Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

Làm cho biết

Làm cho biết

Bảy nhắn tin vào máy tôi, "Viết văn không lo viết văn bày đặt vô Hội đồng nhân dân chi vậy không biết?". Ui cha, Bảy đang cười mình ham hố, học đòi nhúng chân vô chính trường đây, tôi nhắn lại gọn gàng ba chữ "Làm cho biết".
Mà thật, có nhiều chuyện mình chưa được biết bao giờ, nhiều cảm giác thật lạ lùng mình chưa được trải qua. Lần đầu tiên tôi nếm trãi nỗi áy náy khi thấy người dân chờ đợi. Buổi gặp gỡ nào, tôi cũng cố đi cho thật sớm, nhưng tới nơi đã thấy họ đợi ở đó. Những ông bà già tóc bạc, những anh thanh niên làm ra vẻ chững chạc, những cô gái e thẹn cắn vành nón... nhưng tất cả những vẻ mặt đó đều nhuộm màu sương nắng. Ngoài trời mưa gió hiu hắt, họ ngồi co chân trên ghế đá, nước từ ống quần nhỏ xuống tong tong. Có người đã hối dâu con chuẩn bị cơm từ sáng sớm để ăn cho kịp đi chuyến đò đầu. Có người chuẩn bị xuồng máy lúc trời tờ mờ chưa tỏ mặt nhau, vì đường từ nhà ra xã còn xa lắm. Ngồi chờ tới giờ vào họp, tôi hay nghĩ lung tung beng, sao mình lại bắt họ lặn lội đến để gặp mình, mình phải đến với họ chứ. Chỗ mình và họ gặp nhau đáng lẽ phải ở bên một bờ kinh cạn nào đấy, chỉ cần ngồi ở đó coi con nước lờ đờ, không ai nói gì hết nhưng mình thấu được nỗi khó khăn của người nuôi tôm, trồng lúa. Lẽ ra mình phải gặp họ trong một ngôi trường trống, co ro nghe mưa và gió thốc vào để hình dung ra những con chữ run rẩy như thế nào dưới bàn tay tái xanh vì lạnh của đám học trò. Lẽ ra phải cùng bà con đi trên con đường đất, lột dép bò qua cây cầu dừa, ngồi quây quần chỗ chòi vuông hay cái rạp xuồng, uống vài ly rượu đế để cởi mở những khúc mắc của nhau ra.
Chà chà, làm được vậy sổ tay tôi mau đầy cho mà coi. Tôi sẽ ghi chép thật nhiều để làm vốn cho việc viết văn. Bảy ơi, Bảy đừng lo, đi tới đâu, làm gì, tôi cũng không quên cái nghiệp của mình, "chuyện làm ăn" của mình. Tôi còn ôm mộng in quyển ghi chép như "Năm tháng chưa xa" của Nguyễn Thi. Sinh động, chi tiết, chứa đựng thiệt nhiều hoàn cảnh, nỗi niềm của nhân dân. Đây nè, tôi ghi cũng đã nhiều câu nói thiệt là mắc cười (không hiểu sao, cười xong tôi lại thấy đau quặn cả lòng)
Một ông già hỏi: "Heo gà tụi tui cho ăn ngày ba bốn bữa thì giá rẻ. Còn vàng với sắt hỏng cho ăn sao lên giá hoài, kỳ vậy?"
Một ông già khác nói chuyện xây nhà tình nghĩa "Năm nay không cất chắc hai bà má Việt Nam anh hùng ở ấp tui cũng không còn sống để chờ. Mà, mấy ông nhà nước có cố ý làm chậm hôn ta, chậm chậm, hai bả chết rồi là xù, nhà nước đỡ tốn?!".
Một anh thanh niên bảo (anh này có nụ cười rất đẹp, nói chung ai cười đẹp là tôi nhớ lâu) "Nhà nước hay nói đảng viên, cán bộ là đày tớ của nhân dân, sao tui thấy "đày tớ" bây giờ sống ngon hơn "chủ" quá trời đất, nhậu chỗ sang, ở nhà lầu. Tui hỏng hiểu gì hết"
Một ông già khác (có chòm râu hơi dài): "Vợ tui nói bả hỏng biết mặt chủ tịch xã nhiệm kỳ rồi ra làm sao, bốn năm trời, ông này có xuống dân đâu mà biết mặt. Tui thấy mấy ông nhà nước lúc rày xa tụi tui quá, lạnh lùng với tụi tui quá. Cậu văn thư ở xã mình râu còn chưa có mà lần nào tui lại làm giấy tờ nầy nọ cậu cũng lớn tiếng rầy rà, nạt nộ".
Một bà lão (tay phe phẩy cái nón lá rách tả tơi) bảo "Tôi thấy mấy ông sai phạm làm mất tiền tỉ mà hỏng có sao hết, có người bị xử nhẹ hều, có người đưa qua làm giám đốc bên xứ... đạm gì đó (Ghi chú: Tác giả nghi là Khu công nghiệp Khí - Điện - Đạm Khánh An, chứ ở Cà Mau có xứ Đạm nào đâu). Kỷ luật mình hỏng nghiêm nên cán bộ "chơi" hoài, "ăn" hoài, ăn đâu có tội tình gì, ngu sao hỏng ăn".... Sổ tay tôi còn nhiều phát biểu mắc cười như thế nữa, Bảy à. Tôi luôn ghi vào sổ tay vì giọng văn tưng tửng của mình cần những câu nói dân dã, không quan cách ấy. Và Bảy biết không, thật lạ lùng, nhiều khi tôi không giở sổ ra nhưng vẫn nhớ rõ ràng khuôn mặt của người, nhớ từng câu, từng chữ, cái cười cay đắng, cái chém tay quyết liệt vào khoảng không...
Và từng nét mặt đè nén, dáng đi nặng nề, từng ánh mắt day diết của mỗi người khi ra về. Phải chờ lâu lắm, đoàn Đại biểu Hội đồng nhân dân mới đến, nhưng gặp nhau, trao đổi chưa được hai tiếng đồng hồ thì hết giờ. Xong, đại biểu Hội đồng đi ăn cơm với cán bộ xã. Bà con lểnh thểnh xuống xuồng, không thấy ai cười bởi trong lòng trĩu nặng những nỗi niềm chưa kịp nói, còn trong tim những ray rứt chưa kịp tỏ bày... Khi ấy, Bảy ơi, tôi đã biết so đo, lúc nhậu, hay chơi tennis mình đã có dè sẻn thời gian như thế không? Câu trả lời đắng chát.
Nguyễn Ngọc Tư
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...