Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Gió qua cõi tạm

Gió qua cõi tạm

Mình đi mười bảy hải lý chỉ để ngó cảnh này, bạn nghĩ vậy, khi đứng ngay gành Chướng, trước những ngôi nhà trống. Cửa khép như chơi, bạn có thể bước vào bất cứ căn nhà nào mà không bị mấy con chó lườm nguýt.
Cảm giác như hơi ấm người chưa bị gió biển thổi tan, bởi mấy sợi tóc vướng vào ống cuốn, mấy sợi mì tôm rớt mặt bếp chưa lên meo, và mùi cơm khét ám trên vách. Chừng như bữa cơm cuối gấp gáp, vì ai cũng có nhiều chuyện phải làm cho cuộc chạy gió cuối năm. Không tiếng trẻ cười, tiếng cạo cơm cháy, chỉ nghe gió quật vào những tấm bạt cũ nát trên mái nhà, ngọn sóng văng mình vào đá.
May quá có hai bé gái tuôn dốc về xóm cũ. Nói muốn thăm cây mít trồng hốc đất sau nhà, không biết nắng mấy rày có héo chưa. Sẵn lấy cái kiếng soi bữa trước còn quên lại, “đem về cho má chải đầu”. Lúc tụi nhỏ sập cửa rời đi, bạn để ý chẳng thấy chúng ngoái lại lần nào. Nhìn trẻ con bạn liên tưởng tới người già, chắc họ sang trời cũng nhẹ như không. Đâu như vua tiếc cung điện, tướng tiếc thành khó trút tàn hơi, dân xứ hòn nói đi là đi cái rột, như mỗi năm hai bận bỏ nhà lại mà đi. Như ngài bỏ kén, chim bỏ tổ theo bầy trú đông.
Bốn ngày sau khi gia đình cuối cùng trong xóm chuyển sang gành Nam sống, ngó cái xóm bỏ không, thấy câu “đời là cõi tạm” áp vào đây vừa khít. Có khi còn tạm hơn cả tạm.
Nửa năm nhón chân gành nọ, nửa năm xóm chuyển qua gành kia, cái gọi là nhà bám trên vách đá, cột đỡ sàn gầy tong teo. Nóc và vách phủ bạt cao su, rách tã chỉ sau một mùa gió, trơ ra mấy cọng cây ven vách. Gỗ tạp ghép sàn, mảnh nào đẹp cạy đem theo, mớ bỏ lại sau một mùa không bị bọn mối mọt mở tiệc thì sóng cũng dỡ đi. Cả xóm rặt một kiểu nhà, không có biệt thự để ai đó thấy mình nhỏ bé, không có nhà lầu lấp bóng nhà tranh.
Tiềm kiếm được, ngoài áo cơm dân xứ hòn còn dành một khoản làm nhà hai lượt mỗi năm. Hỏi sao ở đất liền cho sướng, một chị cười, “trong đó đói quá mới chạy ra đây, chớ ai muốn sống ngay đầu sóng ngọn gió như vầy”. Cả xóm không mở tiệm tạp hóa thì là tiệm nước. Căn nào cũng ngó ra biển, cửa mở như con mắt theo những người đàn ông đang nuôi cá trên bè, đang ngoài khơi làm bạn ghe, hay đã bị đất liền nuốt mất. Nhưng lý do cả xóm nhón chân mé biển chẳng lãng mạn tí nào, “tụi này kiếm đồng ra đồng vô nhờ mua bán cho tàu cá, cỡ nào cũng phải bám gành”.
Những gành trên hòn được gọi tên theo gió. Tự hỏi để mài mòn một khoảng đủ cho dân trôi nổi cất vài chục căn nhà sàn, gió phải thổi tạt vách núi mấy ngàn năm? Con nít đất liền, nghe gió chướng thổi tan ẩm mốc nghĩ ngay tới Tết, tới mảnh sân bắt đầu ráo bùn sình và khi gió nam mang hơi nước về lại lục địa vừa trải qua cơn hạn, đám trẻ biết mưa đầu mùa sẽ ào tới nay mai. Riêng tụi nhỏ xứ hòn, mỗi khi gió đổi ngọn nghĩ ngay tới chuyện chuyển nhà, việc chúng trải qua ít nhất một lần lúc trong bụng mẹ. Không chờ sai biểu, tụi nhỏ tự động thu gom đồ đạc, trong lúc người lớn qua gành bên kia sửa sang (nếu sóng gió vẫn chưa san bằng nó), hoặc cất lại nhà mới, bắt đầu cho cuộc dịch chuyển đã thành thông lệ, thói quen.
