Thứ Ba, 6 tháng 8, 2024

"Đi tìm dấu vân chữ" của Hoàng Kim Ngọc: Một hướng tiếp cận văn chương

"Đi tìm dấu vân chữ" của Hoàng Kim Ngọc:
Một hướng tiếp cận văn chương

PGS-TS Hoàng Kim Ngọc đã xuất bản các tác phẩm: Từ dân gian tới nhân gian (Tiểu luận văn hóa – ngôn ngữ), NXB Khoa học xã hội, 2022; Đi tìm dấu vân chữ (Tiểu luận phê bình văn học), NXB Hội Nhà văn, 2022; cùng nhiều giáo trình, công trình nghiên cứu khác với tư cách chủ biên hoặc đồng tác giả và được nhận Giải Nhì năm 2010, Giải Khuyến khích năm 2022 của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. VHSG xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình Bùi Việt Thắng về tác phẩm Đi tìm dấu vân chữ của Hoàng Kim Ngọc.
Xuất phát điểm viết lý luận, phê bình
“Vân chữ” là cách diễn đạt của nhà thơ Lê Đạt về cá tính sáng tạo của nghệ sĩ ngôn từ. Nhân loại có hơn bảy tỷ người thì có hơn bảy tỷ vân tay. Sáng tạo văn chương tùy thuộc trước hết vào trình độ cá thể hóa cao nhất, không lặp lại, tạo nên phong cách nghệ thuật đa dạng, giàu có. Một nền văn chương phát triển bền vững ắt hẳn dung chứa nhiều “vân chữ” – biệt sắc để phân biệt các tài năng đích thực.
Cá tính sáng tạo và sự phát triển văn học là nền tảng lý luận mà tác giả tựa vững chắc khi thao tác nghề nghiệp. Cá tính sáng tạo hiển hiện trong phong cách nghệ sĩ ngôn từ. Là giảng viên khoa Viết văn – Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, hiện đầu quân cho Trường Đại học Thăng Long, tác giả của 9 công trình (giáo trình, chuyên khảo, tiểu luận – phê bình), Hoàng Kim Ngọc còn sáng tác thơ và văn xuôi nên khi viết có đủ cả trải nghiệm sống, trải nghiệm nghề, trải nghiệm văn hóa – cả ba thành tố quan trọng hợp lại thành sức mạnh của ngòi bút, dẫu là nữ nhi thường tình, song le có dư cái khí chất “tả xung hữu đột” trong nghề chữ. Nhưng quan trọng hơn, theo tôi, tác giả tập trung vào các “trường hợp”, “hiện tương” cụ thể, khá nổi bật trên văn đàn Việt Nam đương đại. Tôi coi đó là tinh thần thực tiễn cao của người cầm bút.
Viết tiểu luận hay phê bình văn học, tôi nhận thấy, tác giả có được cái ưu điểm không phải ai trong nghề cũng níu giữ được – kiên trì “bấu chặt” lấy thực tiễn văn chương, bám sát tác giả – tác phẩm, được coi là hai khâu quan trọng nhất của công việc sáng tạo, nên tránh xa được lối viết hàn lâm, trường quy, kinh viện (ai đó trong nghề không thực thi được đường hướng này thì sẽ rơi vào lối viết “trên trời”, “quan liêu”, hoặc giả “học phiệt”).
Phép phê bình văn chương
Từ lý thuyết đến thực tiễn là con đường xa nhất trên hành tinh. Trong thao tác nghề chữ, Hoàng Kim Ngọc đã cố gắng hết sức mình để rút ngắn khoảng cách diệu vợi ấy. Đó là nhờ tác giả đã vận dụng khá nhuần nhuyễn các phương pháp nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học tân tiến nhất hiện có để soi chiếu, lý giải thực tiễn văn chương theo tinh thần của Đại thi hào Đức thế kỷ 19 – Gơt (J. Goethe): “Lý thuyếy thì xám, còn cây đời mãi xanh tươi!”.
