Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài
vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyện đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài mùng 10 tháng giêng âm lịch. Thậm chí có nhiều bài báo hướng dẫn mâm cúng Thần Tài như thế nào, văn khấn Thần Tài ra sao, những điều gì cần kiêng kỵ trong ngày này… Vậy ngày mùng 10 âm lịch có phải là ngày cúng Thần Tài hay không?
Trong Tết Nguyên đán năm 2022, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đã xuất bản một poster đặc biệt cho ngày Thần Tài vào mùng 5 Tết âm lịch
Từ trong tư liệu, sách vở khảo cứu
Rất khó để xác định tục cúng Thần Tài của người Việt Nam bắt đầu từ đâu. Nhưng rõ ràng đây không phải là một phong tục có truyền thống lâu đời. Những bộ sách khảo cứu của Lê Quý Đôn như “Phủ biên tạp lục”, “Kiến văn tiểu lục” ra đời vào thế kỷ 18 đều không có nói gì về tập tục thờ Thần Tài.
Sang đến thế kỷ 20, những sách khảo cứu về văn hóa Việt Nam như “Việt Nam phong tục” (1915) của học giả Phan Kế Bính, “Việt Nam văn hóa sử cương” (1938) của học giả Đào Duy Anh, “Văn minh Việt Nam” (1944) của học giả Nguyễn Văn Huyên… và các sách nghiên cứu về văn hóa Việt Nam sau này của các tác giả như Toan Ánh, Phan Ngọc, Trần Quốc Vượng, Chu Xuân Diên, Trần Ngọc Thêm… đều không đề cập đến tập tục thờ Thần Tài.
Vậy tập tục thờ Thần Tài của người Việt có từ đâu? Khảo lại tư liệu sách vở thì có thể thấy trong bộ từ điển giải nghĩa tiếng Việt ra đời sớm nhất ở Việt Nam là “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) của Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong đó ông viết: “Thần thổ, thần tài: thần đất, thần giữ tiền bạc”. Đáng chú ý là Huỳnh Tịnh Paulus Của là người miền Nam. Cũng ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX có bài thơ “Vịnh Thần Tài” của ông Đồ Sáu Mới tức là Võ Văn Tân (1864 – 1927). Ở miền Bắc, có thể nhắc đến nghiên cứu của Marcus Durand về tranh Đông Hồ vào năm 1960. Marcus Durand cho biết có một bộ sưu tập tranh Đông Hồ của trường Viễn Đông Bác Cổ được triển lãm lần đầu vào năm 1946, trong đó có một bức tranh tên là “Tăng phúc Thần Tài”. Tức là bức tranh này và khái niệm Thần Tài đã xuất hiện trước năm 1946.
Tuy nhiên trong suốt một thời gian dài, người Việt Nam không có tập tục cúng Thần Tài. Một số người cho rằng tục cúng Thần Tài là theo phong tục của người Trung Quốc. Nhưng điều này cũng không đúng. Ngày mùng 5 Tết Nguyên đán mới là ngày cúng Thần Tài theo truyền thống của người Trung Quốc. Trong Tết Nguyên đán năm 2022, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đã xuất bản một poster đặc biệt cho ngày Thần Tài vào mùng 5 Tết âm lịch. Poster mang tiêu đề  là “Chào đón Thần Tài”. Tân Hoa Xã cũng cho biết thêm: “Vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, người dân đón mừng Thần Tài đến nhà của họ. Chào đón Thần Tài là phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Thần Tài được tin là sẽ mang lại tài lộc cho con người”.
Các trang web giới thiệu văn hóa Trung Quốc như China Culture, Chinese Fortune Calendar, Better Chinese… đều có giới thiệu về ngày cúng Thần Tài vào mùng 5 Tết Nguyên đán, cho biết đây là ngày sinh của Thần Tài và nhấn mạnh trong ngày này, người dân sẽ đốt pháo, cúng bánh kẹo, hoa quả, đèn nến, hoa cho Thần Tài. Một số nơi thì sẽ cúng bánh bao do họ quan niệm bánh bao có hình dáng giống như thỏi vàng hoặc cúng cá do là “ngư”  (魚) trong tiếng Trung phát âm giống như “dư”  (余) là dư thừa (đều phát âm là yu) để mong cho sung túc, thừa thãi.
