Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

"Makxim Gorky là toàn bộ nước Nga" - K. Pautovsky

"Makxim Gorky là toàn bộ
nước Nga" - K. Pautovsky

Về Aleksei Maksimovist Gorky người ta đã viết nhiều đến nỗi, nếu đấy không phải là một con người vô cùng vô tận, lập tức sẽ dễ dàng bối rối, buông xuôi và không dám viết thêm, dù chỉ một dòng vào những gì người khác đã viết.
Gorky chiếm một vị trí lớn trong cuộc sống của mỗi một chúng ta. Thậm chí tôi dám dùng từ ông tồn tại trong cuộc sống mỗi người.
“Cảm giác Gorky” đó là thứ xúc cảm thường xuyên hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta.
Đối với tôi Gorky là toàn bộ nước Nga. Tôi không thể nào hình dung nổi nước Nga không có sông Volga , cũng như tôi không thể nghĩ rằng nước Nga đó thiếu vắng Gorky.
Ông là đại diện toàn quyền cho nhân dân Nga tài năng vô cùng tận. Ông yêu mến và hiểu tới ngọn ngành nước Nga, hiểu – như các nhà địa chất học từng nói, “mọi quặng vỉa”, hiểu trong không gian và trong thời gian. Không có một điều gì của xứ sở này ông xem thường và cũng không có một điều gì ông không nhìn nhận theo kiểu của mình, kiểu Gorky.
Đó là một điền chủ của mọi tài năng, người quy định nên diện mạo của thời đại mình. Từ những người như thế, như Gorky, có thể bắt đầu việc tính niên đại.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên với ông, tôi sửng sốt vì vẻ ngoài duyên dáng một cách đặc biệt ở ông, tuy lưng ông hơi còng và giọng nói khàn khàn. Vào thời điểm ấy Gorky đã ở giai đoạn chín về tinh thần và tài năng, khi sự hoàn thiện nội tâm để lại dấu ấn không xóa nhòa được trong vẻ bên ngoài, ở mọi cử chỉ, ở cung cách ăn nói, ở trang phục – tức những gì tạo nên diện mạo của một con người.
Sự duyên dáng ấy được kết bện với sức mạnh của niềm tự tin có thể thấy rõ trên những dóng tay dài rộng của ông, trong cái nhìn chăm chú, trong bước đi và trong trang phục ông vận trên người một cách thoải mái, có phần hơi tùy tiện theo kiểu nghệ sỹ.
Tôi thường hình dung ra ông như một nhà văn từng sống với Gorky ở Crưm, ở Tesseli đã kể cho tôi nghe.
Nhà văn đó một lần thức dậy rất sớm, đi tới bên cửa sổ. Một đợt sóng lớn đang chạy đuổi nhau trên biển.Từ phương Nam một cơn gió mạnh thổi tới khiến lá trong các khu vườn xào xạc, những chiếc đo gió cất tiếng kêu cót két.
Không xa ngôi nhà nơi nhà văn đang ở sừng sững một cây dương cực lớn. Hình như Gogol đã nói tới cây dương trọc trời này. Và nhà văn đã nhận ra Gorky đứng bên cây dương ấy, tay chống gậy, ngửa mặt chăm chú nhìn cái thân cây lực lưỡng kia.
Tất cả những chiếc lá nặng nề, dày bản của cây dương như run rẩy như rú rít lên trong gió. Tất cả những chiếc lá bị gió cuốn đi, phơi mặt bên kia trắng bạc. Cây dương gầm rống như có một dàn kèn đồng đang chơi.
Gorky không bỏ mũ, đứng bất động một lúc lâu ngắm nhìn cây dương. Sau đó ông lẩm nhẩm nói gì và đi vào trong vườn, nhưng thỉnh thoảng ngoái lại nhìn cây dương.
Trong bữa cơm tối, nhà văn mạnh dạn hỏi Gorky ông đã nói gì khi đứng gần cây dương. Gorky không ngạc nhiên, đáp lại:
