Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Lạc

Lạc

Bạn đùa, có khi cái cô quậy tưng bừng ở sân bay được China trả lương. Thời điểm cô náo loạn sân bay và cương quyết trình bày bản năng gốc, điên cuồng hơn thua với cuộc đời, tàu Hải Dương 8 của China quay trở lại bãi Tư Chính. Nhưng dư luận đã kịp bỏ rơi hiểm hoạ xâm lăng, tưng bừng chạy sang phía người đàn bà hành xử không phải lẽ. “Mấy rày tụi mình bỏ lớn lấy nhỏ, hao tổn tâm tư vì cổ quá”, bạn nói, có chút bẽ bàng.
Dĩ nhiên là bạn nói cà rỡn thôi, bởi thuyết âm mưu theo kiểu đó, thì người của China đang ở khắp nơi. Họ gây đám cháy, dấy cuộc thảm sát tương tàn, xúi một câu lạc bộ bóng đá bên tận trời Âu sang mua cầu thủ của mình. Và không phải tình cờ mà ngôi sao nào đó vừa chia tay, hoa hậu nào đó sắm túi giá nửa tỉ, hết thảy họ đều cố ý chọn đúng điểm rơi, nhằm lôi kéo mọi người lạc vào ma trận tin tức mà quên khuấy mất biển đảo bị giày xéo ngoài khơi.
Dĩ nhiên, bạn nói giỡn thôi.
Ngồi nhà lo thì cũng không giúp được gì, bạn kể bạn cũng từng nghĩ vậy, người ta còn phải sống. Nước cũng không mất trong ngày một ngày hai. Tư Chính tồn tại trong những lần sực nhớ, ủa rồi mấy chiếc tàu xâm lược đó còn không. Sáng cà phê hỏi nhau biển mình sạch chưa, ai nấy đều ngơ ngác. “Thiệt khác cái hồi phía họ lôi giàn khoan qua biển mình, cả nước rần rần, mọi người kéo nhau ra đường đọc thơ thần của Lý Thường Kiệt”, ai đó nhắc. Những ngã giá nào sau rèm, chúng ta không biết, nhưng chúng ta biết bày tỏ tức giận khi bị xâm phạm.
Ờ hồi đó, bị giẫm lên chân còn biết kêu đau, sao giờ thấy tỉnh như không. Những thở dài cũng nguội. Như phần da thịt mình không còn thuộc về mình. Hay là do mỗi lần dân mình lên cơn yêu nước, quan đã không khen ngợi thì thôi, còn hầm hè đe nẹt, nên dân nản rồi nghĩ không hơi sức đâu mà bày tỏ thái độ, sống thôi, sống như một con dân vô tư lự, tự cho phép mình lạc càng xa càng tốt, cho nhẹ đầu trước những toan tính rối ren.
Nhìn những cú đi lạc này, hẳn có người đắc ý. Họ đang chạm chén với nhau trên những ngây thơ vô lo này, biết đâu. Trong nghệ thuật chính trị, ngón đánh lạc hướng không bao giờ thiếu, nhưng giờ bạn ngờ là họ còn chưa ra đòn, mà đám đông ngã rạp một cách tự nguyện. “Trong đám đông đó có tao, chịu thiệt”, bạn nói. Đầu đầy chật những thông tin nửa chính thống nửa vỉa hè, lề nào cũng có, cảm thấy sự hiểu biết của mình đủ phổ quát để ngồi bất cứ đâu và với bất cứ cuộc la cà nào mà không bị tụt lại đằng sau.
Nhưng sáng nay, bà giúp việc hỏi mấy chiếc tàu China mấy rày ngạo ngược chạy qua biển nước mình, nay đã về chưa, bạn không biết trả lời sao. “Đâu phải đất của mụ nội họ, mà chạy qua bày đặt thăm dò”, bà già nói thêm, rồi quạu quọ cắp giỏ đi chợ. Ở chợ bà sẽ biết được tin tức chiếc tàu, trong lúc lặn ngụp qua những tin bể hụi, đánh ghen. Và tin Tư Chính bà thu nhặt được biết đâu chỉ là tin giả, nhưng quan trọng gì, bà nhớ tới vùng biển đảo đó, và không bỏ rơi nó.
Bà giúp việc từng làm bạn giật mình khi dạy thằng con bạn khi nó bị ức hiếp ở trường, “bị đánh là phải kêu đau, la cho thiệt lớn, la hoài huỷ, rồi sẽ có người nghe. Không kêu thì ai biết đâu mà giúp”. Bà nói cá kèo bị nhốt muối còn giãy đành đạch tới lúc cuối cùng.
Giờ nhớ lại lời bà bữa đó, bạn nghĩ tới mình. Những nửa đêm kể từ cuộc xâm phạm ngạo ngược nọ, bao lần tỉnh giấc bởi mưa khuya, bao lượt lăn trở mà vẫn chưa ngủ lại được, bạn không một lần sực nhớ quê hương còn mất.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...