Nếu không nói là mode, thì Thi pháp học (một lý thuyết ngoại nhập) đang được vận dụng sôi nổi và có hiệu quả trong nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở ta chừng vài chục năm nay. Nhưng từ “học” đến “hành” mới là chỉ số đo hiệu quả của tiếp biến văn hóa. Thi pháp ngôn ngữ thơ Dương Kiều Minh, tiểu luận mở đầu sách gây ấn tượng. Nhà Thơ Dương Kiều Minh (1960-2012) được coi là một cây bút có thành tựu góp vào đổi mới thơ Việt Nam đương đại từ sau 1986. Tiếp cận thơ Dương Kiều Minh, tác giả vận dụng cặp phạm trù cơ bản của Thi pháp học: Không gian nghệ thuật – Thời gian nghệ thuật. Khung sườn lý thuyết có sẵn không thể sáng tạo thêm. Nhưng phần đóng góp của tác giả chính là tập trung phân tích các “biểu tượng” trong thơ Dương Kiều Minh (biểu tượng thời gian đêm, biểu tượng thời gian mùa xuân và mùa thu, biểu tượng con đường, biểu tượng cánh đồng, biểu tượng người mẹ – ánh sáng bát nhã). Biểu tượng là “phân khúc” cao nhất của sáng tạo nghệ thuật. Dường như tác giả là người “say” biểu tượng nên viết tiếp Về một biểu tượng trong thơ đương đại Việt Nam (phân tích khá thú vị về biểu tượng “lưỡi”). Trong nghệ thuật ngôn từ (đặc biệt là trong thơ), từ hình ảnh đến hình tượng, vươn tới biểu tượng là cả một chặng đường dài của tìm tòi và sáng tạo. Từ đó có thể suy ra, biểu tượng chính là phương thức nghệ thuật hữu dụng nhất để tái tạo đời sống muôn màu muôn vẻ.
Tác phẩm “Đi tìm dấu vân chữ” của Hoàng Kim Ngọc
Giới nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở ta gần đây đã vận dụng Lý thuyết tiếp nhận để giải mã văn chương trên cơ sở quan niệm về “cái chết của tác giả”. Nghĩa là, tác giả không còn quyền uy tuyệt đối như trước sau khi đứa con tinh thần (tác phẩm) rời khỏi tay mình, từ đó ý nghĩa và giá trị của tác phẩm tùy thuộc vào người đọc – chủ thể tiếp nhận dù tinh hoa hay đại chúng. Vì vậy lý thuyết đồng sáng tạo (cốt lõi của lý tuyết tiếp nhận) đã, nếu có thể nói, làm một cuộc cách mạng về cái gọi là “tác phẩm nghệ thuật như một quá trình”. Tiểu luận Đồng sáng tạo để giải mã văn bản thơ Hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn được viết công phu, thuyết phục và thú vị với người đọc, đánh tan mối nghi ngờ thường trực về phê bình “thiếu và yếu”, thậm chí “tụt hậu”, hay “có cũng được không có cũng chẳng sao”. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã đem đến cho bạn đọc những mới, lạ khi ngôn ngữ thơ trong tay thi sĩ có sức mạnh mềm. Tôi đặc biệt chú ý đến luận điểm: “Dấu ấn vô thức trong sáng tạo hình tượng” (ví dụ hơn 30 lần tiếng chuông nhà thờ xuất hiện trong Tuyển tập thơ Mai Văn Phấn, nếu ta biết quê thi sĩ ở Kim Sơn, Ninh Bình, không gian của Thiên chúa giáo) khi tác giả giải mã thơ Mai Văn Phấn trong tiểu luận vừa nêu trên. Đồng thời, quan trọng hơn, tác giả không triệt để đề cao vô thức ở nhà thơ này khi sáng tác, bởi “Mai Văn Phấn là thi sĩ sáng tác theo lối tự giác (hữu thức)”. Người đọc tinh hoa thời nay có tâm lý đón đợi những “tín hiệu thẩm mĩ” phát khởi từ tác phẩm của nghệ sĩ ngôn từ. Tiểu luận Tín hiệu thẩm mĩ trong Chút sen còn lại của Hồng Thanh Quang, theo tôi biểu đạt một lối viết tinh tế của một người viết nghiên cứu, lý luận vừa giàu năng lực phân tích khái quát, vừa giàu năng lực cảm thụ, nhạy cảm và tinh tế; tác giả trong trường hợp này đã đóng “vai kép”, kéo độc giả lại gần văn bản nghệ thuật, trao cho họ “chìa khóa” để thẩm sâu hơn vào thế giới thơ ca vốn được coi là “vương quốc của cái đẹp”.
