêm Cưỡng gặp bác Sông ở gò Hủi như một định mệnh. Cuộc gặp ấy cho anh thấy được một nghị lực sống đáng kính trọng. Bác Sông, người cựu chiến binh thời kháng chiến chống Pháp, rời quân ngũ về quê từng tham gia công tác chính quyền, làm chủ tịch xã kiêm xã đội trưởng, sống cùng một đội ngũ cán bộ biến thái, bác đã phản ứng, đấu tranh để rồi bị bọn chúng đuổi vào gò Hủi… Cơ cực khốn cùng vì ruộng đất bị hợp tác xã giữ lại, gánh nặng gia đình, rồi việc học hành của con cái… bác đã nhẫn nhục viết đơn chấp nhận tất cả những tội danh vu khống mà bọn chúng quy chụp để được trở lại làng. Lão Chạng, kẻ đại diện chính quyền làng Vống, đã lớn tiếng hắt hủi tàn nhẫn: “Đồ con hủi còn dám vác mặt về đây à. Cứ tưởng bỏ hợp tác xã thành chúa đất à. Giờ hết đường lại tìm về hợp tác xã à… Nói rồi lão đóng sập cửa”. (Tr.20). Sự tủi nhục không làm bác gục ngã, ngược lại càng quyết tâm vượt thoát. Trở lại gò Hủi, bác gây dựng một mô hình làm ăn với ao hồ cây cối rau quả, hệ thống chăn nuôi lợn gà… biến một phần của gò Hủi thành một nông trại khang trang trù phú.
Cưỡng đến với gia đình bác Sông là tìm đến người cùng chỉ hướng với mình. Nơi ấy là mái ấm gia đình yêu thương đùm bọc Cưỡng. Anh đã trở thành người con trong gia đình đó khi kết hôn với Hứa, người con gái đầu lòng của bác Sông
Cũng cần nói đến một nhân vật nữa đấy là Ve trong tiểu thuyết Rừng lân tinh của Trịnh Thanh Phong. Ve từng là cô thanh niên xung phong trên các tuyến đường bom đạn thời chiến tranh, cô về quê khi đất nước hòa bình rồi lấy chồng sinh con sống một cuộc đời nông dân bình dị trước khi trở thành Chủ tịch xã Trường Minh (làng Vống), rồi làm bí thư. Cô là đội trưởng đội làm phân cho hợp tác xã. Đây là nơi Cưỡng từng làm việc. Khi ấy bọn trẻ trong làng từng gọi anh là “Cưỡng cứt”. Nghệ thuật dùng ngoại hiện để thể hiện nội tâm nhân vật được Trịnh Thanh Phong sử dụng rất thành công khi khắc họa tính cách và phẩm chất của nhân vật Ve.
Ở tổ làm phân, lúc nào cô cũng cười nói vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Ngày Cưỡng về tổ, cô đã đề nghị anh thay mình làm tổ trưởng. Chi tiết nhỏ ấy đã cho ta thấy Ve không phải dạng người tham quyền… Không chỉ là người hồn nhiên, chân thật mà Ve còn là người có lòng vị tha cao cả. Cô nắm bắt tình hình nội bộ lãnh đạo cũng như mọi vấn đề của làng xã một cách sâu sắc. Điều đó được thể hiện khi cô giải quyết những vụ việc ở địa phương: “Im thì không im nhưng phải làm tận gốc, xóa tận gốc những mầm mống tạo loạn gây lộn xộn làng xã… vậy làm việc đó chúng ta phải tự đối chất với chính mình đã chị Nấng ạ” (Tr.279); hay: “Không phải là hoài nghi mà mọi việc đều có bằng chứng rất cụ thể. Có điều người trong làng xã với nhau ta yêu thương đùm bọc nhau mới khó chứ mưu toan, lật lọng để hại nhau đưa nhau vào tù thì khó gì” (Tr.280). Tấm lòng ấy, cách đối nhân xử thế ấy của Ve đã giúp cho những kẻ vốn đó kỵ với cô tỉnh ngộ, đi từ gian dối đến nhận ra nhân cách làm người qua sự giúp đỡ của Ve.
Qua các nhân vật như bác Sông, anh Cưỡng, cô Ve… Trịnh Thanh Phong đã khắc họa được chân dung những người cán bộ cần có ở làng quê hôm nay. Đó là những người sống có tâm, hết lòng với làng quê nơi mình sinh ra. Họ là tấm gương để làng xã kính trọng và noi theo. Họ gương mẫu làm việc để xóa đói giảm nghèo, tạo dựng một nông thôn mới. Đúng như Ve nói: “Phải làm tận gốc, xóa tận gốc những nền móng tạo loạn gây lộn xộn làng xã…”.
Với bút pháp già dặn trước một hiện thực dài rộng, bộn bề Trịnh Thanh Phong không sa vào mô tả, kể lể mà nhà văn đặt số phận nhân vật vào đó với tất cả diễn biến… Từ đó người đọc tự định vị, tái hiện hiện thực đã diễn ra lúc bấy giờ. Ví như qua nhân vật Cưỡng, anh từng là dũng sĩ diệt Mỹ những năm chiến tranh. Đã có lúc người ta muốn phong anh danh hiệu anh hùng. Ấy thế mà khi về quê có đến hai lần bị dân quân xã bắt trói với những tội danh họ dựng lên như: chống đối, nói xấu cán bộ, tội ăn cắp… Hay như bác Sông người ta đuổi cả gia đình vào gò Hủi…
Ở một làng quê mà lãnh đạo “tùy thích” bắt người, đánh người, đốt nhà, đuổi dân,… như lão Chạng trong tiểu thuyết “Rừng lân tinh” là một loài ác bá ở làng quê một thời. Vì chức quyền chúng không từ một loại thủ đoạn nào. Bao quanh chúng là một lũ thân cận, chuyên làm những việc áp bức bóc lột để hại người dân… Ngay làng Vống cũng đã đến lúc phải đổi mới, cái tinh thần “chín bỏ làm mười”, “một điều nhịn chín điều lành”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng” chính là kẽ hở cho bọn xấu lợi dụng. Ví như khi gia đình bác Sông bị đuổi vào Gò Hủi, Cưỡng bị buộc tội ăn trộm dê… mọi người đều biết họ oan nhưng tất cả đều im lặng, để mặc bọn ác hành xử.
Như trên đã nói điều mà người đọc chờ đợi ở một tác phẩm văn học không phải là sự mô tả, kể lại hiện thực, mà là nhà văn đó phải đề xuất được những vấn đề mang tính xã hội… Ở phương diện này, tiểu thuyết Rừng lân tinh Trịnh Thanh Phong đã thành công đáng trân trọng. Qua tiểu thuyết của mình, nhà văn đã cho ta thấy – Ở làng quê hôm nay phải có một đội ngũ cán bộ đủ tâm, tài năng và năng động lớn lên từ lòng nhân dân, được nhân dân tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi công việc của làng xã thì lòng người mới an, thôn quê mới lớn lên được. Vì vậy làng quê với những truyền thống ngàn đời cũng đến lúc cần điều chỉnh một số quan điểm về ứng xử, đổi mới… Và những cán bộ làng xã như lão Chạng phải loại bỏ, nếu không nó như một thứ bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm luôn kìm hãm sự phát triển của làng quê.
11/1/2023
Trần Khoái
Nguồn: Báo Văn Nghệ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...