Dân xóm gành sắm gì phải tính chuyện nặng nhẹ, mua cái tủ áo cũng đắn đo, tính coi kích cỡ nào thì bữa chạy gió khiêng theo đỡ mệt. Gỗ tốt, chạm trổ công phu không cần thiết, như họ chưa bao giờ nghĩ tới diềm mái, cổng rào. Thứ quan trọng nhất nhà là bàn thờ ông bà, đôi chỗ cũng chỉ một cái bàn nhỏ đặt lư hương, treo thêm một cái tranh kiếng mẻ góc trong những lần dời tổ.
Ở nơi ngoài biển chỉ thấy trời, duy nhất nỗi cô đơn là vĩnh cửu, còn lại ngó đâu cũng thấy tạm bợ. Nước ngọt nhận được từ những cơn mưa, cũng mỏng dần khi nắng dày lên. Tháng ba, mỗi gàu nước xối lên người mang theo một cơn phập phồng, khi hồ chứa đã sắp cạn, mà mây vẫn xốp nhẹ trên đầu. Giếng Tiên hết phép khô queo, tụi nhỏ nói tới tiên còn khát le lưỡi.
Nhưng không phải vì vậy mà người ta sống ngập ngừng. Quá rành đất hòn chẳng giữ được những người đàn ông vì hoàn cảnh nào đó buộc ghé qua đây, nhưng gái xóm gành vẫn yêu như trời bảo. Hạnh phúc tính từng mùa, cũng như ngôi nhà tồn tại theo mùa, có sao đâu. Cô gái lúc chiều vác ba lô giúp bạn qua vách đá, nghe đâu sinh con chưa đầy năm thì chồng bỏ vô bờ theo mối khác. Ngồi uống chưa cạn ly nước, kịp nghe thêm mấy cuộc lỡ làng. Nhiều cặp có cưới hỏi đàng hoàng, cũng tan nhanh như giỡn.
Dễ gặp mấy đứa trẻ lớn lên bên hông bà ngoại, vì mẹ cũng rời hòn lần theo dấu muối rắc sau đuôi tàu cha đi. Trên những nổi trôi, tụi nhỏ tìm được một chỗ vịn: trường học. Một căn phòng một ông thầy - lính, hai mươi hai học trò ngồi chung, theo năm lớp khác nhau. Thầy (tự nhận là tay ngang), nhưng khả năng phân thân đáng kinh ngạc. Chẻ mình cho năm lớp học trong một phòng, riêng với em lớp bảy, thầy tự chẻ nhỏ hơn khi dạy cho nó tất cả bộ môn. Đồng phục, cũng mỗi em một phách. “Xin mỗi chỗ vài bộ, nên đâu thể giống hệt nhau”, thầy cười.
Tan học, theo chân đám nhỏ xuống mấy trăm bậc thang về nhà, dọc đường nghe toàn những câu chuyện liên quan tới chữ. Nào là thuộc hết cửu chương thầy mới cho lên lớp, nào năm sau bà nội tao đón vô bờ “học tới chừng mút đọt thì thôi”, tao sau này làm cô giáo cho mày coi. Chắc nụi, như chưa từng biết bấp bênh. Cuối dốc, gặp đúng mấy đứa học trò mới vừa đồng phục ngồi trên lớp, giờ áo rách khuân vác hàng từ gành lên đỉnh hòn. Đứa nhỏ người nhất, đứng chỉ cao gấp rưỡi bậc thang, nửa tiếng trước khẳng khái nói với bạn, mơi mốt con muốn làm bác sỹ. Ướp ước mơ trong mồ hôi và gió muối, khi mỗi ngày thằng nhỏ cõng hàng trèo trên ba trăm bậc thang cộng thêm một con dốc dài, kiếm chút tiền.
Không sao, Steve Jobs, Michael Faraday cũng từng nghèo đói. Không sao, Marshall nói cây sồi trở nên mạnh mẽ trong gió ngược và kim cương hình thành dưới áp lực.
Không phải vì tạm bợ mà người ta không khát vọng chạm tay vào vĩnh cửu. Cả khi không thể gặp, cũng có phần thưởng dành cho kẻ đi tìm.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà th...