Hiện nay nhiều gia đình người Hoa sống trong vùng Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) vẫn giữ tập tục cúng Thần Tài vào ngày mùng 5 Tết Nguyên đán và không đi mua vàng. Nhiều gia đình sống ở cả hai miền Nam Bắc qua nhiều thế hệ đều khẳng định rằng tục cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 Tết âm lịch mới phổ biến trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây cùng với tục đi mua vàng cầu may.
Tục cúng Thần Tài vào mùng 10 Tết âm lịch của người Việt Nam xuất phát từ đâu?
Theo các sách nghiên cứu về văn hóa Nam Bộ thì Nam Bộ là mảnh đất hỗn dung, tiếp biến các văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng qua sự cộng cư, giao lưu của nhiều dân tộc cùng chung sống trên mảnh đất này. Người dân Khmer nơi đây có tập tục cúng Ông Tà (tức là Thần Đất theo tín ngưỡng của người Khmer) vào ngày 10 tháng giêng âm lịch. Sau đó người Hoa đến vùng đất này, mang theo tập tục thờ cúng Ông Địa (tức là Thần Đất) và Thần Tài, hình thành nên một câu thành ngữ khác là “Đất Ông Tà, nhà Ông Địa”. Văn hóa nông nghiệp truyền thống của người dân Việt Nam không có khái niệm Thần Tài. Thần Tài là sự ảnh hưởng, du nhập của văn hóa Trung Quốc, nơi vốn có truyền thống giao thương, buôn bán. Chính vì thế trong giai đoạn đầu giao lưu, tiếp biến văn hóa, các khái niệm như Thần Đất, Thần Tài đã hòa quyện với nhau và người dân Nam Bộ thường thờ chung hai vị Thổ Địa và Thần Tài.
Ngược dòng lịch sử, từ thời Hán ở Trung Quốc, chính trị gia và là nhà văn Đông Phương Sóc đã viết về quan niệm của người Trung Quốc về sự sinh sôi, nảy nở của vật và loài trong trước tác “Thần dị kinh” (Sách ghi chép về những chuyện thần kỳ, quái lạ), trong đó ông cho rằng Tết Nguyên đán nên ăn mừng đến 7 hoặc 10 ngày vì: “Mùng 1 sinh ra giống gà, mùng 2 sinh thêm chó, mùng 3 sinh heo (lợn), mùng 4 sinh dê, mùng 5 sinh trâu, mùng 6 sinh ngựa, mùng 7 sinh ra loài người, mùng 8 sinh ra các loại ngũ cốc, đến mùng 9 sinh trời, mùng 10 sinh đất”. Như vậy mùng 7 là ngày con người sinh ra nên tính là hết Tết, còn mùng 10 là sinh ra đất. Đây cũng là nguồn gốc của câu thành ngữ Nam Bộ: “Mùng 9 vía trời, mùng 10 vía Đất”. Từ đó có tập tục cúng Thần Đất vào ngày mùng 10 âm lịch tháng giêng.