Trực giác và lý tính được coi như một cặp bài trùng khi tiếp cận văn chương, nhất là thơ ca, đòi hỏi người giải mã văn bản nghệ thuật phải có trước hết năng lực trực giác từ đó mách bảo, chỉ dẫn tìm ra những con đường, dẫu dài hay ngắn, nắm bắt được thần thái của văn bản nghệ thuật. Trong trường hợp này ấn tượng đóng vai trò tiên quyết. Nếu đọc văn bản nghệ thuật bắt đầu bằng lý trí (lý tính) thì may ra tìm được cái “đúng”, song le có thể chưa tìm ra được cái “hay”. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật cái đúng chỉ là điều kiện “cần” chưa phải là điều kiện “đủ”. Lý luận, phê bình cần đúng (định hướng) nhưng nếu chưa hay thì chỉ mới đi được nửa chặng đường tới đích, thậm chí có người đánh giá như thế chỉ mới “thành công một nửa”. Tôi thấy tác giả đã nỗ lực để vượt qua cái ranh giới có vẻ như vô hình nhưng thực ra hữu hình của “thành công một nửa”. Thơ Hồng Thanh Quang tất nhiên không phải tất cả đều hay. Nhưng đến Chút sen còn lại thì, theo tôi, đã chín, đã bay lên khi nhà thơ “ngoái đầu nhìn lại” số phận mình đã nhận được ân huệ của thời gian, của cuộc đời để vượt qua ngưỡng sinh tử vốn lẽ tự nhiên. Hình như khi đối diện với cái hủy diệt, con người ta cần có “liệu pháp tinh thần” để vượt qua những “ba-ri-e”. Cách tốt nhất là trở về, hòa mình vào thiên nhiên, tìm lấy sinh khí từ tự nhiên, cầu khấn được bà mẹ tự nhiên vĩ đại hằng che chở, cứu rỗi: “Có lẽ chưa một nhà thơ nào viết về sen nhiều như Hồng Thanh Quang. Khảo sát 63 bài thơ trong tập thơ Chút sen còn lại, bài nào cũng có hình ảnh sen. Sen không chỉ có mặt ở nhan đề tập thơ mà sen còn xuất hiện trong tên của nhiều bài thơ như: Cho một loài sen, Đời sen, Thiếu phụ đầm sen, Tháp Mười vẫn đỏ màu sen, Dư sen, Viết giữa đầm sen, Những bông sen màu đại dịch, Có bùn mới ngát hoa sen, Bão thì mặc bão sen vẫn nở, Vô đề sen, Luyến sen, Sen cuối mùa thu thơm bàn tay thiếu nữ, Nhìn sen chỉ nhớ em thôi, Cảm ơn người tặng sen hồng, Hạ tàn bình vẫn hồng sen, Bạch liên, Chút sen còn lại như tình…”. Tác giả giải thích cặn kẽ hơn như muốn khuyến dụ người đọc: “Tại sao Hồng Thanh Quang lại chọn sen làm nhãn tự cho tập thơ mà không phải là một từ khóa khác? Phải chăng, sen từng là biểu tượng của cái Đẹp trong văn hóa Việt”. Một câu hỏi đặt ra hàm ẩn một câu trả lời thỏa đáng, có tính gợi mở với độc giả.
Tôi đã đọc tập thơ Giấc mơ sông Thương Nguyễn Phúc Lộc Thành (đọc cả tiểu thuyết Cõi nhân gian, 4 quyển, 8 tập, gần 2000 trang, xuất bản 2022 của anh), thấy hay. Nhưng tôi tự nhận mình là người không sành phê bình thơ. Nay đọc Thiên tính nữ trong Giấc mơ sông Thương của Nguyễn Phúc Lộc Thành (bài viết 22 trang) có được cảm giác đồng điệu. Lối văn phê bình như thế này, tôi nghĩ, người phê bình thơ đồng cảm với người làm thơ: “Trên nền nhạc của dòng sông, âm hưởng trữ tình của giấc mơ sông Thương được ngân lên từ giai điệu dòng sông – đời người mà hai nốt chủ âm là Em và Mẹ đã tạo cho tập thơ mang vẻ đẹp thiên tính nữ. Thiên tính nữ ở đây được thể hiện qua cảm hứng ngợi ca thiên nhiên mang vẻ đẹp hình thể phồn thực, quyến rũ của người phụ nữ, đặc biệt là nhân vật trữ tình Em và sự đồng cảm xót thương, biết ơn, trân quý, người phụ nữ, đặc biệt là người Mẹ trong tâm thức văn hóa Việt như một điển mẫu. Tập thơ đã thể hiện mỹ cảm tính dục, mỹ cảm nhân văn, mỹ cảm thiên tính nữ của Nguyễn Phúc Lộc Thành”. Tôi cũng đã váng vất nghĩ đến cái gọi là “nhục cảm thăng hoa” trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành khi 2018 dự ra sách thơ Giấc mơ sông Thương và được tác giả ký tặng. Nhưng cái váng vất đó chỉ mới âm ỉ lưu trú trong tiềm thức, nay đọc phê bình của Hoàng Kim Ngọc, tự nhiên thấy phát rạng, rõ hơn, thấm thía hơn.