– Thì ra có người  theo dõi mình đây ! Tôi nói gì à? Lúc đó tôi nói: Thật vững vàng biết bao !
Một lần tôi tới thăm Aleksei Maksimovist trong ngôi nhà của ông ở ngoại ô Moskva. Đang là mùa hè. Tất cả những khu vườn mướt xanh chạy dọc hai bên con kênh đào mang tên thành phố như ngập chìm trong bóng rợp của những làn mây bông đang bảng lảng trôi trên vòm trời.
Gorki nói với tôi về truyện vừa “Colkhiđa” mới đây của tôi, dường như tôi am tường thiên nhiên vùng á nhiệt đới lắm. Điều đó khiến tôi sửng sốt. Và tuy tôi và ông tranh luận với nhau về những con chó bị sốt rét ngã nước, cuối cùng ông chịu thua, thậm chí còn mỉm cười đôn hậu nhắc lại một lần trong đời ông đã nhìn thấy gần Poti những con gà xù lông, tái mào vì mắc bệnh này.
Ông nói chuyện tựa như bây giờ không ai trong chúng ta biết nói như thế – bằng một thứ ngôn từ rành rọt mà đậm đà.
Hồi đó tôi chỉ vửa mới đọc cuốn sách rất lạ của một thủy thủ của chúng ta – thuyền trưởng Gernet. Tựa đề của cuốn sách là “ Những vẩy nến băng hà “.
Gernet có một thời là đại diện của các thủy thủ chúng ta ở Nhật, ở đó anh viết cuốn sách này, tự tay sắp chữ ở nhà in bởi vì anh không tìm được ở Nhật người nào biết tiếng Nga và sách chỉ in vỏn vẹn năm trăm bản, bằng loại giấy mỏng của Nhật.
Trong cuốn sách ấy thuyền trưởng Gernet trình bày một luận chứng rất sắc sảo về việc trả lại cho châu Âu khí hậu á nhiệt đới chuyển vùng. Trong thời kỳ xẩy ra những chuyển đổi ấy dọc bờ biển vịnh Phần Lan và thậm chí ngay ở vùng Spistbergen đã sản sinh ra những cánh rừng mộc lan, thảo lan.
Tôi không thể thuật lại ở đây một cách đầy đủ luận chứng của thuyền trưởng Gernet, vì để làm được việc đó phải viện dẫn ra rất nhiều địa danh. Nhưng Gernet đã chúng minh đầy thuyết phục rằng nếu làm tan chảy được lớp vỏ băng hà ở vùng Grenlandi thì tại châu Âu sự chuyển đổi vùng khí hậu á nhiệt đới sẽ xẩy ra và hứa hẹn một kỷ nguyên vàng cho đại lục này.
Chỗ yếu duy nhất của luận cứ là sự bất khả kháng không thể nào làm tan chẩy lớp băng ở Ghenlandi.Bây giờ sau phát hiện năng lượng nguyên tử, điều này dường như có thể thực hiện được.
Tôi kể Gorky nghe luận chứng của Gernet. Ông gõ gõ ngón tay lên bàn và tôi có cảm tưởng ông lắng nghe tôi chỉ vì lịch sự. Nhưng hóa ra là Gorki đã bị luận thuyết kia lôi cuốn bởi sự hợp lý và khả năng có thể thực hiện được của đề xuất đó.
Ông thảo luận hồi lâu về luận thuyết ấy, mỗi lúc một thêm hào hứng, bảo tôi gửi ngay cuốn sách để ông đọc và để in thành nhiều bản hơn nữa ở nước Nga. Rồi ông còn nói rất lâu về những đề xuất thông minh, đầy bất ngờ chờ đón chúng ta với mỗi bước đi.
Nhưng không kịp đợi được cuốn sách của thuyền trưởng Gernet ra mắt,  Aleksei Maximovist  Gorky đã vội từ trần.
31/8/2020
Makxim Gorky
Tô Hoàng dịch
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Hoa Ngày luân chuyển theo nhịp điệu của trời đất. Sài gòn sớm mai mờ hơi sương trong se lạnh mùa noel. Thời gian như muốn tạo một dấu...