Khi người Hoa di cư đến mảnh đất Nam Bộ, nét văn hóa thờ cúng Thần Đất của họ đã hòa quyện với nhu cầu cúng bái thần linh của những người dân đi khai khẩn vùng đất mới, mở cõi về phương Nam. Chính vì thế, trong văn hóa Nam Bộ xưa đã hình thành tập tục cúng thần linh và các bậc tiên tiền có công khai hoang miền đất mới vào ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch, hay còn gọi là ngày “vía đất”, với quan niệm: cầu cúng Thần Đất bảo hộ cho ruộng vườn hoa màu sinh sôi, phát đạt. Đây là dấu ấn rõ nét của một nền văn hóa nông nghiệp truyền thống, mang dấu ấn giao lưu văn hóa của các dân tộc cùng sống chung trên mảnh đất Nam Bộ. Đây là một tập tục thờ cúng mang tính nhân văn, cho thấy sự biết ơn, thành kính của người dân đối với mảnh đất nơi mình sống và công lao của những người đi mở cõi khai khẩn. Mâm cúng Thần Đất truyền thống trong ngày này là những món ăn phổ biến của thời đi mở cõi như: cơm, canh rau tập tàng, cá lóc nướng…
Nhưng văn hóa Trung Hoa còn ảnh hưởng ở một phương diện khác, khiến cho tục cúng Thần Đất, Thần Tài về sau gắn với nhau, thậm chí làm cho người ta lãng quên đi nguồn gốc ban đầu của ngày 10 âm lịch tháng Giêng là cúng Thần Đất. Khi mà thương nghiệp phát triển, vai trò của người buôn bán, làm kinh doanh được đề cao, cùng với quan niệm ngũ hành vốn xuất phát từ văn hóa truyền thống Trung Quốc, sau lan rộng ra nhiều quốc gia Châu Á thì “thổ sinh kim”, tức là đất đai sinh ra vàng bạc, của cải. Đất đai vẫn là biểu trưng cho sự giàu có, no đủ, nhưng tiền tài, vàng bạc cũng trở thành một biểu tượng cụ thể, sánh vai với đất đai. Hình ảnh Thần Tài được đề cao và tập tục thờ cúng Thần Tài cũng được quan tâm, nhất là ở những gia đình làm nghề kinh doanh, buôn bán.
Vậy có thể khẳng định việc cúng Thần Tài xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với sự xuất hiện của tầng lớp doanh nhân ở Việt Nam, mà khởi đầu là ở Nam Bộ. Nhưng đặc trưng của văn hóa Nam Bộ là tính dung dị, đơn giản và hỗn dung văn hóa, nên ngày cúng Thần Tài ở nhiều gia đình người Việt đã bị đồng hóa với ngày cúng Thần Đất theo quan niệm ngũ thành “thổ sinh kim”, thờ cả Ông Địa và Thần Tài, và sau này theo thời gian, tập tục cúng này lan rộng ra mọi miền, bây giờ ít ai còn biết đến nguyên gốc của ngày mùng 10 âm lịch tháng giêng là ngày cúng Thần Đất.
Hình thành một tập tục văn hóa mới: Cúng thần tài, nên hay không?
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, ngày cúng Thần Tài được mặc định là ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch và cùng với việc cúng bái long trọng với các món “tam sên” tượng trưng cho Thổ (thịt), Thủy (tôm, cá), Thiên (trứng), các loại bánh trái hình thỏi vàng, rượu, nước, đèn nến… thì còn kèm theo việc đi mua vàng để cầu may mắn. Nhiều gia đình kinh doanh buôn bán đã xem ngày này là một ngày lễ quan trọng và trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin khá rầm rộ về ngày này. Vậy nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu có thật trong đời sống con người. Không nói đến những phương diện khác, quan niệm của người Việt Nam nói riêng, người phương Đông nói chung là “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Do vậy việc cúng Thần Tài cũng là một hình thức tín ngưỡng mang lại một sự yên tâm nhất định về mặt tâm lý, tinh thần, để cho người ta có thể tự tin thực hiện các công việc, dự định kinh doanh. Đây cũng là một sự tiếp biến văn hóa thú vị, từ một tập tục thờ cúng đậm nét văn hóa nông nghiệp chuyển sang văn hóa kinh tế thị trường trong một thời đại mới.
Tục cúng Thần Tài cũng cho thấy những ước mơ, khát vọng chính đáng của con người về một cuộc sống no đủ, sung túc, may mắn. Tuy nhiên, sự lệ thuộc quá mức vào tập tục này dẫn đến một số hiện tượng đã được phản ánh như: dậy từ 3 giờ sáng để xếp hàng chờ mua vàng, đồ cúng Thần Tài bị đẩy giá lên cao, giá vàng tăng… khiến cho tập tục này mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Thêm nữa, mọi ước mơ, khát vọng, cầu xin vào một đấng thần linh chỉ mang ý nghĩa tinh thần và điều quan trọng là chính con người phải biết nỗ lực phấn đấu, cố gắng, tích cực vươn lên trong cuộc sống, thay vì chỉ biết trông chờ vào những điều mê tín, hư ảo.
2/2/2023
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...