Trong 20 tiểu luận – phê bình trong tập Đi tìm dấu vân chữ của Hoàng Kim Ngọc, rõ ràng viết về thơ nhiều hơn (16/20) và cũng hấp dẫn hơn phần viết về văn xuôi. Tôi nghĩ đó là sở trường của tác giả. Nhưng rồi ngạc nhiên khi thấy Hoàng Kim Ngọc cũng không xuống tay phát huy sở trường khi phê bình văn xuôi. Tham – sân – si, bi kịch của con người trong Cõi nhân gian, Nghĩ về viết ngắn và những “viết ngắn” trong Trần gian muôn nỗi của Văn Giá, Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Trọng Khơi, Cảm thức hậu hiện đại trong tiểu thuyết giả tưởng Nền văn minh chợt tắt. Bốn phê bình về văn xuôi chứng tỏ sự đọc của tác giả là “cập thời vũ”, vừa rộng vừa sâu, bởi đọc văn xuôi tốn thời gian và sức lực hơn thơ. Còn phê bình thơ và văn xuôi đều khó khăn như nhau nếu muốn đạt tới hay. Tôi cũng đã viết phê bình tiểu thuyết Cõi nhân gian của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nhưng đọc bài viết của đồng nghiệp, lại thấy mở ra nhiều ý tứ mới mẻ trong cách thức tiếp cận văn bản nghệ thuật (tiểu thuyết). Nguyễn Phúc Lộc Thành khi viết Cõi nhân gian đã vận dụng phạm trù mỹ học cơ bản – cái bi kịch. Hoàng Kim Ngọc đã xoáy sâu vào đường hướng này: “Tham – sân – si là ba thứ bi kịch độc luôn tiềm ẩn trong tâm trí con người. Đức Phật dạy: nguồn cội của mọi đau khổ trên đời đều từ ba việc mà ra: tham, sân, si. Trong đó, tham đứng hàng đầu, tuy nhiên, đã là con người ở đời, ai cũng có lòng tham. Tham là sự đắm say, sự ham muốn, đam mê một điều gì đó như dục tình, tiền tài, danh vọng…”. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ mới là phần luận, quan trọng là bàn, với tiểu thuyết thì bàn về nhân vật mới quan trọng, bởi tiểu thuyết sống bằng nhân vật – nơi khúc xạ tư tưởng và tài năng nghệ thuật của nhà văn. Đọc phê bình về Cõi nhân gian, thấy hiện rõ ràng các nhân vật trong cõi người ta, đứng vị trí trung tâm là Hương, anh ta như một thỏi nam châm cực mạnh hút vào từ trường của mình hàng loạt nhân vật khác đủ mọi thành phần xã hội (trí thức, quan chức, công chức, lao động bình dân, du thủ du thực, nhà báo, thương gia, Việt kiều, xã hội đen, cảnh sát,…). Cách thức đi từ nhân vật trung tâm tỏa ra các “dây mơ rễ má”, theo cách bàn của tác giả, cho thấy một một cách đọc tiểu thuyết có kinh nghiệm nghề nghiệp. Và khi tiếp cận truyện ngắn của Đỗ Trọng Khơi, Văn Giá, tác giả cũng rất linh hoạt khi đầu tư cho cái gọi là “nghĩ về viết ngắn” và “những viết ngắn. Riêng về phê bình Cảm thức hậu hiện đại trong tiểu thuyết giả tưởng Nền văn minh chợt tắt, của tác giả Võ Xuân Tòng, tôi thấy có vẻ “chín ép” khi tác giả coi tác phẩm này thuộc phạm trù “Hậu hiện đại” (!?). Tôi nghĩ “Hậu hiện đại” đích thị là “một cơn sốt nhẹ” trên văn đàn đương đại Việt.
Vĩ thanh
Sự khiêm tốn của Hoàng Kim Ngọc khiến tôi quý trọng tác giả: “Tôi vốn không phải là một nhà phê bình nhưng để có cuốn tiểu luận phê bình này, tôi xin được cảm ơn những cơ duyên” (Lời cảm ơn). Cơ duyên chính là ân huệ của thời gian và cuộc đời, không phải cứ muốn là được. Tôi cũng là người viết phê bình có ít nhiều kinh nghiệm nên chia sẻ và đồng cảm với bao nỗi nhọc nhằn của công việc “làm dâu trăm họ” của đồng nghiệp. Văn chương, dẫu sáng tác hay phê bình, thì cái “nghiệp” vẫn nặng căn hơn cái “nghề”.
5/3/2023
Bùi Việt Thắng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xuống phố

Xuống phố Sáng nay trước khi đi làm con trai nói với mẹ: - Chiều đi làm về, con chở mẹ với em đi dạo phố noel ha? - Thiệt nghen. - Dạ mẹ. ...